thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương I-II]

 

VIỆC TÌM KIẾM CON NƯỚC ĐẦU NGUỒN CON
SÔNG QUÊ NÀNG LÀ VIỆC
LỚN NHẤT CỦA ĐỜI TÔI.
CÓ LẦN TÔI ĐÃ NÓI VỚI SÔNG
RẰNG MÌNH MUỐN ĐƯỢC TẬN MẮT NHÌN
THẤY NƠI TỪ ĐÓ
TUÔN TRÀO RA THỨ NGUỒN MẠCH NGỌT
NGÀO ĐÃ HUN ĐÚC NÊN HÌNH HÀI THỊT XƯƠNG
NÀNG.
TÔI BIẾT, KHÔNG CÓ NƠI CHỐN ẤY
THÌ KHÔNG CÓ NGƯỜI TÔI YÊU.
CON SÔNG QUÊ NÀNG LÚC NƯỚC TRÀN BỜ,
KHI LẠI KHÔ CẠN ĐẾN MỨC CÓ THỂ NÓI KHÔNG
PHẢI LÀ SÔNG.
VÀO MÙA LŨ, CON NƯỚC LUÔN
NGẦU ĐỤC TỰA CÓ BÀN TAY AI
CHỌC KHUẤY DÒNG SÔNG.
NHƯNG SANG HÈ,
CON NƯỚC THU LẠI THÀNH MỘT DẢI
TRONG SUỐT SOI THẤY MẶT NGƯỜI.
SÔNG LUÔN BIẾN ĐỔI VẬY, NÊN
VIỆC TÌM KIẾM CON NƯỚC ĐẦU NGUỒN
LÀ VÔ CÙNG KHÓ.
CÓ LÚC MỘT MÌNH TÔI,
CÓ KHI LÀ CÙNG
NÀNG, CUỘC TÌM KIẾM LÀ NHỮNG CHUYẾN
ĐI VỀ TRONG THỨ KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN
CỦA RIÊNG TÔI VỚI NÀNG.

 

một.

HOÁ RA NGƯỜI COI RỪNG LÀ MỘT VỊ THẦN

 

Người coi rừng bảo tôi với nàng gặp may. Các người gặp được ta là may lắm đấy. Ông ta nói. Bấy giờ ánh hoàng hôn trong rừng vẫn còn soi rõ mặt người. Lạ thay, tôi định gọi ông ta bằng anh để tỏ thân ái một chút, thì thấy đó là một chàng trai trẻ, trẻ hơn tôi rất nhiều, nhưng khi nghĩ phải gọi bằng ông cho phải phép khi lần đầu gặp một người lạ, thì lại thấy đó là một ông lão. Lúc ấy tôi cứ nghĩ sau một ngày leo dốc lội suối, lại lo bị lạc trong rừng, mệt quá thành quáng mắt. Nhưng thôi, việc này về sau thì rõ cả. Còn bây giờ là nói về cuộc gặp gỡ kỳ thú ấy.

