thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
COMPUTER — phần 2: COLOR [kỳ 5/10]

 

Tặng c.Huyền

 

 

Music box

 

Rất nhiều vòng tròn đang xoay.

Tại sao người ta lại biết là vòng tròn đang xoay?

 

Vòng tròn xoay không phải là một khái niệm xa lạ. Nhưng bây giờ nhìn những vòng tròn ấy, tôi mới nhận thức được để có một vòng tròn xoay không phải là việc đơn giản.

Chỉ cần vẽ một vòng tròn lên một tờ giấy, cắt vòng tròn đó ra khỏi giấy và xoay. Lúc đó sẽ có cái gọi là vòng tròn xoay. Tôi đã từng nghĩ như thế. Đương nhiên, đó là một ý tưởng quá đơn giản để hình dung kết quả sẽ ra sao nên tôi chưa bao giờ thử nghiệm nó.

 

E D# E D# E B D C A

 

Đó là thế giới của những vòng tròn.

Những vòng tròn xoay đan xen lẫn nhau. Kích cỡ đủ loại xếp theo từng tầng.

 

Vòng tròn dưới cùng có một chú rể đang đứng làm động tác giống như mời cô dâu khiêu vũ. Vòng tròn xoay. Chú rể cũng xoay.

Vòng tròn ngay bên trên nhỏ hơn vòng tròn dưới cùng. Có một cô dâu cũng đang đứng làm động tác giống như nhận lời khiêu vũ của chú rể. Vòng tròn xoay. Cô dâu cũng xoay.

 

Vòng tròn phía bên trên là một chú rể đang đứng đưa một tay lên cao, đầu ngước lên nhìn theo hướng bàn tay ấy như khao khát muốn được chạm vào một điều gì đó. Vòng tròn xoay. Chú rể cũng xoay.

Vòng tròn trên nữa là một cô dâu đang quỳ, đưa tay xuống phía dưới như muốn tìm kiếm một điều gì đó. Vòng tròn xoay. Cô dâu cũng xoay.

 

E D# E D# E B D

 

Vòng tròn ngừng xoay.

Chú rể ngừng xoay. Cô dâu ngừng xoay.

 

E D# E D# E B D C A

 

Vòng tròn xoay.

Chú rể xoay. Cô dâu xoay.

 

Bang! Bang! Bang!

Chú rể cầm súng chĩa vào trán trên một vòng tròn. Vòng tròn xoay. Chú rể cũng xoay.

Bang! Bang! Bang!

Cô dâu nằm xuống trên một vòng tròn, một bên trán cũng hiện lên một vòng tròn, máu chảy ra từ đó. Vòng tròn xoay. Cô dâu cũng xoay.

 

E D# E D# E B D

E D# E D# E

E D# E D#

E D#

E

 

Những con người trong thế giới tròn xoay ấy đã lặng im.

Vì vòng tròn đều đặn nên người ta chỉ có thể biết được nó đang xoay nếu có một điểm mốc nào đánh dấu trên đó. Và music box với những vòng tròn xếp nhiều tầng này cũng vậy. Cô dâu, chú rể chỉ là những điểm mốc trên đó, để cho người ta biết rằng vòng tròn ấy vẫn xoay. Ban đầu, tôi nghĩ rằng cô dâu và chú rể nào đứng ở tầng gần nhau thì chắc chắn là một đôi. Nhưng vòng tròn ấy càng xoay, tôi càng tự hỏi: cô dâu này là của chú rể nào? chú rể này là của cô dâu nào? ai là của ai? Không có gì đảm bảo rằng những người đứng gần nhau sẽ thuộc về nhau cả. Có khi người họ cần tìm lại ở cách họ mấy tầng. Mà cũng có khi dù đã gần nhau, người ta vẫn cảm thấy xa lạ với nhau vì những vòng tròn vô hình mà họ đang đứng chi phối. Những vòng tròn ấy làm cho khoảnh khắc họ giao nhau có được là bao?

 

Có những vòng xoay trên đường phố.

Ngày ngày, tôi vẫn xoay quanh nó. Mọi người vẫn xoay quanh nó.

 

Trái Đất hình cầu. Tức nghĩa là nhiều hình tròn ghép lại.

Ngày ngày nó vẫn xoay. Ngày ngày chúng ta vẫn xoay.

