thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lưu Nguyễn Đạt: Những suy nghĩ về ngày 30/4

 

Bài phỏng vấn dưới đây do nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện. Một bản câu hỏi đã được gửi đến nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng tải loạt bài này.
 
Tiền Vệ

 

_______

 

LƯU NGUYỄN ĐẠT: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4

 

Nguyễn Thị Thanh Bình: Tôi cố tình dành một khoảng trống cho tên gọi ngày 30-4. Xin bạn thử tìm một tên gọi khác cho ngày này, ngoài những chữ vẫn được gọi kêu thông thường như ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen, ngày Giải Phóng hay ngày Đại Thắng Mùa Xuân...? Và tại sao bạn lại muốn gọi như thế?

Lưu Nguyễn Đạt: Tôi mượn lời của nhà biên khảo Nguyễn Vĩnh-Tráng[1] khi ông đảo ngược “30 tháng Tư” để tưởng niệm ngày “30 thứ Tang”. Đó là thời điểm khởi đầu của những giai đoạn tang chế, đau buồn, tang thương di căn:

- của toàn thể quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà, bị dồn vào thế thất thủ, hàng binh; bị tù đày, hành hạ, ám hại; bị tước đoạt danh dự, nhân cách và đời sống ngay từ ngày 30 tháng Tư 1975;

- của triệu, triệu người dân Miền Nam vô tội, những nạn nhân tập thể mất nhà mất cửa, mất làng mất xóm; bị đày đoạ, xua đuổi; bị tước đoạt lẽ sống ngay từ ngày 30 tháng Tư 1975;

- của triệu, triệu con dân trẻ từ Bắc chí Nam, thuộc thế hệ hậu sinh, bất đắc dĩ trở thành nạn nhân của chính sách kỳ thị mù quáng, giáo điều, ngu dân của CSVN mỗi lúc mỗi toàn trị từ ngày 30 tháng Tư 1975;

- của vô số cựu cán bộ, quân nhân, trí thức CSVN và các tổ chức ngoại vi, trá hình, lần lượt bị thất sủng, ngược đãi, lừa đảo bởi chính cấp lãnh đạo tham quyền cố vị, tham nhũng, bất tài thừa thắng xông lên từ ngày 30 tháng Tư trên;

- của biết bao thế hệ Việt Nam, dấn thân hay vô cảm, đang lâm nạn vô tổ quốc ngay trên quê hương mình, khi bạo quyền CSVN, ác với dân, hèn với địch, sẵn sàng nhượng hải đảo, tháo ranh giới, bán rừng, bán nước, mỗi lúc mỗi rõ rệt, mỗi lúc mỗi công khai ngay sau khi tiếm quyền khuynh đảo trên toàn quốc.

Đối với vô số nạn nhân trực tiếp, gián tiếp hay bất đắc dĩ của ngần ấy tang tóc khốn đốn, ngần ấy tang thương bất nhân, quá đáng, thì ngày 30 tháng Tư không hơn không kém phải được gọi là “Ngày Quốc Nạn”, nếu không muốn gọi là “Ngày Quốc Hận”.

Còn đối với những phần tử đã lầm lẫn mắc bẫy phủ dụ man trá của CSVN trước đây, biến cố 30 tháng Tư năm 1975 là ngã rẽ, là khởi điểm của chuỗi “Ngày Ân Hận” khi đối mặt với sự thật để vỡ lẽ thấy mình đã bị lường gạt,[2] đã từng bị xúi giục nhúng tay vào chàm, nhúng tay vào máu và tội ác một cách vô ích, phí phạm, bất công.[3]

Dân tộc Việt, trong và ngoài nước, nên tiếp tục tưởng niệm Ngày 30 tháng Tư này để ghi nhớ vết thương lịch sử trọng thể và sẵn sàng cảnh tỉnh trước mọi tai ương nhân tạo tương tự.

 

Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhà thơ Nguyễn Duy ở Việt Nam, với bài thơ “Nhìn từ xa... Tổ quốc” mà nhiều người vẫn tâm đắc, đã có lần viết câu thơ sau đây trong bài “Đá ơi”: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Không biết bạn đồng cảm như thế nào với thi sĩ về hai câu này, cũng như liệu bạn có thể cảm tác thêm một vài câu “lấy liền” cho dòng thơ tháng 4 không?

