thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
La Đi Man O Li Din

 

Thời nay, ai cũng thuộc lòng vài từ tiếng Anh, ngôn ngữ của đế quốc, để dễ bán rong, tiếp khách, mò trang sex trong giờ làm việc, nhưng trước đây vài thế kỷ, bọn thủy thủ, cái nhóm duy nhất được trôi dạt khắp nơi, thường biết qua loa đến ba bốn thứ tiếng. Columbus, chẳng hạn, có thể “ú ớ cả ngàn ngôn ngữ.” Với Genoa là tiếng mẹ đẻ, hắn viết bằng tiếng Tây Ban Nha nhiễm Bồ Đào Nha, rắc thêm vài chục từ La Tinh và Ý. Như mấy tay lướt biển khác, hắn cũng rành lingua franca, một loại tạp pín lù những thứ tiếng rôman, trộn tí tiếng Ả Rập, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Bủn xỉn đại từ, giới từ, với một văn phạm thô sơ, động từ thì miễn quá khứ, chẳng mấy tương lai, lingua franca là một thứ ngôn ngữ cò cưa, luôn biến dạng, để dân tứ phía có thể trao đổi mà khỏi la hét hay làm dấu lung tung, múa rối, để họ có thể trả giá, làm tình, hay ít nhất thay phiên ra vô, qua lại với nàng Kiều bất động, miễn phí, con ngựa dame de voyage mắc dịch, sau khi chia sẻ mẩu phô ma mốc mèo. Vai trò của lingua franca bị giảm đi khi một văn hoá lấn áp những văn hoá khác. Không như bọn thủy thủ, quân chiếm đóng hiếm khi chịu thương lượng với dân địa phương, bằng bất cứ ngôn ngữ nào. Họ chẳng cần học tiếng lạ, nhưng cái bọn bản xứ ngồ ngộ, lúc thì cau có, lúc cười ngốc, phải thuộc ít nhất câu “Stop!” [“Ngừng!”], hay “Don’t move!” [“Đừng nhúc nhích”].

Gần 3 triệu lính Mỹ đến Việt Nam, nhưng họ không rinh một từ Việt về nước. Chôm làm gì? Chỉ nặng va li. Chữ “tet” có trong nhiều từ điển Mỹ, nhờ biến cố Tết Mậu Thân, nhưng bạn không bao giờ nghe từ này trong đối thoại. “Cha gio” có lấp ló một thời, nhưng nay đã nhoà vào dĩ vãng. (Bên Pháp, từ “nem” mạo danh món gỏi cuốn, bán bởi Ta, Tàu và Tây, muốn nước mắm phải đắp thêm 25 xu.) Năm 1988, Yusef Komunyakaa, một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, cho ra mắt tập thơ “Dien Cai Dau.” Ừ, thì tao điên, mày điên. Không biết “điên cái đầu” trong tiếng Ả Rập là gì?

Stop! Don't move! Ti mi hazer venir pazzo! Mày làm tao điên cái đầu! Cạ cạ thằng Mỹ, dân Việt đã thấm vài chục từ của nước huê kỳ. Năm 1998, tôi mò xuống Cần Thơ. Ngồi tại một quán café, dưới bóng tượng lãnh tụ sừng sững, thô tạc, tôi thấy một nhóm thanh niên õng ẹo, thả bước trên phố. Họ đỏng đảnh chẳng thua Little Richard (ông tổ của Tuấn Anh). “La đi man!” gã sồn sồn tại bàn bên cạnh thốt.

Tôi chưa từng nghe từ đó. “La đi man là cái gì?”

“Đồng tính. Tụi nó đồng tính. Tụi nó là la đi man!”

Người Việt thường gọi người đực đồng tính là bê đê, từ chữ Pháp pédé, hay bóng, vừa có nghĩa đen tối, vừa láng mướt. Còn có từ hi-fi, tình dục hai đầu, nhại chữ hai phái, âm dương luân chuyển, hai thành một. Phân vân nửa phút tôi mới suy “la đi man” đã bị chuyển lệch từ “ladies’ man.” Đào thai thành từ lóng Việt Nam, nghĩa của nó đã bị lộn ngược, từ một tên đực cồ, thu hút nhiều phụ nữ, một “man” của nhiều “ladies,” thành một nửa phụ nữ, “lady,” nửa đàn ông, “man.”

