thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 3]

 

Đã đăng: [chương 1 & 2]

 

3.

 

Trong phòng bày biện các dụng cụ tra tấn từ thời thực dân Pháp để lại: xiềng sắt dùng xích tay tù nhân; roi da bò; dùi cui cao su dùng để đánh vào người, vào mặt, vào đầu tù nhân; roi vặn thừng có gắn đinh ở phía cuối, mỗi lần đánh vào người tù nhân, khi nhấc roi lên, da thịt người tù dính theo từng mảng, máu chảy ướt sàn nhà; một máy tra điện quay tay; một thùng đựng nước xà phòng để đổ vào miệng vào mũi tù nhân cho ngộp thở. Trong phòng có ba người: tư Cum, ngoài bốn mươi, tóc húi cua, mặt đen, tướng ngũ đoản, tay cầm một ngọn roi vặn thừng có gắn đinh, một viên cảnh sát áo trắng ốm nhách, đeo súng ru-lô và Bù Khú.

Thời gian: một giờ sáng.

Tư Cum cầm ngọn roi vặn thừng lên, đến trước mặt Bù Khú.

— Suy nghĩ kỹ chưa? Có chịu dẫn tụi tao tới đó không?

Bù Khú im lặng. Tư Cum xoay nửa vòng, vung roi quất vào cái bao cát bằng vải bố treo phía bên trái. Những cái đinh ở đầu roi cắm ngập vô bao cát. Và khi hắn thu roi về thì cát chảy thành từng dòng xuống sàn.

— Máu của mày cũng sẽ chảy như vậy đó. Thế nào? Có chịu dẫn không?

Hắn lại vung roi lên. Bù Khú đưa tay ngăn lại.

— Tôi sẽ dẫn các ông đi.

Thế là đi. Nhưng Tư Cum chỉ đem theo có sáu cảnh sát dã chiến, trong đó có một sĩ quan truyền tin. Trực thăng bỏ bọn họ xuống cách bờ sông chừng năm cây số. Bù Khú bị kèm giữa hai cảnh sát dã chiến đi trước dẫn đường. Tư Cum đi giữa và ba cảnh sát khác đoạn hậu. Tất cả bọn họ đều mặc thường phục, giả làm dân chài, lựu đạn và súng ngắn giấu trong người, máy truyền tin PRC 25 giấu trong một cái giỏ lát.

Một chiếc ghe máy đợi sẵn ở bến sông.

Khi đã yên vị trên thuyền, Tư Cum trợn mắt nhìn Bù Khú, nói:

— Mày mà lừa là tụi tao bắn liền.

Bù Khú nói:

— Đừng lo. Bây giờ đi ngược dòng. Qua mấy cái bè cá sẽ gặp một đám rừng thấp rồi tôi chỉ tiếp.

Chiếc ghe máy đi về hướng đó. Mấy chiếc ghe chở trái cây từ Long Khánh xuống đi ngược chiều, tạo những vòng sóng nối tiếp không dứt.

Ở tận trên cao, có một chiếc L19 bay yên lặng, bình thản như một con quạ đen nhàn nhã thả nổi trên những lớp gió.

Mười lăm phút sau bọn họ gặp một đám bè cá nhỏ nối kết nhau trên mặt sông rộng. Những ngư dân đã thức dậy bên bếp lửa, hút thuốc rê và uống trà. Họ có vẻ hơi ngạc nhiên về sự xuất hiện của một chiếc ghe lạ đi quá sâu vào trong hẻm núi. Tầm mắt của họ nhoà dần trong chút sương còn lãng đãng và chiếc ghe máy của Bù Khú thì mất hút trong sóng nước.

Lát sau đám rừng thấp hiện ra trùng điệp, xanh ngắt, la đà trên mặt nước trong vắt. Phía sau mảng rừng thấp ấy là những ngọn núi nhiều tầng nhạt màu hơn trong ánh nắng ửng vàng.

— Sắp đến chưa?

— Sắp rồi. Tắt máy đi. Phía trước có một nhánh sông nhỏ. Dùng mái chèo luồn thuyền dưới những tán lá. Giữ im lặng.

Viên sĩ quan truyền tin mở máy kêu xè xè. Chiếc ghe vừa rẽ qua nhánh sông thì Bù Khú chỉ tay về phía trước:

— Có thấy cái mô đá màu đen không?

Mọi con mắt đều chĩa vào đó. Nín thở. Chiếc ghe lướt êm dưới những tán lá thấp. Lát sau nó đến một khúc quanh hẹp. Bù Khú ra hiệu cho nó rẽ vào đó. Và khi nó vừa bẻ lái thì Bù Khú phóng người xuống nước, lặn sang nhánh sông lúc nãy trong khi chiếc ghe của Tư Cum bị mắc kẹt giữa khúc quanh nhỏ xíu dày đặc những gốc đước chằng chịt, không quay đầu lại được.

Tiểu liên bắn xối xả xuống nước. Lá rụng tơi tả. Cành đước gãy xơ xác. Cò trắng hoảng hốt bay lên, kêu “tác, tác...”

Chiếc ghe đâm sầm vào những chùm rễ cây, kẹt cứng và mất phương hướng. Các xạ thủ không còn biết phải bắn về hướng nào nữa.

Lựu đạn được ném xuống lõm bõm giữa những lùm cây, nổ ầm ầm, tung những cột nước lên cao. Nhưng Bù Khú đã xuôi theo con nước ra tới sông cái rồi.

Thực ra đây chỉ là một vùng sông núi xa lạ đối với Bù Khú. Chính anh cũng không biết căn cứ cách mạng đóng ở chỗ nào. Anh dẫn bọn Tư Cum về đây dựa theo trí nhớ về một câu chuyện kể trong tù, qua đó anh hiểu được địa hình vùng núi Thị Vãi, các nhánh sông và đặc điểm sinh thái. Anh hy vọng nhờ các chi tiết trong câu chuyện kể nọ anh có thể tìm đường về với các đồng chí mình.

@

Xế chiều, Bù Khú mới leo lên được tới lưng chừng núi, đói khát và mệt rã rời. Đôi dép đã đứt quai nhưng anh không vứt đi mà dắt nơi lưng quần, cho tới khi tìm được một bụi chuối rừng anh mới dùng bẹ chuối buộc chặt chúng vào hai bàn chân và tiếp tục đi về hướng Đông.

Bù Khú lạc vào một cái rẫy trồng đậu phộng, mía và bắp. Anh đến được chỗ cái chòi nhưng không leo lên được bên trên, đành ngồi nghỉ dưới vùng đất đầy những vụn đá ong. Cơn buồn ngủ kéo anh xuống đất.