Ngày hôm ấy, tôi và nàng ngược về phía thượng nguồn một con suối, phụ lưu của sông. Con sông quê nàng là có rất nhiều phụ lưu (rồi phụ lưu lại có rất nhiều chi lưu), và hôm ấy chúng tôi đi theo một phụ lưu nằm về phía tây bắc của sông. Đang mùa hạ, con suối đã cạn hết nước. Tôi và nàng cứ theo lòng suối mà đi. Quả tình con người ta cảm thấy hạnh phúc khi có một tương lai tốt đẹp đang chờ ở phía trước. Trong chuyến đi này nàng cũng tỏ ra rất vui như các chuyến đi trước đó. Tả cho em nghe về con nước đầu nguồn đi anh. Nàng lập lại câu nói nàng vẫn nói với tôi trong mỗi chuyến đi. Và tôi, thì lại nói với nàng rằng, nó, con nước đầu nguồn ấy, cũng giống như nước trên dòng sông chảy qua quê em, có điều là chưa vẩn đục như nước lúc chảy qua quê em. Tôi nói theo cách nói của một nhà triết học tự nhiên thời cổ đại, tức có tính cách tư biện, tức có thể đúng mà có thể không. Bởi tôi cũng như nàng, đã bao giờ nhìn thấy con nước đầu nguồn của dòng sông ấy đâu. Cứ nghĩ đến thứ tương lai vui vẻ là được nhìn thấy con nước đầu nguồn, chúng tôi quên mất là mình đã vượt qua một chặng đường rừng rất dài. Cho đến lúc nhìn thấy cái gộp đá nằm chắn ngang con suối, có nghĩa dòng suối chấm dứt ở đó, thì trời sắp tối. Như thế là chúng tôi không còn thời gian để quay lại. Không thể đi trong đêm tối ở một nơi núi rừng ta chỉ mới đến lần đầu. Trong lúc cả tôi lẫn nàng chưa biết phải làm sao, hãy cứ làm ra vẻ bình tĩnh vì tình yêu của chúng tôi sẽ chiến thắng mọi trở lực, hay là cứ nói ra những lo lắng trong lòng là làm sao để chống lại cái đói, chống lại thú dữ nếu đêm đến chúng mò đến chỗ chúng tôi; trong lúc cả tôi lẫn nàng chưa biết phải tỏ ra thề nào cho hợp lý, thì người coi rừng xuất hiện. Đừng sợ. Vừa nghe mấy tiếng đừng sợ thì đã thấy ông ở nơi bờ suối. Có một người xuất hiện vào lúc đêm sắp ập xuống, lại bảo chúng tôi đừng lo sợ, thì nhất định là người ở vùng núi rừng này. Ý nghĩ này đã gíúp tôi giữ được điềm tĩnh. Cuối cùng thì tôi quyết định gọi ông ta bằng ông. Thưa ông, từ đây đi tới nơi có làng xóm có người ở có xa lắm không? Ông không trả lời, mà hỏi lại tôi, rằng đi tìm làng xóm sao lại vào trong rừng núi mà tìm? Tôi liền khai thật là mình với người yêu đi tìm con nước đầu nguồn của một con sông, giờ thì trời tối chẳng biết sẽ ở đâu. Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu.

Tám tuổi ta đã biết cầm cây rìu để đốn gỗ. Dòng họ nhà ta sống bằng nghề đẽo gỗ rừng. Đã bao nhiêu đời như thế, thì ta không rõ. Chỉ thấy những lưỡi rìu cùn, những lưỡi rìu bị thải ra khi không còn chặt cây rừng được nữa, chất thành đống ở một góc vườn nhà. Ta biết ông cố ta, rồi ông nội ta, rồi cha ta, nói chung là các tổ tiên ta chẳng ai muốn cầm mãi cây rìu để làm cái công việc luôn là quá sức của một con người, nhưng chén cơm kiếm được thì luôn là quá ít đối với một con người phải ăn cơm để sống. Ta cầm cây rìu từ tám tuổi cho đến năm ba mươi tuổi. Cũng giống như cha ta, như ông nội ta, ba mươi tuổi vẫn chưa lấy vợ, không phải vì