thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“You’ve come a long way, baby!”

 

(trích đoạn tiểu thuyết)

 

 

“YOU’VE COME A LONG WAY, BABY!” [*]

 

Vạn Thọ vuốt dọc ngón tay, ngâm nga: “Đời người có một gang tay. Ai hay ngủ ngày còn được nửa gang.” Tu Hú dùng ngón trỏ gõ nhịp trên mặt bàn. Mưa Ngâu ngồi im, mắt lim dim, tai lắng nghe bà Hằng kể chuyện.

Bà Hằng vừa kể vừa thở dốc, giọng đục và lạc, nhưng vẻ mặt, điệu bộ tỏ vẻ thư thái. Bà vào thăm chồng mỗi chiều thứ tư và thứ bảy. Chồng bà ở khu 3, nơi dành riêng cho những người bị Alzheimer. Trời nắng rực làm thân dương xỉ lấp loáng bạc. Tiếng bà Hằng liên tục tựa tiếng xe chạy ngược chạy xuôi trên xa lộ giờ cao điểm. Con gái út bà hành nghề địa ốc gọi điện thoại cho biết sẽ đến đón bà trễ vì phải đưa khách đi coi nhà bất ngờ. Bà Hằng nhìn đồng hồ: “Sáu rưỡi nó mới xong công việc, vậy là tôi phải ngồi đây với các bà hơn nửa tiếng nữa!”

