thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƠ TRẦM CA (Poema del Cante Jondo) [II]
Bản dịch Diễm Châu
 
 
 
 
 
Đôi dòng về Federico García Lorca và Poema del Cante Jondo:
 
«... ông đã dứt khoát đứng về phía những kẻ không có gì hết,
những kẻ mà người ta chối bỏ cả đến sự bình lặng của hư không...»
(Bách khoa từ điển Universalis)
 
      FEDERICO GARCÍA LORCA (1898-1936) là một nhà thơ, kịch tác gia và người hoạt động văn hóa-kịch trường. Ông sinh và mất gần Granada, Tây-ban-nha. Cái chết bi thảm của ông (về tay phát-xít) vào hồi đầu cuộc nội chiến ở nước ông, đã gây nhiều tiếng động đôi khi «lấn át» cả việc tìm hiểu các công trình nghệ thuật của ông!
      Thơ trầm ca hay «Thơ của bài ca sâu thẳm» (Poema del Cante Jondo) được xuất bản lần đầu vào năm 1931, sau Libro de poemas (1921) và Romancero gitano (1928) nhưng trước những Poeta en Nueva York, Llanto por Ignacio Sánchez Mejías, Diván del Tamarit,...
      «Cante hondo» (hay «cante jondo» như người gi-tan thường nói), theo định nghĩa của chính F. G. Lorca (1922), là «một ca khúc hoàn toàn Andalucía, đã có trong 'căn nguyên mầm mống' ở vùng này, trước khi người gi-tan tới đây.» F. G. Lorca thêm: «Hãy lưu ý kỹ cái phẩm chất đặc biệt của cante jondo và sự đúng đắn của người dân khi đặt tên cho nó. Nó sâu (hondo), thật sâu, sâu hơn nhiều so với tất cả các giếng sâu và mọi vùng biển bao quanh thế giới, sâu hơn nhiều so với con tim hiện tại tạo ra nó và so với tiếng hát hát nó lên, là vì nó hầu như vô tận.»
      Ông còn phân biệt cante jondo với cante flamenco như sau: «Người ta đặt tên là Cante Jondo cho một nhóm những bài ca Andalucía mà mô thức nguyên thủy và hoàn hảo là bài siguiriya gi-tan nơi xuất phát những bài ca khác hiện còn được nhân dân duy trì, như các bài polos, martinetes, carcelerassoleares. Các giai điệu mà người ta gọi là malagueñas, granadinas, rondeñas, peteneras, vv. chỉ nên coi như 'những hậu quả, nối tiếp' của những bài trước, và cả về kiến trúc lẫn về tiết điệu, chúng khác những bài khác. Ấy là những bài mà người ta gọi là flamencas
      Bản dịch Thơ trầm ca dựa trên nguyên tác, theo bản Christian de Paepe. Phần ghi chú về tiểu sử... cũng như mọi chú thích dưới các bài thơ đều dựa theo Claude Esteban trong Federico García Lorca, Romancero gitan, Poème du Chant Profond, Aubier, 1995 và một số sách phương Tây. Trong các bài thơ ở đây, cũng như trong các bài thơ của Bồ-đào-nha (xin xem Eugénio de Andrade), tôi đã “thong thả” sử dụng từ “miền nam”, xin các bạn người Việt miền bắc hiểu cho: ở Tây-ban-nha cũng như ở Bồ-đào-nha, người ta không có cái thói áp đặt miền nam phải trở thành... phía nam.
Diễm Châu (9-9-1999)
 
 
 
Federico García Lorca
(1898-1936)
 
 
THƠ TRẦM CA [II]
(Poema del Cante Jondo)
 
 

NHỮNG MINH HOẠ ĐIỆU FLAMENCO (10)

                    tặng Manuel Torres, "Niño de Jerez,"
                    người có vóc dáng như một hoàng đế Ai-cập cổ đại
 

Chân dung Silverio Franconetti

 
Nửa là người Ý
nửa là người gi-tan,
ông Silverio ấy
đã hát ra sao?
Mật đậm của nước Ý
với trái chanh của chúng ta,
đã hòa lẫn trong tiếng khóc than trầm lắng
của bài siguiriya.
Tiếng kêu của ông thật khủng khiếp.
Những người già cả
bảo rằng tóc
dựng đứng,
và thủy ngân rạn ra
trong những tấm gương.
Ông đã lướt qua mọi âm sắc
mà không hề ngắt quãng.
Ông là một nhà sáng chế
và cũng là một kẻ làm vườn.
Một người sáng chế ra những lùm cây
cho im lặng.
 
Giai điệu của ông lúc này
ngủ yên với những vọng âm.
Dứt khoát và tinh khiết.
Với những vọng âm chót!
 
