thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 1 & 2]

 

1.

 

Có người nọ không rõ quê quán ở đâu, học vấn thế nào, về đất Phú Xuân cất một cái am bên nhánh sông vắng vẻ, ở chung với một con chó. Tiên sinh không giao du với ai, trong nhà cũng chẳng có ti-vi, điện thoại. Không nghe tiếng nhạc, cũng vắng tiếng người. Lâu lâu mới có tiếng chó kêu ăng ẳng vì mừng rỡ. Tuyệt nhiên không có tiếng sủa.

Tương truyền thời trai trẻ cũng có đi học nhưng thi mãi không đỗ nên suốt đời làm anh nhân viên quèn, bèn xoay nghề thi phú nhưng cũng không thành công, tác phẩm chẳng ai biết tới. Lại thử ra kinh doanh mở quán rượu thì bạn bè kéo tới nhậu nhẹt mà khất nợ nhiều quá, lỗ vốn phải dẹp tiệm.

Một ông già ngoài năm mươi như thế ít khi được các bà các cô để mắt tới, và tiên sinh thì cũng chẳng buồn trò chuyện với ai, tối ngày khép kín trong cái am như một nhà tu, một ẩn sĩ.

Ngày nọ, nhân lúc cao hứng, tiên sinh “diện” một bộ đồ thể thao, tà tà thả bộ dọc bờ sông, ra cái vẻ ta đây vẫn còn phong độ.

Không biết từ lúc nào hiện ra một bãi bồi nhỏ, trên đó mọc lên một quán cà-phê xinh xắn.

Quán vắng khách, tiên sinh bước vô mà không thấy ai ra tiếp, bèn đằng hắng rồi kéo ghế ngồi dưới gốc cây bàng. Lát sau có một cô nương chừng ngoài ba mươi, yểu điệu bước ra từ lùm cây xơ-ri thấp và đầy trái chín.

Tiên sinh hỏi:

— Quán này mở lúc nào vậy?

— Được hơn một tháng nay. Anh cũng ở gần đây sao?

— Gần đây. Qua mấy cái rẫy bắp, đi một đoạn nữa thấy có cái am nhỏ.

Cô nương có vẻ ngơ ngác, hỏi:

— Am là cái gì vậy?

— Cũng giống như một cái chùa nho nhỏ.

— Vậy anh đi tu sao? Anh không giống một người đi tu.

— Anh đi ở ẩn.

— Ở ẩn là gì?

— Là chán đời, muốn tìm chỗ thanh vắng, sống một mình.

— Anh cũng không giống một người chán đời.

Tiên sinh khuấy cà-phê, ngắm cái mặt tươi tắn của cô chủ quán.

— Em có phải dân Bến Tre không?

— Sao anh nghĩ em là dân Bến Tre?

— Con gái Bến Tre da trắng, tóc dài, hai cánh tay rất tròn.

— Nhưng em là người Đồng Nai.

— Em lên đây ở một mình sao?

— Một mình.

— Đáng lẽ em phải có chồng rồi.

— Tại sao?

— Cũng giống như trái cây vậy. Khi nó chín đỏ, hương sắc phát tiết ra ngoài, khó mà ở yên trên cành, thiên hạ sẽ tranh nhau đến hái.

Tiên sinh chỉ xuất được mấy chiêu đó thì khách vô, toàn tụi thanh niên ồn ào, ăn tục nói phét. Tiên sinh bèn cáo từ. Lòng vui vì cảm thấy mình vẫn còn phong độ, không đến nỗi “già chát” như mình vẫn nghĩ.

@

Ngọc ngồi một mình bên khóm xơ-ri, thấy ông già hôm trước lại đến thì nói:

— Hôm qua em có đi ngang cái chùa của anh.

— Sao không vô lạy Phật?

— Phật ở đâu mà lạy. Em chỉ ngó một chút cho biết thôi. Sao anh sống một mình vậy? Bộ anh không có vợ hả?

Tiên sinh ngồi xuống, cả cười:

— Không có vợ á? Em nghĩ sao mà nói vậy?

— Em nhìn cái dây phơi đồ. Chỉ có một bộ đồ đàn ông, hai cái áo thun ba lỗ và hai cái quần đùi. Không thấy có đồ đàn bà.

— Em lầm rồi. Chẳng những anh có vợ mà còn có rất nhiều vợ.

— Cỡ bao nhiêu?

— Cho anh mượn cái máy tính.

— Để làm gì?

— Vì anh rất dốt toán. Hễ cộng trừ trên con số một trăm là anh lộn liền.

— Ý anh nói anh có hơn một trăm bà vợ?

— Chắc vậy.

— Xạo. Hoặc là quá tự tin.

