thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƠ [II]
(Bản dịch Diễm Châu)
 
Bản dịch này để tưởng nhớ
Trần Tuấn Nhậm
Thế Nguyên
Nguyễn Khắc Ngữ
và để thân tặng
tất cả các anh em Trình bầy.
 
DIỄM CHÂU
 
...người thi sĩ và nghệ sĩ xứng với danh hiệu biến đổi và tái tạo thế giới này bằng sức mạnh của khiêm tốn hoặc bằng sức mạnh của nổi loạn, nhưng bao giờ cũng với một cùng đích riêng biệt: giải phóng... làm sao người thi sĩ ấy, ngay như chỉ kể với tư cách một con người, lại có thể không mong muốn đập nát một lần cho xong, tất cả những gì giới trưởng giả đã thỏa thuận, đập nát tất cả những thứ đức hạnh keo kiệt bần tiện của nó, những cảm nghĩ chiếm hữu, bụng bự của nó, những thứ mà nó đã biến thành định mệnh, khạc nhổ lên hết mọi sự hãy còn huyền diệu và khai mở cho phiêu lưu mạo hiểm? Làm sao người thi sĩ (ở bên trong hay bên ngoài) lại có thể không mong ngóng biến đổi khuôn mặt của cái thế giới ích kỷ, thú vật, thảm khốc này, biến đổi nó với một cùng đích riêng biệt: cuối cùng đạt tới người. Là vì hằng triệu người trong chúng ta vẫn chưa trở thành người, và tôi vẫn còn có thể thấy quá rõ những đôi môi đau đớn ấy, những đường hằn khủng khiếp ấy của đói khát, nghèo đói và nhục nhã tàn tệ!
 
VLADIMÍR HOLAN, tháng Năm, 1946.
 
 

BA CÂU HỎI

 
Thế tiếng hát là gì? Cả tiếng hát nữa cũng là: nghe rơi rơi
những giọt máu từ tai bên phải của Pilate,
vành tai bị ánh trăng đầu tiên chặt đứt.
 
Thế tiếng hát là gì? Cả tiếng hát nữa cũng là: nghe rơi rơi
những giọt máu từ tai bên trái của Pilate,
vành tai bị tia nắng đầu tiên chặt đứt.
 
Lúc đó người kia liền hỏi: “Thế chân lý là gì?”
 
 

LUÔN MÃI

 
Không phải là tôi không muốn sống, nhưng đời sống
quá nhiều dối trá
khiến ngay như tôi nói đúng
tôi cũng vẫn phải tìm kiếm sự thật trong cái chết...
 
Thế tuy nhiên, đó lại chính là điều tôi đang làm...
 
 

MI LASCIO –*

 
Đêm nay tôi đọc thấy trong một cuốn sách nhỏ về thiên văn
rằng có những vì sao đã rất già
và gần tắt... Biết được tin ấy,
tôi liền mở cửa sổ
và tìm kiếm vì sao trẻ nhất... Nhưng tôi đã chỉ
tìm thấy những đám mây, trong lúc một tiếng cười đê tiện
(tựa gió hú trong ống khói của một lò hỏa táng)
khiến tôi nhận ra
một vì sao trong khoảng không giữa các vì sao, và vừa đúng
lúc hừng đông bắt đầu ló dạng...
 
Hỡi người tôi yêu, làm thế nào để yêu mà không phải tuyệt vọng,
Làm thế nào để tuyệt vọng mà không trở thành điên?
 
----------------------------------------------------------------
* Tựa đề bằng tiếng Ý: “Tôi để cho mình –” (người dịch)
 
 

NHỮNG NGÔI NHÀ

 
Những ngôi nhà với những bàn chân mỏi mệt
có nhiều cầu thang hơn.
 
Những ngôi nhà với những bàn tay co quắp
có nhiều tay vịn hơn.
 
Những ngôi nhà với những đôi mắt lóa
có nhiều ánh đèn hơn.
 
Những ngôi nhà với những trái tim tan nát
làm bằng xi-măng.
 
Những ngôi nhà của cái chết dần mòn
có một hộp đêm ở tầng cuối.
 
 

MUỐN HÁT

 
Buổi sáng hôm ấy mi cảm thấy mình muốn hát
và có thể là ai đó không gần gụi mi lắm
đã nhảy theo điệu hát của mi, và, thật tử tế,
đã nhảy tới hai hay ba bài
bất kể những lời ca kinh khủng của mi...
 
Và mưa trên đám rau hồi cũng thật dễ thương,
và con chim sẻ rất dễ thương,
con chim sẻ vẫn còn to như vào thời các ông vua cổ Ai-cập
và người đàn ông ấy thật dễ thương
người đàn ông đạp xe đạp qua lối cây mơ sũng nước,
rồi nhẩy xuống, không có lý do nào rõ rệt,
dựa chiếc xe vào bức tường nhà xác, và biến mất...
 
