tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản? — “Đơn giản” và “giản dị”  [đối thoại]

 

Lời toà soạn:
Bắt đầu từ tháng 8/2007, Tiền Vệ mở thêm mục "Thảo luận trong tháng". Mỗi tháng, chúng tôi sẽ nêu lên một đề tài và mời bạn văn bốn phương cùng tham gia thảo luận. Đề tài thảo luận trong tháng 8 tập trung vào câu hỏi cụ thể như sau:
 
"Cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm cho rằng tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được. Ý anh/chị thế nào?”
 
Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải tất cả những ý kiến của bạn văn gửi về Tiền Vệ trong tháng này.

 

_____________

 

TÁC PHẨM VĂN HỌC LỚN THÌ PHẢI ĐƠN GIẢN?

 

Ý kiến của Vương Văn Quang

 

“Đơn giản” và “giản dị”

 

* Với Hương Yên

Bỏ qua lỗi trích dẫn không ghi nguồn, thì ngoài tuyên bố của Hồ Chí Minh (ông này hình như không phải nhà văn hay nhà phê bình? hơn nữa, ông đã thăng thiên từ lâu rồi; bởi vậy trích dẫn ông chẳng ăn nhập với đề tài thảo luận là : ở Việt Nam hiện nay…), nhà thơ Anh Thơ (cũng tương tự, trích dẫn bà này không ăn nhập với tiêu chí: ở Việt Nam hiện nay. Ngay câu đầu: “tôi nhận mình có lỗi khi đánh phấn bôi nước hoa…” đã cho ta thấy rõ hoàn cảnh và thời điểm câu nói) và Nguyễn Đức Sự [nhà gì ?] (nhận xét của ông này là về một tác phẩm cụ thể, không có tính khái quát) còn lại, Hương Yên toàn trích dẫn các ông Tây. Đang nói về: “Ở Việt Nam hiện nay…” cơ mà, sao lại trích dẫn ông Tây?

Còn lại, là phát biểu của ba nhân vật: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Ngọc Thuần. Ba người này đáp ứng đúng tiêu chí của đề tài thảo luận. Nhưng tiếc là cả ba người đều không tuyên bố: “Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản”. Vậy là Hương Yên bỏ công sưu tầm, trích dẫn, nhưng công cốc vì “ông nói gà bà nói vịt”. Hay Hương Yên coi “đơn giản” với “giản dị” như nhau?

* Ý kiến của tôi:

Tôi không tin có ai (những người làm văn học) ở Việt Nam hiện nay cả gan tuyên bố: “Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản”. Nhưng nghe khá nhiều, rằng: “Tác phẩm lớn thì thường giản dị”.

Tác phẩm lớn thường giản dị, điều này có lẽ chẳng nên bàn cãi. Vì nó không sai, nếu không muốn nói … nó hơi bị đúng.

Như vậy, có vẻ như Tiền Vệ đang tổ chức một cuộc thảo luận khá vô bổ, vì vấn đề đặt ra không có thật. Giống như một thời các triết gia bên châu Âu bàn về đề tài “hoa hồng trên thượng giới có gai hay không”, hay gần đây là một khoa học gia Nauy công bố công trình khoa học với đề tài “Về bệnh hôi nách ở loài vịt trời.”

 

-----------------------------

Đáp ký của Tiền Vệ:

Về hai từ “đơn giản”“giản dị”, chúng tôi xin chép lại dưới đây một số định nghĩa từ những cuốn từ điển mà nhiều người có thể có sẵn trong tủ sách hoặc có thể tìm thấy trên internet. Mời anh Vương Văn Quang và độc giả tham khảo.