Ngọc đưa cho ông già mấy trái xơ-ri chín đỏ. Tiên sinh nói:

— Thực ra thì khoảng vài chục bà.

— Chính xác là bao nhiêu?

— Hai mươi bảy.

— Còn bồ nhí?

— Hồi còn trẻ anh có một cuốn sổ, ghi tên theo thứ tự A.B.C... bây giờ mất rồi.

— Vậy sao bây giờ ở một mình với một con chó con vậy?

— Bị đàn bà nó bỏ.

— Tất cả đều bỏ anh sao?

— Tất cả.

— Sao vậy?

— Bị bất lực sinh lý. Ủa, mà em tính lấy anh hả?

— Đừng có mơ. Đã già lại bất lực. Ngu sao lấy anh?

— Còn nếu anh không bất lực thì sao?

— Lấy liền.

— Anh khuyên em bỏ ý định đó đi. Lấy anh em sẽ khổ cả đời. Anh là kẻ lang chạ, phản bội, rượu chè bê tha, tối ngày bù khú với đủ hạng người. Bạn bè gọi anh là Bù Khú Tiên Sinh.

— Thôi, không tin đâu. Chưa thấy ai xạo như anh.

— Nhưng sao tự nhiên hôm nay điều tra lý lịch kỹ vậy?

— Quen với ai thì phải biết rõ người ấy chớ.

— Anh cũng vậy. Em có thể cho anh biết chút xíu về em không?

— Được. Nhưng ly kỳ lắm đấy. Đời anh không bằng một góc của em đâu.

— Thế em nghĩ gì về một người có hai mươi bảy bà vợ? Nếu hắn ta không phải là thần thánh thì cũng là quái vật.

— Anh thuộc loại nào?

— Đừng sốt ruột. Rồi em sẽ biết. Từ từ rồi cũng biết hết. Kể ra một lúc em sợ quá bỏ quán chạy trốn thì sao. Vì vậy tốt nhất là em nên kể một chút về em đi. Coi như chúng ta đang ở giai đoạn tìm hiểu.

— Tìm hiểu để làm gì?

— Để kết duyên với nhau?

— Em không lấy đàn ông bất lực đâu.

— Không lấy cũng được, nhưng hãy nói về em đi đã.

 

2.

 

Người đẹp bước vào cái thế giới tím nhạt của đèn và những tiếng thét của giai điệu. Tiết tấu lập đi lập lại như điên. Những tiếng basse bùng bùng của thứ rap động kinh truyền dẫn cơn tâm thần quái gỡ, chạy vòng quanh đám con rối. Ngọc bước vào thế giới ấy, như hòn sỏi được thả xuống mặt ao và chìm lỉm, lẫn lộn giữa đám vảy cá lấp lánh của bầy thuỷ quái.

Cô cầm ly rượu đi một vòng đám người ngọ ngoạy như đang lướt giữa những đợt sóng động cỡn ngầu bọt.

Cô chọn một góc tối và hút thuốc lá.

Một người đàn ông ăn mặc lịch sự đến chào và mời cô ra sàn nhảy. Ngọc nói:

— Cám ơn anh, em không biết nhảy.

— Vậy em đến đây chắc có chuyện gì buồn?

— Em tính xin việc làm. Anh thấy em làm cashier được không?

— Nếu em làm cashier thì đêm nào anh cũng đến đây. Nhưng mà họ đã nhận em chưa?

— Chưa. Sáng mai em sẽ đến để phỏng vấn.

Sáng hôm sau, khi cầm lá đơn đến nơi, Ngọc mới biết rằng người ta chỉ tuyển nhân viên nữ từ 25 tuổi trở xuống nhưng Ngọc đã ba mươi, vừa tính rút lui thì trưởng phòng nhân viên bước ra.

— Này tiểu thơ. Chưa dự phỏng vấn đã về sao?

— Tôi không đủ tiêu chuẩn. Già chát rồi.

— Không sao, cứ ngồi xuống đi.

Ngọc ngồi ở ghế sau cùng.

Bốn cô thiếu nữ lần lượt được mời lên, người thì có bằng đại học, người có bằng C Anh văn. Tay trưởng phòng hỏi xã giao vài câu, con mắt cứ lấm lét nhìn Ngọc. Gã chỉ dành cho mỗi thí sinh kia không tới một phút thì đuổi về.

Khi Ngọc bước đến thì gã làm mặt nghiêm.

— Cho tôi xem hồ sơ.

Nhưng con mắt gã chỉ dán vào cái tên Ngọc và tấm hình bốn sáu. Ngọc hỏi:

— Có phải hồ sơ của tôi bất hợp lệ không?

