thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giấc mơ Lòng Lành
(trích từ tiểu thuyết Âm Vọng)

Nắng lửa-Nước mắt. Hai thái cực. Ở hai đầu trục. Trên dưới đổ ập xuống thân thể con bé. Suy Tàn hay Điêu Tàn? Nó nghĩ nát óc. Ừ, không phải Điêu Tàn, mà là Hủy Diệt. Không phải Hủy Diệt, mà là Bôi Xóa. Bôi Xóa nước mắt, chắc phải thế. Bởi chẳng thể Bôi Xóa một mùi son, chẳng thể Suy Tàn một hình thể nhất định từng hiện hữu, bởi lẽ ở cái tuổi ngày đó, nó chưa hề có được cảm giác trong tay cầm chặt thỏi son để bôi lên môi, như hàng chục năm dài ngoằng về sau, với hàng trăm thỏi son đã ngắm đã rờ mó đã lựa chọn đã thử lên đôi môi đã cho nó-cô-bà những giây phút cuồng nhiêït, lịm, điếng, tê, chất ngất. Nó đang nằm trong khoảng chu vi rất đỗi hạn hẹp, và thế giới sống cũng chật chội như thế. Một sự liều mạng, vượt thoát, ra khơi. Sâu trong đáy tiềm thức, điều nó chưa thể định hình, hàng chục năm sau vẫn cứ manh nha như khởi thủy. Màn đêm nước lấp loáng bao bọc. Nắng nóng ấp ủ thân thể. Mùi đại dương ngập ngụa phủ che. Tiếng máy ghe ù ù ù, tiếng sóng vỗ vập rượt đuổi liên tục: âm thanh hỗn hợp đánh thức nó dậy, ngả nghiêng dù là trong tư thế nằm. Mùi rong rêu ẩm nhầy nhớt. Vũng rêu trong tròng mắt nó, non mướt dịu dàng tựa núm vú và vùng trung tâm thân thể vừa qua độ nhú, khẽ nứt mầm. Gỗ khô rang nồng tanh. Vị ướt ẩm sống còn. Níu. Níu lấy. Mắt nó rực tia sáng. Bước chân xuống ghe là sự liều mạng, phiêu lưu, tìm kiếm. Không quay ngược.

