thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Căn phòng bí ẩn
Hoàng Ngọc Biên dịch và giới thiệu

 

 

Alain Robbe-Grillet sinh ngày 18.8.1922 ở Brest (Finistère), tây bắc Pháp, trong một gia đình gồm những người làm khoa học và kỹ sư. Ông học trung học ở Lycée de Brest, rồi Lycée Buffon, Lycée Saint-Louis ở Paris. Năm 1946 ông tốt nghiệp Viện Canh nông Quốc gia, được bổ nhiệm làm tại Viện Thống kê Quốc gia Paris, nhưng đến năm 1948 thì nghỉ và về làm việc cho phòng thí nghiệm của người chị ở Seine et Marne, chuyên sưu tầm về sinh vật học. Từ 1949 (năm ông hoàn tất tiểu thuyết đầu tay Un Régicide) đến 1951 ông làm việc tại Viện nghiên cứu trái cây bản xứ, từng ở Maroc, Guadeloupe, Guinée và Martinique để nghiên cứu về trái cây miền nhiệt đới. Trên chuyến tàu thủy đưa ông từ Martinique trở về Paris (1951), Robbe-Grillet khởi sự viết cuốn Les Gommes, và từ cuối năm 1951 những bài điểm sách và nhiều tiểu luận ông viết bắt đầu xuất hiện trên nhiều tạp chí: Critique, Express, la Nouvelle Nouvelle Revue Française – để làm sáng tỏ lối viết của mình. Les Gommes được xuất bản ở nhà Minuit năm 1953 (Giải thưởng Fénéon 1954), và cũng bắt đầu từ năm này ông sang hẳn địa hạt văn chương. Cuốn Le Voyeur (1955, Giải các nhà phê bình) được coi là đánh dấu thời gian ông làm tư vấn cho nhà xuất bản Minuit. Robbe-Grillet lấy vợ năm 1957, năm xuất bản cuốn La Jalousie, và song song với viết lách, ông bắt đầu bước qua điện ảnh, khởi đầu là phim L’Année dernière à Marienbad (1960, Giải Sư tử Vàng tại Venise 1961), rồi đến L’Immortelle (1963), Trans-Europ-Express (1966)... Quan điểm tiểu thuyết của ông, thể hiện qua cuốn Pour un nouveau roman (1963), và hơn hết là trong toàn bộ tác phẩm ông, được bàn cãi khắp thế giới. Năm 1964 ông đi nói chuyện tại nhiều trường đại học ở Mỹ, và từ 1972 về sau dạy nhiều khóa ở New York University, nơi đây ông bắt đầu quan hệ với Robert Rauschenberg, Roy Lichtenstein... Tác phẩm Robbe-Grillet đi từ văn chương qua điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa – đi tới đâu cũng để lại dấu vết một cái nhìn sắc sảo. Con người xưa nay bị ngộ nhận nhiều nhất giờ đây đã được hiểu rõ hơn – về biến chuyển của người viết, tiến trình suy nghĩ, và về ý nghĩa sâu xa của sự tìm kiếm. Ngòi bút Robbe-Grillet khởi sự từ chỗ “tước bỏ trái tim lãng mạn” nơi sự vật, chối từ những yếu tố qui ước, như một câu chuyện kể mang kịch tính, ý niệm một chiều về thời gian, phân tích tâm lý nhân vật, và đạt đến một kiểu mô tả lạnh lùng những hình ảnh và vật thể lặp đi lặp lại, những biến cố ngẫu nhiên của đời sống thường ngày: người đọc bấy giờ tha hồ đoán hiện thực đàng sau những chi tiết và sự kiện. Hiện thực khách quan? Không hẳn thế. Robbe-Grillet luôn nhấn mạnh cái chỗ chủ quan này của thế giới ông mô tả: mọi thứ được nhìn qua mắt của một nhân vật, chứ không phải của một người kể chuyện “cái gì cũng biết”, và người đọc từ nay sẽ không nhìn bản văn như một biểu hiện của thực tại, mà là một thứ ngôn ngữ được vận dụng trong đó chữ đóng vai trò quan trọng như những dấu hiệu chứ không phải là cái chuyên chở ý nghĩa.
 