Lưu Nguyễn Đạt: Tôi cũng có những bài thơ tưởng niệm biến cố Ngày Quốc Nạn 30 tháng Tư.

 
PARIS KHĂN TRẮNG
 
thân tặng Sinh viên Paris & Bruxelles
để tang trong lòng Mẹ Việt Nam xa vắng
30 avril 1975
 
paris khăn trắng tang mẹ tang mình
tay nắm cờ vàng buông nợ vĩnh linh
chân đạp đường vơi đá mọc giữa lòng
khói chiều lay gió hồn vắng ẩn chôn
đi xi lang thang tiếng đọng hạt mềm
theo mưa vời vợi lột xác mộng đêm
thấm vào hương cỏ thấm mãi chu kỳ
môi cay se mặn nước đắng viễn vi
sài gòn chim di áo lụa rách mòn
mỏng mảnh lá non đất già nắng ngọn
bụi trưa nồng cháy hàng sĩ nung say
giọt lệ ban ngày vết thương vọng ngây
hà nội đâu đây son phấn vôi khè
một ngàn năm lẻ phượng đỏ hồ tê
tình xưa không trọn thành cũ đổi nghề
bán rong tình nghĩa sớm tối nô nê
 
 
MẸ NÍN
 
cùng Dân tộc Việt Nam
từ 30 tháng Tư Năm 1975
 
sáng nay mẹ nín để con đi
cửa ngõ đóng sơ vội biệt ly
ngoảnh mặt giơ tay hàng vũ khí
ngoài khơi ngũ hải khóc chu kỳ
sáng qua mẹ nín để con đau
tù ải quanh năm gối nhục màu
cải tạo tay lồng chân xích hậu
hồ mơ tát nước lấp kinh cầu
sáng hôm mẹ nín để con điên
công lý bẻ cong chữ tật nguyền
nước mất bờ vây thành hý viện
đó đây lời lẽ vẫn huyên thuyên
tối nay mẹ nín để con ca
bài hát vẫn còn nỗi thiết tha
giọt đắng tâm hồn ngây vắng lạ
nghe như muốn khóc ngập sơn hà
 
Lưu Nguyễn Đạt
 

Vết thương lịch sử này phải do chính người dân can đảm và đồng tâm đứng lên hàn gắn một cách cụ thể, khi quyết liệt giành lấy quyền tự chủ bồi hoàn quá khứ, không cho phép “Quốc Nạn” trên tái diễn ngày nay và trong tương lai.

Đã tới lúc người dân phải ý thức quyền hành và trách nhiệm của chính mình. Giới công bộc, “đầy tớ của dân” có thi hành đúng đắn nhiệm vụ giao phó hay không cũng là do ý chí định đoạt, chọn lựa đối tác; do khả năng yêu sách, tự vệ và tự bảo tồn của người dân. Tiếm quyền hay lạm quyền của giới thống trị phần nào nẩy nở do sự khiếm khuyết trách nhiệm, sự chểnh mảng, ươn hèn và “thú đau thương” của một dân tộc sẵn sàng đầu hàng trước bất công tai quái, dưới chiêu bài định mệnh vùi lấp, thí bỏ. Như trong một cuộc tự sát tập thể dửng dưng, hay một đám tang câm nín, không nước mắt: cam phận, lì lợm, vô cảm.

 

Nguyễn Thị Thanh Bình: Cứ mỗi 365 ngày, vào thời điểm này, chúng ta lại có dịp nghe thấy hoặc chứng kiến “người anh em” trong nước tưng bừng giăng thêm khẩu hiệu, biểu ngữ, và cờ phướn tung bay ngập lối, cùng pháo hoa kèn trống diễn binh... như một thứ men say chiến thắng, trong khi đó ở hải ngoại thì những người lữ thứ kỷ niệm ngày 30/4 như một tưởng nhớ đau thương quốc hận. Như thế liệu tâm hồn bạn lúc này đang bay bổng ở đâu, khi gõ lại từng đường dây biến cố lịch sử mỏi mòn ấy? Bạn có nhớ tại sao lúc ấy bạn quyết định ở lại hay ra đi không?

Lưu Nguyễn Đạt: Lịch sử Việt Nam chỉ nên khách quan coi Ngày 30 tháng Tư 1975 là một Ngày-Quốc-Nạn chung, có thể tránh được nếu những phe lâm chiến thực sự nghĩ tới quyền lợi, danh dự, và sự trường tồn của Dân Tộc Việt, xứng đáng với trào lưu tiến bộ chân chính của nhân loại.

