thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 17]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Về miền Nam...

 
 

Tôi đi học

 

Tôi đã thuật ở đâu đó cái bản mặt của tôi không biết ra sao, mà đụng độ với ai trong đời sống, cũng hay bị khuyên “về đi học đi”. Vậy thì sau một chuyến đi Hậu Giang bằng xe jeep, cũng vẫn làm thiện nguyện cho Phủ Đặc Ủy Di Cư, thăm xem dân di cư định cư ra sao, có vấn đề gì lớn không, tôi đương nhiên cắp sách đi học lại, học không chăm và cũng không giỏi, nhưng rồi cũng lấy được bằng Tú Tài II. Trước những cánh cửa các đại học mở rộng đón sinh viên, tôi ghi danh hai trường: Luật khoa và Văn khoa. Luật là chính, Văn là phụ, vì giấc mơ nhỏ của tôi là trở thành luật sư, chuyên môn cãi cho những người nghèo, bị áp bức, rồi ra ứng cử làm dân biểu, tranh đấu tại nghị trường. Nhưng không biết vì chăm không đủ hay còn bận đi dạy học ở Mỹ Tho kiếm tiền giúp gia đình, tôi chỉ học được có 3 môn trong 5 môn học của năm thứ nhất trường Luật. Khi nhà trường tổ chức rút thăm, xem năm nay sinh viên chỉ phải thi 2 môn nào, trong 5 môn học, lại trúng một môn tôi ghét và bỏ không học trang nào, là Pháp Chế Sử. Kỳ hai cũng không may mắn hơn, tôi lại rớt đài. Trong khi bên Văn khoa tôi đỗ ngay chứng chỉ Dự bị.

Sự kiện này bẻ ghi cho con tàu tôi đi về một hướng bất ngờ. Tôi bỏ trường Luật với cả thước tài liệu đòi hỏi một thời lượng học lớn không cung ứng nổi, và sau hai năm dạy Nguyễn Đình Chiểu và trường nữ Lê Ngọc Hân, tôi cũng chán Mỹ Tho, xin chuyển sang Bến Tre, ký khế ước cho có lương đều đặn hàng tháng. Bến Tre nho nhỏ, sạch sẽ, êm đềm, có một công viên nhiều phi lao năm xưa tôi đã từng ngồi trên cỏ ngắm hai bắp chân trắng mịn của Mặt Trời. Một hồ nước có cầu dẫn ra một nghênh phong đình vắng người. Tôi cứ hết giờ dạy là tháo cà vạt nhét vào sách giáo khoa, đi bộ ra bể bơi thành phố ăn cơm trưa cùng vài bạn (trong đó có một người, sau này ở hải ngoại, thuộc thành phần lãnh đạo một phong trào phục quốc trong mơ, chuyên bán sỉ và lẻ mộng mơ cho bà con hải ngoại nào mong sớm có ngày qui cố hương, dưới bóng cờ vàng). Đời sống êm đềm hơn cả Mỹ Tho, cổ kính như một bức hoành phi một vua nhà Nguyễn ban, cổ kính đến nỗi đôi lúc tưởng như đến ngã tư tới sẽ gặp cụ Nguyễn Đình Chiểu đeo kính đen hay cụ Phan văn Trị đang khoa chân múa tay như đang tranh luận với Tôn Thọ Tường. Trường cổ đến nỗi ông hiệu trưởng còn để đầu không tóc như một chủng sinh hay sa di, các học sinh còn mặc quần áo bà ba vải trắng, nữ sinh ngồi xổm dạng hai chân thoải mái trong sân trường. Sau này tôi cùng vài giáo sư trẻ yêu cầu đừng ngồi kiểu đó, lấy lý do tư thế không đẹp, viện dẫn cô Kiều Nguyệt Nga không ngồi như thế... Lúc đó, tôi không được biết thế ngồi tè he là kiểu ngồi căn bản của miền Nam, trai cũng như gái.