Lúc tỉnh dậy, anh thấy một lão già vác rựa và mang một cái giỏ tre đang nhìn anh. Bù Khú lồm cồm bò dậy.

— Cậu ở đâu đến đây?

— Cháu bị lạc.

— Đi đâu mà bị lạc?

— Đi làm rẫy.

Lão già nhìn chăm chú vào hai bàn chân quấn bẹ chuối của người lạ rồi lấy trong giỏ tre ra một củ khoai luộc đưa cho Bù Khú.

— Tôi biết cậu là ai rồi.

— Cám ơn bác. Cháu xin ở nhờ một đêm. Sáng mai sẽ đi.

— Được. Nhưng bây giờ tôi phải về nhà. Cậu có cần tôi đỡ lên nhà sàn không?

— Chắc cháu tự lên được.

Ông già nói:

— Trên đó có nước uống và một ít khoai, cậu có thể đem theo ăn. Nhưng ngày mai phải đi sớm nha. Đừng để những người đi làm rẫy nhìn thấy cậu.

— Cháu hiểu.

Ông già quay đi, được mấy bước thì dừng lại, hỏi:

— Nhà tù nào?

— Tân Hiệp.

— Cậu có hút thuốc lá không?

— Dạ không.

Ông già đi khuất vào đám mì.

Nhờ ngủ được một giấc ngắn và ăn được một củ khoai, Bù Khú đã có thể leo lên được trên chòi. Mọi thứ đều khá gọn gàng. Anh nấu nước trà uống và vùi thêm mấy củ khoai vào tro nóng.

Sáng sớm, Bù Khú lại đi về hướng cũ. Ban đầu anh cứ tưởng leo lên tới đỉnh, qua bên kia núi là gặp căn cứ cách mạng nhưng khi đã đến đỉnh rồi, nhìn xuống thung lũng mới thấy trùng trùng điệp điệp không biết đi về hướng nào. Anh ngồi nghỉ dưới tàn cây, tìm kiếm một chút dấu vết và anh phát hiện một lối mòn nhỏ chạy qua một nương rẫy.

Bú Khú leo xuống đó nhưng rẫy đã bị bỏ hoang từ lâu, mặt đất cháy sém, những đám bắp khô tàn lụi, những đám mía xơ xác, còn trơ lại những chồi lá non lưa thưa trên cái nền đen của tro than.

Cạnh bếp lửa trong túp lều xiêu đổ, Bù Khú tìm thấy một con dao trành gỉ sét và một cái ca múc nước. Anh lấy dây buộc chúng, đeo bên thắt lưng.

Những củ khoai luộc đã hết nhưng trong căn lều rách nát không còn gì có thể ăn được. Bù Khú quyết định đi xuống rẫy, ở đó anh hái được một ít đọt rau lang còn sót lại và một mớ lá giang quấn trên những lùm cây thấp. Phía sau túp lều anh gặp một khoảnh đất ẩm ướt, lần theo nó, anh phát hiện một cái khe nhỏ có nước nhỏ giọt, vàng khè. Anh hứng thứ nước đó bằng cái ca nhôm móp méo và nếm thử. Dường như có thể uống được nhưng anh chỉ nhấp một chút cho đỡ khô cổ.

Anh tìm kiếm quanh chỗ đất ẩm và bắt được mấy con ốc sên, đem chúng vô lều và nướng trên củi. Mấy con ốc sên và đọt rau lang làm anh hồi sinh, anh dọn cho mình một khoảng trống quanh bếp tro và nằm xuống.

Anh ngủ mê mệt cho đến nửa đêm thì thức dậy có lẽ vì lửa đã tắt. Chung quanh tối đen và im lặng dễ sợ. Không một tiếng gió, không một tiếng côn trùng. Anh cảm thấy như mình đang nằm trong một nhà mồ hoàn toàn tách biệt. Anh cố nhìn ra ngoài đêm tìm một chút ánh sáng của bầu trời nhưng toàn đen kịt.

Bù Khú cố ngồi dậy nhóm lại ngọn lửa thì nghe có tiếng động. Dường như đó là tiếng bước chân nhưng rất nặng nề. Có lẽ là một con vật hai chân nhưng khập khiễng. Tiếng bước chân không đều nhưng vang dội. Có thể đó là một con đười ươi rất lớn, nó đang bị thương hay nó đã què.

Tiếng bước chân đang hướng về phía căn lều, dừng lại một chút, nghe ngóng. Rồi tiếp tục bước tới. Nếu nó bước vô, hai tròng mắt sáng rực và nhe hàm răng nhọn hoắc ra thì ta sẽ đối phó như thế nào?

Bù Khú thu mình trong góc lều, nấp sau cây cột lớn. Tiếng chân lại nhích tới mấy bước. Hình như nó đã đứng ngay cửa lều. Bù Khú run rẩy. Anh chụp một thanh củi lớn ném mạnh về phía đó và hét lên thật to:

— A! a.a...

Một phút im lặng. Rồi tiếng chân lại vang lên nhưng cứ xa dần. Anh thở ra, áp bàn tay lạnh ngắt của mình vào chỗ trái tim đang hổn hển.

Anh thắp lên được ngọn lửa và thức cho đến sáng.

Khi mặt trời vừa lên, anh vội đi bắt thêm một mớ ốc sên và chuẩn bị hành trang lên đường.

Chiều hôm qua khi ngồi trên đỉnh núi anh đã nhìn thấy một con đường đất nhỏ nhưng khi anh xuống tìm nó thì nó biến mất và cây rừng rậm rạp đã làm anh mất phương hướng. Chính vì thế mà anh quyết định leo lên tảng đá cao để tìm lại con đường ấy.

Nó vẫn ở đó, Anh chọn một chỗ trống trải nhất để leo xuống nhưng chân đạp phải khe đá nứt làm nó vỡ ra. Anh trượt chân lăn xuống triền dốc, ngực và mặt bị chà xát trên đá dăm nhọn hoắc. Máu chảy đầm đìa trên mặt, trên ngực áo. Cuối cùng anh níu được một cành cây nhỏ rồi tìm cách leo lên hốc đá. Nhờ chút sương còn đọng trong những vết lõm trên mặt đá anh thấm nước lau những vệt máu quanh mắt đang che khuất tầm nhìn. Trong thao tác ấy anh nhận ra cánh tay trái của mình bị bong gân đau nhói và anh phải bấu mấy ngón tay lên cổ áo để treo cánh tay lên cho đỡ đau. Anh ngồi nghỉ một lúc.

