tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Bên ni / bên nớ, và Ivo Pogorelich  [đối thoại]

 

Lâu lâu lại có dịp để trao đổi với anh Chu Hà về âm nhạc. Thật là thú vị. Lần này, bài viết “Bên ni là chân lý, bên nớ là sai lầm?” của anh quả là có chất “kích thích”, khiến tôi đọc xong thì thấy hăng hái lên, bèn tạm gác lại một số công việc đang dang dở để “cầm bút” (gõ bàn phím thì mới chính xác!) mà góp đôi lời cho vui. Tôi nghĩ tới đâu thì viết tới đó, nên cứ chia thành từng đoạn cho tiện.

 

1.

 

Ý tưởng của anh Chu Hà về sự dị biệt / đối nghịch giữa “bên ni và bên nớ” (tức là miền Đông và miền Tây Hoa-kỳ) rất là thú vị. Tôi không ở Mỹ, nên không biết gì về điều này. Ở Úc, thỉnh thoảng tôi cũng nghe người ta nói về sự “kỵ rơ” giữa Sydney và Melbourne, nhưng tôi chưa thử tìm hiểu thấu đáo xem cái sự “kỵ rơ” này thực sự ra sao và ở mức độ nào.

Tuy nhiên, nếu nói một cách quy nạp rằng miền Tây ưa khen Ivo Pogorelich, còn miền Đông hay chê anh ấy, thì tôi e rằng không hẳn là vậy. Vì sao? Vì anh Chu Hà chỉ mới so sánh một bài phê bình của Mark Swed trên tờ Los Angeles Times (29/10/2004) và một bài phê bình của Anthony Tommasini trên tờ The New York Times (28/10/2006). Xét về số lượng thì chưa đủ để đưa đến một kết luận mang tính quy nạp. Biết đâu chừng lại có vài ba nhà phê bình nào đó ở miền Tây “chê” anh Ivo, và vài ba nhà phê bình nào đó ở miền Đông “khen” anh Ivo thì sao?

Và nếu quả thực là có cái sự cố tình đối nghịch giữa miền Đông và miền Tây, hễ bên ni khen tụng, thì bên nớ lại cố ý chê bai, thì những lời khen/chê ấy chẳng có giá trị phê bình gì ráo, mà chẳng qua chỉ là cái “game” để hai bên “chơi nhau” (cho bõ ghét!) mà thôi.

 

2.

 

Thực ra, tờ The New York Times (miền Đông) không hẳn là luôn “càm ràm” về Ivo. Tháng 2, năm 1987, lần đầu Ivo trình diễn tại Carnegie Hall (tức là ngay tại cái ngai vàng âm nhạc của miền Đông), thì tờ The New York Times đã có bài phê bình của Donal Henahan, “Music: Ivo Pogorelich Piano Recital”, khen Ivo quá chừng.

Nào là:

In a world overpopulated with steely-fingered athletes of the keyboard, what can a young artist do to set himself apart from the throng? Ivo Pogorelich, the Yugoslav pianist who gave a recital last evening at Carnegie Hall, has solved the problem so successfully...

Nào là:

Much of the night's pianism commanded admiration, and sometimes a kind of awe.

 

3.

 

Cũng vào năm 2004, trong lúc Anthony Tommasini của tờ The New York Times (miền Đông) “càm ràm” về Ivo, thì Donald H. Crosby của tờ The Washington Post (cũng miền Đông) lại mô tả Ivo như một nghệ sĩ độc đáo mà sự sáng tạo của anh có thể gây tranh cãi giữa những khuynh hướng thưởng thức khác nhau. Trong bài “Pianist Ivo Pogorelich, Unsettling Old Scores”, Donald H. Crosby viết:

Since his controversial elimination in the third round of the International Chopin Competition in 1980, Ivo Pogorelich has been branded an “original,” i.e. a pianist who believes strongly that if an artist has nothing new to say, he should say nothing at all. Pogorelich's admirers praise his innovations, his boldness and a musical intuition that brings fresh perspectives to old scores. His detractors, listening to the same performances, dismiss his interpretations as arbitrary, willful and egocentric.

Pogorelich's Sunday afternoon recital at George Mason University's Center for the Arts supplied ammunition to both camps.

Rồi Donald H. Crosby khen Ivo:

The otherworldly effects of the ethereal second movement were well served by Pogorelich's extraordinary technique and almost unlimited sound palette: His trills -- executed with remarkable velocity -- seemed to spin out into infinity, while the eloquent silences characteristic of this movement hovered as if suspended in time.

Và còn khen thêm nữa:

After intermission Pogorelich returned to more worldly pieces: Rachmaninoff's “Moments Musicaux,” Op. 16, No. 1, and a short sonata by Scriabin (Op. 19), each of which was projected with elan and fabulous tone color. Following these pieces were scintillating performances of three of Liszt's technically formidable “Transcendental” etudes; “Feux Follets” was especially brilliant. For an encore, the indefatigable pianist thrilled his listeners with a bravura performance of Mily Balakirev's “Islamey,” whose fearsome leaps and cross-handed passages deter all but the supertechnicians of the pianistic world.

 

4.

 

Chắc hẳn là anh Chu Hà cũng đồng ý rằng, thời nào cũng vậy, thiên tài là kẻ dễ bị... chê, dễ chọc giận thiên hạ.