Mỗi khoảnh khắc nó đều thay đổi vị trí. Mỗi khoảnh khắc chúng ta cũng đều không còn ở vị trí cũ nữa.

 

Có những vòng tròn. Rất nhiều vòng tròn.

Khi nhìn những vòng tròn xoay, làm sao để tôi biết được rằng vòng tròn ấy xoay hay là tôi xoay?

 

Bản Für Elise ấy đã ngưng lại.

Mãi mãi ngưng lại.

 

Lê Kha

 

Làm sao để tinh tế?

Tôi nhạy cảm nhưng tôi không tinh tế.

Vì tôi đang đứng trên một vòng tròn xoay. Mọi người đều đang đứng trên một vòng tròn xoay. Và tất cả những gì chúng ta có thể nhìn thấy được chỉ nằm trong giới hạn của chuyển động ấy. Đôi khi những vòng tròn ấy xoay và có được những khoảng giao về hướng nhìn, nhưng cũng đôi khi... không.

Bây giờ, có lẽ tôi đã hiểu những điều anh nói. Tôi nhạy cảm với chính những nỗi đau của bản thân tôi nhưng tôi không đủ tinh tế để nhận ra nỗi đau của người khác. Có thể vì tôi đang đứng trên một vòng tròn xoay, vòng tròn của tôi quá nhỏ hẹp hoặc là tôi đã luôn đứng ngay tâm của nó mà không cố gắng đứng gần hơn đường tròn và dõi mắt sang hướng xoay của những vòng tròn khác. Nhạy cảm và tinh tế có lẽ khác nhau như vậy.

Tôi suy nghĩ một lúc lâu rồi bôi đen và xóa những dòng mình vừa viết. Tôi đã định là sẽ comment cho bài entry “Music box” của anh ấy như thế.

Tôi nhìn xuống đôi tay màu cam đang chạm vào bàn phím màu đen của mình. Có lẽ vòng tròn của tôi mang màu cam...

Tôi đọc blog anh ấy.

Đây là lần cuối cùng.

 

Phạm Đức Minh

 

That Blue

 

Chất lỏng ấy đang sôi lên. Tôi biết là như thế.

Dù không có khói hay bất cứ âm thanh nào tương tự cho tiếng của một chất gì đó bị đốt nóng vang lên. Tôi vẫn chắn chắn là như thế.

Nó sủi bọt. Những đám bọt li ti trắng pha với xanh lá.

 

Bây giờ, chất lỏng ấy đứng yên trong trạng thái xanh lá và trắng. Nhưng tôi tự hỏi, liệu hỗn hợp màu đang nằm trước mặt tôi có phải là chất lỏng?

Không. Nếu xem xét một cách nghiêm khắc, tôi không thể gọi nó là chất lỏng được. Vì nó cũng có thể là chất rắn. Nó có thể là một mặt phẳng nhưng đồng thời cũng có thể là một hình khối. Không những thế, hình khối ấy còn có thể mang bề mặt tiếp xúc hoặc nhẵn nhụi hoặc sần sùi.

Một việc tưởng chừng như rất đơn giản nhưng vì những lí do đó, tôi thực sự không biết gọi tên thứ hỗn hợp màu ấy là gì.

 

Có lẽ vì màu sắc cũng là một thế giới mang đầy phức cảm. Chỉ cần chệch đi một chút, mọi thứ đã thay đổi...

 

Không biết bắt đầu từ lúc nào, tôi lại có suy nghĩ rằng chính vì không thể gọi tên cho thứ hỗn hợp đó mà mọi thứ thuộc về ngày ấy cứ dần trôi xa khỏi tôi.

Giống như có một con sông dài trắng xóa đang trôi trong tôi. Kí ức của tôi chìm trong con sông ấy. Tôi luôn có cảm giác nó đã bị cuốn trôi ra biển lớn. Nhưng thật ra, nó vẫn ở đó, chỉ là vì nó nằm dưới đáy sông, khuất sau màu trắng xóa ấy nên tôi đã không nhận ra. Nó đã ở vị thế giống như những con chữ nằm dưới lớp bút xóa trắng. Cho dù, có những con chữ mới nằm trên màu trắng thì sự thật là những con chữ đã viết vẫn còn tồn tại ở đó. Không gì có thể khiến nó biến mất một cách tuyệt đối. Những con chữ mà ai đó đã muốn lãng quên. Lãng quên bằng màu trắng của hư vô.

