thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TÔI VIẾT THẾ NÀO [I: Những khởi sự, thuở xa xôi ấy]
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

UMBERTO ECO

(1932~)

 

Umberto Eco — nhà văn, nhà lý thuyết văn học, nhà tư tưởng — sinh ngày 5 tháng Giêng, năm 1932, tại Alessandria, vùng Piedmont, nước Ý. Ông tốt nghiệp ngành triết học tại viện đại học Turin năm 1954. Hiện ông là giáo sư ký hiệu học tại viện đại học Bologna, đồng thời giữ vô số các chức vụ hàn lâm tại nhiều học viện trên thế giới. Từ năm 1985 đến nay, ông được trao tặng hơn 30 bằng tiến sĩ danh dự từ nhiều viện đại học, trong số đó có Paris (Sorbonne Nouvelle) (1989), Buenos Aires (1994), Santa Clara (1996), Moscow (1998), Berlin (FUB) (1998), Montréal (UQAM) (2000), Jerusalem (2002) và Siena (2002), v.v.
 
Umberto Eco là tác giả của những tuyển tập tiểu luận lừng lẫy, trong đó có những cuốn đã được dịch sang Anh văn như: Kant and the Platypus, Serendipities, Travels in Hyperreality, và How to Travel with a Salmon. Ông cũng là tác giả của những tiểu thuyết thời danh, tiêu biểu cho văn chương hư cấu hậu hiện đại như The Name of the Rose, Foucault's Pendulum, và Baudolino. Tờ New York Times nhận định rằng tác phẩm của Eco "phức tạp, khiêu khích, khôi hài và sâu sắc", và ông là "một nhà văn của sự duyên dáng và thông tuệ." Tờ Atlantic Monthly nhận định rằng "Eco kết hợp học thuật hàn lâm với sự yêu thích những nghịch thuyết và một óc khôi hài đầy khoái hoạt, đôi khi đến mức khủng khiếp." Tờ Los Angeles Times cho rằng ông là "một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại của chúng ta."
 
"Tôi viết thế nào" là một bài viết theo yêu cầu của nhà biên tập Maria Teresa Serafini cho tập tiểu luận Come si scrive un romanzo (Milan: Strumenti Bompiani, 1976). Sau khi cuốn tiểu thuyết Baudolino của Umberto Eco được xuất bản, ông bổ sung vào bài này một số chi tiết mới có liên quan đến cuốn tiểu thuyết ấy. Bài viết đã bổ sung được Martin McLaughlin dịch sang tiếng Anh và in lại trong cuốn On Literature của Umberto Eco (Orlando, Florida: Harcourt Inc., 2004).
 
Đây là một bài viết dài, gồm 11 phần, mỗi phần có tiểu đề riêng, nhằm trả lời một câu hỏi do Maria Teresa Serafini đặt ra. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng bài viết này thành 11 kỳ.

 

___________________

 

NHỮNG KHỞI SỰ, THUỞ XA XÔI ẤY.

 

Tôi là một ví dụ khá bất thường của một người viết truyện hư cấu. Bởi tôi đã khởi sự viết truyện ngắn và tiểu thuyết trong khoảng thời gian từ tám đến mười lăm tuổi, rồi tôi ngưng, chỉ để khởi sự một lần nữa khi tôi đã đến bên lề tuổi năm mươi. Trước khi thái độ láo xược của tuổi trưởng thành nổ tung ra, tôi đã trải qua hơn ba mươi năm trong thái độ khiêm tốn giả định. Tôi nói "giả định", và tôi cần phải giải thích điều này. Trước tiên ta hãy tiến hành mọi việc cho có đầu có đuôi, nghĩa là, giống như cái thói quen cố hữu của tôi trong các tiểu thuyết, ta hãy đi ngược thời gian trở lại.

