Nasreen, Taslima
tiểu sử &  tác phẩm 

TASLIMA NASREEN:
MỘT NHÀ VĂN CHỐNG ÁP BỨC


TASLIMA NASREEN (hay NASRIN) là một nhà văn Bangladesh, chống áp bức. Sinh năm 1962 trong một gia đình Hồi giáo thủ cựu, bà đã trở thành một bác sĩ (Phụ khoa) trong một xã hội mà «thông thường» đàn bà con gái không được học hành, không được ra khỏi nhà hoặc giao tiếp với đàn ông, trừ những người thân cận… Từ một xã hội đầy những điều cấm đoán như thế, bà đã khởi sự làm thơ, viết văn (truyện ngắn, truyện dài và tiểu luận,…) hăng hái bênh vực nữ quyền và chống đối sự áp bức của những người đàn ông, nhất là những kẻ mượn danh thần thánh…

Bangladesh thoát thai từ sự tranh chấp giữa Ấn-độ và Hồi-quốc. Vụ Phân chia năm 1947 đã cắt xứ Bengale xưa ra làm hai : hai phần ba xứ cũ hợp thành Đông Hồi và một phần ba còn lại trở thành bang Tây Bengale thuộc Ấn-độ. Sau cuộc tuyển cử năm 1970 trong đó những người chủ trương độc lập thắng thế, Đông Hồi trở thành Bangladesh («Bengale tự do») vào năm 1971.

Bangladesh là một xứ nhỏ (142.776 cây số vuông) nhưng đã có hơn 71 triệu dân ngay từ đầu những năm 70. Nằm trên phần lớn đồng bằng sông Hằng (Gange) và sông Brahmapoutre, đây là một xứ «ẩm ướt» mà sản phẩm xuất khẩu chính là thóc gạo và đay. Phần lớn người Bangladesh theo đạo Hồi nhưng cũng có một thiểu số theo Ấn giáo.

Năm 1992, sau vụ những người Ấn giáo cực đoan đốt phá ngôi đền Hồi giáo Bambri ở Ấn độ, những người Hồi giáo cực đoan hay «toàn thủ» đã phát động một phong trào hành hung, chém giết, đốt phá nhắm vào thiểu số Ấn giáo ở Bangladesh. Taslima Nasreen đã cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết-tư liệu lấy tựa là Lajja (Hổ nhục) tố cáo sự cuồng tín. Cuốn sách này đã đem lại cho tác giả nó một fatwa (giáo lệnh) tử hình của những ngưởi toàn thủ Hồi giáo, và trát câu lưu của chính quyền…

Và từ đấy nhà văn đã phải bắt đầu một cuộc đời trốn tránh đầy gian truân kéo dài mãi tới nay chưa dứt.

Thế nhưng cuộc chống đối bất công áp bức của Taslima Nasreen không thu hẹp vào việc chống trả những hành vi bạo ngược của những kẻ cuồng tín về tôn giáo. Tác giả Một cuộc đời khác đã nhìn rõ căn nguyên của bất hạnh và nỗi khốn cùng : sự bất bình đẳng giữa nữ giới và nam giới ở xã hội của bà, một xã hội mà «đàn ông làm ra luân lý và luật lệ» và đàn bà phải cúi đầu sống trải thân phận kẻ tôi đòi của nam giới :

«Cả đến một con chó cũng phải xót thương tình cảnh chị, Cả đến lũ diều quạ cũng phải xót thương chị. Nếu có một ai kia còn tới xé nát chị Thời đó không phải là một con heo, cũng chẳng phải một con rắn hổ, mà là một người đàn ông. (…)»

Và những người đàn ông ấy lại biết sử dụng cả tôn giáo -- niềm an ủi chính yếu của những kẻ khốn cùng -- để trói buộc và truy bức phụ nữ… «Bọn đàn ông này không có gì là người cả.» Taslima Nasreen đã nhắc nhở phụ nữ của xứ bà như thế.