Gã ngước lên nhìn Ngọc, xếp tập hồ sơ lại, đút vô ngăn kéo:

— Đối với Ngọc thì không bao giờ bất hợp lệ. Luôn luôn được chào đón.

Còn giám đốc nhà hàng khi nhìn thấy Ngọc đến trình diện đã thốt lên:

— Tôi sắp phát tài rồi!

Ngọc hỏi:

— Bác thấy cái mặt cháu giống mặt ông thần tài hả bác?

— Mặt của cô sáng rực như miếng vàng bốn số chín.

@

Hôm đó gần như Ngọc không trang điểm. Lúc đi làm cũng vậy, chỉ make up phơn phớt một chút nhưng có vẻ như sức hút cứ tập trung vào quầy tiếp tân. Vé không đủ bán. Đàn ông bu tới quầy tán dóc mệt mỏi, một mình Ngọc tiếp đủ thứ rượu mạnh, càng uống mặt càng đẹp.

Có anh chàng nọ đêm nào cũng tới, không ra sàn nhảy mà cứ ngồi lì một góc quầy với chai X.O. Không tán tỉnh. Không quậy phá. Có lẽ người ta gọi đó là trồng cây si. Suốt một tuần cứ im như thóc. Câm như hến. Cuối cùng Ngọc phải lên tiếng.

— Chào anh. Tôi có quen một ông bác sĩ chữa bệnh câm rất giỏi.

— Tôi không bị câm. Tôi mắc bệnh tương tư.

— Ô, bệnh đó chữa dễ ẹc.

— Chữa cách nào?

— Tự trói hai tay lại bằng một sợi dây thừng dài, đưa đầu dây cho người nữ đó nắm, dắt đi vòng vòng vài lần là hết bệnh.

Tối hôm sau không thấy hắn đến vũ trường. Mười hai giờ đêm Ngọc lấy xe ra về, đến ngã tư thì bị hắn chặn lại, hai tay bị trói chặt, miệng ngậm đầu sợi dây. Ngọc cười ngất.

— Trời ơi! Anh khùng hả?

Hắn làm thinh, đưa sợi dây cho Ngọc.

— Em chạy xe chậm chậm thôi nhé. Tôi sẽ chạy bộ theo.

— Không được đâu. Người ta bu lại xem kìa.

— Kệ họ.

— Nhưng cảnh sát giao thông sẽ đến. Họ sẽ bắt về đồn đấy.

— Nhưng tôi muốn theo Ngọc về nhà.

— Không được. Lũ con tôi chúng không chịu đâu.

Ngọc thả sợi dây xuống đường, phóng xe đi.

Hắn đứng im một lúc rồi cúi xuống, gom sợi dây lại thành một cuộn lớn, ôm trước bụng, bước nặng nề trên hè phố.

@

Đêm tiếp theo hắn lại đến. Lại ôm chai X.O ngồi ở một góc quầy. Hơn mười giờ đêm, trời đổ mưa nhưng vũ trường vẫn đông khách. Nhạc rap dập ầm ầm. Ánh đèn chớp tắt như ma quỷ.

— Ngọc ơi! Hắn gọi. Cho tôi biết nhà Ngọc đi.

— Để làm gì?

— Để lui tới chăm sóc mẹ con em. Em đi làm tới khuya, ở nhà ai lo cho con em?

— Chúng nó quen rồi. Buổi chiều em dẫn hai đứa đi ăn, cho chúng nó lên giường, khoá cửa. Rồi em đi làm.

— Không được đâu. Lỡ có hoả hoạn thì sao?

— Đã có hàng xóm.

— Nhà em có đầy đủ tiện nghi không?

— Nhà em nghèo lắm. Anh mà đến, em thêm mắc cỡ.

— Vậy thì anh cần phải đến.

— Nhưng em không đồng ý.

Hắn lại quay về với chai rượu.

@

Trời mưa càng lúc càng lớn. Khi về tới đầu hẻm thì Ngọc đã ướt sũng mặc dù có mặc áo mưa trùm kín đầu.

Hẻm ngập nước. Xe chết máy. Ngọc dắt xe không nổi, ráng sức mà đẩy nhưng hình như đang sụp phải một cái ổ gà rất sâu. Rấn tới một cái, mất thăng bằng, xe ngã xuống nước.

Từ trong bóng tối có người đàn ông bước ra, kéo chiếc xe dậy.

— Đi trước dẫn đường! Hắn ra lệnh.

Khi vào đến cửa nhà, Ngọc nói:

— Cám ơn. Nhưng anh về đi. Anh không được vô nhà.

Rất may là hắn chịu nghe lời.