không còn đàn bà phụ nữ, mà vì chưa chắc cầm cây rìu đốn gỗ nuôi nổi vợ con. Ta luôn nuôi ý đồ phá bỏ bản phân bổ của trần gian, bản phân bổ trong đó ghi dòng họ nhà ta làm nghề đẽo gỗ rừng, nhưng không cách nào phá bỏ nổi. Đôi khi cũng có nghe nói đến một cuộc làm lại cách phân bổ ở trần gian, để cho những kẻ như ta có cuộc sống mới mẻ hơn. Nhưng ta biết đó chỉ là những giấc mộng không thành của con người. Và cái quá khứ của dòng họ nhà ta vẫn tiếp tục rỉ sét ở nơi góc vườn nhà. Cho đến một hôm, ta gọi là ngày của một đời người, ta đã ra nơi góc vườn nhà để từ biệt dấu vết các bậc tổ tiên. Tất cả bọn ta là mười hai đứa, cùng lứa, cùng có cuộc sống đang gỉ sét, cắt máu ăn thề, và trốn nhà ra đi. Bọn ta vào rừng. Không phải để đốn gỗ. Cũng không phải để làm giặc cướp. Sau đây là tóm tắt thứ kiến thức về trầm hương bọn ta có được, không phải kiến thức trong sách vở, mà là nghe được từ miệng lưỡi của thiên hạ. Có một loài cây rừng là cây gió, khi bị thương tích thì phần lõi của cây hoá thành trầm hương, thơm, và quí hơn vàng. Có nghĩa là bọn ta đi tìm vàng để làm cho cuộc sống mới mẻ hơn. Kết quả là đã hạ được một cây rừng mà bọn ta cho là cây gió, vì một phần cành nhánh của cây đã bị gãy đổ, và có hương thơm phát ra từ chỗ thân cây bị thương tích. Sau khi đã có được thứ lõi cây quí hơn vàng thì bọn ta chẳng đứa nào còn nhớ đến những lời thề. Một cuộc chiến có tính cách cục bộ đã xảy ra trên rừng. Có nghĩa là chỉ xảy ra trong mười hai đứa bọn ta mà thôi. Bọn ta đánh nhau từ giữa trưa cho đến khi trời tối mịt. Kết cuộc chỉ có ta là còn hơi nguyên vẹn, tức còn thở được và biết được những sự vật chung quanh. Còn mười một đứa kia, và cái lõi gỗ quí hơn vàng, thì tan nát hết. Thử hỏi sức của bọn ta mà dùng rìu đốn gỗ để bổ vào nhau thì đá cũng tan nát huống hồ thịt da. Niềm hận thù cuộc sống gỉ sét vẫn tích tụ mỗi ngày trong mỗi đứa bọn ta chẳng biết cách nào trút bỏ, hình như đến lúc đó thì cố trút lên đầu của nhau. Ta nằm trên máu và thịt xương của lũ bạn ta, nằm trên những mảnh vụn của thứ gỗ rừng được coi là quí hơn vàng, cảm thấy có chút hả hê của kẻ chiến thắng. Rồi bắt đầu hành động như một kẻ chiến thắng. Ta bò trên bãi chiến trường đầy máu và da thịt người, cố gom lại những mảnh vụn của thứ gỗ thơm. Ta gom chúng lại, và đem trả trở lại nơi chúng đã từng tồn tại. Sau đó thì ta thiếp đi trong niềm hạnh phúc hiếm thấy. Vào khoảng nửa khuya thì người c n gái đó đã đến ngủ với ta. Nàng vui như cây rừng mùa xuân. Tóc tai nàng, da thịt nàng, nói chung là thân thể nàng hình như chỗ nào cũng toả hương thơm. Kể từ đêm nay em là của chàng, bởi đã có chàng gìn giữ chốn này, chàng mãi mãi là vị thần cai quản núi rừng này. Sau cuộc ái ân, nàng nói với ta vậy đấy. Rồi bước vào sự vắng lặng của rừng đêm. Kể từ hôm đó thì chẳng còn kẻ nào nói là đi tìm trầm hương mà dám bén mảng đến vùng núi rừng này. Khi nhà nước xếp vùng núi rừng này vào loại núi rừng đầu nguồn, thì ta nghiễm nhiên tự coi mình là kẻ coi rừng ở nơi đây.

