thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TRẠI SÚC NHÂN [12]

 

Bà Thoa Trần-Thị ngày xưa thân mến,
Lẽ ra như đã hẹn, đây sẽ là một thư riêng gửi bà, nhưng nhận thấy những gì sẽ viết dưới đây có gắn bó hữu cơ với tiểu thuyết TRẠI SÚC NHÂN nên tôi sẽ trình bày như một Vĩ Thanh sau khi giã từ những con thú của câu chuyện hoang tưởng được khởi thảo từ cách đây gần 40 năm.
 
Xin bà vui lòng, cùng với các độc giả, đọc phần cuối của TRẠI SÚC NHÂN.

 

______________

 

Đã đăng: [1] - [2] - [3] - [4] - [5] - [6] - [7] - [8] - [9] - [10] - [11]

 

 
Mượn tạm bức tranh Bacchanal của Paul Rubens để minh hoạ cho TRẠI SÚC NHÂN. Ba nhân vật được chiếu sáng rõ, từ trái qua phải: Nàng Cừu Syrinx [có vẽ thêm một chi tiết rất nhỏ để phù hợp với truyện], Vua Vick và Pan Mack-Hit. Có thể thấy các Đại Thánh Dê Donjoan, Chó Anubis. Bên dưới là các Homo-Ovinus cái đang sinh dưỡng Người-Cừu cho Vua Vick.

 

Ngôi trường của những vật nuôi

Thị trấn nhỏ và những bầy thú

Lúc ấy Đông Thành chỉ là một thị trấn nhỏ nằm trên đường từ kinh đô đến thành phố P. Tôi học xong nghề Kiến trúc, được cử về đấy khi mới ngoài 20 tuổi. Ông trưởng phòng cùng các nhân viên Phòng Thiết kế của Ty Kiến trúc Đông Thành nhìn tôi như một vật lạ và không giấu mối ác cảm. Chỉ vì, thật kỳ quặc, tôi là dân thành phố P, nơi có nhiều nhà tư bản lập nghiệp từ đầu thế kỷ XX. Theo họ, tôi đã bị ảnh hưởng lối sống xấu xa của bọn tư bản và đám tiểu tư sản thành thị, mặc dù trong lý lịch tôi thuộc thành phần công nhân viên chức. Theo lệ thường về quản lý nhân sự, một gã sinh viên ra trường sẽ có bản lý lịch, loại văn bản mật niêm phong, gã không được xem, nhà trường gửi theo về nơi gã đến nhận việc. Những điều ghi trên đó sẽ quyết định sự đối xử của nơi tiếp nhận đối với gã.

Chắc nhà trường sẽ chẳng ghi điều gì tốt cho tôi, một kẻ mà họ cho là khó kiểm soát về tư tưởng. Lớp trưởng đã theo dõi thấy gã sinh viên hay viết lách gì đó khi mọi người đi chơi. Rất khả nghi. Lớp trưởng đã bày ra một cuộc khám xét đồ mất cắp để nhân đó kiểm tra hòm đồ của gã. Những xấp giấy chi chít chữ của gã, lớp trưởng xem chẳng hiểu gì cả. Gã đọc những cuốn sách có tên rất lạ, nhưng không rõ có phải là sách phản động hay không, hỏi thì gã bảo toàn sách của “Liên Xô” (Anna Karénina, Robinson Crusoé, Một anh hùng thời đại- Lermontov, Prometheus bị xiềng...). Là một kẻ có lối sống không phù hợp với tập thể, gã cần được theo dõi, giáo dục thường xuyên để không bị sa ngã.

Vì vậy bây giờ ở Đông Thành người ta cũng luôn giám sát nhắc nhở tôi những chuyện lặt vặt để tôi đừng có sống tự do, vô tổ chức.

