tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản? — Sự thật, cách diễn đạt, “giản dị” và “đơn giản”   [đối thoại]

 

Lời toà soạn:
Bắt đầu từ tháng 8/2007, Tiền Vệ mở thêm mục “Thảo luận trong tháng”. Mỗi tháng, chúng tôi sẽ nêu lên một đề tài và mời bạn văn bốn phương cùng tham gia thảo luận. Đề tài thảo luận trong tháng 8 tập trung vào câu hỏi cụ thể như sau:
 
“Cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm cho rằng tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được. Ý anh/chị thế nào?”
 
Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải tất cả những ý kiến của bạn văn gửi về Tiền Vệ trong tháng này.

 

_____________

 

TÁC PHẨM VĂN HỌC LỚN THÌ PHẢI ĐƠN GIẢN?

 

Ý kiến của Đinh Bá Anh

 

Sự thật, cách diễn đạt, “giản dị” và “đơn giản”

 

1.)

Trao đổi với Hương YênVương Văn Quang:

Về câu nói của Schopenhauer, tôi nghĩ nên đặt nó vào văn cảnh của nó để hiểu ông muốn nói gì:

"Die Wahrheit ist nackt am schönsten und der Eindruck, den sie macht, um so tiefer, als ihr Ausdruck einfacher war; teils, weil sie dann das ganze durch keinen Nebengedanken zerstreute Gemüt des Hörers ungehindert einnimmt; teils, weil er fühlt, daß er hier nicht durch rhetorische Künste bestochen oder getäuscht ist, sondern die ganze Wirkung von der Sache selbst ausgeht. Z. B. welche Deklamation über die Nichtigkeit des menschlichen Daseins wird wohl mehr Eindruck machen als Hiobs: "Homo natus de muliere brevi vivit tempore repletus multis miseriis, qui tanquam flos egreditur et conteritur et fugit velut umbra." – Ebendaher steht die naive Poesie Goethes so unvergleichlich höher als die rhetorische Schillers. Daher auch die starke Wirkung mancher Volkslieder. Deshalb nun hat man, wie in der Baukunst vor der Überladung mit Zieraten, in den redenden Künsten sich vor allem nicht notwendigen rhetorischen Schmuck, allen unnützen Amplifikationen und überhaupt vor allem Überfluß im Ausdruck zu hüten, also sich eines keuschen Stiles zu befleißigen. Alles Entbehrliche wirkt nachteilig. Das Gesetz der Einfachheit und Naivität, da diese sich auch mit dem Erhabensten verträgt, gilt für alle schönen Künste." (Arthur Schopenhauer, Über Schriftstellerei und Stil)

Tạm dịch:

"Sự thật đẹp nhất khi trần trụi và ấn tượng mà nó tạo ra càng sâu sắc khi sự diễn đạt nó càng đơn giản; phần vì nhờ cách đó mà nó [sự thật] đi được trọn vẹn vào tâm trí người đọc mà không bị gây nhiễu bởi các ý tưởng tản mạn; phần vì người đọc cảm nhận được rằng ở đây anh ta không bị dụ dỗ hoặc lừa mị bởi trò hùng biện, mà toàn bộ ấn tượng chỉ đến từ bản thân sự việc. Tỉ như, có cách diễn đạt nào về sự hư vô của sự hiệu hữu con người gây ấn tượng mạnh hơn cách diễn đạt của Hiob: "Homo natus de muliere brevi vivit tempore repletus multis miseriis, qui tanquam flos egreditur et conteritur et fugit velut umbra." - Chính vì vậy, thi ca mộc mạc của Goethe đứng ở tầm cao hơn hẳn thi ca hùng biện của Schiller. Cũng vậy, các bài dân ca [với ca từ đơn giản và giai điệu mộc mạc] luôn mang lại cho chúng ta ấn tượng mạnh mẽ. Bởi vậy, - cũng như với những trang trí thừa trong trong kiến trúc, - trong nghệ thuật ngôn từ, đây là lúc người ta cần tránh những thứ sơn mạ hùng biện không cần thiết, tránh tất cả các trò nhập nhèm chữ nghĩa vô bổ, và nói chung là tránh thừa lời, để tìm cho mính một phong cách thanh giản. Tất cả những cái thừa đều có hại. Nguyên tắc về sự đơn giản và sự mộc mạc, bởi lẽ chúng [cái đơn giản và cái mộc mạc] cũng hòa hợp với cái cao cả, áp dụng được cho mọi ngành nghệ thuật." (Trích từ Arthur Schopenhauer, Về nghệ thuật viết và phong cách)