Nhưng mi vẫn tiếp tục hát: mi nhìn thấy một dáng người, không phải một bóng ma,
ấy là một ảo giác, không phải cảnh tượng thật,
trên cái nền sâu thẳm, mọi sự đều mang dáng dấp người,
không cần phải điền khuyết cái gì thiếu sót
kể chi tới (như người ta nói) hoàn tất số mệnh mình.
 
Ấy tuy nhiên, vào một lúc như thế
khi ca hát trở thành chính sự viên mãn của cuộc đời viên mãn,
bỗng dưng, chúng ta được biết, mối tình đầu của chúng ta
đi lấy chồng...
 
 

CÒN

 
Còn một kỷ niệm nữa, trước khi chúc các người ngon giấc...
Lúc đó khoảng một tiếng đồng hồ trước khi có tin
vụ mưu sát ở Sarajevo –
ta còn nhớ, đang ngồi với cha mẹ
trong một quán ăn ngoài trời, nghĩa là: dưới hàng cây hạt dẻ.
Trời nóng nực oi bức phải rưới bia Pilzen,
và có lẽ có cả nhạc, ta không còn nhớ nữa...
Nhưng ta sẽ không bao giờ quên được ông già đó
người đã tiến lại bàn ta
theo sau có một đứa trẻ khoảng lên mười...
Lúc đó ta cũng chẳng lớn gì hơn thằng nhỏ...
Nhưng đến nay ta vẫn còn nhìn thấy ông già kia
người có một con trăn quấn quanh cổ,
một con trăn nhồi
mà ông cho coi để đổi lấy một ngụm bia
hay một đồng tiền... Ta hãy còn nhìn thấy đôi mắt ông
và đôi tay ông run run và chút mạt cưa
thoát ra từ con trăn. Và ta cũng thấy
thằng nhỏ đi lượm tiền để sau đó, vào một lúc
cha nó mải uống bia và quay lưng lại,
nó liệng vô miệng một đồng năm xu hay hai mươi xu...
 
Ngủ ngon...
 
 

VÀ TỪ ĐÓ CHỈ CÓ NỖI ĐAU

 
Thế là cũng đã khá lâu vị thần của tiếng cười và những khúc ca
đã khép lại vĩnh cửu sau lưng mình.
Kể từ đó chỉ đôi khi
còn vang lên nơi chúng ta một kỷ niệm héo hắt.
Và từ đó chỉ có nỗi đau 
còn lớn ngang với vóc dáng con người.
Nỗi đau luôn luôn lớn hơn con người,
thế nhưng chính nó lại phải bước vào trái tim hắn...
 
 

THĂM MÁ SAU NHIỀU NĂM

 
Ấy là lúc ngọn lửa trong lò sưởi
phải phủ tro lên...
Đôi tay bà mẹ già của mi sẽ làm điều ấy,
đôi tay run rẩy, nhưng đôi tay
mặc dù run rẩy vẫn đem lại
niềm tin tưởng... Được đôi tay ấy xoa dịu mi thiếp đi
và mi cảm thấy mình khỏe khoắn... Thói quen, hơi ấm, toàn phúc và bình yên,
sự thân thuộc của hơi thở với một điều gì đó gần như man dại như thiên đường,
được cho những thứ ấy cũng là cho đi,
khi mi buông mình:
chúng phủ nhận là mi đã ngoài bốn mươi.
Và quả thật, nếu mi có nức nở đôi chút vào lúc hừng đông,
thì đó cũng chỉ là vì một đứa trẻ không bao giờ cười khi mơ,
một đứa trẻ bao giờ cũng khóc... Một đứa trẻ!
 
 

HỪNG ĐÔNG

 
Đây là lúc một vị linh mục đi làm lễ mi-sa
trên lưng thằng quỷ.
 
Đây là lúc chiếc va-li nặng nề của hừng đông
dùng xương sống của chúng ta làm móc kéo răng cưa.
 
Đây là lúc trời đông giá và chưa có nắng
thế nhưng mộ thạch lại ấm
vì đang khua động.
 
Đây là lúc mặt hồ đông lại từ bên bờ,
và con người từ trái tim.
 
Đây là lúc những giấc mơ chỉ là
những vết chích của bọ chét trên da thịt Marsyas.
 
Đây là lúc những mình cây, bị một con nai cái gây thương tích,
đang chờ nó tới liếm vết nhựa rỉ ra.
 
Đây là lúc những mẩu từ của bộ máy đồng hồ
được lỗ trôn của chiếc đồng hồ thiên văn thâu thập.
 
Đây là lúc chỉ có tình yêu của ai đó
mới dám bước xuống hang thạch nhũ của những giọt nước mắt,
những giọt nước mắt bị bóp nghẹt thầm kín và đã thầm kín soi rỗng hòn đá núi.
 
Đây là lúc mi phải viết một bài thơ
và nói ra tất cả một cách khác, hoàn toàn khác...
 
