thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
COMPUTER [kỳ 7/7]

 

Tặng c.Huyền

 

 

FILE 2

 

Có nhiều dị bản khác nhau về câu chuyện chú bé nói dối. Nhưng chung quy cũng là chuyện về một cậu bé khi nói dối lần đầu tiên, mọi người đều tin rằng cậu nói thật. Đến lần thứ hai, khi cậu nói thật vào một tình huống cũng giống như lần thứ nhất thì đã không còn ai tin nữa. Vì không ai tin nên không ai có thể cứu cậu bé.

Đương nhiên, đó là một câu chuyện mang tính giáo dục cao. Nó dùng để răn đe trẻ nhỏ rằng đừng bao giờ nói dối.

Nhưng với ông bây giờ, mỗi khi nghĩ về câu chuyện đó, ông lại cảm thấy buồn.

Con người ta có thể dễ dàng mất lòng tin dành cho nhau như vậy sao?

 

Nếu kể câu chuyện này cho trẻ nhỏ nghe, bên cạnh bài học mà mọi người vẫn thường hay nghĩ đến, nó sẽ có một bài học khác: đừng tin những người đã từng một lần nói dối. Và ông đồ rằng nó lại có sức ảnh hưởng lớn hơn cả bài học đầu tiên.

 

Con cần một người mà dù con có nói dối biết bao nhiêu lần người ấy cũng vẫn tin tưởng con. Chỉ có như thế, người đó mới kịp thời cứu con. Vì con không có khả năng tự cứu chính bản thân mình nữa rồi.

 

Đêm hôm ấy, trời đã mưa rất to.

Con trai ông đã nói như thế rồi bỏ đi ra ngoài.

Đêm đó, nó chết vì tai nạn giao thông.

 

Cậu là loại người đó sao? Cậu đã nói dối tôi biết bao năm trời. Vậy mà, tôi vẫn tin cậu. Nhưng bây giờ, đến nước này, tôi không còn muốn tin tưởng cậu nữa. Cậu biến đi cho khuất mắt tôi.

 

Khi phát hiện ra việc cậu con trai duy nhất của mình chỉ có thể yêu người cùng giới, ông đã không thể kiềm chế được những lời trách móc tàn nhẫn. Ông không thể chấp nhận được việc đứa con trai mà người vợ yêu quí đã đánh đổi tính mạng của mình để cho nó chào đời lại là một người như vậy. Có lẽ, nếu vợ ông còn sống, lúc đó ông đã không tuyệt vọng đến như thế. Vì vợ không còn, ông dồn hết tình yêu thương cho kết tinh duy nhất của hai người. Ông sắm máy chụp hình thật tốt và đi học về nhiếp ảnh cũng chỉ để lưu giữ lại hình ảnh con trai của mình. Ông muốn những tấm hình đó nắm bắt được những khoảnh khắc đẹp nhất của cậu ở nhiều góc độ khác nhau.

 

Con trai chết.

Khung hình chữ nhật ấy đối với ông là vô nghĩa. Vì ông không còn biết phải đặt ai/cái gì vào trong đó nữa.

 

Ông khởi động máy tính. Mở thư mục Pinocchio.

Rất nhiều Pinocchio hiện diện trước mắt ông.

Ông nhớ lại cảm giác ngày đầu tiên phát hiện thư mục này trong máy tính của con trai. Những bức hình khiến ông kinh hãi vì những con người thật trong bộ dạng méo mó. Có những thứ chỉ đẹp khi nó được vẽ hoặc nó chỉ đẹp khi tồn tại dưới dạng ảo. Cố gắng gượng ép cái thật vào trong cái đẹp hư ảo, kết cuộc tất cả chỉ còn là những điêu tàn dị dạng.

 

Are you sure you want to delete Pinocchio 1?

Yes.

 

Có lẽ, đó là những người mà con trai ông đã yêu mến...

 

Are you sure you want to delete Pinocchio 2?

Yes.

 

Cho dù đã nói dối nhiều lần, cuối cùng, Pinocchio vẫn trở thành người.

 

Are you sure you want to delete Pinocchio 3?

Yes.

 

Những năm qua, ông đã tiếp tục công việc tìm kiếm Pinocchio cho con trai mình. Có lẽ, nó sẽ vui khi thấy ngày càng có nhiều Pinocchio hơn.

 

Are you sure you want to delete Pinocchio 4?

Yes.

 

Nhưng... nếu cứ mãi tù túng nơi đây, trong hình dạng này, làm sao Pinocchio có thể trở thành người?