Hoàng Ngọc Biên
(trích giới thiệu trong Alain Robbe-Grillet, Djinn - một lỗ màu đỏ giữa những viên đá lát bị tháo gỡ,
bản dịch Hoàng Ngọc Biên, 192 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 2003)

 

_______________________________

 

CĂN PHÒNG BÍ ẨN

 

Gửi Gustave MOREAU

 

Ban đầu là một chấm đỏ, màu đỏ chói lọi, rực rỡ, nhưng tối tăm, với những bóng mờ gần như đen. Chấm đỏ làm thành một hình hoa thị không đều đặn, với những đường viền quanh rõ ràng, giăng ra nhiều phía thành những đường dài ngắn không bằng nhau, tách phân rồi nhỏ dần cho đến khi chỉ còn lại những sợi nhỏ ngoằn ngoèo. Toàn thể hình hoa hiện rõ trên nền bạc phếch của một bề mặt láng bóng, tròn xoay, mờ đục và đồng thời như lóng lánh tựa xa cừ, một nửa hình cầu nối liền vào một khoảng rộng cùng màu bạc phếch bằng những đường hơi cong – màu trắng bị giảm bớt bởi bóng tối của nơi này: ngục thất, căn phòng thấp, hoặc ngôi nhà thờ – tỏa rộng ánh sáng ra trong vòng tối lờ mờ.

Bên kia, khoảng không gian bị chiếm bởi những hình ống các cột trụ đang tăng thêm nhiều và lần lượt mờ dần, về phía sâu thẳm nơi hiện ra cái móc ở đầu cầu thang rộng bằng đá, cầu thang đi lên hơi xoay, càng lên càng hẹp dần, lên đến những vòm trên cao thì nó biến mất.

Khắp cả cảnh trí này đều trống không, những chiếc cầu thang và những cột trụ. Ở hàng đầu, chỉ có xác người nằm duỗi thẳng là lờ mờ chiếu sáng, trên thân hình có một chấm đỏ lan rộng – một xác người trắng trẻo mà người ta đoán được thể chất đầy đặn và mềm mại, chắc hẳn cũng mong manh, có thể bị thương tích. Bên cạnh nửa hình cầu đẫm máu, một hình tròn khác tương tự, còn nguyên vẹn, hiện ra trước mắt nhìn dưới một góc cạnh hơi khác; nhưng cái chấm có quầng nằm phía trên, màu đậm hơn, ở đây lại hoàn toàn có thể nhận ra được, trong khi chấm kia gần như bị tiêu diệt trọn vẹn, hoặc ít ra cũng bị vết thương che mất.

Trong cùng, phía cao trên cầu thang, một bóng đen đang đi xa dần, một người đàn ông phủ mình trong một lớp áo choàng dài bay phấp phới đang bước lên những bực thang cuối cùng mà không quay người lại, khi đã hoàn thành trọng tội của mình. Một làn khói nhẹ tỏa lên cuộn thành từng vòng từ một thứ giống như lư hương đặt trên một cái đế cao bằng sắt lấp lánh như ánh bạc. Sát gần đó một xác người trắng nõn nằm yên, có những đường máu lớn chảy ra từ vú bên trái, dọc theo sườn và trên hông.

Đó là một xác người đàn bà dáng đầy đặn, nhưng không nặng nề, hoàn toàn trần truồng, nằm ngửa người, ngực nâng cao lưng chừng trên những chiếc gối kê dày ném bừa bãi trên mặt đất, được phủ lên bằng những tấm thảm vẽ những hình đông phương. Vòng eo rất nhỏ, cổ thon và dài, nghiêng về một bên, đầu bật ngửa ra sau trong một vùng tối hơn tuy trong vùng tối này ta vẫn đoán được những nét mặt, cái miệng hé mở, đôi mắt lớn mở rộng, rực lên một tia sáng bất động, và mớ tóc dài, đen, xõa thành những dợn sóng theo một rối loạn điều hợp trên một miếng vải với những đường xếp lớn, có thể là một tấm nhung, cả cánh tay và bờ vai đều đặt lên trên đó.