Đến giữa trưa anh lấy ba con ốc ra ăn với rau rừng rồi tiếp tục đi, được một lúc thì lạc vào một lùm cây rậm rạp đầy dây leo và bụi gai chằng chịt. Chưa bao giờ anh bị rơi vào trạng thái hoảng hốt như thế, cứ đi vòng vòng một lúc lại trở về chỗ cũ. Quần áo rách tơi tả và toàn thân bị gai nhọn cào xé rớm máu. Anh nằm lả người trên một tảng đá.

Chợt nghe có tiếng xe chạy, anh vội vàng bương về hướng tiếng động. Quả nhiên anh thoát ra được cái bát quái trận đồ kỳ lạ ấy. Anh đã nhìn thấy được con đường đất nhưng chiếc xe lúc nãy đã mất hút rồi.

Anh không biết đó là xe gì: xe đò, máy kéo, máy cày, xe của lính Sài Gòn hay xe bộ đội? Anh phục sau một tảng đá và chờ.

Đến tối mịt vẫn không thấy có chiếc xe nào nữa, và cũng không một bóng người qua lại. Bù Khú lại phải nhóm một ngọn lửa nhỏ và ngủ qua đêm trên hòn đá ấy.

Khi mặt trời vừa lên đã thấy chiếc xe đầu tiên xuất hiện. Đó là chiếc máy kéo của dân làm rẫy. Những người khác đi bộ, đi xe máy, xe đạp, vai vác rựa, cuốc, mang giỏ, đòn gánh. Bù Khú chờ thêm một lát xem có xe tuần tra hay xe chở lính Sài gòn qua lại không nhưng chỉ có thêm mấy chiếc xe rơ-mooc và máy cày. Bù Khú tháo các mảnh bẹ chuối quấn chân, tìm cách cột lại chiếc dép đứt. Anh băng qua mấy lùm cây thấp để ra đường cái, cố hoà nhập vào đám người làm rẫy. Anh hỏi một cô gái nhỏ:

— Từ đây vô rẫy còn xa không em?

— Rẫy ở hai bên đường. Anh vô đây làm gì?

— Đi kiếm thằng em.

— Em của anh làm gì?

— Trồng đậu phộng. Ở sâu trong hẻm núi.

— Trong đó làm gì có rẫy. Trong đó là căn cứ của mấy ổng. Sao chân đi cà nhắc vậy?

— Đứt dép.

Cô gái ngó vô cái mặt đầy vết máu của Bù Khú, hai ánh mắt chạm nhau trong năm giây.

— Anh bị té hả?

— Bị ngã từ trên núi.

— Ai biểu leo núi mà mang dép lê? Người ta ai cũng mang giày vải hoặc dép râu.

— Em có đôi dép râu nào thừa không?

Cô gái chỉ tay vô cái chòi ở bên đường.

— Vô đó chắc có.

Bù Khú cám ơn và rẽ vô cái chòi nhỏ. Trong chòi có kê một cái giường tre thấp nhưng trống trơn. Bù Khú quan sát một lúc, thấy cạnh giường có đào một cái hố nhỏ rộng chừng năm tấc, chiều dài thì bằng chiều dài của chiếc giường tre, phủ đầy lá chuối khô.

Anh ngồi xuống giường. Lát sau người chủ cái chòi trở về. Đó là một thanh niên trạc tuổi Bù Khú, mặc đồ kaki xanh, đội nón cối. Chủ nhà hỏi bằng giọng Hà Tĩnh:

— Anh làm gì ở đây?

— Xin lỗi, tôi muốn hỏi thăm một việc. Có phải anh là... bộ đội không?

— Nhưng anh muốn gì?

—Dép tôi bị đứt quai. Anh có thể giúp tôi...

— Nhưng anh là ai? Tôi thấy anh không phải dân làm rẫy. Anh vô đây để đi trốn phải không?

— Tôi là tù vượt ngục. Anh có thể giúp tôi liên lạc với các cơ quan cấp uỷ địa phương này không?

Người bộ đội ra hiệu mời ngồi và lấy nước trà ra mời khách.

— Anh ở nhà tù nào?

— Tân Hiệp

— Đơn vị nào?

— Thành Đoàn đặc khu Sài Gòn Gia Định.

— Thôi được rồi, anh cứ ở đây đi, Tôi sẽ giúp anh.

Người bộ đội lấy từ trong thùng đạn ra một đôi dép râu, đưa cho Bù Khú rồi cúi xuống cái hố cạnh giường moi từ trong đám lá chuối khô ra một nải chuối chín.

Bù Khú ăn cơm trưa ở đó và nằm nghỉ được một lát thì có một người làm rẫy đến dẫn anh đi đến một khu lán trại thô sơ sâu trong rừng rậm.

Tiếp nhận Bù Khú là một cô du kích trẻ đang ngồi bên chiếc bàn tre, viết cái gì đó trong một cuốn sổ.

— Chào đồng chí.

— Chào em.

Cô gái ngước lên, nhận ra cái tay đau và những vết bầm trên mặt Bù Khú.

— Đồng chí bị sao vậy?

— Tôi bị rơi từ trên sườn núi xuống.

— Đồng chí ở đơn vị nào đến đây?

— Tôi vượt ngục.

Cô gái lè lưỡi, đặt cây bút xuống bàn, đứng lên, đến gần Bù Khú.

— Thôi chết rồi. Để em băng bó cho anh. Trước đây anh ở đơn vị nào?

— Thành Đoàn khu Sài Gòn Gia Định. Em có biết thành đoàn đóng ở đâu không?

— Cũng gần đây. Đi chừng nửa ngày.

Cô gái rửa các vết trầy trên mặt Bù Khú, rắc một ít bột sulfamide rồi treo cánh tay Bù Khú lên cổ bằng một cuộn vải gạc.

— Anh ăn cơm chưa?

— Ăn rồi. Ở ngoài kia có một cái trạm của bộ đội.

Cô gái đem cho Bù Khú một ly nước rồi đỡ anh nằm xuống giường.

— Ngủ đi. Chiều này chú Năm sẽ gặp anh.

Bù Khú cảm thấy hơi ấm thật dịu dàng khi bàn tay cô gái đặt lên trán. Anh nhắm mắt lại.

@

Chú Năm là một người đàn ông trung niên, tóc muối tiêu. Ông bắt tay Bù Khú và rót hai tách nước trà.

— Tôi sẽ chuyển cậu về thành đoàn nhưng có lẽ mình phải làm một số thủ tục cần thiết.

Rồi ông đưa cho Bù Khú một tờ giấy rứt ra từ một cuốn tập học trò.

