thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TUYỂN TẬP THƠ [II]
Bản dịch Diễm Châu
 
 
PENTTI HOLAPPA
(1927~)
 
Về tác giả và bản dịch:
 
Pentti (Vihtori) Holappa sinh ngày 11.8.1927 tại Ylikiiminki, giữa những cánh rừng lớn miền Oulu, ở phía Bắc Phần-lan. Sau khi mãn học kỳ bắt buộc vào năm 12 tuổi, ông bắt đầu mưu sinh bằng đủ mọi nghề, trong đó có chạy giấy, công nhân, nhân viên bưu chính, coi kho, bán sách (mới & cũ), nhà quảng cáo, nhà xã luận cho tờ Helsingen Sanomat, và... Bộ trưởng Bộ Văn Hóa trong một thời gian ngắn (1972).
 
Ông khởi sự làm thơ từ năm 13 tuổi, tự học tiếng Thụy-điển và tiếng Anh, rồi học tiếng Pháp khi có dịp qua Pháp, và đã dịch thơ Charles Baudelaire, Pierre Reverdy và Francis Ponge, cũng như tác phẩm của Claude Simon, Robbe-Grillet, Le Clézio và Nathalie Sarraute...
 
Cho tới nay, ông đã cho xuất bản 14 tập thơ, 5 cuốn tiểu thuyết (cuốn mới nhất in năm 1996), 2 tập truyện ngắn, nhiều kịch bản, tiểu luận, bài báo chính trị và phê bình văn học. Tác phẩm của ông đã được phiên dịch ra khoảng mười thứ tiếng.
 
Ngoài một bài dài dịch theo bản Pháp văn của Waly Faye và Lucie Albertini, bản dịch tiếng Việt chủ yếu dựa vào bản dịch Pháp văn của Gabriel Rebourcet: Pentti Holappa, Les mots longs, Poèmes 1950-1994 (Poésie/ Gallimard, Paris, 1997). Trong tuyển tập này dịch giả bản Pháp văn đã lựa, dịch 99 bài trích từ 14 tập thơ của Pentti Holappa, viết lời tựa và ghi chú về tác giả và tác phẩm mà tôi đã mượn để viết đôi lời như trên.
 
Cũng theo dịch giả Gabriel Rebourcet, Pentti Holappa đã bày tỏ trong thơ sự đồng tính luyến ái của mình một cách rất minh bạch, ít ra là từ nửa sau các thi phẩm của ông, từ 1979.
 
Trong bản dịch tiếng Việt, tôi đã sử dụng từ «em» ở một số bài mà lòng rất áy náy. Quả thực, tôi không rõ những người đồng tính yêu nhau gọi nhau bằng gì trong tiếng Việt. Xa quê hương bất đắc dĩ cũng có đôi điều bất tiện. Mong bạn đọc lượng thứ và vui lòng sửa lại theo sự hiểu biết của mình.
 
Lộ-trấn, 14.3.1998
DC.
 
Tuyển tập thơ của Pentti Holappa, tái xuất hiện trên Tiền Vệ lần này, có thêm một số bài mới dịch từ tập thơ thứ mười lăm của Pentti Holappa: N’ aie pas peur (Đừng sợ), nxb. Atelier La Feugraie, 2001, theo bản Pháp văn của cùng dịch giả Gabriel Rebourcet. Riêng hai bài áp chót, tôi có tham khảo các bản Anh văn của Herbert Lomas trong Pentti Holappa, A Tenant Here (The Dedalus Press, 1999) vả của Anselm Hollo trong Gardens of life and death Contents 2/98 Home.
 
Mời bạn đọc xem thêm Bo Carpelan, nhà thơ Phần-lan viết bằng tiếng Thụy-điển đã đăng trên Tiền Vệ.
 
(DC., 13.12.2005)
 
 
TUYỂN TẬP THƠ [II]
 
 

Một mùa ở Tây-bá-lợi-á

 
Tôi chuẩn bị đi Tây-bá-lợi-á. Ở những miền đất ấy
người ta nói những thứ tiếng thuộc ngữ tộc chúng tôi
mà tôi không hiểu.
 
Để làm của độ đường, tôi thu thập nỗi buồn. Tôi viết
một bài thơ về những đôi mắt xám ở cùng đáy đám than hồng và về
đêm tối đã trở thành cuồng loạn.
 
Tôi hy vọng, khi gió sẽ nổi lên trên những miền đồng bằng ấy
và khi mây sẽ kéo lê trên mặt đất, khơi lại được
ngọn lửa ký ức.
 
Nơi đây mọi người rình rập trong những căn nhà cây thấp bé. Trong đen tối
có ai đó lượn quanh lều tôi. Một con chó sủa,
nỗi sợ thêm dày đặc.
 
Họa hiếm là những vần với dáng dấp quen thuộc,
nhưng tia lửa dưới những hàng lông mày nhắc nhở
rằng họ cũng là người.
 
Tôi nạp đạn vào vũ khí, nhưng đương đầu
với nỗi buồn này ư! Ở quê hương bạn bè thết đãi linh đình
và uống rượu chúc sức khỏe tôi.
 
