thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một ngày ở đảo Coney
(Phạm Viêm Phương dịch)

 

Issac Bashevis Singer (1904 – 1991) Nhà văn gốc Do Thái sinh tại Ba Lan viết bằng tiếng Yiddish đoạt giải Nobel năm 1978.
       Ông học trong một chủng viện Do Thái tại Warsaw và in tiểu thuyết đầu ở Ba Lan trước khi di cư sang Mỹ (1935) rồi nhập tịch (1943). Ông tự dịch hoặc coi sóc việc dịch tác phẩm của mình sang tiếng Anh nhưng vẫn tiếp tục viết bằng tiếng Yiddish. Những tác phẩm quan trọng của ông là The Family Moskat (1950; “Gia đình Moskat”), The Magician of Lublin (1960; “Phù thủy ở Lublin”), The Estate (1969; “Điền trang”), Enemies, a Love Story (1972; “Các kẻ thù, một chuyện tình”) và The Penitent (1983; “Kẻ sám hối”).
       Ông cũng rất nổi tiếng với truyện ngắn và đã cho ra đời nhiều tuyển tập: Gimpel the Fool (1957; “Gimpel thằng ngốc”), The Spinoza of Market Street (1961; “Spinoza phố Market”), Short Friday (1964; “Thứ Sáu ngắn ngủi”), The Seance (1968; “Buổi lên đồng”), A Crown of Feathers (1973; “Vòng miện lông vũ”; giải National Book Award; trong đó có truyện ngắn sau đây), Old Love (1979; “Tình xưa”) và The Image and Other Stories (1985; “Hình ảnh và những truyện ngắn khác”).
       Truyện của ông đặc tả cuộc sống của người Do Thái ở Ba Lan và Mỹ, pha trộn phong phú sự mỉa mai, sắc bén, khôn ngoan, cùng chất phóng tưởng và thần bí, đồng thời chứa nhiều truyền thuyết dân gian Do Thái và lộ ra sự thấu hiểu về những điểm yếu cố hữu của con người. Đảo Coney trong truyện sau đây là một khu vui chơi nổi tiếng, nhưng bình dân, của New York, xưa là một đảo nay đã thành bán đảo.

 

Hôm nay thì tôi biết lẽ ra mình phải làm gì trong mùa hè đó – công trình của tôi. Nhưng hồi đó tôi hầu như chẳng viết gì. “Ở Mỹ này ai cần thứ tiếng Yiddish?” tôi tự hỏi. Tuy tay chủ biên tờ báo Yiddish thỉnh thoảng vẫn đăng một đoản tác của tôi trên số Chủ nhật, ông ta vẫn nói thẳng với tôi rằng chẳng ai thèm quan tâm tới các quỉ thần, âm hồn và tiểu quỉ của truyền thuyết Do Thái hai trăm năm về trước. Ở tuổi ba mươi, là dân tị nạn Ba Lan, tôi đã trở thành một kẻ lạc loài. Làm như tình cảnh vậy vẫn chưa đủ, nên Washington đã từ chối gia hạn chiếu khán du lịch của tôi. Lieberman, luật sư của tôi, đang cố xin cho tôi một hộ chiếu vĩnh viễn, nhưng để xin được món đó tôi phải có khai sinh, chứng nhận hạnh kiểm, một lá thư nói rằng tôi đang làm việc cho ai đó và sẽ không trở thành gánh nặng cho xã hội, và những giấy tờ khác mà tôi không thể xoay ra được. Tôi đã gửi những lá thư khẩn thiết cho bạn bè ở Ba Lan. Chúng chẳng hề trả lời. Báo chí đang dự báo rằng Hitler có thể xâm lăng Ba Lan bất cứ ngày nào.

Tôi mở mắt ra sau một giấc ngủ chập chờn, đầy những ác mộng. Cái đồng hồ Warsaw của tôi chỉ mười một giờ kém mười lăm. Qua những khe của tấm sáo, ánh sáng vàng rực tràn vào. Tôi nghe thấy âm thanh của đại dương. Từ năm rưỡi nay tôi đã thuê một căn phòng sẵn đồ đạc trong một ngôi nhà cũ ở Sea Gate, không xa chỗ Esther (tôi sẽ gọi bà ta như thế trong truyện này), và trả mười sáu đô một tháng. Bà chủ nhà Berger cho tôi ăn sáng với giá gốc.