Có một người cùng nghề về Phòng Thiết kế trước tôi một năm. Đó là Phong, bạn cùng trường, học khoá trước tôi, sau này là nhà thơ Thuần Phong. (Anh không muốn tôi viết rõ tên, tuy anh cũng đã có bài trên tienve.org). Phong cũng được quan tâm chăm sóc như tôi, vì anh là dân H, một thành phố lớn. Chúng tôi vẫn còn may mắn, vì, người ta thường chuyển những kẻ ở thành phố lớn lên những vùng thượng du, hải đảo hẻo lánh để rèn luyện họ.

Phòng thiết kế của Ty Kiến trúc đặt ở tầng trệt một ngôi nhà 2 tầng cũ nát xây từ đầu thế kỷ 20. Những nhân viên xa nhà cùng sống trên một tầng gác gỗ ọp ẹp phía sau nhà làm việc. Trên căn gác đó có tôi, Phong và mấy công nhân khảo sát. Những gã thợ đào đất to lớn, lầm lỳ thô lỗ và cục cằn, thỉnh thoảng lại đánh nhau vì chuyện ăn gian khi chơi bài hay chia tiền công không đều. Chúng đổ máu mồm vì những quả đấm như búa tạ, nhổ máu phì phì, chửi: “Mẹ mày, nhớ đấy!” Để rồi hôm sau lại cùng nhau tỳ người lên chiếc cần khoan đất dựng chơ vơ giữa cánh đồng, hì hục đẩy quay vòng quanh cái trục khoan suốt ngày như những nô lệ cổ đại. Trong số đó có một gã sẽ trở thành một “thợ giết người bằng tay không”, chuyên giết người cướp của trên những đoạn đường vắng mà đội khoan đất đi qua. Hắn bị xử tử.

Thuần Phong sau này viết một truyện dài về thị trấn Đông Thành đã có nhiều website văn chương đăng. Những chuyện tôi cũng biết, dưới bút của Thuần Phong nhuốm màu thần quái. Một người đàn bà có ria mép làm nghề bốc vác đã lần đi xuống lòng sông để chết theo người tình. Bà này khi còn trẻ có sắc đẹp ma quái, đã dụ một anh giáo nghèo bơi đi bơi lại ba lần qua sông để sẽ được thưởng một cuộc mây mưa với cô, nhưng rồi anh ta đã kiệt sức giữa dòng, không bao giờ lên bờ nữa... Con sông Mỵ mà Phong đã bơi qua giữa mùa đông, bị đuối sức nơi nước sâu nhất, sắp chết, phải kêu cứu. Một chiếc thuyền buồm lớn như từ trong cơn mơ lừ lừ trôi đến, nhưng không có cây sào nào đưa xuống giúp Phong. Những kẻ trên thuyền mặc áo bông to xù hình thù dị dạng, nhìn kẻ đang lóp ngóp sắp chìm, thản nhiên nhe răng cười, những chiếc răng nhọn hoắt như răng chuột... Một bà giả gầy khô, cặp mắt trong suốt long lên như yêu tinh, chặn Phong giữa một con phố cổ vắng, vỗ ngực mình ngọng nghịu hỏi đi hỏi lại Phong một câu kỳ lạ: “Tôi đi đâu? Tôi đi đâu?” ... Và nhiều chuyện quái đản hơn nữa.

Ở thị trấn nhỏ ấy cũng có mấy hoạ sĩ làm ở nhà máy gốm, nhà Triển lãm, Cửa hàng bách hoá; trong số đó có một tay con nhà nòi, cháu ruột nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị; nhưng anh này sau lại trở thành nhà văn, biên tập viên tờ tạp chí của Hội Nhà văn. Ở đấy còn có một nghệ sĩ mù chơi guitar nổi tiếng. Tôi đã học kỹ thuật “Trémolo” từ anh ta, khiến những ngón tay rớm máu nhiều ngày.

Tôi thường đi dạo trên những phố cổ có những ngôi nhà long lở, rêu phong ẩm ướt như đang mục nát, và những cây bàng tán lá úa màu huyết dụ.