Ngọc tựa xe vô vách ván. Mở cửa. Nước ngập lênh láng, cóc nhái lội lõm bõm, giày dép nổi lềnh bềnh khắp nơi.

— Bé Ti, bé Quỳnh đâu?

Lũ trẻ khóc ré lên:

— Mẹ ơi mẹ! Cứu con với.

Đèn sáng lù mù. Ngọc run cầm cập.

— Các con đừng thọc chân xuống nước. Coi chừng điện giựt.

Lũ nhỏ cũng khôn. Chúng cố thủ trên giường và nước thì đang mấp mé.

— Đừng khóc nữa. Nước đang rút.

Ngọc với lấy cái đèn pin trên đầu tủ, bật sáng và cúp cầu dao điện.

Ba mẹ con nằm co ở một góc giường, trùm mền kín mít. Lũ nhỏ hết khóc nhưng Ngọc thì khóc. Những giọt nước mắt lặng lẽ lăn trong bóng tối lạnh cóng. Nhưng lũ trẻ không hề biết mẹ chúng đang khóc. Chúng mơ thấy mình đang thả những chiếc thuyền giấy trên một dòng nước đen ngòm.

@

Hắn làm nghề kinh doanh địa ốc, hai mươi sáu tuổi.

— A! Vậy là cậu nhỏ hơn tôi bốn tuổi đấy nhá. Phải kêu tôi bằng chị.

— OK. Nhưng chị phải đổi chỗ ở khác thôi.

— Cậu làm như tôi giàu lắm. Bị chồng bỏ, chưa đi ăn xin là may.

— Ủa sao hôm trước nói chồng chết.

— OK. Tóm lại là một mình nuôi hai đứa con.

— Thôi, không nói chuyện đó nữa. Bây giờ có một căn nhà nhỏ, người ta cho thuê giá một triệu đồng một tháng, nhưng mình có thể trả tám trăm ngàn cũng được.

— Ở đâu mà rẻ quá vậy?

— Chỗ quen biết. Mình đi coi nhà liền bây giờ nhá?

Cái “căn nhà nhỏ” mà hắn nói làm Ngọc hoảng hồn. Bởi vì thực ra nó là một căn biệt thự xinh xinh có cái sân nhỏ lát gạch Bát Tràng.

Ngọc chựng lại.

— Cậu giỡn mặt chị hả?

— Sao giỡn?

— Nhà này mà cho thuê tháng tám trăm ngàn hả?

— Vậy thôi. Người ta dư nhà, bỏ không cũng uổng.

Hai người bước vào trong. Ba phòng ngủ, một phòng khách, một nhà bếp.

— Chị nói rồi nhé. Chị chỉ có khả năng trả mỗi tháng tám trăm ngàn thôi.

— Không sao. Tôi sẽ thương lượng. Chắc chắn được. Sáng mai dọn nhà. Chị đưa chứng minh nhân dân đây. Làm hợp đồng.

@

Nhà không có nhiều đồ nên dọn một buổi sáng là xong. Ngọc hỏi:

— Hợp đồng đâu?

Hắn mở cặp da lấy bản hợp đồng. Chủ nhà là Trần Thị... giá thuê nhà là tám trăm ngàn một tháng.

Ngọc đưa tiền, nhưng hắn nói:

— Cất đi. Tôi đóng tiền nguyên năm rồi.

Hắn tấn công kiểu đó Ngọc chỉ có nước đầu hàng. Còn lũ con Ngọc thì “chiến thắng”. Chúng reo mừng khi vừa trông thấy căn nhà. Chúng chạy giỡn trong sân rất hào hứng, chúng gọi hắn bằng chú ngọt xớt.

@

Đó là con đường ngắn nhất dẫn đến cái giường.

Tuy nhiên chẳng hề có cuộc cưới hỏi nào cả. Chỉ là gá nghĩa tạm thời. Sang tuần thứ hai hắn hỏi:

— Vũ trường trả lương cho em mỗi tháng bao nhiêu?

— Năm triệu.

— Anh sẽ đưa cho em số tiền đó. Em nghỉ việc đi.

— Tại sao phải nghỉ?

— Ở nhà chăm sóc con cái. Đi làm khuya khoắc rất bất tiện.

— Em đã quen rồi.

— Nhưng anh không thích đêm nào đàn ông cũng bu lại tán tỉnh em.

— Chẳng có vấn đề gì. Vả lại em không thích ngồi không. Rất là chán.

Hắn im lặng. Nhưng vẫn tiếp tục đến vũ trường, ôm chai X.O ngồi một góc quầy.

— Tại sao em để thằng cha đầu hói đó nắm tay vậy?

— Em có dám chửi nó đâu. Chủ đuổi việc sao?