 

KHÔNG AN TOÀN

 
Nơi chúng ta đang ở lúc này không an toàn.
Có những vì sao nào đó đang sáp lại gần nhau
thật nguy hiểm. Và dưới đây nữa,
có những người tình bị bắt buộc phải phân ly
để thời gian có thể được gia tốc
bằng nhịp tim của họ.
 
Chỉ có những kẻ dại khờ mới không tìm kiếm hạnh phúc...
 
 

GẶP GỠ TRONG THANG MÁY

 
Chỉ có hai chúng tôi bước vào thang máy.
Chúng tôi nhìn nhau và chẳng nghĩ tới gì khác.
Hai cuộc đời, một khoảnh khắc, viên mãn, toàn phúc...
Nàng bước ra ở lầu năm và tôi, còn đi nữa,
tôi biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại nàng,
rằng cuộc gặp gỡ này chỉ có một lần trong đời và chẳng bao giờ còn lại nữa,
rằng ngay như tôi có bước theo nàng, thời cũng thể một người đã chết,
và ngay như nàng có trở lại với tôi,
thời nàng cũng sẽ tới từ thế giới bên kia.
 
 

TUYẾT

 
Tuyết bắt đầu rơi vào lúc nửa đêm. Và quả thật,
ngồi trong bếp vẫn là hay hơn hết,
ngay như đó cũng chính là nơi của mất ngủ.
Ở trong bếp thật ấm cúng, mi hâm cho mi một chút gì, mi uống rượu
và qua cửa sổ mi nhìn cái muôn đời quen thuộc.
Tại sao lại bận tâm tìm hiểu phải chăng sinh và tử chỉ là những điểm,
khi mà mi biết rằng đời sống chẳng phải một đường ngay.
Tại sao lại tự dầy vò khi nhìn thấy tấm lich
và ái ngại cho cái giá trị đang lâm nguy.
Tại sao mi lại chấp nhận cái ý nghĩ là mi chẳng có
chút gì để tặng Saskia đôi giầy?
Và bởi đó tại sao mi lại tự phỉnh phờ
rằng mi đau khổ hơn người khác?
 
Nếu như không có im lặng trên trái đất,
hẳn cơn tuyết này cũng đã bày ra trong giấc mơ của nó.
Mi có một mình. Không được làm một cử chỉ. Không được có một điều gì khiến người ta có thể thấy.
 
 

NHỮNG DÒNG THƠ

 
Đây là lúc bắp cải được dọn lên cùng phẫn nộ
và thịt bê với oán thù,
đây là lúc cái chết rút rượu ra từ bóng đêm,
đây là lúc anh càng mù anh càng trừng mắt,
đây là lúc những đường phân ranh cánh đồng bị cày lên,
đây là lúc giọt nước mắt nóng hổi biết
rằng nó khóc một mình,
đây là lúc con chó sói giật lấy thư từ và sách,
đây là lúc ánh đèn rọi quét lên trí óc,
đây là lúc anh không thể yêu chính nỗi bất hạnh của anh
bởi nó là của hết mọi người.
 
 

HỒI NIỆM II

                       Tặng Frantisek Tichý
 
Sau nhiều giờ đi dọc ngang trong rừng
hoài công tìm kiếm cây phiền lộ,* chúng tôi bước ra
vào lúc giữa trưa và dừng lại nơi khoảng đất hoang.
Không khí là một tấm kim khí nóng bỏng. Chúng tôi ngước nhìn
qua sườn đồi đối diện với những khóm cây bờ bụi
bao trùm rậm rạp. Chúng cũng im phăng phắc như chúng tôi lúc ấy.
Tôi mới toan cất tiếng hỏi một điều gì đó
thì giữa đám cây lặng tờ bất động,
ảo huyền đến nhói xương sống, chỉ riêng có một cây,
ở độc một nơi,
đột nhiên bắt đầu rùng mình
như một nốt nhạc, nhưng không có âm thanh.
Có thể nói ấy là một niềm vui nhẹ nhàng thơ thới,
cái tinh chất của phiêu lưu.
Nhưng rồi cái cây bắt đầu rì rào
như bạc sì sèo khi trở thành đen.
Rồi nó bắt đầu rung lên
như chiếc váy của một người đàn bà chạm phải
quần áo đàn ông khi ngồi đọc sách ở một trại điên.
Thế rồi cái cây bắt đầu run run và lay động,
như thể bị ai đó lắc lay
trong lúc chăm chú nhìn vào vùng sâu thẳm mắt đen của tình yêu –
và tôi cảm thấy như trời muốn mình phải chết đúng lúc ấy...
 
“Đừng lo,” cha tôi bảo, “ấy là một cây liễu rung lá vàng!” **
Nhưng tôi còn nhớ tới ngày nay cái nét mặt tái đi của người
khi chúng tôi trở lại đó lúc sau
và thấy một cái ghế bỏ không dưới gốc cây...
 
