thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bắt đầu lại bằng sợi khói
(Diễm Châu dịch)
 
                           Tôi không bị cám dỗ vì một nhà mồ đồ sộ,
                           Những chiếc kèn vang dội, tiếng hoan hô ầm ĩ,
                           Tôi sẽ để lại một căn buồng trống
                           Và một tiếng tăm lặng lẽ, ít lời.
                                                      LEOPOLD STAFF
 

GỬI ***

 
Con bảo ta đừng ca ngợi
Chim họa mi, những bông hồng và trăng,
Những chuyện xem ra vặt vãnh,
Thật vô nghĩa và bất xứng với thi ca...
Ta tự hỏi: Nếu trước đây đã lâu không có hai người
Tay trong tay bước đi vào một đêm trăng thơm ngát
Giữa mùi hoa hồng,
Với tiếng réo rắt dịu dàng của chim họa mi,
Liệu con có đó hay không?
 
 

MÙA XUÂN

 
Lúc này tôi đang ngồi trong vườn.
Hết mọi sự đều già muôn thủa.
Mặt trời, cây cối, hoa.
Chỉ có tôi là trẻ,
Như đứa cháu tôi,
Như nhiều đứa cháu –
Vì lúc này chúng đã thành một đám đông.
Chúng cười nhạo tôi.
Và tôi hòa theo chúng.
 
 

TUỔI

 
Tại sao – anh hỏi –
Hôm qua ông cười vang
Và lúc này trán ông lại như một đám mây?
Chẳng phải hôm qua trời mưa
Và lúc này trời đẹp đấy sao?
 
Phải, đôi khi tôi lên bốn,
Và đôi khi tôi được bốn ngàn tuổi.
 
 

TOLSTOY

 
Tolstoy bỏ chạy vì muộn phiền,
Ông có tất cả nên chẳng có gì hết.
Vui vẻ tôi theo con đường cháy nắng
Sở hữu chiếc bóng mình.
 
 

KHOẢNH KHẮC

 
Thì đã sao nếu nó vụt qua?
Ấy số mệnh của từng khoảnh khắc –
Vừa mới của ta, nay đã mất,
Như mây vờn bay biến.
 
Mọi sự thăng trầm đều đặn
Và không một khoảnh khắc nào biết tới phút chót,
Nhưng các vì sao và các thiếu nữ
Vẫn luân phiên tắm mát trên hồ.
 
 

CHIỀU

 
Tôi nằm trên con thuyền
Trong buổi chiều êm ả.
Sao ở trên đầu tôi
Sao ở bên dưới tôi
Và sao ở bên trong tôi nữa.
 
 

TRỜI BAN ĐÊM

 
Một đêm đen, một đêm ánh bạc.
Một thế giới vô biên
Trong không gian và thời gian.
Ở chính giữa là một giải Ngân hà.
Ai đang qua trên đó?
Thật quá sức con người hiểu được.
 
 

TRĂNG TRÒN

 
Những mái nhà tràn ngập ánh trăng bạc,
Những mái nhà tràn ngập ánh trăng bạc,
Những mái nhà tràn ngập ánh trăng bạc,
Chỉ có thế.
 
Thế nhưng đã thật nhiều:
Những ngôi nhà nằm rải rác rất tình cờ
Như một cỗ bài
Với ánh thủy ngân
Do một thiên thần hay một con yêu tinh vui nhộn vung vãi.
 
Những đường phố không chạy, chúng nằm yên
Không nhúc nhích, không chiếc bóng.
Xa xa trên một ngọn tháp cao
Một mũi kim ánh sáng.
 
Một vùng sáng chiếu rọi.
Làm sao ta biết là đêm chứ không phải ngày?
Là vì những tiếng giờ điểm to hơn
Những ngôi nhà tràn đầy giấc ngủ
Và những ống khói không tỏa khói.
 
 

MỘT BÀI LONG TRỌNG NGỢI CA CÁC VÌ SAO

 
Đừng hổ thẹn với vinh quang, hỡi các vì sao,
Hãy để mặc những tiếng nói mỉa mai cười nhạo:
Vũ trụ cũng huy hoàng lộng lẫy
Như một ống khói nhà máy.
 
 

THỨC GIẤC

 
Hừng đông,
Nhưng không có ánh sáng.
Tôi nửa tỉnh nửa mê,
Khắp chung quanh bừa bộn.
Phải cột lại cái này,
Nối lại cái kia
Và đi tới một quyết định.
Tôi không biết gì hết
Tôi không tìm ra đôi giầy của mình
Tôi không tìm ra bản thân tôi
Tôi nhức đầu
 
 

LÀM MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ

 
Quang cảnh bị hạn hẹp về mọi phía.
Tôi thấy khó mà mở rộng các chân trời của mình
Bởi thế tôi thu gọn chúng.
Tôi thu gọn chúng.
 
 

BẤT CÔNG

 
Con chó nhỏ khôn ngoan của tôi
Đã kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của nó
Mà không hề nhận ra
Thế giới là một câu đố.
 
