thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gửi người yêu và tin [thư số 6]

 

Đã đăng:

 

Gửi em,

Anh cần nói cho em một bí mật.

Em sẽ là người duy nhất biết anh là tác giả của Trí thức ca.

Ừ, em sẽ hỏi: Trí thức ca là gì? Anh đã viết nó theo đơn đặt hàng đặc biệt của chính phủ. Anh nhận lời với điều kiện là phải biến nó thành một dạng tác phẩm âm nhạc dân gian, nghĩa là một tác phẩm khuyết danh, không có tên tác giả, xem nó như là một sản phẩm tập thể. Với bài ca khuyết danh đó anh được hưởng một khoản nhuận bút khổng lồ mà không một nhạc sĩ hay thi sĩ nào có thể hình dung nổi. Cũng xứng đáng thôi. Tác động của nó là không bờ bến. Anh được đặt hàng để viết một bài ca nhằm ru ngủ giới trí thức. Mục đích là giúp họ ngủ, và để yên mặc cho ai muốn làm gì thì làm, mặc cho mọi thứ xung quanh bị tàn phá, bị chia chác, bị thất thoát và mất mát. Trí thức cần phải ngủ ngon và ngủ ngoan, người đặt hàng nói với anh như vậy.

Nhiều người nghĩ rằng chính quyền chỉ huy động được những cây bút hạng xoàng làm dư luận viên. Người ta cho rằng, thông thường những kẻ dễ dàng bị mua là những người ít hiểu biết, trình độ kém và nhân cách kém. Họ cứ tưởng dư luận viên chỉ biết chửi bới, hạ nhục người khác bằng những chiêu bẩn thỉu, chỉ biết sử dụng thứ từ vựng và loại ngôn ngữ thấp kém, vì thế mà dễ dàng bị đối thủ đánh bại bằng sự cao quý, trung thực và ngôn ngữ của hiểu biết.

Nghĩ như vậy là nhầm, vô cùng nhầm.

Những dư luận viên cao cấp không bao giờ xuất hiện trên cùng một sân chơi với các dư luận viên hạng blogger hay facebooker. Dĩ nhiên là cao thủ nên họ không bao giờ sử dụng ngôn ngữ hạ đẳng, chợ búa hay bẩn thỉu, không bao giờ dùng đến chiêu chửi hay vu khống. Họ cũng không cần dùng nick nam, họ ký đàng hoàng bằng tên thật, kèm theo các chức vụ và chức danh. Họ tạo dư luận một cách rất khoa học, rất chi là khoa học.

Dư luận viên thượng đẳng xuất hiện trên những tạp chí hàng đầu về tư tưởng, về nghệ thuật, về văn học..., hoặc trên truyền hình, trên những tờ báo có lượng tia-ra lớn, trên những website chính thống được nhiều người truy cập, tức là những công cụ thượng đẳng cho hoạt động tuyên truyền. Một số trong bọn họ có thể làm tổng biên tập các tạp chí lớn, có thể nắm giữ những chức vụ hàng đầu của những cơ quan, những viện nghiên cứu, những trung tâm lý luận, những đại học ... tức là những nơi xây dựng nền tảng lý luận cho chế độ.

Anh mắc bệnh nghề nghiệp, mở một cái footnote ở đây, em đừng cười nhé. Anh phải nói có sách mách có chứng, không thì em lại chẳng tin anh, tội nghiệp. Có lần anh tò mò vào đọc một tờ tạp chí xuất bản bằng tiếng Anh nhé, English hẳn hoi đấy, oách không, đừng đùa nghe, tạp chí quốc tế hàng đầu đó. Tạp chí Vietnam Social Sciences của Vietnam Academy of Social Sciences. Anh nhớ đó là số 4 của năm 2013. Chính xác là số 4 đấy, em yên tâm, em có thể tìm số đó dễ dàng thôi. Bài đầu tiên, in trang trọng ở trang 1 là bài của vị GS làm Chairman của Editorial board của chính tạp chí này nghen. Vấn đề cũng rất chi là khoa học và rất chi là quan trọng: “Social responsibility and the subjective role of farmers in argriculture and new rural development”. Ở một đất nước có khoảng tám mươi phần trăm dân số làm nông nghiệp thì đó là một vấn đề quan trọng rồi.

Trong đoạn đầu tiên của bài, cơ sở tư tưởng để giải quyết vấn đề được nêu lên một cách rõ ràng, không thể rõ ràng hơn nữa, không thể khoa học hơn được nữa. Anh trích nghen, để em thấy là anh không bịa: “The Documents of the 7 th, , 8 th , and 9 th Party Congresses of the Communist Party of Vietnam (CPV), along with many Party Resolutions and Directives in these periods showed consistent strategies regarding agriculture, farmers and rural areas; dertermining step by step the significance and importance of a comprehensive development of rural economy and construction of new rural area.” Và rồi ngay sau đó, không thể thiếu được là phải đi xa hơn, ngược trở về với tư tưởng của những cụ tổ nhé: “The role of peasant in revolutions is an important topic in the classical series of Marxism-Leninism”. Tiếp theo cái đoạn dài tưởng nhớ tư tưởng của hai cụ tổ này, ở trang 2, một cách logic sẽ xuất hiện tư tưởng của cụ tổ thứ ba: “In the case of the People’s Republic of China: Mao Zedong was the man who contributed important theoretical discussions on the political potential of the peasantry class. Right from the time of the Farmers in Hunan Survey to be conducted, Mao Zedong saw the tremendous potentiality of this class in the military and political struggles in modern Chiness society. The writings of Mao on peasants set the foundation for a series of important policies by the Communist Party of Chine, with the aim at mobilizing and involving large groups of peasants into political and military movements ”.