Những con cá ngọ nguậy. Nó nghe rõ làm sao. Yên đi, yên đi nào.Yên đi, bé nhé. Anh đây, bé ơi bé à... Có tiếng rong rêu gọi. Âm Vọng vượt trườn qua nó. Trùng khơi. Bé và anh hãy cùng vượt. Khối Thịt U Sầu to hơn cả hai đứa mình. Anh biết bé làm được. Hà cho anh chút hơi, chút can đảm của bé. Ôi em, anh gọi. Bé đây! Anh đang ở đâu? Em sợ lạc. Bàn tay móng cụt cáu đất cũ còn bám, của em. Bàn tay gầy xanh bao năm cầm bút, của anh. Nắm níu lấy nhau giữa Khối Thịt U Sầu. Đừng buông, bé nhé! Hãy úp mặt vào Khối Thịt U Sầu. Giữ được bao lâu? Vị đắng chát măng cụt đầu mùa đã vội đậm màu nâu già. Trong ruột, từng múi trắng đục ngọt ngọt chua chua nõn nà nằm úp mặt cong lưng. Giữ nhé! kẻo tuột, bám lấy mỏm đá trơn trượt. Là tia sáng bé chỉ tay anh dõi mắt mù tìm. Chóa lòa. Hồng hoang. Vô địa hình. Vô phương hướng. Vô địa táng. Đỉnh thóp đầu bé vừa lọt lòng mẹ phập phồng, anh quờ quạng tìm em, nút bầu vú cạn nguồn. Nhay trì. Bé ơi, bầu vú, những ngón tay thừa, vò xát. Mạnh. Mạnh nữa đi bé ơi! Hãy giúp anh vượt, leo qua Khối Thịt U Sầu này. Anh sợ. Khối Thịt U Sầu chan hòa mùi máu anh, mùi tinh trùng cha anh, mùi nhau mẹ anh. “Để bé trèo qua nhé! Béù liều lĩnh can đảm mạnh mẽ hơn anh. Bé không sợ, không biết, hay chẳng còn gì để sợ, và đã quen sợ... cùng lắm là Chết. Chết là hết. Mẹ em đã chết.” “Suỵt... đừng nói thế, đừng nói thế, đừng để anh đánh mất...” Trong mắt anh, mù khơi, không biên cương, không bờ cõi. Nào, em leo qua được một phần rồi, cứng ngắc, nhọn... nhưng nóng hổi, mùi vị tham tàn. Sao chẳng ấm êm, mềm mại? Bầy cá đang rỉa dần bầu vú bé. Nhẹ, nào hãy nhẹ nhàng với em. Bé đau. Sao miệng bé ngậm đầy hột é trương phình? Ôi! anh. Mà đừng nhẹ quá, bàn tay ngón giữa cứng thẳng nhọn như cây bút. Ồ, bé muốn mạnh hơn, nhanh hơn. Có cái gì đó đang nói hộ em. Ồ, anh ơi! Môi khô nứt tanh ngậm nút trọn bầu vú con con nhú nụ. Trái thị rớt bị bà già bà hôn bà hít bà không ăn đâu. Nút mạnh đi anh. Sức mạnh là vũ khí, là quyền lực. Hãy cho em nếm mùi vị hào quang hy vọng. Con cá tuột dần phiá dưới. Múi măng cụt rụng rơi như đóa trà mi nát tàn. Lưng ngã dập xuống đại dương. Ôi! anh. Vũng rêu non. Đàn cá con xum xuê bám rỉa thịt mềm non tươi rói. Đớn đau và sung sướng. Mạnh lên đi anh. Làm Bé sướng đi anh. Bé nói, giọng ra lệnh, quyền uy, ma lực. Rồi thì cả hai ta cùng rơi ngã trên Khối Thịt U Sầu. Ôm chặt em đi anh. Những con cá rỉa thiït. Những ngón tay móng cụt cáu đất cát xứ sở giờ trôi lạc vào vũng đục trí nhớ. Vĩnh biệt khu xóm nghèo nàn đầy vọng động và ánh sáng tuổi thơ không bao giờ có thật. Nước biển có rửa sạch? Nước mắt, máu, tinh trùng, nước của cửa mình em, nước từ cửa miệng anh, mồ hôi hai ta đồng phá hủy một cách bạo tàn nhất. Nắng lửa ngoài khơi, giông biển trong màn đêm chẳng thể cứu vãn. Con thuyền vẫn tiếp tục rẽ sóng. Trôi giạt về đâu? Em theo đoàn lưu dân. Bờ vai em nhỏ quá trời. Em theo đoàn lưu dân. Bờ môi thơm nồng bông bí nụ. Ôi đường xa vạn dặm. Không biết bao giờ gặp lại em!” Phá hủy, phá hủy sạch sành sanh. Bé rống to hơn tiếng sóng đập nát mạn thuyền. “Do you know where you’re going to. Do you like the things that life is showing you. Where are you going to. Do you know? Do you get. What you’re hoping for. Do you know?”

Xăng rưới vung vãi, que diêm đã bật. Đợi chờ gì nữa đây?

Con bé đã cắn nát trái ớt (bí) hiểm, căng cứng bóng lưỡng đầu mùa. Những năm, những ngày, những tháng kế tiếp, và mãi về sau, vẫn ứa nước mắt vì vị cay (đến lịm chết người).

Sau này, dọc đời người, con bé phải luôn nhặt nhạnh lại những phần mảnh mà chính tự tay nó đã đập nát. Cố tình phá hủy. Cố tình bôi xóa.

