thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đôi nét về nhà thơ Tristan Tzara (1896-1963)

 

Nói đến Tzara [tên thật là Sami Rosenstock] ắt ta phải nghĩ ngay đến một tinh thần cách mạng sôi nổi cuồng nhiệt. Con ác điểu Tzara và đồng bọn đã kêu lên những tiếng kỳ lạ, kiêu hãnh và rùng rợn để báo hiệu sự mở mang của phong trào siêu thực. Tzara vốn người Lỗ Na Ni, ra đời tại Moineste vào năm 1896. Các tác phẩm đáng để ý của Tzara gồm có La Première Aventure Céleste de M. Antipyrine (1916), Vingt-cinq poèmes (1918), L'Homme approximatif (1931), Où boivent les Loups (1932), La Face intérieure (1953) v.v... Tuy Tzara là người Lỗ Ma Ni nhưng chàng dùng tiếng Pháp để sáng tác. Trường thơ Đa Đa (école dadaiste) của Tzara đã qui tụ được một số cây viết trẻ tuổi như Benjamin Péret, Jean Cocteau, Philippe Soupault, Francis Picadia, và các thi sĩ siêu thực sau này như André Breton, Louis Aragon, Paul Éluard. Danh từ Đa Đa nghĩa là gì? Theo sự giải thích của các thi sĩ trong nhóm thì nó chẳng có nghĩa gì hết trọi. Nó có một giá trị tự do, độc lập không liên hệ gì đến những ý nghĩa trong ngôn ngữ hẹp hòi kiểu cách của loài người. Các thi sĩ Đa Đa ngông cuồng lắm. Họ coi thường cuộc đời. Họ muốn phá hủy trật tự trong xã hội. Họ không thèm phân biệt cái Đẹp cái Xấu, không đếm xỉa đến cái Hay cái Dở. Họ coi bất cứ chuyện gì, bất cứ nhân vật nào cũng chỉ là trò đùa, là vô nghĩa. Văn chương là cái gì mới được chứ?  Văn chương chỉ là sản phẩm của những quan niệm vớ vẩn của loài người. Trên cõi đời này nào có ai quan trọng gì đâu, ấy thế mà người nọ ca ngợi người kia, thế hệ nọ khen lao chê trách thế hệ khác. Thế hệ này nhắc đến các vĩ nhân như Jeanne d'Arc, Foch, Hugo, hay Pascal, v.v... nhưng nhìn kỹ, xét kỹ ta thấy các nhân vật ấy chả là cái cóc khô gì cả. Vĩ nhân? Vĩ nhân là cái quái gì. Trong sinh họat lúc nhúc hèn hạ của loài người chẳng có chi đáng gọi là cái Đẹp, là Nghệ thuật cả. Trong bài Machine à Écrire Dada nhà thơ Philippe Soupault viết:

Từ khi chúng ta ở cõi đời, có một vài thằng lười biếng đã cố gắng làm chúng ta tin rằng Nghệ thuật hiện hữu. Ngày nay chúng ta là những thằng còn lười biếng hơn nữa, chúng ta kêu lên rằng: Nghệ thuật chẳng là cái đếch gì cả.
Chẳng là cái gì cả...
... Ai sẽ nói cho tôi biết Nghệ thuật là cái gì?
Ai sẽ tự cho mình là hiểu cái Đẹp?
Tôi đứng về phía những kẻ nghe tôi nói để nêu ra một định nghĩa cho Nghệ thuật, cho cái Đẹp và những cái khác liên hệ đến chúng. Định nghĩa đó là:
Nghệ thuật + cái Đẹp = KHÔNG CÓ GÌ CẢ
(L'Art et la Beauté = RIEN)

Các nhà thơ Đa Đa coi thường cuộc đời, coi thường nghệ thuật, và chính sự coi thường đó được đặt làm nguyên tắc căn bản cho hành vi sống và cho sự sáng tác của họ. Sự coi thường đó mang lại cho nghệ sĩ một quyền tự do trong sáng tác, không bị lệ thuộc vào một ai, không bị chi phối bởi một luật lệ, hình thức gò bó nào hết. Trong lúc sáng tác, nghệ sĩ có quyền bỏ rơi tất cả những gì, tất cả những ai mà họ muốn bỏ rơi, kể cả độc giả, cả quần chúng. Ý nghĩa cố hữu của mỗi danh từ trong ngôn ngữ bị các nhà thơ Đa Đa xuyên tạc hết. Văn phạm và những lý luận, mực thước của ngôn ngữ bị họ vo viên ném vào sọt rác. Tristan Tzara, ông tổng chỉ huy của nhóm Đa Đa tuyên bố: Hãy đặt tất cả các chữ vào trong một chiếc mũ, rồi rút thăm, đó là thơ Đa Đa.[*] Và đây, mời các bạn đọc một đoạn thơ trong bài De nos Oiseaux của Tzara:

thế giới
một chiếc mũ với những đóa hoa
thế giới
một chiếc mũ với những đóa hoa
thế giới
cây đờn vỹ cầm tấu trên một đóa hoa
thế giới
một chiếc nhẫn làm cho một đóa hoa
một hoa hoa cho một bó những hoa hoa
một bót thuốc lá đầy hoa
một đôi găng tay cho những hoa
một đầu tầu có những con mắt bằng hoa
bằng da hoa những hoa hoa hoa của chúng ta của những hoa
và một quả trứng

và đây là một đoạn khác của Tzara, chúng tôi để nguyên văn Pháp ngữ không dịch vì có dịch ra chăng nữa cũng chẳng ích lợi gỉ cả:

tuyaux tuyaux arrange-vous
verticale coupée
interrompre
mécanisme drrr rrrrrrrrr barres écartées
ébranlement des rayons perce-nous trouve le chemin de la cité [**]

Đọc những đoạn thơ vừa dẫn các bạn có hiểu gì chăng? Hiểu hay không hiểu, mặc kệ, cái đó chẳng có gì liên hệ đến người sáng tác ra nó cả. Tác giả muốn viết sao thì viết, độc giả muốn đọc sao thì đọc; thi ca, nghệ thuật là cái quái gì mà nói đến chuyện hiểu với không hiểu. Francis Picabia tuyên bố: Các bạn không hiểu cái mà chúng tôi làm, có phải không? Này, các bạn thân mến ạ, chúng tôi còn hiểu nó ít hơn các bạn nữa.