-------------------------------
(10) Flamenco: từ flamenco, mà García Lorca đã tách rời khỏi “tiếng hát đích thực của Andalucía”, được dùng lại ở đây khi nói về một vài cantaores (ca sĩ) được ghi danh trong truyền thuyết. Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra về nguồn gốc của từ flamenco: từ việc có thể đã có sự lầm lộn với những người Flamands đến Tây-ban-nha dưới triều Charles Quint, với những người gi-tan đầu tiên đi kèm (?), tới cả những thứ tầm nguyên táo bạo hơn như kiểu nói rút ngắn fallah mengu (kẻ lang thang) hay falai kun (người đồng quê) trong tiếng ả-rập. (người dịch)
 
Silverio Franconetti (1829-1889) là con của một nam ca sĩ người Ý và một người đàn bà gi-tan. Năm 1885, ông đã mở tại Sevilla một «quán ca nhạc» (café cantante) nơi ông đã khiến cho một công chúng rộng lớn hiểu rõ hơn nghệ thuật của bài “Trầm ca” (Cante jondo). Vào cuối thế kỷ trước, ở Madrid có tới 50 «quán ca nhạc»; nổi tiếng nhất là các quán La Marina và La Magdalena. (người dịch)
 
 

Juan Breva (11)

 
Juan Breva
có thân hình của một người khổng lồ
và tiếng nói của một thiếu nữ.
Không có gì được như tiếng láy của ông.
Ấy chính
muộn phiền cất tiếng hát
ở phía sau một nụ cười.
Gợi ra những cây chanh
của miền Málaga thiêm thiếp,
và trong tiếng khóc than
có vị muối biển.
Như Homère, ông đã hát,
mù lòa. Tiếng ông
có đôi chút biển không ánh sáng
và cam vắt.
 
------------------------
(11) Juan Breva (1844-1918) là một trong những cantaores (ca sĩ) được đánh giá rất cao ở thời ông, bên cạnh những El Planeta, El Fillo và nữ ca sĩ Dolores tức là «La Parrala» mà F. G. Lorca đã nói tới trong bài “Quán ca nhạc”. (người dịch)
 
 

Quán ca nhạc (12)

 
Những ngọn đèn bằng pha lê
và những tấm gương màu lục.
 
Trên sân khấu mờ tối,
nữ ca sĩ La Parrala
duy trì cuộc chuyện trò
cùng cái chết.
 
Bà kêu gọi nó,
nó không tới,
bà lại kêu gọi nó.
Mọi người
thèm khát tiếng nức nở.
Và trong những tấm gương xanh lục
những vệt lụa dài
lướt qua.
 
-----------------
(12) Xin xem thêm các chú thích 10 và 11. (người dịch)
 
 

Than thở về cái chết

                    tặng Miguel Benítez
 
Trên bầu trời đen,
những con rắn nước vàng vàng nho nhỏ.
 
Tôi sinh ra đời với đôi con mắt
và lúc này, không con mắt, ra đi.
Hỡi Đức chúa của nỗi đớn đau lớn nhất!
Và kế đó,
một ngọn nến, một tấm chăn
trên mặt đất.
 
Tôi đã muốn tới nơi
những kẻ ngay lành tới.
Và tôi đã tới đấy, Chúa ơi!
Nhưng kế đó,
một ngọn nến, một tấm chăn
trên mặt đất.
 
Trái chanh vàng nho nhỏ,
những cây chanh.
Hãy ném những trái chanh nho nhỏ ấy
vào gió.
Các người đã biết rõ điều ấy!.. Bởi kế đó,
kế đó,
một ngọn nến, một tấm chăn
trên mặt đất.
 
Trên bầu trời đen,
những con rắn nước vàng vàng nho nhỏ. (13)
 
--------------------------
(13) «những con rắn nước vàng vàng nho nhỏ»: dịch sát khóm chữ «culebrinas amarillas». (Claude Esteban dịch là «những ánh chớp vàng».) (người dịch)
 
 

Trừ tà

 
Bàn tay nhăn nhúm
như một con sứa
che con mắt nhức nhối
vì ánh đèn.
 
Con ách chuồn.
Những lưỡi kéo bắt tréo.
 
Trên làn khói trầm hương trắng,
có chút gì
như con chuột chũi
hay con bướm mơ hồ.
 
Con ách chuồn.
Những lưỡi kéo bắt tréo.
 
Nàng siết chặt một trái tim
vô hình, các người có thấy?
Một trái tim
phản ánh trong gió.
 
Con ách chuồn.
Những lưỡi kéo bắt tréo.
 
 

Ghi nhớ

 
Khi nào tôi chết
hãy vùi thây tôi cùng với cây đàn
dưới lớp cát.
 
Khi nào tôi chết
hãy vùi thây tôi giữa rặng cây cam
và đám bạc hà.
 
Khi nào tôi chết
hãy vùi thây tôi, tôi xin các người đó,
nơi một chiếc chong chóng gió.
 
Khi nào tôi chết!
 
 

BA THÀNH PHỐ

                    tặng Pilar Zubiaurre
 

Bài hát của Málaga

 
Cái chết
vào ra
tửu điếm.
 
Lướt qua là những bóng ngựa ô,
những kẻ ghê rợn
trên những nẻo đường hũm sâu
của cây lục huyền cầm.
 
Có một mùi muối
và mùi máu đàn bà
nơi những bông lài bỏng cháy
trên kè bến.
 
