thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tháng sáu lên núi ngồi nhớ

 

 

THÁNG SÁU LÊN NÚI NGỒI NHỚ

 

Đôi khi lên núi cũng khó khăn như ra biển ngày mưa bão. Khó khăn nhất là lựa chọn một lý do để đi. Thứ hai là ngại một con đường. Nhưng cuối cùng, rồi cũng quyết định lên núi. Một nhánh núi xa của dãy Chưyangsin.

Tháng sáu, buổi sớm, trên núi không có người.

Một mình một cuộc đi.

Con đường mòn sẽ dần biến vào cỏ gai và đá rồi dây leo, khiến không thể nhẩn nha hoặc đi nhanh. Con đường rồi sẽ hết và mình sẽ làm ra một lối đi mới. Bóng một con chim cô đơn vụt bay lên làm giật mình. Một bông hoa tím buồn hiện ra bất chợt như một ý nghĩ bất chợt xuất hiện và biến mất đâu đó trong vỏ não không thể tái hiện. Đi là bắt đầu chìm sâu vào núi. Chìm một cách tự do và im lặng. Như một chú cheo nhỏ chạy trốn sự truy đuổi của loài hổ mang làm một cú nhảy liều lĩnh rơi vào vũng sình cạm bẫy và chìm dần một cách tuyệt vọng. Đi qua những loài dây leo nhiệt đới, những cánh tay non vươn ra như rắn, đầy lông tơ, đẹp rờn rợn, run rẩy dịu dàng. Đi qua những vùng suối ẩm có loài môn lá to xanh ngời màu rắn lục rộng như chăn dạ. Bên dưới cơ man là vắt mai phục. Đi qua một cây bằng lăng trắng xanh còn sót lại nở thầm những chùm hoa đỏ rưng rưng như lệ. Một vạt rừng le gầy khô lá đỏ gợi một xác xơ. Người nóng và ngứa ngáy. Cảm giác ấy sẽ chợt hết khi một khoảng trống lộ ra đem về một cơn gió mát lạnh. Đi qua đi qua đi qua... những dấu chân mình.

Đi qua những hoang vu bỏ lại.

Rất muốn ngồi xuống đá và ngủ một lúc rồi đứng dậy đi tiếp, nhưng không thể, vì biết rằng sẽ không thức dậy. Và lũ muỗi sẽ bâu lại quanh mình hút máu đến chiều tối, và có khi ngày mai hoặc mãi mãi mình không thức dậy nữa. Đi qua những vòm xanh trống hoác không còn nghe một giọng vượn hú hay những tiếng kêu bầy của lũ voọc. Mãi mãi sẽ còn ám ảnh bởi ánh mắt đen biếc sợ hãi trước họng súng kẻ săn. Lên núi mà nhớ về những loài linh trưởng xa rừng bỏ lại? Đi qua những dấu chân bầy đàn bỏ lại.

Tháng sáu cứ đi trong núi.

Đi để không còn nghe thấy.

Đi qua những gốc cây già làm làm gợi nhớ những cái tên của một vùng bóng rợp. Những cái tên hai mươi năm sau sẽ khó khăn tra tìm trong tự điển rừng. Cả những gốc cây cũng biến mất, chỉ còn hố nước sâu, tảo đọng xanh rì. Lên núi mà nhớ cây thì còn biết đâu mà tìm. Loài chim cũng bỏ rừng bay đi mãi vì không biết tìm nơi chốn về sum họp. Không còn nghe dàn hợp xướng của loài bồ chao. Những tổ khúc rộn rã nhiều bè, làm buổi mai trên núi không thể nào quạnh hiu được. Tiếng chim đầy những chiều hôm và nửa khuya buồn nản. Tiếng chim ở núi bây giờ là đã hiếm hoi. Lên núi thấy rất nhiều chuyện hoặc không thấy chuyện gì nếu mình nhắm mắt hay mở mắt. Nhắm mắt thì thấy và mở thì không.

Tháng sáu không có người nên lên núi nhìn mây.

Mây ở đây trắng lắm. Gần lắm. Nhưng vời vợi lắm. Có thể nằm ngửa ra cỏ gai, nhằn nhằn một trái chát đắng gì đó trong miệng, ngước nhìn mây trắng bay mà không sợ ai nhìn thấy. Và nhẩn nha đọc: Quê nhà xa lắc xa lơ đó / Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay. [*]

Trên núi không có nhà. Đứng nhìn tít tắp mà không thấy biển xanh. Biển xanh phía trước mà nghìn trùng. Chỉ khói núi đùn lên như mộ.