Đó là một tấm nhung trơn, màu tím sẫm, hay nó chỉ có vẻ như vậy dưới ánh đèn này. Nhưng màu tím, màu nâu, màu xanh dường như cũng nổi bật hơn hết trong các màu của những chiếc gối – mà tấm vải nhung chỉ che mất có một phần nhỏ và đang nằm thấp quá xuống tận dưới ngực và dưới eo – và màu sắc trên những hình vẽ đông phương của tấm thảm trải trên mặt đất cũng vậy. Xa hơn nữa, cũng những màu đỏ lại hiện ra trên chính mặt đá lát và trên những cột trụ, trên những vòm hình cung, trên cầu thang, trên những bề mặt mơ hồ hơn ở đó mất hút ranh giới căn phòng.

Thật là khó mà định rõ kích thước căn phòng này; người đàn bà trẻ bị hi sinh thoạt tiên dường như chiếm một chỗ quan trọng ở đó, nhưng khuôn khổ rộng rãi của cầu thang chạy xuống đến tận căn phòng trái lại có thể cho biết nơi đây không phải hết cả căn phòng, mà chiều rộng đáng kể thật sự phải kéo dài ra khắp mọi phía, bên phải và bên trái, như là kéo dài về phía những màu nâu và màu xanh xa xăm ở đó những cột trụ sắp thẳng hàng, hướng về mọi chiều, có lẽ là về những chiếc ghế trường kỷ khác, những tấm thảm dày, những đống gối và vải chồng chất, những xác người khác bị hình phạt, những lư hương khác.

Thật cũng khó mà nói được ánh sáng từ đâu chiếu đến. Không một chứng tích nào, trên những cột trụ hay trên mặt đất, cho biết chiều hướng các tia sáng. Vả lại cũng không một chiếc cửa sổ nào trông thấy được, không một ánh đèn nào. Chính xác người trắng nõn có vẻ như đã chiếu sáng cảnh tượng đó, xác người với bộ ngực có đôi vú căng phồng, với đường cong ở hông, cái bụng, cặp đùi đầy đặn, đôi chân duỗi thẳng, mở toang, và mớ lông đen của bộ phận sinh dục phơi ra ngoài, khiêu khích, dâng hiến, nhưng giờ đây đã vô tích sự.

Người đàn ông đã bước xa khỏi mấy bước. Hắn đứng trên những bực thang đầu tiên và sắp bước lên. Những bực thang phía dưới dài và rộng như những bực cấp dẫn lên một tòa lâu đài, một đền thờ hay một hí viện nào đó; rồi càng lên cao những bực thang đó càng giảm dần và đồng thời uốn một vòng xoáy ốc rộng lớn, ít cong đến nỗi khi cầu thang chưa quay được nửa vòng, bị thu lại chỉ còn là một lối đi hẹp và dốc đứng không tay vịn, lại còn mơ hồ hơn trong bóng tối đang dày đặc dần, nó đã biến mất trên những vòm cao.

Nhưng người đàn ông không nhìn về phía đó, về phía mà những bước chân hắn lại sắp dẫn hắn đến; khi bàn chân trái để trên bậc thứ hai và bàn chân mặt đã đặt trên bậc thứ ba, đầu gối gập đôi, hắn quay người lại để nhìn một lần cuối cùng cảnh tượng đó. Chiếc áo choàng dài phấp phới mà hắn đã vội vàng ném lên vai và đưa bàn tay để giữ ngang eo, đã bị kéo theo vì hắn quay người thật nhanh đưa cả đầu lẫn người về phía sau lưng, một tà áo tung lên cao như bị một cơn gió lốc; góc tà áo bị cuốn lại thành một hình chữ S khá dãn, để lộ mặt vải lót bằng lụa đỏ thêu vàng.

Nét mặt người đàn ông thản nhiên, nhưng căng thẳng, như đang chờ đợi – có thể đang sợ hãi – một biến cố đột ngột nào đó, hay đúng hơn hắn đang dạo một cái nhìn cuối cùng quan sát sự bất động toàn diện của cảnh tượng. Mặc dù hắn nhìn lui về phía sau như vậy, toàn thân hắn vẫn hơi nghiêng về phía trước, tựa như hắn vẫn tiếp tục bước lên cầu thang. Cánh tay mặt – cánh tay không giữ mép áo choàng – dang ra nửa chừng qua phía trái, về một điểm trong khoảng không gian mà nếu thang gác có một thành cầu thì chắc hẳn thành cầu phải ở nơi đó, cử chỉ bị gián đoạn, gần như không ai hiểu được, trừ phi đó chỉ là một phát động do bản năng để gượng lại khi dựa nhằm vào khoảng không.

