tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản? — Thử phân biệt “giản dị” và “đơn giản”  [đối thoại]

 

Lời toà soạn:
Bắt đầu từ tháng 8/2007, Tiền Vệ mở thêm mục “Thảo luận trong tháng”. Mỗi tháng, chúng tôi sẽ nêu lên một đề tài và mời bạn văn bốn phương cùng tham gia thảo luận. Đề tài thảo luận trong tháng 8 tập trung vào câu hỏi cụ thể như sau:
 
“Cho đến nay ở Việt Nam vẫn còn quan niệm cho rằng tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được. Ý anh/chị thế nào?”
 
Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải tất cả những ý kiến của bạn văn gửi về Tiền Vệ trong tháng này.

 

_____________

 

TÁC PHẨM VĂN HỌC LỚN THÌ PHẢI ĐƠN GIẢN?

 

Ý kiến của Lan Trần

 

Thử phân biệt “giản dị” và “đơn giản”

 

Qua những định nghĩa trong các từ điển, chúng ta nhận thấy ngay các nhà làm từ điển Việt Nam cũng lúng túng trong việc phân biệt sự khác nhau giữa từ “giản dị” và từ “đơn giản”. Qua các định nghĩa họ nêu, dường như “giản dị” và “đơn giản” là hai từ đồng nghĩa tuyệt đối. Tuy nhiên, với người Việt Nam, bằng trực giác, chúng ta lại thấy không hẳn như thế. “Giản dị” và “đơn giản” đồng nghĩa, nhưng không phải là đồng nghĩa tuyệt đối. Bên cạnh sự giống nhau rất lớn, giữa hai từ vẫn có chút khác biệt, ít nhất trong độ nhấn và màu sắc ngữ nghĩa.

Theo sự cảm nhận chủ quan của tôi, trong phạm vi văn học, khái niệm “giản dị” (“giản” là gọn; “dị” là dễ dàng) chủ yếu tập trung vào khía cạnh diễn đạt, đặc biệt ở khía cạnh từ vựng (chữ dùng bình dân, quen thuộc) và cú pháp (câu ngắn, gọn, dễ hiểu). Khái niệm “đơn giản” (“đơn” là không phức tạp) chủ yếu tập trung vào khía cạnh cấu trúc (tuyến tính/phi tuyến tính; nhất tuyến/đa tuyến…), hình tượng (nhiều hay ít ẩn dụ), và ý nghĩa (đơn nghĩa / đa nghĩa), v.v…

Như vậy, chúng ta sẽ gặp một số trường hợp sau:

1. Viết giản dị (=dễ dàng) để trình bày những điều đơn giản (=không phức tạp).

2. Viết giản dị để trình bày những điều không-đơn-giản (hay phức tạp, nếu muốn).

3. Viết một cách không-đơn-giản để trình bày những điều-vốn-không-đơn-giản.

 

Ví dụ về trường hợp thứ nhất có thể tìm thấy trong bài thơ này của Hồ Chí Minh:

Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn thành sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao.

Chữ và câu đều giản dị (=dễ dàng). Ý tứ đơn giản (=không phức tạp), ai đọc cũng hiểu và chỉ có thể hiểu theo một cách giống nhau.

Đó là một bài thơ vừa giản dị (=dễ dàng) vừa đơn giản (=không phức tạp).

 

Về trường hợp thứ hai có thể dẫn bài “Thược dược” của Quách Thoại làm ví dụ:

Đứng im ngoài hàng giậu
Em nở nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Ta sụp lạy cúi đầu.

Về khía cạnh từ vựng và cú pháp, chỉ có chữ “nhiệm mầu” là hơi hơi khó; còn lại đều rất giản dị (=dễ dàng). Nhưng bài thơ rõ ràng là không đơn giản. Cấu trúc bài thơ ít nhất là gồm hai tuyến: hoa (được gọi là “em” ở hai câu đầu) và người (xưng là “ta” ở ba câu sau). Về hình tượng, có ít nhất là hai ẩn dụ chính “nụ nhiệm mầu” và “hát” cũng như cách xưng hô ít nhiều mang tính nhân cách hoá (“em” để chỉ hoa). Từ đó, về ý nghĩa, bài thơ có nhiều tầng khác nhau: sự ngưỡng mộ trước đoá hoa hay trước cái đẹp hay trước sự sống nói chung. Cũng có người đọc bài thơ từ góc độ triết lý Phật giáo nữa.

 

Trường hợp thứ ba là vừa không giản dị vừa không đơn giản như phần lớn các bài thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền ở tập Liên đêm mặt trời tìm thấy. Ví dụ bài “Mai”, bài mở đầu tập thơ:

1.
Hồn thảo mộc giấc ngủ
Nằm mơ những ngôi sao mặt trăng
lá đan mắt ngõ
hôn vào môi vào má vào răng
những lời thơ rất cũ
gõ cửa trái tim nàng
 
2.
Mùa hè lên tiếng cười trong bàn tay nước suối
mùa tóc mun
đẹp những khu rừng không bóng cây
 
3.
Em hoàng hôn trút áo
ngực gọi đêm về
vì còn đồi đá sỏi
cần lửa hôn gót chân
hành động tàn nhẫn
sao vỡ trên môi
 

Khi cho văn học phải giản dị (=dễ dàng), người ta chỉ đề cao trường hợp thứ nhất và thứ hai; khi cho văn học phải đơn giản (=không phức tạp), người ta chỉ thừa nhận trường hợp thứ nhất. Cách hiểu nào thì cũng loại trừ những cái khó và những sự phức tạp vốn là hiện tượng phổ biến không những trong văn học nghệ thuật hiện đại mà cả trong cuộc sống hiện đại (và hậu hiện đại) nói chung.