Cho đến khi họ trục xuất tôi về Ba Lan, tôi vẫn hưởng tiện nghi Mỹ. Tôi tắm trong phòng tắm dưới nhà (vào giờ đó trong ngày thì chẳng có ai tắm cả), và tôi có thể thấy một con tàu lớn từ châu Âu qua – hoặc chiếc Queen Mary hoặc Normandie. Từ cửa sổ phòng tắm nhìn ra và thấy Đại Tây Dương và một trong những chiếc tàu mới và nhanh nhất thế giới thì sang trọng thật! Trong khi cạo râu, tôi đã quyết định: tôi sẽ không để bị trục xuất về Ba Lan. Tôi sẽ không rơi vào móng vuốt của Hitler. Tôi sẽ lưu trú bất hợp pháp. Tôi nghe nói rằng nếu chiến tranh nổ ra thì tôi có cơ may tự động trở thành công dân Mỹ. Tôi nhe răng cười với hình mình trong gương. Mái tóc đỏ cạch của tôi đã biến mất. Tôi có đôi mắt xanh ướt, mí mắt đỏ, đôi má hóp, một cục yết hầu lộ rõ. Tuy người ta từ Manhattan đến Sea Gate để tắm nắng, nhưng da tôi ở đây vẫn trắng bệch một cách bệnh hoạn. Mũi tôi mảnh và nhợt nhạt, cái cằm nhọn, bộ ngực lép kẹp. Tôi thường nghĩ rằng mình trông chẳng khác thằng tiểu quỉ tôi tả trong truyện chút nào. Tôi thè lưỡi ra và tự gọi mình là một gã batlan khùng, chữ đó có nghĩa là thằng vô tích sự.

Tôi hi vọng căn bếp của bà Berger sẽ chẳng còn ai vào lúc trưa trật thế này, nhưng họ có mặt đủ cả: ông Chaikowitz; bà vợ thứ ba của ông ta; nhà văn già Lemkin vốn là tay vô chính phủ; và Sylvia, người mấy bữa trước đã dẫn tôi vào một rạp hát trên phố Mermaid (cho đến năm giờ thì giá vé chỉ mười xu) và thông dịch những gì đám băng đảng đang nói trong phim sang một thứ tiếng Yiddish ba rọi cho tôi nghe. Trong bóng tối, cô ta cầm tay tôi, chuyện đó làm tôi thấy mình có lỗi. Thứ nhất, tôi đã thề với mình là giữ Mười điều răn. Thứ nhì, tôi đang phản bội Esther. Thứ ba, tôi thấy áy náy với Anna, người vẫn từ Warsaw viết thư cho tôi. Nhưng tôi không muốn xúc phạm Sylvia.

Khi tôi bước vào bếp, bà Berger kêu lên: “Nhà văn của mình đây rồi! Sao mà người ta ngủ được lâu vậy nhỉ? Tôi thì đã dậy từ sáu giờ sáng.” Tôi nhìn đôi chân bự tướng của bà, nhìn những ngón chân cong queo với khớp ngón sưng lộ ra. Ai cũng đùa cợt tôi. Ông Chaikowitz nói, “Ông có thấy bị lỡ buổi cầu kinh sáng không? Ông chắc thuộc phái Kotzker Hasid chuyên môn cầu kinh trễ.” Mặt ông ta trắng và chòm râu dê của ông cũng vậy. Bà vợ ba của ông, một phụ nữ phốp pháp với cái mũi nung núc và đôi môi mọng, chen vào, “Tôi chắc ông ma mới này còn chưa có hộp đựng kinh để cầu nguyện nữa kìa.” Còn Lemkin, ông ta nói, “Nếu được hỏi thì tôi đoán tay này thức suốt đêm để viết một cuốn best seller đấy.”

“Tôi lại đói bụng nữa rồi,” Sylvia thông báo.

“Bữa nay ông muốn ăn gì?” Bà Berger hỏi tôi. “Hai bánh với một trứng hay hai trứng một bánh?”

“Bà cho gì ăn nấy.”

“Tôi sẵn sàng dọn cả mặt trăng ra cho ông. Tôi sợ ông lôi tôi ra viết trên tờ báo Yiddish ấy lắm.”

Bà mang cho tôi một ổ bánh lớn với hai quả trứng chiên và một cốc cà phê cối. Giá một phần ăn sáng là hai mươi lăm xu, nhưng tôi đã nợ bà Berger sáu tuần tiền nhà và sáu tuần ăn sáng. Trong khi tôi ăn, bà Chaikowitz kể về đứa con gái lớn của mình, nó góa chồng một năm nay và mới tái giá. “Các ông có bao giờ nghe một chuyện thế này không?” bà ta nói. “Thằng đó nấc cục một cái rồi gục xuống chết luôn. Làm như bị đứt cái gì trong não. Cầu Chúa đừng cho những chuyện xui như thế xảy ra. Nó để lại cho con vợ hơn năm chục ngàn đô tiền bảo hiểm. Một phụ nữ trẻ thì chờ được bao lâu? Đứa trước là bác sĩ, đứa này là luật sư – luật sư sáng giá nhất Mỹ đấy. Y nhìn con bé một cái là nói, ‘Đây là mẫu đàn bà tôi chờ đợi.’ Sáu tuần sau bọn nó cưới nhau rồi đi hưởng tuần trăng mật ở Bermuda. Nó mua cho con bé cái nhẫn mười ngàn đô luôn.”