Như vậy, câu văn của Schopenhauer không phải nhắm vào "vẻ đẹp của sự thật" mà nó muốn nhắm tới "cách diễn đạt sự thật". Đích đến của câu văn nằm ở vế sau, tức về "cách diễn đạt sự thật" chứ không phải vế đầu, tức "bản thân sự thật". Có thể cách dịch của tôi chưa xác đáng, nhưng tôi cho rằng, ý của Schopenhauer là rõ ràng: để lột tả sự thật, hãy viết đơn giản, mộc mạc, đừng loè loẹt, đừng thừa lời. Goethe vĩ đại hơn Schiller vì Goethe đơn giản, mộc mạc, còn Schiller bịp bợm chữ nghĩa (mà xét ra chẳng có ý tưởng gì hay ho hơn). Tóm lại, đây là đoạn Schopenhauer nói về "cách viết" chứ không phải nói về "sự thật", về "hình thức biểu đạt" chứ không phải về "cái được biểu đạt", về việc viết thế nào để sự thật qua đó được hiển lộ thuyết phục nhất chứ không phải bản thân sự thật là gì.

Chúng ta đều biết kẻ thù triết học lớn nhất của Schopenhauer là Hegel, và một trong những điều khiến Schopenhauer không chịu nổi ở Hegel chính là cái phong cách văn chương lắt léo, khó nắm bắt của ông ta. Theo Schopenhauer, nhiều lời ít ý là dấu hiệu không thể nhầm lẫn cho một trí tuệ trung bình; tất cả những đầu óc xuất chúng đều tìm được cách diễn đạt đơn giản nhất cho các vấn đề phức tạp nhất. Đơn giảnmộc mạc là hai tiêu chí nên được áp dụng cho mọi ngành nghệ thuật. Những cái khác đều là thừa, dởm, bịp.

 

2.)

Đó là cách hiểu của tôi về câu nói của Schopenhauer (tôi có đồng ý với ông không là chuyện khác). Còn về chủ đề tranh luận mà Tiền Vệ đặt ra, tôi thấy quả thực chưa được mạch lạc:

“Cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm cho rằng tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được. Ý anh/chị thế nào?”

Mệnh đề "tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản" nên được hiểu như thế nào? Nếu ta hiểu theo nghĩa "tác phẩm văn học lớn là tác phẩm phải có nội dung (tư tưởng) đơn giản", ta sẽ thấy ngay rằng nó quá phi lý. Hẳn những người ủng hộ quan điểm "đơn giản" cũng không mất trí đến mức cho rằng những Tội ác và Hình phạt, những Anh em nhà Karamazov hay Anna Karenina là đơn giản về nội dung (hoặc tư tưởng), hay đơn giản chung chung được. Có chăng họ cho rằng, những tác phẩm lớn này, tuy bao quát những vấn đề, những sự kiện hết sức sinh động, hết sức phức tạp, hết sức mới mẻ, vô cùng đặc sắc, vô cùng đa dạng, vô cùng phong phú, không dễ có thể nắm bắt ngay được, nhưng lại được viết theo cách đơn giản , sáng sủa đến mức ai (nếu có nỗ lực) đều có thể hiểu và cảm nhận được. Vậy, để tránh hiểu sai, tôi nghĩ chủ đề của Tiền Vệ nên đổi thành:

“Cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm cho rằng tác phẩm văn học lớn thì phải được viết theo cách đơn giản nhất để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được. Ý anh/chị thế nào?”

Nếu đặt vấn đề như vậy, tôi nghĩ hai chữ "đơn giản" và "giản dị" có thể hiểu giống nhau được (chứ tất cả những người có common sense đều thấy hai từ này không giống nhau lắm, - đối diện với thực tế, tất cả các từ điển nên được sửa lại),[1] đồng thời chủ đề cũng sẽ hấp dẫn và tôi nghĩ sẽ có hứng thú để thảo luận.

 

_________________________

[1]Tôi xin miễn phải đi vào việc tranh luận chữ nghĩa. Nếu ai còn [tin vào các từ điển] mà nghĩ rằng "đơn giản" và "giản dị" nói chung là không khác nhau thì hãy tham khảo các câu: Bác Stalin là người có tâm hồn giản dị (chứ không ai nói: Bác Stalin là người có tâm hồn đơn giản), hoặc: Súng AK có cấu tạo hết sức đơn giản nhưng bắn thì rất hiệu quả (chứ không ai nói: Súng AK có cấu tạo giản dị...). Tuy nhiên, nếu ta so: "Thép đã tôi thế đấy" là tác phẩm được viết bằng một bút pháp giản dị với: "Thép đã tôi thế đấy" là tác phẩm được viết bằng một bút pháp đơn giản thì nghĩa của hai từ "đơn giản" và "giản dị" là giống nhau (cùng một ý: không phức tạp, không rắc rối, không cầu kì, không màu mè, không thừa thãi...). Tôi nghĩ, ta cứ nên thỏa thuận như vậy để còn có thể thảo luận tiếp.