Bà Hằng kể đời bà sơ lược như đọc toát yếu, nhưng dấu mốc đẻ con thì chi li, tường tận. Bà lấy chồng năm mười bảy. Mười tám đẻ đứa con đầu lòng. Bà đẻ một hơi chín đứa đến năm ba mươi thì ngưng. “Đẻ đau vô cùng. Không gì kinh hoàng bằng đau đẻ. Lên cơn đau tôi cắn nát cả thành giường. Lên cơn đau tôi thấy cả người phóng tận trần nhà. Đau gì mà kinh khiếp. Tôi sợ đẻ. Đau quá! Đau chịu không thấu! Nhưng cứ mỗi lần ổng gần tôi là tôi dính bầu. Bà thầy bói nói số tôi đẻ mười lăm lần, nghe có khiếp không chứ? Tôi chửa đứa thứ bảy, bụng vượt mặt, đẻ bất cứ lúc nào, thế mà cân chưa tới 35 kí. Chồng ở trong quân đội, bản tính lại trăng hoa. Vợ bé, bồ nhí, ca-ve ổng sưu tầm đủ bộ.” Vi hỏi thế bà có ghen không? “Ghen làm mẹ gì cô. Ông đi đâu lâu tôi còn mừng, đỡ nhọc thân. Tôi có gian hàng bán vải ngoài chợ, Trời thương mẹ con tôi nên buôn may bán đắt lắm cô ạ. Tiền bán trong ngày, tối về tôi đếm mỏi cả tay, rồi nhét chặt trong mấy cái lon giấu kỹ trong rương. Một tay tôi nuôi bầy con. Có chồng như không. Ông đi thôi chứ về nhà là tôi sợ chết khiếp. Ông cần tiền đi chơi gái là tôi đưa ngay, đỡ nhọc thân tôi. Tôi ngày đó yếu lắm, ăn rất ít, miệng ngậm sâm quanh năm thế mà chẳng vào nhà thương ngày nào ngoại trừ đi đẻ cô ạ. Tôi để sức làm lụng kiếm tiền nuôi bầy con. Tôi dồn tâm trí làm sao người ăn kẻ ở lo cho con mình ở nhà chu đáo, đừng đánh đập, bỏ đói con mình chứ hơi sức đâu mà lo nghĩ đến chồng. Ông có lo nghĩ gì đến mẹ con tôi đâu. Đánh chết tính trăng hoa ông cũng không bỏ được đâu cô ơi! Thôi thì kệ thây ông ấy. Tôi coi như có chồng mà như không có cho khoẻ. Sanh xong đứa thứ bảy, tôi nghĩ tới lời bà thầy bói nói tôi sẽ đẻ mười lăm lượt, sợ mất hồn nên quyết định ngừa thai. Mà thời ấy làm gì có thuốc ngừa như bây giờ. Tôi đến gặp bác sĩ Nguyễn Hữu Đệ có tiếng đặt vòng xoắn giỏi nhưng lấy giá cắt cổ. Ông nói tôi là người công giáo thì phải có giấy chứng nhận được phép ngừa thai của cha xứ thì ông mới khám. Tôi đến gặp cha xứ, cha giảng: “Con cái là quà tặng của Chúa.” Tôi bảo bụng, “Gánh nặng chứ chả phải quà tặng cha ạ.” Cha giảng thêm: “Con cái là con của Chúa.” Tôi thầm nghĩ, mình mang nặng đẻ đau nuôi vất vả mà bảo là con của Chúa. Rồi cha khuyên tôi nên đến gặp bà sơ. Bà sơ khuyên Chúa thương Chúa cho bao nhiêu thì tôi nên giữ bấy nhiêu. Tôi định hỏi: “Chúa cho nhưng mình có được quyền từ chối không?” Tóm lại tôi đẻ con cho tôi hay cho Chúa? Tôi đi tới đi lui tổng cộng trên hai mươi lần từ ngày đầu gặp cha xứ đến khi có tờ giấy chứng nhận cho phép được ngừa thai tôi sanh thêm thằng con thứ tám. Cô nghĩ có kinh không chứ? Lúc cầm cái hộp nhỏ hình vuông màu hồng trong tay do bác sĩ Nguyễn Hữu Đệ đưa, tôi mừng chảy nước mắt. Cái hộp tôi phải trả hơn bốn nghìn bạc. Thời đấy vàng chỉ mấy trăm đồng một lạng. Cả một gia tài cô ạ. Cái hộp vuông bé bằng nửa gang tay, đựng miếng mút màu hồng nhạt, khi gần chồng thì nhét nó sâu vào trong cửa mình, xong rồi thì lấy ra rửa sạch, lau khô cất vô lại trong hộp. Tôi nhớ bác sĩ còn cho tôi hộp phấn xức cho nó thơm nữa chứ. Thật là giễu đời! Thế mà cô ạ, xui làm sao, một lần tÊi nhét nó bị lệch sao đấy, lại dính thêm cái bầu, lại đẻ thêm đưa thứ chín, là con gái út khi nãy gọi phone cho tôi nói phải đưa khách đi coi nhà bất ngờ đấy. Vợ chồng nó thôi ở với nhau hơn năm nay, giờ nó một tay nuôi đứa con, nhưng chưa bao giờ mở miệng than. Tất cả là do nó lựa chọn. Hai mẹ con bao giờ cũng líu ríu như hai con chim. Nó không vất vả như tôi ngày trước cô ạ... Đẻ con bé thứ chín xong chưa đầy hai tháng tôi quyết định cột. Lần này tôi làm thật. Tôi không đến gặp cha xứ, bà sơ nào nữa cả. Tôi bỏ tiền làm giấy chứng nhận giả, có dấu đóng hẳn hoi, cùng chữ ký toà giám mục cho phép tôi cột vì hay bị đau ốm. Nếu tôi có chửa, tiếp tục đẻ thì sẽ bị thiệt mạng, không ai nuôi bầy con. Tôi cầm giấy chứng “giả” đến bác sĩ Nguyễn Hữu Đệ, và lần này ông ta cột chặt luôn buồng trứng cho tôi. Vì sợ đẻ mà tôi phỉnh luôn cả chúa, cô thấy không?” Bà Hằng nói một lèo.

Vi nhìn bà Hằng, đoán tuổi bà xấp xỉ tuổi Tu Hú. Môi dưới bà hơi dày và trề. Nước da sậm khô nhưng bóng. Sóng mũi thẳng băng không biết bà có sửa không? Ánh mắt vẫn còn linh động như giọng nói và điệu bộ của bà ngay trong giây phút này.