“Nó còn độc thân hả?” Sylvia hỏi.

“Nó đã có một đời vợ, nhưng bà đó không phải mẫu của nó và hai đứa ly dị. Mụ kia lấy được của nó cả đống tiền cấp dưỡng – mỗi tuần hai trăm đô. Chắc nó dùng tiền đó mua thuốc.”

Tôi ăn nhanh bữa sáng của mình và rút lui. Ra ngoài, tôi nhìn vào hộp thư, nhưng chẳng có gì gửi cho tôi. Tôi có thể thấy cách hai dãy phố đàng kia là ngôi nhà Esther cho thuê mùa đông năm kia. Bà cho những người muốn đi nghỉ gần New York thuê lại các phòng. Tôi không thể đến chỗ bà vào ban ngày; tôi thường lẻn đến vào giấc khuya. Nhiều nhà báo và nhà văn Yiddish trọ ở đó vào mùa hè ấy, và không nên cho họ biết chuyện dan díu của tôi với Esther. Vì tôi không có ý định cưới bà, nên việc gì lại làm bà mất thanh danh? Esther lớn hơn tôi gần mười tuổi. Bà đã ly dị chồng – một nhà thơ Yiddish, một kẻ theo chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa cộng sản, một nhà thông thái rởm. Ông ta bỏ đi California và không gửi một xu cho hai đứa con gái nhỏ của họ. Ông ta hiện sống với một họa sĩ vẽ tranh trừu tượng. Esther cần một người chồng để bảo bọc bà với hai đứa con gái, chứ không phải một nhà văn Yiddish chuyên về các ma sói với quỉ thần.

Tôi đã ở Mỹ được mười tám tháng, nhưng đảo Coney vẫn khiến tôi ngạc nhiên. Nắng đổ xuống như lửa. Từ phía bờ biển vọng lại tiếng gào la còn ồn hơn tiếng sóng. Trên lối đi lót ván dọc bờ biển, một người bán dưa hấu Ý đang gõ dao vào một tấm thiếc và mời gọi khách hàng bằng một giọng mạnh bạo. Ai cũng gào lên theo kiểu của mình: những người bán bắp rang và bánh mì xúc xích, kem và đậu phộng, kẹo và bắp ngô luộc. Tôi đi ngang qua một phòng trưng bày quảng cáo một sinh vật nửa thiếu nữ nửa cá; một bảo tàng sáp với những tượng của Marie Antoinette, Buffalo Bill và John Wilkes Booth; một cửa hàng trong đó có một nhà chiêm tinh quấn khăn trên đầu ngồi trong bóng tối giữa những bản đồ và quả cầu mô tả các chòm sao, đoán tử vi. Những người lùn nhảy múa trước một rạp xiếc nhỏ, khuôn mặt đen nhẻm của họ sơn trắng, tất cả bọn họ đều bị buộc lòng thòng một sợi thừng dài. Một con rô bô khỉ đột phập phồng cái bụng như ống bễ và phát ra tiếng cười ầm vang. Những cậu bé da đen nhắm súng vào bầy vịt kim loại. Một ông cởi trần trùng trục râu tóc đen thui dài tới vai rao bán những liều thuốc tăng sức mạnh cơ bắp, làm đẹp da và phục hồi khả năng sinh lý. Ông ta dùng tay bứt tung những sợi xích và các ngón tay bẻ gập những đồng xu. Các đó một quãng là một bà đồng được quảng cáo là đang gọi hồn người chết, tiên đoán tương lai, và cho lời khuyên về tình yêu và hôn nhân. Tôi có mang theo cuốn The Education of the Will (Rèn luyện ý chí) của Payot bằng tiếng Ba Lan. Cuốn này, vốn dạy cách khắc phục tính lười biếng và làm công việc tinh thần một cách hệ thống, đã trở thành Kinh thánh thứ hai của tôi. Nhưng tôi làm ngược lại những điều mà nó chỉ dẫn. Tôi lãng phí ngày giờ của mình với những giấc mơ, ưu tư, hoang tưởng trống rỗng, và nhốt mình vào những công việc không có tương lai.

 

* * *

 

Đến cuối đoạn đường lót ván, tôi ngồi xuống một băng ghế. Mỗi ngày, có một nhóm những ông già tụ họp ở đó bàn cãi về chủ nghĩa cộng sản. Một ông nhỏ thó với khuôn mặt tròn đỏ au và tóc bạc trắng như bọt biển lắc đầu nguầy nguậy và la lên, “Ai sẽ cứu những công nhân đây – Hitler? Mussolini? Tay xã hội thân phát xít Léon Blum? Hay tên Norman Thomas cơ hội? Đồng chí Stalin muôn năm! Cầu Chúa ban phước cho đôi tay đồng chí!”