Anh chép nguyên văn cho em đấy, không dám sai một dấu phẩy, dù sao anh cũng là một nhà khoa học mà em. Thật là những tư tưởng tuyệt vời phải không, những chân lý của muôn đời, nên muôn đời phải dựa vào để giải quyết các vấn đề thực tiễn, phải không em? Dĩ nhiên, anh không cần dài dòng em cũng hiểu vấn đề nông thôn sẽ được giải quyết như thế nào rồi. Ngài Prof., Ph.D. Chairman cho editorial board của tạp chí này quả thực đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một dư luận viên chân chính. Bởi định nghĩa chuẩn của dư luận viên là: định hướng dư luận. Dư luận viên này thuộc đẳng cấp quốc tế đó em. Ông ta đại diện cho các trí thức nước nhà thực hiện tham vọng định hướng dư luận cho các nhà khoa học xã hội toàn thế giới đấy. Em xem, có mấy người làm khoa học xã hội ở đây công bố được bằng tiếng Anh. Thiệt tình là như vậy đó em. Không dám nói giỡn đâu. Nói giỡn là chết liền à nghen.

Một chế độ muốn tồn tại phải có cơ sở lý luận. Nếu nhỡ xảy ra trường hợp chế độ đã ra đời rồi mà chưa có nền tảng lý luận hoặc có rồi mà chưa vững chắc thì phải nghiên cứu tìm cho bằng được cơ sở lý luận phù hợp. Đấy là mục đích và nhiệm vụ tối cao của khoa học xã hội. Lý luận phải đi theo thực tế và bám sát thực tế vĩ đại không rời một ly. (À, mà em lưu ý rằng chữ “thực tế vĩ đại” không phải là của anh nghe, anh không dám nhận vơ về mình một phát ngôn đáng giá ngàn vàng như vậy). Đấy mới là lý luận đích thực và có giá trị. Điều này giải thích những thành tựu to lớn và huy hoàng mà nền khoa học xã hội nước nhà đạt được trong suốt bao nhiêu năm qua. Năm nào cũng họp tổng kết mà không có giấy bút nào, lời lẽ nào ghi được cho hết những thành quả vĩ đại ấy, những cống hiến quý báu ấy. Nhưng trong hoan hỉ có phần lo âu: cứ mỗi lần hội nghị thành công rực rỡ người ta lại hốt hoảng trước cả đống thành tựu của khoa học xã hội và hoang mang vì sẽ không biết xếp vào đâu cho hết công trình các loại và các cấp đang chất ngồn ngộn.

Nhà nước cũng không ngại tốn kém cho khoa học xã hội, tiền chi không biết bao nhiêu mà kể, nhằm xác lập cho bằng được cơ sở lý luận của xã hội ưu việt này. Nỗi đau đáu của mấy ngài viện trưởng và khoa trưởng của các ngành khoa học xã hội nhân văn thường cũng chỉ xoáy vào điểm này thôi: xã hội đã ưu việt lắm rồi, nhưng cơ sở lý luận thì vẫn chưa thực sự ưu việt, chưa xứng tầm với tính ưu việt của chế độ. Thế mới thật là gay go. Thế nên dù đã có nhiều thành tích và thành tựu trong nghiên cứu, cả giới vẫn phải cố gắng hơn nữa, phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả của ngành.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi anh lọt vào mắt xanh của chính quyền. Anh được xếp vào số những người thành công về phương diện xã hội, một nhân vật của người đương thời. Dĩ nhiên anh không thể thành công nếu không được chính quyền thừa nhận. Để thành công anh phải được chính quyền đóng dấu lên các hoạt động của mình. Tất cả những người thành công trên mảnh đất này đều hiểu rõ điều đó. Đóng dấu có nghĩa là cho phép. Tương tự như việc để xuất bản một cuốn sách thì phải có giấy phép xuất bản. Với giấy phép này cuốn sách mới có thể được in ra, đến được với công chúng, được các nhà phê bình bàn tới, được tham gia các giải thưởng... Thành công cũng thế. Thành công nghĩa là được để cho thành công, được cấp phép để thành công.

Khi được đặt hàng viết Trí thức ca, anh chưa có một ý niệm nào. Nhưng anh nghĩ chẳng có gì là không làm được, chỉ cần đầu tư thời gian suy nghĩ thể nào cũng xong. Anh tiến hành một số khảo sát về tâm lý và dĩ nhiên, cả âm nhạc.