 

 

Đã đăng:

18.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Nếu ta hiểu theo nghĩa "tác phẩm văn học lớn là tác phẩm phải có nội dung (tư tưởng) đơn giản", ta sẽ thấy ngay rằng nó quá phi lý. Hẳn những người ủng hộ quan điểm "đơn giản" cũng không mất trí đến mức cho rằng những Tội ác và Hình phạt, những Anh em nhà Karamazov hay Anna Karenina là đơn giản về nội dung (hoặc tư tưởng), hay đơn giản chung chung được... (...)
 
17.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Xin lưu ý: ở Việt Nam – và phần nào cả cộng đồng người Việt ở hải ngoại nữa -, cho đến nay, ít ai công khai phân tích và phê phán những cái sai trong các chủ trương và quan điểm như thế. Không phân tích và phê phán, những cái sai ấy vẫn tiếp tục ngự trị trong tâm thức của mọi người... (...)
 
17.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] .. Điều tệ hại nhứt chính là khi nghệ thuật bị lợi dụng bằng những khẩu hiệu mị dân, khoác áo nhân bản như “phục vụ đông đảo quần chúng, “phục vụ tầng lớp bị áp bức, bóc lột”... để trở thành những sản phẩm đơn giản, dễ hiểu, nghèo nàn, nhưng lại được tâng bốc, thổi phồng thành những tác phẩm lớn, lớn như một quả bóng bay!... (...)
 
16.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tất nhiên anh hoàn toàn có quyền tin vào bất kỳ điều gì anh muốn tin, và tưởng tượng ra bất kỳ thứ chân lý nào anh thích. Anh có quyền tưởng tượng một thứ văn chương “giản dị” theo kiểu “vô chiêu thắng hữu chiêu”, hay “kiếm pháp không kiếm” như người ta kể trong truyện kiếm hiệp Tàu... (...)
 
15.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Có thể khẳng định: Tuyệt đại đa số văn chương Việt là những tác phẩm thuộc loại “đơn giản để mọi người có thể hiểu”. Quan niệm ấu trĩ “đơn giản để mọi người có thể hiểu” bị nhao nhao phản đối nhưng tác phẩm vẫn rặt thứ hàng cùng tên... (...)
 
14.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Chất độc của lối nói uyển ngữ ấy đẻ ra ảo tưởng về một nền văn học “không cầu kỳ” nhưng cũng đầy “tinh tế”, “gần dân” mà không chiều theo những sở thích “loè loẹt, phô trương”. Ảo tưởng đó lại càng được củng cố với sự phát triển của một nền văn học “giản dị”, “đầy tính nhân dân”... (...)
 
13.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] Trong văn giới và quần chúng ở Việt Nam hiện nay có nhiều người vẫn tưởng rằng giữa hai từ “đơn giản” và “giản dị” có một sự khác biệt ghê gớm... (...)
 
12.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi không tin có ai (những người làm văn học) ở Việt Nam hiện nay cả gan tuyên bố: “Tác phẩm văn học lớn thì phải đơn giản”. Nhưng nghe khá nhiều, rằng: “Tác phẩm lớn thì thường giản dị”... (...)
 
11.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Để đáp lại ý tưởng của Nhã Thuyên, tôi thử lướt qua một số trang web ở Việt Nam và dễ dàng tìm thấy ngay cái quan niệm này cho đến nay vẫn còn phổ biến. Tôi chỉ xin copy lại để cống hiến cho mọi người cùng đọc và xem thử nó có ý nghĩa nhiều hay ít... (...)
 
10.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Từ thẩm mỹ của bộ óc đến thẩm mỹ của con tim hay con mắt, luôn có sự mập mờ hay lẫn lộn như thế và, thường, sự mập mờ lẫn lộn nào cũng là chỗ để chính trị và thương mại chen chân. Chính trị hay thương mại chen chân bởi, nhiều khi, “văn chương đơn giản” chỉ... đơn giản là sự mạo xưng của văn chương ăn liền... (...)
 
09.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tác phẩm văn học đơn giản có lớn được không? Nói chung, những câu hỏi thế này, các nhà văn cứ tự nhằm thẳng mình mà bắn... (...)
 
07.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Quan niệm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng văn học (và nghệ thuật nói chung) là cái (công cụ) phục vụ cách mạng, truyền tải / truyền đạt những thứ (tư tưởng, tinh thần, chủ trương, chính sách, nghị quyết...) tới quần chúng. Vì quần chúng (đâu cũng thế thôi) trình độ không cao, nên tác phẩm “phải đơn giản để cho mọi người có thể hiểu và cảm nhận được”... (...)
 
05.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Tôi thấy nơi hậu cảnh của quan niệm này lấp ló cái đuôi của những ông bầu sô nhắc tuồng chỉ đạo sân khấu chính trị, nhằm mục đích: đề cao tính thực dụng và lợi ích cộng đồng, lùa đội ngũ viết văn cả nước vào trong một công tác phục vụ theo định hướng, hạ thấp rẻ rúng chức năng văn học, đồng thời, làm tê liệt khả năng người đọc bằng những điệu ru dễ dãi, khẩu hiệu sáo mòn... (...)
 
04.08.2007
[THẢO LUẬN - THÁNG 8/2007] ... Sự đơn giản dĩ nhiên là cần thiết, rất cần thiết, nhưng chỉ nên được xem là khởi điểm — như ai cũng phải thuộc bảng chữ cái (nếu muốn biết đọc, biết viết) — chứ không nên là mục tiêu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021