Trên những con đường rải đá thô của thị trấn Đông Thành, thường có những đàn bò của một nông trường gần đấy đi lại mỗi buổi sớm chiều. Những con bò gợi đến món thịt bắp luộc chấm tương gừng. Hồi tôi ở trường, có lần dân quanh vùng đến trường kêu không biết gã sinh viên táo tợn nào đó đã xẻo trộm một bên mông của con bò thả hoang. Những con bò nghênh ngang đi qua con phố chính của Đông Thành như thể thị trấn là của chúng. Và xe ngựa thong dong diễu phố như thời cổ... Những con ngựa hết ca kéo xe, đi dạo lang thang trên đường, tiện đâu ị đấy. Chó chạy lăng quăng rất tự nhiên trên phố. Cả lợn nữa. Những con lợn đi một mình hoặc đi thành bầy, và cũng ị tùy hứng... Rồi dê, cũng của nông trường, dừng chân vểnh bộ râu dê ngắm phố xá của chúng. Gà và ngỗng của dân phố nuôi dạo chơi trên hè. Những con ngỗng lớn quen đi hoang nên dữ tợn khiến người ta phải nể sợ không dám đến gần, để mặc chúng đi lại kêu váng đường phố...

Trong nhà ăn của trường đại học, có lúc chúng tôi ăn chung với lũ chó, lợn và chuột. Thiếu bàn ghế nên mâm nào đi ăn muộn phải ngồi xuống sàn nhà. Cơm độn ngô xay vàng khè đựng trong những thúng nhỏ, ăn kèm với chút rau, đậu, đặt ngay trên nền xi măng. Có lần chúng tôi đang ăn, một con lợn của nhà bếp thả rông xông đến vục mõm vào thúng cơm. Cơm độn ngô lại nấu sượng nên chẳng ai tiếc. Một gã trong mâm cơm kính cẩn nói với con lợn: “Cấp trên xuống ăn bữa cơm thường với cấp dưới thế này khiến bọn em cảm động quá!” Rồi hắn nảy ra ý táo tợn, vừa vuốt ve con lợn vừa khẽ nói với chúng tôi: “Này, hay là chúng mình đập cho ‘cấp trên’ một nhát, bế lên sân thượng luộc chén cho đã đời?” Chúng tôi muốn quá đi chứ. Nhưng làm sao đưa con lợn ra khỏi nhà ăn? Lũ chó của nhà bếp cũng có lúc sục vào mâm cơm. Dưới gầm bàn, chân tường, những con chuột béo núc thản nhiên đi lại nhặt những thứ rơi vãi. Lũ gián, kiến cũng cùng ăn với các sinh viên.

Một gã trong chúng tôi bảo: Cứ ăn ở chung với lũ chó lợn lâu dần bị lú lẫn, không rõ mình là chúng nó hay chúng nó là mình. Rồi hắn nhe răng “grừ...rừ...rừ... hực!...” và sủa lên một tràng ông ổng, hệt như chó. Cả nhà ăn lặng đi một lát, rồi mấy tiếng “chó” rụt rè sủa theo. Tiếp sau, cả một đàn “chó” sủa ầm lên. Đủ các loại “chó”. Chó to sủa đĩnh đạc. Chó con sủa nhanh nhách. Con chó ta sủa ăng ẳng như vừa bị đá vào mõm. Có con chó tây sủa ồm ồm trang trọng rất kẻ cả. Có con chỉ hộc lên rồi thôi, một con chó già ốm bất lực. Con thì tru lên một hồi dài như chó sói (“con” này thường lên sân khấu nhà trường hát những Aria trích trong opéra, giọng rất khoẻ). Lại có con cứ ấm ách í oẳng như bị mòng đốt mà không sủa lên được... Đám nữ sinh cười rũ rượi rơi cả bát đũa. Một đồng chí “Cờ Đỏ” quát lên: “Im đi! Muốn làm chó cả à?” Phải quát mấy lần mới dẹp được đàn “chó”.