Từ lâu anh đã nghiên cứu và thấy rằng ngôn ngữ có thể kích động cơn phẫn nộ, khích lệ tinh thần yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, gieo rắc nỗi buồn, trạng thái ủy mị, làm lan tỏa những cảm xúc cao thượng... Và nó cũng có thể tạo ra hiệu ứng buồn ngủ. Hãy quan sát sinh viên buồn ngủ như thế nào trong những giờ giảng về triết học Mác-Lê để biết được hiệu ứng gây buồn ngủ của ngôn ngữ. Sau khi dự một số giờ giảng ở một số trường đại học khác nhau, của một số giảng viên hoàn toàn khác nhau với những đối tượng sinh viên hoàn toàn khác nhau, nhưng hiệu ứng ru ngủ thì y chang nhau, anh đi tới kết luận rằng, những nhà trị liệu mất ngủ nên kết hợp cho bệnh nhân nghe các bài giảng này và giảm liều lượng hóa chất trong thuốc để đỡ hại cho bệnh nhân.

Anh cũng đã bỏ ra nhiều công để nghiên cứu thể loại hát ru, và quyết định sử dụng chất liệu âm nhạc hát ru, hiện đại hóa nó để sáng tác Trí thức ca. Làn điệu hát ru dân gian miền Bắc có đặc thù là luyến láy kéo dài từng chữ một, xen lẫn những âm đệm á, à, ơi sau mỗi từ hoặc sau một cụm từ ngắn, hoặc cuối câu, nhằm tãi tiết điệu thành ra những nhịp rất chậm, đu đưa, ngân nga, dìu dặt đưa đứa trẻ vào giấc ngủ. Dân ca miền Trung bắt đầu bằng điệu à ơi, nhịp ngân còn dài hơn dân ca miền Bắc, có thể do vùng đất đó nắng nôi hơn, đất đai cằn cỗi hơn, gió mạnh và khô hơn. Dân ca miền Nam, nhạc điệu rõ nét, ít đơn điệu, không kéo dài các âm như dân ca miền Bắc, cũng không luyến láy các âm á à ơi, thay vào đó là thỉnh thoảng lặp đôi một số từ, cũng có một số âm ầu ơ. Các từ được hát dứt khoát, gần với thể loại ca nhạc hơn. Do vậy, chắc khó buồn ngủ hơn. Vì lẽ đó, anh quyết định kết hợp cả mấy thể loại, bằng cách bỏ tất cả những nhấn nhá ở sau mỗi từ và giữa câu, nghĩa là cả câu hát liền, nhanh, tiết tấu hiện đại, nhưng đến cuối câu lại ngân dài theo kiểu dân ca miền Bắc, với các nguyên âm luyến láy á à ơi để tạo hiệu ứng ru. Và như thế cần phải có một bước chuyển đệm nối từ cuối cùng của câu với các nguyên âm kết thúc câu. Nhưng không phải câu nào cũng có à á ơi ở cuối, và cũng có thể là ới, ời, ơi..., hoặc í, ì, i..., tùy thuộc vào chữ cuối cùng của câu kết thúc bằng vần gì. Nghệ thuật dân gian mà, vần rất quan trọng. Và để phù hợp với thời đại anh không dùng thể lục bát truyền thống mà sử dụng thể tự do. Hát ru tự do, anh nghĩ đó là một sáng tạo độc đáo của anh.

Đây, em xem tác phẩm của anh nhé:

TRÍ THỨC CA
 
Lời I:
 
Phải biết sợ, ớ ờ ơ...
Sợ là đúng rồi
Biết sợ mới sống được
Biết sợ mới thành danh được
Ta no người khác đói không phải là một tội
Vì ta cũng đã từng phải đói rất lâu
Ta tiệc tùng người khác tù tội không phải là một tội, ối ồi ôi...
Luật nước ta không xử những kẻ như ta
Chính sách nước ta thưởng cho những kẻ như ta, á à ơi...
Sống được là may lắm rồi
Sống được là vui lắm rồi, ới ời ơi...
Ta vui người khác buồn không phải là một tội
Chẳng ai bắt ta đau nỗi đau không phải của mình
Đừng suy nghĩ chi cho mệt
Suy nghĩ không phải là việc của ta
Ta không làm chi nên tội
Ngày vui ngắn đừng phí hoài niềm vui, úi ùi ui...
Hãy cười lên bạn hỡi
Ta xứng đáng với nụ cười
Nụ cười vui tươi, ưới ười ươi...
 
Nhiệm vụ của ta, sứ mệnh của ta
Phát triển chuyên môn, trở thành chuyên gia, á à ơi...
Tầm nhìn của ta hướng về tương lai tít tắp xa
Ta phải có những công trình để đời
Nên kệ đời muốn ra sao thì ra, á à ơi..
Mặc kệ đời, ới ời ơi...
Đã có kẻ khác lo, ó ò ơi...
Ta đi phát triển khoa học
Ta đi tìm cơ sở khoa học cho xã hội
Mặc tình xã hội thế nào cũng êm
Không phải chuyện của ta, á à ơi...
 
