thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
COMPUTER — phần 2: COLOR [kỳ 6/10]

 

Tặng c.Huyền

 

 

Dầu xanh

 

Ngày còn nhỏ, tay tôi vẫn thường nóng nhẹ. Đáng lẽ, trong trường hợp này, người ta phải dùng chữ ấm.

Ngày còn nhỏ, tay tôi vẫn thường ấm. Đáng lẽ, phải viết như thế.

Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích dùng chữ nóng nhẹ hơn. Có lẽ vì với tôi, “ấm” cũng là một phạm trù thuộc về “nóng”. Cả hai đều có thể qui về một cái chung gọi là “nhiệt độ”. Như thế thì nghĩa là “ấm” có nhiệt độ thấp hơn “nóng”. Và vì vậy, tôi có quyền gọi “ấm” là “nóng nhẹ”.

 

Với tôi, không có sự khác biệt nhiều giữa “ấm” và “nóng nhẹ”. Lí do thì như tôi đã nói ở trên.

Chỉ có sự khác biệt giữa “nóng” và “lạnh”.

 

Ngày còn nhỏ, tay tôi vẫn thường nóng nhẹ.

Sau đó, nó từ từ lạnh dần.

Cho đến một ngày, nó lạnh đến mức vượt quá giới hạn chịu đựng của tôi. Tôi không thể chịu đựng được cái lạnh nữa. Tôi muốn tìm lại cảm giác nóng nhẹ ngày xưa.

Tôi tự tìm ra một cách để làm cho tay mình có thể nóng nhẹ.

“Đừng có gãi như thế, con.”

“Tại sao ạ?”

“Vì khi gãi như thế, con sẽ bị trầy da đó. Mà thật ra, càng gãi thì con sẽ càng cảm thấy ngứa. Khi bị muỗi hay kiến cắn, nếu không thể chịu đựng được tốt nhất là con nên xức dầu. Con sẽ không còn cảm thấy ngứa nữa, vết đỏ cũng sẽ từ từ lặng dần.”

 

Tôi xức dầu và hình dung ra cảnh khi tôi còn là một em bé chưa nhận thức được, biết đâu mẹ cũng đã xức dầu cho tôi như thế này khi bị muỗi, kiến cắn hay những lúc tôi khóc.

Cảm giác khi dầu chạm vào cơ thể thật kì lạ. Nơi ấy nóng dần lên, mọi cơn đau đều tan biến. Tại sao cơ chế hoạt động của dầu lại là nóng? Tại sao khi nóng, người ta cảm thấy sự đau đớn được giảm đi? Tôi chợt nghĩ là vì dầu mô phỏng cái chạm giữa hai con người. Khi người này chạm vào người kia, trao đổi thân nhiệt cho nhau, cơ thể của cả hai sẽ nóng dần lên và họ không còn thấy đau đớn nữa. Điều này khái quát cho nhiều trường hợp. Cụ thể thì ta vẫn thường hay thấy một người đau và người khác xoa bóp cho họ chỗ đau, hoặc là khi cả hai người đều lạnh họ sẽ ôm nhau để nóng nhẹ.

Ý nghĩ này ngày càng lớn dần trong tôi.

 

“Tại sao con thích xức dầu thế? Lúc nào người con cũng có mùi dầu.”

“...”

“Con nên hạn chế xức dầu lại”

 

Ngày còn nhỏ, tay tôi vẫn thường nóng nhẹ.

Đó là vì có ai đó chạm vào nó. Có bàn tay của ai đó luôn nắm lấy nó.

Tôi muốn mô phỏng cái chạm đó.

Khi dầu chạm vào tay tôi, nó cũng nóng nhẹ.

 

“Sao người con lạnh quá vậy? Nhất là hai bàn tay.”

“Con cũng không biết nữa.”

“Trời ơi, con vẫn còn xức dầu nhiều một cách vô tội vạ như vậy sao?”

“...”