Cái chết
vào ra
và ra vào
cái chết
của tửu điếm.
 
 

Khu phố Córdoba

Thông thường ban đêm
 
Trong nhà người ta phòng ngừa
các vì tinh tú.
Đêm sụp đổ.
Bên trong, có một em bé gái chết
với một bông hồng thắm đỏ
ẩn trong mái tóc.
Sáu con họa mi than khóc bé
ngoài hàng rào.
 
Thiên hạ tiếp tục thở dài
với những cây lục huyền cầm mở.
 
 

Vũ điệu

 
Cô Carmen đang nhảy múa
trên đường phố Sevilla.
Tóc cô trắng
đôi ngươi sáng long lanh.
 
Hỡi các em bé gái,
hãy kéo màn!
 
Trên đầu cô quấn quít
một con rắn vàng vàng,
và mơ màng cô tiếp tục nhảy múa
với những người tình ngày xưa.
 
Hỡi các em bé gái,
hãy kéo màn!
 
Đường phố thật hoang vắng
và ta đoán thấy ở nơi sâu thẳm
những trái tim Andalucía
đang tìm kiếm những mũi gai cũ càng.
 
Hỡi các em bé gái,
hãy kéo màn!
 
 

SÁU BÀI PHÓNG BÚT

                    tặng Regino Sainz de la Maza
 

Câu đố lục huyền cầm

 
Nơi ngã tư đường
tròn,
sáu cô nàng
nhảy múa.
 
Ba bằng da thịt
và ba bằng bạc.
 
Những giấc mộng hôm qua tìm kiếm các cô
nhưng ôm ấp tất cả các cô ấy
là một Polyphème (14) bằng vàng.
Lục huyền cầm.
 
----------------------
(14) Polyphème (thần thoại Hy-lạp): một trong những quái độc nhãn, con của Poseidon; con mắt duy nhất của y bị Ulysses, người mà y giam giữ trong hang, đâm thủng.(người dịch)
 
 

Cây đèn

 
Ôi nghiêm nghị làm sao ngọn lửa
của cây đèn khi trầm tư!
 
Như một người đạo sĩ Ấn-độ
nó chăm chú nhìn vào ruột gan bằng vàng
và lu mờ đi khi mơ màng
những bầu khí không có gió.
 
Con cò cháy sáng rực
từ trong tổ mổ mổ
những khối bóng đậm đặc nhất,
rồi nghiêng mình run run
trên đôi mắt tròn
của em bé gi-tan đã chết.
 
 

Rắn mai gầm

 
Mai gầm.
Mai gầm.
Mai gầm.
Con bọ hung vang vang.
 
Nơi con nhện
của bàn tay
mi uốn cong không khí
nóng bỏng,
và mi tự bóp nghẹt trong tiếng láy liên hồi
mộc khí của mi.
 
Mai gầm.
Mai gầm.
Mai gầm.
Con bọ hung vang vang.
 
 

Cây vả hoang (15)

 
Laocoon man dại
 
Mi mới thật là khỏe khoắn
dưới nửa vành trăng!
 
Kẻ chơi cầu tường gia tăng.
 
Mi mới thật là khoẻ khoắn
khi hăm dọa gió!
 
Daphné và Atys
biết nỗi đau của mi.
Không thể nào giải thích.
 
-----------------------------
(15) Cây vả hoang (Chumbera). Laocoon (thần thoại Hy-lạp): con của Priam và Hecube, bị hai con rắn quái gở bóp nghẹt cùng các con. Daphné: nữ thần biến thành cây trúc đào khi thần Apollon lại gần...và Atys hay Attis: thần của người Phrygie, bạn cùng nữ thần Cybèle. (người dịch)
 
 

Cây dứa gai

 
Con bạch tuộc đã hóa đá.
 
Mi đặt những sợi đai màu tro
lên bụng những ngọn núi,
và hàm răng khủng khiếp
nơi những khe sâu
 
Con bạch tuộc đã hóa đá.
 
 

Cây thập tự

 
Cây thập tự
(Chấm hết
của con đường.)
 
Soi mình trên dòng nước.
(Chấm chấm chấm.)
 
 

CẢNH VIÊN TRUNG TÁ DÂN VỆ

 

Phòng danh dự

 
TRUNG TÁ. Ta là trung tá Dân vệ.
TRUNG SĨ. Dạ phải.
TRUNG TÁ. Và không ai được nói ngược lại ta.
TRUNG SĨ. Dạ không.
TRUNG TÁ. Ta có ba ngôi sao và hai chục cái huy chương.
TRUNG SĨ. Dạ phải.
TRUNG TÁ. Đức hồng y-tổng giám mục đã chào mừng ta với hăm tư chiếc ngù màu tím.
TRUNG SĨ. Dạ phải.
TRUNG TÁ. Ta là trung. Ta là trung. Ta là trung tá Dân vệ.
 
(Roméo và Juliette, màu thiên thanh, trắng và vàng, ôm nhau trên vườn thuốc lá của hộp đựng xì-gà. Nhà quân sự mơn man nòng một khẩu súng đầy bóng tối dưới đáy biển.)
 