 

Are you sure you want to delete Pinocchio 5?

Yes.

 

Cần phải có sự giải thoát.

 

Are you sure you want to delete Pinocchio...?

Yes.

...

Yes.

...

Yes.

...

 

Cứ như thế, ông tiễn từng Pinocchio, từng Pinocchio đi đến một thế giới khác.

720 Pinocchio đã không còn ở đây nữa.

Chỉ còn người cha già...

 

Pinocchio’s father: Tôi rất thích bức ảnh toà chung cư của em. Nó gợi cho người ta nghĩ về nhiều thứ. Tại sao em lại nghĩ ra ý tưởng đó?

dongvan: Đó là bài thi cuối kì môn quảng cáo của em. Đề bài là nghĩ ra ý tưởng quảng cáo cho một thương hiệu. Vì em rất thích PS nên đã chọn nó để làm poster quảng cáo đó.

Pinocchio’s father: Ý tưởng hay thật! Thì ra đó là poster quảng cáo cho PS. Nhưng vì em làm bức ảnh ấy quá nghệ thuật nên tôi không nghĩ nó là quảng cáo. Bây giờ thì tôi đã hiểu ý tưởng và ý nghĩa của câu em viết trong đó rồi. Có lẽ bài đó em đã được điểm rất cao?

dongvan: Không. Cô giáo em không thích nó.

Pinocchio’s father: Vì sao?

dongvan: Lỗi cơ bản nhất là em không để đầy đủ tên thương hiệu. Đáng lẽ ra phải để nó là: Adobe Photoshop. Cụ thể hơn nữa là phải cho người ta biết nó thuộc CS mấy. Thêm vào đó, cô em nói, nếu như bức đầu tiên, em để hình toà chung cư trong độ tương phản trắng đen cao kèm theo dòng chữ: “Is there anyone who helps me to escape from my high-contrast life?”, sang đến bức hình thứ hai, em phải cho toà chung cư có đầy đủ màu sắc hài hoà lại. Như thế, với dòng chữ “No one. Except for you and PS”, sẽ có hiệu quả hơn. Người ta sẽ thấy rằng thương hiệu này thật tuyệt vời. Nó có thể biến một bức ảnh từ độ tương phản cao, nhìn chói mắt như thế trở lại thành một bức ảnh bình thường. Tất cả những điều đó, khi làm, em đã suy nghĩ hết. Em biết làm quảng cáo thì cần phải như vậy. Nhưng cuối cùng, em vẫn không thể làm như thế được. Em muốn nó trở thành một sản phẩm theo đúng cảm xúc và suy nghĩ ban đầu của em. Căn bản, bức hình này lúc em chụp, em cũng đã để nó ở chế độ trắng đen. Vì thế, không có cách nào biến một bức hình vốn trắng đen sang màu được. Thứ hai, nếu chỉnh bức hình đó sang độ tương phản cao rồi lưu lại, rồi sau đó, từ bức hình đã lưu lại mà chỉnh về độ tương phản thấp thì nó cũng không được như bức hình ban đầu. Em không thích để bức ảnh đã chỉnh độ tương phản cao và bức ảnh khi chưa được chỉnh kế bên rồi nói với mọi người rằng từ bức ảnh có độ tương phản cao em đã chỉnh được nó thành bức ảnh có sắc độ màu bình thường. Ngoài ra, em cũng nghĩ nếu như bức ảnh đầu tiên xuất hiện trên báo có độ tương phản cao rồi bức tiếp theo xuất hiện vẫn giống như bức thứ nhất chỉ khác mỗi dòng chữ sẽ tạo được hiệu ứng lớn hơn. Vì thông thường, người ta cũng sẽ nghĩ giống cô: bức ảnh thứ hai sẽ khác bức ảnh thứ nhất. Cuối cùng, em thích ý tưởng là người con gái đó vẫn chưa thoát khỏi được toà chung cư có độ tương phản trắng đen cao đó. Không ai có thể cứu cô. Người ta không biết cô có thoát ra được không? Cho dù là ngay cả khi đã có PS, điều đó vẫn không chắc chắn. Em thích gọi nó là PS hơn. Nó gợi cho em cảm giác là tên viết tắt của một ai đó. Em nghĩ PS đã là một thương hiệu quá quen thuộc với mọi người. Chỉ cần viết hai chữ đó trong lĩnh vực đồ hoạ, mọi người sẽ biết ngay nó là gì. Đôi lúc, sự không rõ ràng lại cuốn hút người ta phải tự tìm hiểu nhiều hơn. Và mục đích của quảng cáo cuối cùng cũng không nằm ngoài việc đó.