 

Tập làm văn số 1

Đề bài: (... )

Điểm: những con số mang tính trung bình

Lời phê của thầy/cô:

Bài viết dài dòng, lan man ý tứ dẫn đến lạc đề. Trình bày cẩu thả, chữ viết không đẹp, còn bôi xóa lung tung. Nên tránh dùng bút xóa!

 

Tập làm văn số n

Đề bài: (... )

Điểm: các con số đứng ở giữa những con số trong phạm vi từ 0 đến 10.

Lời phê của giáo viên:

Bài viết không ngắn gọn, súc tích. Dù dài dòng nhưng không đi sâu vào ý chính nên vẫn có cảm giác rất sơ sài. Bôi xóa quá nhiều. Trừ một điểm trình bày vì dùng bút xóa.

 

(... )

 

“Lâm, tại sao em lại thích dùng bút xóa?”

“... ”

“Mặc dù đã biết dùng bút xóa sẽ bị trừ điểm nhưng tại sao em vẫn cứ dùng? Đây đâu phải lần đầu tiên.”

“Em cũng không rõ nữa... ”

“Dùng bút xóa làm cho bài viết của em lỗ chỗ nhiều điểm trắng trông rất xấu. Và nó còn khiến cô có cảm giác em là người dễ dãi, cẩu thả nữa. Khi em dùng bút xóa nhiều sẽ khiến giáo viên mất cảm tình với bài viết của em. Như thế là thiệt thòi cho em, em biết không?”

“... ”

“Từ nay về sau, em hãy cố gắng tập cho mình thói quen lấy viết và thước gạch đàng hoàng những chỗ mình sai rồi viết lại sang chỗ mới. Đừng lấy bút xóa bôi chỗ sai và viết đè lên.”

 

Tôi không thật sự hiểu rõ vì sao ngày ấy mình lại thích dùng bút xóa đến như thế.

Tôi biết có nhiều người quan niệm rằng những người dùng bút xóa là hèn nhát. Vì họ không muốn thừa nhận mình đã sai và trốn tránh nhìn lại lỗi sai của mình. Đương nhiên, khi dùng bút xóa thật sự, người ta cũng không nghĩ nhiều như thế. Nhưng nhiều người cho rằng trong tiềm thức của những người dùng bút xóa là như vậy. Tôi không ủng hộ lối suy nghĩ này. Đã gọi là tiềm thức thì chính bản thân người sở hữu tiềm thức ấy cũng không nhận thức được. Như thế thì làm sao một người khác có thể nhận thức thay họ cái tiềm thức ấy?

 

Tôi chỉ nhớ rằng tôi thích cảm giác tạo ra một mặt phẳng.

Ngón tay cái ấn thật mạnh vào thân bút xóa. Cây bút mềm mại oằn mình. Tôi cảm nhận được một dòng mực đang từ ngón tay mình chảy xuống trang giấy. Và rồi một lớp mực ướt ở đó. Tôi đợi chờ nó khô. Khi khô, nó sẽ trở thành một mặt phẳng hay một hình khối.

Đối với tôi, công đoạn cuối cùng này hết sức ý nghĩa vì khi nhìn lại những vệt trắng trên trang giấy, tôi có thể hình dung ra tâm trạng của mình khi ấy như thế nào.

Nếu nó là những mặt phẳng trơn tru thì nghĩa là khi ấy tâm trạng tôi đang thư thái. Tôi nhẹ nhàng bóp bút rồi chờ đợi lớp mực khô.

Nếu nó là những mặt phẳng với rất nhiều đường gân guốc nổi lên thì hẳn là khi ấy tôi đang trong trạng thái hấp tấp, vội vã. Tôi không đủ kiên nhẫn chờ đợi lớp mực khô. Tôi bóp mạnh bút xóa và rồi ngay lập tức cào xới trang giấy đáng thương với lớp mực vừa mới tuôn ra.

Nếu nó là những hình khối với bề mặt trơn phẳng thì nghĩa là khi bóp bút xóa, tôi đang mơ màng. Khi tôi nhận thức được thì mực đã nhiều quá mức cần thiết. Nó chất thành một khối. Tôi cũng không vội vã gì nên thanh thản chờ đợi mực khô. Khi đó, một ốc đảo nhỏ màu trắng hiện lên trên mặt đất giấy. Và những con chữ nổi lên trên ốc đảo ấy giống như những con người một mình mơ mộng nơi đảo hoang. Tuy nhiên, những ốc đảo dễ thương này sẽ nhanh chóng trở thành những mụn nhọt đáng ghét khi tôi lật sang một mặt giấy mới. Chúng làm cho mặt đất mới không còn bằng phẳng nữa mà trở nên gồ ghề. Đôi khi, tôi vẫn hay làm lủng một vài chỗ trên trang giấy.

