thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vô đề

 

(trích đoạn tiểu thuyết)

 

 

VÔ ĐỀ

 

“Chứng kiến người khác khổ thì mình làm điều gì cụ thể để giúp họ chứ không nên nói vì người ta khổ thì mình mới khẳng định được cái may mắn của mình... Tổ cha nó, nghe ngu và ích kỷ một cách dã man!” Không gian yên ắng ngoài tiếng lẩm bẩm của Mưa Ngâu. “ Ở Amsterdam hay Istanbul hay Mumbai người ta có cau mặt vì màu da, mùi vị của chúng ta không? Mùi thảm mới giặt hôm qua còn bốc mùi thuốc khử trùng. Trời lại sắp mưa...” Con bé Vi nhìn Mưa Ngâu cứ lẩm bẩm.

Thực tại không thể khái niệm hoá. Thực tại luôn thay đổi. Tại sao phải khái niệm hoá đời sống, trong khi thực tại thì luôn trôi chảy sống động. Nhịp tim trong lồng ngực Mưa Ngâu vẫn đang đập liên tục, nhưng chắc chắn không sinh động như thời bà đứng trước tấm toan trắng tinh bắt đầu cho những nét cọ vừa nhúng sơn phóng ngang phóng dọc. Con bé Vi thở hắt.

Mưa Ngâu ngồi ngó hai bàn chân con bé Vi đang đong đưa trong đôi vớ màu gạch cua mới toanh. Màu của thời tuổi trẻ bà ném lên tấm toan không tiếc tay. Đời mình ‘lỡ’ thích vẽ rồi thì cứ vẽ thôi, làm hết sức mình thôi. Nếu cứ tự hỏi vẽ để làm gì thì mình cũng chẳng biết để làm gì? Như tại sao phải sống? Mà cứ sống hoài sống huỷ. Cực thích những ý tưởng từ đâu phóng ra nhảy múa lung tung trong đầu, tay cầm cọ, di chuyển những màu sắc pha chế không liệu trước. Thế là sướng quá rồi chứ còn đòi hỏi gì nữa! Chẳng khác gì lồn âm ỉ sướng vừa sau cơn động tình.

Đống tranh của Mưa Ngâu giờ chẳng biết lưu lạc phương nào? Tranh bán có, tặng có, cho có, mất có, xé có, gửi nhà ai đấy có. Căn hộ bà ở bị cháy cách đây hơn hai mươi năm, một số tranh bà yêu quý bị thiêu hủy, bà bị khủng hoảng một thời gian. Giờ đây rốt cuộc chỉ một mình với ký ức nghìn cân của mình. Toàn bộ tranh cuốn cuộn theo thời gian. Mọi thứ qua đi, vuột khỏi làn da như vảy khô, da tróc... Mưa Ngâu ngồi trên giường ngó lung ra vườn. Những tấm tranh đã từng một thời như hơi thở, sức sống. Giờ chúng tiêu tán phương trời nào? Những tấm tranh từng là những đứa con của bà, bà âu yếm nghĩ thế, giờ chúng lây lất nơi đâu? Những tấm tranh như một phần da thịt bà, những giây phút cực đoan bà nghĩ vậy. Là cái chân, cái tay, cái tai, cái bụng... Giờ thì, chỉ còn bà, ngồi đây với thân xác rũ héo cùng trí nhớ cùn nhụt, thân tâm xơ cứng.

Hôm qua Vi đến sớm, ngồi ở bệ đá ngoài vườn, ngó mấy cục đá xếp chồng lên nhau, vòi nước bung nở tạo thành tiếng kêu như tiếng ai tè mạnh. Vi mỉm cười với ý nghĩ đang chạy ngang trong đầu thì Mưa Ngâu bước ra, vỗ nhẹ lên vai Vi, thầm thì: “Cháu vào trong với bà một lát được không?” Vi hơi ngạc nhiên, hỏi lại: “Trời đẹp, bà ngồi với cháu ngoài này không thích hơn sao?” Hỏi thế, nhưng Vi cũng đứng dậy đi theo bà. Phòng không có ai, tạnh vắng, mùi thân thể già toả kín. Mùi tàn tạ, thoi thóp. Bà chỉ ghế bảo Vi ngồi. Bà ngồi trên giường, lưng thẳng, hai tay nắm chặt đặt giữa đùi, nhìn Vi rồi nhìn ra cửa sổ, cất tiếng hát: “chủ nhật buồn đi lê thê cầm một vòng hoa đê mê bước chân về với gian nhà với trái tim cùng nặng nề xót xa gì oán thương gì đã biết nuôi hương chia ly trót say mê đã yêu thi dẫu vô duyên còn nặng thề ngồi một mình nghe hơi mưa mặc lệ tràn câu thiên thu gió hiên ngoài nhắc một loài dế giun hoài ru thương ru... ru hỡi ru hời... chủ nhật nào tôi im hơi vì đợi chờ không nguôi ngoai bước chân người nhớ thương tôi đến với tôi thì muộn rồi trước quan tài khói hương mờ bốc lên như vạn ngàn lời dẫu qua đời mắt tôi cười vẫn đăm đăm nhìn về người...”

Cứ thế, bà hát, hát hết cả bài, không vấp váp. Giọng bình thản, không vui không buồn, Vi nhìn bà, kinh ngạc, rồi, bỗng xúc động ứa nước mắt. Hát xong, Mưa Ngâu đứng dậy đi đến đứng cạnh cửa sổ, không quay lại nhìn Vi, bà nói: “Thôi, cháu trở ra vườn được rồi.”

 

(trích đoạn tiều thuyết những người đàn bà đến từ hoả tinh, chưa xuất bản)

 

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021