 

hai.

LỬA

 

Theo lời người coi rừng thì chắc chắn mạch nước đầu nguồn của con suối nằm ở bên dưới mặt đất của rừng núi ấy (nhà nước đã xếp vùng núi rừng này vào loại núi rừng đầu nguồn là lời ông ta). Không được tận mắt nhìn thấy con nước đầu nguồn thì cứ bước đi trên đất mạch đầu nguồn cũng là vui lắm rồi. Tôi và nàng đã đồng ý với nhau như thế.

Lúc chúng tôi ra đi thì vẫn chẳng thấy bóng dáng người coi rừng đâu cả. Có nghĩa ông đã rời căn nhà ấy tự lúc chúng tôi còn ngủ say. Cũng chẳng sao. Nếu quả ông là vị thần của rừng núi này thì tất ông hiểu được lòng biết ơn của chúng tôi về việc được trú qua đêm. Tôi thì nghĩ vậy. Còn nàng, có lẽ vẫn chưa hết niềm kinh dị, nên chẳng dám có lời gì về con người ấy. Mãi gần trưa, lúc ngang qua một đám hoa rừng nở mùa hạ, rực rỡ và ngát hương, nàng mới nói như thể để trút bỏ sự đè nén trong suy nghĩ. Hoá ra người con gái ấy là một thứ hương thơm. Nàng nói về bí mật tình yêu của người coi rừng. Còn tôi thì nói về lửa. Lúc ấy tôi nói về lửa là để dẫn đến câu chuyện tình của người coi rừng. Nàng cúi xuống ngửi một bông hoa rừng, rồi nhìn tôi với ánh mắt, mà tôi đã nằm lòng, là muốn tiếp tục nghe tôi nói. Tôi nói từ khi con người tìm ra lửa thì mặt đất này bớt lạnh lẽo, và những con vật khác thì có vẻ ganh tỵ với con người. Nàng hỏi làm sao tôi biết được. Tôi nói không phải là chỉ nhìn thấy lửa trong trời đất không thôi, một hôm con người chợt nhận ra có cái gì đó đang ẩn náu trong chính anh ta, có vẻ cũng giống lửa trong trời đất, và chính là lúc con người hô hoán rằng ở trong anh ta cũng có lửa, tức lúc anh ta nhận biết về chính mình, thì các nhà chép sử bảo là con người bắt đầu có văn minh. Tôi nói là thật lâu về sau chuyện con người biết tư duy, có thể là mấy ngàn năm, hay mấy triệu năm, các nhà chép sử mới nói được như thế, cho nên cũng không hẳn là đã nói đúng. Có điều, ai cũng thấy, thứ lửa ấy, còn gọi là nhiệt huyết, đã giúp cho con người có lúc làm nên hạnh phúc, huy hoàng, có khi lại gây ra đau khổ hay điêu tàn. Tôi nói tới chỗ này thì thấy nàng rơm rớm nước mắt. Là con người, nàng xúc động về chuyện con người, là phải thôi. Tôi nói, với thứ lửa tự sinh, con người có thể nghĩ được mọi chuyện, làm được mọi chuyện, ngay cả việc anh ta có thể khiến một thoáng hương thơm trở thành người con gái anh ta yêu, mà biết đâu chừng em cũng được kết thành từ một thứ hương thơm. Tôi nói như để khẳng định với nàng rằng tôi yêu nàng xiết bao. Và thấy mắt nàng long lanh. Tối hôm đó chúng tôi trú lại ở một xóm nhà tranh vách lá nằm giữa rừng già, khu cư ngụ tạm bợ của những người di dân tự do đến từ phía bắc đất nước. Lúc đến nơi thì đã chập choạng tối, chẳng còn trông rõ mặt người. Việc chúng tôi xin vào nghỉ ở căn trại của đôi vợ chồng trẻ tuổi ấy chỉ là ngẫu nhiên. Họ còn quá trẻ, trẻ hơn chúng tôi rất nhiều, và có lẽ là mới vừa lấy nhau. Nhà chúng em chỉ có thế. Anh chồng nói, sau khi chúng tôi ăn cơm tối xong. Chỉ có thế có nghĩa là chỉ có một cái giường nằm làm bằng cây rừng. Tất nhiên là trước đó, lúc mới bước vào nhà, tôi đã tóm tắt cái lý do tại sao vào lúc đó chúng tôi lại có mặt ở đó. Đi tìm con nước đầu nguồn của một dòng sông. Tôi nói. Mà đi tìm chi vậy anh? Lúc đó chị vợ hỏi thế. Và tôi bảo đó là bí mật của tình yêu. Nói xong câu này thì tôi có ý chờ đợi sự hưởng ứng của đôi vợ chồng trẻ tuổi. Biết đâu là họ cũng có một bí mật của tình yêu. Nhưng không. Họ chỉ chia sẻ với chúng tôi những thứ thuộc về vật chất, như bữa cƊm tối có rau rừng chấm với muối, như đề nghị nhường chiếc giường duy nhất cho chúng tôi nằm, còn thứ vật thể gọi là tình yêu thì họ chẳng có lời nào. Nàng với chị vợ trải chiếu nằm trên giường, còn tôi với anh chồng trải lá nằm dưới đất, coi như là giải pháp cuối cùng, sau những mời gọi và từ chối, một giải pháp dung nạp được cả lòng hiếu khách lẫn sự biết ơn của khách. Qua cuộc chuyện trò trong đêm, tôi biết cuộc tìm kiếm của những người đang có mặt ở cái xóm nhà tranh vách lá ấy cũng lớn lao như cuộc tìm kiếm của chúng tôi. Tôi với nàng đi tìm con nước đầu nguồn dòng sông ấy là một thể nghiệm về tình yêu. Còn bọn họ từ phía bắc đất nước chuyển đến rừng núi ấy tìm đất trồng cây cà phê là một thể nghiệm về cơm áo. Đấy là tôi nghĩ vậy. Còn với bọn họ, lúc lửa đốt rừng lan tới xóm nhà tranh vách lá đó, thì cuộc thể nghiệm của chúng tôi đã trở thành thứ tai hoạ. Vào khoảng nửa đêm, khi nghe tiếng ngáy đều đặn của đôi vợ chồng tuổi trẻ, tôi bắt đầu cảm thấy mình là kẻ cô độc. Biết nàng vẫn còn thức, nhưng làm sao tôi lại dám gầy cuộc chuyện trò giữa lúc đôi vợ chồng tuổi trẻ đang tìm được những phút bình yên như thế. Trong phút giây cảm thấy cô độc, tôi lại giật mình về thứ công việc mình đang đeo đuổi. Biết đâu thứ khái niệm gọi là tình yêu là có vẻ xa xỉ đối với những con người đang làm cuộc thể nghiệm về cơm áo? Nói cho nghiêm túc thì cuộc thể nghiệm của bọn họ cũng ít có tính thực chứng như cuộc thể nghiệm của chúng tôi. Có nghĩa cũng lãng mạn như chúng tôi. Hạ cây rừng xuống, đốt đi, và trồng lại cây cà phê, là một thứ lãng mạn kép. Cây gỗ rừng không mang đi bán, mà đốt đi, tất nhiên là lãng mạn rồi (mà phải làm vậy thôi, vì nói cho nghiêm túc, đây là công cuộc trộm rừng). Còn như nghe nói nhiều người giàu có nhờ cây cà phê, nên đã bỏ quê, đi nửa nước tìm đất trồng cà phê, trong khi nhà chưa đủ gạo nấu, thì còn lãng mạn hơn. Nhưng sự lãng mạn này lại là sinh ra từ một cuộc ra đi có tính dong rủi, như cuộc ra đi của người tiền sử, cuộc ra đi từ cái nôi sinh ra mình.