Điệp khúc:
 
Ta ăn là ta tồn tại
Sống không phải là một tội, ối ồi ôi...
Sống được là may lắm rồi
Sống được là tốt lắm rồi
No được là đủ lắm rồi, ối ồi ôi...
 
Lời II:
 
Sống được là may lắm rồi
Sống không là một tội, ối ồi ôi...
Ta ăn là ta tồn tại
Ta sống người khác chết không là một tội
Ta no người khác đói không phải là một tội, ối ồi ôi...
Vì ta cũng đã từng phải đói rất lâu
 
Sống không phải là một tội
Ta thì làm được gì? Í ì i....
Nước ta còn hay mất không phải là việc của ta
Ta không cần phải lo
Đã có chính phủ lo, ó ò ơi...
Đừng suy nghĩ chi cho mệt óc
Suy nghĩ không phải là việc của ta
Hèn yếu không phải là một tội
Nước ta dù có mất thì vẫn còn ta
Ta nói tiếng ta, á à ơi...
Tiếng ta còn thì nước ta còn
Ta nói tiếng ta trong hoài niệm
Hoài niệm phải là hiện thực
Ta thì làm được gì? Í ì i...
Hoài niệm phải là hiện thực
Hoài niệm không là hiện thực
Hoài niệm là hiện thực
Sống không phải là một tội, ối ồi ôi...
Không phải là, á à ơi...
 
Điệp khúc:
 
Ta ăn là ta tồn tại
Sống không phải là một tội, ối ồi ôi...
Sống được là may lắm rồi
Sống được là tốt lắm rồi
No được là đủ lắm rồi, ối ồi ôi...
 

Dĩ nhiên, những bọn đòi tự do sẽ chống đối, sẽ phỉ báng Trí thức ca, sẽ chửi rủa trên mạng. Nhưng số ấy ít thôi, may mà ít thôi, và chúng thật lố bịch, lố bịch ngang ngửa với bọn đòi quyền con người. Kể từ khi nhà nước của chúng ta thành lập đến nay, có lúc nào là quyền con người không được đảm bảo, chính nữ phó chủ tịch Hội luật gia Thành phố phát biểu như thế, anh không những nhớ rõ mà còn ghi âm lại. Từ khi đất nước được độc lập đến nay, có ai là không có tự do. Thế mà những kẻ muốn làm anh hùng vẫn cứ bày trò đấu tranh cho những thứ đã tồn tại hiển nhiên.

Anh nhớ, trong một bức thư em có nhắc đến tác phẩm Anh em nhà Karamazov của Dostoievski, nhắc đến nhân vật Aliosa. Bác sĩ của anh cũng dùng nhân vật này để khai tâm cho anh. Anh biết đấy là một tác phẩm quan trọng của văn học nhân loại. Anh thỉnh thoảng vẫn đọc lại nó, nghiền ngẫm nó. Anh cũng bắt chước em, chép cho em đoạn này:

Không có khoa học nào có thể cho họ bánh mì chừng nào họ còn tự do, nhưng cuối cùng họ sẽ mang tự do của họ đặt dưới chân chúng tôi và nói với chúng tôi: “Chẳng thà biến chúng tôi thành nô lệ, nhưng cho chúng tôi ăn còn hơn”. Cuối cùng chính họ sẽ hiểu rằng tự do và bánh mì trần thế thỏa thuê cho mỗi người là điều không thể có được, bởi vì không bao giờ họ có thể phân phối với nhau cho ổn thỏa được! Họ cũng sẽ thấy rõ rằng không bao giờ họ có thể tự do, bởi vì họ yếu đuối, đốn mạt, hèn mọn và là những kẻ nổi loạn.

(Dostoievski, Anh em nhà Karamazov, nxb Văn học, 2011, tr. 320)

Em thấy đấy nhé, anh ghi nguồn đầy đủ như một người làm khoa học thực thụ.

Anh bất cần biết đoạn này là phát ngôn của ai, của quỷ hay của Chúa.

Anh bất cần biết có bao nhiêu giọng điệu trong tác phẩm này, có bao nhiêu tư tưởng cọ xát trong đó. Anh cũng bất cần biết Dostoievski ủng hộ quan điểm nào, và đâu là quan điểm thực sự của ông. Anh thật sung sướng khi đọc đến đoạn văn trên. Anh đã dùng đoạn đó làm cơ sở tư tưởng cho Trí thức ca. Ở đây các tác phẩm có giá trị đều phải có cơ sở tư tưởng, không có cơ sở tư tưởng thì không đáng giá một xu. Điều quan trọng khi nghiên cứu một tác phẩm nghệ thuật là phải chỉ ra cho được cơ sở tư tưởng của nó. Vì thế mà không có cơ sở tư tưởng sẽ không có tác phẩm nghệ thuật. Tiếp đó phải tìm cho được một hình thức phù hợp để biểu thị tư tưởng đó, một hình thức có khả năng chuyển tải nội dung.