“Mẹ đã bảo là con đừng nên xức nhiều mà. Chỉ khi nào thật sự cần thiết mới xức thôi. Con bị lạnh là do xức dầu nhiều quá đấy. Nó đã phản tác dụng.”

 

Hơn ai hết, tôi là người biết rõ việc ấy. Cảm giác nóng nhẹ chỉ đến trong phút chốc. Khi nó qua đi, dầu sẽ khiến người ta lạnh. Thậm chí còn lạnh hơn trước cả khi xức nó.

Bây giờ, lạnh là trạng thái thường trực của bàn tay tôi. Tôi không biết đó là do tôi ngày càng ốm dần nên chịu đựng nhiệt độ kém hơn mọi người hay là do tôi đã xức dầu quá nhiều?

 

“Cậu đang trốn tránh phải không?”

“Trốn tránh? Trốn tránh cái gì cơ?”

“Giữa chữ “nóng nhẹ” và “ấm”. Thật ra, cậu muốn nói là ấm phải không?”

“...”

“Thật ra, cậu cần một ai đó nắm tay mình để có cảm giác ấm áp hơn là xức dầu để nóng nhẹ phải không?”

“Tớ không biết.”

 

Tôi nhìn hình ảnh mình trong gương lần cuối trước khi chuẩn bị đi học.

Lạ thật, tại sao người ta lại nói xanh là gam màu lạnh trong khi chạm vào nó thì tôi lại nóng như thế này... ?

 

Đỗ Lập Phương

 

“Cho tớ mượn bút xóa của cậu đi.”

“Cậu cần xóa gì à?”

“Không. Đột nhiên, tớ nghĩ ra ý này hay lắm.”

 

Cô xé một trang giấy trắng và bắt đầu bóp thật mạnh cây bút xóa của tôi. Mực đã tuôn ra từ đó quá nhiều. Nó giờ như một vũng nước lớn.

 

“Cậu điên à? Tớ thực sự không hiểu cậu đang muốn làm gì.”

“Ừ, có lẽ vậy. Chỉ là tớ muốn thử nghiệm.”

“Thử nghiệm gì?”

“Tớ tự hỏi không biết nếu bút xóa và dầu xanh kết hợp lại với nhau thì sẽ như thế nào”, cô vừa nói và vừa lấy chai dầu xanh từ trong cặp của mình ra.

 

Chất lỏng ấy đang sôi lên. Nó sủi bọt trắng và xanh lá.

Thứ hỗn hợp giữa bút xóa và dầu xanh.

 

“Ồ, tớ không thể ngờ được là khi hai thứ chạm vào nhau, nó sẽ sôi lên như thế này”, cô nói với giọng điệu thích thú.

“Cậu nghĩ ra ý tưởng này cũng hay thật. Nhìn nó sôi lên như thế trông lạ mà vui mắt nhỉ?”, tôi nói và thật lòng thấy thích thú với sự kết hợp và hiện trạng này.

“A. Tớ nghĩ ra thêm được một thứ. Cần phải có cái này nữa. Tớ muốn thử xem nó sẽ có màu như thế nào.”

 

Cô tháo thân cây bút máy ra, nhỏ một vài giọt mực tím vào dung dịch đang sôi.

Bút xóa. Dầu xanh. Mực tím.

Bây giờ thì cả ba thứ này cùng sôi lên.

 

“Hết sôi rồi”, giọng cô có một chút buồn.

Đột nhiên, cô lấy đuôi cây bút xóa của tôi và chọc vào hỗn hợp đó. Cô quậy quậy nó giống như cách mà người ta pha chế dung dịch hay là nấu thức ăn. Điều bất ngờ kế tiếp lại xảy ra. Từ một thứ màu hỗn tạp trông có vẻ rối mắt, dung dịch ấy dần biến đổi thành một màu đồng nhất. Có lẽ, nếu gọi đơn giản thì nó là màu xanh. Một thứ màu xanh thật kì lạ. Tôi chưa thấy nó trước đây bao giờ. Vừa nhìn vào nó, tôi lập tức cảm thấy buồn. Nỗi buồn ập đến quá nhanh, tưởng chừng như có thể nhấn chìm người ta. Nhưng không, càng nhìn nó nỗi buồn ban đầu càng dịu vợi dần trong tôi. Điều đó không có nghĩa là nỗi buồn ấy đang mất đi. Nó vẫn còn ở đó, có thể khiến người ta đau trở lại bất cứ lúc nào nếu không chú ý. Có lẽ vì nó tồn tại theo một dạng thức khác với hình dung của tôi. Nó không hành hạ người ta đau đớn một cách trực tiếp. Chỉ đơn thuần là nó nhắc cho người ta nhớ lại những khái niệm buồn không bao giờ biến mất, hoặc là gợi lại niềm đau từ những nỗi buồn khác.