MỘT TIẾNG NÓi (ở bên ngoài).
                     Trăng, trăng, trăng, trăng
                     của thời trái ô-liu.
                     Cazorla chỉ ngọn tháp của nàng
                     và Benamejí bị che khuất.
 
                     Trăng, trăng, trăng, trăng.
                     Một con gà gáy trong trăng.
                     Hỡi ông xã trưởng, các ái nữ
                     đang sững người ngắm trăng.
 
TRUNG TÁ. Có chuyện gì thế?
TRUNG SĨ. Dạ có người gi-tan.
 
(Ánh mắt con la con của chú gi-tan khiến đôi mắt ông trung tá Dân vệ tối lại và trố ra.)
 
TRUNG TÁ. Ta là trung tá Dân vệ.
NGƯỜI GI-TAN. Phải.
TRUNG TÁ. Còn chú mày là ai?
NGƯỜI GI-TAN. Một người gi-tan.
TRUNG TÁ. Một người gi-tan là cái gì?
NGƯỜI GI-TAN. Gì cũng được.
TRUNG TÁ. Thế chú mày tên gì?
NGƯỜI GI-TAN. Nói rồi đó.
TRUNG TÁ. Chú mày nói gì?
NGƯỜI GI-TAN. Người gi-tan.
TRUNG SĨ. Bẩm con đã bắt gặp nó và đưa nó về đây.
TRUNG TÁ. Lúc đó chú mày ở đâu?
NGƯỜI GI-TAN. Ở cầu mấy con sông.
TRUNG TÁ. Nhưng sông nào mới được chứ?
NGƯỜI GI-TAN. Đủ mọi sông.
TRUNG TÁ. Thế chú mày làm gì ở đó?
NGƯỜI GI-TAN. Một trụ quế.
TRUNG TÁ. Trung sĩ!
TRUNG SĨ. Tuân lệnh, bẩm Trung tá Dân vệ.
NGƯỜI GI-TAN. Tôi đã chế ra đôi cánh để bay, và tôi bay. Miệng ngậm lưu hoàng và hoa hồng.
TRUNG TÁ. Ối!
NGƯỜI GI-TAN. Nói vậy chứ, tôi không cần cánh, bởi tôi bay không có cánh. Trong máu tôi có mây và nhẫn.
TRUNG TÁ. Ối, ối!
NGƯỜI GI-TAN. Vào tháng Giêng, tôi có hoa cam.
TRUNG TÁ. (bị giật co quắp) Ối, ối, ối!
NGƯỜI GI-TAN. Và những trái cam dưới trời tuyết..
TRUNG TÁ. Ối, ối, ối, ối! (Bùm, bình, bằm. Ông ngã xuống chết tốt.)
 
(Hồn thuốc lá và cà-phê sữa của ông trung tá Dân vệ bay qua cửa sổ.)
 
TRUNG SĨ. Cứu tôi với!
 
(Ngoài sân trại, bốn người dân vệ nện chú nhỏ gi-tan.)
 
 

Bài ca của người gi-tan bị đòn

 
Hăm tư cái tát.
Hăm lăm cái tát;
rồi, mẹ tôi, đêm đến,
sẽ đặt tôi nằm trên giấy bằng bạc.
 
Hỡi dân vệ gác đường,
hãy cho ta vài giọt nước.
Nước với mấy con cá và mấy cái thuyền.
Nước, nước, nước, nước.
 
Còn ngươi, chỉ huy bọn lính,
ngươi ở mãi cao trên phòng!
Không có mùi-soa lụa
để chùi mặt ta sao?
 
5 tháng bảy, 1925
 
 

ĐỐI THOẠI CỦA CAY ĐẮNG

 

Cảnh đồng quê

 
MỘT TIẾNG NÓI.
                     Cay đắng.
                     Những cây trúc đào trong sân nhà tôi.
                     Trái tim hạnh nhân cay đắng.
                     Cay đắng.
 
(Bước tới ba chàng trai đội nón lớn.)
 
CHÀNG TRAI I. Chúng ta sẽ tới trễ mất.
CHÀNG TRAI II. Đêm ập xuống trên người chúng ta.
CHÀNG TRAI I. Thế còn anh kia?
CHÀNG TRAI II. Hắn tới phía sau.
CHÀNG TRAI I (lớn tiếng). Cay đắng!
CAY ĐẮNG (từ xa). Tới ngay.
CHÀNG TRAI II (kêu lên). Cay đắng!
CAY ĐẮNG (bình thản). Tới ngay!
 
(Ngừng một lúc)
 
CHÀNG TRAI I. Những vườn ô-liu đẹp quá chừng!
CHÀNG TRAI II. Quả thế.
 
(Im lặng hồi lâu)
 
CHÀNG TRAI I. Tôi không thích đi ban đêm!
CHÀNG TRAI II. Tôi cũng chẳng thích.
CHÀNG TRAI I. Đêm là để ngủ.
CHÀNG TRAI II. Đúng thế.
 