— Cậu viết cho tôi mấy dòng lý lịch ngắn gọn.

Bù Khú viết xong, đưa cho người đàn ông. Ông ta đọc lướt qua rồi hỏi:

— Cậu bị địch bắt năm nào?

— Dạ, năm 1969.

— Vì sao bị bắt?

— Tôi định ám sát tổng thống Thiệu.

Người đàn ông đặt tách trà xuống, trố mắt nhìn Bù Khú.

— Có chuyện đó à?

— Đúng vậy. Tôi và ba đồng chí nữa. Đó là đêm giao thừa năm Kỷ Dậu 1969.

— Sao tôi không nghe ai nói. Cũng không thấy báo chí loan tin ấy?

— Vì nó bất thành. Chúng tôi bị bắt ngay từ phút đầu tiên. Và địch muốn ém nhẹm tin này.

Chú Năm gật gật, gõ cây bút bi vào thành bàn:

— Thôi được. Tôi chỉ ghi nhận. Chuyện này để thành đoàn làm rõ sau. Thế cậu vượt ngục bằng cách nào?

— Tôi lừa bọn địch đưa tôi đến sông Thị Vãi rồi nhảy xuống sông trốn thoát.

— Lừa bằng cách nào?

—Tôi giả cách dẫn chúng nó đến căn cứ của Thành Đoàn nhưng khi đến sông Thị Vãi thì tôi nhảy xuống sông.

— A! a... Có phải cách đây bốn năm ngày gì đó không?

— Dạ phải.

— Thì ra vì chuyện này mà địch bắn phá vùng núi phía Tây-Nam. Có đúng vậy không?

— Đúng vậy.

Người đàn ông cắn môi:

— Chuyện này khá nghiêm trọng. Tôi không tin là địch có thể dễ dàng bị lừa như thế.

Bù Khú hơi ngạc nhiên về câu nói đó, nhìn thẳng vào mắt người đàn ông.

— Vậy chú tin như thế nào?

— Tình huống khá phức tạp. Cần có sự phối hợp với bên tình báo quân đội.

Bù Khú ngửa mặt cười:

— A! Té ra đồng chí nghi ngờ tôi chứ gì? Từ ngày bị bắt đến nay tôi đã chịu tra tấn dã man, chết đi sống lại mấy lần, rốt cuộc liều mạng tìm đường về với Đảng, trong đầu tôi vẫn nghĩ rằng tôi sẽ được đón nhận trong vòng tay ấm áp của tình đồng chí chứ không phải để bị hỏi cung đâu. Tôi đã bị địch hỏi cung hàng trăm lần rồi.

— Cậu đừng nóng. Tôi chỉ làm đúng thủ tục.

— Nhưng tôi không phải là địch. Tôi là một đảng viên.

— Thôi, hãy gác chuyện “đảng điếc” sang một bên đi. Chuyện đó sẽ do dân chính đảng xử lý kiểm điểm. Không thuộc thẩm quyền của tôi.

Cổ họng khô rốc, Bù Khú bưng tách nước trà lên uống nhưng nó đã cạn queo, chỉ còn một cái xác trà dính trên môi.

— Thôi được — người đàn ông nói — cậu cứ yên tâm. Tôi sẽ thu xếp chỗ ăn chỗ ở cho cậu. Cứ ở đây một thời gian rồi Thành Đoàn sẽ đến nhận.

Nhưng ba ngày sau, vào lúc nửa đêm, khi Bù Khú đang ngủ thì có hai anh bộ đội đến, người nào cũng mang AK 47. Họ đánh thức anh dậy.

— Mời anh đi với chúng tôi.

— Đi đâu? Bây giờ là nửa đêm mà?

Lúc ấy “chú Năm” xuất hiện, tươi cười:

— Cứ đi đi. Cấp trên muốn gặp đồng chí.

Nhưng hai người bộ đội lại dẫn Bù Khú đi rất sâu trong rừng giữa đêm mù mịt.

@

— Hãy nói thật đi. Anh là ai?

— Tôi là cán bộ Thành đoàn đặc khu Sài Gòn Gia Định.

— Anh có giấy chứng nhận không?

— Tôi hoạt động bí mật ở đô thị nên không có giấy tờ gì cả.

— Thẻ đảng của anh đâu?

— Các anh không hiểu gì về hoạt động bí mật ở đô thị cả. Giữa lòng địch làm gì có thẻ đảng? Ngay cả lễ kết nạp đảng cũng phải nguỵ trang.

— Tại sao anh bị bắt?

— Tôi định bắn ông Thiệu nhưng bị lộ.

— Anh bắn như thế nào?

— Đó là đêm giao thừa năm Kỷ Dậu 1969. Lúc ấy toán vũ trang tuyên truyền của chúng tôi gồm bốn người vũ trang hai súng ngắn giấu trong túi quần. Nhiệm vụ của tụi tôi là tám giờ đêm 30 Tết đến Cửa Tây chợ Bến Thành để rải truyền đơn, treo cờ Mặt Trận và diễn thuyết tuyên truyền chống chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, đã tập hợp tại Cửa Tây. Súng đã lên đạn, truyền đơn và cờ đã cầm sẵn trên tay, vừa định hành động thì thấy đám đông nhốn nháo. Bọn mật vụ xô đẩy đồng bào, vẹt đường, náo loạn. Tưởng bị bại lộ, tụi tôi định chuồn thì tổng thống Thiệu xuất hiện. Tối đó ông mặc côm-lê đen, thắt cà-vạt đỏ sọc đen, đầu chải bóng. Một sinh viên trong tổ hỏi: “Giờ sao, anh Năm?” Tôi nói: ”Cơ hội ngàn năm một thuở. Chú em canh chừng mật vụ. Anh bắn.” Và tôi rút súng ra nhưng chưa kịp bóp cò thì đã bị xô ngã xuống đất. Đám đông nhốn nháo, không ai biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi và cậu sinh viên nọ đều bị bắt. Hai đồng chí kia chạy lẩn vào đám đông. Dường như ông Thiệu cũng không hay biết gì về việc ấy, vẫn tươi cười đưa tay vẫy chào những người đi chợ Tết.

— Thôi được, gác chuyện đó qua bên. Bây giờ tôi hỏi anh: tại sao anh dẫn địch về căn cứ cách mạng?

— Đó là mưu kế của tôi. Từ khi mới bị bắt họ vẫn thường dùng nhục hình để hỏi tôi về căn cứ Thành Đoàn nhưng tôi nói tôi chỉ hoạt động ở đô thị nên không biết. Lần cuối cùng tôi giả cách dẫn họ đến sông Thị Vãi để trốn.