-------------------------------------------------------
* pimpernel (Anh), mouron (Pháp), một thứ cây lá cỏ ngày xưa dùng để tháo mồ hôi và lợi tiểu.
** aspen (Anh), tremble (Pháp): cây hoàng diệp liễu. (người dịch)
 
 

SAU LỄ THÁNH MARTIN II

 
Sau lễ thánh Martin ít lâu...
Tôi đang bước qua cánh đồng
Gahatagat... Cảm thấy thật lạ thưởng
đến không còn biết hôm ấy là thứ mấy...
Nhưng tuyết rơi cũng đã khá lâu...
Có những đợt tuyết lớn...
Và gió thổi rất mạnh  
khiến tôi phải cúi mặt
và đột nhiên nhìn thấy với một trái tim co rúm:
ở mỗi bước trước mặt
đều có một vết chân còn mới...
 
Chung quanh không có lấy một bóng người...
Vậy thời ai đang bước trước tôi?
Ấy chính là tôi đang bước trước bản thân...
 
 

MỘT BUỔI SÁNG

 
Một buổi sáng, khi mở cửa,
mi thấy một đôi giầy khiêu vũ trên ngưỡng cửa.
Mi thèm được ôm hôn chúng và ấy là điều mi đã làm tức khắc,
và đột nhiên, sau bao năm, mi cảm thấy niềm vui,
những giọt nước mắt đã từ bao lâu nay mi dồn nén
bỗng rưng rưng trong một nụ cười,
rồi mi đã cười vang và hát với tất cả tâm hồn
trong một phút im lặng thật trẻ trung...
Và mi đã không hỏi ai là người đẹp ấy
kẻ đã đặt đôi giầy trên ngưỡng cửa.
Và mi đã chẳng bao giờ biết được điều đó,
dẫu cho cái khoảnh khắc hạnh phúc này
vẫn còn giúp mi sống rất nhiều khi...
 
 

VỊ LINH MỤC GIÀ

 
Chúng tôi đã gặp nhau trên cầu Charles một ngày trời tuyết.
Tôi không gặp ông đã gần hai mươi năm nay.
Chắc là lúc đó tôi đã ta thán, vì ông an ủi tôi,
và khi tôi nói tới tội lỗi, ông liền bảo tôi thật tế nhị:
“Phải rồi, nhưng làm sao người ta sẽ nhận ra con
vào ngày Phán xét cuối cùng!”
Và như thể thế chưa đủ, ông bỗng thêm:
“Con à, ta thấy dường như lúc này, trong thơ,
con coi rẻ sự trừu tượng... Cái ao ước giản dị của con
quả là đáng ca ngợi thật, nếu như nó tinh tế...
Nhưng con, như thể qua một phần tâm hồn con,
cái phần phiêu lưu nhất,
con vẫn không muốn thuộc về Chúa.
Vậy là con không ưa uống chút rượu sao?”
 
 

Ở NHÀ

 
Mi khổ tâm muốn biết phải phân định phần thắng lợi về ai,
về vật chất hay sự phi-vật chất của linh hồn,
và đồng thời mi cảm thấy mình thật lẻ loi,
bị phân cách với những người thân bằng khuôn mặt câm nín của cánh cửa...
 
Chuyện đó kéo dài đã nhiều đêm tròn, cho tới một buổi sáng
khi đứa con gái nhỏ của mi, chưa đầy ba tuổi,
đã với tới cái then cài và mở...
 
Ấm lòng xiết bao, ấm lòng xiết bao, vì quả thật
vị thiên sứ có nghĩa của sứ điệp...
 
 

CHÚA ÔI, NGƯỜI BIẾT ĐÓ

 
Chúa ôi, Người biết đó: vui hay buồn thật lắm lời.
Ngay cả kẻ hoàn toàn bị loài người,
những bóng ma, con thú và sự vật bỏ rơi,
ngay như kẻ nói một mình
cũng không chỉ nói cho mình hắn!...
 
 

XA TRONG ĐÊM TỐI

 
Vậy thời ai đã đánh thức mi trong im lặng, như mê hoặc?
Và làm sao
đột nhiên mi lại thấy một ngôi giáo đường nho nhỏ cách đây một dặm đường,
ngôi giáo đường nơi ngày xưa mi đã được rửa tội,
và trong tiểu giáo đường này một câu chuyện cổ dân gian, lưỡi dao cầm sẵn trong tay bị chận lại,
trước một tấm bia mộ đổ mồ hôi?
 
Phải chăng mi sợ tìm ra điều bí ẩn của tổ tiên?...
 
 

ĐÊM

 
Ngay cả Homère trước Hélène
cũng không khốn khổ đến thế, là vì lúc đó ông si tình,
và không phải ông si tình ái,
mà là si sắc đẹp. Không, ngay cả Homère
trước Hélène cũng không khốn khổ bằng mi,
hôm nay si tình kẻ
đem lên máy ép của trăng những tấm vải liệm người còn sống...
 