(Ếch nhái và giun dế nâng giàn cây xanh của mùa hè Andalucía lên. Cay đắng bước, hai bàn tay tựa trên thắt lưng.)
 
CAY ĐẮNG.
                     Ôi! ôi, ôi, ôi!
                     Ta đã cật vấn cái chết.
                     Ôi! ôi, ôi, ôi!
 
(Tiếng kêu trong khúc hát của anh đặt một dấu ngân dài trên con tim những kẻ nghe thấy anh.)
 
CHÀNG TRAI I (từ rất xa). Cay đắng!
CHÀNG TRAI II (gần như mất hút). Cay đắắắng!
 
(Im lặng.)
 
(Con người Cay đắng có một mình ở giữa lộ. Anh hé mở đôi mắt lớn của anh màu xanh lục và siết lại tấm áo vét bằng nhung quanh người. Những ngọn núi cao bao quanh anh. Chiếc đồng hồ lớn bằng bạc của anh dội tiếng âm âm trong túi ở mỗi bước.)
 
(Một người cưỡi ngựa phi mau tới trên đường.)
 
NGƯỜI KỴ MÃ (dừng ngựa). Chào anh mạnh giỏi!
CAY ĐẮNG. Nhờ Trời cả.
NGƯỜI KỴ MÃ. Anh đi Granada đấy à?
CAY ĐẮNG. Tôi đi Granada.
NGƯỜI KỴ MÃ. Thế thì ta cùng đi.
CAY ĐẮNG. Vậy đó.
NGƯỜI KỴ MÃ. Sao anh không lên ngựa?
CAY ĐẮNG. Là vì chân tôi không đau.
NGƯỜI KỴ MÃ. Tôi, tôi từ Málaga tới.
CAY ĐẮNG. À.
NGƯỜI KỴ MÃ. Anh em nhà tôi sống ở đó.
CAY ĐẮNG (gắng gượng). Bao nhiêu người?
NGƯỜI KỴ MÃ. Ba người. Họ bán dao. Nghề của họ đấy.
CAY ĐẮNG. Cầu mong họ được mạnh giỏi.
NGƯỜI KỴ MÃ. Dao bằng bạc và bằng vàng.
CAY ĐẮNG. Dao thì chỉ cần là dao.
NGƯỜI KỴ MÃ. Anh nhầm.
CAY ĐẮNG. Đội ơn.
NGƯỜI KỴ MÃ. Dao bằng vàng chỉ cắm vào trái tim. Những lưỡi dao bạc chém đứt cổ như một sợi cỏ.
CAY ĐẮNG. Chúng không dùng để cắt bánh sao?
NGƯỜI KỴ MÃ. Mọi người bẻ bánh bằng tay.
CAY ĐẮNG. Thật vậy!
 
(Con ngựa bồn chồn.)
 
NGƯỜI KỴ MÃ. Ngựa!
CAY ĐẮNG. Tại đêm tối.
 
(Con đường uốn quanh co khiến cho bóng con thú vặn vẹo.)
 
NGƯỜI KỴ MÃ. Anh có muốn một lưỡi dao không?
CAY ĐẮNG. Không.
NGƯỜI KỴ MÃ. Này, tôi tặng anh một con đấy.
CAY ĐẮNG. Thế nhưng tôi, tôi không nhận.
NGƯỜI KỴ MÃ. Anh không còn dịp nào khác đâu.
CAY ĐẮNG. Ai biết được?
NGƯỜI KỴ MÃ. Những con dao khác chả dùng làm gì được. Những con dao khác mềm xèo và sợ máu. Những lưỡi dao mà chúng tôi, chúng tôi bán, thời lạnh. Anh nghe thấy không? Chúng lọt vào, tìm nơi nào ấm nhất và ở lại đó.
 
(Cay đắng nín lặng. Bàn tay phải của anh lạnh như thể anh nắm phải một mẩu vàng.)
 
NGƯỜI KỴ MÃ. Những lưỡi dao ấy mới đẹp làm sao!
CAY ĐẮNG. Mắc lắm phải không?
NGƯỜI KỴ MÃ. Thế mà anh lại không muốn có lưỡi dao này sao?
 
(Ông ta rút ra một lưỡi dao bằng vàng. Mũi dao lấp lánh như lửa một ngọn đèn.)
 
CAY ĐẮNG. Tôi đã nói là không.
NGƯỜI KỴ MÃ. Thôi nào chú, lên ngựa với ta!.
CAY ĐẮNG. Tôi chưa mệt.
 
(Con ngựa lại sợ hãi.)
 
NGƯỜI KỴ MÃ (kéo dây cương). Kìa, con ngựa quỷ này!
CAY ĐẮNG. Tại tối đen.
 