Một ông với cái mũi chằng chịt mạch máu quát trả lại, “Còn những vụ xử án ở Moscow thì sao? Hàng triệu công nhân nông dân mà Stalin đã đày đi Siberia thì sao? Còn các tướng lãnh mà đồng chí Stalin của ông đã xử tử thì sao?” Thân hình ông ta thấp và to ngang, cứ như đoạn giữa cơ thể đã bị cưa mất. Ông ta khạc vào khăn tay rồi hét lên, “Bukharin có thật là điệp viên Đức không? Trotsky có nhận tiền của Rockefeller không? Kamenev có phải kẻ thù của vô sản không? Còn chính ông với dân vô sản thì sao – ông chủ đất thối tha ạ!”

Tôi vẫn tưởng tượng rằng mấy ông này không ngừng lại để ăn hay ngủ mà cứ tiến hành tranh cãi thế này liên tục. Họ nhảy xổ vào nhau như những con dê đực sẵn sàng đọ sừng. Tôi đã lấy ra một cuốn sổ tay và một cây bút máy để viết một đề tài (có lẽ là về những tay tranh luận này), nhưng té ra tôi chỉ ngồi vẽ một hình người nhỏ thó với đôi tai dài, mũi như sừng dê, bàn chân như ngỗng, và hai cái sừng trên đầu. Một lát sau, tôi phủ lên người nó một lớp vẩy và gắn thêm cánh. Tôi nhìn xuống cuốn The Education of the Will. Kỷ luật? Sự tập trung? Nó giúp được cái gì nếu tôi có số bị chết trong trại tập trung của Hitler? Và cho dù tôi còn sống, thì làm sao một truyện ngắn hay tiểu thuyết nữa giúp gì được cho nhân loại? Những nhà siêu hình học đã thua cuộc quá sớm, tôi xác định là thế. Thực tế thì chẳng duy ngã cũng chẳng duy vật. Người ta phải khởi sự ở điểm xuất phát: thời gian là gì? Không gian là gì? Đây là câu trả lời cho toàn bộ câu đố. Ai biết được, có lẽ tôi có số phận là phải giải quyết câu đố đó.

Tôi nhắm mắt lại và quyết định dứt khoát là sẽ phá tung rào chắn giữa ý tưởng và hiện hữu, giữa các phạm trù của lý trí thuần túy và sự vật tự thân. Qua mi mắt tôi mặt trời đỏ rực. Tiếng vỗ của sóng và tiếng ồn ào của con người hoà lẫn vào nhau. Tôi cảm thấy, gần như thấu suốt, rằng tôi chỉ cách chân lý có một bước. “Thời gian là hư vô, không gian là hư vô,” Tôi lầm bầm. Nhưng cái hư vô tính ấy lại là nền cho bức tranh thế giới. Thế bức tranh thế giới là gì? Nó là vật chất? Tinh thần? Nó là từ trường hay lực vạn vật hấp dẫn? Và cuộc đời là gì? Đau khổ là gì? Ý thức là gì? Và nếu có một Thượng Đế, thì ông ta là gì? Bản thể với những thuộc tính vô tận? Đơn tử của các đơn tử? Ý chí mù lòa? Vô thức? Có thể Người là giới tính, như các bí pháp gia đã ám chỉ? Phải chăng Thượng Đế là một cơn cực khoái bất tận? Phải chăng hư vô tính phổ quát là nguyên lý nữ tính? Bây giờ tôi chẳng thể đi tới một xác định nào, tôi quyết định thế. Có lẽ chờ đến khuya, trên giường…

Tôi mở mắt ra và đi về phía Brighton. Những thanh sắt của khung “L” rọi một lưới nắng và bóng nắng trên lề đường. Một chuyến xe lửa từ Manhattan lao qua với tiếng rầm rập điếc tai. Bất kể thời gian và không gian được định nghĩa ra sao, tôi nghĩ, thì ta cũng không thể cùng lúc vừa ở Brooklyn vừa ở Manhattan được. Tôi đi qua những khung kính cửa hàng trưng bày các loại nệm, các mẫu ván đóng mái nhà, những con gà chế biến theo luật Do Thái. Tôi dừng trước một nhà hàng Tàu. Tôi có nên ăn trưa không? Không, trong quán tự phục vụ thì có thể rẻ hơn được năm xu. Tôi đã cạn gần tới xu cuối cùng. Nếu đoản văn của tôi, “Sau cuộc ly dị,” không được in trong số Chủ nhật tới, thì chẳng còn gì cả ngoài việc tự tử.