Người ở lại hay người ra đi phải chuyền lực kết tạo tương lai cho Dân Tộc Việt, bằng cách xoá bỏ sai lầm từ mọi phía và tự tay hàn gắn vận mệnh cho chính mình, xây dựng căn Nhà Việt Nam sạch sẽ, rộng lượng, nhân bản hơn.

 

Nguyễn Thị Thanh Bình: Vào những lúc cuối đời, thường thì trong lòng người ta vẫn dấy lên một chút lương tri đạo đức làm người gì đó, và những câu nói sau đây của ông Võ Văn Kiệt được xem như là những điển hình đáng ghi nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Là một người dân Việt, mà lại là một người cầm bút tử tế, bạn nghĩ chúng ta phải làm thế nào để có thể băng bó vết thương chung của dân tộc, khi hiểm họa của người phương Bắc càng ngày càng phủ chụp đất nước sau 37 năm Việt Nam vỗ ngực xưng hoà bình thống nhất?

Lưu Nguyễn Đạt: Nếu người dân còn tiếp tục mặc cảm tự ti, còn phủ nhận trách nhiệm, thì Ngày Quốc Nạn hay Quốc Hận còn di căn vài thế hệ nữa, trong khi cuộc vui “chiến thắng” giả định liên hệ mỗi lúc mỗi nhạt nhẽo, tuồng hề hay xảo trá, lừa lọc.

Xin nhắc lại: Vết thương lịch sử này phải do chính người dân can đảm và đồng tâm đứng lên hàn gắn một cách cụ thể, khi quyết liệt giành lấy quyền tự chủ bồi hoàn qua khứ, không cho phép “Quốc Nạn” đó tái diễn ngày nay và trong tương lai.

Đã tới lúc mọi người dân nên ý thức quyền hành và trách nhiệm của chính mình. Đã tới lúc bất cứ ai cũng nên đảm nhận “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” ở một khía cạnh dấn thân và đối tác nào đó. Ai cũng có khả năng nơi chính mình, tự phát, tự duy, tự kiểm. Ai cũng có trách nhiệm liên hệ, chu đáo.

Cái hoạ mất cá tính dân tộc, mất nước, mất nòi bắt nguồn từ chính người dân cho phép nhà cầm quyền và các thế lực ngoại vi trở thành nội thù ngang ngược, tham nhũng, bất trị và cùng lúc làm ngơ cho ngoại bang trở thành thù dịch hoang tưởng, tiếm quyền, ngoan cố, láo xược.

Hay đứng lên dẹp bỏ mặc cảm bất lực. Hãy đứng lên dẹp bỏ nhà cầm quyền vốn nội thù vong bản. Hãy sát cánh thị uy với ngoại thù tham lam; hãy vững tâm bảo vệ đất nước, lãnh thổ, lãnh hải và thực thi quyền làm công dân trong một thế giới công bình, pháp trị, nhân từ.

 

Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu bảo “thất bại trong hoà bình” mới là điều đáng lên tiếng luận bàn cho một lộ trình tương lai đất nước khả quan hơn, thì thử hỏi bạn có dám nói, dám viết, dám kiến nghị để lương tâm và chức năng của một người cầm bút không bị kiến cắn, kiến bò không? Và cho dẫu bạn không hề là một trong 75 vạn người mẹ đớn đau của những người con được phong tước anh hùng liệt sĩ gì đó, hoặc bị xem là “có nợ máu với nhân dân”, thì liệu bạn có phải bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe hay thấy những bài ca rỗng tuếch nhai đi nhai lại ngợi ca xương máu chiến thắng?

Lưu Nguyễn Đạt: Đã tới lúc cần gạt bỏ mọi mặc cảm tự ti lẫn tự tôn, nếu những điều đó là sai lạc, trá hình, vô tích sự, tự hủy.

Tự tin, tự trọng và tôn trọng đại nghĩa, đại sự liên hệ tới cuộc sống chân chính, toàn diện của mọi công dân trong nước và trên thế giới loài người mới là điều đáng bàn, đang cãi, đáng bênh vực và thực hiện.

Còn không chỉ là sáo ngữ, tà thuật gian dối cần loại trừ.

