tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Khóc và Khóc lóc Tây Tạng  [đối thoại]

 

Chuyện về xứ Tây Tạng đang được coi là một điểm nóng và nghiêm trọng. Nếu không khoái vấn đề sắc tộc chính trị thì thôi, chẳng nên đem chuyện máu và nước mắt của người ta ra để mà làm thơ ngang rồi “giễu nhại”. Xin thưa ngay: Ở đây có một ranh giới rất mảnh của ngã ba: Tuyên Huấn - Đạo Đức - Nghệ Thuật; xin cố đừng lẫn để bảo rằng tôi đã có ý muốn làm chuyện “tuyên huấn”.

Inrasara là người nhiều chữ, dư sức làm một bài thơ về vấn đề Tây Tạng theo đúng “chất Inrasara” và theo tiêu chí của Tiền Vệ, vậy mà ông đã bất cẩn cho ra một bài thơ chẳng Inrasara tý nào. Tôi đồ rằng, Inrasara định phá phách chơi theo kiểu Bùi Chát, Lý Đợi. (Còn Bùi Thị Lài cũng hùa theo). Nhưng tôi tin chắc rằng nếu hai vị ở La Hán phòng ấy có ra tay về vấn đề này, thì sẽ tạo ra những thú vị bất ngờ chứ không bừa bãi, cẩu thả như hai bài thơ đã đăng. Và tôi cũng e rằng khi đọc hai bài ấy, các đồng chí “Văn nghệ Công An” sẽ rất đắc ý tự thấy họ có lý khi bảo rằng chúng ta “nhảm nhí, phản động”. Tôi nói “chúng ta” ở đây là có ý gộp cả tôi vào số những người viết cho Tiền Vệ từ khá lâu nay (tôi còn dùng một số bút hiệu khác ngoài tên ký ở bài viết này).

Xin tạm so sánh, dù sự liên tưởng sau đây là rất bất xứng, nhưng tôi nhận thấy khí chất trong hai bài bài về Tây Tạng nói trên khiến người ta nhớ đến bài “Văn tế Ngạc Nhi” (Francis Garnier) của cụ Nguyễn Khuyến khi viên tướng Pháp này bị quân Cờ đen giết chết ở Cầu Giấy. Giặc Tầu giết thực dân Tây, bận gì đến Ta, nhưng vua Ta vì ngoại giao bảo viết điếu văn, thì viết. Đọc “Văn tế quan ba Ngạc Nhi” thấy cực khoái vì sự thương cảm rất hề của một trong những bậc thánh về humour của văn chương Annam xưa.

.....
Nhớ ông xưa: Mắt ông xanh, râu ông đỏ
Tóc ông quăn, mũi ông lõ
Đít ông cưỡi lừa, miệng ông huýt chó
Nhà ông bày toàn chai lọ
Vườn ông trồng toàn những cỏ
Ông ở bên Tây, ông sang bảo-hộ
Ông dẹp quân Đen, cho yên con đỏ
Nào ngờ: Nó chém cổ ông đi
Đầu ông nó mang đi, mình ông nó bỏ đó
Chúng tôi vâng lệnh triều đình cúng ông:
Này chuối một buồng, này rượu một hũ
Này xôi một mâm, này trứng một ổ
Ông ăn cho no, ngủ cho yên
Khốn nạn cái thân ông
Đéo mẹ cha nó!!!

(Tôi lược trích lại theo sách đã đã học. Còn có một bài khác trong Từ điển Wikipedia, nhưng nhận thấy không thú vị bằng.)

Còn hai bài Tây Tạng thì cũng có vẻ như: Thấy người Tầu giết người Tạng, chẳng bận gì đến mình nhưng đang nhậu ngon, thấy hứng chửi đổng chơi.

Những câu của Inrasara:

Tây tạng
tang tậy
tẩy tan
tan đàn xẻ nghé
nghé con
bê con
bê thui
bia hơi
nhậu nhẹt
...
Lạt ma
ma lạc
dân ông lạc xứ ấn
ông lạc trời tây
...

Và của Bùi Thị Lài:

nước mắt
nước mũi
nước đé (chắc là “nước đái”, theo tiếng địa phương nào đó)
nước dãi cũng là nước
 
lạt ma
lạt nhách
lạt đếch chịu được
vậy mà cũng là lạt
 
lạt hơn nước lã
cho thêm chút muối, ngũ vị hương, hành tỏi và xì dầu
lắc lắc lắc
...
nhậu dô tiêu chảy bỏ mẹ làm sao mà thương với khóc?

Thì dù có hiện đại đến đâu, cũng chỉ thấy sự nhẫn tâm, ang ác thế nào ấy. Những câu ấy đọc lên nghe thật khó chịu đối với người thường. (Còn với các đồng chí cảnh sát dã chiến Trung Quốc đang làm nhiệm vụ “trấn áp bạo loạn” ở Tây Tạng thì chắc chắn là rất dễ chịu - có thể gọi là “mát ruột” hay “hởi lòng hởi dạ”).

Xin thưa lại một lần nữa rằng: Ở đây có một ranh giới rất mảnh của ngã ba: Tuyên Huấn - Đạo Đức - Nghệ Thuật; xin cố đừng lẫn để bảo rằng người viết bài này từng là một cán bộ Đội Cải Cách Ruộng Đất.

Còn về bài của Bùi Thị Lài có vẻ kỹ thuật ấy đáp lại bài của Ngọc Hương, thì không thuyết phục. Xin để vị nào khác tham gia nếu thấy cần thiết. Tôi chỉ nói đến một từ cốt yếu của bài đó: “Giễu nhại”.

Theo lập luận của Bùi Thị Lài trong trường hợp này thì “giễu nhại” là một phương pháp, thậm chí còn là sự hưởng ứng đối đáp xướng họa, như sự đồng thanh tương ứng với bài Khóc Tây Tạng của Inrasara.

Nhưng gộp cả hai bài xướng họa (liên thủ) về Tây Tạng ấy thì chỉ thấy nghĩa nguyên thủy của “giễu nhại”:

“Giễu” = “Giễu cợt”, “Chế giễu”

“Nhại” = “Nhắc lại một cách méo mó”

Là sự giễu nhại đối với Tây Tạng, chứ không phải bài “Khóc lóc Tây Tạng” giễu nhại bài “Khóc Tây Tạng”.

Và giễu nhại ở đây còn có cả ý nghĩa khinh thường nữa. Không thấy có ý nghĩa gì về học thuật của thủ pháp giễu nhại với tính thẩm mỹ trong văn học hiện đại cả.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

05.08.2009
[VĂN HỌC] ... Lài cho rằng hai bài thơ không thể chê bai hay đập nhau, nhất là trong trường hợp này. Mà thật ra, bài trước đã gợi hứng cho bài sau. Nói cho chính xác, bài “Khóc lóc Tây Tạng” đã sử dụng thủ pháp (hay kỹ thuật) giễu nhại trên chính văn bản của bài “Khóc Tây Tạng” để họa lại nó... (...)
 
04.08.2009
[VĂN HỌC] ... Thái độ của cá nhân đối với nghệ thuật là quan trọng, những tị hiềm, chê bai chỉ giết chết nó mà thôi. Đó cũng là thái độ chung của nhiều văn sĩ trong nước hiện nay và có lẽ đó cũng là lý do khiến nhiều người mất đi cơ hội được viết và trình bày tác phẩm của mình... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021