Nơi xa xôi đó lấp lánh hai bó đuốc, ánh mắt
dưới tro tàn nguôi ngoai và thúc đẩy tôi,
như điên dại, biệt xứ.
 
Tôi thấy mình trên một chiếc xe trượt băng trong vùng taiga.
Bị một bầy sói khuấy nhiễu, chẵng mấy chốc
con ngựa sẽ hết chịu nổi.
 
Tôi đã thức dậy quá trễ trước cuộc đời,
cái quyền hạn chính đáng này tôi sẽ bênh vực nó như một loài dã thú
không luận bàn triết lý,
 
nhưng tôi sẽ không nổ súng, tôi không có khả năng
giết người như một người phải có thể giết người.
Bởi thế tôi bỏ trốn.
 
Ban đêm, tôi ngủ trong những cánh tay ương ngạnh.
Chúng mở ra trong lúc tôi mơ và một hơi gió
khiến da tôi mệt lử.
 
Chỉ trong giấc mơ thôi là vì con dã thú của tôi đang tìm kiếm,
nhưng một mệnh lệnh! và con chó lớn lông vàng ánh nằm lại
dưới chân chủ.
 
Những dòng sông trong trẻo chảy mau và lạnh,
trên bờ, trong những túp lều, một giống dân
mắt ghèn dử.
 
Mùi cá nồng nặc, chí rận nơi hang ổ,
những kẻ khước từ ngôn ngữ các ký hiệu ấy
không biết tới sự xót thương.
 
Thật tàn nhẫn, họ dò xét tôi như
một điềm gở, một hòn đá, một vẫn thạch
hay như những người chết của họ đang nhảy múa.
 
Tôi rời bỏ họ. Như một ngôi sao-bạn tôi nhai rau ráu
chòm Đại hùng tinh, tôi bơi lội trên Ngân hà,
tôi lắng nghe cõi hư không.
 
Trở thành khối băng sơn trơn trượt không suy chuyển
và cứng rắn dưới Bắc cực quang, viên ngọc
trắng của đại dương.
 
Tôi xao động. Nỗi đau thầm kín kêu rêu.
Tôi phải đi tìm lại bầy ngựa,
chiêm ngưỡng vẻ thanh thản của chúng.
 
Linh hồn ngựa mới sâu sắc làm sao! Tôi ép vành tai
vào bộ lông sáng loáng của nó và tôi nghe, ở bên trong
trời gió.
 
Khi tôi ngoảnh lại, gã đánh xe, – hay ấy chính
một người coi ngục theo lệnh của ai đó? –
ở bên tôi, ngạc nhiên.
 
Anh ngạc nhiên có lẽ vì những giọt nước mắt của tôi hay vì
tôi là một người đang tìm kiếm sự hiện diện
của một con thú.
 
Tôi ra hiệu, anh ta bước theo tôi. Dưới ánh lửa,
tôi thấy anh có đôi mắt xám
và anh là một sinh vật biết suy tưởng.
 
Nhờ mấy miếng, anh ta lắng tai nghe
làm sao nỗi đau của tôi đã trở thành ngôn ngữ, đã lột bỏ tôi
khiến tôi phơi trần.
 
Anh ta đu đưa rồi một giai điệu trào ra
từ đôi môi anh thơ ngây. Anh hát, tôi cảm thấy
biết ơn anh.
 
Tôi bắt lấy một hình ảnh đương bay – hình ảnh mà anh ta
có về tôi. Đối với anh ta tôi là một cánh chim
thiên cư.
 
Và tôi tôi ưa thích làm tổ ở Tây-bá-lợi-á
với đầu óc trẻ trung và đông lại đó, mà không hy vọng thấy
băng tan.
 
Có lẽ gã trai trẻ này chính là người tôi tìm kiếm – nếu
như tôi đang tìm kiếm một ai. Ấy là một lý do tốt để
tôi tiếp tục chuyến đi không có anh ta.
 
Lúc này tôi có cả một đàn chó thắng vào xe.
Dưới những mái lều bằng da những kẻ đi săn tưởng tượng
rằng tôi là một hình phạt của trời.
 
Bởi họ chỉ ăn thịt, nên trong đầu óc
chỉ có sợ hãi và ngờ vực
trước điều không thể gọi tên ra.
 
Khi tôi thấy nỗi oán hận che giấu dưới nụ cười của họ,
tôi kết luận: nỗi niềm đó cũng không kém gì của mình! Và tôi tiếc nuối
cuộc sống.
 
Niềm an ủi của những buổi tối dài dặc, ấy dòng sông Ngân
nơi Vaïnämöinen trên con thuyền của chàng đã lao mình
vào chuyến đi chót,
 
mang theo một điều bí ẩn có lẽ
không hề có, bất chấp cái uy danh đầy tự hào
là nhà thơ.
 
Tấm linh hồn cư ngụ nơi tôi có lẽ ưa thích một niềm tin
khác với niềm tin mà tôi đọc ra trên những khúc xương bị gặm nhấm
ở những nơi cắm trại ngoài trời.
 
