thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Truyện cực ngắn

Một Cộng Đồng Nổi

Vào năm 2049, một cộng đồng nổi được phát hiện cách đảo Guam 80 cây số. Trên 11 con thuyền mục, được xiết lại với nhau bằng dây thừng, là 99 người vô tổ quốc. Thuyền nhân cuối cùng của Việt Nam? Con cháu của lính Nhật mất tích từ Đệ Nhị Thế Chiến? Bọn khỏa thân Úc? Bằng một đinh rỉ, họ đã khắc vào mạn thuyền những mẩu chuyện bằng chữ tượng hình. Ta được biết họ tồn tại bằng cá chuồn và nước mưa. Hầu hết chưa từng thấy đất liền. (Ai đã thấy đất liền đều bị coi là điên; chữ “đất liền” và chữ “điên” giống nhau.) Biển, là nơi an nghỉ cuối cùng của tổ tiên, được sùng kính vì linh thiêng và hiểm độc. Thượng đế ngụ ở chốn cực thẳm và được tôn là “Con Cá Mút Đá Lớn Nhất.” Huyền thoại sáng tạo thế giới của họ bắt đầu: “Khởi đầu, thế gian đơn điệu này không bập bềnh...”

Một Cặp Thuận Hòa

Ban ngày, họ là một cặp thuận hòa: chàng ngồi trước máy vi tính trong phòng làm việc, nàng nấu nướng trong bếp. Họ có một đứa con một tuổi. Nhưng về đêm, nàng lại nguyền rủa chàng trong giấc ngủ. Đồ chó đẻ, nàng chưởi. Đồ mất dạy! Chàng rất trầm tĩnh trước những xúc phạm này. Tiềm thức nàng đang được xả, chàng nghĩ, rồi tiếp tục ngủ.

        Nhưng có lúc chàng cũng xả. Chàng với tay để tát vào mặt nàng. Chàng đấm và bóp cổ nàng. Tất cả trong giấc ngủ.

        Sáng đến, họ bê bết máu và bầm tím. Họ ngồi ăn sáng, chân thường khều nhau dưới mặt bàn. Chàng đọc báo, say mê theo dõi mục thể thao. Nàng liệt những việc sẽ làm trong ngày. Đứa bé thì bặp bẹ. Họ nhìn nhau rồi cười.

Người Đi Lại Bán Con Số Không

Trên con đường Vô Tích Sự, có một người đi lại bán con số không. Ông ấy reo chuông để rao hàng. Trẻ con và những bọn rác rưởi khác thường chọi đá để chọc ông.

        “Tôi không sinh ra để làm nghề này. Tôi không muốn bán số không. Tôi cũng chẳng thèm mua số không.”

        “Số không hôm nay mắc đến thế à?”

        “Hiển nhiên.”

        “Mua một tá thì rẻ hơn chứ?”

        “Nặng như vầy thì phải đắt, thưa bà.”

        “Mà con tôi có nặng ký đâu!”

        “Như pa nô đã dạy: Không cải tiến liền được!”

        “Vậy thì gói lại cẩn thận nhé.”


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021