thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Kẻ hợm mình

 

Tôi cho rằng tôi hiểu Đăng, như rành rõ những đường chỉ tay của mình. Đăng giao du rộng, với đủ loại người, ai cũng có vẻ là bạn thân của anh. Tuy nhiên không ít người cho rằng Đăng khó chơi. Tôi hiểu Đăng khó chơi ở chỗ anh nhiều lúc khó tính không ngờ, lắm khi kỳ quặc thật khó hiểu. Dù sao trong đám bạn không ai nói Đăng xấu tính xấu nết; và nhiều người cùng nhận xét như tôi: Đăng là bạn tốt. Còn Đăng mỗi khi có dịp, anh vẫn nói anh sống vì bạn, đời anh vui vì bằng hữu hết lòng với nhau. Đăng thường nhắc câu nói mà anh bảo là của Trang Tử: Bạn bè phải vì nhau những chỗ không vì nhau. Chẳng biết có đúng là lời Trang Tử, nhưng tôi thấy ý tưởng về bằng hữu như thế thật hay. Tôi thấy Đăng cũng có nhiều ý tưởng tôi cho là hay. Nhớ một lần anh nói: Ai cũng có một niềm tự hào về bản thân, kể cả kẻ ăn mày. Kẻ ăn mày tự hào, vì đã khơi dậy được lòng trắc ẩn vốn dễ chai lỳ của nhiều người khác.

Bận rộn trong cuộc sống, lâu rồi tôi không gặp Đăng, nhưng vẫn nghe tin tức về anh. Hầu như ngày nào Đăng cũng gặp Viêm, thường xuyên cà-phê bia rượu với Viêm. Tôi cũng biết Viêm, biết khá rõ là đằng khác, nhưng không thân thiết với Viêm. Đăng và Viêm thường gặp nhau có lẽ thích hợp, vì cùng là giới cầm bút; chỉ khác ở chỗ Đăng sáng tác thơ văn, Viêm thì chuyên dịch từ Anh ngữ - chỉ Anh ngữ thôi, sang tiếng Việt. Một lần gặp Hưng, người bạn họa sĩ, Hưng than phiền mỗi khi nhà có tiệc tùng ăn nhậu, mời Đăng tới, Đăng tự động chở theo Viêm. Hưng không ưa Viêm ở chỗ, như Hưng nói “Anh chàng này cực đoan, quá khích.” Kim-nữ-sĩ, em gái một người bạn thân của tôi, vốn là cố-nhân của Đăng, cũng nhiều lần chịu chung tai nạn như Hưng. Nhiều lần Kim hẹn Đăng ở quán bên sông Tân Thuận nên thơ, nhưng nơi chốn ấy không còn là nơi chốn của hai người: lần nào Đăng cũng kèm-theo-Viêm.

Cũng dễ hiểu Đăng và Viêm là hình với bóng như vậy. Khi Viêm được giao phụ trách thực hiện một tuyển tập thơ văn, việc đầu tiên là Viêm tìm tới nhà Đăng; căn nhà khó tìm, trong một ngõ ngách lằng ngoằng. Đăng vắng nhà, Viêm chờ cả buổi ở quán cà-phê đầu hẻm, để lấy cho được một truyện ngắn Đăng viết. Và Viêm lưu giữ tất cả bản thảo của Đăng, như lưu giữ những trang sách cổ, trong tủ gỗ danh-mộc có lắp kính . Còn Đăng, mỗi khi có thể làm gì tốt cho người khác, người khác đầu tiên luôn là Viêm. Họa sĩ Nguyễn Trung từng nhờ Đăng tìm người dịch từ Anh sang Việt, một số chương sách dày vài trăm trang, thù lao khá bộn; Đăng không giới thiệu người bạn dịch thuật nào khác, dù khả năng không thua kém gì Viêm, lại đang cần tiền hơn Viêm; Đăng chỉ giới thiệu Viêm. Hẳn nhiên Đăng và Viêm rất thân nhau; và hẳn nhiên hai người không thiếu sự quý trọng nhau.

Viêm xuất viện sau một một cơn ác bệnh, lần ấy Đăng và Kim ngồi ở một quán gần nhà tôi; thấy tôi, hai người gọi vào uống cà-phê. Thì ra hai bạn sắp tới thăm Viêm. Kim bảo Đăng chở tới chợ Bến Thành mua trái cây để tới nhà Viêm. “Nên mua trái cây gì hả anh?” Đăng lắc đầu: “Anh nghĩ em nên tặng Viêm một số tiền thì ích dụng hơn.” Cố-nhân của Đăng mở ví, và lại hỏi Đăng: “Nên tặng Viêm bao nhiêu hả anh?” “Năm triệu, con số này đẹp em ạ.” Đăng bảo Kim tặng Viêm năm triệu đồng, suýt soát tiền lương tháng của Viêm. Trước đó, nghe tin Viêm nhập viện, Đăng là người đầu tiên vào bệnh viện thăm Viêm. Tôi biết chuyện này, vì Đăng, chàng-thi-sĩ-quanh-năm-túng-thiếu, đã mượn tiền Kim-nữ-sĩ, mua tặng người bệnh hộp sữa bột hảo hạng của ngoại quốc.

