thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“Tôi (lê văn) tè - vì thế... tôi hiện hữu” [1]

 

 

Lời tác giả: Đây là bài giới thiệu tập Thơ Lê Văn Tài do Văn Mới và Tiền Vệ mới xuất bản vào tháng 9, 2013. Vì bài viết quá dài, tôi xin chia làm ba phần:
1) Từ hội họa đến thơ
2) Nhà thơ cụ thể xuất sắc
3) Nhà thơ lưu vong tiêu biểu
Buổi ra mắt tập thơ này (cùng với cuốn Văn học Việt Nam tại Úc: Chính trị và thi pháp của lưu vong của Nguyễn Hưng Quốc) sẽ được tổ chức vào ngày Thứ Bảy 14 tháng 12, 2013 (từ 2 đến 5 giờ chiều) tại Fairfield Museum & Gallery, góc đường The Horsley Drive và Oxford street, Smithfield NSW 2164, Úc.
 
NHQ

 

"TÔI (LÊ VĂN) TÈ - VÌ THẾ       TÔI HIỆN HỮU" [1]

 

nơi góc xó 46 Lovoni Street, xứ sở Kangaroo
người hoạ sĩ già soi gương tự hoạ chân dung mình
mắt nhìn trừng nét cọ    đỏ úa    màu tang
một chiếc Lá     khô chết    lúng liếng treo bên ngoài nguồn cội
mồm lưu vong      há hốc    
dài ngoẵng (từ quê gốc đến xứ người, nửa vòng trái đất)
trong kẽ răng, lằn môi vết nứt còn nâng niu nắm níu ủ ấp
một nhành vạn cổ khát vọng Quy Cố Hương
và lời hẹn:     mai, vĩnh viễn     bặt âm tiếng.
(Lê Văn Tài, “Gã ăn mày quê nhà trên trái đất vô trú xứ”)

 

“hắn chạy trốn thực tại – bởi hắn là tên tội đồ của lịch sử
      dám cưỡng hiếp giấc mơ gần
hắn còn chạy trốn quá khứ – bởi hắn là kẻ sát nhân của thời đại
      đã bắt cóc tống tiền tương lai”
(Lê Văn Tài, “Tên tội đồ của 1 lịch sử đánh mất thực tại”)

 

1. Lê Văn Tài, từ hội họa đến thơ

Lê Văn Tài đến với thơ tiếng Việt bằng một con đường vòng. Anh vốn là một hoạ sĩ. Ở trong nước, từ đầu thập niên 1960, anh vẽ tranh với một phong cách riêng và có một số khám phá về kỹ thuật được nhiều người khen ngợi.[1] Định cư tại Úc từ đầu thập niên 1980, anh tiếp tục vẽ tranh, tham gia cả hàng chục cuộc triển lãm cá nhân cũng như tập thể tại Úc và một số nơi trên thế giới. Lại được nhiều nhà phê bình và nghiên cứu mỹ thuật, như Tiến sĩ Annette Van den Bosch[2] và Merrill Findlay,[3] khen là độc đáo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, anh còn làm thơ.