Trường độc đáo ở điểm không có phòng giáo sư, phòng giáo viên. Tất cả giáo chức phải đứng lơ ngơ đâu đó gần văn phòng.[1] Do đó khi thấy một cô giáo cấp 1 xinh xắn, tôi tiến đến gần làm quen, cho đỡ buồn trong khi chờ đợi giờ dạy. Tôi nghĩ: thầy nói truyện với cô, có tán cô cũng là phải đạo rồi. Không lẽ thầy đi tán nữ sinh (điều cấm kỵ trong nghề dạy học ở bất cứ đâu, kể cả ở Mỹ), hay tán cô bán hột gà chiên nóng khá ngon ở chợ ven sông ban đêm? Nhất là hai bên nói truyện đàng hoàng ngoài sân trường, còn xa rất xa cảnh một câu ca dao trữ tình miền này: “Yêu nhau chẳng quản chiếu giường. Ví dầu tàu lá che sương cũng tình!” Vậy mà chưa được hai tuần một giáo viên cao tuổi cùng trường đã đến nói với tôi: “Em có nhiều cảm tình với đứa cháu tôi phải không? Nếu đúng thế để qua sắp xếp hôn nhân cho em. Bằng không, em nên tránh lại gần cho cháu khỏi mang tiếng, khó lấy chồng...”

Tôi ngạc nhiên. Đã có gì đâu ngoài những lời bàn liên quan tới trường lớp, cầm tay cũng chẳng có (dĩ nhiên, sân trường đông người, làm sao có mục đó nổi) mà đã phải mang trầu cau đi hỏi vợ.... Không có tôi rồi... Dùng những lời hoa mỹ như thời Nhất Linh viết “Nho phong”, xác định tình cảm mới ở giai đoạn tình bạn đồng nghiệp, thì chưa thể tính tới hôn nhân (tính tôi vốn tếu, xém chút nữa tôi thưa “Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha” [Kiều]). Sau cùng tôi cam đoan với đồng nghiệp già là sẽ thôi không tìm gặp hay nói chuyện nữa để khỏi làm phiền đến thanh danh cô giáo trẻ xinh xắn, da trắng hồng (gái Bến Tre xứ dừa, nhiều cô nước da trắng mịn, không biết có tắm nước dừa như nam nhi Nam kỳ Lục tỉnh đồn đại không).

Vừa gỡ xong vụ hiểu nhầm với cô giáo xứ dừa, tôi lại dính vào một vụ hỏi vợ khác. Ông bạn thuê chung phòng với tôi khẳng định rằng muốn làm một nhà giáo chắc chắn và đứng đắn, phải lấy vợ thôi (như anh), cứ lêu bêu (như tôi), không ổn! Anh nhấn mạnh: vợ anh đã tổ chức một buổi cho tôi coi mắt (coi mặt thì đúng hơn vì hai bên chưa biết mặt nhau), vào trưa Chủ nhật này. Anh nài nỉ, làm như tôi là con trai lớn không bằng, đến nỗi sau cùng tôi hứa sẽ đến, một phần cho anh vui lòng, một phần cũng tò mò xem kinh nghiệm đi hỏi vợ theo lối cổ lỗ sĩ ra làm sao. Chủ nhật đến, tại một căn nhà khá khang trang trong một hẻm khu Công giáo Sài Gòn, anh xếp đặt tôi ngồi nhìn ra cửa, vợ anh cùng cô gái đi vào, kẻ trước người sau lên lầu để thêu thùa chi đó. Cô gái nhỏ nhắn trắng trẻo và cũng xinh. Tôi nói với anh bạn vậy. Anh quát tôi: “Gái đẹp đến như thế mà anh bảo cũng xinh, là làm sao!” Dĩ nhiên tôi mất nhiều lời để khước từ, kể cả bằng lý do vui tính: Tôi còn nhỏ quá, còn phải học thêm vài năm! Chưa kể gia đình cô ta là Công giáo gốc” (tôi dùng chữ bừa, thực ra đến bây giờ vẫn chưa hiểu “công giáo gốc” là thế nào, khác “công giáo thường” ra sao), không biết có chịu gả con cho tôi, cho dù tôi sẵn sàng làm một tân tòng kiểu: “Tôi quì lạy Chúa trên trời, Tôi lấy được vợ tôi thôi nhà thờ” (ca dao). Sau này những lúc làm lính trấn thủ lưu đồn ở vùng đồi cỏ cao nguyên hay làm giám thị kỳ thi, tôi có lúc tẩn mẩn và lẩm cẩm tự hỏi nếu ngày đó tôi cứ ừ đại với ông bạn, kệ ông thu xếp hôn nhân, thì cuộc đời sẽ đổi khác ra sao đây? Cứ cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, cũng ngộ nghĩnh và có lý thú riêng, chứ không phải là không...

