|
Giải hoặc Trịnh Công Sơn [kỳ 1]
[đối thoại]
|
|
Lời nói đầu:
Sau khi bài viết “Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị” của Trịnh Cung đăng trên Da Màu ngày 1/4/2009, một cơn sóng gió nổi lên, không chỉ trong những ý kiến trên Da Màu mà còn lan ra đến trang web của BBC và vô số web/blog khác và lan tận đến Việt Nam.
Thế nhưng, nhìn chung, con mắt khách quan sẽ thấy hầu như đó chỉ là một thứ sóng gió một chiều của những người xem Trịnh Công Sơn là thần tượng và những người cố tình lợi dụng cơ hội này để trừng phạt hoạ sĩ Trịnh Cung. Không ít những ý kiến của họ chứa đựng lời lẽ miệt thị, xuyên tạc, xé những sơ suất nhỏ (vì ký ức không chính xác) của Trịnh Cung thành ra to, đánh tráo vấn đề, đẩy cho lạc hướng, và dần dần mang tính chất đấu tố, nhắm vào cuộc sống riêng tư của cá nhân hoạ sĩ Trịnh Cung và, trong vài ngày gần đây, bắt đầu có chiều hướng tấn công cả đến gia đình của hoạ sĩ Trịnh Cung. Một loạt báo chí trong nước Việt Nam thì chỉ đăng 100% những bài viết một chiều, cố tình nghiền nát hoạ sĩ Trịnh Cung, và không hề có một bài phản biện.
Tôi có một số ý kiến về vấn đề này, nhưng không thể đưa ra trên các diễn đàn như Da Màu hay BBC, vì ý kiến của tôi sẽ lập tức bị dẫm đạp, càn quét nhanh chóng bởi vô số những tiếng nói một chiều, và ý kiến của tôi càng vô vọng để được đăng lên những tờ báo trong nước. Vì thế, tôi xin gửi loạt bài “Giải hoặc Trịnh Công Sơn” đến trang Đối Thoại của Tiền Vệ, với hy vọng rằng, nhờ khả năng điều khiển chuyên nghiệp của Tiền Vệ, cuộc đối thoại, nếu diễn ra, thì sẽ diễn ra một cách bình tĩnh, công bằng, với thái độ trí thức.
Võ Văn Nam
______________
GIẢI HOẶC TRỊNH CÔNG SƠN [kỳ 1]
Theo dõi các tài liệu sách báo và internet viết về những thành tích tầm cỡ quốc tế của Trịnh Công Sơn, tôi phát hiện rất nhiều điều thoạt trông tưởng như thật, nhưng nghiên cứu kỹ thêm một chút thì thấy chỉ là những thứ huyền thoại được bịa đặt hoặc thổi phồng quá trớn. Bên cạnh loại huyền thoại về những “thành tích tầm cỡ quốc tế” của Trịnh Công Sơn, còn có những huyền thoại khác về tài năng, đạo đức, ý hướng chính trị hay phi chính trị của Trịnh Công Sơn. Những thứ huyền thoại này, một phần do chính Trịnh Công Sơn bịa ra, một phần do những người khác bịa ra vì những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, chúng lại có tác dụng rất hữu hiệu đến tâm lý đám đông lười suy luận, và khi một chuyện bịa đặt được trang trọng lặp đi lặp lại trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì “lộng giả thành chơn”, nó sẽ được đại chúng tin là hoàn toàn có thật. Hậu quả là, hôm nay, đã có vô số người tin những huyền thoại đó chính là bằng chứng về giá trị và tầm vóc thật sự của Trịnh Công Sơn. Tôi sẽ lần lượt giải hoặc từng huyền thoại qua từng bài viết ngắn. Trong bài đầu tiên này, tôi xin nói về cái huyền thoại “Diễm Xưa trở thành nhạc phẩm Á Châu đầu tiên được viện đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục của viện đại học trong bộ môn Văn Hoá và Âm Nhạc.” Nếu độc giả gõ hàng chữ “Diễm Xưa trở thành nhạc phẩm Á Châu đầu tiên” vào Google.com, thì sẽ thấy nó đã được truyền bá trên 109 trang web, kể cả cái trang web gọi là “Trung tâm tri thức & Cộng đồng học tập Việt Nam”. Thế nhưng, sự thật là thế nào? Trước hết, trên trang web ấy và vô số trang web khác, ta đọc thấy sự kiện này: Bài hát “Diễm Xưa” đã được chuyển ngữ sang lời tiếng Nhật là “Utsukushii Mukashi” do ca sĩ Khánh Ly trình bày tại hội chợ Osaka vào năm 1970. Bài “Utsukushii Mukashi” cũng được phổ biến rộng rãi vào quần chúng Nhật do ca sĩ nổi tiếng Yoshimi Tendo thể hiện... Thật ra, bài “Diễm Xưa” dịch thành “Utsukushii Mukashi” là dịch sai, vì “Utsukushii Mukashi” nghĩa là “Ngày xưa đẹp đẽ”. Chính Trịnh Công Sơn, trong tuỳ bút “Diễm của những ngày xưa”, xác nhận rằng “Diễm” ở đây là tên của một nữ sinh văn khoa Huế, Bích Diễm, chứ “Diễm” không phải là “đẹp đẽ” như nghĩa trong từ điển. Trong một tuỳ bút khác có tên là “Diễm đi kinh tế mới” đăng trên báo Văn Nghệ thành phố HCM cuối những năm 70, với mục đích tuyên truyền cho chính sách dồn dân lên các vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước dưới chế độ Lê Duẩn, Trịnh Công Sơn cũng viết về Diễm như một người phụ nữ. Bản dịch “Utsukushii Mukashi” được Yoshimi Tendo hát, nhưng Yoshimi Tendo không thuộc hạng danh ca sang cả, mà là một loại ca sĩ nhạc sến ở Nhật. Yoshimi Tendo (Yoshimi Tendo / 天童よしみ) là ca sĩ của loại nhạc “enka” (演歌), “diễn ca”, một loại nhạc bình dân sướt mướt (giống kiểu nhạc “sến” ở Việt Nam) có nguồn gốc từ cuối thế kỷ 19, đến thập kỷ 50 của thế kỷ 20 thì bắt đầu trở thành thương mại hoá, sang thập kỷ 60 và 70 thì được mùa bán chạy, và từ thập kỷ 80 đến nay thì trôi dần vào bóng tối, chỉ còn thỉnh thoảng thấy phát trên đài truyền hình, hay văng vẳng trong những quán karaoke, những quán ăn, quán cà-phê dành cho thực khách ở lứa tuổi ngoài 50. Ấy, vậy mà cái huyền thoại về bài “Diễm Xưa” lại cho rằng nhờ được “ca sĩ nổi tiếng Yoshimi Tendo thể hiện” nên bài “Diễm Xưa trở thành nhạc phẩm Á Châu đầu tiên được viện đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục của viện đại học trong bộ môn Văn Hoá và Âm Nhạc”! Thật ra, ở Nhật không có trường đại học nào tên là Kansai Gakuin cả! Ở Nhật chỉ có trường đại học Kansei Gakuin (関西学院大学 / Kansei gakuin daigaku), tiếng Anh gọi là Kwansei Gakuin University. Đó là một trường đại học tư, có các học doanh ở thành phố Osaka, và ở Tokyo. Được thành lập năm 1889, nhưng đến năm 1934 nó mới bắt đầu có ngành Nhân Văn. Đến nay, trong đó có ba khoa: 1. Văn Hoá và Lịch Sử. 2. Tâm Lý Học Tổng Hợp. 3. Văn Chương và Ngôn Ngữ Học Ba khoa này chia thành 11 phân khoa, nhưng tuyệt đối không có phân khoa âm nhạc. Vậy thì, bài “Diễm Xưa” làm thế nào mà được đưa vào chương trình giáo dục của viện đại học Kansai Gakuin [sic] trong bộ môn Văn Hoá và Âm Nhạc?
[còn tiếp]
|