Khi tôi khởi sự viết, tôi đem ra một cuốn sổ tay và viết ngay trên trang đầu. Cái nhan đề hẳn phải có một mùi vị Salgari,[1] bởi những tác phẩm của ông ấy là một trong những nguồn chất liệu của tôi (cùng với những cuốn của Verne, Boussenard, Jacolliot, và những năm từ 1911 đến 1921 của tờ Giornale illustrato dei viaggi e delle avventure di terra e di mare [Tạp Chí Minh Hoạ của Những Cuộc Du Hành và Thám Hiểm trên Đất Liền và Biển], mà tôi phát hiện trong một cái rương dưới hầm nhà). Vì thế những tác phẩm của tôi đã có những nhan đề như Gli scorridori del Labrador [Những Tên Hải Tặc ở Labrador] hay Lo sciabecco fantasma [Con Thuyền Ma]. Rồi dưới chân trang giấy tôi viết tên nhà xuất bản: Tipografia Matena, một kết hợp táo bạo của chữ "Matita" (Bút Chì) và "Penna" (Bút Mực). Thế rồi tiếp theo đó tôi dán các bức minh hoạ vào sách, cứ mỗi mười trang thì dán một bức, giống như những hình vẽ của Della Valle hay Amato cho những cuốn sách của Salgari.

Cách chọn hình quyết định câu chuyện mà tôi sẽ viết sau đó. Chắc hẳn tôi sẽ viết chỉ một vài trang của chương đầu tiên. Tôi viết bằng chữ in hoa, không cho phép mình được thay đổi bất cứ chữ nào, với mục đích thực hiện mọi việc một cách chính xác như một ấn bản thực sự. Khỏi cần nói, chỉ sau vài trang là tôi đã bỏ cuộc. Vì thế, tôi, thuở ấy, là tác giả của chỉ những cuốn tiểu thuyết vĩ đại còn dang dở.

Trong số những tác phẩm ấy (đã bị thất lạc trong một cuộc dời nhà) tôi còn giữ lại được một tác phẩm đã hoàn tất, không thuộc một thể loại nhất định nào cả. Bởi đó là một cuốn sổ tay loại lớn mà tôi nhận được như một món quà tặng, những trang giấy của nó có những hàng kẻ song song in mờ và những đường lề màu tím in đậm nét. Trang bìa của cuốn sổ có in năm 1942, tiếp theo là Năm XXI của Chế Độ Fascist, theo như thông lệ, và đúng ra là yêu cầu của chính quyền. Điều đó cho tôi cái ý tưởng để viết cuốn In nome del "Calendario" [Nhân danh "Niên Lịch"], nhật ký của một ảo thuật gia, tên là Pirimpimpino, kẻ tự cho mình là nhà khám phá, người chiếm thuộc địa, và nhà cải cách của đảo Acorn, một hòn đảo ở Bắc Băng Dương, nơi dân chúng thờ phượng thần "Niên Lịch". Hàng ngày, với sự cẩn trọng và chính xác cao độ trong việc thu thập tài liệu, Pirimpimpino ghi chép những việc làm và (cái mà hôm nay tôi muốn gọi là) những cơ cấu xã-hội-nhân-chủng của dân chúng của y, thỉnh thoảng xen lẫn vào giữa những mẩu ghi chép này là những bài tập văn chương. Tôi tìm thấy trong đó một "Truyện ngắn của phái Tương Lai", nguyên văn như thế này: "Luigi là một người tốt, thế cho nên, có một lần sau khi anh ta đã hôn những chiếc đĩa thức ăn của những con thỏ cái, anh ta đến tiệm Lateran để mua thời hiện tại hoàn tất [...]. Nhưng trên đường đi anh ta rơi lên một ngọn núi và chết. Một điển hình rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng và lòng nhân ái, anh ta được những trụ dây thép khóc thương."