Một buổi trưa nắng chói chang tôi quần áo chỉnh tề (áo trắng là hiệu, cà vạt tề chỉnh, giầy đánh bóng) đang ngồi ở bàn nói chuyện lăng quăng đợi đến giờ đi dạy, bỗng một cô gái mặc áo dài trắng thật trắng (Áo em trắng quá nhìn không ra... [thơ Hàn Mặc Tử]), dĩ nhiên quần lụa và giầy cũng trắng (không phải nữ sinh mặc bà ba trắng đi guốc), đi qua cửa nhà. Chỉ một cái nhìn nữa là tôi đã bị quyến rũ bởi thân hình sexy, bộ ngực căng đầy áo và... (thôi không kể nữa vì sợ các nhà giáo đạo hạnh phản đối). Tôi vội vàng ra khỏi nhà, đi theo. Được mươi bước, tôi quyết định tiến lên đi ngang hàng, đường phố buổi trưa tuy vắng nhưng tôi biết đâu đó đều có những con mắt tỉnh nhỏ theo dõi. Tôi quay mặt sang tự giới thiệu với giọng thường dùng trong trường: “Tôi là D. dạy trường trung học ở đây. Xin lỗi, cô làm gì...” Người con gái ngẩng đầu lên trả lời với giọng dịu dàng: “Tui dạy mẫu giáo ở trường ven hồ...” Cô giáo trẻ nhan sắc trên trung bình còn nói thêm, như đã quen từ lâu: “Tui học ban Mẫu giáo ở trường Sư Phạm Sài gòn...” Tôi chỉ kịp biết thêm là cô người Gò Công, là đến ngã tư phải chia tay, ai đến trường người ấy.

Buổi trưa nắng, và nắng to, thân hình cô gái nhô trước cong sau, lớp vải lụa như hồng lên, vì có thể chặn tia nắng lại hay vì da thịt tôi không rõ, lôi cuốn, mời mọc, quyến rũ, như lời thơ một thi sĩ quên tên: Rợn xuân tình trên bộ ngực thanh tân. Bởi thế tôi dự tính nội tuần này sẽ nhờ người quen hỏi địa chỉ cô giáo áo trắng, hoặc đến thẳng trường cô hỏi cũng được. Ở tỉnh nhỏ thời đó, một giáo sư quần áo tề chỉnh như tôi, có vào trường xin gặp một cô giáo, không ai thắc mắc. Nhưng chưa kịp thi hành ý định, một biến cố đã xảy ra, làm tăng tốc diễn tiến một tình yêu vừa mới nở bông hoa nhiệt đới đầu tiên.

Bây giờ ở qui chế khế ước, tôi mỗi tuần phải dạy đủ 18 giờ như mọi giáo sư chính ngạch khác, thời khoá biểu trải rộng trong tuần, chỉ không giờ dạy có ngày thứ bảy. Vì muốn nghỉ trọn 2 ngày cuối tuần ở Sài gòn, tôi phải đi chuyến xe sớm nhất thứ Hai xuống Bến Tre, lúc 3 giờ sáng, mới kịp buổi học đầu tiên. Đêm Chủ nhật tôi thường đi chơi khuya, hoặc ngồi chấm bài, hoặc ngủ lơ mơ một mắt để canh giờ thức dậy, mặc quần áo, xách một túi nhỏ quần áo sách vở, lẳng lặng ra khỏi nhà. Có khi bà mẹ thức tỉnh với câu hỏi: “D. đi hả?”, tôi vắn tắt trả lời một chữ “vâng”, ra vỉa hè gọi xe gắn máy ra bến xe. Thành phố lớn này của Việt Nam duy trì sự hiện diện của xích lô máy thật lâu và tôi thích đi loại xe này vào lúc sáng sớm, gió thổi lồng lộng hơi đêm, khói xăng mù mịt, tiếng động cơ nổ vang vang tạo cho tôi ảo tưởng ta đi đây, thật sớm, thật xa...

