thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thời của những tiên tri giả [phần 1.2]

 

PHẦN MỘT

2.

 

Nha Trang vốn yên bình cũng đã bị làn sóng người di tản quấy động. Đám lính Thủy quân lục chiến từ Đà Nẵng chạy vào hung hãn đi ăn cướp gây nên sự căng thẳng trên toàn thành phố.

Ba mẹ con tôi đến tá túc tại nhà một người bạn cũ. Gia đình Linh cũng đang chuẩn bị về Sài Gòn. Chồng Linh là thẩm phán. Linh hỏi tôi có muốn cùng về Sài Gòn luôn không? Tôi nói:

- Nếu Sài Gòn cũng sẽ mất thì đi đâu?

Chồng Linh bảo:

- Trong ấy, nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ họ đã đưa gia đình ra Phú Quốc chờ đi Mỹ.

Tôi nói:

- Thực ra, tôi chỉ muốn tránh bom đạn chứ không muốn bỏ quê hương.

Buổi chiều Tính đến tìm chúng tôi, nói:

- Có tàu ở dưới bến. Bác chuẩn bị đi đi.

Tôi nói:

- Thôi bác không đi nữa. Vào đến Sài Gòn rồi cũng thế thôi.

- Thế bác không sợ à?

- Bác chỉ sợ bom đạn thôi.

Tính tần ngần chào chúng tôi. Tâm tiễn Tính ra ngoài:

- Anh Tính. Em cám ơn anh.

Tính ôm vai Tâm bùi ngùi:

- Chẳng biết còn có cơ hội nào gặp lại em.

- Khi yên ổn trở lại, chắc nhà em về Kon Tum. Em mong gặp lại anh.

- Anh cũng mong như thế.

- Anh Tính.

- Gì em?

- Thật không?

Tính cười cười:

- Sao lại không thật?

- Em không đùa đâu.

- Đâu phải lúc đùa.

- Thế hứa với em đi.

- Ừ, anh hứa.

- Anh Tính.

- ...

- Sao không hôn em?

Tôi thở dài. Con bé lớn rồi. Đời con sẽ khổ, sẽ long đong bởi con đã chọn sự bất trắc.

Đấy là lần cuối cùng chúng tôi gặp Tính. Cảm giác về sự vĩnh biệt tràn ngập trong lòng tất cả chúng tôi. Một trong những đứa con trai của vợ chồng Linh đón cả gia đình lên xe Jeep vào phi trường. Phong là một phi công. Sau này tôi biết, sau khi vào Sài Gòn, gia đình Linh tiếp tục đi Mỹ trước khi Sài Gòn được giải phóng.

Phần Tính, anh đã về Sài Gòn trên một chiếc tàu hỗn loạn. Bọn Thủy quân lục chiến lên tàu từ một chiếc xà lan ở Đà Nẵng. Chúng nổ súng và cướp bóc, điên cuồng và cay đắng, hụt hẫng và thô bạo.

Bại trận như một sự phá sản. Người ta không chỉ mất những gì đang có mà mất cả chính bản thân mình. Những gì tôi nghe kể lại trên chuyến đi đó đã cho tôi biết thêm về Tính, rằng anh ta đã cùng nhóm lính của mình bất ngờ khống chế được bọn mạt hạng đó. Và cũng chính từ những rắc rối trên mà chiếc tàu đã phải neo đậu ngoài Vũng Tàu thay vì Sài Gòn cho đến khi sự việc đã thực sự được kiểm soát.

Cuộc hành trình của Tính vẫn chưa kết thúc ở đấy.

Không bao lâu sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, trước khi tôi muốn nói tới niềm vui sướng của gia đình mình được đoàn tụ, tôi cảm thấy có bổn phận chia sẻ với những niềm đau đớn khác trong đó có Tính, có Tâm, có Châu của tôi.

Sau khi chia tay ở Nha Trang, Tâm luôn tìm cách để biết tin về Tính. Nhưng tất cả mọi cố gắng của Tâm đều vô ích. Và đã trở nên quá muộn cho một sự trông đợi héo hắt.

Như tất cả mọi người phục vụ trong chế độ cũ, Tính là kẻ có tội. Và mọi kẻ có tội phải nhận tội trước khi được khoan dung tha thứ. Trong trại cải tạo, Tính đã không bao giờ nhận mình là kẻ có tội. Và bởi thế, hắn đã chết vì sự ngang ngạnh của mình. Chỉ tiếc là hắn không bao giờ biết được có một người con gái của Việt Cộng mà hắn căm thù là Tâm đã đi tìm hắn từ trại cải tạo này đến trại cải tạo kia như một người vợ đi tìm chồng, để hiểu rằng chẳng có điều gì tuyệt đối ngoài tình yêu.

 

[còn tiếp]

----------------------------

Đã đăng:

Thời của những tiên tri giả [phần 1.1]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021