Trong phần còn lại của cuốn sách, người kể chuyện mô tả (và vẽ) hòn đảo mà y ngự trị, những khu rừng, những hồ nước, những hải ngạn, và những miền núi non của nó, tường thuật những cuộc cải cách xã hội do chính y đề ra, những lễ nghi và thần thoại của dân chúng của y, giới thiệu các quan thượng thư của y, và phát biểu về những cuộc chiến tranh và những nạn dịch... Văn bản xen kẽ với hoạ bản, và câu chuyện (vốn không theo bất cứ quy tắc nào về thể loại) đã biến thành một cuốn sách bách khoa -- và bây giờ nhìn lại, chúng ta có thể thấy sự liều lĩnh của cậu bé ngày ấy đã báo trước những nhược điểm của cái ông trưởng thành hôm nay.

Cho đến lúc không còn biết phải làm xảy ra việc gì cho nhà vua và hòn đảo của y nữa, tôi đã kết thúc câu chuyện ở trang 29, với dòng chữ: "Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi một cuộc viễn hành... Có lẽ thậm chí tôi sẽ không trở lại; chỉ xin thú nhận một điều nho nhỏ: trong những ngày đầu, tôi đã tự tuyên bố tôi là một phù thuỷ. Điều đó không đúng sự thật: tôi chỉ là một kẻ mang tên Pirimpimpino. Hãy tha thứ cho tôi."

Sau những thí nghiệm ấy, tôi quyết định rằng tôi phải thực hiện truyện bằng tranh, và tôi thực sự đã sản xuất được vài cuốn. Nếu lúc ấy những máy photocopier đã hiện diện, thì chắc tôi đã phát hành rộng rãi hơn; thay vào đó, để bù lại cho những hạn chế của tôi trong công việc sao chép, tôi đã đề nghị các bạn cùng trường giao cho tôi một số giấy từ những cuốn sổ có kẻ ô vuông của họ, số giấy ấy tương đương với số trang của tác phẩm, cộng thêm một ít giấy phụ trội để đền cho tiền mua mực và công lao động của tôi, và tôi hứa hẹn sẽ sản xuất nhiều bản sao của cùng một truyện phiêu lưu. Tôi ký kết tất cả những hợp đồng ấy mà không ngờ việc thực hiện mười bản sao như vậy sẽ nặng nhọc đến chừng nào. Cuối cùng tôi đành phải trả lại những cuốn sổ tay cho họ, xấu hổ vì sự thất bại của mình, không phải như một tác giả, mà như một nhà xuất bản.

Lên trung học, tôi viết những mẩu tự sự vì lúc ấy "nghị luận" (với đề tài được quy định) đã được thay thế bằng "ký sự" (kể lại "một mẩu cuộc sống", nhưng được tự do chọn lựa đề tài). Tôi đạt điểm xuất sắc cho những phác thảo mang tính khôi hài. Bây giờ tôi vẫn còn giữ cái kiệt tác của tôi: bài viết ấy mô tả việc tôi đã chuẩn bị như thế nào, sau nhiều thí nghiệm, để biểu diễn cho bà con láng giềng xem một kỳ quan khoa học, tức là, một trong những cái ly không bể đầu tiên của nhân loại; tôi thả cái ly xuống nền nhà với một cử chỉ đầy khải thắng, và, tất nhiên, nó bể nát.

Giữa 1944 và 1945 tôi xoay sang viết trường ca, nhại theo cuốn Hài Kịch Thần Thánh [2] và kèm thêm một loạt chân dung các vị thần trên núi Olympus, tất cả đều được tôi vẽ theo phong cách của thời điểm tối tăm ấy, lúc chúng tôi đang chịu đựng chế độ khẩu phần, những cuộc cúp điện, và những bài ca của Rabagliati.[3]