Chính trong một chuyến đi sớm như thế, tôi đã gặp lại cô giáo áo trắng tại bàn bán vé ở bến xe miền tây và từ đó bắt đầu một tình duyên gia tốc, như bướm đâu đó đậu thật nhanh trên môi, và dĩ nhiên không bền. Tôi đã viết lại thành một truyện ngắn nhan đề “Qua sông”, sông là sông Tiền và qua đây là băng qua để về Sài gòn, một truyện hơi hiếm trong đó tôi triết lý hơi nhiều, trái với lệ thường viết văn để từ sự kiện, lời nói, nhân vật biểu lộ gián tiếp triết lý, suy tư này nọ. Cái hôn đầu tiên đến trên phà buổi đêm về sáng trên dòng sông lớn:

Kim cầm tay người con gái đỡ xuống phà, trăng lưỡi liềm lộ khỏi mây, mờ nhạt trên không gian. Cánh tay chàng vòng qua Hương, ánh đèn pha vụt loé lên quét mặt sông. Một vài đốm lửa thuyền câu xa khuất cỏ nước ven bãi. Thiếu nữ quay đầu, nhìn mặt người đàn ông. Kim cúi xuống hôn lên đôi môi khô lạnh. Ánh đèn vụt sáng, một đám bèo xuất hiện, lắc lư trên ngọn sóng. Kim hé miệng chờ đợi. Môi thiếu nữ ấm dần nhưng không tha thiết. (trang 95, tập truyện Những hạt cát, nxb Thời Mới, Sài gòn 1962)

“Không tha thiết” là phải quá, tôi vừa mới quen cô giáo này ít hôm, tình nghĩa chưa có gì mà trên phà băng sông lớn, đã hôn lên môi người ta... Hành động hôn bất ngờ này xẩy ra được vì tôi cảm thấy, từ đầu đến chân, cô gái trong vòng tay tì vào lan can sắt lạnh của phà, là có thể hôn được. Nhưng có lẽ các cụ xưa có lý khi phán “dục tốc bất đạt”, tình yêu giữa tôi và cô gái áo trắng Nam kỳ thuần giống, không bền qua mùa nắng, dù có những ngày tôi bị sốt rét cấp tính nằm bẹp trên ghế bố, cầm tay nàng thật lâu cho hạ cơn sốt. Nguyên nhân thì nhiều và phức tạp, nhưng nguyên nhân chính là một cơn khủng khoảng siêu hình, như nhà xuất bản đã ghi ở trên bìa sau cuốn Những hạt cát:

“Làm tình, đối với chàng cũng tự nhiên và giản dị như ăn uống. Không có gì để say mê, để bận tâm. Toàn thể tâm hồn, thể xác chàng cử động, sống như một vật không nguồn cội đi vào vô tận.”

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

_________________________

[1]Trước 1970, ở miền Nam, các lớp trung học được gọi theo giáo dục Pháp, từ thấp lên cao, là đệ thất, đệ lục, đệ ngũ... Sau 1970, mới đổi lối gọi như Mỹ: ở tiểu học, có từ lớp 1 đến lớp 5; ở trung học, có từ lớp 6 đến lớp 12. Những ai dạy trung học được gọi là giáo sư; dạy tiểu học, là giáo viên. Những người dạy đại học thường được gọi là giáo sư đại học, giảng viên đại học. Từ "giáo chức" được dùng chỉ chung những người dạy học, bất kể cấp nào. Sau 1975, cả nước gọi theo miền Bắc: dạy bất cứ cấp nào, cũng gọi là giáo viên cả. Từ "Giáo sư" trở thành một học hàm cao nhất cho những người dạy Đại học. Một giờ dạy gọi là "tiết", dạy học gọi là “đứng lớp”, lục cá nguyệt gọi là "học kỳ", và trong ban giám hiệu không có chức giám học... Trước khi vào lớp giáo viên phải soạn giáo án trước, nghĩa là dự trù nói những gì trong lớp, phải chép vào vở và đưa cho bí thư Đảng Đoàn duyệt trước. Muốn khỏi sơ sẩy, các giáo viên thường chép giáo án mẫu đã được duyệt từ trước bởi cấp trên. Do đó cùng một bài, người dạy cả nước phải nói y hệt nhau. Sau tháng 4/1975, giáo chức gốc miền Nam cũ muốn được chế độ mới lưu dụng, phải ký vào bản nhận tội đã “làm tay sai cho đế quốc Mỹ, giảng dạy một chương trình nô dịch” cho học sinh (ai không ký, bị sa thải, xếp vào diện đi kinh tế mới). Dù được lưu dụng, giáo chức gốc miền Nam cũ không ai được làm hiệu trưởng; và những chức vụ chỉ huy trong ngành giáo dục chỉ giành cho những cán bộ ít học hơn nhưng gốc MTGPMN hoặc miền Bắc (hồng hơn chuyên). Còn du học sinh đa số tuyển trong thành phần con cháu Đảng và con thương binh liệt sĩ, dốt cũng được, nên một giáo sư đại học tại Hà Nội đã phải nói: “Dắt một con bò sang Liên Xô, khi về nó cũng có bằng Phó Tiến sĩ...” Kể từ khi Đổi Mới, có cải tổ nhưng không cương quyết.