Dẫu là do loài trùng hay do các giống động vật
con người luôn luôn bị gặm mòn. Ấy đó sự thật phơi trần mà tôi bỏ trốn.
Tôi chỉ chịu đựng được nó nếu tôi tiếp tục bỏ trốn.
 
Người Tchouktches* vẫn biết rằng một khi đã già, họ sẽ bị
con cái giết và đưa tới miền đồng rêu
làm bữa ăn cho dã thú,
 
nhưng tôi tin rằng họ đã tưởng tượng có một người chèo đò, trên
sông Ngân, chuyên chở một điều gì đó
đã trở thành một ngư phủ bất diệt.
 
Trong eo biển Béring, định mệnh vẫn đợi chờ,
bất động, và những mạng ra-đa của nó dàn ra
trên cảnh thế mạt.
 
Đài nguyên hơn là đài nguyên, hai đại lục
giành giật của nhau, trôi giạt và trở thành
những vùng hoang địa chói sáng.
 
Hãy ở lại đó xe trượt băng với người đánh xe! Tôi từ Tây-bá lợi-á trở lại,
tôi hồi tưởng những cơn gió bắc cực, tôi hồi tưởng
mình đã động lòng thương hại bản thân tôi.
 
Trước khi tắt, các vì sao ngời sáng
trên lớp tro u ám. Tôi là vật chất
tôi hiến mình như vật chất.
 
(1985)
 
------------------
* dân Nga ở cực đông Tây-bá-lợi-á, chuyên nghề đánh cá và chăn nuôi tuần lộc. (ND.)
 
 

Lời hoang tàn

 
Tôi muốn tới gần em.
Tôi không thấy gì có thật
cả tảng đá, lẫn thế giới hoặc những khoảng cách.
Tiếng vỗ cánh của một con chim trên nền trời cực kỳ đông giá cũng dài lâu
không kém gì thành phố với những mảnh tường đúc bằng xi-măng sạn cát.
Tôi đã phải tan nát trước khi bỏ mất những ảo tưởng. Hôm nay
tôi chắc chắn rằng các tế bào của em nghe thấy tôi khi tôi nói
ngôn ngữ với cả ngàn ý nghĩa của hoang tàn đổ nát
nơi bản thân tôi, nhưng thực ra cũng chỉ để cho em.
 
 

Phó mặc cho biển

 
Tôi bay bổng trong không khí và đất không còn giúp ích gì tôi nữa,
tôi ra khơi và tôi phó mặc cho biển.
Tôi đã hiến em những giây phút của tôi và em bảo
tôi đã giật lấy của em cái tự do được là chính bản thân em.
 
Như thế đó ái tình là bão tố. Không có một vịnh nhỏ
để lui về và mãn nguyện với hiện sinh.
Khi người hùng nâng ly rượu lên môi, y nhận được
đồng thời cả chất độc lẫn niềm an ủi.
 
Ánh mắt của kẻ đắm chìm không phải vậy. Chính bầu trời
đối với y thật yên hàn dẫu tàn nhẫn.
Tôi lang thang giữa những mảnh vụn vỡ của con thuyền nát tan,
hy vọng rằng em cũng sẽ đắm tàu gần đó.
 
 

Sự thường

 
Tôi muốn được gần em
như một câu thơ thư thả yên hàn.
Tôi muốn em thật khoan thai
thuật lại cho tôi công việc của em và đời em
và đôi khi, thật họa hiếm, những ngày hội lễ,
chúng ta sẽ viết những bài tục dao. Trọn cuộc đời
sẽ là một lời nói tự nhiên
hay im lặng.
 
Các bài trên trích từ:
Mùi thơm của khói (1987)
 
 

Ngọn cờ vàng

 
Bên trên các mái nhà phất vẫy một ngọn cờ vàng
— ngọn cờ của dịch hạch, cũng là một dấu hiệu của cuộc sống,
tấm bảng chỉ miệng hầm xe điện ngầm.
 
Mọi sự có đó, và chúng đồng thời
vừa là biểu hiệu vừa là chính sự vật. Mùa xuân tới
và có nghĩa là mùa xuân đang tàn dần,
mặt trái của trời xanh là một vũ trụ đen tối,
tên Chúa chứng tỏ rằng Chúa bị cấm đoán.
 
Từ mọi bí hiểm vọt ra một điều bí hiểm khác
đối với người đọc trên thế giới, điều bí hiểm ấy không khép lại
mà tháo tung và tự mở ra.
Ngọn cờ vàng chỉ phất vẫy cho kẻ
nhìn thấy rồi tự che mắt mình đi.
 
 

Một từ trong ngôn ngữ

 
Cái gì hiện hữu là một lời nhắn gửi của cái gì có thể có,
và nằm trong cảnh không hiện hữu như một từ trong một ngôn ngữ
mà người ta chưa hoặc không bao giờ nghĩ sẽ nghe.
Người ta cũng chẳng rõ sẽ phải nghe thấy điều gì nữa.
 