Pinocchio’s father: Ý tưởng của em hay lắm. Tôi rất thích nó. Nó đã khiến cho tôi phải tự hỏi liệu tôi có thể cứu được người con gái đó không. Tôi đã tự chỉnh sửa tấm hình đó bằng PS nhưng đúng là dù có làm cách nào thì cô gái ấy cũng không thể thoát ra khỏi độ tương phản cao được. Bởi vì nếu chỉnh nó xuống một độ tương phản thấp hơn, bức ảnh sẽ ngày một tối dần cho đến khi nó chìm hẳn trong bóng tối. Nó không thể nào lấy lại được sắc độ bình thường nữa. Khi bức ảnh của em khiến tôi phải mày mò chỉnh sửa bằng PS, tôi nghĩ dụng ý của em như thế đã thành công. Đáng tiếc là dường như cô giáo của em đã không đủ tinh tế để nhận ra điều này.

dongvan: Cảm ơn thầy. Chỉ cần thầy thích và hiểu ra được phần nào ý nghĩa em muốn gửi gắm trong bức ảnh đó, em đã thấy rất vui rồi.

Pinocchio’s father: Thế bức ảnh này của em có tên không?

dongvan: Em chưa chắc chắn cho lắm. Nhưng có lẽ sẽ đặt nó đơn giản là “Contrast”.

(...)

 

Hôm nay, người cảnh sát đó đã đến tìm ông. Anh báo cho ông biết rằng cậu bé nằm trong danh sách “Computer” của cô đã mất. Vào một buổi chiều trên đường đi học về, cậu đã đến khu chung cư của cô và lên tận sân thượng để tự sát. Toà chung cư đó khá cao nhưng không biết nó đã đủ độ cao để thoả ước nguyện bay của cậu hay chưa?

 

“Có lẽ, tôi sẽ phải từ bỏ vụ điều tra này. Cho dù tôi có muốn tiếp tục, cấp trên cũng không cho phép nữa. Vụ điều tra càng ngày càng đi vào bế tắc. Không một ai thấy được biểu hiện nào khác lạ từ cô gái trước đó. Không một gợi ý gì cụ thể rõ ràng về nơi cô sẽ đến. Thậm chí, chính việc cô còn sống hay không cũng không thể xác định rõ. Và bây giờ, lại có thêm một người chết. Nếu như cậu Thất hoặc ai đó quen biết cô báo cho cảnh sát biết vụ việc này sớm hơn thì nó sẽ không rơi vào bế tắc như bây giờ.”

“Không biết cậu đã điều tra được những gì, nghĩ gì về tính cách của người con gái ấy nhưng có một việc tôi phải nói với cậu: cô ấy thuộc dạng người dễ đem lại cho người khác cảm tưởng rằng cô rất cởi mở. Nói chuyện với cô làm người ta cảm thấy thoải mái và dễ mở lòng mình. Thế nhưng, nếu bình tĩnh suy xét lại sau mỗi cuộc nói chuyện, dường như ta không thu được bất cứ thông tin cụ thể nào từ cô cả. Tất cả đều mơ hồ. Không phải là tôi nghi ngờ cô bé đáng mến ấy. Nhưng, biết phải nói sao đây... Cảm giác ấy có lẽ cũng giống như khi cậu nhìn một mặt hồ trong suốt. Cho dù nó trong suốt đến nỗi ngỡ như nhìn thấy đáy, cậu vẫn không thật sự chắc chắn được dưới đáy sâu đó có những gì, phải không? Mặt hồ ấy không hề cố tình nguỵ tạo cho đáy hồ, vấn đề chỉ nằm ở chỗ mắt người kém quá không thể nhìn thấy được những gì đang thực sự diễn ra dưới đáy hồ ấy.”

 

Qua khung cửa sổ, bầu trời dần chuyển dịch sang màu cam nhạt. Một sắc độ màu không đủ để gợi cho người ta sự ấm áp, nhưng so với bầu trời màu xám xịt của những buổi chiều tắt nắng, ít ra nó đã lụi tàn một cách mạnh mẽ.

 

“Tôi hiểu rất rõ những điều ông nói. Vì tôi đã đọc được hết những cuộc chat giữa cô ấy và Nghi.”

 

(...)

I come to computer.

Me — a name I call my self. Far — a long long way to run.