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 
Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam... (...)
 
... Bố tôi không khoẻ, và thuốc phiện còn làm ông suy yếu hơn. Tự ông cũng biết mình sẽ không thọ (và đúng vậy, ông chết khá sớm, năm 56 tuổi) và khả năng kiếm tiền đã thấp (sau thời kỳ làm quản lý cho Phong Hoá Ngày Nay), ông thường làm công chức cấp nhỏ, lương thấp, đông con... (...)
 
Trong danh sách những nghề bố bảo nên gia nhập, tôi còn kể sót một trường là Quân Y ngay gần nhà. Bố tôi mặn mà với trường này lắm vì ra trường vừa là trung úy vừa là y sỹ, vừa có chữ thọ to tướng vừa có thể làm ngoài, thiếu gì tiền... (...)
 
Yêu một cô bé xinh đẹp con nhà và được yêu lại, được lấy nhau làm vợ chồng, còn niềm vui nào lớn hơn. Ngồi ở công trường vắng lặng Ban Mê Thuột uống một ly đậu đỏ tồi ơi là tồi, bùn đỏ xứ này còn như muốn nở hoa, buồn làm sao được... (...)
 
Năm 1954 tôi theo gia đình rời Hà Nội di cư vào Nam, định cư tại thành phố Sài Gòn. Năm đó tôi vừa 19 tuổi. Đủ lớn để có một, không phải một người yêu, mà là một người để yêu. Nàng đầu tiên là Mặt Trăng... (...)
 
Tôi đã tưởng mối tình (tình một chiều và thất tình một phía) hồi mười chín tuổi đã bị xoá trong bộ nhớ não tôi; gần nửa thế kỷ, bao nhiêu là nước chảy qua chân các cầu rồi còn gì. Nhưng tôi lầm... (...)
 
... Phương thuốc tôi cho là hiệu lực nhất là “dĩ độc trị độc”, lấy tình mới trị thất tình cũ: “Mi đau buồn vì một cô gái phải không? Hãy tìm một cô gái khác mà thay thế (hơn phân nửa thế giới là phụ nữ, lo gì?)...” (...)
 
... Tôi ngủ một giấc ngon lành không mộng mị, khi mở mắt ra, tôi phải định thần một chút mới nhớ ra mình đang ở đâu trên đất nước Việt Nam. Trời đã sáng từ lâu... (...)
 
... Khi tôi trở lại, bốn mươi năm sau, không còn chi để thăm để viếng... Kể như xong đời một phụ nữ nghèo vùng châu thổ sông Hồng triền miên đói này. Sống âm thầm và chết cũng âm thầm, không có đến cả một nấm mồ cho cháu chắt tìm đến thắp một vài nén hương... (...)
 
Nhiều năm về sau, chính xác ra là 40 năm sau, tôi mới có dịp trở lại thành phố Hà nội, lúc đó chưa “Đổi Mới” nhiều, còn đầy rêu và mốc meo... (...)
 
... Đầu năm 1955, rời Hà Nội xuống Hải Phòng để trở lại miền Nam, tôi không tuân theo đà phát triển nam tiến của dân tộc, mà là do chọn lựa của cá nhân. Có dịp để sống ở cả hai miền theo hai chế độ khác nhau, tôi cân nhắc so sánh, đối chiếu... Chọn lựa ở lại, là vô ở trong chum trong lọ, là gia nhập một tập thể đoàn ngũ hoá tới kẽ tóc chân lông... (...)
 
Tàu đã cặp một bến khu Khánh Hội, cầu thang đã được hạ xuống và những người Công giáo di cư bắt đầu xuống thang, đặt những bước chân đầu tiên lên vùng đất mới. Họ, cũng như tôi, đều không thể nào biết được vùng đất này sẽ ưu đãi họ, hơn cả những gì các cha cố đã hứa hẹn... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021