Điều thú vị là những bài thơ đầu tay của Lê Văn Tài không được viết bằng tiếng Việt mà bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ anh mới học sau khi rời Việt Nam và có lẽ còn lâu lắm mới có thể được coi là thông thạo. Vậy mà, thơ tiếng Anh của Lê Văn Tài lại được những người có thẩm quyền về thơ Úc khen ngợi nồng nhiệt. Trong số các nhà thơ người Việt thuộc thế hệ thứ nhất hiện sống tại Úc, có vẻ như anh là người đầu tiên có thơ được đăng tải trên các tạp chí văn học và các tuyển tập thơ có uy tín nhất của Úc.[4] Năm 1989, bài thơ “Separated Lover” của anh được Bộ Nghệ Thuật tiểu bang Victoria chọn in trên các poster lớn, dựng ở các ga xe lửa để mọi người thưởng thức trong chiến dịch đem thơ đến với quần chúng.[5] Năm 1987, anh tự xuất bản tập thơ tiếng Anh đầu tay, Empty Arms Surrounded by Warm Breath với lời giới thiệu của giáo sư Desmond Cahill tại trường Phillip Institute of Technology (sau nhập vào trường RMIT). Mười năm sau, tập thơ tiếng Anh thứ hai của anh, Waiting the Waterfall Falls, được trường Victoria University xuất bản, sau đó, được sử dụng như một tài liệu tham khảo trong khá nhiều môn học liên quan đến văn học Á châu và văn học di dân nói chung. Giáo sư John McLaren, trong lời giới thiệu, cho Lê Văn Tài, khi di cư sang Úc, đã mang cả quê hương theo với anh, hơn nữa, anh còn mở rộng quê hương ấy ra, làm cho mọi người Úc đều biến thành những thành viên trong gia đình của anh: thơ anh, do đó, vừa mang dấu ấn riêng vừa có tính phổ quát rất cao. Ivor Indyk, chủ nhiệm của Heat, một tạp chí văn học nổi tiếng, khen đó là một tập thơ hay, ở đó, thơ và thơ cụ thể kết hợp hài hoà với nhau. Robert Harris, phụ tá chủ biên phần thơ của tạp chí Overland, xem Lê Văn Tài là một nhà thơ quý giá có nhiều cống hiến cho nền văn học Úc.[6] Tiến sĩ Mark Stevenson, hiện dạy ngành Á châu học tại Victoria University, nhận định: “Đây là một tập thơ quan trọng giới thiệu mười năm phát triển của một nhà thơ quan trọng.”[7]

Lê Văn Tài chỉ thực sự bắt đầu làm thơ bằng tiếng Việt từ khi tạp chí Việt [8] ra đời vào năm 1998, tức gần 40 năm sau ngày anh hoàn tất những tác phẩm hội hoạ đầu tiên và hơn 10 năm sau ngày anh có những bài thơ tiếng Anh được xuất bản.

Con đường vòng ấy tuy khá khúc khuỷu nhưng rõ ràng không phải là vô ích. Quá trình làm-nghệ-thuật-ngoài-thơ-tiếng-Việt ấy cũng chính là quá trình tích luỹ kỹ thuật và nhất là kinh nghiệm mỹ học rất cần thiết cho mọi người sáng tạo dù ở bất cứ loại hình nào.

Nhờ sự tích luỹ ấy, Lê Văn Tài đã nhanh chóng tự khẳng định được bản sắc của mình ngay từ những bài thơ đầu tiên anh viết bằng tiếng Việt. Bản sắc ấy, như anh tự tổng kết, một cách gián tiếp, trong nhan đề tập thơ anh định xuất bản,[9] được kết tinh từ một thứ thẩm-mỹ-trâu-bò-húc. Đã trâu. Đã bò. Lại là trâu bò húc. Mà vẫn là thẩm mỹ.

Nhưng tại sao lại không chứ?

Lê Văn Tài đã kết hợp được trong thơ anh bao nhiêu là sắc thái khác nhau, từ cái tục của ngôn ngữ đến cái ngổn ngang của văn xuôi, cái rối rắm của cảm xúc, cái phức tạp của tư duy, cái xô bồ trong liên tưởng, cái đứt đoạn trong cấu trúc, và cả cái gồ ghề khấp khểnh thô nhám bụi bặm của cuộc sống hàng ngày. Trong sự kết hợp ấy, nổi bật lên vai trò của Lê Văn Tài - hoạ sĩ. Có thể nói, thơ Lê Văn Tài, trước hết, là thơ của một hoạ sĩ, ở đó, một trong những nét mạnh rõ rệt nhất chính là ở hình tượng. Trong thơ anh không hiếm những hình tượng lạ; ví dụ, anh viết về thời gian: “hạt thở xâu chuỗi ngọc quá khứ” (Thời gian); về biển: “vuông lụa mặn” (Gò đất); về mây: “đám mây ổ gà” (Ký ức lừa và chiếc ách tư duy); về mặt trời giữa trưa: “mặt trời – con dấu sắt nung đỏ      toàn trị” (Ước thấy một ngụm tự do… mưa); mặt trời đang lặn, nằm chênh vênh trên đỉnh núi: “mặt trời ngủ       cong” (Giữa xưa và nay);[10] về trăng: “trăng non sưng phổi” (Bên kia vô hạn); về cảnh hút bụi ngay trong nhà của anh: “những chiếc ghế mất trinh chỏng chơ nằm trên mặt bàn khuya chủ nhật / cái máy hút bụi ăn rác không ngừng thở” (Bầu trời du mục); về một ánh chớp: “lưỡi cưa trời”, về những chiếc lá đỏ rụng vào mùa xuân:

