tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Sự “đái gốc cây” và chữ nghĩa  [đối thoại]

 

Trong mười người đàn ông Việt Nam, thì có lẽ hơn năm người là thích nhậu. Trong mười người thích nhậu, thì có lẽ hơn năm người đã từng đái gốc cây. Vì vậy, bài viết của Nguyễn Hữu Liêm có lẽ làm nhiều người thích thú. Đái gốc cây không bị chê trách mà còn được xem là xứng đáng làm “công dân thế kỷ mới cho quả địa cầu rất giới hạn này” thì ai mà chẳng khoái. Vì thích nhậu, tôi ủng hộ ông Liêm ở điểm này.

Nhưng đọc bài viết “Từ quan công đến tiểu đồng” của ông Liêm, tôi hơi bị mất sướng về phần chữ nghĩa. Ngay cái đầu đề “Từ quan công đến tiểu đồng” đã làm cụt hứng.

Trong dân gian có câu nói rất phổ biến “Nhất quận công, nhì ỉa đồng” để so sánh hai cái sướng: một cái sướng của kẻ có chức tước tiền tài muốn gì được nấy, với một cái sướng của người bình dân được tự do ngồi ngoài đồng dưới trời đất thênh thang mà... ỉa. Ông Liêm nghe lóm thế nào mà thành ra “Thứ nhất quan công, thứ nhì tiểu đồng.”

Chữ “quan công” (viết thường) thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Còn “Quan Công” (viết hoa) là Quan Vân Trường, một tướng quân thời Tam Quốc, nổi danh như một biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa, được dân gian thờ cúng với tượng mặt đỏ, râu dài, cầm thanh long đao, cưỡi ngựa xích thố, thì dính dự gì tới cái sướng, mà đem so với cái sự “đái gốc cây”?

Chữ “tiểu đồng” thì chả có ai dùng với nghĩa “đái ngoài đồng” cả, vì chữ “tiểu” là tiếng Hán-Việt thì làm sao mà ráp ngang xương với chữ “đồng” (ruộng) là tiếng Nôm? Chữ 'tiểu đồng” chỉ có nghĩa là thằng bé theo hầu.

Khi vừa đọc cái đầu đề của ông Liêm, tôi tưởng ông nói “Từ Quan Công đến tiểu đồng”, nghĩa là từ một tướng quân lừng lẫy đến một thằng bé theo hầu. Có ngờ đâu ông Liêm muốn nói tới cái sướng của sự “đái gốc cây”!

Đọc tới đoạn văn thứ hai, thì tôi lại càng bớt sướng. Làm gì mà có cái tội “xúc phạm công xuất tu sĩ”! Đúng ra, cái tội đó là “công xúc tu sỉ” 公觸羞恥, nghĩa là làm một chuyện “bậy bạ” nơi công cộng khiến cho mọi người phải mắc cỡ, xấu hổ. Cái tội này ở Mỹ gọi là “public indecency”.

Chữ “công xúc” 公觸 ở đây là sự xúc phạm ở nơi công cộng. Thế mà ông Liêm hiểu thành “công xuất”!

Chữ “tu” 羞 ở đây là mắc cỡ. Chữ “sỉ” 恥 ở đây là sự xấu hổ (như trong “sỉ nhục”). Thế mà ông Liêm lại hiểu thành “tu sĩ” (priest)!

Tôi nghĩ, viết gì thì viết, trước hết người viết phải dùng chữ nghĩa cho đúng. Nghe ai nói loáng thoáng cái gì, thì người viết phải tra cứu lại cho chính xác, rồi mới viết.

Cái thú của sự đọc cũng giống như cái thú uống rượu hay cái thú “đái gốc cây” vậy. Đang nhậu ngon trớn, mà mắc cổ xương gà thì mất sướng. Đang “đái gốc cây” mà bị kiến đốt hai bàn chân vì đứng nhằm ổ kiến thì cũng mất cả sướng.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

02.03.2009
[VĂN HOÁ] ... Nhân loại hôm nay chỉ biết văn minh về kiểu cách, hình thức, trong khi bản chất xử lý phế thải và liên hệ đến môi trường thì tất cả hầu hết là những khối dân ngu dốt và vô trách nhiệm... (...)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021