Nếu nó là những hình khối với bề mặt sần sùi thì nghĩa là khi ấy tôi đang tức giận một điều gì đó. Tôi bóp cây bút xóa quá mạnh khiến nó vọt ra một lượng mực nhiều hơn cần thiết. Nó tụ thành một khối và tôi không đủ kiên nhẫn để chờ nó trở thành một viên ngọc đẹp nhẵn nhụi.

(... )

 

Mỗi một đốm trắng ấy như một trạng thái cảm xúc của tôi.

Cứ như thế, nó dần trở thành một cái gì đó gần giống như là nhật kí của tôi. Tuy không ghi lại câu chuyện cụ thể như thế nào nhưng ít nhất, nó có thể gợi cho tôi nhớ được cảm xúc của tôi ngày hôm qua. Dù chỉ là sự gợi ý mơ hồ, tôi vẫn muốn nâng niu và gìn giữ nó. Bởi tôi yêu cách những mảng trắng ấy nói hộ thay tôi những cảm xúc mà tôi biết rằng ngôn ngữ khó có thể diễn đạt được.

Dùng bút và thước gạch đi những phần mình đã ghi có thể sẽ giúp tôi biết được mình đã từng sai điều gì. Nhưng, nó không giúp tôi biết được khi ấy mình đã cảm thấy gì vì nó chỉ là những đường gạch thẳng băng cứng ngắc. Nếu buộc phải chọn lựa chỉ một điều khi nhớ về quá khứ, tôi nghĩ rằng tôi muốn nhớ lại được những gì tôi đã cảm nhận khi ấy hơn là chính những gì tôi đã trải qua.

 

Và như thế, tôi cứ dùng bút xóa.

Tôi không rõ liệu đây có phải là những gì đã diễn ra trong tiềm thức của tôi, điều khiển hành động bôi xóa hay không?

 

*

*     *

 

Tôi bóp bút xóa thật mạnh.

Nó cong mình dữ dội.

Không có một giọt mực nào cả.

 

Tôi bóp bút xóa thật mạnh.

Nó cong hết mức có thể.

Vẫn không một giọt mực nào tuôn ra.

 

Dường như bất cứ sinh vật thể nào trên Trái Đất cũng có tuổi thọ. Bút xóa cũng không ngoại lệ. Khi nhìn thấy rất nhiều đường hằn ở phần chính giữa của cây bút, tôi nhận ra nó đã già. Những đường hằn ấy giống như những vết nhăn trên da của một người già.

 

Tôi bóp bút xóa thật mạnh.

Trang giấy trên tập của tôi đã có dấu tích của một lỗ tròn. Nó không lớn nhưng cũng không quá nhỏ. Nó hiện lên như một nỗi buồn. Nỗi buồn của một cái giếng không có nước.

Không một giọt mực nào tuôn ra.

Và tôi biết, sẽ không còn một giọt mực nào tuôn ra nữa từ cây bút xóa này.

Nó đã trút cạn sự sống của mình.

 

Một cây bút xóa giấy chợt hiện ra trước mặt tôi.

Tôi quay đầu về phía bên trái, ngạc nhiên nhìn cô bạn ngồi kế bên trước đây chưa bao giờ nói chuyện với mình.

 

“Cậu dùng đi.”

“Ơ. Cậu... cậu...”

“Bút của cậu hết mực rồi. Đừng ngại. Cứ dùng của tớ đi.” Cô nói và môi khẽ cử động giống như muốn nở một nụ cười.

 

Tôi cầm cây bút xóa giấy của cô. Lỗ tròn trên trang giấy đã được lắp lại một cách nhẹ nhàng. Dùng bút xóa giấy thật tiện lợi. Tuy nhiên, nó cho tôi cảm giác chẳng khác gì với việc gạch một đường thẳng nên tôi không thích dùng nó. Nó quá sạch sẽ và an toàn. Đôi lúc, tôi cũng thấy thích thú khi nhìn tay của mình bị vấy mực xóa trắng.