 

PHỤC SINH

 
Sau cuộc đời ở chốn này, một ngày kia chúng ta sẽ được đánh thức dậy
bằng những tiếng tù-và và kèn quân khủng khiếp?
Hãy tha thứ cho tôi, lạy Chúa, nhưng tôi mong mỏi
rằng sự bắt đầu và phục sinh của chúng tôi, những người đã chết
sẽ được báo trước bằng tiếng gáy của một con gà...
 
Chúng ta sẽ nằm lại lâu hơn một chút...
Người chỗi dậy trước nhất
sẽ là mẹ... Chúng ta sẽ nghe tiếng mẹ
lặng lẽ nhóm lửa,
lặng lẽ đặt ấm nước,
và nhẹ nhàng lấy cái cối xay cà-phê từ trong trạn ra.
Chúng ta lại trở lại nhà.
 
 

THOÁNG THẤY

 
Nàng được thoáng thấy
từ một chuyến tàu tốc hành lấy bóng làm thật...
Nhưng quả là nàng đẹp thật
và để đầu trần
để đầu trần như thể một thiên thần
đã để quên đầu mình ở đó
và gỡ chiếc nón nhỏ ra...
 
 

VÀO THÁNG CHÍN, KHOẢNG HAI GIỜ SÁNG

 
Bên ngọn nến tắt, đôi khi mi cảm thấy rằng trong cuộc đời này
mi đã thực sự hiểu biết. Lại cũng có thể nói thật đúng:
rằng mi đã trở thành đui mù, ở nơi mà lẽ ra mi đã phải nhìn thấy...
Những năm tháng trẻ tuổi của mi, mi đã để lại đó,
nơi đất tốt, nhưng trên con đường lầm lạc,
và giờ đây hiển nhiên là mi đã già và âm thầm đau yếu...
 
Nhưng đừng sợ, mi chưa chết đâu,
cái chết mới tới cuối vườn cây ăn trái
và lay động cây mơ...
 
 

THỨC GIẤC

 
Một tiếng đập nhè nhẹ ở cửa sổ đánh thức tôi,
tôi dậy coi ai đó.
Nhưng chỉ có đêm tối, một cây liễu và một cái giếng đã khô
và trong tay một cái đáy ly
hiện ra trong im lặng.
 
Nhưng khi tôi muốn đi nằm lại,
tôi đã thấy trong lớp chăn mền lật bật
kẻ nằm ngủ: ấy là chứng điên rồ của tôi.
 
 

CÓ AI ĐÓ

 
Có ai đó đã nói với mi trong mơ: Cách đây một ngàn năm...
Không có gì khác hơn thế: Cách đây một ngàn năm...
Mi giật mình tỉnh giấc và đây là hiện tại
bị khuấy động bằng những máy bay siêu thanh, đang trên đường
bay tới tương lai nơi, một lần nữa,
bên trên đầu những người chết chúng lại sẽ là
cái can đảm của loài ruồi mà Homère từng nói tới...
 
 

SƠ LƯỢC

 
Con người: đôi khi, nhưng chỉ đôi khi.
Thiên nhiên: mãi mãi, nhưng chỉ mãi mãi.
 
Chỉ có thời gian là thành tựu...
 
 

VĨNH BIỆT

 
Cơn giông lại thổi trên bầu trời u ám của định mệnh.
Ý thức cảm thấy mình mỏi mệt 
nghi ngại lúc xác thân xoay trở như một cái bao tay.
Ai đang nhảy múa với chiếc áo choàng có cánh của con cú?
Ai đã trở thành câm nín vì tiếng gẫy đổ của những gì mình thoáng thấy?
Nước giếng thu hút người thiếu niên. Kẻ lớn khôn đi tìm nguồn suối.
Tất cả những chuyện này đã thật xa. Có những từ
ta không nên nói tới.
Mi sẽ chẳng bao giờ giữ được lời hứa hẹn.
Một kẻ chết đã mơ ước đôi mắt mi.
 
 

CÁC NGƯỜI CÓ THỂ

 
Trong ta có chỗ, hơn nữa có cả không gian
cho nỗi muộn phiền và những lời phạm thượng của các người,
và cho niềm vui của các người nữa. Không, không có gì ngăn cản các người
bước vào trong một ngày nắng lớn
và không phải chỉ khi trời giông bão...
Nơi đây, các người có thể khóc và nguyền rủa
và kề bên sự huyền nhiệm, có thể cất tiếng cười, kể cả cất tiếng cười –
không ai sẽ ngăn cản các người lại ra đi.
Ta, ta ở đó. Và các người chỉ ghé qua...
 
 

 
Có những cuốn sách
tự mình mở ra.
Linh hồn cũng biết làm tình. Đây là lúc
những người chết gặp kẻ không sinh ra...
 
Nhưng ở nơi xa xa, ngoài kia,
có nhiều người hơn là con người,
nhưng ở nơi xa xa, ngoài kia,
có nhiều vũ trụ hơn là Thượng đế...
 