Còn về hướng nhìn, chắc chắn nó đưa về phía xác nạn nhân đang nằm dài trên những chiếc gối, người dang rộng, tay chân duỗi ra thành hình chữ thập, ngực hơi nâng lên, đầu ngửa ra phía sau. Nhưng có thể dưới mắt người đàn ông thì khuôn mặt bị một trong những cột trụ che khuất, cột trụ dựng lên ở phía dưới cùng cầu thang. Bàn tay phải của người đàn bà vừa chấm mặt đất ngay chân cột trụ đó. Một vòng sắt dày siết chặt cái cườm tay mảnh khảnh yếu ớt. Cánh tay gần như nằm trong bóng tối, chỉ có bàn tay là nhận khá đủ ánh sáng để cho người ta có thể thấy rõ được những ngón tay thon, xòe rộng bên cái đế tròn của trụ đá. Một sợi dây xích bằng kim khí đen vòng quanh cột trụ và chui qua một cái khoen nối liền với chiếc vòng, và như vậy sợi dây buộc chặt cườm tay vào cột trụ.

Phía trên cùng cánh tay, một bờ vai tròn trĩnh, được nâng cao lên bởi những chiếc gối, cũng được chiếu sáng, cũng như cổ, ngực và vai bên kia, nách với cụm lông măng, cánh tay trái cũng dang ra sau và cườm tay cũng bị buộc vào phía dưới một cột trụ khác như tay kia, sát ở hàng đầu; ở đây vòng sắt và sợi dây xích trông thật hiển hiện, vẽ lên từng nét hoàn tòan rõ rệt với những chi tiết nhỏ nhặt nhất.

Vẫn ở hàng đầu nhưng về phía bên kia, một sợi dây xích tương tự cũng rõ ràng như vậy, mặc dù có hơi ít lớn hơn một tí, sợi dây buộc chặt ngang mắt cá, cuộn hai vòng và giữ yên nó trong một cái vòng lớn gắn liền trên mặt đất. Lùi về phía sau chừng một thước hay xa hơn một tí, bàn chân phải cũng bị buộc y như vậy. Nhưng chính bàn chân trái và sợi dây buộc nó mới được vẽ ra rõ ràng hơn cả.

Bàn chân thì nhỏ, mảnh khảnh, được nắn nót một cách thanh tú. Sợi dây xích đã nghiền từng nơi vào da thịt, đào thành những chỗ lõm trông thật rõ mặc dù là những chỗ lõm rất nhỏ. Những khoen dây xích hình trái soan, dày, lớn bằng con mắt. Cái vòng thì giống như những cái vòng người ta dùng để cột ngựa; nó gần như được để nằm trên một tấm đá lát ở đó người ta đem gắn nó vào bằng một đinh khuy thật kớn. Đường viền một tấm thảm bắt đầu xa hơn vài phân; ở đây nó phồng lên do một đường nhăn chắc hẳn được gây nên bởi những động tác liên tục dù những động tác đó bắt buộc phải rất hạn chế, của nạn nhân, khi nàng cố vùng vẫy.

Người đàn ông vẫn hơi cúi xuống trên người nàng, đứng cách nàng chừng một thước. Hắn ngắm khuông mặt nàng ngửa ra, cặp mắt tối đen vẽ vời trông lớn thêm ra, miệng mở rộng tựa như lúc chết nàng đang gào thét. Cách đứng của người đàn ông chỉ để lộ một gương mặt ngó ngang xa vắng, nhưng người ta cũng đoán được gương mặt đó đang bị một sự kích thích dữ dội dày vò dù tư thế cứng đơ, dù im lặng, dù bất động. Lưng người đàn ông hơi cong. Bàn tay trái, bàn tay độc nhất người ta trông thấy được, cầm một miếng vải đưa khá xa mình, một thứ áo quần gì đó màu sẫm, kéo dài xuống tận mặt tấm thảm, chắc hẳn là chiếc áo choàng dài có vải lót thêu vàng.