 

Kế hoạch về nguyên tắc

 
Lần sau khi tôi tới cõi thế này tôi sẽ ghi lại từng phút ngay từ đầu. Tôi sẽ không sống một phút nào mà không suy nghĩ trước, và nếu cần tôi sẽ ngưng thời gian lại để nó chờ tôi quyết định. Tôi sẽ lựa những ngày bình thản, công việc, những đêm nồng cháy, những kẻ thân cận khôn ngoan hơn cả, những cuộc tình đẹp nhất và chung thủy nhất. Trước cảnh yêu đương, trong lúc yêu đương và sau đó, cả người phối ngẫu lẫn chính bản thân tôi, chúng tôi sẽ không được cảm thấy mình xa lạ. Không bao giờ, nếu cuộc sống tàn tạ và hết mọi sự tàn tạ theo, không bao giờ tôi sẽ nói rằng ngày mai là quá trễ.
 
 

Khoảnh khắc đã qua

 
Bên trên các mái nhà ngọn cờ vàng phấp phới, ở chỏm cây sào,
vậy là gió thổi. Không khí xao động. Tôi nhìn, sửng sốt.
Một con chim vụng về vỗ cánh tiến lại gần, bầu trời
hóa trang đồng một màu xám. Khoảnh khắc này không thể
tái diễn, nó đã bị xóa mờ, các tế bào của óc não tôi
không còn nối tiếp với dòng điện, cái mũi con chó của tôi ngước lên từ dưới chân tôi.
Lẽ ra tôi đã có thể giải quyết ngay số mệnh mình bằng một cách khác
hơn là bằng quá khứ, hủy bỏ những lời thề thốt yêu đương,
hay ít ra là ngưng lại, xa rời nỗi sợ mà tôi đang đeo lơ lửng, kiếm tìm một nơi ẩn trú. Tôi thấy mình, tôi nhìn ngắm biển những mái nhà, những dấu chỉ hướng gió, mây bốc lên ở xa xa. Tôi là một kẻ khác, nếu tôi đã là chính bản thân tôi
mới đây thôi. Con chim không còn đơn chiếc,
mà là cả một đàn gi sẻ.
 
Các bài trên trích từ: Ngọn cờ vàng (1988)
 
 

Con sáo

 
Con sáo không thể sống qua mùa đông dưới vùng khí hậu này,
vậy mà nó vẫn sống trải mùa đông. Trong mùa đông của con tim
ở đây trời u tối, băng giá quá khắc nghiệt, dưới ba mươi
(độ C, sáu mươi độ Bắc).
 
Cuộc sống không phải dễ dàng đối với con sáo đen. Đơn độc,
nó lang thang trong công viên, hót tới độ khiến lòng đau như cắt, nó
kiếm ăn, hoặc là câm nín
không than van số phần đã tự lựa cho mình.
 
Bởi rốt cuộc, nó có đôi cánh, nó mạnh khỏe, nó rất có thể
thiên di về miền Nam, nó chỉ cần khởi sự kịp thời,
lúc này cố nhiên luyến tiếc đã quá muộn. Tê cóng
biết chừng nào, nó sẽ chẳng bay được bao xa. Vậy thời nó không than van.
 
[...]
 
 

Trên trái đất, dưới bầu trời

 
Con người bước đi sát mặt đất. Họ không có cánh.
Chim chóc bay qua trên mái và nhìn về trái đất:
giống người dường như quá đông, và họ thật là nguy hiểm.
 
Nhìn từ trên cao chim chóc bay rất thấp. Chúng
mong manh và phó mặc cho những cơn gió độc đoán,
nhưng gió cũng chỉ là khí, tụ thành lớp mịn màng trên hành tinh.
 
Trong vòng khí quyển có những lỗ hổng mà những tia sáng lọt qua.
Mặt trời nung nấu thật nguy hiểm và phóng vào hư vô thật tàn nhẫn
mọi đứa con của Icare, tù nhân của trọng lực.
 
Duy có vài con tàu không gian thoát ra khỏi ngục tù
và nếu có được một cái nhìn từ đấy, bởi người ta không nhận được một cái nhìn nào từ dưới đất,
thì mặt trời chẳng qua cũng chỉ là một ngôi sao còm cõi trong đêm rộng lớn.
 
Con tàu mong manh kia đã được các công nhân luyện kim hàn gắn.
Những bàn tay nặng nề đã khai sinh ra nó thật chậm rãi, thận trọng,
vào cùng một lúc mà trong một vài khối óc những ý tưởng bác bỏ mọi khoảng cách.
 
Người thợ luyện kim không chỉ chế tác. Anh hầu như còn nghe thấy những gì mình chế tác,
ngay như các kỹ sư nghĩ rằng anh chỉ là một dụng cụ hẹp hòi, thiển cận,
cũng như người kỹ sư là một anh thợ luyện kim chậm chạp đối với nhà toán học.
 
Chúng ta hiểu hết, nói thực ra chúng ta không hiểu gì hết,
chúng ta choáng váng khi nhìn xuống đất hay lên trời, là vì
về mọi phía thế giới thật sâu xa, hơn thế nữa, nó không có đáy.
 
