thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về các thiên thần
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

 

Cái chết của Thượng Đế đặt các thiên thần vào một trạng huống lạ lùng. Thình lình họ phải đối diện với một câu hỏi căn bản. Chúng ta có thể thử tưởng tượng giây phút đó. Bộ dạng họ trông ra làm sao trong khoảnh khắc câu hỏi ấy xâm nhập bản thể của họ, làm ngập lụt cái ý thức thiên thần của họ, chiếm ngự cái ý thức ấy với sức mạnh kinh khiếp? Câu hỏi là "Thiên thần là gì?"

Bỡ ngỡ khi phải đối diện với vấn nạn, không quen với sự khủng hoảng, thiếu khả năng xoay xở một mình, các thiên thần rơi vào sự tuyệt vọng (chúng ta tạm cho là thế).

Câu hỏi thiên thần "là" gì đã có một lịch sử đáng kể. Swedenborg, chẳng hạn, đã nói chuyện với rất nhiều thiên thần và ghi chép một cách trung thực những gì họ đã nói với ông. "Thiên thần trông giống con người bình thường", Swedenborg nói. "Thiên thần có hình dạng con người, hay giống như con người, điều ấy tôi đã thấy tận mắt cả ngàn lần." Ông nói thêm: "Theo tất cả kinh nghiệm của tôi, qua rất nhiều năm, tôi có thể nói rằng các thiên thần hoàn toàn có hình dạng con người, có khuôn mặt, đôi mắt, hai tai, thân mình, hai cánh tay, hai bàn tay, và hai bàn chân... Nhưng con người không thể nhìn thấy các thiên thần qua cặp mắt nhục thể, mà chỉ qua cặp mắt tâm linh". Swedenborg còn có rất nhiều điều khác để nói về thiên thần, tất cả những điều ấy đều thú vị tột bậc: không thiên thần nào được phép đứng đàng sau và nhìn vào gáy của một thiên thần khác, bởi làm như vậy sẽ khuấy động nguồn thiện tâm và chân lý mà họ tiếp nhận từ Thượng Đế; thiên thần luôn luôn dõi mắt thẳng về hướng đông, nơi Thượng Đế được nhìn thấy như một mặt trời; và thiên thần vận y phục tùy theo mức độ thông minh của họ. "Một số thiên thần thông minh nhất mặc những y phục sáng loà như bốc lửa; những thiên thần ít thông minh hơn thì mặc những y phục màu trắng sáng lấp lánh hay chỉ trắng trơn không lấp lánh; và những thiên thần kém thông minh hơn nữa thì mặc những y phục nhiều màu khác nhau. Nhưng những thiên thần ở tận trong nội cung của thiên đường thì không mặc quần áo gì cả."

Tất cả những điều này không còn thích nghi với trạng huống mới (giả định là thế).

Gustav Davidson, trong cuốn Từ Điển về Thiên Thần rất hữu ích của ông, đã sưu tập rất nhiều tri thức về thiên thần. Tên của họ được gọi là: thiên thần Elubatel, thiên thần Friagne, thiên thần Gaap, thiên thần Hatiphas (thiên tài về luyện kim), thiên thần Mqttro, thiên thần Or, thiên thần Rash, thiên thần Sandalphon (có chiều cao dài hơn quãng đường một người đi bộ trong năm trăm năm), thiên thần Smat. Davidson phân biệt thiên thần theo những phạm trù khác nhau: những Thiên Thần Run Rẩy, tức là nhóm đứng quanh ngai tối thượng; những Đại Sư Gào và những Chúa Tể Rống, tức là nhóm chuyên ca tụng; rồi các nhóm chuyên đưa tin, làm trung gian, canh gác, răn đe. Cuốn Từ Điển của Davidson là một pho sách rất lớn; thư mục tham khảo liệt kê hơn một ngàn một trăm tên sách.

Cái ý thức thiên thần trước khi bị khủng hoảng đã được mô tả một cách tráng lệ bởi Joseph Lyons (trong một chuyên luận có nhan đề Tâm Lý của Thiên Thần, xuất bản năm 1957). Theo Lyons, bất cứ thiên thần nào cũng biết tất cả mọi điều về bản thân mình và về mọi thiên thần khác. "Không bao giờ có thiên thần nào thắc mắc về một điều gì, vì sự thắc mắc nẩy ra từ tình trạng không biết và, bằng cách nào đó, biết rằng mình không biết. Thiên thần không có óc tò mò; họ không còn điều gì để tò mò nữa. Họ cũng không có sự ngạc nhiên. Khi đã biết tất cả mọi điều, thì thế giới của tri thức khả hữu, đối với họ, hẳn phải là một bộ sự kiện có trật tự đã hoàn toàn được họ lĩnh hội, bộ sự kiện ấy hoàn toàn cố định và nằm trong khả năng hiểu biết của họ..."