Cái bóng to lớn đó che một phần thịt da trần truồng trên đó cái chấm đỏ lan ra quanh vành tròn của vú chảy thành những sợi dài vừa phân ra từng nhánh vừa nhỏ dần, trên nền màu bạc phếch của nửa thân trên và của cả một bên hông. Một trong những sợi dài đó lan đến tận nách và vẽ một đường thật mỏng gần thẳng dọc theo cánh tay; những sợi khác lan xuống về phía eo và vẽ trên bụng, trên háng, phía trên đùi, thành một hệ thống vô định hơn mà bây giờ đã đông lại rồi. Ba hay bốn đường tĩnh mạch con bò vào đến tận lỗ hốc của bẹn và nhập vào làm một vạch ngoằn ngoèo, nối với đỉnh chữ V hợp thành bởi hai cánh chân dang rộng, và mất hút trong mớ lông đen.

Đấy, bây giờ da thịt vẫn còn nguyên vẹn: mớ lông đen và cái bụng trắng, đường cong mềm của hai bên háng, cái eo nhỏ và, cao hơn nữa, đôi vú lóng lánh xà cừ nhô lên theo hơi thở nhanh giờ đây còn rối rít hơn nữa. Người đàn ông, đứng sát bên nàng, một đầu gối quì xuống đất, cúi thấp xuống hơn nữa. Cái đầu với mớ tóc dài quấn lọn, cái duy nhất còn giữ được một ít tự do trong cử động, lay động, vùng vẫy; cuối cùng miệng người con gái mở ra và uốn vặn, trong khi da thịt buông lơi, máu tóe ra trên làn da mịn màng, căng thẳng, cặp mắt đen tô vẽ cầu kỳ mở to ra quá độ, miệng mở còn rộng hơn nữa, cái đầu nghiêng bên phải rồi bên trái, một cách dữ dội, một lần cuối cùng, rồi nhẹ nhàng hơn, để rồi rốt cuộc ngả ra về phía sau và bất động, trong mớ tóc đen xõa rộng trên tấm nhung.

 
Gustave MOREAU, Jupiter và Semele (1894-1895)
 

Phía trên cùng cầu thang bằng đá, cánh cửa nhỏ mở ra, để lọt vào một luồng ánh sáng vàng vọt nhưng vẫn rực rỡ, trong đó hiện rõ hình người đàn ông sấp bóng phủ mình trong lớp áo choàng dài. Hắn chỉ còn phải bước lên có vài bực thang thôi để lên đến ngưỡng cửa,

Sau đó, khắp cả cảnh trí đều trống không, căn phòng rộng mênh mông có những bóng mờ màu tím với những trụ đá đang tăng dần mọi phía, chiếc cầu thang to lớn không tay vịn xoáy tròn, càng lên cao trong bóng tối càng hẹp và mơ hồ hơn, lên đến chóp những vòm cao nó biến mất.

Bên cạnh xác người mà vết thương đã đông lại, sắc diện đã giảm dần, làn khói nhẹ của lư lương vẽ trong không gian yên tĩnh những vòng tròn chằng chịt: ban đầu là một đường xoắn nằm ngang phía bên trái, nó trỗi dậy sau đó và lên cao một tí, rồi trở về phía trục khởi hành, nó còn đi quá cả cái trục đó qua phía bên phải, rồi lại đi ngược chiều trở lên, để rồi lại trở về nữa, cứ thế nó vẽ thành một đường sin không đều đặn, mỗi lúc lại càng dãn ra, nó bay lên, thẳng đứng, về phía trên cao của bức tranh.

 

 