 

SAO LẠI HÔM NAY

 
Mi biết rất rõ là nỗi đau sẽ chẳng kém
khi ta đem so sánh với một nỗi đau to lớn hơn,
nhưng làm sao mi lại có vết máu đó trên tay?
Bởi mi chưa từng giết ai, 
mi không bao giờ làm điều đó, cũng sẽ chẳng bao giờ
mi làm điều đó, mi chỉ chuẩn bị làm điều đó mà thôi,
thế thì tại sao lại phải là hôm nay?
 
 

CAY ĐẮNG

 
Mi ở đây chưa lâu,
nên chẳng ích gì mà thử
xem cánh cửa có còn cọt kẹt hay không,
cũng chẳng ích gì mà nhìn thấy
rằng cây du xinh đẹp đã bị đốn,
cũng chẳng ích gì mà nhìn thấy bức tường gợn những vết nhăn
mà giống cây leo vô tâm chằng chịt như những mạch máu còn ghi dấu –
cũng chẳng ích gì mà bước vào ngôi nhà đổ nát này,
nơi hầm rượu và trần nhà ngày trước
từng vang dội tiếng cười...
 
Để chắc chắn thật cay đắng rằng mi còn sống,
mi chẳng cần đến người chết...
 
 

NỮA

 
Thế là một lần nữa, đêm tối, mi lại thông đồng với thiên nhiên,
và một lần nữa mi lại tra hỏi ta?
Thôi được, ta đã yêu sự sống đấy,
và bởi thế mà ta đã làm thơ về cái chết rất thường.
Không có cái chết, không thể nào cảm thấy sự sống,
với cái chết, sự sống cũng chỉ là quan niệm được,
và bởi đó thật phi lý...
 
 

THU

 
Cái cây hãy còn vài chiếc lá
nhưng không còn bao phủ bằng lá nữa,
là vì nó muốn chuyện trò
với một thế giới huyền nhiệm hơn
nơi nó sẽ đơn độc
hay có lẽ ẩn danh nữa...
Và pho tượng dưới cái cây,
được nuôi bằng chất béo của đôi hông,
không còn biết nghĩ gì về tương lai hết
khi nó không tin tưởng ở con tim...
 
Còn trẻ con? Trẻ con không muốn một trái táo,
chúng bao giờ cũng muốn một trái táo lớn hơn...
Còn Adam? Adam đã có cơ may trở thành bất tử
chỉ một lần, nhưng ông chết hết mọi lần...
 
 

MẸ

 
Mẹ ơi, con vẫn nhớ mẹ,
và con nhớ mẹ ở nơi làm con đau đớn nhất!
 
Hỡi giọt nước mắt, có phải mi vẫn thế như thời ta còn trẻ,
hay mi cũng già đi, với một người đã già?
 
Biết không phải là thấy. Nhưng nó được lặp lại.
Đó là một trong những lý do chúng ta chết...
 
 

NGHỊCH LẠI

 
Tôi rất muốn nói với em điều đó, nhưng tôi không thể...
Thời gian khiêu vũ dở
trong đôi giầy vẹt gót của thảm kịch,
và nếu nó có đứng ra làm chứng, thì cũng là nghịch lại tình yêu...
Cây có nở hoa cũng vô ích, bởi không có trái...
Cuộc sống trong cuộc sống và con người trong hư vô:
dẫu có xảy ra điều gì chăng nữa, cũng chẳng có gì xảy ra...
Và tiên đoán là gì? Kháng cáo một lần thứ ba?
 
 

NIỀM VUI

 
Những gì các người nói trước rồi sống trải kế đó,
là giành cho người chết... Chỉ có niềm vui
thực sự hiện hữu trong thời gian:
vì chỉ có niềm vui là tức khắc.
Niềm vui là điều hiện diện hơn cả. Dễ chết hơn cả...
 
 

MI NGHĨ TỚI CON TRẺ

 
Mi nghĩ tới con trẻ, nghĩ tới cái ở đây của chúng,
tới cái lúc này và ngay tức khắc của chúng,
không băn khoăn tới thời gian, cũng chẳng cần biết tới
chúng ở đâu... ích lợi gì, chúng bảo,
ngắm nghía mình trong gương?
Và có lẽ chúng nói thế chỉ
là vì chúng chưa từng si mê... Phải,
chỉ có con trẻ mới không cần tới một mình thứ hai...
 
 

CHỈ CÓ CÁI CHẾT

 
Nỗi kinh hoàng xưa, sự ghê rợn cũ –
và nó có khuôn mặt một đứa trẻ... Đó là vì
trong trí tưởng chúng ta
chúng ta không bao giờ chấp nhận nó, bởi vì
chúng ta có mẹ ở bên. Và mẹ
lúc nào cũng hỏi: “Con đã đỡ chưa?”
 
Chỉ có cái chết không hỏi gì hết... Đơn độc...
Nghệ thuật vị nghệ thuật...
 