Rốt cuộc trong hai năm đầu tiên ở trường trung học, tôi đã viết được một truyện gọi là "Tiểu Sử Bằng Tranh của Euterpe Clips" (có minh hoạ), và vào giai đoạn ấy, mẫu mực văn chương của tôi là những tiểu thuyết của Giovanni Mosca và Giovanni Guareschi.[4] Trong mấy năm cuối bậc trung học, tôi đã viết vài truyện với những tham vọng văn chương nghiêm túc hơn. Tôi cho rằng vào lúc ấy giọng văn tôi chủ yếu mang tính hiện thực thần kỳ theo kiểu Bontempelli.[5] Trong một khoảng thời gian dài, tôi cứ muốn thức dậy sớm và vạch kế hoạch viết lại truyện "Cuộc Hoà Nhạc", trong đó vốn có một ý tưởng tự sự thú vị. Một ông Mario Tobia nào đó, một khúc tác gia thất bại, đã tập hợp tất cả những đồng cốt trên thế giới để, bằng linh chất của các đồng cốt khi xuất hồn, tạo ra, ngay trên sân khấu, những nhạc sĩ vĩ đại nhất của quá khứ, để họ trình diễn nhạc phẩm "Conradino of Swabia" của ông. Beethoven điều khiển dàn nhạc, Liszt chơi dương cầm, Paganini chơi vĩ cầm, và vân vân. Chỉ có một người thời nay là Louis Robertson, nhạc sĩ kèn trumpet. Truyện đã mô tả khá hay cái trình tự của sự việc qua đó các đồng cốt dần dần không thể giữ cho những nhân vật của họ sống trên sân khấu được nữa, và các nhạc sĩ của quá khứ dần dần tan biến đi, giữa những tiếng rên rỉ và những nghịch âm của lũ nhạc khí đang hấp hối, chỉ còn lại chiếc kèn trumpet của Robertson trên sân khấu vẫn kêu lên lảnh lót, kỳ ảo, vỡ bờ.

Tôi nên để cho những độc giả trung thành của tôi (cả thảy là hai mươi bốn người, tôi muốn nói như vậy, để khỏi phải cạnh tranh với số lượng hai mươi lăm độc giả của ông Manzoni Vĩ Đại,[6] bởi tôi chỉ muốn hơn ông ở sự khiêm tốn) cái công việc nhận ra rằng cả hai mẩu chuyện trên đây bốn mươi năm sau đã được ứng dụng như thế nào trong tiểu thuyết Quả Lắc của Foucault. [7]

Tôi cũng đã viết một số "Những Câu Chuyện Xa Xưa về Vũ Trụ Non Trẻ", trong đó các nhân vật chính là quả đất và các hành tinh khác, vào thời các thiên hà vừa xuất hiện, lúc họ đắm chìm trong những niềm đam mê và những trận ghen tuông: trong một truyện, Venus yêu Mặt Trời và, với một nỗ lực vĩ đại, đã tự thoát ra khỏi quỹ đạo của chính nàng và tự hủy trong vầng sáng chói ngời của người yêu. Đó là một truyện nhỏ bé, tự phát, theo kiểu Hài Vũ Trụ.[8]

Ở tuổi mười sáu tôi bắt đầu yêu thơ. Tôi ngấu nghiến những nhà thơ Hermetic (Ẩn Mật), nhưng khẩu vị riêng của tôi lại thiên về thơ của Cardarelli [9] và chủ nghĩa cổ điển của những người viết cho tạp chí La Ronda [Tuần Cảnh].Tôi không còn nhớ có phải chăng vì nhu cầu thi ca (và cùng lúc là sự phát hiện ra Chopin) đã làm nở hoa mối tình đầu tiên, trong sáng và thầm lặng của tôi, hay ngược lại. Dù thế nào đi nữa, cái hợp chất [ẩn mật / cổ điển] ấy thật là thảm hại, và ngay cả những niềm hoài cảm dịu dàng và tự nuông chiều bản thân nhất cũng không cho phép tôi giờ đây nhìn lại những nỗ lực ấy mà không khỏi có cảm giác hoàn toàn đáng phải xấu hổ một cách sâu sắc. Nhưng cái ý nghĩ mang tính phê phán khắc nghiệt này chắc chắn đã trồi lên từ kinh nghiệm ấy : nó là cái đã khiến cho tôi, trong vòng chỉ vài ba năm, quyết định rằng thơ của tôi đã có cái xuất xứ tâm sinh lý và hình thức kết cấu giống hệt như cái mụn của tuổi dậy thì. Ý nghĩ này khiến tôi quyết tâm (liên tục hơn ba mươi năm) từ bỏ cái gọi là viết văn sáng tạo, và chỉ cho phép mình tư duy triết học và viết những tiểu luận.