----------------------------
* "Căn phòng bí ẩn" [nguyên tác: "La Chambre secrète" (1962), rút từ cuốn Instantanés, Nxb Minuit, Paris, 1962] chính là một chuyển biến của cái nhìn mô tả nơi Alain Robbe-Grillet. Truyện kể được viết theo một bức tranh tưởng tượng của Gustave Moreau** mà những hình thể, những màu sắc, ánh sáng trong tranh – những cột trụ và những nhân vật bất động, thẳng đứng, những hạt pha lê lóng lánh trên thân hình đàn bà trần truồng, những đường chạm bạc trên các bờ tường, những yêu thuật của thời gian ngừng lại trong một kiến trúc màu xanh và màu vàng đông phương, những tia sáng chiếu thẳng siêu thục và những bóng tối dày đặc mơ hồ – đã khoác lên toàn tác phẩm một bầu không khí huyền dị, cái huyền dị tiềm ẩn một đời sống mạnh mẽ hơn, thi vị hơn, dồi dào và kín đáo hơn. Vẫn với ngòi bút mô tả có vẻ khách quan, với những chuyển động và đường nét bắt đầu phức tạp kỳ quái hơn, đến gần nghệ thuật baroque, tác giả đưa ta đi vào những chiều sâu hôn mê của thực tại, ở phía bên kia mặt kính. Ta không tìm thấy những bộ mặt quái vật trong vũ trụ huyền dị của ông, nhưng chính lối nhìn độc đáo của ông đã đem nó vượt qua khỏi ngưỡng cửa của hiện hữu, và với ông, trong căn phòng bí ẩn, mỗi vật là một ám ảnh, căn phòng không phải là căn phòng với bốn bức tường mà là một vực thẳm hun hút với những bậc cầu thang xoáy mãi, lên mãi, đi vào hư vô, và tội ác vừa được hoàn thành là đi luôn vào vĩnh cửu.
      "Căn phòng bí ẩn" lần đầu tiên được đưa vào Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, do Hoàng Ngọc Biên giới thiệu và dịch, 328 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1969. Ấn bản năm 1969 ở Saigon này đã bị kiểm duyệt nhiều chỗ: đoạn 5 (chín chữ), đoạn 8 (3 dòng), đoạn 17 (2 chữ, rồi 7 chữ, rồi 5 dòng), đoạn 18 (2 dòng, rồi 3 dòng).
 
** Gustave Moreau (6.4.1826-18.4.1898) là một trong những họa sĩ phái tượng trưng nổi tiếng của Pháp, thoạt tiên chịu ảnh hưởng chủ nghĩa lãng mạn ngoại lai của thầy mình là Chassériau (La Toilette d’Esther, 1842), sau đó đã đi xa hơn đến những miền đất huyền dị và đã hoàn toàn tự tách mình khỏi mọi ảnh hưởng về đề tài cũng như kỹ thuật, hướng tới những hình ảnh ẩn dụ đậm đặc chất huyền bí gợi lại những nền văn minh đã chết từ lâu và cả những huyền thoại – tất cả, dưới nét cọ long lanh những chạm trổ đầy gợi cảm, khắc họa một thế giới mơ hồ mà một thoáng nhìn nhanh người ta đôi khi khó nhận ra đâu là người nữ, đâu là người nam, đâu là biểu tượng cái Thiện, đâu là biểu tượng cái Ác. Năm 1892, ông được nhận vào làm giáo sư giảng dạy tại École des Beaux-Arts và đã chứng tỏ là một vị thầy đầy sáng tạo, thay vì đem tư tưởng của riêng mình áp đặt lên các môn sinh, đã hết lòng giúp học trò phát triển những năng khiếu đặc thù và cá nhân. Trong số những học trò nổi tiếng của ông, có thể nhắc đến Albert Marquet, Henri Matisse, nhất là Georges Rouault là người đầu tiên phụ trách chăm nom nhà Bảo tàng Moreau ở Paris.
      Moreau là một nghệ sĩ sống phần lớn cuộc đời đơn độc của mình ở khu Montmartre. Nhìn lại toàn bộ tác phẩm ông để lại, nhiều người đã liên kết thế giới tượng trưng của ông với phái siêu thực, từ đó nhìn ông như một trong những người tiên phong của trường phái mới đã càng nở rộ sau khi ông qua đời. Cuối thế kỷ vừa qua, kỷ niệm 100 năm ngày ông qua đời (1998) The Metropolitan Museum of Art đã thu xếp với nhà Bảo tàng Gustave Moreau ở Paris để đem qua Mỹ trưng bày những kiệt tác của ông trong mọi thời kỳ, kể cả những tác phẩm nằm trong các bộ sưu tập tư nhân khắp thế giới, và nhiều tranh thuốc nước, ký hoạ, trong số có cả những études chưa bao giờ ra mắt công chúng hoặc chưa đưa vào sách bao giờ. Đây là cuộc trưng bày tranh retrospective lớn nhất của họa sĩ Gustave Moreau.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021