Trong bài “Phỏng vấn nhà soạn nhạc Phan Quang Phục (P.Q. Phan)”, anh Chu Hà đã viết về nhạc phẩm Le Sacre du Printemps của thiên tài Igor Stravinsky như sau:

[N]gười ta đã trông gà hoá cuốc, xem một kỳ hoa dị thảo đầy tính khai sáng, tiên phong..., nói ngắn gọn là “hot” cực kỳ, là đồ bá láp khi nó mới xuất hiện lần đầu tiên. Đó là trường hợp của nhạc phẩm Le Sacre du Printemps của Stravinsky, một nhạc phẩm làm nền cho vở ballet mang cùng tên. Thiết tưởng cần nên nói rõ rằng đây thực sự là một trong những kiệt tác tiêu biểu, tinh tuý và có thể sẽ là một trong những nhạc phẩm “sống đời” nhất của nhạc mới do tính phá thể toàn triệt rất đột phá, đầy sáng tạo và vô cùng độc đáo của nó, một kiệt tác kinh điển có sức lan toả cực mạnh của âm nhạc cổ điển của mọi thời đại, thế mà lại bị xem là một thứ “tào lao gì đâu” khi lần đầu tiên nó ra mắt công chúng vào năm 1913 tại Paris. Hôm ra mắt đó, hỗn loạn đã xảy ra khi khán thính giả của Kinh đô Ánh sáng đã đùng đùng nổi điên lên làm một cuộc “xuống đường” ngay tại chỗ, có nghĩa là ngay trong rạp vì cho rằng nhạc và múa mà họ đang thưởng thức đây là cái quái quỉ gì thế này. Cảnh sát đã được điều động tới để ứng phó nhưng chẳng giúp được gì nhiều... Đây thực sự là một cú sốc văn hoá nổi đình đám phát sinh từ âm nhạc và ballet của Paris, thế kỷ 20.

Rồi anh Chu Hà giải thích rất chí lý:

Họ đã không nổi điên lên sao được khi đang không vốn đã quen nghe Vivaldi, Mozart, Brahms... “êm êm “, “vần vè”, “ngọt như mía lùi”... bỗng dưng đùng một phát (được)/bị cho nghe Le Sacre du Printemps “ngang phè”, “cà giựt”, và “đắng như thuốc Bắc” một cách không chuẩn bị như thế.

Thì cũng vậy, tôi có thể mượn chính cái ý này của anh Chu Hà để giải thích những phản ứng của Anthony Tommasini và những cái lỗ tai cảm thấy khó chịu khi nghe Ivo Pogorelich trình tấu, chẳng hạn:

- [N]gười ta đã trông gà hoá cuốc, xem một kỳ hoa dị thảo đầy tính khai sáng, tiên phong..., nói ngắn gọn là “hot” cực kỳ, là đồ bá láp...

- ... tính phá thể toàn triệt rất đột phá, đầy sáng tạo và vô cùng độc đáo của [Ivo Pogorelich], một [lối diễn tả] có sức lan toả cực mạnh của âm nhạc..., thế mà lại bị xem là một thứ “tào lao gì đâu”...

- Họ đã không “càm ràm” sao được khi đang không vốn đã quen nghe... “êm êm “, “vần vè”, “ngọt như mía lùi”... bỗng dưng đùng một phát (được)/bị cho nghe [lối diễn tả] “ngang phè”, “cà giựt”, và “đắng như thuốc Bắc” một cách không chuẩn bị như thế...

 

5.

 

Vậy thì, nói tóm lại, một bài báo “càm ràm” của Anthony Tommasini, hay thêm một chục bài như vậy nữa, thì cũng chẳng nhằm nhò gì, mà lại càng khiến cho cái sự nghiệp của một thiên tài thêm gay cấn, thú vị.

Hôm nay, trong bài “Tài năng và thiên tài”, anh Nguyễn Đình Đăng có trích dẫn mấy câu thật hay về thiên tài:

- Arthur Schopenhauer (1788–1860) nói: “Tài năng bắn trúng cái đích mà không ai khác bắn trúng được. Thiên tài bắn trúng cái đích mà không ai khác nhìn thấy được.” (Talent hits a target no one else can hit. Genius hits a target no one else can see).

- Oliver Wendell Holmes (1809–1894) nói: “Thế giới luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay để đón nhận tài năng, nhưng, rất nhiều khi, thế giới không biết phải làm gì với thiên tài.” (The world is always ready to receive talent with open arms. Very often it does not know what to do with genius).

- Jonathan Swift (1667–1745) nói: “Khi một thiên tài đích thực xuất hiện trên thế giới, bạn có thể nhận ra anh ta qua dấu hiệu này, rằng tất cả bọn ngu độn đều cấu kết với nhau để chống lại anh ta.” (When a true genius appears in the world, you may know him by this sign, that the dunces are all in confederacy against him).

 

6.

 

Cuối cùng thì không gì tốt hơn là chúng ta hãy tậu bộ CD The Genius of POGORELICH (Thiên tài của POGORELICH) do Deutsche Grammophon xuất bản, để mang về lắng nghe trong một căn phòng im lặng, với những bản nhạc cầm sẵn trên tay. Vừa nghe, vừa theo dõi những bản nhạc, chúng ta sẽ mặc tình mà tự cảm nhận cách diễn tả của Ivo Pogorelich trên cây đàn piano. Rồi chúng ta khoái trá, hay bực mình, thì... ráng chịu.

 

 

-----------------

Bài liên quan:

01.04.2012
[ÂM NHẠC & PHÊ BÌNH] ... Ni và nớ đây là Đông và Tây Hoa-kỳ, một cách tương ứng, hoặc muốn hoán đổi sao đó cũng ô kê, no problema. Đó là về địa dư, về lãnh thổ, và cũng là về sự hình thành của những vùng “cấm địa”, rừng nào cọp nấy... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021