C D E F G A B

 

Khi kết nối ba chi tiết này, ông lại có những suy nghĩ về nó khác với người cảnh sát. Mọi thứ bắt nguồn từ câu: “I come to computer”. Đó là một câu có thể biểu thị lại bằng các kí hiệu viết tắt của 7 nốt nhạc theo như gợi ý của câu: “Me — a name I call my self. Far — a long long way to run”.

 

I = E (Vì E = Mi. Me — a name I call my self)

Come to = F (Vì F= Fa. Far — a long long way to run. Muốn đi thì cần phải có con đường)

Computer = C (Viết tắt chữ cái đầu tiên của computer sẽ là C)

 

Xét trên 7 nốt nhạc theo thứ tự: C D E F G A B, thì câu “I come to computer” là một hành trình đi từ E F đến C. Có thể là từ E F sang G A B và đến C. Cũng có thể là từ E F quay ngược trở lại D rồi đến C. Nếu như có thể giải mã được, G A B hoặc D, trong tâm tưởng của cô mang ý nghĩa gì, ông nghĩ rằng bây giờ có thể biết được cô đang ở đâu.

Có hai con đường để từ E F đến C, thế nhưng lúc này, con đường phải qua D choáng ngợp tâm trí ông bởi đó là con đường cho ông cảm giác nó là một hành trình tìm về quá khứ. Với một người có nhiều mất mát trong quá khứ và luôn nghĩ về nó như ông, nếu được chọn lựa, chắc chắn ông sẽ chọn con đường này. Ông muốn quay về quá khứ, tìm lại những gì đã mất để có được hạnh phúc hơn là đi đến tương lai để đón nhận hạnh phúc mới. Vấn đề không phải rằng đó là thứ hạnh phúc gì hay thứ đau khổ nào mà đó là thứ có thân thuộc hay không? Với một người cô độc và có thể chết bất cứ lúc nào như ông, điều này thật sự quan trọng. Ông không còn đủ can đảm để đón nhận những cái mới cho dù đó là hạnh phúc. Nhưng còn cô...? Cô không ở cái tuổi của ông, lẽ nào cô lại có những suy nghĩ ấy?

Ông lại tự giả dụ nếu như cô cũng có những suy nghĩ ấy giống ông. Như thế, nghĩa là cuộc tìm kiếm của người cảnh sát ấy ngay từ đầu đã trở nên vô nghĩa. Vì trong suy nghĩ bây giờ của ông, chữ D ấy là “Death”. Để quay ngược trở về quá khứ, con người chỉ có cách đó. Một sự quay trở lại tuyệt đối đến tận cùng của hư vô. Bởi lẽ, nếu đã nuối tiếc điều gì đó, không một giới hạn nào khiến con người cảm thấy thoả mãn. Quay lại 1 năm? 1 năm không thể thay đổi được gì. Quay lại trước khi mất mát một thứ gì đó? Cho dù có quay lại, cũng không thể chắc chắn rằng sẽ giữ được thứ mất mát đó... Vậy thì tốt nhất là quay lại khi vẫn chưa có điều gì tồn tại quanh ta. Như thế, sẽ không có điều gì thật sự bắt đầu, không có điều gì thật sự kết thúc và sẽ không có bất cứ điều nào mất đi.

 

Computer. Contrast. Cloud.

Ba chữ này đều có âm đầu là C.

 

Ông không nói những suy nghĩ này của mình cho người cảnh sát nghe. Suy cho cùng, nó vẫn không thể làm mọi việc sáng tỏ hơn và cũng không có bất cứ cơ sở nào cho thấy nó đúng. Nó chỉ là những suy luận vô căn cứ dựa trên cảm tính của cá nhân ông.

 

“Nếu tôi không nghe lầm, tên cậu thanh niên đi tìm cô ấy là Thất phải không?”

“Vâng.”

“Có lẽ không tìm được cô ấy nữa rồi. Nhưng dù gì, cũng nhờ cậu nói lại với người con trai tên là mất mát ấy rằng có một nơi người ta vẫn thường hay đến mỗi khi muốn tìm lại một thứ gì đó đã mất. Nơi đó có một ngọn gió màu cam dịu nhẹ. Chỉ cần hoà mình trong ngọn gió ấy, người ta có thể tìm lại thứ đã mất.” Ông nói bằng một giọng mơ hồ thường thấy ở người già. Có lẽ do trí nhớ lẩm cẩm mà cũng có lẽ do bầu trời màu cam nhạt ở ngoài kia đang dần đi vào bóng tối.