 

[Đón xem kỳ II: "Người viết tiểu luận và người viết truyện hư cấu"]

 

 

--------------
Dịch từ bản Anh văn: “How I Write”, trong Umberto Eco, On Literature , trans. Martin McLaughlin (Orlando, Florida: Harcourt Inc., 2004), 302-306.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Emilio Salgari (1863-1911), nhà văn Ý, chuyên viết truyện phiêu lưu mạo hiểm, và là người tiền phong của loại truyện khoa học giả tưởng. Ông thường được gọi là "Jules Verne của nước Ý". Một câu nói của ông thường được độc giả nhắc đến: "Đọc là du hành khắp đó đây mà khỏi phải bị phiền phức vì hành lý."

[2]Hài Kịch Thần Thánh tức là cuốn Commedia [Hài Kịch] của Dante Alighieri (1265-1321). Sau này, Giovanni Boccaccio (1313-1375) đã thêm chữ "Divina" [Thần Thánh] vào nhan đề. Dante viết cuốn này vào cuối đời, khoảng giữa những năm 1308 và 1321. Commedia được xem là một kiệt tác văn học của châu Âu thời trung cổ.

[3]Alberto Rabagliati (1906-1974) là ngôi sao nhạc nhẹ đầu tiên của nước Ý. Sau khi sang Hollywood và gặt hái những thành công vang dội, ông trở về Milan, và từ năm 1941 đến 1945, cứ mỗi tối thứ Hai hàng tuần, đài phát thanh EIAR của Ý có chương trình riêng cho tiếng hát của Rabagliati.

[4]Giovanni Mosca (1908-1983) và Giovanni Guareschi (1908-1968) là hai nhà văn chuyên viết truyện châm biếm. Hai ông cùng sáng lập tuần báo Candido sau Đệ Nhị Thế Chiến. Giovanni Guareschi nổi danh trên thế giới với tìểu thuyết Mondo piccolo: Don Camillo [Thế Giới Nhỏ Bé của Don Camillo] (1948).

[5]Massimo Bontempelli (1878-1903), nhà văn và phê bình gia của Ý, người khởi xướng chủ nghĩa hiện thực thần kỳ trong văn chương Ý từ những năm 1920.

[6]Alessandro Manzoni (1785-1873), tiểu thuyết gia kiêm thi sĩ của Ý, nổi tiếng với tiểu thuyết I promessi sposi [Những Kẻ Đã Hứa Hôn] (1827).

[7]Quả Lắc của Foucault tức là tiểu thuyết Pendolo di Foucault của Umberto Eco (Milano: Bompiani, 1988).

[8]Hài Vũ Trụ là tập truyện Le cosmicomiche của Umberto Eco (Turin: Einaudi, 1965).

[9]Vincenzo Cardarelli (1887-1959) là tác giả của những bài thơ hoài cảm. Ông chủ trương quay về lối diễn tả trong sáng và nhịp điệu cổ điển. Cardarelli là một trong những sáng lập viên của tạp chí văn học La Ronda (1919).

 

 

Một bài viết khác của Umberto Eco:

 
Văn phong của bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản  (tiểu luận / nhận định) 
... nó là một văn bản đáng kinh ngạc ở chỗ nó khéo léo luân chuyển giữa giọng văn khải huyền và châm biếm, giữa những khẩu hiệu hùng hồn và những lời giải thích rõ ràng, và ngay cả đến hôm nay (nếu xã hội tư bản thật sự muốn trả thù về những cuộc nổi loạn mà mấy trang viết này đã gây ra) nó nên được đọc như một văn bản thiêng liêng cho những đại lý quảng cáo... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021