Đi bộ ngược trở lại, tôi cứ ngạc nhiên với chính mình. Làm sao tôi lại để cho nguồn tài chính của mình cứ teo dần đi như thế này? Quả thật là một du khách thì không được quyền làm việc kiếm tiền, nhưng làm sao Sở Di trú và Nhập tịch biết được chuyện tôi rửa chén trong nhà hàng, hay tìm được chân chạy việc vặt hay chân thày giáo tiếng Hebrew được? Quả là điên khi cứ chờ đợi cho đến khi mình hoàn toàn phá sản. Đúng vậy, tôi đã xác quyết rằng mình có thể sinh tồn bằng các miếng ăn thừa trên bàn quán ăn tự phục vụ. Nhưng không sớm thì muộn tay quản lý hay thu ngân cũng sẽ nhận ra một tay lượm mót. Người Mỹ thà vất thức ăn vào thùng rác còn hơn để nó cho ai ăn mà không trả tiền. Suy nghĩ về thức ăn khiến tôi đói bụng. Tôi nhớ những điều đã đọc về nhịn đói. Với nước uống, người ta có thể sống tới cỡ sáu mươi ngày. Tôi còn đọc được ở đâu đó rằng trong một chuyến thám hiểm Nam hay Bắc Cực gì đó Amundsen đã ăn một trong những chiếc ủng của ông ta. Tôi tự nhủ, cơn đói lúc này của mình chẳng là gì hơn một cơn cuồng trí. Hai quả trứng với một ổ bánh là có đủ tinh bột, chất béo và chất đạm cho nhiều ngày kế tiếp. Tuy vậy, tôi vẫn thấy cồn cào trong bao tử. Đầu gối tôi yếu hẳn. Đêm nay tôi sẽ tới chỗ Esther, và đói bụng sẽ đưa tới bất lực. Tôi chỉ vừa đủ sức tới quán tự phục vụ, lấy một phiếu và tới quầy chọn thức ăn. Tôi biết những kẻ bị kết án tử vẫn đòi những bữa ăn cuối cùng; người ta chẳng muốn bị xử tử với cái bụng rỗng. Điều này, tôi nghĩ, là bằng chứng cho thấy cái sống và cái chết chẳng liên quan gì tới nhau. Vì cái chết không có bản thể, nên nó không thể kết thúc cuộc sống. Nó chỉ là một cái khung cho các tiến trình sống vốn dĩ bất tận.

Tuy chưa trở thành kẻ ăn chay, nhưng tôi vẫn ngẫm nghĩ về lối sống chay tịnh. Tuy vậy, tôi lại chọn thịt bò xào cải ngựa với khoai tây luộc và đậu lima, một chén súp mì, một ổ bánh lớn, một tách cà phê, và một miếng bánh nướng – sáu mươi xu cho tất cả. Bưng khay trên tay, tôi đi qua những bàn còn bừa bãi thức ăn thừa, nhưng tôi dừng lại ở một bàn sạch sẽ. Trên ghế có một tờ báo lá cải buổi chiều. Tuy tôi muốn lấy đọc, nhưng lại nhớ câu của Payot: người trí thức phải ăn chậm rãi, nhai mỗi miếng thật kỹ lưỡng, và không đọc. Tuy vậy tôi vẫn liếc qua những hàng tít. Hitler lại đòi hành lang Ba Lan. Smigly-Rydz đã tuyên bố trên Sejm rằng Ba Lan sẽ chiến đấu giữ từng tấc đất. Đại sứ Đức ở Tokyo đã có một buổi hội kiến với Nhật Hoàng. Một ông tướng Anh về hưu chỉ trích Phòng tuyến Maginot và tiên đoán rằng nó sẽ sụp đổ ngay trận tấn công đầu tiên. Các thế lực cai trị vũ trụ đang chuẩn bị cho tai họa sắp tới.

Sau khi ăn xong, tôi đếm tiền, và nhớ ra rằng tôi phải gọi lại toà soạn để hỏi về cái đoản văn của tôi. Tôi biết rằng một cú điện thoại từ đảo Coney tới Manhattan tốn hết mười xu, và tay chủ bút số Chủ nhật, Leon Diamond, ít khi tới toà soạn. Tuy nhiên, tôi không thể phó mặc mọi chuyện cho số phận được. Mười xu không thay đổi được tình thế. Tôi đứng dậy một cách cương quyết, tìm được một buồng điện thoại còn trống, và gọi cú điện. Tôi cầu khấn các thế lực đang chuẩn bị cho tai họa toàn cầu đừng để tay tổng đài điện thoại nối cho tôi nhầm máy. Tôi đọc số máy muốn gọi một cách rõ ràng bằng hết khả năng phát âm của mình, và cô ta bảo tôi bỏ mười xu vào. Cô gái trực điện thoại trả lời máy và tôi yêu cầu gặp Leon Diamond. Tôi hầu như chắc chắn rằng cô ta sẽ cho hay ông ấy không có trong văn phòng, nhưng tôi lại nghe tiếng ông ta trả lời qua đường dây. Tôi bắt đầu lắp bắp và phải xin lỗi lia lịa. Khi tôi xưng mình là ai, ông ta đáp cộc lốc, “Truyện của ông sẽ đăng số Chủ nhật tới.”