— Sao anh biết ở vùng Thị Vãi có căn cứ Thành Đoàn?

— Vì ở trong tù tôi nghe nhiều đồng chí nói về căn cứ Thành Đoàn ở núi Thị Vãi. Họ kể rất chi tiết.

— Nhưng ở vùng này có nhiều căn cứ quân sự quan trọng của miền Đông Nam Bộ. Anh có biết đó là tội tiết lộ bí mật quân sự không?

— Bí mật quân sự? Chứ không phải là bọn địch chỉ bắn xuống sông để truy sát tôi thôi sao? Bởi vì căn cứ của các anh ở phía Đông còn chỗ tôi nhảy xuống sông là ở phía Tây-Nam.

Một khoảng im lặng. Cán bộ quân báo lại nói:

— Anh không có một chút giấy tờ gì chứng minh, làm sao chúng tôi tin anh được.

— Sao anh không liên lạc với đơn vị gốc của tôi? Đó là Thành Đoàn. Nó cũng ở đâu trên núi Thị Vãi này mà.

— Thôi được. Nhưng trong khi chờ đợi, chúng tôi buộc phải tạm giữ anh.

@

Ngọc cười hô hố:

— Sướng nhé!

— Sướng chứ. Ít ra cũng không bị bắn bỏ.

— Sau đó Thành Đoàn có đến lãnh anh về không?

— Nửa tháng sau.

— Có bị hỏi cung lần nữa không?

— Thực ra chỉ là một buổi trò chuyện nhẹ nhàng. Họ hiểu mình. Có điều là họ cứ để anh ngồi chơi xơi nước.

— Trong bao lâu?

— Hơn nửa năm. Cho đến một ngày kia anh bị gởi đến một vùng đồng chua nước mặn.

@

Đó là một nơi cách chỗ đóng quân nửa ngày đường. Một cái trảng cỏ lát, đầy nước phèn trong vắt nhìn thấu đáy nhưng trên mặt thì nổi đầy nhưng váng màu gỉ sét. Khi Bù Khú bước vô căn lều nhỏ thì thấy một chàng trai trẻ đang dùng một cái que chọc vô cái hộp gỗ lớn. Cậu ta không thèm ngước nhìn anh, tiếp tục trò chơi của mình.

— Chào đại ca, chàng trai lên tiếng, bị gì mà đến đây?

— Có bị gì đâu.

— Đại ca không biết đây là vùng pháo sao? Tới đây không chết vì rắn rít bò cạp thì cũng chết vì bom pháo.

— Thế cậu bị gì?

— Bị tội ăn vụng.

— Ăn vụng với mấy cô giao liên hả?

— Ăn vụng mì gói.

— Mì gói?

— Mì gói của thủ trưởng. Tối nào thủ trưởng cũng đợi mọi người đi ngủ liền lấy mì gói ra xào với thịt rừng, ngồi ăn một mình. Lần nọ, chờ cho ổng xào nấu xong, tôi liền hắng giọng. Ổng bước ra ngoài nghe ngóng, tôi lẻn cửa sau vô trộm đĩa mì xào.

— Như thế cũng không đáng để bị đày đến đây.

— Đúng vậy. Có điều vụ này đồn đại tùm lum, thủ trưởng mất mặt tìm cách đì tôi. Ủa mà anh ở đâu mới về?

— Ở tù. Chờ kiểm điểm.

— Tốt quá, hai anh em mình ở chung cho vui.

Bù Khú ném cái ba lô con cóc xuống đất.

— Cậu tên gì?

— Năm Ngọ

— Cậu có cái gì trong hộp gỗ vậy?

Năm Ngọ cười không thành tiếng và cũng chẳng trả lời.

Bù Khú bước đến, sờ vào nắp hộp.

— Anh coi tí nhé?

— Coi chừng bỏ mạng.

— Lựu đạn hả?

— Mở ra đi.

Bù Khú mở nắp. Bên trong lúc nhúc toàn bò cạp đủ loại, đủ cỡ. Trong mấy giây đồng hồ, chúng trở nên hỗn loạn như bị khiêu khích. Giống hệt chúng đang bày binh bố trận. Chúng quần đảo như đang điều quân trong sa mạc. Những chiến binh giương càng lên. Một phút im lặng. Chúng nhìn ngắm Bù Khú, giận dữ. Dường như khi Bù Khú mở nắp hộp thì chúng đang làm tình và chúng đã bị phá đám.

Năm Ngọ bốc lên một con. Bù Khú nói:

— Coi chừng nó chích.

Năm Ngọ lật ngửa con bò cạp, chỉ tay vô phần đuôi của nó.

— Đốt này mang nọc độc, nhưng con này thì em đã lấy nọc ra rồi.

— Em nuôi nó bằng gì vậy?

— Sâu bọ.

— Có phải nó là loài duy nhất ở sa mạc sống sót sau những cuộc thử nom nguyên tử không?

— Có lẽ đúng. Khi người Pháp thử bom nguyên tử ở sa mạc Sahara, tất cả các sinh vật ở đó, kể cả vi trùng, đều bị tiêu diệt. Nhưng khi họ đến nơi để khảo sát thực địa thì đã bắt gặp những con bò cạp.

Bù Khú hỏi:

— Em muốn học gì ở loài bò cạp?

— Học cách sống sót. Ở chiến trường này không có bom nguyên tử nhưng có pháo 175 ly của Mỹ. Đó là những sát thủ rất hung dữ.

Trước đây Năm Ngọ học ngành nông lâm súc. Hắn học ba cái thứ quê mùa cục mịch. Lẽ ra hắn phải sống với ruộng đồng cua cá, rừng rú cây gỗ và gia súc nhưng lại sống với Việt cộng. Ở cái xó rừng này ngoài nai, mễnh, heo rừng, thỏ đế, rắn rít và bò cạp còn có những thằng như hắn, và một lũ trí thức thành thị, nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ ca sĩ mỗi người ôm trước ngực một cái bong bóng, mang trên lưng một cái mai rùa, cõng trên lưng một cái vỏ ốc...

Bù Khú hỏi:

— Sao không làm kỹ sư mà vô đây?

— Em thất tình, đi theo Việt cộng chơi.

— Nhưng vô đây không phải để chơi. Có lệnh hai anh em mình phải “tăng gia sản xuất” trên cái vùng đồng chua nước mặn này đây.

— Trồng gì?

— Trồng lúa.

— Chỗ này là vùng duyên hải nước lợ. Sao trồng lúa được?