— Tại sao em đá lông nheo với cái tay thổi kèn trompette?

— Nhân viên vũ trường thường chào nhau kiểu đó.

— Tại sao mỗi lần cái thằng đi xe BMW ra về em thường hôn gió nó vậy?

— Thằng BMW nào?

— Còn giả bộ nữa. Có lần nó chở em đi ra ngoài.

— Thôi đi ông. Khách đến đây đủ hạng người. Nhớ mặt còn không nhớ nổi. Sao biết đi xe gì?

@

Ngày nọ giám đốc gọi Ngọc.

— Tại sao đêm nào cũng có một tay ôm chai rượu ngồi ở quầy tiếp tân nhìn chòng chọc vào khách vậy? Nó là gì của em?

— Dạ thưa chú, đó chỉ là khách quen.

— Nó có khùng không?

— Dạ không biết. Nhưng có chuyện gì vậy?

— Cái người đi xe BMW là phó công an quận..., bạn của chú. Ông ta nói bị cái thằng khùng đó chặn xe dọc đường hỏi: Ê, thằng già, mày đã ngủ với con Ngọc chưa? Muốn chết hả?

Ngọc tức điên, sáng hôm sau hỏi hắn, hắn nói:

— Vô tư. Chỉ doạ chơi thôi.

— Doạ hả? Ông biết đó là ai không? Nhốt ông bây giờ! Nếu còn lần nữa người ta sẽ đuổi việc tôi ngay lập tức.

— Đuổi việc hả? Tôi chỉ mong có thế. Tôi không thích cô đi làm.

— Đi làm thì đã sao. Bao nhiêu người họ làm cái nghề giống như tôi.

— Cô biết nghề của cô người ta gọi là gì không?

— Là gì?

— Đưa người cửa trước rước người cửa sau.

Ngọc cười hô hố:

— Sao cậu ngu quá vậy. Bộ lâu nay cậu không biết tôi là gái điếm à? Loại chuyên nghiệp đấy.

Hắn chồm lên người Ngọc, bóp cổ.

— Câm ngay! Mày quên mày là vợ tao sao?

— Đừng có mơ. Cậu tưởng cậu thuê cho tôi cái nhà này là làm chồng tôi được sao? Ngay ngày mai mẹ con tôi sẽ dọn đi tức khắc.

— Đây chẳng phải nhà thuê đâu con ạ. Đây là nhà của tôi. Tôi tính tặng cho cô đấy.

— Cám ơn. Trong xã hội này căn nhà nào cũng có hai vợ chồng đứng tên cả. Tôi không ngu đâu.

Hắn nhảy ra khỏi giường, đến nằm ghế sofa. Ngọc mệt quá ngủ thiếp đi.

Gần sáng nghe có tiếng khóc. Khóc rúc rích như chuột kêu, rỉ rả như mưa dầm, ấm ức như con nít, vừa khóc vừa hỉ mũi sột soạt.

Ngọc cứ lờ đi, để mặc. Hắn ngừng vài giây, đánh hơi rồi khóc ồ ồ.

Ngọc muốn la lên nhưng sợ lũ con thức dậy nên nói nhỏ:

— Im đi. Cho người ta ngủ chớ.

Lập tức hắn nhào xuống đất, quỳ mọp. Chổng mông mà lạy.

— Anh xin lỗi em. Chẳng qua là vì anh quá yêu em, Anh sợ mất em. Anh sợ mất em lắm Ngọc ơi!

Rồi hắn lên giường, ôm Ngọc chặt cứng.

Coi như đêm đó Ngọc thức trắng.

@

Và hắn vẫn tiếp tục những trò ghen tuông cũ. Trưởng ban bảo vệ vũ trường mời Ngọc vô văn phòng:

— Có phải hắn là chồng của cô không?

— Dạ không. Nhưng hắn si tình. Hắn theo em cả năm nay, làm phiền em quá chừng.

— Vậy em có muốn anh trị nó không?

— Đừng đánh. Miễn làm sao cho anh ta đừng tới đây nữa là được.

Một giờ sáng, khi vừa thấy Ngọc dắt xe ra cổng hắn đã bám theo, nhưng chỉ đi được một đoạn thì hai bảo vệ đã chặn ngang đầu xe hắn:

— Xuống xe. Tao cần nói chuyện với mày.

— A! — Hắn vênh mặt — Tụi bay là người của con Ngọc chớ gì?

— Sao mày ngu vậy? Mày nhìn kỹ mặt tụi tao đi. Mày vô vũ trường cả tỉ lần mà không biết tụi tao là ai hả?

— A, tụi mày là bảo vệ.