 

NGÔN TỪ

 
Anh không cần phải hiểu tiếng hót họa mi
Để ngưỡng mộ nó.
Anh không cần phải hiểu tiếng ếch nhái ệnh oạng
Để thấy nó đầu độc.
Tôi hiểu tiếng nói của con người
Với sự tráo trở và những điều láo khoét.
Nếu như tôi không hiểu nó
Hẳn tôi đã là nhà thơ vĩ đại nhất.
 
 

NỀN MÓNG

 
Tôi đã xây nhà trên cát
Tất cả đều sụp đổ.
Tôi đã xây nhà trên đá
Tất cả đều sụp đổ.
Bây giờ khi xây tôi sẽ bắt đầu lại
Bằng sợi khói trên ống khói
 
 

CẦU

 
Đứng trên bờ một dòng sông
Dòng sông rộng nước chảy xiết
Tôi đã không sao tin được
Mình sẽ vượt qua cây cầu ấy
Cây cầu kết bằng những thân sậy mỏng manh
Cột lại bằng sợi gai.
Tôi đã bước đi rón rén như con bướm
Và nặng nề như con voi,
Tôi đã bước đi chắc chắn như một vũ công
Và chuệnh choạng như một người mù.
Tôi đã không sao tin được mình sẽ vượt qua cây cầu ấy.
Và giờ đây, đứng trên bờ bên kia,
Tôi vẫn không tin mình đã vượt qua cây cầu.
 
 

BA THỊ TRẤN

 
Ba thị trấn nhỏ
Nhỏ đến độ cả ba
Có thể nằm trong một…
 
Chúng không có trên bản đồ
Chúng đã bị triệt hạ trong chiến tranh,
Vì ở đó có những người
Những người lao động cần cù, lặng lẽ,
Hiếu hòa.
 
Ôi những người anh em rửng rưng nguội lạnh!
Tại sao không một ai trong các anh tìm kiếm những thị trấn ấy?
Ôi tồi tệ biết bao
Con người chẳng hề đặt câu hỏi.
 
 

NHỮNG VẤN ĐỀ

 
Những vấn đề ư, ta không giải quyết.
Ta sống trải thế thôi
Như những ngày đã qua là qua luôn.
Như quần áo cũ
Ta lớn lên
Trườn xuống khỏi đôi vai
Và cánh cửa cuối cùng, ta bước qua,
Tự do và trần truồng
Như hừng đông.
 
 

GÁNH NẶNG

 
Tôi có cái giỏ đan,
Định bụng chất đầy trái
Để dành mùa đông,
Hay có lẽ đựng bánh mì.
 
Trong đêm tối có ai đó đã chất đầy đá,
Nặng và cứng,
Chẳng nhằm mục đích gì khác hơn
Là chất gánh nặng lên vai tôi.
 
Thế nhưng tôi sẽ đeo chiếc giỏ này,
Tôi sẽ mang những tảng đá này,
Tôi sẽ mang chúng đến cùng –
Ngay qua đó.
 
 

THANH-LƯƠNG-TRÀ

 
Thế là vào Thu trời lạnh?
Ta sẽ đổi thay tất cả.
Với hai tay thọc vào túi
Bên ngoài trời đã ấm hơn.
 
Xuân chào ta từ xa,
Gió đem tin lành tới,
Và ngọn lửa bừng bừng của cây thanh-luơng-trà*
Xua tan mọi muộn phiền ăn sâu.
 
--------------------------
* Rowan. (người dịch)
 
 

THẦN RỪNG *

 
Một ông thần rừng bằng cẩm thạch duyên dáng
Trong bộ điệu nhảy nhót
Thổi ống tiêu,
Đầu nằm trên thảm cỏ.
 
Với rêu xanh bao phủ
Trơ mắt nhìn khoảng không,
Chứng tỏ một ca khúc
Không cần tới cái đầu.
 
Mặc dù giữa nắng trưa
Các nhà thơ mong mỏi những bóng cây râm mát,
Nhưng dường như bị nhục mạ và bực bội
Họ lảng tránh nơi ẩn trú này.
 
-----------------------------------------
* Faun: Thần La-mã ở rừng và đồng ruộng, có sừng và chân, đôi khi cả đuôi, của một con dê. Thường được tạc với áo khoác và thổi ống tiêu. (người dịch)
 
 

TRONG MỘT CÔNG VIÊN

 
Trong một khu vườn với những bụi cây đang mục nát
Sừng sững những nàng tiên và các vị thần bằng cẩm thạch
Giữa những lùm cây tỉa tót thành hình khối nón.
Ôi cay đắng biết bao
Mùi của mùa Thu và dĩ vãng.
 
Nếu như các pho tượng kia biết chuyển động
Toàn thế giới này sẽ đẹp đẽ biết bao.
Nếu như các pho tượng có thể mỉm cười
Biết là những ý nghĩ vui tươi nào
Sẽ xoay tít nét rửng rưng trắng toát của chúng.
 
Nhưng những đường mạch của chúng không có máu
Để vung vẩy trong căm hờn
Như con người
Khi mơ tới những phép lạ,
Vẫn đạp lên những mô đất
Trong nước mắt và mồ hôi,
Mỏi mệt,
Những bàn tay đen đủi,
Như chiếc bóng
Những kẻ khổng lồ.
 