 

HẾT

 

7:30 pm
29.6.2010

 

 

------------

Đã đăng:

COMPUTER [kỳ 1/7]  (tiểu thuyết) 
Một toà chung cư. Không biết so với qui chuẩn Trái Đất, nó lớn hay nhỏ. Nhưng nó cứ đứng đó. Nằm gọn trong cái độ tương phản trắng đen. Một độ tương phản cao làm cho những chi tiết nhỏ đều bị xoá nhoà hoặc không thấy rõ, những chi tiết lớn thì chồng chất lên nhau thành một khối đen. Ở một khung cửa sổ trắng nằm xen kẽ bên cạnh những khung cửa sổ đen hoặc những khung cửa sổ xám, người ta thấy bóng một người phụ nữ hay là chính người phụ nữ đó đang ngồi... (...)
 
COMPUTER [kỳ 2/7]  (tiểu thuyết) 
... Mọi vật dụng trong phòng của cô gái vẫn còn nguyên. Chiếc laptop đặt ở trên bàn. Vali vẫn ở trên góc tủ quần áo. Và số quần áo trong tủ đồ của cô dường như vẫn còn nguyên vẹn. Anh còn tìm thấy cả bóp tiền cô để trong giỏ xách kế bên tủ đựng sách, báo và tạp chí. Mọi thứ nhìn như thể đây là căn phòng của một người chỉ đi ra ngoài phố dạo trong chốc lát rồi chắc chắn sẽ quay về ngay. Nhưng đó là khi nhìn căn phòng với góc độ tổng thể, xét chung tất cả mọi vật. Cảm giác khi anh nhìn tách rời từng vật dụng trong căn phòng của cô lại rất khác. Nó dường như không mang hơi thở của sự sống nữa... (...)
 
COMPUTER [kỳ 3/7]  (tiểu thuyết) 
Chiếc vỏ bánh xe ấy đang quay tròn trong nước. Nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng. Chỉ khi nó căng phồng lên và được ngâm trong nước, người ta mới xác định được vị trí lỗ thủng trên vỏ bánh xe. So với diện tích của cả bánh xe, lỗ thủng bé như một cái chấm tròn ấy chẳng là bao. Nhưng, chỉ cần mang trong người một lỗ thủng thôi, vỏ xe đã không còn tồn tại đúng như ý nghĩa ban đầu khi con người khai sinh ra nó. Vỏ xe cần phải căng cứng, khoá chặt hơi khí sự sống của mình lại mới có thể tồn tại... (...)
 
COMPUTER [kỳ 4/7]  (tiểu thuyết) 
... Gã dùng hết sức để ném chiếc áo ngực da trên tay. Nó bay vào đúng góc phòng đối diện với áo sơ mi của cô. Toàn thân người gã đổ gục xuống giường. Ngưng thở. Mắt trợn tròng. Gã chết. Sức lực cuối cùng của đời gã đã dùng cho việc như vậy. Cô lấy dao chặt đứt bàn tay của gã. Đây là quà sinh nhật cho cô. Như thế, gã sẽ mãi mãi chạm vào cô. Thật là một món quà sinh nhật có ý nghĩa... (...)
 
COMPUTER [kỳ 5/7]  (tiểu thuyết) 
... Ở xứ Puter, người dân nào cũng biết bay. Họ chỉ có hai khả năng duy nhất: biết bay và đàn piano. Piano là thứ lúc nào cũng luôn theo họ. Giống như con người lúc nào cũng mặc quần áo. Mỗi ngày họ đều phải đàn piano. Giống như con người, mỗi ngày đều phải ăn uống. Thức ăn của họ là những âm thanh phát ra từ chiếc đàn piano. Họ bay cả ngày cùng piano, để tìm những nơi thích hợp với bản thân, thích hợp với tiếng đàn của mình. Bao giờ tìm được một nơi thích hợp, họ đều hân hoan đàn triền miên bất tận ngày đêm... (...)
 
COMPUTER [kỳ 6/7]  (tiểu thuyết) 
... Cô nhắm mắt lại để cảm nhận từng hơi thở ấm nóng của anh đang phả vào khuôn mặt. Thật bình yên khi ở trong vòng tay anh. Đôi bàn tay ấy, cô muốn nó cứ mãi dịu dàng như thế. Cô biết chỉ cần một chút lơ là, nỗi buồn về sự mất mát sẽ lại xâm chiếm tâm hồn cô. “Đừng biến mất nhé em...” Anh thì thầm bên tai cô như thế... (...)

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021