Bà Hằng nhìn Vi, kể tiếp: “Mười bảy tuổi tôi lấy chồng. Từ ngày lấy chồng đến nay tôi chỉ có tám tháng thảnh thơi, muốn làm gì thì làm, được ngủ trọn giấc bốn năm tiếng mỗi đêm, không phải lo lắng gì.” “Chắc tám tháng đấy bà ở trong tại tị nạn? Thế bà ở trại nào? Bà sang đây năm nào?” Mưa Ngâu bất ngờ hỏi. “Không phải thế đâu bà ơi!” Bà Hằng trả lời. “Tám tháng đấy là từ ngày tôi gửi chồng tôi vào đây. Tôi khoẻ hẳn ra bà ạ.” Uống vội ngụm nước trà, bà Hằng kể tiếp. “Cách đây năm năm ông chồng tôi bắt đầu bị lú lẫn. Ổng nhớ nhớ quên quên... nhớ trước quên sau. Tôi mua hai cái lục lạc cột vào hai ống chân ổng tạo tiếng động leng keng, để biết ổng đang di chuyển tới đâu trong nhà. Nhưng chưa đủ tin vào tai mình, tôi mua thêm hai cái lục lạc nữa cột vào hai cổ tay ông để biết ổng đang làm gì. Bốn cái lục lạc làm tôi yên tâm hơn một chút. Tôi cột, thắt gút thật chặt để ổng không thể tháo ra được. Ban đêm, tôi phải choàng sợi dây quanh người ổng để khi ổng thức giấc ổng không thể bước xuống giường đi loanh quanh té ngã trong nhà. Thật tình mà nói, tôi và ổng chẳng biết ai nợ nần ai? Tôi sợ soi gương vì mỗi lần soi gương là tôi thấy mặt ổng chứ chẳng phải mặt tôi nữa. Từ ngày bị lú lẫn ổng chỉ thích ăn ba món mà không hề ngán. French fries ở McDonalds, thịt bò bằm ở Taco Bell, và mì xào mềm ở New Tungkee. Những món khác đút vô mồm là ổng nhè ra nhưng đút ba món này là ổng nhai nuốt thật lẹ. Nước uống thì chỉ thích Dr. Pepper và rau má lon. Nội chuyện ăn uống của ổng không cũng đủ làm tôi mệt đứ đừ. Ba tiệm nằm ba góc ngoài đường cái, đi bộ từ nhà ra đấy mất độ hai mười phút. Tôi phải cột ổng ở chân giường trước khi tôi ra khỏi nhà. Mỗi ngày tôi mua một phần chia ra ba hộp cất trong tủ lạnh, khi nào đến bữa thì hâm nóng lại bằng microwave.

Ổng im ỉm suốt ngày, chỉ thích mang đôi giày thể thao Adidas có dây để ông tháo ra buộc lại, tháo ra buộc lại... Ổng ngồi làm thế hàng giờ không biết chán hay mệt. Có lúc ổng đi lại cửa phòng bếp, xoay xoay nắm cửa, rồi mân mê, vuốt ve nhưng không hề ngó cái nắm cửa mà ngó ra sân sau không chớp mắt.

Trong ngày, có khi ổng chợt nhìn tôi, rồi lấy ngón tay chỉ vào mặt tôi, nói: “Bồ nhí đấy. Bồ nhí đấy,” xong cười hí hí. Có lúc ông nhỏ giọng: “Em đẹp lắm! Em xinh lắm!” Rồi thì: “Nhảy với anh không cưng? Nhảy với anh một bản cưng nhé!” Mấy câu nói thời trai trẻ ăn chơi bay bướm hào hoa phong độ của ông ở Sài Gòn trước 75 cô ạ. Thời ổng bỏ vợ bỏ con nheo nhóc, sống với bồ nhí, ngủ trên sàn vũ trường với gái nhảy. Vừa lãnh lương xong là mang bao hết ca-ve. Mấy câu nói như thần chú lặp đi lặp lại. Tôi không biết có phải vì ổng biết ông sắp rời xa thế gian này, hay trong tiềm thức, ổng tiếc nhớ thuở xa xưa, hay ổng ân hận đã đối xử tệ bạc với vợ con. Thật lòng tôi không biết... Nhưng, thôi, tôi chẳng còn bận tâm gì nữa cả.