Không thể để Tương lai quyết định bởi Quá khứ nữa!

Ánh sáng tắt. Tiếng sóng vẫn không ngưng rì rào. Ghe sáu máy khởi đi từ Nha Trang gắng gượng ù ù. Thôi, chẳng còn ai ru ai nữa cả. Con bé leo trở lại bên kia (thế giới riêng). Vắng lặng qua mùa gặt. Vượt qua Khối Thịt U Sầu, cùng bọc trứng của chàng trai 18 tuổi khoác áo tông đồ, nối gót thánh Phê-rô bằng thể thức riêng. Nỗi ám ảnh quên/nhớ hiện hình bám sát. Ôi! Khối Thịt U Sầu, đầu quấn băng trắng máu khô dính cục. Viên đạn (lịch sử) ngày 30 tháng 4 năm 75 của ai đó. Địch/Ta xóa nhòa ý nghĩa. Bao nhiêu nơi sao không nã, lại nã ngay vào đầu người anh cả? Đổ thừa định mệnh là một cách tuốt sạch. Hay là nghiệp, công bằng hơn chăng? Có làm có chịu. Gieo gió gặt bão. “Anh vác Khối Thịt U Sầu xuống ghe trước đêm vượt biển.” Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn. Anh chôn, chôn hết cả... trăm nhớ ngàn thương. Đêm nay, đêm tối trời anh bỏ quê hương. Ra đi trên chiếc thuyền... Hò ơi, hò ơi phận kẻ lưu vong. Mệnh lệnh mẹ, ơn nghĩa cha, ánh mắt van nài chị kế. Anh gói gọn. 18 năm chia hai, nửa đầu sống gần cha mẹ, nửa sau đặt thân mình dưới chân Chúa. Giờ thì anh đã đặt thân anh trong Bé. Ôi Bé của anh! Anh hết là hình ảnh người cha của bầy chiên ngoan đạo. Giữ đức vâng lời, cây chuối bảo trồng ngược không quyền cãi. “Phúc cho ai không thấy mà tin.” Và rồi, “Ai theo ta, hãy bỏ mình vác thánh giá.” Bé thay Chúa vác anh. Ngày tận thế, bé sẽ là người đứng hàng đầu Chúa đẩy xuống, không nơi nào lửa nóng bằng lửa địa ngục, và phải ở đó muôn đời, bé có biết không? Thế lò luyện tội? Đứa nào còn biết sợ Chúa. Eo ơi! Con rắn, quả táo, xương sườn, vườn địa đàng. Đàn bà là nguồn gốc của tà dâm, dục vọng, tội lỗi. Cần tấm chador che mặt khỏi cám dỗ đàn ông. Cần xẻo phắt cái mồng đốc để khỏi động tình rắc rối. Còn không thì thi hành tam tòng tứ đức, tiết hạnh khả phong là xong đời phái (tính) nữ. Còn anh thì sao? Ngày rời xứ, anh mang theo ánh mắt hai đấng sinh thành, tuyệt nhiên không có ánh mắt Chúa. Chúa lúc đấy đang ở đâu? Anh chịu. Anh cố nhét mảnh cồn trắng trong túi xách. Khối Thịt U Sầu lúc nào đã thở hắt hơi thở cuối? Ra với đời, có đôi người chứng kiến, là mẹ và mụ đỡ. Lúc lìa đời âm thầm độc Khối Thịt U Sầu hay biết. Khi bé và anh leo qua đàn cá con, vục mặt vào đám rêu non, chà sát, mút ngậm mười đầu móng tay cụt cáu bám, nghiến nát lưỡi (ai) mình. Khối Thịt U Sầu có chứng kiến với toàn thân bất động hay hai con mắt dán nghiền sự chết?

Biển vẫn vô tình. Vô tình đến độ tàn nhẫn.