Tuy nhiên, dầu nhóm Đa Đa ngang tàng, ngông nghênh đến mấy đi nữa, thật ra họ cũng chẳng đến nỗi vứt bỏ nghệ thuật như những lời tuyên bố của họ. Những lời tuyên bố đó phải chăng chỉ là một thái độ bực tức hằn học trước sự nghèo nàn gò bó của nghệ thuật nói riêng và cuộc sống nói chung. Cái hành vi tự do quá khích của nhóm Đa Đa thoạt trông qua ta thấy đầy tính chất phá hoại, nhưng thực ra chính cái tính chất phá phách đó đã tự nó có một tính chất xây dựng, mở rộng thêm cương vị hoạt động của nghệ thuật. Đừng tưởng lúc nào các thi sĩ Đa Đa cũng ngông cuồng như thế: nhiều khi họ cũng rất thận trọng trong việc sáng tạo, do đấy đã tạo ra được nhiều bài thơ đặc sắc tân kỳ. Nhưng ngay cả những phút ngông nghênh của họ, ta cũng tìm thấy ở họ một thái độ can đảm đáng yêu.

Dầu sao, phái Đa Đa cũng bị người ta kết án là có nhiều điểm lập dị. Do đó, nhóm đó chết yểu. Nhiều thi sĩ Đa Đa như Breton, Éluard, Aragon, dần dần ly khai nhóm để lập ra trường siêu thực. Dầu ly khai, họ vẫn phải nhận rằng: ngoài những cái dở, nhóm Đa Đa đã cấp cho họ nhiều cái hay cái đẹp làm nền tảng cho trường siêu thực.

 

 

__________________
Nguyễn Đăng Thường sưu tầm và biên tập.
Trích từ Lê Huy Oanh, "Lược khảo phong trào thi ca siêu thực Pháp", trong tạp chí Văn Nghệ số 3, tháng Tư, 1961, Saigon. Nhan đề của trích đoạn do người sưu tầm đặt.

 

Sau đây là các bản dịch toàn bài của những câu thơ có ghi dấu [*] và [**] trong tiểu luận trên.

 

Tristan Tzara

Cách làm một bài thơ dada

 

Lấy một tờ nhật trình.

Lấy một cây kéo.

Tìm trong tờ báo ấy một bài viết có chiều dài

bạn muốn có cho bài thơ.

Cắt bài báo.

Cắt tiếp theo thật cẩn thận mỗi chữ của bài báo

và bỏ chúng vào một cái bao.

Lắc nhẹ.

Rồi lấy ra từng chữ một.

Chép lại thật cẩn thận

theo đúng thứ tự khi nó ra ngoài.

Bài thơ sẽ giống bạn y chang.

Và bạn đã trở thành một nhà văn hoàn toàn độc sáng

với sự nhạy cảm rất dễ thương, dù kẻ thô tục không thể

hiểu nổi.

 

 

Tôi chỉ rờ-tôi rờ-tôi thôi

 

mi rít tẩu thuốc đắng trong đêm răng ta trắng hơn ngôi sao trong tủ sắt

cựa quậy năng nổ tiêu hoá trên đá ngọn lửa vàng người anh của ta

sự tập thể dục trong căn phòng kia

ống ống chúng mày hãy tự sắp đặt

chiều thẳng đứng bị cắt

gián đoạn

guồng máy drrrrr rrrrrrrr những thanh ngang tách rời

sự rung chuyển của những tia soi-thủng-chúng-ta tìm thấy ngã vào thành phố

những rễ của chúng ta những mẫu thuốc đã đốt của chúng ta gắn vào não ướt thành những chiếc nấm nhỏ

con tàu đỏ treo trên nước

mi không thể ngủ bên ta

ta là tàu điện tại một nơi nào đó tới-và-lui trong tình yêu

tiếng động nơi cuống họng những con mèo lớn bằng kim khí rỗng

các tĩnh mạch của ta quấn bởi những vòng xuyến

cắn

 

trong cơ thể ta những khối tăm tối những chiếc gối phình

trên nước của nỗi đắng cay xanh rêu là con tim

sự nổ tung

chẳng biết thế nào và tại sao

siết ngắn

chỉ đường đi

bằng một cú

rã mục thành vàng của đá lớn

đặc

 

 

----------------------------------
Nguyễn Đăng Thường dịch
Nguồn: Dada est tatou. Tout est dada, Tristan Tzara, Henri Béhar biên tập và giới thiệu, 1966, Flammarion, Paris

 

_________________

Mời độc giả xem bài thơ "Bài hát đađa" của Tristan Tzara [bản dịch của Lê Huy Oanh; Nguyễn Đăng Thường sưu tầm và biên tập] đăng song song trên Tiền Vệ.

Để tìm hiểu thêm về mỹ học và thi pháp của Dada, xin đọc Stefan Wolpe và bài giảng ứng khẩu về Dada (tiểu luận của Hoàng Ngọc-Tuấn).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021