Nó vẫn là một tông màu lạnh nhưng dường như có một chút ấm áp lẩn khuất đâu đó.

Khi thay đổi góc nhìn, tôi cũng cảm thấy sắc độ màu khác đi một ít. Khi thì nó giống màu xanh, khi thì nó giống màu tím. Điều này khiến tôi có chút bối rối.

 

“Cậu có biết màu này tên gì không?”, cô hỏi tôi

“Không. Tớ không biết.”

“Tớ cũng không biết nó tên gì nữa. Màu này lạ quá. Tớ chưa thấy bao giờ. Không ngờ là nó lại đẹp như thế.”

“Ừ. Trông buồn mà thật ra cũng không buồn lắm. Không phải ý tớ khi nói vậy là chê mà... ừm... biết nói sao nhỉ? Khó diễn đạt quá.”

“Không. Cậu nói đúng đấy. Tớ cũng phần nào cảm thấy như vậy. Phải ghi lại công thức để nhớ mới được: bút xóa, dầu xanh, mực tím.”

 

Cô lại lấy từ trong cặp ra một cuốn sổ tay. Trong lúc, cô đang định cầm viết thì tôi nắm lấy tay cô. Tôi cũng không nhớ rõ tại sao lúc đó mình lại đột nhiên làm như vậy. Cô quay qua nhìn tôi, khuôn mặt ngơ ngác. Bàn tay cô nằm gọn trong tay tôi. Nó quá gầy, tôi như có cảm giác chạm được cả vào xương của cô. Và quả thật, tay cô lạnh. Rất lạnh. Dù bây giờ không phải là mùa đông. Nhờ nắm tay cô, tôi mới biết được là bàn tay mình nóng. Tôi chỉ muốn nắm chặt bàn tay ấy. Thật chặt. Vì tôi sợ cô sẽ biến mất.

 

“Tay cậu lạnh thật đấy.”

“Ừ. Bởi vậy tớ mới xức dầu. Còn tay cậu thì nóng nhẹ, à không, ấm thật.”

“Tớ muốn nắm tay cậu.”

“Nghĩa là cậu muốn bảo tớ đừng xức dầu nữa à?”

“Ngốc thật. Tớ không như mọi người đâu. Tớ chịu được mùi dầu của cậu mà. Tớ đã nói là tớ muốn nắm tay cậu nghĩa là chỉ vì tớ muốn nắm tay cậu thôi.”

“Xin lỗi cậu, tớ hiểu nhầm vì... đây là lần đầu tiên có người nói với tớ như thế. Ừm... cảm ơn cậu. Tay cậu ấm lắm.”

 

Cô mỉm cười, dịu dàng nhìn tôi. Và với tôi, đó mới là thứ thật sự ấm áp.

 

*

*      *

 

Sau đó ít lâu, cô chuyển nhà, chuyển trường học mà không báo trước cho tôi một câu. Tôi được biết tin đó cũng như mọi người. Cô không cho tôi một đặc quyền nào cả. Chúng tôi cũng không liên lạc với nhau.