Tất nhiên, việc chống đối «bọn đàn ông này» không ngăn cản tác giả có những lời lẽ rất đằm thắm đối với.. đàn ông. Và, trong hoàn cảnh cực đoan này, người ta hiểu việc chống đối những người mà chính tác giả tố cáo như «những kẻ ngu tín» ở một xứ mà tôn giáo ít nhiều đã trở thành công cụ áp bức… Rất có thể Taslima Nasreen cũng chẳng chống lại tôn giáo ở xứ bà làm gì nếu như đã chẳng có những hình thái «tôn giáo» cực kỳ phi lý ấy.

Taslima Nasreen đã làm thơ ngay từ thời niên thiếu và vẫn tiếp tục làm thơ sau khi đã phải bỏ qua Thụy-điển… Hằng trăm bài. Một số đã được báo chí Ấn-độ đăng tải. France Bhattacharya và André Velter đã lựa dịch 81 bài sang Pháp văn. (Xin xem Taslima Nasreen, Une autre vie, «Nouveau Cabinet Cosmopolite», Stock, Paris, 1995). Thủy Trúc đã dịch sang Việt ngữ hơn một nửa số bài ấy trong lần in thứ nhất (1996) của «tư liệu thơ», Trình Bầy; và trong lần in thứ nhì (1998) đã dịch trọn vẹn thi phẩm của Taslima Nasreen.

Một cuộc đời khác cho thấy một người vô cùng thiết tha với cuộc đấu tranh của đời mình : giải phóng phụ nữ khỏi mọi áp bức để giành lại tự do và quyền làm người. Giữa những lời tố cáo bức thiết của một nạn nhân, người ta còn nhìn ra vô số những đòi hỏi yêu đương chân thật, tự do và bình đẳng của một con người rất đằm thắm, nồng nàn và hết sức nặng lòng với quê hương và đồng loại.

(Diễm Châu biên soạn)

tác phẩm

"Lên súng" và những bài thơ khác  (thơ) 
Trước nhà tôi những anh chàng đặc vụ canh gác đêm ngày. / Họ ghi chép tất cả vào một cuốn sổ tay: ai vào, ai ra, và những lần tôi ra, tôi vào, / Ai là các bạn tôi, tôi ôm hôn ai, tôi thì thào với ai... | Giữa đêm khi tiếng chuông điện thoại reo, tôi không biết tại sao, tim tôi đập. / Với tiếng động ở cánh cửa tim tôi cũng đập nữa / Khi tôi nhìn thấy một người chạy muốn hụt hơi, tim tôi đập...

"Tự sự" và những bài thơ khác  (thơ) 
Nơi Thượng đế, không một niềm tin. / Tôi say mê chiêm ngưỡng thiên nhiên. / Cầm tự do trên tay tôi càng đi tới… | Ở cửa hàng tạp hóa, không có gì rẻ bằng các thiếu nữ… | Ngoài hàng hiên những người đàn bà ngồi bắt chấy cho nhau lúc xế trưa… | Người đàn ông ấy mới đây / Đã hãm hiếp không dưới mười thiếu nữ…

Gìn giữ cho trái đất này có thể sống được  (tiểu luận / nhận định) 
Tôi sinh trong một gia đình Hồi giáo thủ cựu, nơi thông thường những người con gái không được học hành, không được ra khỏi nhà, không được để cho những người đàn ông không phải họ hàng thân cận nhìn mặt. Tôi đã phải lớn lên giữa tất cả những điều cấm đoán ấy. Và chính là từ sau tấm màn của xã hội Hồi giáo thủ cựu tôi đã bắt đầu viết... (...)

Thức giấc  (thơ) 
Tôi còn sống. / Trên vỉa hè, một người con gái gần như lõa lồ thổi cơm trên một cái lốp xe phừng cháy. / Tôi bảo chị: đừng chết... [Bản dịch Thủy Trúc]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021