Bây giờ ở cái thị trấn có nhiều thú vật, chúng tôi vẫn đói. Toàn những “con thịt” đi lại trước mắt mà không được ăn thịt. Một lần, chừng 9 giờ đêm, đói quá, tôi rủ Phong ra phố tìm một hàng ăn. Cũng là một sự hoang đàng liều lĩnh, vì, một bát bún vịt hay bát phở gà cũng sẽ làm chao đảo nền kinh tế của mỗi chúng tôi. Chưa được ăn gì thì bỗng dưng chúng tôi bị mấy kẻ thô lỗ dữ tợn cầm gậy bắt dồn vào một góc phố. Hỏi: Đang đi trên phố bình thường, sao lại bắt giữ? Mấy kẻ ấy lầm lỳ không trả lời, đẩy giúi chúng tôi đứng vào hàng lối. Bắt chúng tôi đem đi đâu? Họ vẫn im lặng như không hiểu chúng tôi nói gì. Phong đói, bực mình, càu nhàu muốn chửi tục. Tôi ghé tai thì thầm: “Chúng không hiểu tiếng người. Nhưng chửi chúng là ăn đòn đau đấy.”

Mấy kẻ cầm gậy câm lặng giải chúng tôi đi như lũ tù qua những con phố tối tăm loáng thoáng vài ngọn đèn điện lù mù. Một gã cầm gậy đi sát cạnh tôi, thở phì phì toát ra mùi của chuồng bò. Có lẽ là một nhân viên chăn bò của nông trường. Chúng tôi được đưa đến một ngôi trường. Một người đàn ông ra dáng quan trọng hỏi cung: “Giấy tờ? Ra phố ban đêm làm gì?” Những người bị bắt, có người sợ bị lôi thôi thì trả lời ngoan ngoãn. Cũng có người cáu kỉnh vặc lại: “Nóng bỏ mẹ cởi trần đi hóng mát giấy tờ đếch gì.” Kẻ ấy gặp hoạ. Người thẩm vấn ra lệnh nhốt kẻ khả nghi và bướng bỉnh lại, sáng mai sẽ tra xét tiếp. Đến lượt tôi và Phong bị thẩm vấn thì ngay lúc ấy có tiếng một cô gái ở cuối phòng vang lên: “Anh Cương ơi, em Thoa đây. Hai đồng chí ấy là cán bộ kỹ thuật của Ty Kiến trúc, bạn em.” Ân nhân của chúng tôi là Thoa Trần Thị (xin dùng tên hiện nay của người phụ nữ đó). Cô này cũng bị các dân phòng bắt giữ, nhưng có ông Cương là anh họ, nên chúng tôi được tha. Ông Cương bảo: “Đang có đợt diễn tập trị an, các cô cậu đừng ra phố ban đêm.”

Thoa và chúng tôi trong một nhóm những người ham đọc sách và nghe nhạc. Chúng tôi tự xưng là “Một tổ Quý tộc” theo tên cuốn sách của Ivan Tourguéniev. Những “quý tộc” đói khát và rách rưới ban đêm thường gặp nhau ở gian nhà của Vinh, một du học sinh ở Nga về. Tổ Quý tộc gồm có Vinh (chủ nhà), Thoa (giáo viên dạy văn của một trường cấp 3), tôi, Phong, và Phùng (người Hà Nội). Phùng học xây dựng bị treo bằng vì tội cãi nhau với lớp trưởng, bây giờ về Đông Thành làm thuê cho các công trường kiếm chút lương công nhật sống qua ngày, chờ hết hạn treo bằng. Chúng tôi nghe nhạc từ những đĩa hát loại chế tạo bằng bột than qua cái máy hát kiểu cũ mà Vinh mang từ Nga về. Bambino, Histoire d'un amour, La chanson d'Orphée, Les Enfants du Pirée... của Dalida, Yves Montand,... và những bài của chú bé người Ý Robertino Loretti...