 

“Cảm ơn cậu. Khi nãy, thật ra không phải tớ ngại mà là tớ thấy ngạc nhiên... ”, tôi trả lại cô cây bút xóa.

“Ngạc nhiên? Cậu ngạc nhiên gì cơ?”

“Vì cậu viết chữ sạch đẹp mà. Cậu đâu có bao giờ bị phê bình là dùng bút xóa quá nhiều. Lâu lâu, khi tớ vô tình liếc mắt nhìn sang tập của cậu, tớ cũng thấy tập cậu trình bày thật đẹp. Không một vết xóa nào hết. Bởi vậy, tớ đã nghĩ là cậu không có bút xóa vì không cần dùng đến chúng.”

“À, thì cũng phải có bút xóa để dự phòng chứ cậu. Đâu phải lúc nào tớ cũng viết đúng hết.”

“Nhưng tớ thì lại nghĩ là cho dù cậu có viết sai thì cũng sẽ lấy thước gạch chứ không dùng bút xóa”

“Cậu mới vừa dùng chắc cũng thấy đó. Việc lấy thước gạch với dùng bút xóa của tớ cũng đâu có gì khác nhau phải không?”

“Nhưng như cô có nói, nếu cậu dùng bút xóa thì sẽ làm cho tập lốm đốm trắng, trông xấu. Còn nếu lấy thước gạch thì không có như vậy.”

“Tại sao tập có lốm đốm trắng lại trông xấu?” Môi cô cử động và lần này là một nụ cười thật sự. Không hiểu sao tôi cảm thấy có một điều gì đó khác lạ khi nhìn nụ cười ấy. Tôi bâng quơ chạm vào đường trắng thẳng băng vừa tạo ra trên trang giấy mà tự hỏi: cái giếng phía dưới ấy đã có nước chảy chưa?

 

*

*     *

 

Giờ ra chơi hôm đó, lần đầu tiên tôi đã nói chuyện thực sự với cô ấy. Tôi đòi cô cho tôi xem tập để biết được cô dùng bút xóa như thế nào, nhiều hay ít. Cô viết chữ nắn nót, tập cô trình bày sạch sẽ và tôi lật phải gần cả chục trang mới thấy một trang cô dùng bút xóa.

“Cậu thích bút xóa lắm phải không?”, cô đột nhiên hỏi tôi. Cách hỏi của cô thật khác với mọi người. Thông thường nếu là người khác thì sẽ hỏi tôi rằng “thích dùng bút xóa lắm phải không?”. Họ có chữ “dùng”. Tôi không thể ngờ là chỉ thiếu mỗi chữ “dùng” so với mọi người, lại khiến cho câu hỏi của cô đặc biệt với tôi như thế.

“Có lẽ vậy nhưng sao cậu lại hỏi thế?”

“Tớ cũng không biết phải nói sao nữa. Mỗi lần cậu dùng bút xóa, tớ có quan sát. Đương nhiên là tớ không thấy cậu nhẹ nhàng vuốt ve hay tự trò chuyện với nó bao giờ. Cậu cũng dùng nó bình thường. Có khi còn bóp thật mạnh giống như muốn trút hết sự tức giận vào nó. Nhưng không hiểu sao, tớ vẫn có cảm giác là cậu thích nó. Không hẳn chỉ là vì nó dùng để xóa phải không?”

“Tớ cũng không biết nữa. Có lẽ chỉ vì một lí do đơn giản là cái gì cậu càng gắn bó lâu ngày thì cậu càng có nhiều tình cảm dành cho nó. Cho dù có thể ban đầu không thích nhưng sau đó, cũng sẽ vì những kỉ niệm đã trải qua với nó mà thích. Có lẽ, tình cảm mà tớ dành cho bút xóa chỉ đơn thuần là vậy. Không có lí do gì đặc biệt.”

“Cậu có thể cho tớ cây bút xóa đó không?”

“Nhưng, tớ dùng hết rồi mà... ”

“Vì... tớ... thích nó”

“Vậy sao cậu không mua bút xóa loại này mà lại mua loại đó?”

“Vì... tớ không có quyền quyết định chọn những gì mình muốn”, cô nói với một tiếng thở dài.

 

*

*     *

 

“Không hiểu sao nhỏ đó thích dùng dầu xanh quá.”