 

IGITUR III *

                      tặng Jaroslav Seifert
 
Rất có thể thế: đợi chờ
trong những hành lang ấy
nơi người ta tiện tặn hơi gaz,
nơi chuyện đó vẫn kéo dài thêm mãi,
nơi không một ai có chút lý do nào để bào chữa,
rốt cuộc và bất chấp tất cả
tin chắc rằng mình ít nhất sẽ tìm lại được
chính bản thân hai lần...
 
Ghê rợn phát run lên được ư?
Ồ, có gì đâu! Cả đến pho tượng kia
nếu không muốn đổ xuống, cũng không thể
mất đi niềm luyến tiếc cuộc sống!
 
----------------------------------------------------------------------
* Tựa đề bằng tiếng La-tinh, có nghĩa: “Vậy thời”. (người dịch)
 
 

 
Tôi rót rượu cho một người mù.
Cầm lấy ly bằng một bàn tay không thể lầm lẫn,
ông nói: “Không có người đâu! Ta chỉ biết
có vật! Chính rượu tự rót rượu đấy
và ly lại cạn ly!
Ta chỉ biết có vật! Thế còn con nít!
Nói coi! bay làm con nít
cho cổ tích
hay cổ tích cho con nít?”
 
 

NHƯ CON TRẺ

 
Sự có mặt của một người đàn bà! Bất cứ lúc nào ư? Ồ không!
Những sự việc kinh qua cùng với nhau có thể là
tình yêu đi ngược lại tình yêu.
Chỉ có trong đau đớn chúng ta mới trở thành như con trẻ:
chúng ta đi tìm mẹ. Ôi một đứa trẻ:
không biết gì và đã khóc!
Chúng ta cũng chẳng biết gì, nhưng chúng ta khóc
lúc sau...
 
 

VÀ Ở ĐÓ

 
“Kìa!” chàng nói, “một bãi tha ma dịch hạch,
và còn lớn hơn cả Đan-mạch!” Một vài cội cây
phải có lý do sao đó mới nhè nhẹ vượt lên
trên những gì ngọn đồi bên dưới chất chứa. Xa xăm
và tuồng như vô tình không nhận ra,
những công viên nho nhỏ với những mình cây mảnh lướt
giao hợp với những ngành hốt-bố dại. Bức tường
không bỏ lỡ điều gì có thể phân cách nó
với cô gái đang chăn ngỗng trên cánh đồng còn chân rạ.
Và ở đó, ở bức tường, chàng nằm
đợi tới lúc cuối cùng chỉ còn lại một mình,
chàng Shakespeare trước-Hamlet
của Hamlet sau-Shakespeare...
 
 

NHỮNG BÀ MẸ SAU CHIẾN TRANH

                                tặng Jaroslav Seifert
 
Có nhiều người cầu Chúa.
Có nhiều người nguyền rủa.
Có nhiều người không chịu tha thứ.
Có nhiều người đơn giản hóa cuộc đời
bằng cách đổ tội cho mệnh số, mặc dù họ chưa từng
biết tới nó thật rõ... Có nhiều người
đã hóa điên... Nhưng chẳng có lấy
một ai muốn
bắt đầu lại cuộc đời mình...
 
Trong lúc vung nắm thóc cho chim bồ câu,
một người trong bọn họ đã gay gắt bảo mi:
“Ta biết thằng con ta
chết đã lâu, nhưng
nó vẫn chưa trả lời thư ta...”
 
 

DONA LACRIMARUM

 
Và những giọt nước mắt đọc gì? Những cuốn sách nào?
Phải chăng ấy là những giọt nước mắt thất vọng
chỉ lật giở tình cờ?
Phải chăng ấy là những giọt nước mắt tự nhận ra mình
trong chỉ một dòng thơ 
và giữ lại nỗi luyến tiếc của một giây?
Phải chăng ấy là những giọt nước mắt
tự nói với chính mình
và bởi thế sẽ khép lại tất cả những trang câm nín này?
 
 

KHÔNG BAO GIỜ I

 
Mi hòa hợp với thú vật,
ngoại trừ một tên chăn cừu giống Đức.
Mi hòa hợp với loài bò sát,
ngoại trừ một giống rắn.
Mi hòa hợp với chim chóc,
ngoại trừ một loài bạc-má xanh.
Mi hòa hợp với những sự vật
chân thật như
tiếng kẹt cửa trong căn nhà của Mozart.
Mi cũng thường hòa hợp với một người,
nhưng không bao giờ với bọn người, không bao giờ với bọn người
đã tàn nhẫn
ép buộc mi phải từ bỏ cuộc đời
ở sân chơi trẻ em...
 