— Đúng. Chuyện này không dính dáng gì tới cô Ngọc cả. Đây là chuyện giữa bảo vệ vũ trường và mày. Vì mày vô vũ trường quậy phá, xúc phạm đến khách của chúng tao nên phải trị mày. Hôm nay chỉ cảnh cáo thôi. Nếu mày còn tiếp tục quậy thì mày không còn đường sống đâu con ạ.

Một bảo vệ to như con tê giác xách hắn ném xuống đất. Người thứ hai lấy từ trong túi áo ra một chiếc kềm bấm, cắt lìa ống dẫn xăng chiếc mô-tô của hắn. Xăng trong bình chảy ra có vòi, tràn lan trên mặt đất.

— Xong rồi! Bây giờ mày có thể dẫn bộ chiếc xe về nhà được rồi đó.

@

Hắn không dám đến vũ trường nữa nhưng hắn gọi điện thoại. Khi Ngọc nhấc máy lên thì nghe giọng hắn.

— Chuyện gì vậy?

— Hiện giờ trước mặt em có những thằng nào?

-Thì khách thường lệ chớ còn ai nữa.

— Tôi nhắc cô nhớ: hoa đã có chủ rồi nha. Đừng có mà liếc mắt đưa tình, nắm tay nắm chân, thiên hạ sẽ đánh giá đấy.

— Yên tâm. Tôi đã có hai mặt con rồi mà.

Hắn cúp máy. Tưởng im, té ra ba mươi phút sau lại gọi.

— Trời ơi! — Ngọc kêu lên — Đây là điện thoại của vũ trường mà. Có gì gọi di động đi.

Rồi Ngọc cúp máy. Nhưng lập tức chuông điện thoại quầy tiếp tân lại reo.

— Không gọi di động được. Cô có mở máy đâu.

— Nội quy vũ trường cấm nhân viên mở máy di động trong giờ làm việc. Có gì về nhà nói.

Vậy là hắn hét lên trong ống nghe:

— Có phải thằng trưởng bảo vệ nó đang ôm eo cô không?

— Không. Tụi này đang làm tình.

Nói xong Ngọc cúp máy. Lại reo. Cúp. Reo. Cúp. Reo. Rốt cuộc Ngọc phải lấy ống nghe để ra ngoài.

@

Những chuyện nhảm nhí ấy kéo dài thêm hai tuần nữa thì Ngọc bị đuổi việc.

Dĩ nhiên hắn có gia đình của hắn và chỉ đến với Ngọc khi đã thu xếp xong mọi việc nhà, việc làm ăn của hắn. Ngọc không biết chính xác hắn đến lúc nào nhưng chị cũng chuẩn bị chờ hắn.

Hành lý không có gì nhiều, một cái va-li, vài cái túi xách và cặp sách của trẻ con.

— Mình dọn nhà đi đâu vậy mẹ?

— Về nhà cũ.

— Sao không ở đây nữa?

— Hết tiền thuê nhà rồi.

Lúc ấy hắn đến.

— Tôi chờ cậu đến để từ biệt.

Hắn ngồi ngay bậc thềm, châm thuốc lá, không nhìn mẹ con Ngọc cũng không nhìn vào nhà. Hắn ngó mông lung lên trời. Lúc hắn quay lại thì mặt đã đầm đìa nước mắt.

— Anh lạy em. Anh sẽ không bao giờ quấy rầy em nữa. Em muốn gì anh sẽ chiều nhưng xin đừng bao giờ bỏ anh.

— Hãy về với vợ con cậu đi. Tại sao tôi lại phải xen vào gia đình của cậu? Tại sao cậu quản thúc tôi như một tù nhân. Tại sao cậu làm khổ cả hai người đàn bà? Rốt cuộc sẽ là gì?

— Anh sẽ ly hôn và lấy em.

— Tôi không thích phá gia đình của người khác. Và thực ra thì tôi rất chán anh. Tôi không thể sống đời với một người như anh được. Thôi, không nói nhiều. Ta đi. Taxi tới rồi kìa.

Ngọc kéo chiếc va-li lớn và xách cái túi. Trẻ con ôm cặp của chúng. Bất ngờ hắn hét lên:

— Đứng im!

Và chạy thẳng ra cổng, khoá lại. Nhưng Ngọc và hai đứa trẻ cũng đã ra tới cổng. Ngọc sấn tới trước mặt hắn:

— Mở ra!

— Có giỏi thì đi đi! Tôi báo cho cô biết, đã dính với thằng này thì không bao giờ thoát ra được đâu.

Ngọc im lặng, chậm rãi quay vào bếp. Và quay trở ra với con dao chặt xương cóc-lết. Mặt chị tái xanh. Mất hết máu. Mặt lạnh như xác chết.