Nhiều từ Anh ngữ trong tiếng Việt nằm trong phạm vi kỹ thuật: radio, TV, video, computer, fax… Một số khác, quân sự: xe tăng [tank], bom [bomb], na pan [napalm], mìn [mine]…

Bọn trẻ hợp thời thì cứ suốt ngày mô đen [modern] này, mô đen nọ, như “Con em tao nó rất mô đen, nó chỉ nghe nhạc róc [rock], rap và jazz. Nó chỉ mặc quần jean[s] nhập.”

Một từ lai căng rất lãng xẹt, phi lý, là lô gích [logic]. Cái lô gích mượn từ ngoại quốc là để xen vô một thể vật hay khái niệm mới. Tại sao người Việt lại dùng “lô gích” khi họ đã có sẵn “lý luận”? Chẳng lẽ “lô gích” sang hơn? Cũng như tại Mỹ, nhiều nhà hàng Ý ưa dùng “ristorante” để giật le, nghe cầu kỳ, ghê gớm hơn “restaurant.”

Người Việt đã mượn từ ngôn ngữ Pháp chữ ragu [ragout], bơ [beure], xà lách [salade], phở [pot-au-feu], sô cô la [chocolat], bánh gatô [gateaux], bánh flan [flan], paté, paté chaud và yaourt, nhưng, ngược lại, ngôn ngữ Việt vắng bóng thức ăn Mỹ. Vài quầy bán rong tại Sài Gòn có quảng cáo “hot dog,” nhưng đó chỉ là một loại xúc xích xìu xìu, ỉn ỉn, nhỏ thó, trơ trụi, thiếu mù tạc và xốt cà chua để ướt át trét thân.

Cocktail, thường viết trệch thành Cooktail, không làm bạn ngà ngà, lâng lâng, quạu hay trữ tình, mà chỉ ngọt lè, ngọt lét như tú bà. Cao bồi [cowboy] thì không chăn bò mà lại cà bơ cà bất, giựt dây chuyền và giỏ đàn bà. Mít tinh [meeting] không phải là buổi họp mà là một cuộc xuống đường, đả đảo… hay đón chào, theo báo Nhân Dân, thủ tướng Triết. Mátxa [massage] thì phạm tội hình sự, phải đút trước, rồi mới đút sau, không như đấm bóp, tuy trong mát xa cũng có những màn đấm bóp, chính là bóp. Bê bi thì chỉ là baby, nhưng má mi [mommy] thì không phải là mẹ hiền, nhóp nhép bã trầu, đứng dưới cây cau sắp bị đốn, rình hát ô cho con út (con cả đã thành đôi với thằng A-gì-gì-đó tại Đài Bắc), mà lại là tú bà, săn bầy hát ô cho đàn em út.

Thời buổi văn minh, man rợ kiểu mới, thiếu gì kẻ vừa nốc bia [beer] vừa thư dãn bằng phim [film] sếch [sex], làm tôi nghĩ đến từ o li din, từ chữ Anh ngữ “origin,” nguồn gốc. Không phải danh từ mà là tính từ, o li din, ô kìa, cha chả, quái thay, có nghĩa là chưa úp là là.

“Anh o li din?”

“Vâng, tôi vẫn còn trinh.”

“Anh la đi man?”

“Không, tôi là ladies’ man.”

Kể cả từ “American” cũng đã bị nắn lại bởi cái lưỡi Việt Nam. Năm 1995, khi tôi đang thả bộ trên một con đường Sài Gòn—trên đường, vì lề đường quá bừa bộn—một phu xích lô cứ kèm theo tôi, lải nhải câu khách. Tuy tôi đã từ chối vài lần, hắn không chịu thua.

"Anh người nước nào?" Hắn hỏi.

Tôi ghét câu đó nhất, nên không trả lời.

"Anh người nước nào?" Hắn lập lại.

Tôi lại lờ hắn.

"Anh là Nacirema," hắn phán, rồi đạp đi mất.

Nacirema là American đánh vần ngược chiều. Hắn quả đúng. Tôi là một người Mỹ ngược chiều.

 

 

-------------------------
Nguyên bản tiếng Anh, khác bản tiếng Việt vài khúc, đã được in trên báo NhàInternational Exchange for Poetic Inventions.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021