thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
30 tháng 4 của Lý Ký Kiệt

 

Tháng 4, 1975, tôi 11 tuổi rưỡi. Lúc đó tôi sống với cha, em trai và bà nội ở ngang chợ An Đông, Sài Gòn. Mẹ tôi ly dị cha tôi trước đó 2 năm để lấy người tình. Cục cưng của mẹ tôi làm tài xế cho cha tôi khi hai người còn là cảnh sát. Khứa này hành nghề trừ ma túy, là một điệp viên 007 thứ thiệt, sau này lãnh lương FBI. Trẻ, cao, vạm vỡ và đẹp trai hơn cha tôi, hắn cũng galăng, nhỏ nhẹ hơn cha tôi. Bảo đảm hắn cũng dai và dẻo hơn cha tôi. Nhịp nhàng, sâu sắc, biết trò chuyện vớ vẩn, ân cần sau khi bãi trận. Vô tư mà chấm, có lẽ hai người xứng đôi. Ai cũng trầm trồ mẹ tôi mướt, nhưng tôi không thấy mẹ tôi đẹp tí nào. Sau này, khi cãi lộn với tấm chồng mới, bà bị bạt tai nên vung lời, “Đồ tài xế!”

Trên nguyên tắc, cha tôi làm luật sư, nhưng tôi chỉ thấy ông chơi mạt chược cả ngày trên gác có máy lạnh. Ngà thì quá mắc, nhựa thì bèo, những phiến mạt chược bằng xương trâu lạch cạch liên miên trên mặt bàn nỉ màu xanh lá cây. Ông chơi với người Hoa vì rất mến người Hoa. “Người Trung Hoa rất giỏi,” ông nói. “Họ như cỏ, đâu cũng có.” Ông bắt tôi và em tôi, 5 tuổi, học tiếng Hoa, Anh và Pháp.

Chén đáo nị hằng cáo xinh.

Hao a dua?

Mẹc xi bố cua.

Riêng ông thì không bập bẹ được tiếng nào. “Bố đã 43 tuổi,” ông giải thích. “Óc bố không còn là giấy trắng, nên không viết chữ lên được.” Khi chán chơi mạt chược, ông lái Volkswagen xuống câu lạc bộ để đánh tennít. Da ông ngâm đen vì quần quật mải mê rượt banh lông vàng dưới ánh nắng gắt của mặt trời nhiệt đới. Tôi và em tôi còn học piano, nhưng chỉ biết gõ lung tung, không ra giai điệu. Săn nhạc, những ngón tay của tôi luôn vấp vào nhau. Lúc đó tôi chỉ thích vẽ những sơ đồ tương đối chính xác về cơ thể nam nữ. Những thứ chưa thấy rõ, khó mà hoạ ra hồn. Đứng trên bao lơn lầu 3 ngó qua chợ, cha tôi thốt, “Chẳng lẽ Mỹ bỏ Việt Nam?!”

Ở Sài Gòn lúc đó, chẳng còn bao nhiêu Mỹ. Nam Hàn cũng biến hết rồi. Bao nhiêu bar phải đóng cửa. Rảnh rỗi, nhiều em út viếng chùa, cầu may, thử sáng tác hồi ký. Lớn lên, tôi đã không chứng kiến chiến tranh, chỉ những phụ tùng của chiến tranh: xe tăng, xe jeep, phản lực và trực thăng. Tôi thường xuyên nghe chuỗi âm thanh nhịp nhàng, hổn hển phẹt-phẹt-phẹt-phẹt của cánh trực thăng xoay trên đỉnh đầu. Trước 1975, chiến tranh chỉ đến Sài Gòn vào Tết Mậu Thân, nhưng kỷ niệm duy nhất của tôi về biến cố này chỉ là những hình ảnh trên TV về những nạn nhân chôn sống được đào lên ở Huế.

Chiến tranh đến với tôi qua TV, radio và báo chí. Cứ mở báo ra thì thấy xác Việt Cộng nằm ngổn ngang. Cứ vặn radio lên thì được nghe tin tức rao là phe ta đang thắng. Trong thời chiến, những rạp xinê Sài Gòn còn chiếu những phim của Mỹ về Đệ Nhị Thế Chiến. Dân Sài Gòn có thể ngồi trong phòng lạnh để thưởng thức những dàn cảnh công phu, tốn kém, nhiều tài tử, về chiến tranh. Nào là máy bay oanh tạc, bom nổ, khói mịt mù. Nào là nhà cháy, phố tan, cầu sập. Nào là cả trăm xác người nằm ngổn ngang, cụt tay, cụt chân, bê bết máu. Trên màn ảnh rộng, dân Sài Gòn có thể tham quan chiến tranh dỏm, trong khi chỉ cách cửa rạp khoảng 50 cây số, chiến tranh thật đang xảy ra.