Không. Như thế này đẹp hơn.
 
Vào lúc trời sẩm tối
Tôi thường đứng bên một mặt hồ
Xanh như trời cao
Với cùng một vì sao ở chính giữa.
 
 

TRONG MỘT KHU VƯỜN CŨ

 
Một khu vườn, những thảm cỏ và cây cối,
Ở đây, sau những cánh cổng Địa đàng
Tuổi thanh xuân tôi đã sống
Niềm vui tôi đã ngụ.
 
Tôi lắng tai trong lúc những cội cây đơn độc
Rì rào và nép sát vào nhau.
Không còn lại gì của những năm đã nhạt nhòa tan biến
Nhưng còn lại tôi.
 
Một cuộc đời đã lung lay
Và hòa nhập cùng bóng tối.
Biết bao chuyện đã đổi thay,
Nhưng thế giới vẫn vậy.
 
Linh hồn nhìn quanh quất
Rầu buồn, xúc động,
Như vành trăng lúc rạng ngày
Mà đêm tối đã quên.
 
 

BÈO

(cho Jan Parandowski)
 
Trong một công viên xưa cây cối mọc um tùm
Tôi đứng bên một cái ao
Dầy đặc lớp cỏ dại.
Nghĩ
Rằng mặt nước nơi đây hẳn đã từng trong trẻo
Và cần phải trong lại
Tôi lượm một cành cây khô
Vớt lớp rêu xanh
Đưa lại bên bờ nước.
 
Có một người khôn ngoan điềm đạm
Vầng trán hằn nét suy tư
Bắt gặp tôi đang làm chuyện đó
Mỉm cười dịu dàng mà nói
Giọng trách móc của người trên:
« Chú lại không ganh với thời gian sao?
Mỗi khoảnh khắc là một giọt vĩnh cửu,
Cuộc đời một cái chớp mắt.
Có biết bao nhiêu là điều đáng làm. »
 
Tôi hổ thẹn bỏ đi
Và suốt ngày hôm ấy
Đã suy ngẫm về sống chết,
Về Socrates
Và linh hồn bất tử,
Về những kim tự tháp và ngũ cốc Ai-cập,
Tôi xét tới Hội trường La-mã và mặt trăng,
Giống khủng long và Tháp Eiffel...
Nhưng hết thảy đều không đi tới đâu.
 
Hôm sau khi tôi trở lại
Cùng một địa điểm
Bên cái ao xanh dầy đặc
Tôi đã thấy
Con người khôn ngoan nọ, cái trán thật phẳng,
Đang lặng lẽ
Vớt mặt cỏ dại
Với cành cây mà tôi đã liệng đi,
Đưa lớp bèo xanh lại bên bờ nước.
 
Trên cành chim hót
Cây cối rì rào nhè nhẹ.
 
 

ARS *

 
Hãy nhìn thẳng tới trước mặt
Nhưng đừng nói tiên tri,
Để chuyện đó cho mấy anh thày lá.
Họa hình những gì hiện có đã đủ khó.
Tôi làm thơ thật chậm chạp,
Vất vả như trâu bò.
Kiên nhẫn
Như hạt mưa run rẩy.
Thời gian bao giờ cũng thong thả.
Thế giới vẫn xưa như thế giới.
Tìm kiếm cái mới lạ
Chả tạo ra được gì mới cả.
 
-----------------------------
* Nghệ thuật. (người dịch)
 
 

NHÀ CHIÊM TINH

 
Nhà chiêm tinh khóa chiếc tháp lại:
Cắt gọn những đuôi sao chổi,
Liệng ra ngoài cửa sổ chiếc đồng hồ cát và cỗ sọ
Và đi dự hội giả trang.
 
Ở đó ông gặp một hắc-kỵ sĩ
Kẻ nói với ông: 'Này người anh em,
Cuộc đời đã lột mất của ta con ngựa.
Ta đã bán nó cho bọn gi-tan trong một quán rượu.
Với bộ dây cương vàng của nó mình trả được nợ nần.'
 
Rồi nhà chiêm tinh khiêu vũ với bà vợ ông Công tước*
Và đánh súc sắc với một vị hồng y mập,
Đâm bốn anh em nhà Borgia
Và uống một dòng sông ở Malmsey.
 
Vào lúc hừng đông ông ở bên một ngọn đèn cầy ngụt khói.
Để rũ sạch cái đầu kín đặc
Ông vắt lên tay một chiếc áo khoác
Và thì thào: 'Mình đi dạo chút chơi
Qua thời Trung cổ’.
 
Không ai có nhiều thì giờ dành cho ông ở đó,
Tất cả đều bận bịu kinh khủng.
Berthold lúc ấy mới sáng chế ra thuốc súng
Kha-luân-bố đang vẽ vạch Mỹ châu trên tấm bản đồ...
 
Nhà chiêm tinh quay về.
Đi qua khu vườn có một cái ao
Ông nghĩ tới liếc trộm nàng Susanna đang tắm
 
Nhưng lại chỉ thấy có một anh đầu bếp mặc đồ trắng
Và một cô tớ gái đang vặt lông ngỗng bên chuồng gà
Để làm bữa tối.
 