(Ngừng một lúc)
 
NGƯỜI KỴ MÃ. Như ta đã nói với chú, ba người anh em nhà ta ở Málaga. Gớm cái cách bán dao! Ở nhà thờ lớn người ta mua hai ngàn con để trang hoàng tất cả các bàn thờ và để đặt một vòng dao lên ngọn tháp. Có nhiều con tầu ghi khắc tên bằng những con dao ấy; dân chài nghèo khó nhất ở bờ biển soi sáng ban đêm bằng ánh sáng những lưỡi dao nhọn bén ấy hắt ra.
CAY ĐẮNG. Thực là một điều kỳ diệu!
NGƯỜI KỴ MÃ. Ai có thể chối cãi được điều ấy?
 
(Đêm tối dầy đặc như một thứ rượu để trăm năm. Con rắn khổng lồ phía Nam mở mắt vào lúc trời mờ sáng, và có những người đang ngủ bỗng vô cùng thèm khát được lao mình qua hàng bao-lơn vào ma thuật quái ác của mùi hương và chốn xa.)
 
CAY ĐẮNG. Tôi thấy hình như ta đã đi lạc đường.
NGƯỜI KỴ MÃ (dừng ngựa lại). Thật ư?
CAY ĐẮNG. Tại mải chuyện trò.
NGƯỜI KỴ MÃ. Không phải đằng kia là ánh đèn Granada sao?
CAY ĐẮNG. Tôi không biết. Thế giới này quá lớn.
NGƯỜI KỴ MÃ. Và quá cô đơn.
CAY ĐẮNG. Như thể là không người ở.
NGƯỜI KỴ MÃ. Chú nói thế đấy nhé.
CAY ĐẮNG. Tôi tuyệt vọng. Ôi, ôi, ôi!
NGƯỜI KỴ MÃ. Là vì nếu chú tới đó, chú sẽ làm gì?
CAY ĐẮNG. Tôi sẽ làm gì ư?
NGƯỜI KỴ MÃ. Và nếu chú ở yên chỗ, thời để làm gì?
CAY ĐẮNG. Để làm gì ư?
NGƯỜI KỴ MÃ. Ta, ta cưỡi con ngựa này và bán dao, nhưng nếu ta không làm thế, thời chuyện gì xẩy ra?
CAY ĐẮNG. Chuyện gì xảy ra ư?
 
(Ngừng một lúc)
 
NGƯỜI KỴ MÃ. Chúng ta đã tới Granada.
CAY ĐẮNG. Có thể thế được sao?
NGƯỜI KỴ MÃ. Chú coi mấy vọng lâu mới ngời sáng.
CAY ĐẮNG. Tôi thấy có hơi thay đổi.
NGƯỜI KỴ MÃ. Tại chú mệt đấy.
CAY ĐẮNG. Phải, chắc thế.
NGƯỜI KỴ MÃ. Bây giờ thì chú sẽ không từ chối lên ngựa với ta.
CAY ĐẮNG. Khoan chút đã.
NGƯỜI KỴ MÃ. Thôi nào, lên đi! Lên mau đi. Cần phải tới trước khi trời sáng... Và cầm lấy con dao này. Ta tặng chú đấy!
CAY ĐẮNG. Ôi, ôi, ôi, ôi!
 
(Người kỵ mã đỡ Cay đắng lên ngựa. Hai người đi theo đường Granada. Rặng núi trên nền phủ đầy những cây độc cần và tầm ma.)
 
 

Bài ca của mẹ anh Cay đắng

 
Đặt trong tấm ra của tôi, người ta mang nó đi,
cây trúc đào và ngành lá dừa của tôi.
 
Ngày hai mươi bảy tháng tám
cùng với một con dao con bằng vàng.
 
Cây thập tự. Và mau lên nào!
Thủa ấy nó da nâu và cay đắng.
 
Hỡi các chị láng giềng, hãy cho tôi
một hũ bằng thau đựng nước chanh.
 
Cây thập tự. Và đừng khóc nữa.
Cay đắng đã ở trên cung trăng.
 
9 tháng bảy, 1925
 
 
PHỤ LỤC:
(Mười bảy bài Trầm ca sau đây không
được Federico García Lorca giữ lại trong lần
xuất bản Thơ trầm ca vào năm 1931.
Nguyên tác được Christian de Paepe lập lại
dứt khoát theo thủ bản.)
 
 

Phản ánh cuối cùng

 
Trên khu hang hốc
chỉ có trăng.
 
Ôi Martirio, Carmen
và Soledad,
các người những kẻ đã mang
người đàn bà bị tình phụ(16) đi chôn cất
và ngay trước cửa nhà
có một cây chanh.
Trong mắt các người
thiêm thiếp lưỡi dao
mà bài siguirilla(16) ấy cuốn đi
qua vườn cây ô-liu.
 
Ôi Martirio, Carmen
và Soledad!
 
------------------------------
(16) Người đàn bà bị tình phụ: la petenera; bài siguirilla: xin xem thêm phần Đôi dòng về Federico García Lorca và Poema del Cante Jondo và chú thích số 1. (người dịch)
 
 

Nguyện ước

 
Hỡi trái tim
với bảy mũi dao!
Đã quá muộn rồi!
Mi hãy đi theo đường
của những tiếng kêu thương.
Đi đi
về không nơi nào hết.
Bông hoa của không bao giờ.
Theo gió,
theo gió.
Ôi trái tim
với bảy mũi dao!
 