Trong thời gian nung nấu suy nghĩ để viết tác phẩm, anh tin chắc vào châm ngôn này: hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ cửa sẽ mở. Anh đã tìm và đã thấy. Quả thực là anh đã tìm thấy một hình thức khiến anh hài lòng. Bài ca đó được tung ra, gặp tiếng lòng của bao nhiêu người. Anh lặng lẽ quan sát sự thành công của nó. Nó có một số phận độc lập với anh. Nó bay đi và anh ở lại.

Thực ra anh là người đầu tiên hát Trí thức ca thành tiếng, trước đông người. Anh đợi đến lúc tàn cuộc nhậu ấy, một cuộc nhậu đặc biệt trong đó tập trung gần như đầy đủ những trí thức thuộc loại tai to mặt lớn bậc nhất. Hình như anh tổ chức cuộc nhậu đó nhân dịp một công trình khoa học của giáo sư nào đó được trao giải thưởng nhà nước. Tề tựu đủ mặt các trí thức quan chức và các trí thức chuyên gia cũng như các văn nghệ sĩ hàng đầu. Chúc tụng say sưa lời vàng ý ngọc, đến lúc vỏ chai đã chất đống trên sàn, đến lúc ánh đèn đã lơi lả, cung bậc đã ngả nghiêng, thân xác đã nhuốm sắc điên rồ, những bức tường đã chuếnh choáng, đến lúc đó anh loạng choạng đứng lên và cất giọng khàn hát bài hát ru. Anh cứ hết á à ơi đến ới ời ơi, rồi í ì i, rồi ối ồi ôi... Anh ngâm nga và tất cả đều lắc lư phụ họa. Bóng đèn xoay tít ánh sáng hồng bao bọc và lời ca ngấm dần cùng với rượu. Êm ái và thanh bình. Anh ru đi ru lại, hai cánh tay làm động tác bế đứa trẻ, đu đưa nhẹ nhàng.

Một nữ minh tinh trí thức, dù già rồi vẫn được xem là minh tinh do những đóng góp cho khoa học, cho đại học và cho các đội tuyển quốc tế. Bà ngồi khiêm tốn ở góc bàn, gật gù và lẩm bẩm theo anh: “phải biết sợ, phải biết sợ, phải biết sợ...”. Bà đặc biệt thích cụm đó, tự ru mình bằng cụm từ đó, vẻ mặt dần dần giãn ra, thư thái. Trong cơn ru, cử động thân trên của bà quyến rũ lạ thường. Thật ấn tượng khi thấy một phụ nữ đã già vẫn còn quyến rũ đến như thế. Anh nhìn bà ý nhị, bà đáp lại bằng một nụ cười độ lượng. Cả anh và bà đều biết rằng bản quyền của cụm từ đó thuộc về bà. Bà là tác giả của nó và đã lưu truyền nó từ phòng khách này qua phòng khách khác trước anh rất lâu. Nhưng nay anh kết hợp nó với bài hát ru của anh một cách uyển chuyển như vậy cũng tốt, một sự kết hợp tuyệt vời. Bà chẳng có lý do gì mà không hài lòng khi có một người kế tục xuất sắc như vậy. Bà tặng anh nụ cười cùng toàn bộ vẻ quyến rũ của dáng điệu. Mơ màng trong lời ru của anh bà nhớ lại vì sao bà phổ biến ba từ “phải biết sợ” đó. Bà biết rằng nếu bà sợ mà lại muốn được kính trọng thì bà phải làm cho tất cả mọi người xung quanh đều sợ, sợ như bà hoặc hơn bà. Còn nếu bà sợ mà họ không sợ chắc chắn họ sẽ khinh bà. Với một cung cách đầy nữ tính bà bơm nỗi sợ vào không khí nhẹ nhàng và duyên dáng như khi sử dụng nước hoa. Bà bao bọc bầu khí quyển của giới trí thức trong nỗi sợ đó. Họ hít những hạt sợ vào phổi, hô hấp một cách tự nhiên như vậy nhiều năm trời. Chính trong làn hương sợ đó mà bà đi từ vinh quang này đến vinh quang khác. Anh phải thừa nhận rằng phần nào anh được gợi cảm hứng từ bà.

Một nữ đại trí thức khác đến khoác lên vai anh tấm khăn mỏng, cho anh ra dáng một bà mẹ. Cô ôm lấy anh từ đằng sau và đu đưa phụ họa cùng anh. Từng ngón xuân nồng của cô bíu chặt vào vai anh, dẫn anh vào quê hương vàng son của điệu hát ru đang ngự trị trên bàn tiệc. Dáng cô và dáng anh hòa vào nhau, cùng trôi dài trên giai điệu. Anh ru mãi ru hoài, ngỡ như cả ngàn năm rồi mà điệu ru vẫn còn chưa kết thúc. Lời ru nghe mênh mang, nhưng không buồn. Đặc biệt là không buồn. Càng ru càng mênh mang hơn, vang vọng một trời bàn nhậu. Cuộc đời chưa bao giờ đẹp như thế, ai nấy đều cảm thấy như được gắn cánh và lâng lâng bay lên, đi đến tận đỉnh điểm xứ Mê Ly, đến tận cùng trời Phóng Đãng. Rồi rượu, rượu nữa và ... ai nấy gục xuống bàn, quên quên hết.

