thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài ca về ngày tận thế | Những quy tắc | Lời đề tặng | Sụp đổ | Thế nhưng những cuốn sách
(Diễm Châu dịch)
 
BÀI CA VỀ NGÀY TẬN THẾ
 
Vào ngày tận thế
Một con ong lượn quanh khóm cỏ ba lá,*
Một người đánh cá vá lại chiếc lưới lấp lánh.
Những con cá heo vui tươi nhảy lên ngoài biển,
Bên máng xối bầy sẻ non nô đùa
Và con rắn vẫn phơi làn da vàng óng ánh.
 
Vào ngày tận thế
Phụ nữ che dù bước qua những cánh đồng,
Một người say thiêm thiếp nằm bên mép bãi cỏ xanh,
Những người bán rau rao ngoài đường phố
Và tiếng vĩ cầm lơ lửng trên không
Dẫn vào một đêm sao.
 
Và những người trông đợi sấm sét
Thất vọng.
Và những người trông đợi những điềm triệu và tiếng kèn của các tổng lãnh thiên thần
Không tin rằng chuyện ấy đang xẩy ra lúc này.
Bao lâu hai vầng nhật nguyệt còn kia,
Bao lâu con ong đất vẫn tới thăm đóa hồng
Bao lâu những hài nhi hồng hào vẫn sinh ra
Không một ai tin rằng chuyện đang xảy ra lúc này.
 
Chỉ có một ông già tóc bạc, có lẽ là một nhà tiên tri
Nhưng không phải tiên tri, vì ông quá bận bịu,
Nhắc lại trong lúc cột những trái cà-chua:
Làm gì có một ngày tận thế nào khác,
Làm gì có một ngày tận thế nào khác.
 
                                                             Varsovie 1944.
-------------------------------------------
* trèfle (Pháp) hoặc clover (Anh).
(ghi chú của dịch giả)
 
 
NHỮNG QUY TẮC
 
Một người đàng hoàng thời chẳng nên yêu trăng.
Lưỡi rìu chẳng nên nhẹ đi trong tay y.
Ước chi vườn nhà y thơm mùi những trái táo mục nát,
Và để thong thả mọc lên một vài cây tầm-ma.
Một người đàng hoàng thời chẳng nên sử dụng những chữ thân thiết đối với mình khi nói năng
Hay mở một hạt mầm để khám phá cái bên trong
Hay ném một vụn bánh mì, hay khạc nhổ vào lửa
(Ở Lituanie, ít ra, người ta cũng đã dạy tôi như thế).
Khi leo lên những bậc cấp bằng cẩm thạch,
Con người, với sự nặng nề của mình, có lẽ sẽ tìm cách đẽo vạc chúng bằng chiếc giầy ống
Để ghi dấu rằng các bậc cấp không phải là muôn thủa.
 
 
LỜI ĐỀ TẶNG
 
Bạn người tôi không thể cứu
Xin hãy lắng nghe tôi
Xin hãy cố hiểu cho diễn từ đơn giản này bởi tôi sẽ hổ thẹn với một diễn từ khác.
Tôi xin thề, chữ nghĩa của tôi không có gì là mê hoặc.
Tôi nói với bạn bằng im lặng,
Như một đám mây, như một cái cây.
 
Những gì khiến tôi mạnh mẽ, đối với bạn là tuyệt mệnh.
Bạn lẫn lộn sự vĩnh biệt một thời đại với sự bắt đầu một thời đại mới
Ngôn ngữ của oán thù với vẻ đẹp tâm tình,
Sức mạnh quáng mù với hình thể hoàn tất.
 
Đây là thung lũng Ba-lan với những dòng sông không sâu lắm. Và một cây cầu bao la
Phóng vào lớp sương mù trắng. Đây là một thành phố nát tan,
Và gió hắt lên nấm mộ bạn những tiếng kêu của chim chóc
Khi tôi nói với bạn.
 
Thơ nghĩa là gì khi không cứu được
Dân tộc hay Quốc gia?
Một sự thông đồng với những lời dối trá chính thức,
Bài ca của một kẻ say sưa mà cổ họng sẽ bị chặt ngày mai,
Bài đọc cho những cô nữ sinh viên còn trẻ.
Tôi đã ao ước thơ hay mà chẳng biết thế,
Và đã khám phá ra, muộn màng, mục tiêu giải thoát của thơ;
Điều đó, và duy điều đó mới cứu vãn được các giá trị.
 
Ngày trước người ta thường rắc lên mộ những hạt kê hay hạt anh túc
Để nuôi những người đã mất trở lại dưới lốt chim.
Tôi xin đặt cuốn sách này ở đây cho bạn, người đã từng sống ngày xưa
Để bạn khỏi phải tới thăm viếng chúng tôi nữa.
 
                                                             Varsovie 1945.
 
 
SỤP ĐỔ
 
Cái chết của một người cũng tựa như sự sụp đổ của một Quốc gia hùng mạnh
có những đạo binh, các lãnh tụ và những nhà tiên tri tuyệt hảo
những hải cảng giầu có, những con tàu hiện diện trên khắp các đại dương
và từ nay sẽ không còn tới giúp đỡ một ai
không còn ký kết hòa bình với một ai hết
 
các thành phố của y trống rỗng, dân cư tản mác
nơi cánh đồng ngày xưa phong nhiêu cỏ dại mọc
thiên chức y bị quên lãng và ngôn ngữ của y
một thổ ngữ đã mai một của một khu làng nhỏ xíu
nơi những vùng núi non không thể lọt vào được.
 