 

Xin thương xót

 
Phiên khúc ấy xé nát thời gian.
(Đó là niềm bí ẩn của nó.)
 
Cắm sâu vào tình ái
(Đó là nỗi đớn đau của nó.)
 
Và gọi dậy cái Chết.
(Xin thương xót!)
 
 

Khu vườn của La Petenera

 
Trên mảnh ao
thiếp ngủ những cây liễu.
Cụm trắc-bá là những tia đen
trào lên của khóm hồng
và có những tiếng chuông kêu thương
từ mọi phía.
Khu vườn này người ta đã tới
quá trễ
với những con mắt không ánh sáng
và bước chân ngập ngừng.
Sau khi đã vượt qua
một dòng sông máu.
 
 

Manzanilla

 
Những cánh đồng
vàng.
 
Những đàn con gái
chạy trên các nẻo đường.
 
 

Đồng quê

 
Đêm xanh màu lá.
 
Chậm rãi
những đường xoắn ốc màu tím
run run
trong trái cầu bằng thủy tinh
của không khí.
Và trong các hang động thiếp ngủ
những con rắn của nhịp điệu.
 
Đêm xanh màu lá.
 
 

Phiên khúc (17)

 
Phiên khúc ấy
đã có
một con bướm đen
và một con bướm đỏ.
 
Tôi tôi đã nhìn những bao lơn
ánh bạc buổi bình minh
khi cưỡi trên con la
của máy kéo nước.
 
Lúc này những vì sao vàng ánh xuất hiện.
(Các vì sao của bóng tối đã xuất hiện.)
 
Phiên khúc ấy
đã biểu lộ
sự lưỡng lự của đời tôi
giữa hai con bướm.
 
-----------------------------
(17) Phiên khúc (Copla). Copla là một thứ phiên khúc, thông thường gồm bốn câu thơ, thấy trong một số bài ca bình dân của Andalucía. (người dịch)
 
 

Than trách

 
Có phải là anh
đang khóc đấy không?
 
Trong khu vườn
cẩm chướng
em lại gặp anh.
 
Anh mong ước gì?
Kỷ niệm này ư?
 
Ôi chao!
 
Kỷ niệm này
chính nàng đã thêu lên
trên tấm khăn tay.
 
Anh hãy đếm các vì sao
ở trên trời.
Em em không thể làm gì được cho anh
hơn những gì em đã làm!
 
Có phải là anh
đang khóc đấy không?
 
 

Người nữ vu

 
Cánh cửa đóng kín.
 
Và cả một bầy
những trái tim
đang chờ đợi.
 
Bên trong nghe tiếng khóc
não nuột.
Tiếng than khóc của một cỗ sọ
chờ trông
một nụ hôn vàng.
 
Cánh cửa đóng kín.
 
(Bên ngoài, gió âm u
và các vì sao mờ mịt.)
 
 

Trăng đen

 
Trong bầu trời của phiên khúc
vầng trăng đen ló ra
trên những đám mây màu hoa cà.
 
Và nơi mặt đất của phiên khúc
những chiếc đe đen chờ trông
đẩy trăng qua màu đỏ.
 
 

Tiếng chuông trầm

 
Ôi nếu tôi còn thấy em,
nếu tôi không còn thấy em!
 
Không còn gì quan hệ đối với tôi hết
ngoài tình em.
 
Em vẫn còn giữ tiếng cười khi trước
và trái tim ấy?
 
 

Đêm

 
Miền đất trắng.
 
Những cánh cửa
đóng kín.
 
(Một con dế uốn gợn
dải âm thanh.)
 
Ngọn đèn
bỏ đi với vì sao
và vì sao
với dòng nước.
 
Miền đất trắng.
 
(Quay quay chiếc chong chóng gió
của thế giới.)
 
 

Nửa đêm

 
Khu làng màu xám tro.
 
Trong không khí bơi bơi
tiếng đồng hồ tích-tắc,
như những vết ngón tay
ghi trên hơi gió lạnh.
Và những tiếng gà gáy
đến từ thế giới khác.
 
 

Người đàn bà ấy

 
Người nữ vu
ở ngã tư đường.
 
(Bầu trời
gần lại.)
 
Một hơi gió thoảng tới
đầy những tiếng tuyệt mỹ.
 
(Ôi lũ lượt
những câu hỏi!)
 
 

Bên ngoài

 
Những tiếng kêu bị bỏ rơi
(những bến cảng tan nát)
run run trong gió.
 
(Andalucía nhói buốt!)
 
Những hơi gió dài xanh biếc
trượt trên dòng sông
và cảnh trí bỏ đi
qua một mép lài mênh mông.
 
 

Hang động

 
Mũi nhọn của những con gà trống
đào bới, kiếm tìm hừng đông.
 
Đứa bé chết đu đưa
trên một mặt phẳng xanh lục.
 
Qua đôi mắt nó thật phù phiếm
ánh đuốc trăm năm bỏ trốn.
 
Và tất cả hang động
lướt tới điểm vàng.
 