Mơ màng trên đường đi dự lễ mi-sa buổi sớm mai
Ông ghé vào một tiệm bán đồ cổ
Và ở lại đó cho tới lúc nhá nhem.
 
Hãy đi kiếm tấm bảng trộn màu của Thánh Luca**
Hãy vuốt ve những ấn bản quý Aldines và Elzevirs,
Hãy quấn lại bằng nhung đen một cây vĩ cầm.
 
Ngắm những hồ nước nông gần biển, Venise cùng với những con thuyền
Trôi đi dần vào cõi xa xăm.
 
-----------------------------------------------------------------
* The Doge's wife: bà vợ ông Công tước (thành Venise).
** St Luke: tác giả một trong bốn Phúc âm, 'quan thày' của các họa sĩ và y sĩ. (người dịch)
 
 

MỘT BÀI HÁT

 
Họ truyền cho tôi leo lên tháp
Thổi một cây kèn đồng
Để ca ngợi những hiệp sĩ khủng khiếp
Và một cuộc thao diễn thiết giáp ghê rợn.
 
Nhưng tầng tháp vỡ tan tành,
Đờm rãi lấp nghẹn cây kèn,
Có tiếng đục đẽo, tiếng ì ầm
Và cạo bỏ khắp chung quanh.
 
Thực ra, tôi thật sự không thể
Khiến cây kèn kêu vang –
Nếu bị ép, họa chăng tôi chỉ
Vận dụng được cây cung và dây cung.
 
Bởi thế nơi vườn nhà, tựa như chim chóc,
Tôi ngân nga một bài hát bên hàng giậu
Nơi người ta đang dẫy cỏ
Và sẽ trồng đậu.
 
 

NHỮNG VẬT TÌM THẤY

 
Chúng ta đào sâu dưới mặt đất,
Chúng ta thâu lượm những mảnh vụn quý
Của những chum lọ bể
Do những kẻ mà ta đã quên tạo nên
Từ ba ngàn năm trước.
Chúng nằm sâu trong lòng đất
Bên dưới chỗ đổ nát của những đô thị cổ
Mà những người láng giềng tàn phá
Những người ấy xây dựng những đô thị mới
Hình thành những đồ đựng mới
Để những người láng giềng mới
Lại có thể biến chúng thành những mảnh vụn quý.
Bom A, bom H,
Lưu tâm tới việc tưởng niệm chúng ta
Để các thời đại tương lai
Có thể có những mảnh vụn quý.
 
 

VƯƠNG QUỐC

 
Trả lại vương quốc ta, đổi lấy ngựa!
Chúng ta chỉ biết kêu lên
Khi vương quốc không còn nữa.
 
 

NHỮNG VÒNG TRÒN

 
Y đã thấy khi y nhắm mắt lại:
 
Họ ngồi vòng quanh chân trời
Dầy đặc như chim én trên một đường dây vào mùa Thu
Và gần hơn, trong những vòng tròn
Đồng tâm nhỏ lần
Như trong một đại hí trường –
 
Nghiêng mình tới phía trước
Trong ngạc nhiên kính cẩn, như mê hoặc,
Qua những mắt kính màu bích ngọc chăm chú rõi theo
Kẻ ở trung tâm.
Với ánh mắt căng thẳng như dây đồng
Và cực kỳ mãnh liệt trong sùng kính
Họ nhấc kẻ kia lên
Cao, thật cao,
Cho đến khi y lơ lửng trong không dưới vòm trời
Tựa như Simon nhà ẩn tu*
Chỉ thiếu có cây cột.
 
Nhưng thực ra không phải vậy:
 
Họ đã ngồi vòng quanh chân trời
Thưa thớt, như những giọt nước trên sợi dây vào một ngày ẩm ướt
Và gần hơn, trong những vòng tròn
Đồng tâm nhỏ lần
Như trong một đại hí trường –
Lưng quay về trung tâm,
Mặt nhìn qua bên kia chân trời.
Qua những mắt kính màu bích ngọc
Xem xét những đồng tiền vàng chạm trổ,
Nghiên cứu những bản tin Thị trường giá khoán
Và những lá thư tình.
Và những đường dây mạng nhện
Èo uột mong manh
Chưa bao giờ được nhìn tới
Chùng lại và buông xuôi
Bởi thế kẻ kia kẻ ở trên cao
Đã nhào xuống lòng đất
Như thể đang chìm vào một hồ nước,
Khiến vỡ tan thành những vòng tròn,
Và lao mau xuống đáy, xuyên qua đáy,
Vào miệng núi lửa Dis
Nơi y dừng lại ở tận cùng,
Đầu thò qua khe hở
Sang phía bên kia của thế giới,
Vào một đêm đen tối của hư không.
 
Trong lúc ở bên trên vòng quanh chân trời
Quỷ ma và thiên sứ
Tay nắm tay nhau
Và chân đá lên cao
Đang cùng nhau nhảy múa trong một vòng tròn điên dại
Gập đôi người lại trong tiếng cười.
 