 
THẾ NHƯNG NHỮNG CUỐN SÁCH
 
Thế nhưng những cuốn sách vẫn sẽ có đó trên hàng kệ, những sinh vật riêng rẽ,
Từng xuất hiện, vẫn còn loáng ướt
Như những hạt dẻ sáng bóng dưới một gốc cây vào mùa Thu,
Và, được chạm tới, được chăm chút, bắt đầu sống
Bất chấp những đám lửa ở chân trời, những lâu đài bị nổ tung,
Những bộ lạc đang tiến tới, những hành tinh đang chuyển động.
«Chúng ta hiện hữu,» chúng nói, cho dù những trang sách
Đang bị giựt đứt, hay một ngọn lửa vèo vèo
Đã liếm mất các chữ. Còn bền vững hơn cả
Chúng ta, mà hơi ấm mong manh
Nguội dần với ký ức, tản mát, chết đi.
Tôi tưởng tượng trái đất khi tôi không còn nữa:
Không có gì xẩy ra, không mất mát, đó vẫn là một cảnh tượng dị kỳ,
Những chiếc áo phụ nữ, những chùm lilas đẫm sương, một khúc ca dưới lòng thung.
Thế nhưng những cuốn sách vẫn sẽ có đó trên hàng kệ, vẫn con nhà dòng dõi,
xuất phát từ mọi người, nhưng cũng từ sự tỏa sáng, những chiều cao.
 
                                                             Berkeley, 1986.
 
--------------------------
Ghi chú của dịch giả:
CZESŁAW MIŁOSZ sinh tại Seteinai, quận Kiédaipiai, Lituanie ngày 30 tháng Sáu năm 1911, cháu của nhà thơ viết tiếng Pháp gốc Ba-lan Oscar de Lubicz-Miłosz, bạn của tiểu thuyết gia kiêm kịch tác gia Witold Gombrovicz, và chính ông là một trong những người lãnh đạo nhóm “Tiền phong thứ nhì” trong thơ Ba-lan. Lớn lên ở Vilno, học các trường Thiên chúa giáo ở đó, liên hệ với các nhóm văn nghệ chịu ảnh hưởng mác-xít khi học đại học, Miłosz bắt đầu làm thơ «một cách nghiêm chỉnh» khi sống ở Paris, gần gụi Oscar de Lubicz-Miłosz. Tham gia kháng chiến từ năm 1937, ông hoạt động cho các nhà xuất bản bí mật của kháng chiến ở Varsovie thời quốc xã chiếm đóng. Ông đã bí mật ấn hành tại Varsovie một hợp tuyển thơ chống quốc xã, và viết «Những tiếng nói của những kẻ khốn khổ» đề tặng các nạn nhân của áp bức. Ngay sau thế chiến, ông được cử làm tùy viên văn hóa của Ba-lan tại Hoa-kỳ rồi Pháp. Năm 1951, ông đoạn tuyệt với chế độ và trình bày nguyên ủy trong một tác phẩm thời danh: La Pensée captive (Suy tưởng bị cầm giữ). Sau mười năm tỵ nạn chính trị tại Pháp, ông qua Hoa-kỳ làm giáo sư ngôn ngữ và văn chương tại đại học Berkeley, California, tiếp tục viết sách, làm thơ và dịch thơ. Ông đã khởi sự in thơ vào đầu những năm 1930. Thơ về thời gian hóa đá (1933), Ba mùa đông (1937) lần lượt ra đời trước một tập thơ kháng chiến: Cứu vớt (1945). Như trên đã nói, trong thời chiến, ông đã biên tập một hợp tuyển thơ chống quốc xã, lấy tựa đề: Tiếng hát bất khuất. Năm 1973, một tuyển tập thơ Czesław Miłosz được xuất bản bằng Anh văn. Năm 1976, đại học Michigan đã in một ấn bản gồm hầu hết thơ ông (bằng tiếng Ba-lan) từ đầu đến thời kỳ đó. Và chính đại học này đã tặng Milosz cấp bằng tiến sĩ danh dự. Milosz còn là tác giả rất nhiều tùy bút văn nghệ, tự sự và một cuốn Lịch sử văn chương Ba-lan rất đồ sộ (khoảng 800 trang bằng Anh văn). Ông đã giới thiệu thơ Ba-lan với thế giới qua các bản dịch rất điêu luyện bằng Anh văn và chính ông vẫn tiếp tục làm thơ cho tới những năm gần đây... Được nhìn nhận như «một trong những chứng nhân sáng suốt nhất của thời đại chúng ta», Czesław Miłosz đã lần lượt được tặng những giải thưởng văn chương quan trọng nhất trên thế giới, như «Giải văn chương quốc tế Neustadt» (1978), giải Nobel Văn chương (1980). Nhưng trong hoàn cảnh “chính trị địa lý” của những nước như Ba-lan (Ba-lan là đâu nhỉ?), hơn cả vì... Nobel, Czesław Miłosz đặc biệt quan trọng, vì ông, ngay từ tiền bán thế kỷ trước, đã đặt cho các nhà thơ Ba-lan, cho mọi người câu hỏi này:
 
                               Thơ nghĩa là gì khi không cứu được
                               Dân tộc hay Quốc gia?
 
Các bài trên dịch theo bản Anh văn của chính Czesław Miłosz và các bản Pháp văn của Monique Tschui và Jil Silberstein, đã được tác giả duyệt lại, trong Czesław Miłosz, Enfant d’Europe (L’Age d’Homme, Lausanne, 1980).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021