tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản? — “Giản dị” thay cho “giản đơn” là một lối uyển ngữ đầy chất độc  [đối thoại]

 

Lời toà soạn:
Bắt đầu từ tháng 8/2007, Tiền Vệ mở thêm mục "Thảo luận trong tháng". Mỗi tháng, chúng tôi sẽ nêu lên một đề tài và mời bạn văn bốn phương cùng tham gia thảo luận. Đề tài thảo luận trong tháng 8 tập trung vào câu hỏi cụ thể như sau:
 
"Cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm cho rằng tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được. Ý anh/chị thế nào?”
 
Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải tất cả những ý kiến của bạn văn gửi về Tiền Vệ trong tháng này.

 

_____________

 

TÁC PHẨM VĂN HỌC LỚN THÌ PHẢI ĐƠN GIẢN?

 

Ý kiến của Nguyễn Thị Thanh Phượng

 

“Giản dị” thay cho “giản đơn” là một lối uyển ngữ đầy chất độc

 

Tôi thực sự bất ngờ trước ý kiến của VVQ cho rằng đề tài thảo luận mà Tiền Vệ đặt ra trong tháng 8/2007 là “khá vô bổ”. Có lẽ với anh, việc tranh cãi về một vấn đề mà anh cho là... “hơi bị đúng” thì chẳng khác gì đấm vào không khí, chẳng mang lại giá trị gì cho đời sống văn học và xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Ấy thế nhưng, niềm tin chắc chắn của anh vào cái chân lý... “hơi bị đúng” ấy chẳng được làm sáng tỏ bởi bất cứ một lý lẽ hay phân tích cụ thể nào. Chẳng có gì trong bài viết của anh thuyết phục được tôi về cái chân lý “hơi bị đúng” ấy, trong khi quan niệm mà anh đưa ra và muốn bảo vệ lại thiếu chính xác ngay từ cách dùng từ.

Cám ơn Tiền Vệ đã trích dẫn rất cụ thể và rõ ràng ý nghĩa của hai từ “giản dị” và “giản đơn” trong từ điển. Sống trong xã hội Việt Nam, tôi nhận thấy 99% người Việt Nam hiểu hai từ này theo hai hướng nghĩa khác nhau: từ “giản đơn” được hiểu thiên về hướng tiêu cực, còn từ “giản dị” được hiểu thiên về hướng tích cực. Chính cái chỗ nhập nhèm, “bình dân hoá” lối dùng từ này lại ẩn chứa một hiểm hoạ: những người tích cực cổ xuý cho nền văn chương “bình dân, đại chúng” sẽ sử dụng từ “giản dị” như một lối lấp liếm cho thứ văn chương vốn quá “nghèo nàn, giản đơn”. “Giản dị” thay cho “giản đơn” là một lối uyển ngữ (euphémisme) vốn đã được sử dụng quá “nhuần nhuyễn” trong ngôn ngữ của những người cộng sản. Và hình như trong trường hợp này, nó đã thuyết phục được không ít người tin theo một thứ văn chương “giản dị” (nhưng mà hơi bị khó đấy). Chất độc của lối nói uyển ngữ ấy đẻ ra ảo tưởng về một nền văn học “không cầu kỳ” nhưng cũng đầy “tinh tế”, “gần dân” mà không chiều theo những sở thích “loè loẹt, phô trương”. Ảo tưởng đó lại càng được củng cố với sự phát triển của một nền văn học “giản dị”, “đầy tính nhân dân”, nó không ngớt sinh ra những cách hiểu sai lệch (mà lại có phần kiêu ngạo, mới lạ): Một nền văn học “mang tính nhân dân” ngạo nghễ nhìn những trào lưu văn học “kén độc giả”, “tinh tuyền” như đứa con sinh ra thiếu tháng, chẳng được ai ủng hộ và chắc chắn sẽ chết yểu. Một nền văn học “mang tính nhân dân” được trợ sức bởi số đông chắc chắn sẽ không có đối thủ, bởi vì, đó là một chân lý... “chả có gì cần phải bàn cãi”.