 

Hán-Việt Từ Điển của Đào Duy Anh (Sài Gòn: Trường Thi, 1957)

Đơn 單 Đơn chiếc, đối với chữ song 雙 và chữ phức 複 -- Một mình. [trang 310]

Giản 簡 Sơ lược. [trang 326]

Dị 易 Dễ dàng. [trang 206]

Đơn giản 單簡 Đơn sơ dễ dàng (simple, simplice). [trang 310]

Giản dị 簡易 Đơn sơ dễ dàng (simple et facile). [trang 326]

 

Từ Điển Tiếng Việt Phổ Thông của Viện Ngôn Ngữ Học (Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh, 2002)

đơn giản tt. Không có nhiều thành phần hoặc nhiều mặt, không phức tạp, rắc rối. [trang 311]

giản đơn tt. Như đơn giản (nhưng thường chỉ nói về các hiện tượng xã hội). [trang 346]

giản dị tt. 1. Đơn giản một cách tự nhiên trong phong cách sống. 2. Dễ hiểu, không có gì rắc rối. [trang 346]

 

Từ Điển Trung-Việt của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam (Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993).

(giản đơn) 简单 [jiăndān] Giản đơn; đơn giản. [trang 587]

(giản dị) 简易 [jiănyì] Giản dị; giản đơn; thô sơ. [trang 588]

 

Từ Điển Hán-Việt Hiện Đại của Nguyễn Kim Thản cùng tập thể tác giả (Hà Nội: Nhà xuất bản Thế Giới, 1995)

(giản đơn) 簡單 [jiăndān] Giản dị, đơn giản. [trang 461]

(giản dị) 簡易 [jiănyì] Giản dị. [trang 462]

 

Nhân Dân Từ Điển 人民 词典

ở website http://app.chinesesavvy.com/services/dictionary/DictionarySearchPO.ot

(giản đơn) 简单 [jiăn dān] simple; not complicated

(giản dị) 简易 [jiăn yì] simple; easy

 

 

Đã đăng:

11.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Để đáp lại ý tưởng của Nhã Thuyên, tôi thử lướt qua một số trang web ở Việt Nam và dễ dàng tìm thấy ngay cái quan niệm này cho đến nay vẫn còn phổ biến. Tôi chỉ xin copy lại để cống hiến cho mọi người cùng đọc và xem thử nó có ý nghĩa nhiều hay ít... (...)
 
10.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Từ thẩm mỹ của bộ óc đến thẩm mỹ của con tim hay con mắt, luôn có sự mập mờ hay lẫn lộn như thế và, thường, sự mập mờ lẫn lộn nào cũng là chỗ để chính trị và thương mại chen chân. Chính trị hay thương mại chen chân bởi, nhiều khi, “văn chương đơn giản” chỉ... đơn giản là sự mạo xưng của văn chương ăn liền... (...)
 
09.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tác phẩm văn học đơn giản có lớn được không? Nói chung, những câu hỏi thế này, các nhà văn cứ tự nhằm thẳng mình mà bắn... (...)
 
07.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Quan niệm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng văn học (và nghệ thuật nói chung) là cái (công cụ) phục vụ cách mạng, truyền tải / truyền đạt những thứ (tư tưởng, tinh thần, chủ trương, chính sách, nghị quyết...) tới quần chúng. Vì quần chúng (đâu cũng thế thôi) trình độ không cao, nên tác phẩm “phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được”... (...)
 
05.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi thấy nơi hậu cảnh của quan niệm này lấp ló cái đuôi của những ông bầu sô nhắc tuồng chỉ đạo sân khấu chính trị, nhằm mục đích: đề cao tính thực dụng và lợi ích cộng đồng, lùa đội ngũ viết văn cả nước vào trong một công tác phục vụ theo định hướng, hạ thấp rẻ rúng chức năng văn học, đồng thời, làm tê liệt khả năng người đọc bằng những điệu ru dễ dãi, khẩu hiệu sáo mòn... (...)
 
04.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Sự đơn giản dĩ nhiên là cần thiết, rất cần thiết, nhưng chỉ nên được xem là khởi điểm — như ai cũng phải thuộc bảng chữ cái (nếu muốn biết đọc, biết viết) — chứ không nên là mục tiêu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021