 

TRẮC NGHIỆM

 
Bị tra tấn lâu ngày,
bị bỏ đói và khát, hắn thú nhận
cả đến những giọt nước mắt thầm kín, hắn được phép
uống một giọt. Hắn có uống không? Có...
Thế rồi người ta cho hắn một hạt kê.
Hắn có ăn không? Có... Thế rồi
người ta dọn cho hắn thịt một người bạn tù
đã bị hành quyết. Hắn có ăn không? Có, hắn đã ăn...
Ghê rợn và tủi hổ ta nhận thấy
rằng chuyện này xảy ra bất kỳ lúc nào
cho tới khi nó rơi vào quên lãng già nua.
Đây là một nơi giá buốt lắm.
 
 

THƯ I

 
— Ông sắp chết... Ông đã vui hưởng cuộc đời?
— Phải!
— Vì đâu?
— Có một lần dưới một gốc dương đã già
một cô gái tôi không quen biết đã trao cho tôi
một lá thư rồi bỏ đi...
— Ông đã đọc lá thư?
— Phải.
— Lá thư ấy nói gì?
— Chẳng nói gì hết!
 
 

MÃI MÃI

 
Ta không cảm thấy đói,
thế nên ta sẽ làm điều ấy!
Hết mọi người từ những kẻ sát nhân
tới các nhà chinh phục đều nói thế...
 
Bất chấp những đổ nát, sa mạc, và không người,
quả thật là vẫn còn
bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
 
 
----------
Đã đăng:
 
-------------------------------
Ghi chú ngày 13. 11. 2004:
Bản dịch tuyển tập Thơ Vladimír Holan đã in trong “Tủ sách Thơ”, Trình bầy, Lộ-trấn vào năm 1992. Sách in trong “tủ sách” này được tặng bạn bè người dịch và các thân hữu của nhà Trình bầy, tuyệt đối không bán và nhất là không lưu hành ở Việt-nam.
 
Cách đây chưa lâu, có “nổ ra” một cuộc tranh luận về... thơ, trên một website tiếng Việt ở Đức, trong đó tên tuổi Vladimír Holan và bản dịch này đã được nêu ra, khiến tôi, người biên tập của “Tủ sách Thơ” Trình bầy ở Lộ-trấn, Pháp, lấy làm sửng sốt... Nhất là khi, đối lại sự “ngưỡng mộ Vladimír Holan” của một số bạn... trẻ ở VN, tôi được đọc những ý kiến rất lạ lùng về nhà thơ Tiệp ấy của bạn tôi, Giáo sư-thi sĩ Nguyễn Đăng Thường. Vì bản tính nhút nhát, lại thiếu khả năng tranh luận, tôi tự an ủi: dầu sao, mình cũng là một kẻ triệt để.. tôn trọng những điều xác tín của mọi người... Thế tuy nhiên, tôi vẫn hơi buồn, không phải chỉ là vì thiếu phương tiện để có thể trực tiếp tham dự cuôc trao đổi ý kiến sôi nổi ấy, mà chính là vì ý nghĩ: trong lúc một vài người có thể nói với nhau những điều quá hay ho về Vladimír Holan, thì “quảng đại quần chúng” ở VN, nghĩa là những người rất có thể quan tâm tới câu chuyện của họ, không hề được cung cấp mảy may tư liệu nào về người tác giả mà họ nói tới... Ấy là lỗi tại tôi. Mặc dù, “sớm muộn gì”, tôi vẫn tin, “tự do đọc thơ thế giới phải là một quyền ‘bất khả nhượng’ của mọi người VN…” Và như thế, chính là nhờ Vladimír Holan, nhờ thi sĩ Nguyễn Đăng Thường bạn tôi, với sự hỗ trợ nồng nhiệt của Tiền Vệ, tôi đã có thể thực thi quyền ấy ngay từ bây giờ: “công bố” một phần những bản dịch của mình, bắt đầu bằng bài “Tiếng sấm mùa Xuân” của Lục Nguyên, ngày 6.2 năm nay...
 
Bản dịch Thơ Vladimír Holan, được trình với bạn đọc Tiền Vệ lần này, có đôi điều hơi khác với bản in trước đây: tôi đã sửa lại một vài lỗi ấn loát, như về ngày mất của Vladimír Holan; tôi đã thêm một bài dịch vô tình bị bỏ sót lại của lần in; tôi đã bỏ bớt một bài về Holan, Seifert,.. của Milan Kundera (xin mời bạn đọc xem thêm ở phần thơ Jaroslav Seifert..); và sau hết, vì không có phương tiện sao lại, tôi cũng buộc lòng phải bỏ lại cái vignette ‘ngọn đèn cầy’ rất đẹp của bạn Nguyễn Đăng Thường…
 
Nhân dịp, tôi cũng mạn phép bạn đọc, cảm tạ Tiền Vệ đã cho tôi được “tạm trú” hơn chín tháng qua. Con số tháng ngày này, đối với cá nhân tôi, thật có ý nghĩa. Ngày “tạm vắng...” có lẽ cũng không còn bao xa, xin cảm tạ bạn đọc yêu quý.
 
Diễm Châu
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021