— Mở cổng!

Hắn cất chìa khoá vào túi áo. Ngọc dứ dứ con dao trước mặt hắn:

— Tôi bảo anh mở cổng, không tôi chém.

— Chém đi!

Lưỡi dao bay tới rất nhanh, rất dứt khoát, khiến hắn không kịp né tránh, chỉ còn cách chụp lấy như một phản xạ.

Ngọc thu dao về định chém nhát thứ hai thì thấy máu túa ra từ lòng bàn tay hắn, chảy thành dòng xuống cổ tay, tưới xuống mặt sân.

Ngọc nói bằng đôi môi trắng bệt:

— Ném chìa khoá đây!

Hắn đưa chìa khoá cổng cho Ngọc. Chị mở cổng, đưa hành lý ra và ném chìa khoá xuống sân. Chiếc taxi cũng vừa trờ tới.

Cuộc chia tay kết thúc, có đổ máu nhưng không có án mạng.

@

Bù Khú Tiên Sinh ngồi nghe chuyện một cách bình thản. Ông nói:

— Thật ly kỳ.

— Đó mới chỉ là một trích đoạn.

Chiều đó Ngọc đóng cửa quán đi dự sinh nhật của một người bạn. Mười giờ đêm Ngọc mới về tới bến sông, ngang qua một quán cóc thấy người bu đông thì ghé vào. Bù Khú đang ngồi gục mặt trên bàn, nồng nặc mùi rượu, trên trán có miếng băng cá nhân rỉ máu. Chủ quán là một người đàn bà trạc năm mươi, mông và vú rất bự, hai người có biết nhau. Ngọc hỏi:

— Chuyện gì vậy cô?

— Cha già mất nết. Nhậu mà thiếu tiền, lại còn quấy rối tình dục.

— Quấy ai vậy?

— Cô chứ ai.

Ngọc cả cười, vừa vuốt tóc Bù Khú vừa nói:

— Tiên sinh vất vả rồi!

Trong đám đông có tiếng xầm xì:

— Nhỏ nào vậy?

— Chắc con của lão.

— Không phải đâu. Bồ nhí đó.

— Trời ơi! Đó là cô Ngọc, chủ quán cà-phê Cây Bàng ở ngã ba sông kìa.

Ngọc dìu Bú Khú ra cổng. Đám đông cũng tản đi. Hai người đi xiêu đổ trên lối mòn dọc theo bờ sông đầy gió lạnh buốt. Bù Khú tỉnh lại. Ngọc hỏi:

— Bóp vú chủ quán bị đánh lỗ đầu hả?

— Chỉ sờ mông thôi.

— Bố khùng quá. Có thèm thì về đây em cho sờ. Sờ làm gì mẹ già đó cho nó đánh.

— Anh yêu em nên không dám vô lễ.

— Xạo.

Nước triều bắt đầu lên, bước chân của nó ì-oạp trên bờ cỏ, chạm vào mấy gốc dừa nước.

— Có trăng phải không?

— Ừ. Trăng non.

— Anh thấy lối đi trắng mờ như trong chiêm bao vậy.

— Nghe tiếng gió không?

— Gió buồn quá em ạ. Anh nhớ câu hát của Phạm Duy: “có tiếng o nghèo thở dài, vỗ về trẻ thơ bùi ngùi”.

— Em lại nghe như có tiếng những linh hồn đang vất vưởng trong lá dừa. Và sóng đang chuyển động cùng với gió. Lúc mọi người ngủ thì thiên nhiên thức và trò chuyện với nhau và với những linh hồn lạc loài.

Hai người về tới quán. Bù Khú nói:

— Sao không cho anh về cái am của anh?

— Anh xỉn quá không về được đâu. Té xuống sông là chết liền.

Ngọc dìu lão đến cái võng gai mắc ở chái nhà, đỡ lão nằm xuống và đi lấy cho lão cái mền. Bù Khú chìm trong cơn say.

Ngọc vào phòng, coi đồng hồ đã mười hai giờ đêm.

@

Rồi Ngọc chợt thức lúc gần bốn giờ sáng. Ngoài hiên có tiếng trở mình, Ngọc nhìn ra thấy có đóm thuốc lá, liền ngồi dậy.

Thấy Ngọc ra nhưng Bù Khú vẫn không nhúc nhích. Tiên sinh đang chìm đắm vào một cơn hoang tưởng nào đó không chừng. Ngọc bắc ghế ngồi cạnh võng, với lấy bao thuốc trên bụng Bù Khú, châm một điếu.

— Anh đang nghĩ gì vậy?

— Anh rất thích sự im lặng của đêm. Anh đang tan chảy.