Bổng nghe một tiếng “đùng”. Rồi “oành”. Năm Ngọ đẩy Bù Khú ngã xuống đất và anh ta cũng phóng vô miệng hầm.

— Chui xuống!

Anh ta kéo chân Bù Khú. Hai người rớt xuống một đáy hầm lõm bõm nước.

— Cái gì vậy?

— Ông “vua chiến trường”.

Lại nghe “đùng, oành” rung chuyển khắp nơi. Đất giãy nẩy, nháng lửa, xà gỗ trên nóc hầm rung chuyển, đất vụn đổ xuồng rào rào, lõm bõm trên mặt nước.

—Cái gì là vua chiến trường?

— Đó là biệt danh mà Mỹ nó gọi loại pháo 175 ly này, còn mình gọi nó là pháo “đùng, oành”. Đùng là tiếng đề-pa, còn oành là tiếng nổ khi chạm mục tiêu. Nó nhanh đến độ hai tiếng đó gần như đến cùng lúc, trở tay không kịp. Đạn 175 ly khoét một hố sâu chừng 2 mét, rộng 3,5 mét, sức công phá rất mạnh. Trận địa này Mỹ chơi toàn 175.

Dứt trận pháo, hai người bò lên miệng hầm.

@

Rồi những đám lúa cũng mọc lên từ đất phèn giống như lửa cháy trên những viên sỏi.

Hai người không trồng lúa bằng cày bừa và trâu. Họ trồng bằng những mảnh bom pháo và những bàn tay trói gà không chặt...

Lúa lên như những đứa con đẻ non, da vàng, sức môi, mắt lé. Lúa như tóc vàng cháy trên đỉnh sọ những bộ xương nhi đồng Somali, những cây lúa ho lao, còi xương, khạc ra máu, ói ra mật vàng. Những cây lúa tả tơi rách nát.

Những thửa ruộng mắc dịch ấy chết khô, quắc queo như những cọng nhang cắm trên nghĩa địa đã bị gió rừng thổi tắt từ lúc nửa đêm, bây giờ chúng như những bóng ma vật vờ trên mặt nước phèn và ngã rạp trong những cơn gió ma quỷ hú rợn tóc gáy giữa đêm khuya khoắt...

@

Ăn trưa xong, mình mẩy lấm lem bùn đất, họ ngồi trên bờ ruộng hút thuốc lá.

Năm Ngọ hỏi:

— Có bao giờ anh đặt lại vấn đề về sự chọn lựa của mình không?

— Đặt lại để làm gì? Đúng hay sai thì cũng là sự đã rồi. Không thể có chọn lựa khác được. Chỉ cần anh ra khỏi bìa rừng là đã bị coi là đi chiêu hồi.

Một chiếc L-19 bay rất cao, cách xa những ngọn cây, có thể đó là chiếc máy bay thám thính không người lái.

Năm Ngọ rủ Bù Khú vô rừng hái dọt bứa về nấu canh. Bù Khú nói:

— Nấu canh với mắm ruốt hoài chán quá. Có cách gì cải thiện không?

— Em sẽ chỉ cho anh coi cái này.

Hai người cắt rừng đi một lát thì đến một khoảnh rừng thưa. Năm Ngọ ngồi xuống, vẹt cành lá, hiện ra một cái bẫy nhưng không dính con mồi nào cả.

— Đây là bẫy chồn. Đôi khi chỉ bẫy được chuột.

Không có mồi. Họ trở về. Vừa đến nhà đã thấy cô giao liên nằm đợi trên võng.

— Có chuyện gì đó, em gái? — Bù Khú hỏi.

— Thủ trưởng mời hai anh về cơ quan “làm việc”.

Họ theo cô giao liên. Vừa ra khỏi nhà được mười lăm phút thì lại nghe “đùng, oành” mọi người phóng lẹ xuống hố bom, mình mẩy lấm lem, ướt sũng, nhưng vừa dứt đợt, đã phải tiếp tục chạy ra khỏi trận địa pháo.

Đến nơi, Thủ Trưởng hỏi:

— Tại sao các đồng chí lại trồng rau muống?

Năm Ngọ nói:

— Tôi là kỹ sư canh nông, tôi biết chỗ nào không trồng lúa được.

— Thì các đồng chí phải cải tạo đất chứ.

Bù Khú nói:

— Hai anh em chúng tôi được gởi tới đó không phải để tăng gia sản xuất mà để đi đày. Tại sao các anh lại đối xử với chúng tôi như thế? Chúng tôi phạm tội gì?

— Không có tội gì cả nhưng chuyện trí thức thành thị đi “vô sản hoá” là một cách để rèn luyện. Hồi trước đồng chí Nguyễn Văn Cừ cũng từng đi vô sản hoá như vậy.

— Đi làm ruộng mà gọi là vô sản hoá sao? Có phải làm công nhân đâu? Trước đây đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đi tập làm công nhân ở các mỏ than chứ không phải đi làm ruộng.

— Nói tóm lại là đi lao động. Lao động cải tạo con người, củng cố quan điểm giai cấp.

Năm Ngọ hỏi:

— Thế sao các đồng chí không đi củng cố quan điểm giai cấp? Tôi thấy các đồng chí tối ngày ngồi ngáp vặt và đập muỗi trong khi anh em chúng tôi phải lao động cật lực trong vùng bom pháo.

Thủ trưởng bỏ mắt kính xuống bàn. Khu rừng này đầy lũ vẹt xanh mỏ đỏ. Bây giờ trong căn phòng này chỉ có một con, giọng của nó khàn đục:

— Mỗi người một nhiệm vụ. Chỉ xin nhắc các đồng chí: không nên ra khỏi bìa rừng vì sẽ bị nghi là đi chiêu hồi và sẽ bị bắn. Các đồng chí cũng biết mỗi lần có người chiêu hồi thì những người ở lại phải lập tức dời căn cứ đi nơi khác, vất vả trăm bề. Nào là phát rừng, xây dựng lán trại, chuyển vận vũ khí, lương thực... nào là...

Bù Khú không nghe hết câu, bỏ xuống bếp. Năm Ngọ cũng đi theo.

Bếp Hoàng Cầm. Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Địt mẹ, vậy mà đêm nào thủ trưởng cũng lén xào mì, thật đáng nể.

Rừng đen kịt nhưng mặt đất thì sáng lờ mờ, có thể thấy được những cánh võng đong đưa, nghe được những tiếng ho khúc khắc, tiếng nói chuyện rầm rì.

