tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Khuôn mặt Tháp Bayon: Tấm kính chiếu yêu  [đối thoại]

 

Hôm nay tôi có cái may được đọc hai bài “Mặt sau của mặt trăng”, của Nguyễn Đức Tùng và bài “Chế Lan Viên bốn mặt... như nhau!” của Nguyễn Đăng Thường, thật là thú vị. Cả hai đều bàn luận về bốn khuôn mặt của Tháp Bayon nhưng tựu trung vẫn quay quanh hai điểm chính: Lương Tri và Hành Vi của con người.

Nhìn một ngôi tháp bốn mặt mà Chế Lan Viên đã thấy ra khuôn mặt của một người với đại danh xưng là “Anh”: “Anh là tháp Bay-on bốn mặt”. Và nhân vật “Anh” ấy còn có ba mặt ẩn hình nữa bị chi phối trực tiếp bởi khuôn mặt chính đã gieo nên bao trò cười khóc giữa đời.

Thực ra bốn khuôn mặt được chạm trên những tháp của đền Bayon đều là chân dung của vua Jayavarman VII. Ông đã đăng quang vương quốc Khờ Me(Khmer) tại Angkor năm 1181 A.D, và ra lệnh xây ngồi đền Đế Thiên Đế Thích này. Kiến trúc của nó chịu ảnh hưởng hai tôn giáo lớn ở Khờ Me thời bấy giờ là Hindu và Phật giáo, mà ông là một phật tử thuần thành. Người xem cho rằng các khuôn mặt tượng đã điêu khắc những nét mặt Phật trong các trạng thái khác nhau. Khuôn mặt ở tháp chính diện là một khuôn mặt rất siêu phàm với nụ cười bí hiểm được chạm phỏng theo khuôn mặt tự tại của vị Bồ Tát, một chúng sanh giác ngộ, và nguyện chỉ đạt được đại giác một khi cứu độ hết thảy chúng sanh. Sự an nhiên thoát tục trên khuôn mặt ấy không những tôn vinh được cái đẹp của nghệ thuật điêu khắc mà nó còn có tác dụng trực tiếp lên tâm tư người xem bằng sự lan toả tấm lòng bao dung và niềm an lạc. Dụng ý tương tác tâm lý ấy là một ý tưởng tuyệt vời của những người tạc tượng.

Các khuôn mặt ở những tháp khác (54 tháp) có những nét mặt diễn đạt về tứ khổ (sinh, lão, bệnh, tử), tứ phương (đông, tây, nam, bắc), hay tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả) của nhà Phật.

Hàng năm ngôi đền Bayon đón biết bao du khách đến thăm. Khi nhìn những khuôn mặt tượng ấy, biết bao tâm linh đã phản hồi lại bằng những tư duy khác biệt. Một người phật tử có thể nhìn ra nét minh triết trên khuôn mặt mà dõi được tâm mình, để đem về một sự an lạc trong khoảnh khắc ngắm nhìn đó. Một du khách có cái nhìn đơn giản sẽ thấy mặt tượng chỉ là một khuôn đúc tầm thường như các khuôn tượng khác. Một người có trí tưởng tượng cao, thấy được cả một triều đại Jayavarman VII và tài điều binh khiển tướng thần sầu của vị vua anh hùng chiến đấu chống lại sự những cuộc tấn công của vương quốc Chàm(Champa) thời ấy. Tùy theo cái tâm của người thưởng ngoạn mà người ta cho tượng một ý nghĩa theo cái tâm của mình.