Trong căn phòng của ngôi nhà cổ ở một ngõ hẻm, các quý tộc ngồi nghe nhạc trên cái đi-văng bọc da cũ rách, cái giường đệm lò-xo đã rão, và ngồi bệt trên nền lát những viên gạch hoa sứt mẻ. Chúng tôi uống thứ nước trà tồi tàn thời đó gọi là “chè tổng hợp”, loại trà chế biến một cách thô thiển từ những nguyên liệu thứ phẩm có nước màu nâu đục, mùi vị không liên quan đến “trà tầu”. Và chúng tôi đọc những cuốn sách của văn học Pháp, Nga.

Một lần, Thoa đưa cho tôi tập Bi kịch cổ điển Hy Lạp. Tôi mừng rỡ như được chạm tay vào một món đồ cổ quý hiếm của hàng nghìn năm trước. Những trang cuối của cuốn từ điển Larousse tôi mua ở cửa hàng sách cũ có danh mục một số sách quý, trong số đó có Iliade, Odyssée của Homère và Bi kịch của Eschile, Sophocle... Ở trường học nghề tôi đã đọc Thần thoại Hy lạp dịch từ tiếng Pháp. Chính những lâu đài, lăng tẩm, đền thờ, cung điện và những chuyện kỳ bí trong lịch sử Hy Lạp, La Mã thời trung học đã kéo tôi vào nghề kiến trúc.

Một tối thứ bảy, khi chúng tôi đang nghe những bài Valse thành Vienne thì Vinh trịnh trọng mở một gói sô-cô-la, bẻ chia cho chúng tôi mỗi người một miếng vuông vắn bằng nửa bao diêm. Sô-cô-la lúc này đối với chúng tôi như một thứ bánh thánh.

Phong hỏi Vinh: “Của quý này ở đâu ra vậy?”

Thoa mỉm cười bí ẩn chỉ tay lên trần nhà. Quà từ trên trời, Thượng đế ban xuống.

Vinh bảo: “Của Thoa đấy. Người nhà từ Mỹ gửi qua Pháp, về Lào rồi đến đây. Nhưng ta ăn xong phải quên ngay, cấm không được khoe khoang. Khoe nghĩa là khai báo, làm hại Thoa đấy.”

Nhận quà từ một nước đế quốc tư bản sẽ gặp rắc rối. Cả những kẻ đang hưởng thụ sản phẩm tư bản một cách trịnh trọng và thích thú như chúng tôi cũng là một lũ xấu xa. Thời Pháp, dân thường gọi sô-cô-la là “Súc-cù-là”, tôi đã quên mùi vị từ lâu rồi. Bây giờ tôi nhấm nháp từng chút nhỏ miếng sô-cô-la và trong tôi thức dậy cả một thời âu thơ đầy màu sắc và hương vị.

Vinh cắn hai lần hết miếng sô-cô-la, tráng miệng chén “chè tổng hợp”, rồi bình: “Ngon hơn sô-cô-la Nga.”

Phong ăn lâu hơn Vinh một chút, rồi triết lý: “Một loại thực phẩm có hại. Ăn rồi sẽ buồn nhớ mãi.” Và Phong đọc thơ:

Ta để lại câu thơ mờ bóng lệ
Những dấu vết của tâm hồn
Như cắn thanh sô-cô-la lũ trẻ
Còn để lại dấu răng non.

Thuần Phong đã sửa câu thơ của Anna de Noelle. Nữ thi sĩ Pháp nói đến dấu răng của bọn trẻ trên quả lê cắn dở. Tôi cũng như đứa trẻ ấy, cố nhấm nháp kéo dài hương vị mẩu sô-cô-la nhỏ trên hai ngón tay. Thoa không ăn, đưa suất của cô cho tôi: “Thu Sang ăn hộ với. Thoa ăn nhiều ở nhà rồi.” Tôi biết Thoa nhường cho tôi. Nhưng không đừng được, tôi ăn thêm miếng sô-cô-la của Thoa. Rồi để chữa ngượng với mọi người, tôi nói:

“Thoa rất tinh đời. Sô-cô-la chỉ xứng với ai biết giá trị cao quý của nó.”