Nhưng tiếc thay, cái nội dung có vẻ như vô bổ này (có lẽ vì người ta đã dễ dãi chấp nhận nó như một điều hiển nhiên, không tranh cãi để làm gì nữa) lại chạm đến chỗ cốt tủy của văn chương: đâu là tiêu chí đích thực để thẩm định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật? Tôi e rằng, khi đưa ra những tiêu chí như “giản đơn cho nhiều người có thể cảm nhận” hay “phức tạp chỉ dành cho số ít người có khả năng cảm nhận”, chúng ta đã cố gắng trả lời cho một câu hỏi chẳng ăn nhập gì đến giá trị của một tác phẩm nghệ thuật, vì những tiêu chí đó chỉ làm nổi bật “mục đích”, “ý nghĩa” của văn chương. Cứ cho rằng, quan niệm “văn chương phải mang tính nhân dân”, “văn chương phải đơn giản” được đưa ra đã bao hàm cả một “chuẩn mực thẩm mỹ văn học” thích hợp với “chuẩn mực thẩm mỹ của nhân dân”, thì “tính mục đích” văn chương vẫn trội lên thấy rõ so với “tiêu chí nghệ thuật” trong hệ thống quan điểm này: nhân dân (hay số đông) sẽ quyết định giá trị của văn học, còn sáng tạo của nghệ sĩ tụt xuống hàng thứ yếu; hoặc là, sáng tạo của nghệ sĩ sẽ phải “lấy cảm hứng” từ nhân dân và “chiều theo thẩm mỹ” của nhân dân. Chính vì thế, ngay từ trong quan niệm “một tác phẩm lớn phải đơn giản”, tôi đã nhận thấy không mấy khó khăn một cách nhìn hạ thấp vai trò của văn học xuống tới mức trở thành một công cụ, một phương tiện để thực hiện một mục đích. Một quan niệm như thế có thực sự đáng trở thành “kim chỉ nam” cho văn chương không?

Việc Tiền Vệ đưa ra đề tài thảo luận này, trong thời điểm hiện nay, là rất thích đáng. Ít nhất, điều đó cũng giúp tôi xem lại quan niệm “tác phẩm văn học lớn thì phải giản đơn để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được”, bản thân nó đã xứng đáng là một quan niệm văn chương hay chưa (chứ đừng nói gì đến tác phẩm lớn). Nó có vẻ thích hợp hơn với quan điểm kinh doanh của một hãng sản xuất điện thoại di động: “Một cái máy di động tốt thì phải đơn giản để cho mọi người đều có thể dễ dàng sử dụng”.

Mọi sáng tạo nghệ thuật đều hướng đến con người: có bao giờ chúng ta phải hồ nghi vào mục đích đó? Trong hành trình nghệ thuật tìm đến con người, không có sự phân biệt giữa nghệ thuật “dành cho số đông” hay “dành cho số ít”.

 

 

Đã đăng:

13.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] Trong văn giới và quần chúng ở Việt Nam hiện nay có nhiều người vẫn tưởng rằng giữa hai từ “đơn giản” và “giản dị” có một sự khác biệt ghê gớm... (...)
 
12.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi không tin có ai (những người làm văn học) ở Việt Nam hiện nay cả gan tuyên bố: “Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản”. Nhưng nghe khá nhiều, rằng: “Tác phẩm lớn thì thường giản dị”... (...)
 
11.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Để đáp lại ý tưởng của Nhã Thuyên, tôi thử lướt qua một số trang web ở Việt Nam và dễ dàng tìm thấy ngay cái quan niệm này cho đến nay vẫn còn phổ biến. Tôi chỉ xin copy lại để cống hiến cho mọi người cùng đọc và xem thử nó có ý nghĩa nhiều hay ít... (...)
 
10.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Từ thẩm mỹ của bộ óc đến thẩm mỹ của con tim hay con mắt, luôn có sự mập mờ hay lẫn lộn như thế và, thường, sự mập mờ lẫn lộn nào cũng là chỗ để chính trị và thương mại chen chân. Chính trị hay thương mại chen chân bởi, nhiều khi, “văn chương đơn giản” chỉ... đơn giản là sự mạo xưng của văn chương ăn liền... (...)
 
09.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tác phẩm văn học đơn giản có lớn được không? Nói chung, những câu hỏi thế này, các nhà văn cứ tự nhằm thẳng mình mà bắn... (...)
 
07.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Quan niệm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng văn học (và nghệ thuật nói chung) là cái (công cụ) phục vụ cách mạng, truyền tải / truyền đạt những thứ (tư tưởng, tinh thần, chủ trương, chính sách, nghị quyết...) tới quần chúng. Vì quần chúng (đâu cũng thế thôi) trình độ không cao, nên tác phẩm “phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được”... (...)
 
05.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi thấy nơi hậu cảnh của quan niệm này lấp ló cái đuôi của những ông bầu sô nhắc tuồng chỉ đạo sân khấu chính trị, nhằm mục đích: đề cao tính thực dụng và lợi ích cộng đồng, lùa đội ngũ viết văn cả nước vào trong một công tác phục vụ theo định hướng, hạ thấp rẻ rúng chức năng văn học, đồng thời, làm tê liệt khả năng người đọc bằng những điệu ru dễ dãi, khẩu hiệu sáo mòn... (...)
 
04.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Sự đơn giản dĩ nhiên là cần thiết, rất cần thiết, nhưng chỉ nên được xem là khởi điểm — như ai cũng phải thuộc bảng chữ cái (nếu muốn biết đọc, biết viết) — chứ không nên là mục tiêu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021