--------------------------------------------
* Simon Stylites: Simon nhà ẩn tu sống trên cây cột. (người dịch)
 
 

CÁI NỒI

 
Ở nơi bếp lò
Dưới sự bảo trợ cao cả của chiếc mái nhô ra,
Như trái tim của thế giới
Vây chung quanh có những hành tinh
Là những xoong những dĩa lấp lánh trên vách tường,
Một cái nồi với lớp men nâu ám khói sục sôi,
Không chịu cợi nắp vung đang phập phồng đập mạnh.
Cái gì đang ninh trong đó?
Không một ai biết.
Chỉ có những đám hơi thơm lừng béo ngậy thoát ra
Và chỉ có những lưỡi lửa vàng óng
Đang thèm thuồng liếm láp điều bí ẩn đậm đà.
 
 

ỐNG TIÊU

 
Một người lành thánh và mộ đạo,
Linh hồn hoàn toàn căng thẳng
Trong tỉnh thức và kinh nguyện,
Nồng nhiệt chiêm ngưỡng Thượng đế
Ao ước được là một với Ngài
Và nói ra điều mình mong ngóng.
Ông cật lực trong nhiều ngày
Nhưng sau cùng đành bỏ cuộc.
Ông kết luận chuyện kia được diễn tả
Hay hơn trên một ống tiêu.
 
 

TRONG MỘT NGÔI NHÀ XƯA

 
Trong một ngôi nhà xưa ngay bên dưới ngưỡng cửa
Những bậc thang tăm tối dẫn xuống
Một căn buồng tồi tàn dưới hầm nhà
Bốc mùi mốc meo ẩm ướt và rượu chua.
Giữa những bức vách màu đỏ gạch như thịt sống
Với những vết ẩm mốc rêu xanh
Một ngọn nến đặt trong một hốc tròn khoét lõm
Hắt một làn ánh sáng rung rinh lên ba tên anh chị,
Những kẻ chém thuê giết mướn hoặc trộm cắp.
Hai tên ngồi ở bàn với ánh sáng chiếu rọi
Trên những băng ghế mộc đối diện nhau;
Bên dưới bộ giáp sắt lấp lánh
Chúng mặc những chiếc áo chẽn bằng da,
Những cây kiếm nhọn và dao săn đặt kề bên,
Đầu chúng chụp những chiếc nón ngang tàng
Cài một mảnh lông gà trống.
Cả hai đều đầu tóc bờm xờm,
Một đứa tóc đen, đứa kia hung
Mắt đỏ ngầu,
Chúng nắm chặt những con bài nhày nhụa
Và thỉnh thoảng lại với cái cốc lớn bằng sắt
Rót đầy lại từ một cái hũ bằng đồng.
Những đứa chơi bài nhìn con bài không chớp, liếc trộm nhau.
Ngồi sau lưng tên tóc hung và ẩn trong bóng hắn
Tên thứ ba trong bọn quấn một tấm áo choàng
Và đưa tay lén lút ra hiệu cho tên tóc đen.
Im lặng, một giây lát căng thẳng.
Một thoáng xầm xì cãi cọ, một cuộc xô sát, sắt và máu...
... Trong lúc đó ở mãi cao, ở bên trên ngưỡng cửa
Nơi một căn buồng ủ dột vắng vẻ, trong ánh ngày lạnh lẽo,
Baruch Spinoza * lặng lẽ,
Lạnh lùng như Thượng đế của ông
Ngồi trầm tư bên cửa sổ
Mài những thấu kính.
 
---------------------------------------------------------
* Baruch Spinoza (1632-1677): triết gia Hòa lan gốc Do-thái. Theo ông, trong thế giới hoàn toàn quy định này, con người lầm lạc nếu nghĩ rằng mình tự do; sự khôn ngoan là tìm biết các hành động của chúng ta được quy định ra sao. (người dịch)
 
 

'NGƯỜI LẠ MẶT KHÓ HIỂU NÀY LÀ AI'

 
Người lạ mặt khó hiểu này là ai
Kẻ quyến rũ tôi với những lời nói có sức mạnh nhiệm mầu,
Vung vãi tôi như một đống rơm,
Rồi cột tôi lại thành một bó lúa?
 
Ngọn lửa của người thiêu đốt xác thịt tôi
Và làm tiêu tan những khúc cây của linh hồn tôi,
Giữ tôi tỉnh thức thâu đêm
Thế nhưng tôi vẫn trỗi dậy khỏe khoắn.
 
Người khiến tôi vui sướng với một buổi nhá nhem êm dịu
Khi những niềm vui thú trong ngày của tôi đã tàn.
Người tách các lối đi của tôi khi những con đường phân rẽ
Và như một cây cầu người nối kết đôi bờ của tôi.
 
 

CHÂN DUNG

 
Anh vẫn là một anh
Dẫu khuôn mặt anh luôn luôn khác biệt
Và tên anh luôn luôn mới.
Trình tự năm tháng của anh
Nghịch với thời gian.
Không một bậc thày nào diễn đạt được hoàn toàn hình dạng anh
Chỉ trong một khối đá,
Bởi thế họ truyền lại dáng dấp anh
Từ tay này tới tay khác
Như những kẻ mang bó đuốc.
 