“Cám ơn. Cám ơn ông rất nhiều.”

“Gửi cho cái truyện khác. Tạm biệt.”

“Một phép lạ! Một phép lạ của trời!” tôi gào lên với mình. Ngay lúc tôi gác máy, một phép lạ khác đã xảy ra; tiền từ trong máy điện thoại bắt đầu tuôn ra – những đồng mười xu, năm xu, hai mươi lăm xu. Tôi chần chừ trong tích tắc; lấy chúng thì sẽ là ăn cắp. Nhưng dù thế nào thì Công ty Điện thoại cũng không thu hồi được mớ này, và ai đó ít cần tiền hơn tôi sẽ hốt được chúng. Đã bao lần tôi bỏ đồng mười xu vào máy mà không nối liên lạc được! Tôi nhìn quanh và thấy một phụ nữ mập mạp mặc đồ tắm và đội mũ rơm rộng vành đang chờ tới lượt vào buồng điện thoại. Tôi hốt sạch mớ đồng xu, nhét vào túi áo, và bỏ đi, cảm thấy mình như một con người mới. Trong tâm trí, tôi thầm xin lỗi những đấng quyền năng biết hết mọi sự. Tôi ra khỏi quán tự phục vụ và rảo bước về Sea Gate. Tôi nhẩm tính: Nếu tôi kiếm được năm chục đô nhờ cái đoản văn đó, tôi sẽ trả cho bà Berger ba chục để thanh toán tiền trọ và ăn sáng mà tôi vẫn còn hai mươi đô để chi tiêu. Ngoài ra, tôi có thể thiếu chịu lại từ đầu và cứ trọ ở đó. Nếu vậy, tôi cần gọi cho Lieberman, tay luật sư. Ai biết được, có thể ông ta đã có tin của lãnh sự ở Toronto. Một du khách không thể xin được hộ chiếu vĩnh viễn khi còn ở Mỹ. Tôi sẽ phải sang Cuba hay Canada. Một chuyến đi sang Cuba thì quá đắt tôi không dám tính tới, nhưng có thể Canada cho tôi nhập cảnh thì sao? Lieberman đã cảnh báo với tôi rằng tôi sẽ phải đi lậu từ Detroit sang Windsor, và bất cứ ai đưa tôi bằng qua cầu đó cũng sẽ đòi một thù lao là một trăm đô.

Đột nhiên tôi nhận ra mình đã phạm không chỉ một mà tới hai tội ăn cắp. Trong lúc ào hứng, tôi đã quên béng chuyện trả tiền bữa ăn trưa. Tôi vẫn còn cầm tờ phiếu trong tay. Đây chắc chắn là một trò của quỉ Satan. Thượng giới đang cám dỗ tôi. Tôi quyết định trở lại quán và trả sáu mươi xu. Tôi bước đi mạnh mẽ, hầu như chạy. Trong quán, một gã mặc đồng phục trắng đang đứng cạnh tay thu ngân. Họ nói tiếng Anh. Tôi muốn chờ cho đến khi họ nói chuyện xong, nhưng họ cứ nói hoài. Tay thu ngân liếc nhìn tôi một cái rồi hỏi, “Ông cần gì?”

Tôi đáp bằng tiếng Yiddish, “Tôi quên trả tiền bữa ăn trưa.”

Hắn nhe răng cười và lầm bầm, “Không sao, biến đi.”

“Nhưng…”

“Biến đi, ông bạn,” hắn gừ lên, rồi nháy mắt.

Thấy thế tôi hiểu ngay ra sự vụ. Gã mặc đồng phục trắng hẳn là ông chủ, hay quản lý, và tay thu ngân không muốn cho gã kia biết hắn đã để cho một người khách đi qua mà không trả tiền. Các đấng quyền năng đang toa rập với nhau để cho tôi hết chuyện hên này tới chuyện hên khác. Tôi đi ra, và qua lớp cửa kính tôi còn nhìn thấy tay thu ngân với gã đồng phục trắng phá lên cười. Họ cười tôi, một tay ma mới, nói tiếng Yiddish. Nhưng tôi biết Thượng giới đang thử thách mình, đo lường công trạng và tội lỗi của tôi trên một bàn cân: liệu tôi có xứng đáng được ở lại Mỹ hay tôi phải hết đời ở Ba Lan đây. Tôi xấu hổ vì có nhiều đức tin đến thế sau khi đã tự xưng mình là kẻ vô thần hoặc phi tôn giáo, và tôi nói với những vị phán xét vô hình của tôi, “Sau cùng, cho dù theo Spinoza, thì mọi chuyện vẫn đã được an bài. Trong vũ trụ không có chuyện gì lớn và chuyện gì nhỏ. So với vĩnh cửu, một hạt cát thì cũng quan trọng như cả dải thiên hà.”