Tôi lại nhớ tới “lũ chó” trong nhà ăn tập thể sinh viên, và nghĩ đến bài thơ về con Chó “Cả đời không được chén trà tầu”. Trường hợp này thì “trà tầu” thay bằng “súc-cù-là”.

 

(Còn tiếp một kỳ Vĩ Thanh)

 

 

---------------------------

Các chương đã đăng:

TRẠI SÚC NHÂN [11]  (tiểu thuyết) 
... Ta đã giải thoát cho các ngươi khỏi dao sắc mổ ruột, rìu bén chặt xương, dùi nhọn xiên thịt. Ta đã giải thoát cho các ngươi khỏi nước sôi luộc thịt. Ta cũng đã giải thoát cho các ngươi khỏi lửa đỏ nướng thịt. Ta đã phó cả thân xác vợ yêu của ta cho các ngươi hành hình. Các ngươi đã trở thành Thú Vật thượng đẳng. Nay trả ơn bằng sự chết cho ta sao? Chung cục, các ngươi vẫn chỉ là Thú Vật mà thôi... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [10]  (tiểu thuyết) 
... Đó là một đám rước kỳ dị chỉ có ở thời Thú Vật toàn trị: Bầy Người gầy ốm trần truồng râu tóc xồm xoàm như những kẻ bán khai hì hục kéo chiếc xe gỗ thô kệch chở một con cừu nhỏ. Trong số những tù binh Người tóc râu chấm đất có nhà vật lý nổi tiếng Xenophe Moussus của trường đại học Athenes. Ông này được giao thiết kế xa giá của Thánh Nữ. Nhưng do nhầm lẫn gì đó về lý thuyết nên các bánh xe có hình bầu dục, khiến bầy tù binh Người vừa gò lưng kéo chiếc xe đi khập khiễng vừa nguyền rủa những định luật vật lý của Mossus... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [9]  (tiểu thuyết) 
... Những chiếc kèn loa to có ống cán thật dài của thổ dân từ đâu đó trong rừng sâu phát ra tíếng rống đau đớn của sinh vật bị thương... Những chiếc trống rất lớn ở đâu đó trong những khe núi thẳm dội lên tiếng gầm đứt hơi của sinh vật hấp hối... Tất cả than khóc cho Ngày Cuối Cùng của con Người... là Ngày Huy Hoàng của Súc Sinh giáo. Trong những ngày ấy, có một con cừu cái lầm lũi bước đi dưới khói đen giữa cằn cỗi hoang tàn và rữa nát... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [8]  (tiểu thuyết) 
... Hãy bỏ đói chúng, không cho ăn đủ để chúng luôn thèm khát đến nỗi có thể làm mọi chuyện vô luân để được thoả mãn. Hãy làm nhục chúng hàng ngày để chúng không còn biết đến nhân phẩm và sự kiêu hãnh. Hãy làm cho chúng thù ghét lẫn nhau để khống chế lẫn nhau. Hãy làm cho chúng quen với sự nhục nhã, hèn hạ và đê tiện. Ấy chính là sự trừng phạt con Người mà cũng là giữ cho ngôi ta được cao bền vậy... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [7]  (tiểu thuyết) 
... — Ai trong số các con biết một vùng hãm địa, một miền đất xấu xí cằn cỗi, mưa bất thuận gió bất hoà... Một mảnh đất luôn chịu giông bão, nơi mà hạn hán và lụt lội cùng dịch bệnh thay phiên nhau ngự trị... Ai trong số các con có thể tìm được một vùng đất chỉ sinh ra những kẻ ngu đần, mê muội, hèn hạ... và những kẻ tham lam ác độc, man trá, táng tận lương tâm... Ai chỉ cho ta một miền đất bị nguyền rủa từ hàng ngàn kiếp trước, một nơi mà bầy Người đói khát khốn nạn ở đó luôn giết chóc nhau, cướp bóc của nhau, đọa đày nhau hết đời này đến đời khác chỉ vì chút thức ăn và vì những thứ vô nghĩa như một chỗ ngồi để chứng tỏ địa vị, hoặc một mẩu kim loại đeo trước trán để biểu thị giá trị không xứng đáng của mình?... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [6]  (tiểu thuyết) 