Nếu như ít ra ta có thể thú nhận sự choáng váng của mình, thời đằng khác cũng phải hành động
phải ăn, phải trả hối phiếu, và phải giao hợp
bởi e rằng hiện tượng mệnh danh là đời sống bóp ngạt chúng ta.
 
Đối với kẻ sinh ra trên hành tinh này sự sống là hiện tồn,
nói cách khác than ôi là sát nhân và chết chóc.
Y rên siết, kẻ đang sống, vậy thời cũng là kẻ giết người, và bị người giết.
 
Cái phi lý, ấy là chỉ có những gì hiện tồn. Không một
kẻ sống kẻ suy tưởng nào được chọn lựa. Tay đua nhảy qua hàng giậu
vấp phải mọi chướng ngại và không bao giờ đạt tới đích kịp thời.
 
Vậy thời thật tự nhiên — nếu có một tự nhiên — là con người,
kẻ luyện kim, tạo vật thuộc giống người, rượu chè say sưa đến chết được vì thế. Vĩnh biệt! Y đã thôi rồi.
Tuy nhiên có ai đó vẫn còn lao động trên một cái máy khoan, ngoan ngoãn trước những mệnh lệnh.
 
Các bài trên trích từ:
Trên trái đất, dưới bầu trời (1991)
 
 

Những hình ảnh tự nhiên* 1

 
Một con chồn đau yếu lui vào chốn thâm sâu hang ổ. Lớp da lông của nó tróc ra từng nùi, thấm mưa, cái chết tới gần. Một cây thông cao trông chừng đống đá tảng, trong đám kim thông xanh lục những món nữ trang kết ngọc của cơn mưa lấp lánh cho ngày cuối cùng này. Ấy là một thứ hội lễ. Một con quạ khoang tới thăm nó, ca nho nhỏ. Vĩnh biệt, thì thào khu rừng và thế giới ở chung quanh. Một tấm linh hồn tách rời khỏi mớ xác thịt và vừa ra đi vừa kêu lên: Vì sao? Vì sao vẫn còn những vì sao? Vì sao lại phải sa xuống thấp đến thế?
 
---------------------
* Images naturelles: Những hình ảnh tự nhiên (hay thiên nhiên). (ND.)
 
 

Những hình ảnh tự nhiên 3

 
Chiếc lá cây táo tự tách rời chút một. Định mệnh không thể tránh, đã từ lâu. Cái cây đã khước từ nó mà chẳng buồn nói với nó một lời cảm ơn. Cũng đã lâu rồi nó tự dứt ra khỏi cái cây, lại định mệnh không thể tránh. Cái cây đã muốn thế, chiếc lá sinh ra, không định ý, nó đã tự đáp lời, khi người ta hạ lệnh cho nó. Cái cây, ai đó. Vào thời ấy, thế giới có một mùi thơm khác, ánh sáng tuôn tràn như suối. Những đêm loạn cuồng xoay ngoắt lại ngày, rồi tới thời hoa. Những cánh ong, rồi những trái xanh. Một lớp lông tơ êm dịu hãy còn phủ trên da nó, trước khi xuất hiện những dấu vết ố vàng. Thời gian đi qua mỗi lúc một mau, thời gian bỏ trốn. Hôm nay phải rụng, chiều nay nó rụng. Cái cây không nhúc nhích, cái cây ở lại. Mọi sự đều có một ý nghĩa, và cái cây biết thế.
 
 

Những hình ảnh tự nhiên 7

 
Mặt trời lấp lánh ở miền Nam, và miền Bắc cũng tháo gỡ những đám mây.
Ảo tưởng của viễn ảnh: cây cối trần trụi khắc lên trời.
Bình lặng bao trùm. Các cụ già dẫn nhau băng qua đường phố.
Nơi đèn xanh đèn đỏ hống lên những chiếc xe hơi kiểu mới nhất.
Công lực đè bẹp bàn chân những người trai trẻ.
Một cánh cửa mở ra trong ngôi nhà màu gạch non: những kẻ tật nguyền
đi dạo, tay nắm tay. Những tiếng cười tuyệt phúc.
Một tiệm giặt nho nhỏ quảng cáo, ở hàng hoa có một người khách,
những con sẻ và những con bạc má trên một bụi rậm trang trí. Mùa đông tới,
cái chết lại gần. Mắt nhìn, cố xuyên qua mọi sự, cũng sẽ chẳng thấy gì.
Ở đâu đó nơi xa kia có thế giới rộng lớn. Thiên hạ chém giết,
là vì Thượng đế nói với họ. Tinh trùng sôi sục
và hòa lẫn với máu nơi những hố rãnh. Mùi hôi nước đái quỷ.
Các nhà vật lý chứng minh không có vật chất.
 
Không có vật chất.
 