 

Nguyễn Thị Thanh Bình: Ông Lê Duẩn đã từng biện bạch rằng “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai”. Vậy thử hỏi nỗi đau của “triệu người buồn” kia, cũng hệt như nỗi đau của nước sắp mất, và (ngôi) nhà Việt Nam sắp tan, không lẽ không phải là niềm đau chung của dân tộc? Đất nước chắc chắn nào phải của riêng ai, vậy tại sao lại chỉ có thứ độc quyền yêu nước hay bán nước? Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước độc lập có phải là thái độ sợ hãi của một nhà cầm quyền chỉ muốn củng cố quyền lực hay không? Liệu bạn có thấy phấn khởi khi giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm và muốn gánh vác phần nào câu chuyện lịch sử 30/4/1975 của cha ông mình?

Lưu Nguyễn Đạt: Quốc tang, quốc nạn mất nhà mất cửa, mất tự do, danh dự, mất quyền sống làm người, mất quê hương xứ sở thực sự không dành riêng cho ai, cho bất cứ thành phần nào về mặt xã hội, tuổi tác, chí hướng tư tưởng, tôn giáo, mà đã thẩm thấu tới toàn dân, toàn tộc người Việt chúng ta, bất kỳ lúc nào, giai thoại nào, khi CSVN còn duy tri tai ách thống trị trên quê hương và vận mệnh người dân thất thế. Còn cái “thắng lợi” chỉ dành riêng cho thiểu số chóp bu đảng phiệt CSVN, cho mafia quốc doanh và đại gia tư bản đỏ.

Vậy mất hay còn, vui hay buồn, hãnh diện hay tủi nhục phải là chuyện chung, của cả dân tộc còn lại, lớn bé, già trẻ, nam nữ, với mọi tín ngưỡng, tư tưởng, sắc dân.

Chúng ta có thể ngày nào đó tha thứ, bỏ qua, nhưng không bao giờ quên nổi tai ương quốc nạn của biến cố 30 tháng Tư 1975 và của những chính sách bạo tàn liên hệ. Nó là tang chứng bể dâu đem con người “đổi đời” sát gần với loài thú dữ, bất nhân, bất nghĩa, rồi cũng sẽ tự hại, tự hủy. Nó là cơ hội hiện hình của một thực thể man rợ nhằm chấp hữu tài sản và tước đoạt nhân phẩm của bất cứ ai, với mục đích duy nhất là để thu thập và tăng trưởng quyền lợi vô hạn cho đảng phiệt CSVN.

Nhưng nó cũng là điều thôi thúc, là tiếng gọi của lý tưởng, lương tri và đạo đức, của công lý và triển vọng khôi phục con người chân chính, toàn diện, biết dấn thân xây dựng lại cõi sống tử tế, tiến bộ, trưởng thành trong không gian Việt, nếu không muốn chứng kiến cảnh diệt vong, xoá bỏ một dân tộc, một lãnh thổ trước đây từng khải tiến.

 

[1] Nhà biên khảo Nguyễn Vĩnh-Tráng, tiến sĩ toán học, hiện cư ngụ tại Pháp: “Cùng các Anh, các Chị, Tưởng niệm Ngày “30 thứ Tang” (30 tháng Tư). An lành, VT.”

[2] Mời đọc ”Tôi khóc ngày 30 tháng Tư 75 vì thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ”, Dương Thu Hương, www.vietthuc.org, May 3, 2011:

Việt Tide: Bà từng viết rằng, ngày 30 tháng Tư năm 1975, khi các phụ nữ khác trong đoàn quân của bà trầm trộ trước sự phát triển vật chất của miền Nam thì bà ngồi khóc trên lề đường Sài Gòn. Bà có thể nhắc lại tâm trạng của bà lúc đó?
 