Nghĩ lại ngày đó, tôi không hiểu sao mình đã không xin số điện thoại cũng như địa chỉ nhà cô. Cả cô cũng vậy. Hai chúng tôi dù thân thiết nhưng chỉ gặp và nói chuyện với nhau ở trường.  Hình như vì cả hai đều có cảm giác nếu lỡ chạm vào thế giới của nhau sau nhà trường thì có một điều gì đó sẽ biến mất. Hay là vì thật sự chúng tôi vẫn chưa đủ thân thiết để mở lòng cho nhau biết cái khoảng riêng ấy?

Tôi chưa bao giờ thấy mẹ hoặc ba cô. Đến rước cô lúc nào cũng là một người lái xe ôm cố định. Có một lần, cô bảo với tôi rằng có lẽ một năm cô nói chuyện với ba, mẹ được chừng 365 câu. Nghĩa là trung bình mỗi ngày một câu hoặc có ngày không nói với nhau câu nào cả.

365 câu/năm.

Còn tôi và cô, trong ba tháng ngắn ngủi ấy đã nói với nhau được bao nhiêu câu?

Tôi không dám hình dung ra nó là một con số quá lớn. Có thể, nó cũng chỉ dừng lại ở mức hàng trăm. Tôi luôn hối hận là ngày đó đã không có can đảm hỏi cô nhiều hơn về con số 365 ấy. Chỉ mới nhắc đến nó thôi mà ánh mắt cô đã thật buồn, tôi sợ cô đau hơn nếu kể về nó. Tôi đã nghĩ rằng còn một dịp khác, để sau này...

 

Mái tóc của tôi không dài. Nó chỉ vừa qua cằm một chút. Vậy mà một tối, tôi chợt cảm thấy nó quá vướng víu. Phía sau, cổ tôi nóng ran. Như có một ai đó chạm vào nó và để tay ở đấy thật lâu. Tôi phải đứng trước quạt để gió thổi vào khoảng ấy mà cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng chỉ cần tôi rời xa khỏi quạt, mọi chuyện lập tức trở nên tồi tệ. Đột nhiên, tôi suy nghĩ một cách ngây thơ rằng tóc có nhiều lớp: lớp trước, lớp sau. Chỉ cần tôi cắt đi lớp trong cùng, cái lớp đang chạm vào cổ ấy thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Nhìn bề ngoài, mọi người sẽ không biết tôi vừa cắt tóc vì độ dài của nó vẫn như cũ. Tôi không thể kiềm được suy nghĩ đó.

Tôi muốn chạm vào lưỡi kéo lạnh buốt, muốn nghe thứ tiếng đanh gọn khi hai lưỡi của nó giao nhau và rồi từng sợi tóc tôi đứt.

Rơi. Nó rơi xuống nền nhà.

Một núm tóc đen trên nền nhà đen.

Tôi sẽ phải khổ sở tìm nhặt cho hết rồi vứt vào thùng rác.

Tôi muốn làm tất cả công việc đó.

Thật chậm rãi. Nhẹ nhàng.

 

“Tóc con trông có vẻ kỳ kỳ.”

“Có gì kỳ đâu mẹ?”

 

Tôi thật sự đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng chỉ cần cắt hết lớp tóc bên trong thì sẽ không còn cảm giác như ai đó đang chạm vào sau cổ mình. Nhưng thật ra khi lớp tóc bên trong vừa đứt thì lớp tóc bên ngoài kế nó lại làm thay công việc đó. Nó hành hạ tôi.

 

“Mẹ hỏi thật có phải con đã tự ý lén cắt tóc không?”

“Không. Làm gì có đâu mẹ.”

 

Và tôi cứ cắt. Hết lớp này đến lớp kia. Nó ngược với dự tính ban đầu của tôi là chỉ cắt lớp trong cùng.

 

“Thôi. Mẹ biết cả rồi. Đừng nói dối mẹ nữa.”

“Con có nói dối mẹ chuyện gì đâu?”

“Mẹ sợ con buồn nên đã không nói. Bây giờ, mẹ phải nói thật. Tóc con lúc này trông ghê lắm. Nó không phải xấu nữa mà thật sự là ghê. Vì khi nhìn vào nó, mẹ thấy sợ.”

“Con không hiểu. Tại sao lại sợ?”