 

*

 

Tình cờ tôi vào quán nhậu quen thuộc của Đăng và Viêm. Đăng chưa tới; Viêm đang ngồi với người bạn cũ của Viêm từ thuở học trò, người này cũng quen biết Đăng. Người bạn cũ của Viêm đang tấm tắc khen ngợi một vị nha sĩ; nói cho tôi biết, vị nha sĩ này có bụng-liên-tài, vì nể phục tài năng dịch thuật của Viêm, đã chữa hàm răng hom hem của Viêm từ A tới Z mà không lấy một đồng xu công lao phí tổn. Nhà dịch thuật vừa gật gù mái đầu sớm bạc, vừa lên tiếng nói: “Chiều thứ bảy trong tuần thật là tuyệt vời, với những chai bia mát lạnh, tưởng thưởng cho công việc dịch thuật xứng đáng của mình.”

Tôi biết vị nha sĩ chữa răng cho Viêm: Phúc còn khá trẻ, là em kết nghĩa của Đăng. Đăng đã giới thiệu Viêm với Phúc. Bất cứ ai do Đăng giới thiệu tới Phúc chữa răng, Phúc cũng không lấy một đồng xu nào. Một vị giáo sư có tiếng là tuổi trẻ tài cao, giảng dạy tại một trường đại học của nước Úc, về thăm quê nhà, bị đau nhức răng, tìm tới Phúc chữa trị; Phúc vẫn tính toán công lao phí tổn bình thường. Nghĩa là Phúc chỉ đặc biệt không-lấy-một-đồng-xu-công-lao-phí-tổn với những ai do Đăng giới thiệu, chứ chẳng phải vì bụng-liên-tài quái quỷ gì. Đăng tới, hóa ra anh đi cùng Phúc. Viêm vừa giới thiệu qua lại xong, người bạn cũ của Viêm nhìn Đăng mà kêu ồ lên: “Ủa, té ra anh Đăng cũng biết nha sĩ Phúc, người đã cải tử hoàn sanh cho hàm răng của Viêm?” Tôi chán ngán nhìn người bạn như hình với bóng của Đăng. Tôi biết chắc chắn, khi nói chuyện về vụ việc chữa răng của mình với bạn bè, Viêm đã không hồn nhiên chút nào. Viêm cố ý tảng lờ việc Đăng giới thiệu mình với nha sĩ Phúc, để bạn bè Viêm tin rằng, Phúc không tính tiền chữa trị răng, vì sự nể phục của một nha sĩ đối với nhà dịch thuật.

Rời bàn nhậu, ra về cùng lúc với Đăng, tôi nói: “Tới hôm nay tôi mới biết rõ, Viêm là kẻ hợm mình.” Đăng thản nhiên nói: “Mình biết Viêm như vậy từ lâu rồi; vì đã có lần mình nói ra nhận xét của một người bạn lớn tuổi, từng dịch thuật rất bảnh. Anh ấy bảo: ‘Tôi không hề hãnh diện về chuyện dịch thuật. Nếu có hãnh diện, là khi nào tôi viết được cái gì, người ta phải dịch ra ngoại ngữ.’ Mình nói thế xong, Viêm sầm mặt lại, rồi lớn tiếng đả kích người bạn lớn tuổi ấy. Nhưng thôi, thây kệ cái chuyện tự hào tự mãn; mà mình đã nói có rất nhiều người như Viêm, thật ra ai cũng có một niềm tự hào về bản thân mình.” Đúng là tôi từng nghe Đăng nói ra ý tưởng này, niềm tự hào về bản thân. Nhưng ở Viêm, tôi thấy đấy không đơn thuần là tự hào; hoặc giả niềm tự hào đã bị lệch lạc, đã bị ô nhiễm độc hại, trở thành lố bịch, trở thành hợm hĩnh.