Biên cương hạnh phúc và tôäi lỗi bôi xóa trên chiếc ghe, trôi trên nước, luân lưu trên quả địa cầu.

Những ngày ở đảo Songkla không dài. Nhưng dài hơn những ngày con bé và anh sống sau biến cố 30 tháng 4, cộng thêm một tuần lênh đênh trên mặt biển.

Rời quê nhà, với túi ni lông, con bé nhét vội vào đó vài thứ. Gia tài của mẹ để lại cho con. Gia tài của nó vài ba thứ, rồi cũng rơi rớt đâu đó trên đường ra tới bãi. Gia tài của mẹ là nước Việt buồn. Chiếc ghe đưa nó lìa xa quê nhà, như viên đạn nằm kẹt trong màng óc của Khối Thịt U Sầu. Sao lại là chiếc ghe đó, mà không là chiếc ghe khác? Sao con bé cắm đầu cắm cổ chạy ra phiá biển, một mình. Vì tiếng sóng vỗ hay màu biển xanh? Hay những gì phía bên kia biển? Cầm kéo sắc nhọn tự cắt đứt, rồi đâm nát tất cả. Tại sao trên chiếc ghe đó lại chở gã con trai đã quyết hiến thân đời cho Chúa nhưng lại mang trên người trái ớt cay xé họng nó giữa mặt bể khơi, giữa bao con sóng dập dềnh miên man, trên đầu những ngón chân chết tiệt sự sống, giữa tiếng máy ghe gắng gượng sình sịch sình sịch, bỏng mảnh da đùi trái mà mãi mấy ngày sau nó mới hay biết. Mấy tháng sau, qua tới Mỹ, nó còn phải thoa kem pho mát. Rồi vết thẹo lành lạnh mà nó vẫn chưa hoàn lại hồn. Mảnh cổ cồn trắng, gã con trai đeo lại sau vài ngày (biến cố phi) lịch sử, dấu vết đầu tiên trên đảo những ngày đầu tháng 5/75 người Việt vượt biển đến đất Thái. Cả hai hết cơ hội gặp lại sau ngày rời đảo, dù rằng anh hứa, “Qua tới Mỹ anh sẽ mua cho em đôi dép đèm đẹp.” Có những câu nói, nghe qua một lần, ngậm ngùi suốt cả kiếp người. Nắng cát hải đảo bỏng chân. Miếng carton cắt, buộc giây biến chế. “Để cát không làm bỏng chân em.” Nhìn về phía nhà cầu, nhà tắm, cái hàng dài ngoằn ngoèo bởi những người bỏ nhà bỏ nước đứng chờ chực xin ăn. Sinh tồn nặng hơn đá Hòn Chồng. Chịu khó thua cát sông Hương. Hi vọng cao hơn đèo Hải Vân. Sự trìu mến, thiết tha tỏ lộ khả dĩ anh có thể đền bù. Chỉ ba ngày sau khi đặt chân lên đất liền, mắt anh ngước về hướng Chúa ngự trị, cầu nguyện cho linh hồn Khối Thịt U Sầu mau chóng về nước Chúa. Dù rằng hình hài đã vùi lấp vội vã (nên chẳng được sâu) trên bãi cát sóng biển vỗ về không ngưng nghỉ muôn đời. Đại dương đã là mồ. Con bé khá tinh nhạy, tự lo liệu tấm thân mình từ đấy. Trước mắt, cát cùng nước biển bao la biết dường nào.

Muốn được tự do, điều kiện tiên quyết phải có là lòng can đảm.

Giấc mơ Lòng Lành:

Trở về nằm trong tử cung mẹ: Tối đen thăm thẳm. Nước ấm áp, êm đềm. Cảm giác an lành, dễ chịu. Không sợ hãi, lo lắng. Bởi có mẹ che chở, bảo bọc. Mẹ làm hết, từ thở đến đái. Ôi! thiên đường tuổi thơ.

tháng tới tôi 40 tuổi


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021