 

Những hình ảnh tự nhiên 17

 
Ngoài công viên người ta vứt bỏ một khối bê-tông bể.
Một ngón tay bằng thép han rỉ lòi ra, một con sẻ tới đậu lên đó.
Trên vết nứt của khối bê-tông, trời mưa, gần như một mặt hồ,
và con sẻ nhìn ngắm bóng mình phản chiếu.
Con sẻ không hay biết nghĩa là gì vùng nước mà nó lại gần
ngay trước khi nước đông lại, làm vỡ tung cả khối.
Con sẻ đã không hay biết rằng nó đã nhìn thấy chính nó. Nó đã nhìn ngắm bóng mình
cho đến khi khối bê-tông toác ra. Con sẻ không hay biết
rằng khi nhìn ngắm bóng mình phản chiếu người ta phá hủy khối bê-tông.
Nó không biết thế nào là hiểu biết. Không bao giờ ôi không bao giờ
con sẻ có thể hiểu được vũ trụ.
 
 

Những hình ảnh tự nhiên 20

 
Người đàn ông ngồi ở bàn làm việc nhưng y không thấy
cái máy điện toán của mình. Người đàn ông ấy là một con thú. Cánh cửa của ngôi nhà trước mặt
mở ra. Những con thú mang những niềm bí ẩn của chúng trong những
túi da. Thiên hạ xách những bao bằng chất dẻo trắng, đựng
những chai vodka, nỗi đơn độc của họ, nỗi muộn phiền của họ. Một mái nhà bằng ngói đỏ
sáng chói trên nền trới xám — không, không phải trời, mà là mây.
Có ai đó nhìn từ khung cửa sổ nhà mình và thấy y. Và động lòng thương.
Y đơn độc quá. Một con chó ngủ dưới chân,
sống cuộc đời y, qua ngày, y hy vọng, y không nói gì.
Người ta có thể vứt bỏ một ai đó như thế, không đáp lại chăng?
Người ta có thể. Người ta không thấy y nữa. Y không có, y không có nữa.
 
 

Tháng chín bắt đầu

 
Tháng Chín bắt đầu. Tôi có địa chỉ mới.
Lá cây liễu-rung đỏ dần dưới mắt tôi.
Chuông điện thoại chưa réo ban đêm. Tôi không bị
một viên sỏi nào quất vào cửa kính đánh thức dậy.
Tôi rã rượi quá sức.
 
Nói thực ra, xe cộ không mấy ồn ào ở nơi đây,
các thảm cỏ được gọt tỉa bằng kéo cắt móng tay.
Có lẽ tôi có thể quên rằng tôi đang chết, đang già đi,
nếu như nỗi đau thôi thúc không làm tôi nhớ
em vắng mặt.
 
Thời gian không còn bao lăm. Sai. Vẫn có
quá nhiều khiến thực ra không có.
Cây liễu-rung lảo đảo, những chiếc lá giẫy giụa,
có thể nói là gió thổi. Cái vô hình lay động,
chẳng có gì ngoài gió.
 
Người ta nói rằng ấy là gió. Gió làm
chiếc lá lìa cành liễu-rung bay mãi tới đường nhựa
nơi lá chờ chuyến xe tang của phu vét rãnh.
Gió ném bỏ cái gánh nhẹ, và không có không khí,
chỉ có gió là gió.
 
Em ở trong mọi sự tôi làm hay tôi nghĩ.
Em không thể vắng mặt . Mới đêm rồi
tôi còn viễn du nơi em, nhưng hỡi ôi gió, gió
của phương Bắc. Các vì sao bị che mờ. Em không có đó,
em ở trong tất cả.
 
 

Mùi thơm của da em

 
Tờ giấy trắng và mùi thơm của da em
đã đủ là chất liệu cho một bài thơ bất hủ.
Tờ giấy trắng, mùi thơm của da em
không báo trước đã tan biến trên trời.
 
 

Người Nhật

 
Người Nhật làm giả những cuộc xô mạnh giữa các thiên hà,
chắc chắn với thời gian ta sẽ rút ra được điều gì đó để bán.
Một ông già đứng sựng dưới cột đèn ba màu, ông không dám
băng qua đường mặc dù hiệu đèn xanh. Trời hỡi,
hãy cho tôi sức mạnh để nhìn thấy, và khi tôi nhìn thấy,
sẽ chịu đựng được mọi sự có thật, nếu chúng có thật.
 
Tôi đã từng yêu, tôi vẫn còn yêu người.
Tôi không biết khước từ. Đèn đã chuyển qua màu đỏ.
 
 

Thạch thảo đơm hoa

 
Mỏm cát nở ra thạch thảo, tảng đá vết ố vàng.
Muộn phiền lượn trên không. Sương đêm ở lại dưới đất.
Vậy là có ai đó đã khóc. Một thiên thần đã băng qua
những cành cây, để lộ trong giây lát, một hình người trần truồng.
Vẻ đẹp rực sáng bên tấm màn bỗng bừng cháy.
Đâu là thiên thần? Chim chóc lúc này đã bép xép về mùa Thu,
chúng ẩn trong rừng. Những kỷ niệm còn đó.
Bên dưới, có tảng đá, và cát.
 
Các bài trên trích từ:
Những vết ngón tay trong chân không (1991)
 
 

Đêm

 
Tôi đã nói tất cả — ngoại trừ im lặng,
ngoại trừ vùng bóng mờ nơi tôi men theo cây cầu nhỏ,
và ánh bình minh le lói, những nỗi đớn đau của một cuộc tình nở muộn,
khôn tả. Đêm tràn đầy, đêm thực tràn đầy.
 