 

Đã đăng:

17.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Xin lưu ý: ở Việt Nam – và phần nào cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại nữa -, cho đến nay, ít ai công khai phân tích và phê phán những cái sai trong các chủ trương và quan điểm như thế. Không phân tích và phê phán, những cái sai ấy vẫn tiếp tục ngự trị trong tâm thức của mọi người... (...)
 
17.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] .. Điều tệ hại nhứt chính là khi nghệ thuật bị lợi dụng bằng những khẩu hiệu mị dân, khoác áo nhân bản như “phục vụ đông đảo quần chúng, “phục vụ tầng lớp bị áp bức, bóc lột”... để trở thành những sản phẩm đơn giản, dễ hiểu, nghèo nàn, nhưng lại được tâng bốc, thổi phồng thành những tác phẩm lớn, lớn như một quả bóng bay!... (...)
 
16.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tất nhiên anh hoàn toàn có quyền tin vào bất kỳ điều gì anh muốn tin, và tưởng tượng ra bất kỳ thứ chân lý nào anh thích. Anh có quyền tưởng tượng một thứ văn chương “giản dị” theo kiểu “vô chiêu thắng hữu chiêu”, hay “kiếm pháp không kiếm” như người ta kể trong truyện kiếm hiệp Tàu... (...)
 
15.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Có thể khẳng định: Tuyệt đại đa số văn chương Việt là những tác phẩm thuộc loại “đơn giản để mọi người có thể hiểu”. Quan niệm ấu trĩ “đơn giản để mọi người có thể hiểu” bị nhao nhao phản đối nhưng tác phẩm vẫn rặt thứ hàng cùng tên... (...)
 
14.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Chất độc của lối nói uyển ngữ ấy đẻ ra ảo tưởng về một nền văn học “không cầu kỳ” nhưng cũng đầy “tinh tế”, “gần dân” mà không chiều theo những sở thích “loè loẹt, phô trương”. Ảo tưởng đó lại càng được củng cố với sự phát triển của một nền văn học “giản dị”, “đầy tính nhân dân”... (...)
 
13.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] Trong văn giới và quần chúng ở Việt Nam hiện nay có nhiều người vẫn tưởng rằng giữa hai từ “đơn giản” và “giản dị” có một sự khác biệt ghê gớm... (...)
 
12.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi không tin có ai (những người làm văn học) ở Việt Nam hiện nay cả gan tuyên bố: “Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản”. Nhưng nghe khá nhiều, rằng: “Tác phẩm lớn thì thường giản dị”... (...)
 
11.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Để đáp lại ý tưởng của Nhã Thuyên, tôi thử lướt qua một số trang web ở Việt Nam và dễ dàng tìm thấy ngay cái quan niệm này cho đến nay vẫn còn phổ biến. Tôi chỉ xin copy lại để cống hiến cho mọi người cùng đọc và xem thử nó có ý nghĩa nhiều hay ít... (...)
 
10.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Từ thẩm mỹ của bộ óc đến thẩm mỹ của con tim hay con mắt, luôn có sự mập mờ hay lẫn lộn như thế và, thường, sự mập mờ lẫn lộn nào cũng là chỗ để chính trị và thương mại chen chân. Chính trị hay thương mại chen chân bởi, nhiều khi, “văn chương đơn giản” chỉ... đơn giản là sự mạo xưng của văn chương ăn liền... (...)
 
09.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tác phẩm văn học đơn giản có lớn được không? Nói chung, những câu hỏi thế này, các nhà văn cứ tự nhằm thẳng mình mà bắn... (...)
 
07.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Quan niệm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng văn học (và nghệ thuật nói chung) là cái (công cụ) phục vụ cách mạng, truyền tải / truyền đạt những thứ (tư tưởng, tinh thần, chủ trương, chính sách, nghị quyết...) tới quần chúng. Vì quần chúng (đâu cũng thế thôi) trình độ không cao, nên tác phẩm “phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được”... (...)
 
05.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi thấy nơi hậu cảnh của quan niệm này lấp ló cái đuôi của những ông bầu sô nhắc tuồng chỉ đạo sân khấu chính trị, nhằm mục đích: đề cao tính thực dụng và lợi ích cộng đồng, lùa đội ngũ viết văn cả nước vào trong một công tác phục vụ theo định hướng, hạ thấp rẻ rúng chức năng văn học, đồng thời, làm tê liệt khả năng người đọc bằng những điệu ru dễ dãi, khẩu hiệu sáo mòn... (...)
 
04.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Sự đơn giản dĩ nhiên là cần thiết, rất cần thiết, nhưng chỉ nên được xem là khởi điểm — như ai cũng phải thuộc bảng chữ cái (nếu muốn biết đọc, biết viết) — chứ không nên là mục tiêu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021