Chiếc lá khắc đồng
màng trinh mùa xuân cổ điển            rỉ máu
nát nhàu mặt đất            treo
[...]
gió      đứng lặng
                               nhìn hoe
                                                 mắt đỏ.
(“Triển lãm ngoài trời”)

Những hình ảnh ấy, nói theo Tiến sĩ Mark Stenvenson, có thể “làm thay đổi cách nhìn và cách đọc” của chúng ta.[11]

Con đường vòng gần nửa thế kỷ đến với thơ đồng thời cũng là một quá trình chiêm nghiệm đầy những trăn trở và những khắc khoải về thơ và về đời người. Có lần, trong bài thơ “Sáng tạo lão”, anh tự nói về anh như sau:

Lão 60 mi phì phèo nước miếng làm mưa phun bắn miệng trời
đái vung một đường cong ngoằn ngoèo — sông chảy
nguệch ngoạc vẽ vời cùn que — đùn cát
mi hoán đổi vị trí lỗ tai mù vào trái tim câm và cái mũi điếc
vào khối óc lạnh để nghe/ngửi mùi bi bô ngọng nghịu — đàn môi
mi thả con thuyền lá vào đại dương — chiếc thau nhựa sóng sánh
mi cong chân quẫy đạp mười phương địa cầu — cái đu bay quay
mi cắt những mảnh giấy màu hình ông sao, mơ trăm năm sau
đội đầu nhật nguyệt
mi xếp những hòn đá chữ “địa”— viên bi chai
và đặt đít ngồi lên chỗ không là gì cả
giấc mơ — chiếc nôi tay mẹ đòng đưa.

Lê Văn Tài muốn đóng vai một đứa bé 60 tuổi “phì phèo nước miếng làm mưa phun bắn miệng trời / đái vung một đường cong ngoằn ngoèo”. Tuy nhiên, ở “đứa bé” ấy, người ta dễ dàng bắt gặp những suy tưởng vô cùng sâu sắc, đặc biệt về thân phận của một người nghệ sĩ trong xã hội, kẻ “đặt đít ngồi lên chỗ không là gì cả” (Sáng tạo lão), kẻ “làm cuộc đối thoại không có nơi khởi đầu / không có nơi kết thúc” (Ai sinh tôi ra), kẻ “gieo hạt” mà “không mong đợi gì” (Điểm đứng), và cũng là kẻ bị “rượu rót [...] vào ly” (Rót) để đắm chìm trong những cơn say triền miên.

Tự nói về mình, Lê Văn Tài cũng phác hoạ lên được chân dung của người nghệ sĩ lưu vong nói chung. Ngày xưa, người ta xem nghệ sĩ như những trích tiên bị đoạ đày. Huống gì là nghệ sĩ lưu vong: hai lần bị đoạ đày.

Đâu có gì lạ khi nghe trong giọng thơ của Lê Văn Tài, bên cạnh tính chất triết lý, lúc nào cũng có cái gì như hiu hắt.

Ừ. Thì cũng hiu hắt như phần lớn triết lý và thơ từ xưa đến nay vậy mà.

 

(Còn tiếp hai kỳ)

 

_________________________

[1]Huỳnh Hữu Uỷ, “Nghệ thuật tạo hình Sài Gòn trước 1975”, Hợp Lưu số 10 (4&5/1993), tr. 133.

[2]http://adm.monash.edu/records-archives/archives/memo-archive/2004-2007/stories/20050504/vietnam.html

[3] http://merrillfindlay.com/?page_id=1486

[4]Ví dụ, trong cuốn Sharing Fruit, an Anthology of Asian and Australian Writing do Erica Manh biên tập và được Curriculum Corporation xuất bản năm 1998, được sử dụng như một tài liệu tham khảo về văn học Úc và Á châu cho học sinh tại Úc, chỉ có ba tác giả Việt Nam được chọn: Bảo Ninh (một trích đoạn trong bản dịch cuốn Nỗi buồn chiến tranh), Phạm Thị Hoài (một trích đoạn từ bản dịch cuốn Thiên sứ) và bài thơ “A cow wears the hat, it was me” của Lê Văn Tài. Trong cuốn này, Lê Văn Tài được giới thiệu là “một nhà thơ và một nghệ sĩ tạo hình tài năng, một người Việt Nam đến tị nạn tại Úc từ năm 1984. Ông đã xuất bản hai tập thơ bằng tiếng Anh và thường xuyên triển lãm hội hoạ và điêu khắc. Hiện ông đang sống tại Melbourne.” (tr. 165)