Dương Thu Hương: (thở dài) Điên rồ thì tôi có nhiều thứ điên rồ. Khóc thì tôi có hai lần khóc. Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cà mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do; tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là những giấc mơ. Ông Thái đừng quên rằng, ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ . . .nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Đó là sự hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Đó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải…
 
Ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã là một ngã rẽ trong đời tôi. Đúng ra, ngã rẽ này đã bắt đầu từ năm 1969 khi lần đầu tiên tôi gặp những toán tù binh người miền Nam ở Quảng Bình. Lúc đó tôi làm công tác ở các binh trạm và những tù binh lần đầu tiên tôi gặp không phải là người Mỹ mà chính là người Việt Nam, cũng đầu đen mắt đen, cũng lùn và da vàng mũi tẹt như tôi, và nói tiếng Việt Nam như tôi. Cho nên tôi mới hồ nghi rằng tất cả những điều người ta nói đây là cuộc chiến tranh chống quân xâm lược thì đó là láo toét. Tuy nhiên vì lúc đó là chiến tranh và tất cả đều lao vào một guồng máy và bị cỗ xe khổng lồ nó cuốn đi. Cho đến năm 75, với thời gian (giọng ngậm ngùi, xúc động), tất cả mọi ngờ vực trong tôi đã chín muồi. Năm 75, tôi hiểu rằng đây là thời điểm quyết định và là ngã rẽ dứt khoát trong tư tưởng của mình.

 

[3] Mời đọc “Làm cách mạng không phải để dựng nên một nhà nước độc tài”, Phạm Hồng Sơn,www.vietthuc.org, May 5, 2012:

 
Phạm Hồng Sơn: Dịp 30 tháng 4 hàng năm vẫn là một trong những ngày lễ lớn của cả đất nước, cảm xúc của các ông ra sao trong những ngày này?
 
Huỳnh Nhật Hải: Buồn. Nếu không có cuộc chiến tranh tương tàn giữa hai miền trước 1975 thì dân tộc này không có cái bất hạnh, đau khổ như ngày hôm nay.
 
Huỳnh Nhật Tấn: Buồn. Một ngày quá buồn. Cái chiến thắng 30 tháng 4 chỉ đem lại một sự áp bức trên mọi phương diện cho nhân dân, đất nước và lại nặng nề hơn cả thời Pháp thuộc.
 
Phạm Hồng Sơn: Nếu bây giờ vô tình hai ông gặp lại một người là cựu viên chức cũ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và người đó chính là “kẻ thù” của ông trước 1975, điều trước tiên hai ông muốn nói là gì?
 
Huỳnh Nhật Tấn: Tôi có lỗi với dân tộc. Chính cái hăng hái, nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng nên chế độ độc tài hiện nay, đã vô tình đem lại sự đau khổ hiện nay. Và nếu xét về những căn bản để bảo đảm tự do cho nhân dân và độc lập cho dân tộc thì tôi cũng đã vô tình góp công sức đưa những người mang danh là “cách mạng” nhưng thực chất là vì quyền lực tới phá bỏ một chế độ đã được xây dựng trên những căn bản về tự do, dân chủ và nhân bản tại miền Nam Việt Nam.
 
Huỳnh Nhật Hải: Bây giờ nhìn lại, con đường chúng tôi đã đi trước 1975 là một con đường sai lầm. Sự nhiệt huyết lúc đó của chúng tôi đã đem lại bất hạnh hơn là hạnh phúc cho dân tộc.

 

 

-------------

Đã đăng:

09.05.2012
Đinh Từ Bích Thúy: ... Khi mặc niệm về ngày 30 tháng 4, trong lúc này, gần bốn thập niên sau biến cố, Thúy thấy cái nhìn của mình không chỉ giới hạn trong khuôn khổ Việt Nam. Nó đã được hoàn cầu hóa, một phần vì những biến chuyển thế giới gần đây, như cuộc cách mạng ở Tunisia, Ai Cập, Lybia, Syria... [...] Mong rằng những người dân Việt ở Việt Nam đã và sẽ được hứng khởi, bừng mắt bởi những cuộc nổi dậy ở Trung Đông, cũng như những hành động dũng cảm của các nhà đối lập như Lưu Hiểu Ba, Lưu Hà, Ngải Vị Vị, Trần Quang Thành, v.v..., và tin vào khả năng tác động sự chuyển hóa của chính họ... (...)
 
08.05.2012
Nguyễn Hưng Quốc: ... Bi kịch của cá nhân thì nên quên. Nhớ, không ai chịu đựng nổi. Nhưng bi kịch của cả dân tộc thì phải nhớ. Quên, người ta đánh mất cơ hội để trở thành giàu có, sâu sắc. Và nhất là, trưởng thành. Với cá nhân, nước mắt là đá, nặng trĩu, kéo oằn người ta xuống; với dân tộc, nước mắt là ngọc trai, trong giếng Mỵ Châu, tỏa sáng, lấp lánh, làm người ta đẹp hơn. Và cũng cao hơn... (...)
 