Vào khoảng quá nửa đêm thì chúng tôi trải qua một đêm tiền sử giữa thời hiện đại. Đêm tối và rừng già làm cho ngọn lửa cháy rừng thêm vẻ huyền bí. Giữa thứ không gian và thời gian thâm u ấy bỗng bùng lên cái màu sáng ấy. Thì chẳng phải cảnh chúng tôi chạy trong ánh lửa rừng bập bùng là nhại theo cảnh những người tiền sử được phác vẽ theo trí tưởng tượng của các nhà khoa học? Tôi cõng nàng mà chạy. Vì không làm thế, có thể nàng đã gục ngã trong lửa. Vừa cõng nàng chạy, vừa luận về lửa. Thấy chúng tôi làm thế, đôi vợ chồng tuổi trẻ cũng làm thế. Đến lúc đó tôi mới tin là họ cũng có một bí mật của tình yêu. Ở phía bên kia một dòng suối lớn đã cạn nước là nơi chúng tôi dừng cuộc trốn chạy. Chẳng còn trông thấy lửa nữa, mà chỉ thấy một vòm sáng phủ bên trên rừng cây. Dường như đầu óc mọi người đều dành cả cho việc nghĩ ngợi về số phận những căn nhà tạm bợ của mình, nên chẳng ai để ý đến ai, chẳng có nửa lời chuyện trò. Điều này cũng có nghĩa là chẳng ai biết trong đám người chạy lửa ấy, có kẻ lạ là tôi với nàng. Mãi đến sáng hôm sau, khi nhìn thấy xóm nhà tranh vách lá chỉ còn là một đám tro tàn, mọi người đều nghe trong lòng có niềm thống khổ chẳng bút mực nào tả nổi, thì tôi nghe có ai đó đã hỏi về chúng tôi. Họ là ai vậy? Tôi nghe có ai hỏi như vậy. Thì đám người đến từ phía bắc đất nước vốn xa lạ nhau ấy cũng mới vừa kết nhau thành cái quần cư nho nhỏ giữa rừng núi mênh mông, và cũng mới vừa hạ được mảng rừng đầu tiên bị cháy trong đêm ấy. Mảng rừng vừa được hạ xuống ấy tất nhiên sẽ được đốt đi để lấy đất trồng cây cà phê, nhưng không phải là đốt vào ban đêm như vậy. Xóm nhà tranh vách lá nằm ở bờ biên mảng rừng vừa bị hạ, nên bị lửa thiêu rụi là phải thôi. Nhưng những con người thống khổ ấy không dừng lại ở cái nguyên nhân gây cảnh bể dâu là lửa. Anh chị hãy rời khỏi nơi đây, bởi bà con ở đây cho rằng việc hai anh chị tự dưng dẫn nhau vào ngủ trong làng là nguyên do của tai hoạ này. Đôi vợ chồng tuổi trẻ ấy đã kéo chúng tôi ra ngoài xa, rỉ tai, và hối chúng tôi hãy ra đi trước khi có điều không lành xảy ra. Lúc đêm, nàng bước không nổi vì sợ lửa cháy rừng. Còn lúc ấy, nàng bước không nổi là vì sợ lửa giận ở lòng người. Tôi lại cõng nàng nữa. Cõng nàng mà chạy.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021