[5]Trọn bài thơ “Separated Lover” như sau:

Outside
It rains fine
In the garden
The sunny light falls;
 
My heart, feeling
Heavy drops
And tears, is turned
Around and over…
 
On that homeward way
Has it wet
Your hair,
Has it wet
Your eyes?...

[6]In ở bìa sau cuốn Waiting the Waterfall Falls (1997).

[7]Mark Stevenson, “Le Van Tai and the Living Page: Review of Waiting the Waterfall Falls”, The Age, ngày 15.3.1997.

[8]Có thể xem toàn bộ 8 số Việt (1998-2001) trên Tiền Vệ: http://tienve.org/home/viet/viewVietJournals.do

[9]Nhan đề tập thơ là “Thẩm mỹ trâu bò húc”.

[10]Các khoảng trống giữa một số chữ ở đây được giữ nguyên như trong thơ của Lê Văn Tài.

[11]Mark Stevenson, “Le Van Tai and the Living Page: Review of Waiting the Waterfall Falls”, The Age, Feb. 1997.

 

 

------------------

Bài liên quan:

[CHUYÊN ĐỀ LÊ VĂN TÀI] ... Anh đã gục đầu, khuôn mặt đổ xuống song song với mặt đất, hoàn toàn bất động, không dựa vào người bên trái, không nghiêng vào vai người bên phải, không ngả ngửa phía sau, không đổ gục đằng trước. Không một ai, trong lúc quá chén, dù ráng hết sức bình sinh có thể ngồi một cách cổ quái như vậy... (...)
 
Chờ lão tám mươi  (tiểu luận / nhận định)  - Nguyễn Hoàng Văn
[CHUYÊN ĐỀ LÊ VĂN TÀI] ... Sáu mươi tuổi, anh giương cu “đái vung một đường cong ngoằn ngoèo — sông chảy”. Sáu mươi lăm tuổi, anh “ngỏng-cu buồn tè, thi hứng dội tuôn mưa dông ngàn trộ”. Bảy mươi tuổi, anh “trừng mắt, đèn chong nhìn xem các góc xó lịch sử, bầy muỗi lũng sâu trí trá đã làm gì”. Anh là Lê Văn Tài, một nhà thơ lửng lơ với hoạ, một hoạ sĩ lơ lửng với thơ và, sau hết, một nghệ sĩ lơ lửng với đời…. (...)
 
Lê Văn Tài – “polyartist”  (tiểu luận / nhận định)  - Hoàng Ngọc-Tuấn
[CHUYÊN ĐỀ LÊ VĂN TÀI] ... Theo tôi, Lê Văn Tài là một “polyartist”, ít nhất trong hai lĩnh vực hội hoạ và thơ. Trong suốt mấy mươi năm sống gần với anh, tôi thấy anh không bao giờ ngưng “làm việc”. Hết vẽ, thì làm thơ; làm thơ xong, thì lại vẽ; vì bên trong anh, hai nghệ sĩ ấy không ngừng tranh nhau phát tiết... (...)
 
Lê Văn Tài và trang thơ sống  (tiểu luận / nhận định)  - Stevenson, Mark
[CHUYÊN ĐỀ LÊ VĂN TÀI] ... Hãy tìm đến với Lê Văn Tài, nhà thơ kiêm hoạ sĩ Úc gốc Việt. Cũng như tất cả những tác phẩm nghệ thuật sáng giá, tranh và thơ của ông sẽ làm thay đổi cách nhìn và cách đọc của bạn. Lê Văn Tài là một con người vùng vẫy giữa hai bờ, đứng chênh vênh giữa hình tượng và văn bản, giữa bầu trời và mặt đất, để mang màu đen và màu trắng vào nhau. Ông viết và vẽ những hình ảnh đẹp rợn người... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

-------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021