Tôi không biết làm gì với tờ phiếu. Tôi nên giữ nó tới mai hay vất nó đi? Tôi quyết định sẽ đưa tiền cho tay thu ngân mà không đưa phiếu. Tôi xé vụn nó ra và vất vào sọt rác.

Tới nhà, tôi vật người xuống giường và chìm vào một giấc ngủ nặng nề, trong đó tôi tìm ra bí mật của thời gian, không gian, và mối quan hệ nhân quả. Nó có vẻ đơn giản đến không tin được, nhưng vào giây phút tôi mở mắt ra thì tôi đã quên sạch. Cái còn lại chỉ là hương vị của một điều gì thật diệu kỳ không có trên trần thế. Trong giấc mơ tôi đã đặt cho phát kiến triết học của mình một cái tên mà nó có thể là tiếng Latinh, Hebrew, Aramaic, hoặc một kết hợp của cả ba. Tôi nhớ mình đang nói, “Hữu thể chẳng là gì cả ngoài…” rồi tôi nói ra một chữ giải đáp cho mọi câu hỏi. Bên ngoài, trời đã hoàng hôn. Những người tắm và bơi ngoài biển đã về hết. Mặt trời chìm xuống bên dưới đại dương, để lại một vệt rực lửa. Một làn gió nhẹ mang theo mùi ẩm mục đáy nước. Một đám mây có hình một con cá khổng lồ chẳng biết từ đâu hiện ra, và mặt trăng lững lờ sau những vẩy cá. Thời tiết đang thay đổi; chuông báo sương mù của tháp hải đăng vang vọng. Một chiếc tàu kéo dòng ba chiếc xà lan đen ngòm. Nó có vẻ bất động, cứ như Đại Tây Dương đã biến thành Biển Đặc mà tôi thường đọc thấy trong những truyện thần tiên.

Tôi không cần phải tằn tiện nữa, và tôi ra quán cà phê ở Sea Gate và gọi bánh phô mát với cà phê. Một nhà báo Yiddish, cộng tác viên với tờ báo vẫn đăng các đoản tác của tôi, đến bên bàn tôi và ngồi xuống. Ông ta có mái tóc trắng và khuôn mặt đỏ ửng.

“Lâu nay ông trốn biệt đi đâu vậy? Chẳng ai thấy ông cả. Tôi nghe nói là ông sống ở khu Sea Gate này.”

“Phải, tôi sống ở đây.”

“Tôi mướn một phòng ở chỗ Esther. Ông biết bà ấy mà… Vợ cũ của một nhà thơ khùng. Sao ông không dọn qua đó? Cả làng báo Yiddish sống ở đó. Nhiều lần họ nhắc đến tên ông.”

“Thật hả? Ai vậy?”

“Ồ, các nhà văn ấy thôi. Ngay cả bà Esther cũng khen ông. Tôi cũng nghĩ ông có tài, nhưng ông chọn những đề tài chẳng ai quan tâm và chẳng ai tin. Chẳng có quỉ thần đâu. Chẳng có Thượng Đế luôn.”

“Ông chắc không?”

“Chắc tuyệt đối luôn.”

“Thế ai tạo ra thế giới?”

“Ồ, thôi. Câu hỏi cũ rích. Tất cả là tự nhiên. Tiến hóa. Ai tạo ra Thượng Đế? Ông thực sự tin tôn giáo à?”

“Có khi tôi vậy đó.”

“Chỉ để phá nhau thôi. Nếu có Thượng Đế, tại sao ổng để Hitler lôi những người vô tội vào Dachau? Còn vụ hộ chiếu của ông thì sao rồi? Ông có lo được gì không? Nếu không, ông sẽ bị trục xuất và tay Thượng Đế của ông sẽ chẳng ưu tư gì mấy về chuyện đó.”

Tôi kể cho ông ta nghe những rắc rối của tôi, và ông ta bảo, “Chỉ có một lối thoát cho ông thôi – cưới một bà công dân Mỹ. Nó làm ông được hợp pháp. Sau đó, ông có thể xin được giấy tờ và nhập tịch luôn.”

“Tôi chẳng đời nào làm chuyện đó,” tôi nói.

“Tại sao không?”

“Vậy là xúc phạm cả tôi lẫn người phụ nữ đó.”

“Và rơi vào tay Hitler là tốt hơn à? Chẳng là cái quái gì ngoài thói tự trọng ngu ngốc. Ông viết lách như một người lớn, mà ứng xử cứ như một chú nhóc. Ông bao nhiêu tuổi rồi?”

Tôi nói cho ông ta nghe.