Một bậc thày xưa
Biểu hiện anh như một lực sĩ mình trần mạnh mẽ
Người từ thế đứng xô tới
Sẽ phải phóng một chiếc đĩa vào tương lai;
Nhưng ánh mắt anh gắn chặt vào cái đích xa xăm đến thế
Khiến qua hai ngàn năm
Chiếc đĩa vẫn không rời khỏi tay anh
Bàn tay đã cứng lại trong một định ý
Vô hiệu, chưa hoàn thành.
 
Thế rồi Donatello * đã tạc hình anh
Như một hiệp sĩ thuộc dòng thánh Mi-sen,
Nơi không phải lõa thể mà mang giáp sắt,
Anh tựa mình trên một tấm khiên
Ghi dấu chữ thập.
Nhưng ngọn giáo, ánh sáng của lưỡi sắt hắt ngược lên,
Bén rễ vào lòng bàn tay anh
Trong lúc Tà thần với cái hàm của một con rồng
Quằn quại dưới chân anh.
 
Cuối cùng Michelangelo ** đã thắng thế
Khi đập ngã bằng một cây búa
Một khối thịt da đã chết bằng cẩm thạch
Mà người mẹ sầu bi
Đỡ lấy bằng hai tay
Khi đứa con trai bà không còn chịu đựng nổi
Sự thánh thiêng siêu phàm của chính mình.
 
-------------------------------------------------------
* Donatello (Donato DI BETTO BARDI, 1386-1466), điêu khắc gia, người miền Toscane, sinh tại Florence.
** Michelangelo (Michelangelo BUONARROTI, 1475-1564), họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư, thi sĩ Ý, người Toscane, sinh tại Caprese. (người dịch)
 
 

NHÁ NHEM TỐI

 
Ở nơi những con đường gặp nhau trên một cánh đồng
Dọc theo bức tường đổ nát
Có một cây thập tự đơn sơ tầm thường
Như cây ở Golgotha.*
 
Hai cánh tay vươn dài trong không,
Nó thốt ra nỗi tuyệt vọng câm nín,
Quạ đen thường nhào xuống và đu đưa,
Cất tiếng kêu khàn khàn và giũ cánh.
 
Bên trên, một lượn mây xoắn thấp
Trôi đi như một tấm khăn liệm tái mét tả tơi.
Đó là nơi ngày ngày vào lúc nhá nhem tối
Tôi thường thường tới họp cùng bà Maria và thánh Giăng.
 
------------------------------------------------------------
* Đây là cây thập tự đá trồng rất nhiều ở đồng quê Âu châu. Golgotha là tên một ngọn đồi nơi thọ nạn của Đức chúa Kirixitô. (người dịch)
 
 

MẸ

 
Bên khung cửa sổ lúc sẩm tối
Bàn chân một người mẹ đu đưa một chiếc nôi
Với một đứa bé đang nằm ngủ.
 
Nhưng chiếc nôi không còn nữa,
Nhưng đứa bé không còn nữa.
Đứa bé ở cùng bóng tối
Người mẹ ngồi một mình trong cảnh nhá nhem
Đu đưa một kỷ niệm.
 
 

MỘT BỨC TRANH PHONG CẢNH XẤU XÍ

 
Một cánh đồng màu nâu vì mới cày
Trơ trơ chạy tới một khoảng xa xăm
Thẳng và bẹt như một mặt bàn.
Bên trên là một giải trống trơn
Màu xanh xám chết chóc của không khí,
Băng qua nó là một nét bút nằm ngang
Với một vài vạch đậm đặc thẫm hơn,
Như thể người họa sĩ già Thượng đế,
Nhìn thấy cảnh nghèo nàn cùng cực và sự thảm hại của các màu sắc
Ngao ngán,
Đã chùi cây cọ lên tấm vải thô nền trời
Và liệng đi tấm tranh còn dang dở.
 
 

GỬI MỘT KẺ TIÊN PHONG

 
Anh tự hiến,
Ngôn từ cho một điệu hát ngày mai –
Nhưng hôm nay, chẳng ai còn để tai nghe nữa.
Anh còn nằm lại đó,
Sóng sượt, dở sống dở chết.
Vô tư lự,
Những kẻ lại qua đạp lên anh –
Họ không nhầm lẫn:
Những bậc thang,
Con đường
Được tạo ra để mọi người đặt chân lên.
 
 

GỬI MỘT KẺ CHẬM CHÂN

 
Khi anh tới Địa cực
Liều mạng sống mình
Qua đá băng, rừng rú và đêm tối,
Qua núi lửa Erebus và Kinh hoàng,
Sức mạnh mòn mỏi,
Để chỉ khám phá ra rằng có ai kia
Đã tới đó trước tiên,
Hãy quấn lấy bản thân trong một cơn bão tuyết trắng xóa
Như Scott ở vùng cực Nam
Và để tuyết phủ kín lấy mình.
 
