tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nảy nòi một tý tỵ ca dao  [đối thoại]

 

Chỉ liên quan đến bài viết của Đinh Bá Anh)

 

Tình đã cho không lấy lại bao giờ!
(Xuân Diệu)

 

Đọc bài “Của các loại đỏng đảnh” của Đinh Bá Anh, tôi tự nhiên nghĩ ra cách tôi nên hiểu lại bài ca dao Việt Nam mà tôi vốn vẫn băn khoăn:

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím
Em có chồng rồi trả yếm cho anh
Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
Yếm em, em mặc, yếm gì anh, anh đòi!
                                         (Nguồn: trí nhớ)

Ai cũng có thể dễ dàng đưa ra hai giả thiết tạm:

- Giả thiết 1: Anh ơi, xưa anh đã có lòng tặng em chiếc yếm, nhưng nay duyên nợ không thành, em xin trả lại. Thôi em ơi, giờ yếm đâu còn là của anh nữa mà anh đòi!

- Giả thiết 2: Em ơi, ngày xưa anh đã tặng em chiếc yếm, giờ em có chồng rồi, trả lại cho anh! (Để anh giữ làm kỉ niệm hoặc tặng cho người khác, v.v.). Anh ơi, giờ yếm là của em, đâu phải của anh, mà anh đòi!

(Các cô nàng thường cũng ghê:

“Bắc thang lên hỏi ông trời
Của chàng cho thiếp liệu đòi được chăng?
Bắc thang lên hỏi ông trăng
Của chàng cho thiếp nói năng thế nào?”

Nên Xuân Diệu có vẻ lọc lõi: “tình đã cho không lấy lại bao giờ”)

Trong hai giả thiết này, bây giờ tôi nghiêng về giả thiết 1, dựa trên cảm nhận chủ quan về tâm lý của tôi:

- các chàng trai cũng thường hào phóng / không muốn mất thời giờ / cũng biết cũng khó mà hỏi trời được kiểu Xuân Diệu. Hơn thế nữa, các chàng vốn cũng sẵn sàng nâng niu nhiều loại hoa, như một câu ca dao khác: “giữa đường thấy cánh hoa rơi / hai tay nâng lấy cũ người mới ta”.

- các cô nàng thường muốn “đỏng đảnh” hơn: muốn “biến mất” “xóa dấu vết” sạch bong quá khứ, nhưng thường thì lại chẳng muốn, chẳng chịu để các chàng “vù lẹ lặn luôn” không sủi tăm. Trước khi kết thúc, nàng muốn đảo tung mọi thứ “một lần cuối”, khóc lóc như mưa:

Như “tiết phụ” của Trương Tịch:

“Hoàn quân minh châu song lệ thùy,
Hận bất tương phùng vị giá thì”
                          (Tiết phụ ngâm – Trương Tịch)
 
Trả ngọc chàng lệ như mưa
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng!
                          (bản dịch của Ngô Tất Tố)

Có chồng rồi, vẫn nhận ngọc của người ta, đeo trong áo lót, rồi ăn năn lại đem trả lại cho đúng là “tiết phụ”! Mặc dù các cô nàng cũng biết rằng “của chàng cho thiếp nói năng thế nào”.

Trước nay, bởi sùng bái tình yêu và cảm phục những cách ứng xử cao thượng trong chuyện ái tình rầy rà, tôi thường cố ý hiểu bài ca dao này là một nỗi đau đớn ngấm ngầm ở cả hai kẻ dở dang trước những điều phi lý phải chấp nhận (như những biến thái phi lý: hoa cúc vàng, hoa cúc tím, hoa cúc xanh). “Cái yếm” (một biểu tượng) được tôi đồng nhất với tình yêu, với sự khăng khít, với thân thể, và trong hoàn cảnh này, dứt lìa nó hay tìm cách có lại được nó, giữ gìn nó cũng đều là một nỗi đau. Do đó, tôi tìm cách lý giải bài ca dao theo hướng “nước đôi tích cực”: (1) nếu người con gái đi trả yếm, là bởi vì cô không muốn người yêu mình và chính mình dằn vặt mãi chuyện cũ, dù hành động trả yếm này cũng chẳng dễ dàng với cô (“lệ như mưa”), bởi trả yếm nghĩa là chia lìa, và nhất là chia lìa hơi ấm thân thể. (“Chàng về để áo lại đây / Phòng khi em đắp gió tây lạnh lùng” – ca dao). Người con trai không nhận lại yếm vì ứng xử cao thượng và đầy tình yêu: dù cuộc tình chúng ta không thành, nhưng hãy cứ giữ lấy những gì anh đã gửi trao em! (2) nếu người con trai đòi yếm là bởi anh ta còn quá yêu, muốn giữ lại chút hương thừa của người tình, chứ không chịu “duyên này thì giữ vật này của chung” như nàng Kiều đem trao lại cho Vân kỉ vật của Kim Trọng. Người con gái không chịu trả lại yếm, vì nàng cũng vẫn nuối tiếc không dứt cuộc tình, nàng muốn giữ lại vật kỉ niệm, v.v.