Bù Khú và Năm Ngọ cột võng cạnh nhau nhưng chưa ai chui vô võng. Bầu trời xám đục như tro than, trăng sao lặn mất biệt sau tấm màn bít bùng ấy. Nhưng nhìn nó vẫn thấy một chút hy vọng, giống hệt người rớt xuống hang đá nhìn thấy một khoảng sáng trên đầu. Năm Ngọ đưa cho Bù Khú một viên kẹo the rồi vạch quần đái vô gốc cây. Bù Khú hỏi:

— Ở đâu em có vậy?

— Lúc nãy em chôm được trên bàn của thủ trưởng. Mất hai viên kẹo chắc lão tức lắm.

Năm Ngọ kéo sợi dây thun giăng mùng để chui vô võng. Hai anh em đi ngủ với viên kẹo trong miệng. Vị ngọt và chua của kẹo chanh làm cho giấc ngủ êm dịu. Có thể sẽ có những giấc mơ đẹp của những đứa trẻ lên năm.

@

Sáng sớm thức dậy đã thấy hai tay du kích đang làm thịt một con vật gì đó.

— Bắt ở đâu vậy? Năm Ngọ hỏi.

Chỉ cười. Không ai trả lời. Hai gã du kích này vừa thui xong con thú. Bù Khú và Năm Ngọ xúm lại. Tưởng chồn hay cheo, té ra là một con chó nhỏ. Hồi Bù Khú mới đến đã thấy nó lẩn quẩn dưới chân nhưng nó cứ lừ đừ, nặng nề vì cái bụng chướng của nó. Hình như nó bị xơ gan cổ trướng. Và hình như nó đã chết từ tối hôm qua nhưng hai tay du kích tiếc của nên đem thui nó. Cạo lông sạch sẽ, phơi ra cái bụng trương lên như bong bóng căng cứng.

Tay du kích vừa đưa mũi dao vô lỗ rún của nó thì một vòi nước phọt ra, có mùi. Hắn cả cười, dùng bàn tay đè cái bụng con chó nhỏ cho nước phọt ra hết. Nó xẹp xuống và bị mổ banh ra.

Bù Khú bỏ đi. Năm Ngọ nói:

— Đem chôn đi. Đừng ăn.

— Có sao đâu. — Một gã du kích nói.

— Vi-rút của bệnh xơ gan cổ trướng sẽ lây sang người.

— Lây gì. Nấu chín lên là xong.

Năm Ngọ cũng bỏ đi.

Hai người trở về trận địa pháo của mình. Dọc đường họ ghé hái một bọc trái bứa chín và đọt bứa.

Bữa cơm chiều như thường lệ có canh đọt bứa nấu với mắm và mấy con cua đồng nhỏ như ngón chân cái được nướng trên lửa than. Năm Ngọ hỏi:

— Uống rượu nhé?

— Rượu đâu có?

Năm Ngọ đi lại phía xó nhà, dỡ bỏ tấm nylon, lộ ra một cái lu nhỏ. Anh ta dùng cái ca nhựa múc một ca nước vàng vàng đem lại bàn ăn.

— Rượu gì vậy?

— Rượu trái cây. Em tự cất lấy.

Bù Khú nhấp thử một chút thấy chua chua, cay cay, nồng nồng. Buổi chiều đó thật vui nhưng hai người không dám say vì sợ không đủ tỉnh táo để tránh pháo.

Năm Ngọ kéo trong hộc bàn ra một bộ bài Tây, xóc xóc mấy cái rồi đặt trên mặt bàn.

— Đánh tu-lơ-khơ chơi?

— Chia đi!

Năm Ngọ lại xóc bài nhưng Bù Khú giành lấy. Bàn tay phải lướt nhẹ trên mặt bàn, năm mươi hai lá bài trải đều như cánh quạt rồi chúng dựng đứng dậy như những quân domino, chao người một cái rồi tự gom lại thành một cọc. Bù Khú ủ nó giữa hai lòng bàn tay rồi những ngón tay của anh bấu lấy những lá bài, kéo chúng ra, rồi đẩy khít lại, rồi kéo ra như chiếc đàn phong cầm, cuối cùng anh đưa bàn tay phải lên, những lá bài ngã rạp xuống như những quân domino. Bù Khú hạ cánh tay xuống và gom bài lại.

— Đại ca thật trứ danh.

— Đồ bỏ, Bù Khú búng tay.

— Đại ca từng là dân chơi hả?

— Chú em có nghe danh Đại Thế Giới chưa?

— Ở Chợ Lớn phải không? Đại ca là thần bài ở đó hả?

Bù Khú đan hai bàn tay sau gáy, ngả người, phun một làn khói thuốc.

— Anh đùa thôi. Anh học chơi bài ở trong tù. Anh còn biết làm nhiều trò ảo thuật từ bộ bài này.

Rồi Mười Bù lấy ra bốn con ách: cơ, rô, chuồn, bích. Trở bàn tay một cái, bốn con ách liền biến thành bốn con già.

— Sao hay vậy, đại ca? Chỉ em với.

@

Buổi tối họ chui xuống hầm trú. Mỗi người một võng.

Sáng hôm sau khi Bù Khú còn đang ngủ thì đã nghe tiếng Năm Ngọ.

— Em đi thăm bẫy đây.

Bù Khú trở mình, ngủ tiếp, cứ lơ mơ như thế không biết trong bao lâu thì bị đánh thức bởi những tiếng “đùng, oành” liên tiếp. Đất cát đổ xuống hầm như mưa rào. Hầm rung chuyển dữ dội.

Tiếng nổ như tiếng thét giận dữ, đe doạ, quát nạt. Bù Khú phải rời võng ngồi thụp xuống mặt nước. Một mảnh pháo rít trên đầu, chém gãy một thanh cây rừng. Đất sụp xuống, đổ trên lưng Bù Khú.

Trận pháo kéo dài nửa tiếng đồng hồ. Khi nó dứt rồi mà tai của Bù Khú vẫn điếc đặc, không nghe thấy gì ngoài những tiếng o o bất tận.

Rồi bỗng nhiên anh hoảng hồn, phóng lên khỏi miệng hầm, chạy về hướng đặt bẫy chồn.

Cả một vạt rừng tan nát, tơi tả, gãy vụn. Những trái pháo 175 ly tạo ra những cái hố sâu, đất đá trộn lẫn với cành cây.

Và... một mảnh áo đầy máu. Đi thêm mấy bước nữa, một cái chân đỏ lòm còn mang chiếc dép râu. Lủng lẳng trên cành cây gần đó là một cánh tay cháy sém. Và... một nhúm tóc.