Sáng hôm sau tất cả tỉnh dậy, mặt mũi hồng hào, mọi chuyện đêm qua giống như một giấc mơ, chẳng ai nhớ trong mơ mình đã nói gì, nghe gì. Cuộc sống tiếp tục với mọi khía cạnh tàn bạo, khốc liệt cũng như thơ mộng và lắng đọng của nó. Chẳng có ai tỏ ra là đã nghe thấy bài hát ru đó. Anh thì dĩ nhiên là không bao giờ nhắc lại. Anh làm như không biết đến nó, và tất cả những người có mặt trong cuộc nhậu ấy đều làm như không biết đến nó, làm như chưa nghe đến nó bao giờ. Nó không hề tồn tại, em không thể tìm thấy nó ở bất kỳ tuyển tập bài hát nào. Không có một dấu vết nào chứng tỏ nó có mặt trên đời này. Và cũng chẳng có ai thừa nhận rằng trên đời này có một bài hát như thế. Nếu em hỏi về Trí thức ca thì em sẽ gặp ngay sự ngạc nhiên của tất cả mọi người: “chắc cô nhầm rồi, hoặc cô nghe nó ở một xứ sở nào khác, ở đây chúng tôi không hề biết nó, cô thử kiểm tra lại trên google xem sao nhé”. Và em sẽ thấy đó là một sự ngạc nhiên thành thật. Đôi khi, sẵn iPad và iPhone trong tay người ta còn sớt mạng luôn cho em, chỉ cho em nhìn tận mắt không có kết quả nào trên google cả. Ồ, mà em có thể check ngay bây giờ, em cứ gõ “Trí thức ca”, trong ngoặc kép nhé, đảm bảo google sẽ không tìm thấy gì hết.

Anh biết là bài ca vẫn tiếp tục được lan truyền. Có lẽ nó được lan truyền theo cái cách mà anh đã làm. Quả là Trí thức ca rất hợp với bàn nhậu. Và đã là trí thức thì không có ai lại không nhậu, kể cả phụ nữ. Phụ nữ càng trí thức càng phải biết nhậu. Không biết uống thì cũng phải biết tổ chức hoặc nhập cuộc, biết ngửi hơi men. Làm việc kiêm nhậu đã trở thành truyền thống từ vài chục năm nay. Trí thức cũng chẳng khác gì doanh nhân. Muốn ký kết các hợp đồng, muốn các dự án nghiên cứu được duyệt, muốn được tuyển vào đâu đó làm việc, muốn tham gia vào các chương trình nọ kia... tất cả đều phải giải quyết trong khi nhậu. Thế nên, “đâu có nhậu là ta cứ đi”, trí thức ca bài đó đến rách cuống họng từ rất lâu rồi. Thực ra anh thấy bản “Nhậu ca” ấy cũng không đến nỗi tồi, nó bắt đầu bằng câu: “Ai trên đời mà không nhậu/ mà không nhậu vài ly”. Nó phản chiếu nỗi hoan hỉ của nhiều thế hệ trí thức. Hoan hỉ được say, được quên, được chém gió, được khỏi phải suy nghĩ, được nhẹ đầu, nhẹ lòng. Nhưng hát mãi chỉ mỗi bài đó cũng nhàm. Một bài ca mới xuất hiện âu cũng là lẽ thường tình, để đáp ứng những tâm tình đã quánh đặc trên bàn nhậu.

Thường thường, chờ đến lúc cuộc nhậu đã tới hồi bí tỉ, người muốn truyền bá bài ca sẽ hát lên để hơi men đưa khúc ca đó thấm vào hồn những người còn lại. Lời ca và giai điệu cùng với rượu ngấm vào tĩnh mạch. Nó chảy khắp cơ thể, men và hương của nó dậy lên ngây ngất trong huyết quản.

Bài ca lan truyền theo con đường dân gian, về bản chất nó là một tác phẩm khuyết danh. Đôi khi cũng có một vài biến tấu, một vài dị bản, nhưng không quan trọng, tinh thần cốt lõi của nó được duy trì cả ở trong những dị bản khác nhau. Ai nấy đều hát bài hát đó. Mỗi người tự hát cho mình. Dĩ nhiên nó chẳng bao giờ được đưa ra hát tập thể. Người ta ngâm nga nó mỗi khi ở một mình, người ta ngâm nga nó cho mình, cho điệu hồn của mình. Và dù người ta không hát tập thể thì hiệu ứng của nó vẫn đo được. Anh không định lượng được nhưng định tính được. Anh biết là nó có sức lan tỏa rộng, rộng hơn hình dung của anh. Và bởi nó lan tỏa một cách âm thầm nên hiệu ứng của nó lại càng mãnh liệt. Vì người ta không chịu thừa nhận sự tồn tại của nó nên nó càng hiện diện một cách vững chắc và neo chặt vào tâm trí. Càng cố tình phủ nhận nó càng bị nó ám ảnh. Sức ám ảnh của nó càng lớn nó lại càng không hề tồn tại.