Tôi hiểu theo cách tích cực, cũng bởi những từ “anh, em” nghe thật tha thiết đau lòng, chứ giả sử là “tôi - cô” “tôi – anh” thì lại khác.

Giờ ngẫm lại, nếu nhìn ở mặt không lý tưởng, thì sự cho nhận ái tình, đến lúc vỡ vàng ra thì có thể, việc đòi trả yếm của cô nàng chỉ là một cứu vãn đỏng đảnh cuối cùng hòng quấy rầy trí nhớ người tình, còn việc không nhận lại của chàng, biết đâu chỉ là cách phủi sạch cho rảnh tay [Thôi cô ơi, giờ yếm là của cô rồi, mà cô cũng dùng đến tã ra rồi, đâu phải của tôi nữa mà tôi dám đòi!]! Hoặc giả, nếu chàng đi đòi yếm, thì chỉ là do chàng đang… kẹt.

 

01.10.09

 

 

--------------

Bài liên hệ:

30.09.2009
[VĂN HỌC] ... Khi phải lòng, nàng tặng anh khăn mùi xoa làm vật giao duyên. Tình nồng thắm, chẳng vấn đề gì. Giờ nàng đột nhiên không yêu anh nữa, giận, đòi lại khăn mùi xoa. Giá như anh điềm tĩnh mà nói rằng, khăn em tặng anh rồi, nó đã là của em, của anh, của đôi ta. Giờ tình mình đôi ngả, nhưng xin em hãy cho anh giữ khăn làm kỉ niệm. Có khi nàng cũng mủi lòng mà thôi. Nhưng có thể vừa “chia tay mùa hè”, khó ở trong người, anh đâm cục, nói: khăn cô tặng tôi rồi thì là của tôi, về lý thì cô không có quyền gì nữa. Nhưng cô đã thích thì đây, trả lại cô, tôi càng nhẹ người! Á à, anh nói lý à. Tôi sẽ ra tòa ly dị, tôi sẽ phân minh tài sản... (...)
 
28.09.2009
[VĂN HỌC] Tôi không hề biết ông Phan Nhiên Hạo, ông Phùng Nguyễn và ông Trần Tân Định ngoài đời thực, mà hoàn toàn chỉ tiếp xúc với con người – tư tưởng của các ông trên mạng. Nhưng qua cuộc trao đổi giữa các ông, tôi cũng có một vài suy nghĩ muốn trao đổi lại: đầu tiên là về vấn đề quyền tác giả trên các website tiếng Việt về văn chương, nghệ thuật, chính trị, xã hội... miễn phí và sau đó là cách hành xử giữa những người góp phần tạo nên đời sống văn hóa trên mạng... (...)
 
[VĂN HỌC] Đúng ra, góp ý này phải được gởi đến Tiền Vệ từ tuần trước, nhưng rồi tôi đổi ý chỉ vì không muốn làm sự việc rắc rối thêm. Nhưng nay, nhân đọc bài của ông Phùng Nguyễn trả lời Phan Nhiên Hạo và một độc giả, tôi quyết định gửi đến Tiền Vệ ý kiến của tôi... (...)
 
[VĂN HỌC] chia tay mùa hè / chia tay phan nhiên hạo / chia tay ễnh ương / “có cuộc chia tay nào mà không đầy / nước mắt?” / (nguyên sa) / nhưng may thay... (...)
 
27.09.2009
[VĂN HỌC] Trong cách nhìn của tôi, bài viết “Trả lời ông Phùng Nguyễn” của Phan Nhiên Hạo (Phan Nhiên Hạo) gần đây là một cử chỉ gỡ gạc tuyệt vọng của kẻ hụt chân và chỉ giúp bạn đọc nhìn rõ hơn tính khí không được rộng rãi của người viết... (...)
 
23.09.2009
[VĂN HỌC]... Trước nay thỉnh thoảng ta lại thấy có những kẻ sau khi cơm không lành canh không ngọt, nghỉ chơi với nhau, thì lôi thư từ của nhau ra mà đem lên báo, lên mạng để bôi bác. Trong quan hệ cá nhân, những trò đó đã không ngửi được thì trong quan hệ chữ nghĩa lại càng không ngửi nổi. Chia tay kiểu đó là chia tay luôn với văn minh chứ còn gì nữa?.. (...)
 
22.09.2009
[VĂN HỌC]... Trong bài “Chia tay mùa hè” đăng trên Da Màu mới đây, ông Phùng Nguyễn đã viết một đoạn dài có tựa đề “Chia tay Phan Nhiên Hạo”, trong đó đề cập đến chuyện lấy bài của tôi xuống khỏi Da Màu. Cách viết của ông Phùng Nguyễn có thể gây ngộ nhận và không được đàng hoàng. Tôi thấy cần phải lên tiếng. Tôi hy vọng chuyện này cũng đem lại một kinh nghiệm bổ ích cho những người làm văn chương mạng Việt Nam hôm nay... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021