 

Người láng giềng của Trung quốc

 
Trên bàn làm việc một đồng hai mươi kopeck,
những trái anh đào đỏ ửng trước khung cửa sổ, không phải Đông phương. Vàng
là những chiếc lá trong cây. Bầy se sẻ kêu mãi trên cành
và lũ trẻ, ngoài công viên. Trên một bức tường bằng bê-tông là mặt trời của phương Tây.
Trong bếp tiếng rì rầm của tủ lạnh. Cũng gần như ở nhà,
nhưng ở bên kia những đỉnh cao tuyết phủ khởi sự Trung quốc.
Ngày mốt cội nguồn sẽ xa hơn bao giờ.
Rủi thay, may thay! Tôi đã sống, đã đi xa. Ở đây
và ở đây nữa, tôi thấy và tôi nghe, đui mù và điếc.
 
 

Cầu đá, cây lệ liễu

 
Một cây lệ liễu bên một nhịp cầu đá cổ, vào tháng Giêng.
Mưa bụi. Chúng tôi đã đi mãi tới xứ sở khác lạ này
để được nhìn trời. Ở nhà, lúc này tuyết.
Và rồi nhờ ơn Trên tầng mây cũng xé toang.
 
Khu làng tựa như một cỗ áo quan vào buổi tối
kể từ chín giờ. Chỉ có một vài kẻ bị dằn vặt khổ sở
lang thang ngoài đường, nhưng lúc này trời còn sáng. Trong quán nước
hai người đàn ông lần lữa, ngoài công viên, mấy con sáo.
 
Trung-hoa đã sáng chế ra thuốc súng, giấy. Kể từ đấy, chả có gì
đáng kể xảy ra. Con sông vẫn trôi trong lòng sông,
xe cộ có bánh. Huyền thoại thuật lại rằng
ái tình là một chàng lãng tử xa lánh cảnh trói buộc.
 
Lúc này chàng bước bên tôi, thật như một người
hay một hình ảnh. Tôi vươn cánh tay.
Vật chất run run mọi thớ sợi
và hoàn toàn miễn cưỡng, này đây vật chất là cây cầu đá,
mưa, và liễu.
 
 

Từ đen tới trắng

 
In trên cánh đồng ngập tuyết rừng thời đen,
trong bóng mờ của đêm tối tuyết thời trắng.
Tít cao thuyền đội của trời
trương những cánh buồm xám
và dựng những ngọn cờ đã bị vấy dơ.
 
Nếu ngọn lửa và than hồng đôi khi
đã ửng đỏ nhiệt tình, thì hôm nay tro tàn
băng giá và sững lại, từ đen tới trắng
hy vọng trườn qua, và tuyệt vọng
bỗng hực đen.
 
 

Tia sáng

 
Suy tưởng tìm kiếm cho mình một nơi ẩn trú xa vật chất.
Một người bị xiềng ngỡ mình bay. Quá nhẹ
là gánh y mang — gánh than bùn và đá tảng, gánh biển khơi,
nhưng quá nặng khi biết rằng y chẳng biết mình là ai.
 
Những xiềng xích khắc nghiệt không gắn chặt hai cườm tay y
mà là vào đầu óc thất thường của y. Nhà tù không phải là
thế giới cảm nhận được. Người kia toan tính thoát
một ngôi nhà mà bốn bức vách bỏ trốn mọi ánh mắt.
 
Duy có cây cầu nhỏ đớn đau, ít khi là tình yêu,
còn đưa y tới những tiếng nói, những mùi hương, những vuốt ve mơn trớn. Y biết
rằng thực tế mà người ta nói tới là thế đấy. Y tự chứng tỏ
với mình rằng y là một tia sáng. Đêm có đó.
 
Y nhầm. Y là bóng tối, nhưng y âm vang.
 
 

Sự dối trá thành kính

 
Ngày thứ nhì vào tháng Giêng trong ngôi đại giáo đường Chartres.
vị hồng y xông hương và chúc lành cho bổn đạo. Đã hai ngàn năm
đấng Ki-ri-xi-tô chịu chết. Cái mũ chỏm và những cửa kinh màu
của vị hồng y vấy máu những kẻ bị hành hình.
Những ngọn lửa của mặt trời xuyên qua những truyền thuyết man rợ.
 
Suy đồi không để lại hy vọng, ngay như vũ trụ của chúng ta
có kết thúc bằng sụp đổ cả đống, là vì tội lỗi của chúng ta
đã làm hoen ố vật chất bằng hỗn loạn của chúng. Biết
nhìn về nơi đâu? Trong số bạn bè của mình, cố nhiên, ai ai
cũng ưa qua một buổi tối êm đềm, không lo ngại.
 
Tôi nhìn nơi bản thân tôi. Từ cái điên rồ mà tôi gọi là
quá khứ, tôi đãi vàng sạch quặng bẩn. Cơn gió nhẹ
mang một mùi thơm hoa hồng bốc lên từ một đống phân nào đó.
Theo báo chí kim loại vàng đang sụp đổ
nơi thị trường chứng khoán. Tôi bám lấy sự dối trá thành kính của tôi:
tôi chờ.
 
