thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bằng hữu. Nơi chốn. Hiền nhân.

 

Trang Tử, trong Nam Hoa Kinh, nói về bằng hữu: Bạn với nhau phải vì nhau những chỗ không vì nhau... Tôi quý trọng bạn, muốn gọi tình bạn là đạo bằng hữu. Tình yêu đôi lứa - hôn phối – và bằng hữu là những lãnh địa, thế giới khác nhau. Chẳng có tình yêu đôi lứa, chẳng kết hôn, cũng không sao hết. Tôi ái ngại những kẻ không quý trọng không tha thiết bằng hữu, những người không có bạn.

Chuyện tôi buộc lòng chia tay người hôn phối đầu tiên, lý do chính yếu là cô ấy không chấp nhận bằng hữu như tôi quan niệm, khẳng định tôi tệ hại vì xem bạn hơn vợ. Thời gian những năm 1980, tuần lễ nào Hoàng Ngọc Tuấn Hình như là tình yêu [*] cũng ghé nhà tôi một hai lần, ngủ lại, tôi giăng mùng cho Tuấn. Dùng bữa với chúng tôi, thức ăn nào ngon hơn cả, tôi để gần chỗ Tuấn. Như vậy đó, cô ấy cho rằng tôi xem bạn hơn vợ.

Huy Tưởng Một mùa tóc mộ [**] và tôi thân thiết, nhưng không biết có phải vì khắc khẩu, cứ gặp nhau là tranh cãi bất luận chuyện gì. Một lần có người bạn trách tôi bất nhẫn với Huy Tưởng. Cả đêm hôm ấy tôi không ngủ, tôi nghĩ lung về Huy Tưởng, và tôi dày vò tôi sao tệ hại. Và tôi ân hận, muốn gặp Huy Tưởng ngay sáng hôm sau để phân bua để trần tình, để cả xin bạn hãy rủa sả lại tôi cho tôi vơi nỗi ân hận. Nhưng Huy Tưởng đã nghìn-trùng-xa-cách, định cư ở Australia từ mấy năm rồi.

Cách đây gần năm, Huy Tưởng về thăm quê nhà, tôi là người bạn đầu tiên và duy nhất Huy Tưởng gặp lại. Có quà của người về từ xứ-sở-thiên-đường, cho nạn nhân của quê hương khốn khổ. Tôi vui mừng tôi cảm động. Tuy nhiên không phải vì quà, mà vì tình cảm của Huy Tưởng dành cho tôi chất chứa trong đó. “Tôi biết ông sẽ vui với vật tặng này, vì ông là ống khói tàu!” Huy Tưởng nói xong, đưa ra cái bật lửa Zippo trong hộp, bạn mua ở Sydney mang về tặng tôi. Về Sài Gòn, bạn còn mầy mò khắp phố, tìm chỗ khắc chữ đề tặng tôi trên vỏ bật lửa. Tôi cất bật lửa trong túi áo gió, nhâm nhi tách cà-phê, ngó bạn vừa xong nghĩa-cử-bằng-hữu.

“Ồ, tôi biết tin ông bị bệnh tim suýt chết mà, nên còn vật tặng này nữa.” Cái máy đo huyết áp, quả thật tôi rất cần. Nghĩa là tôi khỏi phải mất công thỉnh thoảng ra Nhà Thuốc Tây mãi xa, có cái máy đo huyết áp, trả năm mười ngàn đồng cho mỗi lần kiểm tra huyết áp. Hai vật tặng của bạn dành cho tôi đều cần thiết. Quà tặng thật ý nghĩa cho buổi tái ngộ giữa Huy Tưởng và tôi, sau năm bảy năm xa-cách-nghìn-trùng. “Chưa hết. Ông hay ngao du Dran - Đà Lạt, có cái áo vest Product of Spain cho ông nữa.” Và Huy Tưởng điện thoại, bảo hiền thê đem ra quán cái áo vest để trong túi du lịch màu gì gì đó...

Buổi gặp lại Huy Tưởng, tôi chỉ tiếc ở chỗ xưng hô Tutoyer trước đây giữa chúng tôi không còn nữa. Tôi đâm ra ngượng ngùng khi cứ mày-tao mà bạn lại cứ ông-tôi, đã đành chúng tôi tuổi đã bảy mươi trở lên cả rồi.

Mới đây, đọc trong Buddhism and Friendship của Subhuti (Windhorse Publications, 2004), A-nan-đà, thị giả của đức Phật, cho rằng đạt tới căn cốt của tình bằng hữu là đã đạt được nửa Đạo; đức Phật bảo không phải vậy, mà là đạt được toàn thể Đạo.