Mây trắng bay đi, mây xám bay về. Nhất định phải chờ một chiều mưa núi. Không có thời điểm nào thích hợp hơn tháng sáu lên núi chờ mưa. Những bông thảo mưa sẽ rơi xuống, vỡ tung toé trên tầng tầng lá đẹp mê muội. Biết đâu làm mình nổi hứng viết được mấy câu thơ chờ mưa ở núi. Biết đâu làm mình quên được chán chường. Mưa làm ướt sũng rừng, ướt sũng mình, sũng ướt cả buổi chiều im lặng. Mưa núi đau ghê gớm vì quất tàn nhẫn ghê gớm. Cuốn trôi và chia cắt hết, không khoan nhượng, và làm sụp đổ tơi bời. Đứng vuốt mặt, nghe mùi buổi chiều ngai ngái bốc lên. Ngai ngái lá mục. Ngai ngái buồn. Sẽ hớp một ngụm rượu, từng ngum nhỏ trong chai nhựa mang theo, nghe ấm dần xuống bụng. Không say. Không buồn. Và cứ đứng nép dưới một thân cây mốc sần vỏ mà nhìn mưa xoá dần những ô ruộng vàng, ruộng đỏ dưới xa, xoá dần màu mắt, màu lá lam và màu cỏ chín. Nhìn đến xoá trắng mới thôi. Cố nhìn theo dáng em nhỏ nhoi gùi mưa trên con đường ngoằn nghoèo như nét vẽ vào xa xăm. Cơn mưa dữ dội đó rồi hư vô đó. Sẽ hút một điếu thuốc cho đỡ thèm và xua bầy muỗi đói vo ve. Và nhớ một câu thơ cũ ngang qua Krông Bông nhiều năm trước về những con voọc buồn và một chốn ẩn cư.[**]

Đêm trên núi không có người.

Nhưng hình như có một loài ó ma ăn đêm tiền kiếp. Loài ó ma ăn người.

Đêm. Những đốm lân tinh từ gỗ mục. Một mình chợt phát hiện rằng rất thảnh thơi vì không ai chờ đợi. Và có thể ngồi đây suốt đêm nghe giun dế.

Mày mò nhóm một ngọn lửa trên núi, thấy chập chờn rơi vào đêm tháng sáu. Vũ điệu của ửa làm mê hoăc lạ kỳ. Nhớ lại và sẽ thấy kỳ cục khi lúc này mà lại thắp nến một mình trong căn phòng nhỏ như thuở mười ba rồi ngồi đó mà buồn rầu. Còn ở đây quá nhiều gió. Nhưng không hề gì. Những vạt lửa đã rừng rực đỏ lên rồi tuy vẫn còn bốc lên hơi khói cay xè của trận mưa chiều làm mắt giàn giụa ướt. Đốt lửa một mình mà không có vẻ hoang dã. Không có bắp nướng để nhai. Miệng đắng. Chỉ còn rượu. Từng ngụm nhỏ trong chai. Thèm âm ba giọng thú gào khan trong lũng vắng. Nhưng không. Chỉ có gió bè trầm. Một cánh bướm ma như bàn tay từ đâu chập choạng bay ra tìm nguồn sáng, hốt hoảng suýt rơi vào đám cháy. Sau lưng là bóng đêm, muỗi bay như vãi cát. Nghe ngứa và ướt dưới chân. Một con vắt no tròn rơi ra.

Ngồi xuống. Có thể ngồi xuống. Tự tại một mình.

Tháng sáu cứ muốn một chuyến bỏ rừng xuống phố dù biết thường khi sẽ buồn nản hơn, cô đơn hơn. Muốn tìm một chút gì đã mất, một chút gì chưa mất. Một chút xa hoa, một chút lạc lõng. Tháng sáu xuống phố để ái ngại mình.

Tháng sáu lên núi ngồi nhớ. Nghe có vẻ điên. Nhưng người điên đôi khi vẫn còn biết nhớ.

 

 

_________________________

[*]Thơ Nguyễn Bính.

[**]Thơ Đinh Thị Như Thuý:

... Hỡi con voọc buồn
Hỡi chốn ẩn cư ta không hề chọn...

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021