“Ở tuổi ông, tôi đã bị lưu đày Siberia vì hoạt động cách mạng.”

Người bồi tới gần bên, và tôi định trả tiền thì ông nhà báo nọ giành chộp lấy hóa đơn. Tôi thầm nghĩ hôm nay mình hên quá chừng.

Tôi nhìn ra cửa và thấy Esther. Buổi tối bà ta thường ghé vào đây, đó là lý do tại sao tôi tránh quán này. Esther với tôi đã hợp đồng giấu kín chuyện tình của mình. Ngoài ra, về mặt bệnh lý tôi đã trở nên quá rụt rè ở Mỹ. Cái thói đỏ mặt thời trai trẻ đã trở lại. Ở Ba Lan, tôi chưa từng nghĩ mình lùn, nhưng giữa những người Mỹ khổng lồ tôi trở nên nhỏ bé. Bộ đồ kiểu Warsaw của tôi trông cũng kỳ dị, với cổ áo to bản và vai độn. Ngoài ra, nó quá dày so với cái nóng ở New York. Esther cứ quở tôi về chuyện mặc áo kín cổ, áo vest, rồi đội mũ trong khí hậu nóng bức này. Lúc này bà đã thấy tôi và có vẻ bối rối, cứ như một thiếu nữ tỉnh lẻ Ba Lan. Chúng tôi chưa bao giờ ở cạnh nhau trước mặt đám đông. Chúng tôi ở bên nhau trong bóng tối, như hai con dơi. Bà có động tác như muốn bỏ đi, nhưng ông bạn tôi đã gọi tên bà. Bà ngập ngừng tiến tới. Bà mặc một cái váy trắng và đội nón rơm có dây băng xanh. Da bà rám nắng và đôi mắt đen có một ánh trẻ trung. Bà không hề giống một phụ nữ gần bốn mươi, mà trông thon thả và tươi trẻ. Bà tới bên bàn và chào tôi cứ như một người lạ. Bà bắt tay tôi theo kiểu châu Âu. Bà mỉm cười e dè và gọi tôi là “ông” thay vì “anh.”

“Ông khỏe không? Lâu lắm rồi tôi không được gặp.” Bà nói.

“Ông ta đang trốn lánh.” Ông nhà báo tố cáo. “Ông ấy chẳng chịu lo chuyện hộ chiếu và họ sẽ tống ông ta về Ba Lan. Nay mai là chiến tranh nổ ra thôi. Tôi khuyên ông ta cưới một phụ nữ Mỹ vì ông ta sẽ nhờ đó xin được hộ chiếu, nhưng ông ta không chịu nghe.”

“Tại sao không?” Esther hỏi. Má bà ửng lên. Bà mỉm một nụ cười dễ yêu và trông đợi. Bà ngồi xuống mép ghế.

Tôi ước gì mình có được một câu trả lời khôn ngoan, sắc sảo. Thay vì thế, tôi chỉ nói một cách ngốc nghếch, “Tôi không lấy vợ chỉ để xin hộ chiếu.”

Ông nhà báo mỉm cười và nháy mắt. “Tôi không phải ông mai, nhưng hai người làm thành một cặp hợp đấy.”

Esther nhìn tôi dò hỏi, van xin và trách cứ. Tôi biết mình phải trả lời ngay lúc đó, hoặc nghiêm túc hoặc bằng một câu đùa vui, nhưng chẳng có lời nào bật ra. Tôi thấy người nóng bức. Áo sơ mi của tôi ướt đẫm và tôi bị dính chặt vào ghế. Tôi có cảm giác đau buốt là cái ghế của tôi đang nghiêng đi. Sàn nhà dâng lên và các ngọn đèn trên trần đan vào nhau, kéo dài và mờ ảo. Quán cà phê bắt đầu quay mòng mòng như một vòng ngựa gỗ.

Esther đột ngột đứng dậy. “Tôi có cái hẹn phải đi,” bà nói, và quay người đi. Tôi nhìn theo bà vội vã ra cửa. Ông nhà báo mỉm cười như hiểu thấu, gật gù, và đi qua một bàn khác tán gẫu với một đồng nghiệp. Tôi vẫn ngồi đó, bàng hoàng trước thay đổi bất ngờ từ may sang rủi của mình. Trong cơn bối rối tôi móc những đồng xu trong túi ra và bắt đầu đếm đi đếm lại, nhận dạng đồng tiền qua xúc giác hơn là thị giác, đồng thời làm những phép cộng lộn xộn. Mỗi lần cộng tôi lại được một con số khác hẳn. Trong cuộc chơi giữa tôi với các thế lực bên trên cho đến lúc này thì có vẻ như tôi đã thắng được một đô la và vài xu và tôi đã thua mất quyền tị nạn tại Mỹ và một người phụ nữ tôi yêu thật lòng.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021