“Có phải là con đã cắt lớp tóc trong cùng và nghĩ rằng sẽ không ai thấy được phải không? Nhưng mỗi khi gió thổi lên, mẹ nhìn đằng sau cổ con, nó trắng bóc, không có tóc ở đó mặc dù bên ngoài vẫn còn tóc. Trông ghê lắm.”

“...”

“Nếu như đã cắt ngắn thì thà rằng con cắt ngắn hết. Đừng cắt như vậy. Khi có gió thổi, nó cho mẹ cảm giác thật ra con không có tóc. Cả mái tóc đều là giả. Con chỉ đang đội tóc giả thôi. Bạn bè ngồi đằng sau con sẽ nghĩ như thế nào?”

“Con không quan trọng người ngồi đằng sau. Chỉ quan trọng người ngồi bên trái thôi.”

“Mẹ không hiểu con đang nói gì. Con có chuyện gì buồn sao?”

“...”

“Dù là người ngồi đằng sau hay bên trái, phải gì cũng đều thấy cả thôi. Mẹ xin con. Hãy ra tiệm đi cắt tóc lại đi. Để người ta chỉnh lại mái tóc của con”

 

Tôi hiểu cảm giác mẹ nói. Thật ra, khi có gió thổi, đó lại chính là lúc tôi cảm thấy thoải mái nhất. Vì tôi thích thú về cảm giác mái tóc kì quặc của mình khi đó. Dù vậy, cuối cùng, tôi cũng ngoan ngoãn nghe lời mẹ ra tiệm để cắt tóc lại. Người ta cắt cho tóc của tôi có độ dài bên ngoài giống như bên trong. Và như thế, tôi đã để mái tóc ngắn gần giống tóc con trai ấy suốt một khoảng thời gian dài năm cấp hai sau khi cô rời bỏ tôi.

 

Tôi không bao giờ biết cách giữ gìn những thứ mình yêu quí.

Tôi mất đi màu xanh ấy. Mất đi cô. Mất đi đôi mắt của mình.

Có rất nhiều lí do nhưng có lẽ chung quy cũng chỉ là vì như thế. Ở ngọn gió màu cam ấy, tôi đã nghĩ như vậy.

 

Người đầu tiên tôi muốn nhìn thấy sau khi tìm lại được màu sắc cho thế giới của mình chính là cô. Không khó để tìm ra cô. Đôi mắt tôi màu cam. Một hiện tượng kì lạ. Họ nghĩ rằng đôi mắt của tôi có khả năng nhìn thấy điều siêu nhiên mặc dù tôi đã nói rằng mắt tôi cũng như bao người bình thường, chỉ khác rằng nó có duy nhất một màu cam. Mọi người thay nhau đưa tôi lên báo. Trong những cuộc phỏng vấn, chỉ cần tôi kể chuyện và nhắc đến tên cô, tên trường cấp hai mà chúng tôi đã học chung với nhau là sẽ có thể tìm ra được cô.

 

“Cháu là bạn học thời cấp hai với nó sao?”

“Dạ.”

“Ồ, cô đã không nghĩ là năm cấp hai nó cũng có bạn.”

“Bạn ấy không bao giờ nhắc đến cháu sao?”

“Không. Nó không nhắc đến ai cả. Mà cô cũng ít nói chuyện với nó.”

 

Tôi có chút thoáng buồn khi nghe mẹ của cô ấy nói vậy. Tuy thế, tôi cũng biết rằng việc này là không có gì quá đáng bởi chính bản thân tôi cũng chưa bao giờ nói với mẹ tôi về cô ấy.

 

“Đây là phòng của nó.”