Cũng mới đây, tôi lại mất ngủ vì cái e-mail của thi-hoạ-sĩ Đinh Cường. Anh bảo tôi nên in thành tập thơ về Dran của tôi, chi phí in bao nhiêu anh trả hết. Tôi biết anh đang thời gian làm chemo vì căn bệnh quái ác, vậy mà anh còn bụng dạ để thương yêu thơ Dran của tôi như vậy, thật hiếm có trên đời. Tình bằng hữu của Đinh Cường với tôi thật lạ lùng. Chúng tôi gặp mặt duy nhất một lần trong đời, năm 2000 ở Sài Gòn; sau đó vài lần e-mail qua lại, sau đó nữa thì bặt tăm. Ấy tuy nhiên Đinh Cường vẫn đọc thơ tôi trên các báo mạng Tiền Vệ, Da Màu, và tôi gần như chỉ làm thơ về một nơi chốn: Dran, và vùng cao nguyên Lâm Đồng. Tôi cũng đọc thơ và xem nhiều hoạ phẩm của Đinh Cường, và biết trong một cuốn sách anh viết về những hoạ sĩ thế hệ trước, có viết về hoạ sĩ Văn Đen. Hoạ sĩ Văn Đen là hoạ sĩ tôi mến mộ đặc biệt. Chính ông đã giúp tôi biết vẽ tranh, đi vào thế giới hội hoạ từ khi tôi mới mười một mười hai tuổi, đang là học sinh trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn, hoạ sĩ Văn Đen là huấn luyện viên thể dục của trường. Tôi trở thành người học trò hội hoạ duy nhất của hoạ sĩ Văn Đen trong nhiều năm tại tư gia kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức, một ngôi nhà đơn gian và đẹp ở đường Lê Quang Định - Gia Định, gần trường Hồ Ngọc Cẩn. Và đã từ lâu, nhớ tới hoạ sĩ Văn Đen, tôi lại nhớ tới hoạ sĩ Đinh Cường, dù hội hoạ của Văn Đen và Đinh Cường khác hẳn nhau. Hẳn đó là vì nhân cách đặc biệt đáng tôn quý của hai người.

Đinh Cường cảm hoài thơ Dran của tôi, cũng là anh cảm hoài một nơi chốn: Dran, và vùng lân cận: Lạc Lâm, Finôm, Đa Thọ... nơi anh từng sống từng đi qua những năm tháng của thời trai trẻ. Nơi chốn với Đinh Cường và với tôi trở thành một thứ gì rất nặng, như nỗi ám ảnh, như một hình phạt treo trên cổ. “Le domicile est suspendu au cou de l’homme comme une punition” (Alain).

Tôi được đọc nhiều bài viết của các nhà thơ nhà văn hoạ sĩ, là bằng hữu thân quen hay là người đọc thơ xem tranh Đinh Cường, hầu hết đều thấy tính chất nổi bật nơi thi-hoạ-sĩ Đinh Cường là sự đôn hậu, là vẻ nên thơ. Tôi còn thấy Đinh Cường là hiền nhân, là người đã đi tới căn cốt của đạo bằng hữu, đồng nghĩa với người đạt đạo, như lời đức Phật nói với A-nan-đà.

Tập thơ Dran với bốn hoạ phẩm của Đinh Cường, anh gửi tôi để làm phụ bản. Bốn hoạ phẩm tuyệt đẹp của Đinh Cường thực hiện vào năm 1964, thời gian anh sống ở Dran. Tôi báo anh biết việc in tập thơ Dran: Bùi Chát - Nhà xuất bản Giấy Vụn - đã gửi amazon in và phát hành. Thi-hoạ-sĩ hiền nhân bảo: sách có tranh, amazon cũng chỉ in đen chứ không có màu. Thôi cũng được, miễn có Dran để đọc trong dịp Giáng Sinh giá buốt là thú vị rồi.

Qua Giáng Sinh, sang tháng giêng cũng chưa có tập thơ Dran. Bảy ngày sau, 7-1-2016: Đinh Cường ra đi vĩnh viễn! Và năm ngày sau đó, tập thơ Dran được amazon giới thiệu phát hành.

Phạm Phú Thiện Giao, chủ bút nhật báo Người Việt, đã nhiệt tình đăng ký mua hai cuốn thơ Dran ở amazon. Có sách, Thiện Giao gửi bạn mang về cho tôi ở Sài Gòn. Tôi nhận được tập thơ Dran vào ngày 27 tháng chạp; ngày hôm sau tôi về Dran - Đà Lạt như thường lệ mỗi dịp tết.

Tôi biết hai cuốn thơ Dran tôi đã nhận để làm gì: một cuốn cho tôi, cho tôi và thi-hoạ-sĩ Đinh Cường, trong bùi ngùi tưởng niệm. Và cuốn thứ hai tôi sẽ gửi Yên Thao, người đã cho tôi niềm tin yêu cuối cùng để sống.

 

Sài Gòn, tháng 2-2016

 

_________________________

[*]Tập truyện của Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005).

[**]Tập thơ của Huy Tưởng.

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021