... — Đây là nơi ta chia tay cùng các con. Từ đây đi về phía Bắc và phía Tây sẽ đến đất của những kẻ da trắng nhợt nhạt ham uống rượu và làm tình rồi nghĩ ra những máy móc rắc rối và những võ khí huỷ diệt. Đi về phía Tây Bắc sẽ là nơi của những kẻ da màu chì, râu rậm, đội khăn lớn ngồi trên những mỏ dầu hoả nhưng lại thich làm nổ tung tất cả. Đi xa hơn nữa về phía Đông sẽ là nơi những người có bộ da xỉn màu hoàng thổ, đầu đội mũ lá cọ hình chóp, những kẻ chuyên bắt đồng loại làm trâu ngựa; những kẻ chiêm bái lũ Ác quỷ có răng nanh và không có răng nanh, thờ phụng các Tà thần có râu và không có râu. Các con hãy tự chọn hướng đi... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [5]  (tiểu thuyết) 
... Khi mới khởi nghiệp, ta đã đến Moscow vài lần, vì ta cũng biết cái điều mà ngươi đã biết. Ta muốn xem bằng cách nào mà bọn hai chân thô lỗ được gọi là “mugich” ấy lại có thể làm cho cả loài Người phải điên đảo đến gần một thế kỷ. Ta đã ngắm nhìn rất lâu những bức tượng của một gã Người nhỏ thó đang khẩn thiết tự tay túm ngực áo mình và chĩa về phía trước cái cằm nhọn mang chòm râu dê. Bức tượng ấy được dựng ở khắp nơi... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [4]  (tiểu thuyết) 
... “Chẳng có Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái cho các ngươi. Cũng chẳng có Dân Chủ, Công Bằng cho các ngươi đâu. Bởi chính sự làm tôi tớ cho Thú Vật thượng đẳng chúng ta đã là tất cả đối với các ngươi rồi. Vậy các ngươi chẳng nên cần gì nữa.” ... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [3]  (tiểu thuyết) 
Cuộc tấn công của Súc Vật vào loài Người thực ra đã bắt đầu ngay từ khi con Người có ý thức, biết tư duy. Và cuộc tấn công ấy dai dẳng cho đến lúc có câu chuyện này. Súc Vật luôn giữ phần thắng. Nhiều con Người đã đầu hàng, tình nguyện đứng về phe Súc Vật... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [2]  (tiểu thuyết) 
... Năm Con Chó, tháng Trực Hạn, ngày Nhật thực toàn phần, thành phố Koprixomuck, một thành phố bẩn thỉu xấu xí vô danh trở thành lừng danh, vì ở đó đã ra đời Pan Mack—Hit, một quái vật đầu người, sừng bò tót, với cặp chân sau đầy lông lá có móng như chân dê... (...)
 
TRẠI SÚC NHÂN [1]  (tiểu thuyết) 
... Phía Đông Nam đầm nước bẩn thỉu, bọn Súc Vật lập “Trại Súc Nhân”. Chu vi của dải đất hẹp hình thù xấu xí là lớp tường rào ken thân cây vát nhọn. Phía trong hàng rào ấy, bầy Người tóc râu chấm đất, trần truồng bên máng cỏ khô — chính chiếc máng cỏ ngày xưa Chúa Hài đồng đã nằm khi được Chúa Cha cho xuống thế gian để cứu rỗi loài Người... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021