 

Đó là một căn phòng màu xanh lơ, nhẹ nhàng như bầu trời của buổi sáng trong lành. Căn phòng cô nhỏ gọn, ngăn nắp và sạch sẽ như chính những trang tập mà cô cho tôi xem. Tôi lướt mắt nhìn khắp căn phòng của cô một lượt. Đột nhiên, có một thứ đập vào mắt tôi. Tôi tiến lại gần bàn học của cô. Trong chiếc hộp đựng đủ các loại bút, có một cây bút xóa màu trắng. Tôi cầm cây bút ấy, cảm giác quen thuộc trở về. Không thể nhầm lẫn được. Đó chính là cây bút xóa mà hôm đó tôi đã tặng cho cô. Sau suốt ngần ấy năm trời, cô vẫn còn giữ nó sao? Ở ngay bàn học, nơi dễ nhìn thấy nhất?

 

“Cô vẫn giữ nguyên căn phòng này, không thay đổi vị trí đồ đạc gì cả kể từ khi nó đi...”, người phụ nữ trung niên ăn mặc sang trọng ấy nói với một giọng điệu buồn.

“Đi? Bạn ấy đi đâu?”

“Cô xin lỗi đã không nói với cháu ngay từ đầu. Nó... mất rồi.”

 

Vào những buổi sáng sớm, thật ra đôi lúc khi tỉnh dậy, cho dù bầu trời có trong sáng, người ta vẫn thấy buồn vì cảm giác như mình vừa mất đi một điều gì đó trong giấc ngủ tối hôm qua. Màu xanh trong căn phòng cô, bây giờ tôi mới nhận ra, nó không phải là màu xanh của bầu trời, cũng không phải là màu xanh của nỗi buồn. Nó là màu xanh của sự mất mát. Người ta có thể dễ dàng nhận ra mình đang buồn nhưng không bao giờ có thể dễ dàng biết được mình đang mất đi một điều gì đó...

 

“Mất... mất rồi sao? Từ khi nào?... Như thế nào mà... ?”

“Nó đã mất cũng nửa năm rồi. Nó... nó tự tử. Vì... vì...”, giọng bà nghẹn ngào và câu chuyện ngắt quãng tại đó.

Tôi và bà im lặng, cùng chìm đắm trong suy tư của riêng mình một khoảng thời gian. Sau đó, bà lấy lại được bình tĩnh và đưa cho tôi đọc một mẩu báo.

 

... Nguyên nhân chính của cái chết được xác định là do cô uống thuốc ngủ quá liều với một thứ nước kì lạ. Cô đã pha nước với dầu xanh, mực của viết xóa và mực tím để uống...

 

Thứ hỗn hợp ấy... nó đã sôi lên trong người cô như thế nào?

Trước khi chết, cô có đau đớn nhiều không? Nỗi đau ấy ra sao? Cô đã nghĩ gì khi nhắm mắt lần cuối cùng?

Tôi muốn biết tất cả những việc đó. Tôi muốn cô trả lời cho tôi biết. Cũng như nhiều năm trước, như cái cách mà cô đã cho tôi biết vì sao cô thích dùng dầu xanh. Nhưng giờ đây, đối diện tôi chỉ có sự im lặng và màu xanh này.

 

“Cô có thể cho cháu xin một tấm hình của bạn ấy không?”

“Được chứ. Để cô đi lấy album hình nó cho cháu xem. Cháu thích tấm nào cứ lấy.”

 

Cô không cười. Không một tấm hình nào trong album cô cười thật sự tự nhiên. Khuôn mặt cô lúc nào cũng buồn. Dường như với cô, cười là một việc khó khăn. Vậy mà... cô đã cười với tôi. Nếu như ngày ấy, tôi sớm biết được nụ cười của cô quí giá như thế nào, tôi sẽ nói cho cô biết nhiều hơn. Về tình cảm của mình, về việc tôi đã quan sát cô như thế nào, tôi nghĩ gì về cô. Tôi sẽ cố gắng gần cô hơn, cố gắng giữ cô lại. Linh cảm của tôi ngày đó đã đúng. Tôi luôn như thế, không biết cách giữ lại gì kể cả với những thứ tôi cảm nhận được rằng nó sắp biến mất... Tôi chợt nghĩ, có khi sự biến mất của cô là vì đôi mắt này. Nếu như tôi không ước tìm lại được thị giác thì có lẽ cô sẽ không biến mất. Nỗi buồn vì không bao giờ có thể tìm thấy cô được nữa-đây mới chính là cái giá thực sự mà tôi phải trả. Đến cuối cùng, tôi chỉ là một đứa ích kỉ. Nếu như tôi ước khác đi, không ước cho sự mất mát nơi chính cơ thể mình. Nếu như tôi ước trực tiếp rằng tôi có thể gặp lại cô hoặc ở bên cạnh cô mãi mãi thì mọi thứ đã khác... Biết đâu là như thế...