Lại thêm lần nữa gặp gỡ Viêm bên bàn nhậu, ở một quán khác; một bữa nhậu ngẫu nhiên. Tôi đi cùng Đăng tới Phòng Răng của nha sĩ Phúc, thấy Viêm ở đó. Viêm vừa dẫn vợ tới Phúc chữa răng. Người vợ xong việc, về trước; Viêm ở lại chuyện trò với vị nha sĩ đáng mến. Rồi cả bốn người cùng tới một quán nhậu gần đó. Đăng cầm theo tập truyện và thơ của anh; bản chụp photocopy dày bốn năm trăm trang, in ra từ một tờ báo mạng, để tặng Phúc. Vị nha sĩ trẻ tuổi cụng ly bia trân trọng chào mời những-con-người-văn-học; mặc nhiên Phúc xem tôi cũng cùng giới cầm bút như Đăng và Viêm. “Tôi chỉ là một độc giả mà thôi. Đăng thì đúng là con-người-văn-học như Phúc nói; còn Viêm là nhà dịch thuật.” Tôi vừa dứt lời, Viêm nói gay gắt: “Ông cho rằng dịch thuật không bằng văn học?” Tôi chưa kịp trả lời, Đăng ôn tồn nói: “Bạn Nhã chỉ gọi cho đúng tên: văn học là văn học - dịch thuật là dịch thuật, chứ có bảo cái gì hơn cái gì kém cái gì đâu.” Viêm tiếp tục gay gắt: “Có hơn có kém chứ. Tôi hỏi các ông, có ai thèm nhớ cái tác phẩm văn học là cái truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm tài nhân gì đó; mà chỉ nhớ dịch phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du mà thôi?” Tôi nổi giận tức thì, nói lớn tiếng: “Như vậy là Viêm chỉ nghe loáng thoáng, chứ thật sự chả biết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du đích thực là gì. Vậy thì tôi nói cho Viêm biết: Kim Vân Kiều truyện là tác phẩm văn xuôi, là tiểu thuyết của Thanh Tâm tài nhân. Còn Truyện Kiều là tác phẩm thơ lục bát của Nguyễn Du, hoàn toàn không phải là một dịch phẩm như Viêm nói. Bất cứ ai đã đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, hoặc chỉ nghe nói tới Truyện Kiều một cách đúng đắn đàng hoàng, cũng biết Nguyễn Du chỉ mượn câu chuyện của Kim Vân Kiều truyện, mà viết ra tác phẩm thơ Truyện Kiều tuyệt tác.” Có lẽ để hòa dịu không khí căng thẳng, Phúc lên tiếng: “Dù sao phải công bằng để nhìn nhận sự đóng góp to lớn của các dịch phẩm trong văn học.” “Đấy là chuyện khác. Tôi chỉ nói: văn học là văn học, dịch thuật là dịch thuật.” Tôi nói vậy. Đăng tiếp lời, giọng dứt khoát: “Đúng là như vậy. Vấn đề ở đây chỉ là gọi tên các thứ cho đúng tên của các thứ đó mà thôi.” Viêm không chịu dừng ở đây; miệng nói, ánh mắt nảy lửa: “Dịch thuật hơn hẳn cái văn học của mấy ông một bậc. Thử hỏi: nếu Huy Cận không nhờ dịch thuật, làm sao có được ‘trái sầu’ cho bài thơ nổi tiếng của mình?” Lần này Đăng nổi giận trước tôi, anh nói tắp lự: “Viêm làm tôi ngạc nhiên hết mức. ‘Trái sầu’ trong bài ‘Ngậm ngùi’ của Huy Cận, là thứ trái cây của tâm tưởng người thi sĩ, Huy Cận chẳng dịch từ tiếng tây tiếng u nào cả. Mà cho là có dịch như Viêm vừa nói bừa như vậy, một từ ‘trái sầu’ không thể làm nên cái hay của bài thơ ‘Ngậm ngùi’. Thi sĩ mà nương nhờ dịch thuật để làm thơ, chỉ là thi sĩ dỏm mà thôi.” Mặt đỏ bừng, dù bình thường uống bia, Viêm không hề đỏ bừng mặt như vậy. Thẳng ngón tay chỉ vào tập photocopy thơ truyện của Đăng, đặt trên một chiếc ghế trống, Viêm gằn tiếng: “Ông tưởng cái tập thơ truyện này của ông là cái thá gì? Tôi nói thẳng cho ông biết, cái này là rác! Là văn học rác rưởi ”

Sau câu nói của Viêm, như phản xạ, tôi né tranh sang một phía, bởi tôi ngồi cạnh bên Viêm: Đăng sẽ hắt ly bia vào mặt hình-với-bóng của mình. Tôi biết tính khí của anh chàng biệt kích Báo Đen thuở nào. Hóa ra không. Đăng đứng dậy, đi tới chỗ để xe, lấy xe ra về. Không nói một lời.

Tôi đoán chắc sau cuộc gặp gỡ này, Đăng không bao giờ gặp lại nhà dịch thuật. Đăng sẽ nhận ra cái bóng-của-hình-cái hình-của-bóng cũng vậy - trước đây là giả, là cái bóng cái hình của ảo giác của ảo tưởng, của ngộ nhận. Đấy là tôi không hỏi Đăng có từng đọc một bài gọi-là-phê-bình-văn-học của người vợ nhà dịch thuật, Kim Oanh, ghi dưới bài viết, nhưng tôi tin là chính Viêm viết, hay ít ra, Viêm là đồng tác giả. Một bài viết ngớ ngẩn, khiên cưỡng, gán ghép vô tội vạ, với mục đích chê bai đả kích phong cách truyện ngắn của Đăng. Bài gọi-là-phê-bình-văn-học ấy đã xuất hiện lâu rồi, từ sau cơn ác bệnh của Viêm. Tôi thật sự không hiểu nổi lòng dạ con người, ấy là tôi cảm nhận lòng dạ con người khó hiểu như vậy. Có thể điều này dễ hiểu: sự hợm hĩnh đã làm biến đổi bản chất nhân-chi-sơ-tính-bản-thiện của con người; con người trở nên thiếu vắng nhân tính, vô cảm; trở nên quàng xiên, càn rỡ, như con người nhà dịch thuật của chúng tôi.

 

Sài Gòn, XI-2013

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021