07.05.2012
Chân Phương: ... Tôi hình dung đó là một bầy khủng long bằng sắt thép đêm ngày dò dẫm khắp rừng núi Trường Sơn tiến về phương Nam; nhưng khi chiếm được Sài Gòn thì nhanh chóng diễn ra tuồng kịch bi-hài của bọn khủng long chỉ có bộ óc không to hơn bát gạo bao nhiêu!... (...)
 
06.05.2012
Trần Trung Đạo: ... Tôi có một niềm tin sâu xa vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam. Giá trị của một con người không phải được thẩm định khi người đó bị xô ngã nhưng ở chỗ biết đứng lên và đi tới. Dân tộc Việt Nam cũng thế, đã bị xô ngã trong ngày 30-4-1975 nhưng đang đứng lên và đi tới... (...)
 
05.05.2012
Nhã Thuyên: ... Những bài học lịch sử ở trường phổ thông về “ngày giải phóng”, “chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”,... cũng như rất rất nhiều những kiến thức, nhiều quan niệm, nhiều “giá trị” tôi chỉ còn nhìn như những cụm từ rỗng nghĩa (nhưng không vô nghĩa). Tôi quan tâm đọc những gì mọi người viết về ngày này như một quan tâm về lịch sử-sống, những người có kí ức về nó đang kể lại, những tâm sự của những người chứng, là bên này hay bên kia, của bè bạn phương xa, của kẻ lạ, hay tôi quan sát, hỏi han, lắng nghe từ những người bình thường như chú xe ôm, bà hàng nước... (...)
 
04.05.2012
Phùng Nguyễn: ... Có những cái loa sẽ không bao giờ ngưng nghỉ việc phát ra tiếng ồn, đặc biệt những vu khống nhằm bôi đen đối phương của mình. Những tuyên truyền láo khoét mà tôi gọi là “nọc độc văn hóa” này lâu ngày sẽ trở thành những thực tế lịch sử không thể đảo ngược. Tôi cho rằng những vết nhơ văn hóa/lịch sử này cần phải được lật tẩy và xóa bỏ... (...)
 
03.05.2012
Hoàng Chính: ... Hiểm họa Hán hóa của những năm Bắc thuộc đã tỏ tường. Và người ta cũng chẳng bận tâm che giấu. Tôi đang nhìn thấy những ngày xuống biển mò ngọc trai, lên rừng săn voi lấy ngà, gom góp vàng bạc đúc tượng những ông Khổng, ông Trang, ông Mao, ông vân vân và vân vân... gửi về phương Bắc... (...)
 
Hồ Đình Nghiêm: ... Tháng 4, để mình lục soạn trí nhớ thử, từ cái cớ đau thương nọ hình như chưa có bài thơ nào gây ra xúc động? Mình luôn mang nỗi hoài nghi: Khi bạn chạm mặt buồn đau, tang thương nghiệt ngã, chắc bạn sẽ thấy bất lực khi muốn dùng chữ viết để bạch hóa nó ra. 37 năm qua, mình chưa đọc phải một cái gì nhức nhối về “cải tạo” về “vượt biển” về “lưu vong”... (...)
 
02.05.2012
Nguyễn Ngọc Bích: ... Đất nước chỉ còn có một hy-vọng độc-nhất, đó là đặt lên vai những tuổi trẻ hôm nay, những tuổi trẻ như Việt Khang, Huỳnh Thục Vy, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân... và nhiều người còn trẻ hơn thế nữa! Họ là những con người trong sáng, không bị gánh nặng của quá-khứ đè trĩu trên vai, và đã từ lâu họ nhìn ra không còn Quốc-Cộng ở trong hàng ngũ họ nữa, chỉ còn “nghĩa đồng-bào” con Hồng cháu Lạc, con Rồng cháu Tiên!... (...)
 
Trần Mộng Tú: Ba mươi bảy năm rồi, người ta nói là Việt Nam đã hết chiến tranh, người dân đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhưng trên mạng, người Việt trong và ngoài nước vẫn có những dòng chữ gửi đến cho nhau mang theo những thông điệp thật buồn: Việt Nam tôi đâu? Người dân mất nhà, mất đất. Gái Việt bán sang Đài Loan. Gái Việt xếp hàng lấy chồng Đại Hàn. Không có Tự Do cho Việt Nam. Ngư dân Việt bị tầu Trung Quốc bắt ngay trên biển của mình. Nước Việt âm thầm mất dần từng mảnh cho Trung Quốc... (...)
 