 

PHIÊU-LƯU-KÝ

 
Anh đừng bận tâm
Về những lỗi lầm và đau đớn.
Những lối thẳng dẫy đầy
Cũng như vùng sỏi đá.
 
Đáng kể chăng –
Là mạnh dạn tiếp tục,
Là vì anh bao giờ cũng kết thúc
Không phải ở nơi anh đợi trông.
 
Sớm muộn gì cũng một hàng chữ trên đá:
Nơi đây yên nghỉ danh Mỗ danh Mỗ.
Mỗi người là một Phiêu-lưu-ký
Bị cột ràng vào chốn quê nhà.*
 
------------------------------------------------
* Ithaca-bound. Tựa bài:'Odys', nhắc tới cuốn truyện cùng tên của Homère thuật lại những cuộc phiêu lưu của Ulysse trước khi về tới chốn quê hương cũ: Ithaca (Ithaque hay...). (người dịch)
 
 

'NĂM THÌ MƯỜI HOẠ’

(cho Mieczyslaw Jastrun)
 
Năm thì mười họa
Qua nhiều năm,
Qua hằng chục năm hay những thế kỷ
Lởn vởn nơi xó nhà
Như âm thầm nghe ngóng,
Mới có một người khách tình cờ ghé qua
Ngồi xuống bàn đọc sách
Cuốn sách đã rũ bụi và mạng nhện,
Khe khẽ thì thào,
Mỉm cười và khóc.
 
Gập cuốn sách đã đọc xong
Khách đặt lên hàng kệ
Giữa đám mạng nhện bụi bám
Rồi bỏ đi biền biệt,
Con người kẻ lữ hành muôn thủa.
 
Qua khung cửa chấn song
Thời gian và quên lãng
Bước vào thư viện.
 
 
-----------------------------------------------------------------------------------
Một số nhận định của giới văn nghệ Ba-lan về Leopold Staff:
 
Czeslaw Milosz: Đối với Staff, thơ là tìm kiếm sự khôn ngoan, và khôn ngoan nằm trong niềm vui tìm kiếm.(...) Tính cách có thể thay đổi dạng thức như Proteus của ông đã khiến những người đồng thời với ông hết sức ngỡ ngàng vì ông gần như bao giờ cũng hiện đại.(...) vứt bỏ thể điệu và âm vận ông đã tới cao độ của sự giản dị đầy hiểu biết, nó khiến những bài thơ của ông có lúc nghe như những chữ tượng hình biểu ý của Trung-hoa, nhất là trong tập thơ mỏng Wilklina– có lẽ là thành đạt cao nhất của ông. (Lịch sử văn chương Ba-lan, 1969)
 
Mieczyslaw Jastrun: Staff biết cách già, biết cách biến đổi tuổi già thành một thời gian tròn đầy, sung mãn. Ông không khô cứng lại thành những giáo điều của thi pháp (...) (Miedzy slowem a milczeniem, 1960)
 
Kazimierz Wyka: Trong các thế kỷ phát triển của nền thi ca chúng ta, không có một thí dụ nào về một cuộc đời thi sĩ hòa hợp với sự thay đổi đến thế.(...) Ông là hiện thân của hòa điệu. (Rzecz wyobrazni, 1959)
 
Artur Sandauer: Những bài thơ này, không sáng sủa như những bài trước kia, đã được soạn một cách tự do phóng khoáng hơn, là một loại «lắp ráp» kỳ diệu, trong đó không phải là từng chi tiết mà là toàn bộ cái không khí của bài thơ chất chứa một ý nghĩa tượng trưng nào đó: dẫu đó là cái không khí lẻ loi đơn độc của «Nhà chiêm tinh» và «Những vòng tròn» hay– sự nhẹ nhàng không cầu kỳ kiểu cách của «Bèo». Một số bài, đặc biệt là những bài viết trong thời kỳ 1945-1947, gợi nhớ đôi chút tới những bài thơ của Tadeusz Rozewicz, nhà thơ hậu chiến trổi vượt nhất. Như thể con đường phát triển của nền văn chương chúng ta đã đi tới trọn vòng – cả hai nhà văn này, người già nhất và người trẻ nhất, cùng chia sẻ một thời kỳ bằng cùng một cách thế: cách «lắp ráp» thi ca. (...) Staff, hơn một vị lão trượng (Nestor) của thơ Ba-lan, ông là con Phụng hoàng của nền thi ca ấy. (Poeci trzech pokolen, 1973)
 
Ryszard Przybylski: Theo ý kiến Rozewicz, Staff là một trong những nhà văn kiệt xuất nhất của thời chúng ta là vì vào giai đoạn chót ông đã từ bỏ «nghệ thuật» vì chân lý. Nói cách khác, ông đã lìa bỏ trò chạm trổ của Thi-sơn để có thể diễn tả sự hiểu biết đơn giản nhất và quan trọng nhất về con người. (To jest klasycyzm, 1978)
 
Bogdan Czaykowski: Thơ Staff cuốn hút và gây xúc động, chỉ vì ấy là thơ... (Oficyna Poetów, số 21, Luân-đôn, tháng 5-1971)
 
Tadeusz Rozewicz:
 
