tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Ám ảnh Debussy  [đối thoại]

 

(Ghi vội sau khi nghe lần đầu sáng tác “Thôi hết còn gặp nhau” của Jazzy Dạ Lam)

 

“Thôi hết còn gặp nhau” của Jazzy Dạ Lam quả thật là “độc như thịt vịt”! Wow, nếu đây là món vịt thì đây là món vịt ngon nhất, hay tối thiểu là được “cải thiện” khéo léo nhất và nhuần nhuyển nhất theo tinh thần “haute cuisine” của Phú lang sa chính hiệu bà lang trọc mà chief cook của nó có pha chế vô trong đó một tí gì đó hương vị hao hao hương vị ấn tượng (impressionism) theo kiểu Claude Debussy chăm phần chăm chính hiệu con nai vàng tuy không cùng một trường phái, không cùng một thể loại, cũng như không hẳn là cùng một “xì-tin”, và chắc chắn là không cùng một kích thước (caliber) dù đây, bài hát “Thôi hết còn gặp nhau” cũng là một thứ “nhạc mới” trong một ý nghĩa nào đó!

Nhạc, ấn tượng nhất là những luyến láy rất nhiều và rất có chọn lựa, chưa kể là rất lọt lỗ tai, do đó make sense một cách tuyệt hảo, đi như len qua những làn sương khói và mây mù trên non cao, những làn sương khói và mây trên non cao thường thấy trong những bức tranh thủy mạc của Tàu chẳng hạn (thì lời là của Phạm Công Thiện mà, cũng dân thiền sư chứ bộ; lời hợp với cảnh như thế quá đi chứ, chứ còn gì nữa!). Sương khói và những tảng mây trong những bức tranh như thế thường thì có chỗ thưa chỗ dày, chỗ thì cà lơ phất phơ, nhưng thảy đều đầy “thi vị” do bố cục hay kết cấu của những bức tranh như thế rất đầy thiền tính (người viết có cảm tưởng như vậy); thảy đều vô định và biến hóa khôn lường, vô thủy vô chung, và trong tương quan giữa những cảnh tượng hay cảnh sắc như thế và những luyến láy rất nhiều và rất có ý nghĩa như vậy, thì những luyến láy này trở nên đầy “thi tính” một cách đặc biệt à la Phạm Công Thiện khi nó như có phần nào nói lên cái tham vọng muốn đi len qua từng làn sương khói đó, từng làn mây đó, luồn lách chơi vơi và nhẹ nhàng và nhất là không kém phần yểu điệu thướt tha qua từng làn, từng làn một; vừa luồn lách, vừa tháo gỡ, vừa xếp đặt lại, như sắp đặt lại “mối giềng”...

Và sau đây mới là mấu chốt:

Trước hết phải nói là về sở thích cá nhân, người viết không ưa jazz một tí nào cả, blues thời còn ô kê, vì theo thiển ý, cấu trúc hòa âm của nó (jazz) nghe sao nó lê thê quá, ngay như hay “mang râu” cho từng hợp âm của nó chẳng hạn: nào là thòng thêm các thứ như 6, 7, 9 gì đó quá nhiều, đó là chưa kể “sus” này “sus” nọ cũng “gì đó” nữa như thấy tại các hợp âm trong bài “Thôi hết còn gặp nhau” đang nói tới đây; đó chưa kể là nói chung nó còn rất nhiều thứ lỉnh kỉnh đại loại như thế nữa, nhưng do không quan tâm vì đã không ưa thì còn quan tâm làm chi, nên không ghi nhận để mà có thể cụ thể nêu nó ra đây. Chung chung là jazz bị sa đà vào các thứ lỉnh kỉnh này nhiều quá nên nghe rất... không thích.

Rồi nhạc cổ miền Bắc Việt Nam ta, tỷ như chèo cổ, ca trù, quan họ, hay ngay cả ngâm thơ hay vịnh phú gì đó người viết cũng gọi là mù tịt. Và ngũ cung thì người viết cũng gọi là biết biết vậy thôi, chứ chưa chắc là đã biết đúng biết sai tới nơi tới chốn.

Nhưng rõ ràng đây là một sự kết hợp rất nhuần nhuyễn và phải nói là độc đáo, vô cùng thú vị, và rất đáng học hỏi giữa cổ nhạc Bắc phần, và jazz, rồi lại một tí Charles Ives, một composer vừa bên cổ điển hiện đại (contemporary classical) của Mỹ mà vừa lại bên jazz, mà kỳ lạ thay nghe ra thì lại cứ ngỡ như một cái gì đó hao hao Debussy như đã nói trên, mà biết là không phải thế, dù cho là một Debussy tưởng tượng đến từ một nhánh hay một “hệ phái” nào khác (cũng tưởng tượng) chưa từng được biết tới hay hình dung ra được đi chăng nữa chẳng hạn. Thế mới tài!

Một giai điệu có nhiều phần nói chung là jazz như thế xen lẫn với rất nhiều luyến láy, những luyến láy này thấm đẫm màu sắc cổ nhạc Bắc phần mà lại “ơ hờ” như thế phải nói là cho tới giờ phút này trong cái gọi là nền tân nhạc Việt Nam nói chung thì đây là một huyền hoặc hay huyễn hoặc (?) đến không ngờ! Sự kiện này đã mặc nhiên đem lại một diện mạo mới, một diện mạo rất tân kỳ cho những gì gọi là âm hưởng của cổ nhạc Bắc, làm cho nó “thoát xác” một cách thần kỳ và thú vị. Nói cách khác, tác giả bài hát đã “xàng xê” nó ra ngoài, cho nó cross over đi gặp bè bạn năm châu, mang nó tới một chân trời khác. Thế mới hay!

Phần nhạc đệm cho giai điệu cũng có thể nói là một tuyệt chiêu chứ chẳng phải chơi và có khi lại còn tuyệt vời hơn cả hơn phần giai điệu chính. Nếu cho giai điệu chính là đào, phần nhạc đệm là kép thì trong trường hợp này kép lại vượt trội hơn đào về phần “nhan sắc và bộ dạng”. Nó súc tích, bay bướm, và nhất là “huy hoàng” (splendid/gorgeous) và sang cả, cũng kiểu huy hoàng và sang cả à la Debussy như trong một số tác phẩm của ông này mà trong đó phần nhạc đệm có khi lại vượt trội hơn phần giai điệu chính, “Beau soir” là một thí dụ cụ thể và dễ thấy.

Trên Tiền Vệ này, người viết cũng đã có nghe qua những nhạc phẩm của cùng tác giả Jazzy Dạ Lam trước đây, nhưng cũng chỉ là nghe cho biết. Đến khi hôm nay nghe bài này mới thấy “giựt mình”! Quả là đáng nể. Xin thành thật ngả nón chào!

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021