 

Bulería (18)

 
Đứt tung
lưới nhịp.
Và không khí tràn ngập
những dải băng.
 
Những đồ thủy tinh
của trời
rơi xuống thành sương giá
màu lá xanh.
 
------------------------------
(18) Bulería: điệu vũ Andalucía, nhịp linh hoạt, kèm theo tiếng vỗ tay. (người dịch)
 
 
Đã đăng:
 

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ TÁC GIẢ:

 
1898. Federico García Lorca sinh ngày 5 tháng 6 tại Fuente Vaqueros, một khu làng gần Grenade (Granada).
1909. Gia đình F.G.Lorca dọn tới ở Grenade, nơi Federico theo học trung học cho tới mãi 1914.
1916-1917. Du hành học hỏi tại Tây-ban-nha (Castille, Andalouse, Galice). Trau dồi âm nhạc (dương cầm và lục huyền cầm).
1918. Xuất bản tập Impresiones y paisajes. Cư ngụ lần đầu tại Madrid.
1919. Tới ở Khu cư trú Sinh viên ở Madrid. Sống tại đó mãi tới năm 1928.
1920. Gặp Manuel de Falla ở Grenade.
1921. Cho xuất bản tập Libro de poemas.
1922. Tổ chức ở Grenade một cuộc thi «Cante Jondo» với sự hỗ trợ và hợp tác của Manuel de Falla.
1924. Khởi soạn những bài thơ sau này hợp thành tập Romancero gitano.
1925. Hoàn tất vở kịch Mariana Pineda.
1926. Thuyết trình ở Grenade về «Hình ảnh thơ nơi don Luis de Góngora».
1927. Xuất bản tập Canciones tại Málaga.
Tháng 12. Tham dự Lễ kỷ niệm 300 năm ngày mất của Góngora tại Sevilla, cùng với Jorge Guillén, Gerardo Diego, Rafael Alberti, José Bergamín và Dámaso Alonso.
1928. Xuất bản tập Romancero gitano.
1929. Tháng 6. Rời Tây-ban-nha đi Hoa-kỳ nơi ông cư ngụ mãi tới tháng 3-1930. Soạn các bài thơ của tập Poeta en Nueva York sau này.
1930. Tháng 3 đến tháng 6. Cư ngụ ở Cuba. Trở về Tây-ban-nha nơi ông hoàn tất vở El publico.
1931. Ngày 14 tháng 4, tuyên cáo nền Cộng hòa Tây-ban-nha. Xuất bản tập Poema del Cante Jondo.
1932. Soạn tập Diván del Tamarit. Đi lưu diễn với đoàn hát «La Barraca» (Castille, Galice, Asturies,...). Viết vở Bodas de sangre.
1933. Thuyết trình tại Saint-Jacques-de-Compostelle (Tây-ban-nha) về Poeta en Nueva York (Nhà thơ ở Nữu-ước). Tiếp tục các hoạt động sân khấu của đoàn «La Barraca».
Tháng 10. Đi Montevideo, rồi cư ngụ tại Buenos-Aires. Ông ở lại Á-căn-đình (Argentina) mãi tới cuối tháng 3-1934.
Gặp Pablo Neruda. Nhiều buổi đọc tác phẩm và trình diễn kịch của F. G. Lorca.
1934. Viết xong vở Yerma.
Tháng 8. Bạn ông là Ignacio Sánchez Mejías, bị thương ngày 11 ở đấu trường Manzanares, chết ngày 13 tại Madrid.
Tháng 10. Những cuộc đình công của thợ mỏ ở Asturies bị tướng Franco đàn áp tàn bạo.
F. G. Lorca hoàn tất tập Llanto por Ignacio Sánchez Mejías.
1935. Hoàn tất vở Doña Rosita
Trù định một chuyến đi Mễ-tây-cơ..
1936. Thắng lợi của Mặt trận bình dân.
19 tháng 6. Hoàn tất vở La casa de Bernarda Alba.
13 tháng 7. Calvo Sotelo, người đứng đầu phe đối lập, bị ám sát. F.G. Lorca trao cho José Bergamín bản thảo tập Poeta en Nueva York và, ngay buổi chiều, đáp xe lửa đi Grenade.
18 tháng 7. «Pronunciamiento» của phe nationalistes.
20 tháng 7. Grenade lọt vào tay phe nationalistes.
Những vụ sách nhiễu, giam cầm, mất tích, xử bắn đầu tiên.
9 tháng 8. F. G. Lorca lánh nạn tại nhà người bạn ông là Luis Rosales mà gia đình theo phe quốc-xã Tây-ban-nha.
16 tháng 8. Ông bị bắt tại nhà họ Rosales, những người này đã cố tìm cách giải thoát ông nhưng vô hiệu.
19 tháng 8. Vào lúc mờ sáng, ông bị hành hình trong địa hạt xã Viznar, cách Grenade chín cây số.
 
(Theo Claude Esteban, nhà thơ và dịch giả, trong Federico García Lorca, Romancero gitan, Poème du Chant Profond, Aubier, 1995. tt.291-292.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021