01.05.2012
Nguyễn Tôn Hiệt: ... Tôi nghĩ, để “băng bó vết thương chung của dân tộc” thì, trước hết, ta không nên nhầm lẫn nó với những chiêu bài “hoà giải hoà hợp” giả hiệu. Không thể “băng bó vết thương chung của dân tộc” bằng cách tự đánh thuốc mê, tự chích thuốc tê, tự tẩy trắng mọi ký ức đau thương, khi vết thương thật sự vẫn còn nguyên trong tâm hồn và trên thể xác của biết bao người. Không thể “băng bó vết thương chung của dân tộc” khi những kẻ gây ra vết thương ấy không hề biết nhận lỗi, không hề biết sửa đổi, mà cứ tiếp tục dối trá, cứ tiếp tục tạo ra những tội ác mới, những sai lầm mới, cứ tiếp tục ca múa, giăng cờ, cụng ly trên chính vết thương ấy... (...)
 
30.04.2012
Bắc Phong: Tôi vẫn muốn gọi ngày 30 tháng 4 là ngày Quốc Hận vì tôi là công dân của nước Việt Nam Cộng Hoà bị mất vào tay Cộng Sản ngày đó năm 1975. Tôi buồn nhiều vì, giống số phận đau thương của nhân dân miền Bắc, nhân dân miền Nam cũng phải sống khổ dưới sự thống trị của Đảng Cộng Sản từ đó đến nay và chưa biết còn đến bao giờ nữa... (...)
 
Uyên Thao: ... Thời điểm đó, tôi đã nói với bạn bè là tôi thấy cuộc chiến không hề chấm dứt mà chỉ chuyển sang một đoạn đường mới kể từ ngày nào Sài Gòn rơi vào tay Cộng Sản. Trong nhận thức của tôi, cuộc chiến đang diễn ra dù gọi tên là gì, dù được giải thích ra sao thì thực chất chỉ là cuộc chiến do yêu cầu bảo tồn sự sống của người Việt trước nguy cơ huỷ hoại sự sống của một tập đoàn mê muội cuồng dại mà thôi... (...)
 
29.04.2012
Liêu Thái: ... Cứ mỗi dịp tháng Tư về, vườn nhà tôi thi thoảng nghe chó sủa đêm rồi lại tru, mẹ tôi bảo đó là chó sủa ma. Và mẹ tôi cũng nói rằng còn quá nhiều oan hồn uẩn tử, âm khí quá nặng, nên tháng Tư về, song hành với tiếng reo hò chiến thắng là tiếng chó tru đêm đầy rẫy trên quê hương. Và, đâu đó trong góc khuất cuộc đời, những oan hồn đang thở dài nhìn hiện tình đất nước, nhìn những người bạn năm nào giờ đang lưu lạc… Cứ như thế, đất nước vật vờ trong nhịp buồn tháng Tư – tháng Oan Hồn... (...)
 
28.04.2012
Nguyễn Viện: ... Tôi vừa đọc lại cuốn Chuông gọi hồn ai của Hemingway, cũng là cuốn sách viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, và tôi nhớ có đoạn Hemingway để cho nhân vật của mình nói, đại ý: Cần phải có một cuộc giải tội tập thể cho cả dân tộc, bất kể anh ở phe nào. Vâng, tôi ước ao có một ngày mọi người dân Việt dù đang sống ở bất cứ đâu, cùng dành ra một giờ để xưng tội với nhau và xin tha thứ cho nhau. Cho cả những người đã chết, đang sống và sẽ sinh ra làm người Việt... (...)
 
Cảm tưởng về ngày 30/4  (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn Thị Thanh Bình
... 37 năm nhìn lại với tôi là một chặng đường tuột dốc thê thảm: tước đoạt của mọi tước đoạt, tham tàn trên cả tham tàn, lừa mỵ phản trắc không diễn tả nổi. Những chiếc bánh vẽ to tướng mà đến cuối đời nhà thơ Chế Lan Viên mới tuồng như thấu hiểu, thì người ta vẫn thay phiên nhau tọng vô họng nhân dân... (...)

 

_________________________

[1]

[2]

[3]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021