— Anh có thấy em cũng rất buồn không?

— Anh thấy từ khi mới gặp em. Em cũng như anh. Chúng ta có vẻ như từ một cõi nào đó lạc về đây. Chỉ có những lúc thật yên tĩnh như thế này chúng ta mới thấy mình sống. Tụi mình không thuộc về cái xã hội đông đúc chung quanh, chỉ khi nó đi ngủ, chỉ khi loài người về nhà của chúng, đóng cửa lại, bỏ trống thành phố. Chỉ khi thành phố rỗng, tắt lịm... thì thiên nhiên mới thuộc về mình, mới thức dậy giao tiếp với mình.

— Anh dậy từ lúc nào?

— Cũng đã lâu. Gió đánh thức anh dậy. Anh thấy hạnh phúc như đang nằm trong cái tổ của mình. Khi tất cả im lặng mình có thể nghe được những tiếng nói bí ẩn đâu đó.

— Tuổi trẻ anh sống thế nào?

— Anh rất sợ chết. Càng sợ càng muốn tìm hiểu nó.

— Anh đã tìm được gì?

— Anh thường đi một mình trong phố vào những buổi trưa im lặng. Ngày nọ anh bước vào một ngôi biệt thự cũ tưởng như bỏ hoang nhưng thực ra là có người. Anh nghe có tiếng đục đẽo gì ở sân trong. Anh đi chậm lại, ngang qua mấy gốc cây vú sữa. Hai người thợ mộc đang đóng cái quan tài. Anh liếc nhìn vào nhà, chỗ cửa lớn, thấy ông cụ đang ngồi ở đấy, bất động. Ông giương đôi mắt mờ đục nhìn hai người thợ đang đóng quan tài cho mình.

Ông đang nhớ lại quá khứ của mình hay đang ngồi chờ đợi cái chết? Hay ông chỉ ngồi đó, vô tri như một cái xác không hồn?

Buổi trưa khi hai người thợ đã nghỉ tay đi ăn cơm, ông cụ vẫn còn ngồi im nơi đó nhìn chiếc quan tài dở dang nằm ngoài sân, hai mắt cứ mở thao láo. Một con ruồi bay đến đậu lên lông mày ông rồi bò dọc theo sống mũi. Nó bò chậm chạp, bình thản như bò trên một tảng đá, nó dừng lại một chút nơi cánh mũi phập phồng rồi bò xuống cái má nhăn nheo đã trổ đồi mồi của ông cụ. Nó đậu ở đó rất lâu, chải chuốt lại bộ cánh rồi mới thong thả bò tới cái miệng của ông cụ. Nó thò cái vòi của nó vào khe mép, nơi đó có một tí nước bọt dẻo quánh vẫn thường ứa ra, và con ruồi hút lấy thứ nước ấy. Ông cụ dường như không hay biết gì về sự có mặt của con ruồi trên mặt ông, ông cứ ngó đăm đăm vào chiếc quan tài.

— Sao lúc ấy anh còn trẻ mà anh lại quan tâm đến những chuyện ảm đạm như vậy?

— Anh muốn tìm hiểu xem ý nghĩa của cuộc sống là gì.

— Rốt cuộc thì nó là gì?

— Càng ngày anh càng thấy nó chẳng là gì cả. Cuộc sống là một cái gì rất nhảm nhí, nhưng hồi trẻ anh muốn tìm ý nghĩa trong sự nhảm nhí ấy. Anh tham gia vào những cuộc biểu tình chống chiến tranh. Cuối cùng anh lọt vào mắt xanh của Việt cộng và họ đã chọn anh. Anh hoạt động công khai ở Sài Gòn một thời gian thì bị bắt vô tù.

Ngọc vuốt mớ tóc lốm đốm bạc của Bù Khú Tiên Sinh, hôn rất nhẹ lên trán ông. Tiên sinh cũng ôm lấy người đàn bà trẻ ấm áp ấy. Họ im lặng một lúc.

Ngọc nói:

— Mặt trời sắp lên rồi.

— Anh không thích mặt trời. Mặt trời luôn đứng về phía đám đông. Anh thì thích cô độc. Khi mặt trời lên, cả loài người nhốn nháo, hối hả. Mặt trời kích hoạt những tội ác, những tham vọng, những ái dục. Cho nên anh thích đêm và sự yên tĩnh.

— Để hồi tưởng?

— Đôi khi là hồi tưởng, nhưng thường là rỗng không. Anh muốn đầu mình là một cái thùng rỗng.

— Nhưng anh còn nợ em một trích đoạn.

— Em thích trích đoạn nào?

— Có thể là đoạn anh ở trong tù.

 

[còn tiếp 17 chương]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021