Ở Sài Gòn khó thấy được Việt Cộng. Chỉ một lần, tại Phú Lâm, tôi thấy bốn thanh niên bị bịt mắt, đứng trên một xe cam nhông nhà binh. Có lẽ họ là Việt Cộng. Thật sự thì Việt Cộng chỉ là một tin đồn, một huyền thoại, là những ông kẹ ta doạ con nít, là một ác mộng. Ai không ăn ảnh thì ta đùa là Việt Cộng. “Hình căn cước mày xấu đau. Nhìn mày như Việt Cộng!” Chỉ sau 30 tháng 4, dân Sài Gòn mới biết là tại thủ đô cũng có khá nhiều Việt Cộng. Không đáng khiếp bằng Việt Cộng, nhưng cũng đáng mỉa mai, là bọn nhà quê, là những chú mười, thím mười, dân ngu cu đen, lồn phèn từ hóc bò tó, kẹt bò tò, chắt cà đao. “Mày thật là nhà quê, chẳng mô đen tí nào.” Người Sài Gòn, người Việt Nam nói chung, vừa luyến tiếc vừa cải lương hoá đồng quê, vừa muốn hủy diệt nó. Người Sài Gòn cũng khi rẻ người lính. Chỉ ai không đút lót mới phải diện quân phục. Thà giả gái, chặt đứt ngón tay kéo còi chứ ai lại đi lính?

“Tam vô của Cộng Sản,” cha tôi giảng, “là vô gia đình! vô tổ quốc! vô tôn giáo!” Thỉnh thoảng ông dẫn tôi đi xem đá banh ở Sân Cộng Hoà. Sân nhỏ, người đông, mỗi lần đi xem đá banh là phải chen lấn đến nghẹt thở, mất cả dép. Đi xem phim Lý Tiểu Long cũng vậy. Lý Tiểu Long người nhỏ, tài cao, chỉ tiếc là chết sớm. Tôi cũng hâm mộ Hiệp Sĩ Mù với cái gươm cụt như chiếc dao phay. Đầu năm 1975, tôi đọc trên báo về một hoàng đế Phi Châu, Jean-Bédel Bokassa, trở về Sài Gòn tìm con. Đi lính Pháp thời thực dân, ông lấy vợ Việt nhưng bỏ bà này khi hồi hương. Phát hiện ra con mình đang làm công ở nhà máy xi măng Hà Tiên, Bokassa lãnh cô ấy về nước Cộng Hoà Trung Phi. Mãi sau này tôi mới biết Bokassa nổi tiếng độc tài, tàn ác, thậm chí bị tố cáo ăn thịt người. Nhưng cũng nhờ Bokassa, cô con gái mới có cơ hội chuồn khỏi Việt Nam trước ngày “giải phóng.”

Cha tôi dàn xếp cho tôi, em tôi và cô thư ký sơ tán theo một hộ người Hoa có con làm cho Mỹ. Vì tiếc của, họ không muốn di tản cả gia đình, nên bán cho cha tôi 3 chỗ. Tên giả của tôi là Lý Ký Kiệt. Em tôi là Lý Ký Vinh. Tên giả của cô thư ký thì tôi không nhớ nhưng tên thiệt của cô là Diệp Thể Hà. Cha tôi mướn cô đi theo để lo cho hai anh em tôi. Cô này 22 tuổi, người Hoa, tính rất cộc cằn, có khuôn mặt bầu bĩnh như cái bánh bao, lác đác mụt ruồi thịt. Sau này, chị Hà trở thành mẹ ghẻ tôi. Lúc đó Huế, Đà Nẵng và Đà Lạt đã vào tay Bắc Việt. Gia đình tôi cũng Bắc Kỳ, nhưng là Bắc Kỳ 54, người công giáo, quê Bùi Chu.

Ở miền Nam, nhiều dân Bùi Chu sống ở Tân Mai, gần Biên Hoà. Chú Bảo, em cha tôi, làm quân y trong Thủy Quân Lục Chiến, chết năm 1972, chôn ở Tân Mai. Chú Bảo đẹp trai nhất trong gia đình tôi, cả nội lẫn ngoại. Chú chết độc thân. Đi đám ma chú Bảo, tôi thấy một ông lính xăm trên cánh tay ngâm đen hai chữ “Sát Cộng,” rất là ấn tượng. Gần như lần nào lên Tân Mai, tôi cũng được ăn thịt chó và tiết canh. Khác với black pudding của bọn Tây, khô khan và vô thưởng, vô phạt, tiết canh ta uyển chuyển, đưỡm máu, một món quà của tổ tiên từ thời ăn lông, ở lỗ. Cho đến 9 tuổi, tôi rất sùng đạo. Tôi rất sợ xuống hoả ngục và muốn trở thành linh mục. Tôi cũng muốn đi lính. Nhưng dần dần tôi chán đi nhà thờ. Mỗi lần vào nhà thờ, tôi chỉ muốn về nhà.