Các bài trên trích từ: Điểm buông neo (1994)
 
 

Đôi bàn tay

 
Tôi quan sát đôi bàn tay tôi. Tôi nhìn ngắm chúng
như một tấm gương,
một tấm bản đồ vũ trụ
— những đường mạch nhô lên và những đồ trang sức
trên lớp da ngoài, những chiếc lông, những móng tay sáng bóng.
Tôi đi xuống những triền núi tới mãi tận khu rừng hoang dại,
tôi lần đường từ những đồng cỏ lớn tới mãi những tảng đá núi bên bờ.
Hồi gần đây, có những đốm lấm chấm nho nhỏ
nhắc tôi rằng thời gian đang trôi qua.
Vậy là các ngươi rốt cuộc đã nở hoa, tôi nói với chúng để an ủi.
 
Những buổi tối dài lâu đã trở lại. Cám ơn, vì các ngươi đã để ta 
được nhìn ngắm các ngươi. Đừng động đậy nữa. Ta hãy ở yên như thế.     
 
 

Mất ngủ

 
Những ngày u ám tôi chịu đựng được lắm. Bầu trời
xuống thấp – tôi biết đã từ xưa; và, phải,
hành trình tới những người tôi thương mến cũng vươn xa thật xa
như Đại dương châu, những vòm trời sao sáng, cuối cầu vồng hoặc thời thanh xuân;
thế nhưng, như lột bỏ tấm áo choàng của người đang chết rét,
hay tước đoạt chiếc bè cứu mạng của người đang đắm chìm, 
người ta đã cướp đi của những người mất ngủ
chiếc chìa khóa diệu kỳ mở cửa tòa lâu đài ủ dột
nơi những tầng tháp nhỏ cho ta thấy toàn địa cầu,
dẫu rằng nó tăm tối và hành tinh của chúng ta đang bơi lội
trong những tiếng kêu đau đớn. Trước đây đã lâu đã thật lâu
có một bàn tay dịu mát đặt lên vầng trán này. Có một ai đó nói, “Ngủ đi!”
Có một ai đó.
 
 

Chó ngao

 
Không phải người Âu châu kẻ nào sáng sáng
không quấn một chiếc cà-vạt quanh cổ. Sáng nay
bởi là người Âu châu tôi đã ngắm bóng mình trong gương
và nhận thấy rằng dĩ nhiên mình càng ngày càng giống
một con chó ngao buồn.
Mà ai đã từng thấy một con chó ngao cười mỉm?
Chúng ta đều biết mình sinh ra nhầm thế giới,
sinh ra để đấu tranh. Đôi mắt đầy tia máu của tôi bảo
tôi chả ưa gì hơn là đằm mình trong rơm rạ
cùng với địch thủ của tôi, con bò mộng, và nghiền ngẫm các vì sao.
 
 

Kỷ niệm ngày sinh của má

 
Tuyết đã rơi suốt ngày trên lá những cây lâu đời.
Một phi đội cu cườm bay ngang theo hình vòng cung trên trời.
Một con ruồi thức dậy trong bếp, đường hỏa xa đình công.
Để bầu bạn cùng tôi tôi rót cho mình một ly whisky. Tôi nghĩ tới mẹ tôi,
người hôm nay đã mừng chin mươi tư tuổi.
Hôm trước ngày bảy mươi tám năm độc lập
của Phần-lan. Mẹ tôi đã ngủ, có lẽ bà đang mơ.
Có chúng con đây! Tôi thầm kêu lên. Bà không nghe thấy.
Dĩ nhiên, ban đêm bà không bắt cái máy.
Đứa con trai cả của bà đã ngã gục trên mặt trận vùng Carélie, cô con gái thật tử tế,
cô gọi điện thoại mỗi ngày và thường đến đưa bà đi dạo, cô chăm sóc bà,
người con trai út của bà gần như lúc nào cũng đi xa và anh ta đầu hói.
 
Trái tim của má đã ngừng đập mười ngày sau
ngày kỷ niệm sinh nhật của bà, và cũng là ngày tôi viết những dòng này.
 
Thế giới có thể già đi.
Má từ nay trẻ lại.
 
Các bài trên trích từ: Đừng sợ (1997)
 
 
Đã đăng:
 
________________________
 
PENTTI HOLAPPA / TUYỂN TẬP THƠ
gồm 58 bài trích trong các tác phẩm:
 
Một tên hề trong hành lang của những tấm gương (1950)
Đứa con của đất (1953)
Kề bên (1957)
Hãy nhìn con mắt các người (1959)
Thi tuyển (1977)
Năm mươi hai (1979)
Những từ dài (1980)
Người khách trọ ở dưới thế (1983)
Một thành phố thắp đèn sáng trong đêm Bắc cực (1985)
Mùi thơm của khói (1987)
Ngọn cờ vàng (1988)
Trên trái đất, dưới bầu trời (1991)
Những vết ngón tay trong chân không (1991)
Điểm buông neo (1994)
Đừng sợ (1997)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021