Riêng Chế Lan Viên, khi nhìn khuôn mặt tượng, ông thấy được cái tâm của chính ông mà nó cũng là cái tâm phản chiếu chung của rất nhiều người đang sống cùng chế độ với ông, cùng lấy sự giả dối làm trọng. Đó chính là cái tâm hãi sợ, tránh né sự thật nên phải ẩn mình, phải đè nén lương tri sau một khuôn mặt cười nói giả nhân giả nghĩa. Và ông đã khéo léo diễn tả được cái tâm ấy qua bốn câu thơ trong “Tháp Bay-on Bốn Mặt”:

Anh là tháp Bay-on bốn mặt
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình
 
(“Mùa bệnh”, 1998)
 

Vào lúc cuối đời, trong những giờ chống chỏi với bệnh tật, Chế Lan Viên nhìn ngắm quá khứ, nhìn ra khuôn mặt hiện tại của mình. Một khuôn mặt cười khóc giả hình trăm, ngàn trò trào lộng. Đối diện với tâm, ông thấy hổ ngươi trong bài thơ “Bánh vẽ”.

Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi.
                             Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi - Người có lỗi
Đã phải giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình
 
(“Bánh vẽ”, Tạp chí Văn, Paris, 1992)
 

Chế Lan Viên đã đi hết một đời thơ. Qua dòng thơ cách mạng, thơ phục vụ chính trị thời sự, thơ trí tuệ, cho đến những dòng thơ hối hận ngậm ngùi trong tập Di Cảo cuối đời, Chế Lan Viên đã đóng vai người nghệ sĩ ẩn mình một cách khéo léo. Khi sắp về làm con của đất, ông chợt giật mình tự hỏi “Ai? Tôi?”, khi nhận chân được con người nào của mình là giả, khuôn mặt nào của mình là thật. Và thấy xuyên suốt con người nào đã tung hô, ca ngợi cái ác, trù dập cái thiện, để ú ớ nhận hậu quả hành vi mình làm.

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi!
 
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong.
 
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận
về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
 
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ!
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ!
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay
Tôi có thể cười!...
 
(“Ai? Tôi?”, 1987, Di Cảo)
 

Trong một xã hội mà mỹ thuật, âm nhạc hay thơ văn chỉ là công cụ phục vụ cho mục tiêu chính trị thì giá trị của con người thật, của lương tri có nghĩa lý gì, và cần thiết không, để người ta phải trương ra bộ mặt thật của mình? Khi trách nhiệm và ý thức bị lãng quên, con người không làm chủ được hành vi của mình, tội lỗi và những điều trái đạo lý được biện minh và che giấu, thì đeo vào người bộ mặt giả hình là một hậu quả tất yếu. Không những chỉ Chế Lan Viên mà còn biết bao nhiêu người sống trong xã hội ông sống đeo mặt nạ làm nghệ sĩ ẩn mình.

Chỉ có điều đáng nói là trong lúc bệnh, lương tri có lúc đã trở về dằn vặt khiến Chế Lan Viên trăn trở. Lương tâm giúp ông thấy được trật tự của vạn vật mà nghiệm ra lòng trung thực bấy lâu bị đánh mất. Tập Di Cảo như một trối trăn, ray rức, ăn năn muộn. Vấn đề là sự hối hận muộn màng ấy có cứu vãn hay sửa đổi được gì khi hành vi sai trái của con người đã xảy ra. Sự phán quyết cuối cùng sẽ thuộc về ai khi lương tâm con người đã bị đông cứng đến chai đá không còn cảm giác? Đó cũng là câu hỏi cuối cùng của tôi về Chế Lan Viên.

 

TRỊNH THANH THỦY

 

 

---------------

Bài liên hệ:

21.10.2009
[VĂN HỌC] ... Do vậy, cách dùng ẩn dụ và diễn dịch “giấu đi ba” của Chế Lan Viên để biện minh cho cái mặt lộ diện (mặt thật?) với “nghìn trò cười khóc / làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình”, có thể coi như không thuyết phục, không thành thực, có thể khiến độc giả càng thêm mất “cảm tình” với tác giả Điêu tàn... (...)
 
17.10.2009
... Người ta thường nói về khuôn mặt khác của một người, hay con người bên trong , con người khác đằng sau một khuôn mặt, với ngụ ý rằng chỉ có con người bên trong ấy mới thật, chỉ có mặt sau của khuôn mặt mới là khuôn mặt thật, chỉ có nguyện vọng thầm kín mới là nguyện vọng thật. Tôi không tin điều ấy... (...)
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021