Có thể nói Trí thức ca là một thành công đáng kể của anh, dù nó không được ghi nhận, nghĩa là tên anh không gắn với thành công của nó, và nó chỉ là một bài hát ma, một bài hát không có thực.

Anh cũng có mệt mỏi đôi chút sau nỗ lực hơi quá sức để viết và truyền bá bài ca này. Nó giống như là một pha đi xuống của tinh thần sau những đợt hưng phấn. Không hiểu sao anh luôn nghĩ đến em trong những pha đi xuống đó. Và anh lại viết cho em.

Thực ra, sau Trí thức ca anh cũng chấm dứt hoàn toàn thời kỳ lê la nơi những quán nhậu bình dân, rẻ tiền, để bước vào những nhà hàng sang trọng, đắt tiền. Lúc đó những cuộc nhậu của anh mới thực sự mang dáng dấp và đẳng cấp của những trí thức tầm cỡ. Chữ “nhậu” cũng được thay thế bằng chữ “tiệc”, kể cả ngôn ngữ cũng phải sang hơn, quý phái hơn, hàn lâm hơn, bóng lộn hơn. Trong những bữa tiệc đẳng cấp cao này, Trí thức ca hoàn toàn thừa, anh không cần đụng đến nó nữa. Người ta chẳng cần phải hát để quên đi sự giày vò của lương tâm nữa. Người ta chẳng cần tìm bất cứ điều gì để biện minh cho những thứ mà mình được hưởng. Người ta chỉ còn tận hưởng, tận hưởng và tận hưởng thôi. Người ta có thể ngủ ngon và ngủ ngoan mà không cần đến bất kỳ một bài hát ru nào. Hát ru mà làm gì, rách việc. Hát ru chỉ dành cho giới bình dân thôi. Các giáo sư, tiến sĩ thuộc đẳng cấp bộ trưởng và bộ chính trị như anh không thèm chấp mấy cái chiêu ru ngủ bình dân ấy nữa. Nó cũng tương tự như việc bộ máy tuyên truyền được dùng cho những giới còn cần phải bị tuyên truyền thôi, còn với tầng lớp đẻ ra bộ máy ấy thì hệ thống tuyên truyền được dùng cho những mục đích khác.

Anh viết Trí thức ca vào năm thứ ba sau khi được chữa lành bệnh. Còn bây giờ đã là năm thứ chín rồi. Có lẽ anh sẽ không bao giờ quên được em.

 

Một ngày không tỉnh không say

 

 

---------------

Đã đăng:

Gửi người yêu và tin [thư số 5]  (truyện / tuỳ bút) 
... Em biết là với khả năng của anh, anh có thể làm một nhà tư tưởng, nhưng lệnh trên chỉ cho anh đóng vai trò cái loa. Không bao giờ anh được phép đóng vai trò một nhà tư tưởng. Không phải riêng anh mà tất cả mọi người trong xã hội này đều không được phép. Vì chỉ có một vài người xứng đáng làm nhà tư tưởng thôi, những người sẽ sống mãi trong sự nghiệp chung, những người sẽ soi đường chỉ lối, là kim chỉ nam cho tất cả cộng đồng. Anh làm gì thì làm, mọi người làm gì thì làm, không được phép thay thế Người. Nghệ thuật tối cao là nghệ thuật trở thành cái loa phóng thanh cho tư tưởng của Người. Ai nắm được nghệ thuật đó người ấy sẽ thành công. Ai sử dụng thuần thục nghệ thuật đó người ấy sẽ đại thành công... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 4]  (truyện / tuỳ bút) 
... Khôn cũng đồng nghĩa với việc biết dẹp lòng tự trọng sang một bên. Anh đã bốn mươi tuổi, nhưng nếu sếp xoa đầu anh như một đứa trẻ anh cũng phải để yên cho sếp sờ. Mà không chỉ đầu, nếu bị sờ xuống vai, xuống tay, hay bị sờ đùi cũng phải ngồi yên để đón nhận. Phụ nữ khôn thì không những để yên mà còn phải biết khuyến khích. Điều này quan trọng lắm. Một trong những nét nghĩa của khôn là mâu thuẫn với lòng tự trọng... (...)
 