Nhưng điều này, cũng thế, chẳng còn thích nghi với trạng huống mới.

Điều thú vị là những văn bản về thiên thần rất thường biến thành những văn bản về con người. Bởi vậy chúng ta thấy rằng Lyons, chẳng hạn, rốt cuộc không thực sự viết về thiên thần mà về những kẻ mắc chứng bách hại cuồng--ông suy nghĩ về con người bằng cách gợi lên hình ảnh các thiên thần. Và điều này cũng đúng cho nhiều văn bản khác về cùng đề tài--một điểm, chúng ta tạm giả thiết, không rời khỏi ý nghĩ của các thiên thần khi họ bắt đầu phán đoán về mối quan hệ mới mẻ của họ với vũ trụ, khi những hình ảnh tương tự như họ đem ra bàn bạc (phải chăng thiên thần giống con chim quetzal hơn hay giống con người hơn? hay giống âm nhạc hơn?).

Chúng ta có thể giả định thêm rằng đã có thiên thần cố gắng tự định nghĩa mình tùy theo chức năng. Một thiên thần là những gì y làm. Do đó y cần phải điều nghiên về những vai trò mới khả dĩ nẩy ra (tôi xin nhắc các bạn rằng ý tưởng này là sự thêu dệt thiếu trong sáng của tôi). Sau khi cuộc than thở đã kéo dài suốt hàng trăm cái mà các thiên thần dùng làm đơn vị đo thời gian, một thiên thần đưa ra kiến nghị rằng từ nay chức năng vĩnh viễn của thiên thần là than thở, cũng như chức năng trước kia là sùng kính. Nghi thức của cuộc than thở phải được tiến hành trong im lặng, ngược lại với những cuộc ca xướng tôn vinh không ngừng mà họ đã thực hiện trước kia. Nhưng bản chất của thiên thần không phải là im lặng.

Một kiến nghị đối lập là các thiên thần phải chấp nhận sự hỗn loạn. Đã sẵn có năm bằng chứng vĩ đại rằng sự hỗn loạn thực sự hiện hữu cùng thiên thần, và bằng chứng đầu tiên là sự vắng mặt của Thượng Đế. Bốn bằng chứng còn lại chắc chắn có thể xác định được. Công việc định nghĩa và giải thích, nếu được thực hiện tốt đẹp, có thể chiếm ngự đầu óc các thiên thần mãi mãi, cũng như công việc ngược lại đã chiếm ngự đầu óc các nhà thần học của con người. Nhưng không mấy ai trong số các thiên thần tỏ vẻ nhiệt tình với sự hỗn loạn.

Một kiến nghị nghiêm trọng nhất, vì được các thiên thần xem là triệt để nhất, là sự chối từ -- nghĩa là họ nên rời bỏ bản thể thiên thần. Cái phẩm giá tót vời đã thúc đẩy các thiên thần gạt bỏ kiến nghị ấy cho thấy một bằng chứng của sự tự ái tâm linh. Sự chối từ bị chối từ.

Có những đề nghị khác nữa, nhiều tế nhị hơn và ít phức tạp hơn, nhưng chẳng có đề nghị nào thật sự hấp dẫn.

Tôi đã thấy một thiên thần nổi danh trên màn ảnh truyền hình; y phục của ông ấy nhấp nháy như có ánh sáng. Ông ấy nói về trạng huống hiện tại của các thiên thần. Ông ấy nói thiên thần giống con người ở một vài phương diện. Sự sùng kính được xem là vấn đề then chốt. Ông ấy nói có lúc các thiên thần cố gắng sùng kính lẫn nhau, như chúng ta vẫn làm, nhưng rồi họ thấy điều đó, rốt cuộc, vẫn "chưa đủ". Ông ấy nói họ đang tiếp tục tìm kiếm một nguyên tắc mới.

 

Nguyên tác: "On angels", trong Donald Barthelme, City Life [Cuộc sống đô thị]
(London: Jonathan Cape, 1971)

----------------------------------

Cùng một tác giả:

"Điều sai lầm đầu tiên của em bé"


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021