                              Tôi biết vị thần của thi ca
 
                              Tôi biết Apollo vị thần
                              của thi ca
                              ấy là một ông già
                              với chòm râu lưa thưa
                              và một nụ cười dịu dàng
 
                              ông đã khép
                              cánh cổng vườn cây xanh
                              và bước vào
                              một im lặng sâu hơn
                              và cùng với ông là một con chó nhỏ
                              đôi tai đẹp tuyệt vời
                              không kém gì những khung cửa đại thánh đường
 
                              vị thần của thi ca
                              ngụ tại nowy swiat số 60
                              và không một ai biết
                              tên ông là Leopold Staff
 
                              ông đã mất
                              như một tảng đá rơi xuống nước
                              những vòng im lặng
                              lan rộng khắp chung quanh
                                                       (Przygotowanie do wieczoru autorskiego, Warsawa, 1971)
 
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
LEOPOLD STAFF (1878-1957) là một nhà thơ Ba-lan, sinh tại Lwów ngày 14-11-1878. Ông học luật, triết lý và các ngôn ngữ gốc từ tiếng La-tinh ở đại học. Ông đã cho đăng những bài thơ đầu tiên của mình trên một tạp chí sinh viên. Sau Thế chiến I ông cư ngụ tại Varsovie.
 
Cuộc đời ông tương đối ít biến cố, ngoại trừ: trong Thế chiến II, thành phố quê nhà của ông không còn thuộc về Ba-lan; và ông đã mất tất cả các bản thảo và sách vở khi căn nhà của ông ở Varsovie bị thiêu hủy.
 
Trong khoảng thời gian từ 1901 đến 1954, Leopold Staff đã cho in 16 tập thơ; tập thứ 17, do chính ông sắp đặt, xuất hiện vào năm 1958, sau khi ông mất. Ông cũng viết kịch và phiên dịch khá nhiều tác giả thế giới, trong đó có thể kể: Heraclite, Democrite, Epictete, Leonardo da Vinci, Michelangelo, Ronsard, La Rochefoucauld, Spinoza, Diderot, Goethe, Goldoni, Nietzsche, Hauptmann, d'Annunzio, Strindberg và Mann,...
 
Ông đã được tặng nhiều giải thưởng văn chương, bằng Tiến sĩ danh dự của các đại học ở Varsovie và Cracovie. Và đáng kể hơn nữa là Leopold Staff đã được tuổi trẻ Ba-lan cũng như các nhà thơ, các nhà phê bình văn nghệ Ba-lan rất yêu mến. Đối với các nhà thơ Ba-lan, tên tuổi ông gắn liền với phong trào «Ba-lan Trẻ» trước Thế chiến I từng “cách mạng hóa” nền thi ca Ba-lan. Nhưng ông cũng là người sát cánh với nhiều thế hệ nhà thơ Ba- lan, «truyền nghề» cho họ và đồng thời học hỏi được từ họ và luôn luôn thay đổi kỹ thuật viết. Người ta đặc biệt ghi nhận sự phát triển vượt bậc của thơ Leopold Staff kể từ sau khi cuộc Thế chiến II chấm dứt... Leopold Staff mất tại Skarzysko-Kamienna ngày 31-5-1957.
 
Bắt đầu lại bằng sợi khói dựa trên một tuyển tập thơ Leopold Staff do một nhà thơ đồng hương của ông là Adam Czerniawski lựa chọn và dịch sang Anh văn. Tuyển tập này mang tên The Empty Room (Căn buồng trống) do nhà Bloodaxe Books ở Luân-đôn ấn hành và gồm các bài trích từ các tác phẩm thuộc giai đoạn sau cùng của Leopold Staff: Martwa pogoda (1946); Wilklina (1954) và Dziewiec muz (1958). Trong các tác phẩm thuộc giai đoạn này, Leopold Staff đã từ bỏ nhiều điều trong thơ của nước ông và của chính ông ngày trước để, theo như lời nhà phê bình Ba-lan Ryszard Przybylski đã viết, «diễn tả sự hiểu biết đơn giản nhất và quan trọng nhất về con người».
 
Bản dịch tiếng Việt bao gồm trọn 39 bài do Adam Czerniawski đã tuyển dịch, cộng thêm một số bài khác (cũng thuộc giai đoạn chót của thơ Leopold Staff) dựa theo các bản Anh văn của Czeslaw Milosz trong tuyển tập Thơ hậu chiến Ba-lan và các bản Pháp văn của Allan Kosko in trong Tuyển tập thơ Ba-lan (1400-1980) do Constantin Jelenski biên soạn. Hai cuốn sách vừa kể cũng được sử dụng để bổ túc cho các bài do Adam Czerniawski dịch.
 
Sau hết, người dịch cũng đã tham khảo một số bản dịch thơ Leopold Staff của Hoàng Ngọc Biên trong tuyển tập Thơ mới Ba-lan (Trình Bầy, 1993) và xin hết lòng cảm tạ các bạn Hoàng Ngọc Biên và Nguyễn Đăng Thường đã khích lệ và cung cấp cho tư liệu.
Diễm Châu
Lộ trấn, 26-1-1995
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021