Lúc đó ông nội tôi sống ở Thị Nghè. Cửa sau của nhà ông đi thẳng vào sở thú, khỏi cần mua vé. Tuổi thơ của tôi không có gì vui bằng những giờ lang thang trong sở thú. Tôi nhớ mãi một con khỉ mặt xanh, đít đỏ. Lông hắn hơi dơ nhưng bộ mặt thì rất trầm tư, trí thức, mang máng Jean-Paul Sartre sau những thanh sắt. Tôi cũng thích vào viện bảo tàng để xem tượng và trống đồng. Ông nội gầy gòm, cao ráo. Ông không biết tôi sắp chạy. Đặt tôi lên đùi, ông nói: “Ai đi thì đi, con ở đây với ông.”

Ngày 8 tháng 4, Nguyễn Thành Trung thả bom vào Dinh Độc Lập. Một quả trúng sân thượng, một quả vào vườn. Có mặt ở Quận 1, tôi thấy mọi người xôn xao. Vì tình trạng an ninh, tôi phải nghỉ học lớp judo buổi tối ở trường Lasan Taberd. Lúc đó tôi đai cam. Tôi mê tất cả các môn võ và đánh lộn, nói chung. Tôi đặc biệt thích tập dượt với con gái để được quật, rồi đè vài giây lên những cơ thể mềm dịu, vẫn còn phẳng phiu. Tôi cũng mơ được tắm với con gái nhưng chưa có cơ hội. Ngồi trong lớp, tôi cứ thơ thẩn vẽ những sơ đồ tương đối chính xác về cơ thể nam nữ. Ngày 21 tháng 4, ông Thiệu lên TV để chửi Mỹ trước khi từ chức. Trên TV đen trắng, tôi thấy ông Thiệu gạt nước mắt.

Trước khi đi, cha tôi đưa tôi 2.000 Mỹ Kim. Ông nói: “2.000 đồng này sẽ xài được một năm.” Thật sự thì 2.000 đô, lúc đó, chỉ có thể nuôi 3 người trong vòng 3 tháng là cùng. Tiền Mỹ, tôi nhận xét, ít màu hơn tiền Việt Nam Cộng Hoà, nhưng dài và cứng hơn. Bà tôi khâu lượng tiền này vào lưng quần xà lỏn màu xanh của tôi, vải ni lông, rất hầm háng. Bà nói: “Làm gì thì làm, đừng cởi quần này ra.” Hồi xưa, có lẽ thời tiền sử, một con kiến bò vào tai bà nội tôi. Ngứa quá, bà dùng que để khều. Vì vậy, bà điếc một tai. Mỗi ngày, bà nội đi nhà thờ 2 lần. Sáng nào bà cũng là người đầu tiên đứng trước cổng nhà thờ, chờ cha mở cửa. Ở nhà, bà vò chuỗi hạt, đọc kinh liên miên. Trỏ hình Giê-Su trên tường, một khứa mặt lợt lạt, tóc quăn để dài kiểu híp pi, với một bộ râu quai hàm rất khí phách, chẳng thua Quan Công gì mấy, mắt bà rực lên, “Chúa đẹp lắm.”

Trước khi lên máy bay, tôi ngủ ở căn cứ Mỹ 4 ngày. Lúc đó Sài Gòn đã rất xa vời. Chiều 27 tháng 4, chỉ vài tiếng trước khi Việt Cộng pháo kích, hủy phi đạo Tân Sơn Nhất, tôi theo đàn người chui vào đít một chiếc C-130 để bay qua Guam. Trước đó, tôi đã bay một lần, lúc 6 tuổi, để lên Đà Lạt. Là một phi cơ chở hàng, chiếc C-130 rất to, bít bùng, chỉ một cửa sổ, không ghế. Mọi người la liệt trên sàn. Ngồi bên cạnh chị Hà, tôi dòm một thằng con nít ăn mì gói sống. Khi máy bay đáp, trời đã tối mù. Chẳng biết gì về Guam, mọi người chỉ biết đây không còn là lãnh thổ của Việt Nam. Tới đây rồi đi đâu, làm gì, cũng không ai biết. Lúc đó tôi không nghĩ đến cha tôi, Sài Gòn hay Việt Nam. Tôi chỉ thấy phấn khởi vì lần đầu tiên trên đời tôi được đi xa.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021