“Ừ. Tao cứ thấy nó dùng hoài. Ban đầu nghĩ cũng bình thường, không có gì đặc biệt. Nhưng nó dùng nhiều quá khiến tao thấy khó chịu.”

“Tại vì mùi dầu xanh rất hôi mà. Bởi vậy, tuy là trông nó cũng dễ thương nhưng lớp mình có đứa nào thích chơi với nó đâu.”

“Không hẳn chỉ là vì như thế đâu mà tao nghe nói là còn vì tính nó rất kì quặc.”

(... )

 

Đó là những lời nhận xét của các người bạn trong lớp tôi về cô mà tôi tình cờ nghe được. Có lẽ đó cũng là ý kiến của số đông vì quả thật, ở lớp tôi không ai chơi với cô. Và... tôi cũng không có một người bạn thật sự nào trong lớp. Tất cả chỉ là xã giao.

Người ta nói có hai dạng nổi bật ở giữa đám đông:

Một là, những người hoạt bát, có khiếu nói chuyện, tâm điểm của sự chú ý.

Hai là, những người lặng lẽ, trầm tính, ít nói.

 

Theo lẽ thường tình, dạng thứ hai dễ mất hút hơn. Nhưng với tôi, những người thuộc dạng thứ hai lại nổi bật hơn vì chính sự trầm lặng của họ. Điều đó có thể dễ dàng lí giải với một vòng tròn đơn giản. Những người sôi nổi và đám đông bị họ thu hút nằm trong cái vòng tròn đó. Và những người trầm lặng là những người đứng ngoài vòng tròn. Vì họ tách biệt số đông nên tôi dễ chú ý đến họ hơn.

 

Ngay từ đầu, cô đã thu hút tôi. Tôi vẫn luôn âm thầm quan sát cô trước cả khi cô bắt chuyện với tôi. Vì vậy, tôi thật sự có chút bất ngờ khi biết cô cũng quan sát tôi.

Cô có thói quen thích bóp tay. Cô bóp từng tay một, từ ngón này qua ngón kia. Những tiếng “rắc... rắc” nho nhỏ vang lên. Không bao giờ chúng quá lớn. Rất khẽ. Tất cả đều rất khẽ. Thông thường, hành động bóp tay cho người ta cảm giác những người ấy đang bối rối, hoang mang một điều gì đó, hoặc là đang vội vàng, hấp tấp, đang tức giận một ai đó. Nhưng cô thì không. Hay là, chỉ với tôi, những hành động ấy không gợi lên những cảm giác đó. Trông cô có vẻ rất bình thản khi làm công việc đó. Thậm chí, có lẽ đến cả mức nhẫn nại. Bởi vì, cô bóp tay với một nhịp độ đều đặn. Từng ngón một. Cô không nhảy cóc, cô không bỏ sót ngón nào. Cô không bóp ngón này nhanh hơn ngón kia, hay ngón này mạnh hơn ngón kia. Cô làm như thế rất lâu trong lúc đang nghe bài giảng. Ban đầu, tôi có cảm giác cô làm công việc đó trong vô thức nhưng về sau, đôi lúc tôi có cảm giác rằng cô ý thức được việc mình đang làm.

 

“Tớ thấy cậu hay bóp tay.”

“... ”

“Tại sao cậu lại thích bóp tay?”

“Tớ cũng không biết nữa. Có lẽ là để nghe tiếng rắc cho vui tai.”

“Không đúng. Lí do này tớ có biết qua. Nhưng nếu là để nghe tiếng như cậu nói thì thường người ta sẽ bóp tay rất mạnh trong khi cậu lại bóp rất nhẹ. Tiếng kêu đâu đủ lớn để nghe vui tai?”

“... ”

 

Hành động bóp tay của cô gần như là nghi thức. Nó có một trình tự nhất định. Cô thường kết thúc công việc bóp tay bằng cách xoa hai mu bàn tay, lòng bàn tay rồi từng ngón tay. Khi nhìn cách cô làm, tôi có cảm giác hai bàn tay của cô thuộc về hai cá thể hoàn toàn riêng biệt. Nó giống như là ai đó đang xoa bàn tay cho một ai đó khác vậy. Cuối cùng, cô sẽ nhỏ dầu vào hai lòng bàn tay rồi xoa. Sau đó lại úp hai lòng bàn tay và đưa lên mũi hít. Cả lớp đều biết cô thích xức dầu. Nhưng tôi không rõ họ có quan sát và biết tiến trình cụ thể việc xức dầu của cô là như vậy hay không? Tôi cũng không rõ cô bóp tay để xức dầu hay xức dầu để bóp tay?