 

Tôi chọn một tấm hình cô đứng ở ban công nhà, phía sau là bầu trời xanh giống như được chụp từ lúc sáng sớm. Khuôn mặt cô dường như lúc nào cũng đẹp hơn với màu xanh đó.

 

Thứ hỗn hợp ấy đang sôi lên.

Những bọt trắng li ti pha với xanh lá và tím.

Tôi tự hỏi rằng nếu ở trong cơ thể tôi, thứ hỗn hợp ấy sẽ sôi lên như thế nào?

 

Viên Lâm

 

[còn tiếp 4 kỳ]

 

 

------------

Đã đăng:

“Hãy nói cho tôi biết anh nghĩ gì về G,Y,R.” “G,Y,R? Xin lỗi. Tôi không có cảm nghĩ gì hết. Nó chỉ là những chữ cái thôi mà.” “Vậy thì anh hãy xem như nó là viết tắt của một chữ nào đó có nghĩa. Nếu là như thế, với anh nó có thể là chữ gì?” “Go to your room.” “Tại sao anh lại nghĩ như vậy?” “Nó đột nhiên bật lên trong đầu tôi thôi...” (... )
 
... Bạn có phải là người biết phân biệt các sắc độ của màu không? Bạn có thể cho tôi biết là tôi đúng hay sai không? Bạn chính là người đã bảo tôi: “Go to your room!” cơ mà. Tôi cứ đi mãi, đi mãi và đã tìm được căn phòng màu vàng này. Vì vậy, bạn chính là người chịu trách nhiệm xác minh cho tôi biết căn phòng này liệu có phải là căn phòng của tôi hay không. Chẳng phải sao? Trong thời gian chờ đợi câu trả lời của bạn, tôi sẽ sống thử trong căn phòng này một thời gian vậy... (... )
 
Chính giữa. Bên trái. Bên phải. Người tôi nghiêng về bên trái. Điều này tưởng như dễ nhận thấy nhưng mãi đến khi gặp ngã ba hình chữ Y, tôi mới biết được. Cũng giống như tôi đã nói với bạn, khi bạn là người phức tạp, chẳng bao giờ bạn nhận ra rằng mình đang suy nghĩ phức tạp. Ở trường hợp này cũng vậy. Sau khi ra khỏi căn phòng màu vàng đó, tôi cứ bước đi mãi trên những đường thẳng. Chúng chỉ có một lối rẽ duy nhất... (... )
 
... Hôm nay, tôi lại đến Light Coffee. Vẫn vị trí cũ. Chiếc bàn bên khung cửa kính. Đó là một khung kính hình lục giác nằm ngay chính giữa quán. Quán không có tầng trệt. Chỉ có tầng một. Không tầng hai, tầng ba. Chỉ một tầng mà thôi. Và khung kính ấy đâm thọc từ mặt đất lên tầng một. Trong suốt. Vùvù. Rócróc. Vùvù. Cột nước bị nhốt trong khung kính rên lên như thế. Cùng với gió nhân tạo từ chiếc quạt... (... )
 
Rất nhiều vòng tròn đang xoay. Tại sao người ta lại biết là vòng tròn đang xoay? Vòng tròn xoay không phải là một khái niệm xa lạ. Nhưng bây giờ nhìn những vòng tròn ấy, tôi mới nhận thức được để có một vòng tròn xoay không phải là việc đơn giản. Chỉ cần vẽ một vòng tròn lên một tờ giấy, cắt vòng tròn đó ra khỏi giấy và xoay... (... )

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021