Một buổi sáng, tôi từ phòng tắm ra, chân xỏ đôi vớ mới mua hơi dày, sàn nhà còn ướt, tôi trượt chân ngã một cái đùng, nằm thẳng đơ không còn biết trời trăng gì nữa cả. Phải mấy phút sau tôi mới dần dần tỉnh dậy. Tôi gắng hết sức lết người đến cái điện thoại bấm 911. Chưa tới mười phút sau thì xe cấp cứu, xe cảnh sát, xe cứu hoả ào ào chạy tới đậu ngay trước cửa nhà. Lúc họ vào thì tôi và chồng tôi đã ngồi sẵn trên ghế bành trong phòng khách chờ họ. Lúc đấy tôi chỉ muốn một điều duy nhất là họ đến chở chồng tôi đi.

Và trong ngày hôm ấy, chồng tôi được họ chở đến viện dưỡng lão này. Tính đến ngày hôm nay ông ấy đã ở trong này hơn tám tháng. Tám tháng tự do. Tám tháng giải phóng. Tám tháng thảnh thơi muộn mằn tôi hưởng được ở đời sống này.

Bà Hằng kể thêm, giờ đây, mỗi khi bà vào thăm ông, ông hoàn toàn chẳng biết bà là ai, ông không có cảm giác mất mát vì không còn trí nhớ, nhưng mỗi lần trước khi chào từ giã ông, bao giờ bà cũng ghé vào tai ông nói nhỏ (vì sợ lần tới vào thăm, ông không còn nữa): “Thôi nhé, ông ráng mà tu tâm tích đức cho đời sau. Tôi cầu trời khẩn Phât cho tâm ông được bình an. Kiếp này tôi và ông đã trả xong nợ nhau rồi. Ông ra đi bình yên. Tôi chẳng trách gì ông nữa đâu.”

“Thế bà không hẹn gặp lại ông ở kiếp tới à?” Tu Hú hỏi đểu.

“Thôi, thôi, thôi... bà ơi! Một kiếp đã quá khổ thân tôi rồi. Tha cho tôi trời ạ.” Bà Hằng vừa nói vừa xua tay, mặt không giấu nỗi sợ hãi.

Vi thắc mắc, sao lúc trẻ bà sợ chúa, thờ chúa, tin chúa, rồi chỉ vì sợ đau đẻ mà bà phỉnh chúa. Giờ về già bà quay sang tin Phật, cầu Phật. Phật không hề dạy cầu xin. Phật dạy con người phải tự lập, phát triển trí tuệ, không nên yếu đuối, vì yếu đuối đưa đến sợ hãi. Phật giúp con người nhìn sâu thấu nguyên nhân của khổ đau và tìm cách thoát khỏi khổ đau, chỉ thế thôi.

Vi nghĩ đến chị gái của Sarah vừa sanh con đầu lòng tuần trước. Sarah cho biết là chị của nó nói sanh không đau lắm, bác sĩ tận tình, có thể dự định cho đứa bé ra đời giờ nào, ngày nào. Khoa học đã dự phần đóng góp lớn lao trong công cuộc giải phóng phụ nữ. Thời nay phụ nữ chủ trương chỉ đẻ một hay hai con. Đẻ bớt đớn đau hơn ngày trước, và cũng bớt nguy hiểm.

 

 

_________________________

[*]slogan quảng cáo thuốc lá Virginia Slim của hãng Philip Morris.

 

(trích đoạn tiều thuyết những người đàn bà đến từ hoả tinh, chưa xuất bản)

 

Một trích đoạn khác đã đăng:

Vô đề  (tiểu thuyết) 
[TRÍCH ĐOẠN TIỂU THUYẾT] ... Toàn bộ tranh cuốn cuộn theo thời gian. Mọi thứ qua đi, vuột khỏi làn da như vảy khô, da tróc... Mưa Ngâu ngồi trên giường ngó lung ra vườn. Những tấm tranh đã từng một thời như hơi thở, sức sống. Giờ chúng tiêu tán phương trời nào? Những tấm tranh từng là những đứa con của bà, bà âu yếm nghĩ thế, giờ chúng lây lất nơi đâu? Những tấm tranh như một phần da thịt bà... (...)

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021