 

“Cậu thích dầu xanh lắm phải không?”

“Ừ”, cô trả lời với cái gật đầu nhẹ.

“Tại sao cậu lại thích nó?”

“Cậu muốn biết sao?”

“Ừ.”

“Nếu vậy thì, hôm sau tớ sẽ mang cho cậu đọc những gì tớ đã viết ở nhà về dầu xanh”

“Tại sao cậu lại nhanh chóng đưa ra quyết định thế? Tuy là tớ hỏi như vậy nhưng trong lòng cũng nghĩ là sẽ khó mà nhận được câu trả lời của cậu. Những gì cậu viết ở nhà chắc nó cũng là những bí mật cậu khó nói cho ai biết. Nếu thật như thế thì không cần phải ép mình để đưa cho tớ đọc đâu. Tớ hiểu mà”

“Tớ viết nhảm thôi mà. Cũng không phải là cái gì đó quá bí mật đâu nhưng đúng là tớ cũng không thích dễ dàng cho người khác đọc. Cậu là ngoại lệ vì... à... ừm... tớ có cảm giác là khi đọc, cậu sẽ hiểu nó”

“Cậu tin tớ như thế sao? Nhưng lỡ nếu như tớ đọc mà không hiểu thì... ”, tôi quá đỗi bất ngờ trước những gì cô vừa thổ lộ.

“Ừm. Thật ra tớ có một điều kiện.”

“Điều kiện gì?”

“Cậu cũng phải viết cho tớ đọc những gì cậu nghĩ về bút xóa.”, cô nói với một nụ cười mỉm.

“Tại sao?”

“Vì tớ... cũng muốn hiểu hơn về cậu”

 

[còn tiếp 5 kỳ]

 

 

------------

Đã đăng:

“Hãy nói cho tôi biết anh nghĩ gì về G,Y,R.” “G,Y,R? Xin lỗi. Tôi không có cảm nghĩ gì hết. Nó chỉ là những chữ cái thôi mà.” “Vậy thì anh hãy xem như nó là viết tắt của một chữ nào đó có nghĩa. Nếu là như thế, với anh nó có thể là chữ gì?” “Go to your room.” “Tại sao anh lại nghĩ như vậy?” “Nó đột nhiên bật lên trong đầu tôi thôi...” (...)
 
... Bạn có phải là người biết phân biệt các sắc độ của màu không? Bạn có thể cho tôi biết là tôi đúng hay sai không? Bạn chính là người đã bảo tôi: “Go to your room!” cơ mà. Tôi cứ đi mãi, đi mãi và đã tìm được căn phòng màu vàng này. Vì vậy, bạn chính là người chịu trách nhiệm xác minh cho tôi biết căn phòng này liệu có phải là căn phòng của tôi hay không. Chẳng phải sao? Trong thời gian chờ đợi câu trả lời của bạn, tôi sẽ sống thử trong căn phòng này một thời gian vậy... (...)
 
Chính giữa. Bên trái. Bên phải. Người tôi nghiêng về bên trái. Điều này tưởng như dễ nhận thấy nhưng mãi đến khi gặp ngã ba hình chữ Y, tôi mới biết được. Cũng giống như tôi đã nói với bạn, khi bạn là người phức tạp, chẳng bao giờ bạn nhận ra rằng mình đang suy nghĩ phức tạp. Ở trường hợp này cũng vậy. Sau khi ra khỏi căn phòng màu vàng đó, tôi cứ bước đi mãi trên những đường thẳng. Chúng chỉ có một lối rẽ duy nhất... (...)
 
... Hôm nay, tôi lại đến Light Coffee. Vẫn vị trí cũ. Chiếc bàn bên khung cửa kính. Đó là một khung kính hình lục giác nằm ngay chính giữa quán. Quán không có tầng trệt. Chỉ có tầng một. Không tầng hai, tầng ba. Chỉ một tầng mà thôi. Và khung kính ấy đâm thọc từ mặt đất lên tầng một. Trong suốt. Vùvù. Rócróc. Vùvù. Cột nước bị nhốt trong khung kính rên lên như thế. Cùng với gió nhân tạo từ chiếc quạt... (...)

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021