... Đừng sợ làm họ đau. Nếu không đau thì làm sao họ có thể thức tỉnh? Những lời ve vuốt đường mật chỉ khiến họ chìm sâu hơn vào giấc ngủ mà thôi. Và nếu tất cả chúng ta cứ chìm mãi trong giấc ngủ mụ mị thì nhắm mắt cũng nhìn thấy các hậu quả. Chẳng phải mọi vấn nạn hiện nay đều là hậu quả của giấc ngủ mê mệt của tất cả chúng ta hay sao?... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 3]  (truyện / tuỳ bút) 
... Cô có hiểu “nhục mà không nhục” có nghĩa là gì không? Cô cứ tưởng là chúng tôi đang bị láng giềng o ép, chúng tôi mất biển đảo, biên giới, tài nguyên khoáng sản về tay họ thì chúng tôi nhục ư? Chúng nó là nước lớn mà đi bắt nạt nước nhỏ chúng nó mới nhục, chứ chúng tôi thì nhục gì! ... Mà mọi thứ ở chỗ chúng tôi đều có đảng và nhà nước lo rồi, đảng và nhà nước không nhục thì chúng tôi việc gì phải cảm thấy nhục? Cô chỉ nhìn thấy bề mặt sự việc mà không nhìn thấy cái gì ẩn sau đó... (...)
 
... Anh làm ơn giải thích điều này: theo miêu tả của bác sĩ thì có vẻ như trong xã hội của anh, mọi người đều yêu mến nhau, nhân viên yêu mến sếp, đồng nghiệp yêu quý nhau, và suy rộng ra thì nhân dân yêu lãnh tụ, công dân yêu nhà nước, học sinh yêu quý thầy cô... Nhưng tại sao đọc báo hầu như chỉ thấy tin cướp, giết, hiếp, bạo lực học đường, giáo dục xuống cấp, văn hóa suy đồi, tham nhũng, lừa đảo, bắt bớ, đàn áp, bỏ tù...? Em không thể hình dung một xã hội như thế lại là kết quả của tình yêu mến... (...)
 
Gửi người yêu và tin [thư số 2]  (truyện / tuỳ bút) 
... Đàn ông ở đây không coi phụ nữ là danh dự của mình, và còn lâu mới có bình đẳng thực sự. Thiếu gì đàn ông sẵn sàng dâng vợ hay em gái cho sếp hay cho đối tác để làm bàn đạp thăng tiến hoặc thủ lợi. Vợ họ, em họ còn bị đối xử như thế thì họ sá gì việc con em người khác có đi làm nô lệ tình dục ở đâu. Gần đây thôi, một phụ nữ trí thức mỏng manh đã bị một đám đàn ông trí thức đánh tan nát trên hàng đống tờ báo. Đọc những bài đánh cô ấy mặt anh cứ đỏ rực, đỏ rực vì xấu hổ, thằng đàn ông trong anh xấu hổ, hoá ra anh còn biết xấu hổ. Và cô ấy lại bị một đám đàn ông trí thức khác cho thôi việc. Và những đàn ông trí thức còn lại đồng loạt im lặng... (...)
 
... Suy nghĩ tiếp những gì anh viết trong thư, em thấy rằng ở xứ anh, người ta sẽ lần lượt đi trên một chu trình, em nghĩ là khép kín, có sự chuyển hoá từ giai đoạn này qua giai đoạn kia, nhưng là một chu trình khép kín: bị lừa dối – tự lừa dối – lừa dối người khác. Trong chu trình này sẽ có một pha lúc người ta tự nguyện bị lừa dối. Nhưng nói chung thì em nghĩ cái pha tự nguyện bị lừa dối này là một trạng thái triền miên. Cho đến lúc nào họ không còn cảm thấy mình bị lừa nữa. Em nghĩ, để cho bộ máy xã hội có thể vận hành như hiện nay, cần nhất là mọi người tham gia trong đó phải tự nguyện bị lừa... (...)
 
Gửi người yêu và tin  (truyện / tuỳ bút) 
... Anh sống trong một xã hội được cấu tạo trên nền tảng của sự dối trá, có lẽ vì vậy anh đặc biệt nhạy cảm và đặc biệt muốn tự bảo vệ mình trước sự dối trá. Em hình dung được không? Ở đây trẻ con từ khi đi học mẫu giáo đã được dạy cho cách để trở thành những kẻ nói dối. Các em được dạy hát về giấc mơ mà các em không có. Các em hát về giấc mơ trong đó các em gặp và yêu quý một người xa lạ. Nhưng các em không hề có giấc mơ đó, thậm chí còn chưa biết người đó là ai, ở cái tuổi lên ba lên bốn... (...)
 
Tình yêu  (truyện / tuỳ bút) 
... Con: Mẹ nhìn đi. Mẹ còn nhận ra cha trong quan tài này không? Còn gì của cha trong cái đống ghê tởm này? / Mẹ: Con bất hiếu! Sao dám nói cha ghê tởm! Con không thấy cha đẹp đến não lòng ư? / Con: Con không thở được nữa. Mẹ nhìn xung quanh xem. Giòi bọ nhung nhúc khắp nơi. Cả đống ở trên tay mẹ kia. / Mẹ: Cha đấy con ạ. Cha đang hạnh phúc vì được ở gần mẹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021