Năm Ngọ ơi! Em mới hai mươi bốn tuổi, không cha không mẹ, không người yêu. Em là nhà trí thức trẻ. Em đi tìm cái gì trên rừng này vậy? Em bỏ thành phố, bỏ tương lại để lên cái vùng đồng chua nước mặn này trồng lúa sao?

Bù Khú ngồi khóc trên nhánh cây gãy. Hoàn toàn cô độc. Hoàn toàn lạc loài trong cái xó rừng hẩm hiu này, một mình một cõi, không ai hay biết, không chia sẻ cùng ai.

Anh lần mò bước giữa đổ nát. Anh đi tìm bạn mình. Thịt xương đã trộn lẫn với bùn đất và cành cây rải rác khắp nơi, ẩn giấu khắp nơi, vùi lấp khắp nơi.

Anh tìm trong những tán lá rách nát, những cành cây tơi tả. Anh đi tìm trong gai góc. Da thịt của người trộn lẫn vào da thịt của rừng. Bàn tay đầy máu. Máu của chính anh, máu của bạn và máu của rừng.

Tìm và nhặt. Và khóc. Cho đến khi bóng chiều phủ xuống.

@

Một mình một súng, Bù Khú nương theo ánh sao, băng rừng mà đi trong đêm bất tận. Chỉ thấy rừng và rừng, bóng tối và bóng tối. Suốt từ chạng vạng cho đến nửa đêm anh mới về đến căn cứ. Mọi người đã ngủ, chỉ có một chút ánh sáng ở trạm gác.

— Ai đó?

— Mười Bù đây. Tôi bị pháo. Năm Ngọ chết rối.

Bù Khú bước qua khỏi trạm gác, đi thẳng đến cái lều của Thủ Trưởng vì thấy ở đó còn ánh đèn. Khi đến gần vách lá, anh dừng lại nhìn qua khe hở, thấy Thủ Trưởng đang lom khom xào xào nấu nấu.

Bù Khú đạp mạnh cánh cửa liếp. Khẩu AK 47 vác trên vai. Thủ Trưởng nhìn khẩu súng, hỏi:

— Đồng chí làm gì vậy?

Khẩu AK đổi tư thế, kẹp trong nách.

— Cậu điên hả? Biết đây là đâu không?

— Sao không? Tôi băng rừng một mình đến đây chẳng lẽ chỉ để nhìn thấy cái đĩa mì xào nổi tiếng của ông sao? Ông có biết là Năm Ngọ đã tan xác rồi không?

— Trong chiến tranh, chuyện đó cũng bình thường.

Bù Khú sấn tới, đá văng đĩa mì xuống đất:

— Bình thường hả? Đối với những thằng “cách mạng kiểng” như ông thì bình thường, nhưng với những người lính như chúng tôi thì đó là máu. Mặt đất đầy máu. Lá cây cũng đầy máu. Những mảnh áo và những đoạn tay chân cũng đầy máu.

Thủ Trưởng lau miệng bằng cái khăn rằn:

— Đừng quá xúc động. Không phải chỉ có Năm Ngọ đâu. Hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh như thế.

— Đúng vậy. Nhưng trong số đó không có ông và những kẻ đang ngồi chơi xơi nước như ông. Mãi mãi không có. Các ông đi kháng chiến nhưng các ông đứng ngoài cuộc. Địch muốn tiếp cận các ông phải bước qua xác của du kích ngoài mé rừng, sau đó phải đụng độ với bộ đội chủ lực, khi chúng đến được đây thì các ông đã chuồn mất rồi. Các ông được bảo vệ tầng tầng lớp lớp, được an toàn tuyệt đối, để làm gì? Ai cũng nghĩ rằng các ông đang làm những việc rất quan trọng, rất to lớn, nào ai biết ở trong này các ông chỉ nhai lại ba cái thứ báo chí cũ từ Sài Gòn gởi vô, đọc đi đọc lại đến rách nát vẫn không hết thì giờ, bèn xoay qua nghiên cứu triết học Mác Lê-nin, chán rồi thì chơi trò đập muỗi, xếp thành từng hàng dài, sau đó là lên võng, nghe đài rồi ngủ.

— Nói bậy! Đó là nhiệm vụ Đảng đã giao cho chúng tôi.

— Các ông đừng quan trọng hoá mình. Bởi vì cuộc chiến này không phải của các ông đâu. Cuộc chiến này là của những người lính, những người đã chết và đang chết. Các ông chỉ là bọn ăn theo.

Bù Khú cầm ngang khẩu súng trước bụng. Thủ Trưởng hoảng hốt lùi lại.

Bắn không? Ngón tay trỏ của Bù Khú nóng rực trên cò súng, tròng mắt muốn lòi ra, răng cắn vào môi bật máu.

— Đừng, đừng... bỏ súng xuống đi. Anh xin em...

Bù Khú chửi thề bằng một tiếng thét rồi ném khẩu súng lên cái giường tre giữa hai người.

— Ông sợ chết hả? Còn tôi thì đang muốn chết đây? Bắn tôi đi! Ông có biết cách mở chốt an toàn không? Chắc là không. Vì có bao giờ các ông tháo ráp súng đâu, có bao giờ chùi súng đâu! Ông nói ông chống Mỹ cứu nước hả? Thế các ông có biết một băng đạn AK 47 có bao nhiêu viên không? Nòng súng bao nhiêu ly không? Người đời vẫn nghĩ các ông đang xông pha giữa lằn tên mũi đạn, vì nhân dân quên mình, nhưng thực chất ngày ngày các ông ngồi chơi xơi nước và đợi đến tối, khi mọi người đi ngủ thì các ông lấy đồ ăn tiêu chuẩn cán bộ cao cấp ra tự bồi dưỡng, người đời không hề biết rằng các ông đang sống mòn, đang thất nghiệp, đang tự lừa dối mình. Hãy trả lại công bằng cho những người lính đã chết và đang chết, đã chiến đấu và đang chiến đấu ngoài mặt trận.

— Thôi mà, bớt giận đi Mười Bù... bớt giận...

Bù Khú trào nước mắt. Anh với lấy khẩu súng bước ra ngoài đêm. Và khi đối diện với bóng tối dày đặc, anh chợt nhớ đến mớ tóc đẫm máu của Năm Ngọ trên cành cây. Cơn giận lại lồng lên như ngọn lửa đen đang bị bóng tối chặn lại, không bốc cháy được.

 

[còn tiếp 16 chương]

 

 

------------

Đã đăng:

BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 1 & 2]  (tiểu thuyết) 
Có người nọ không rõ quê quán ở đâu, học vấn thế nào, về đất Phú Xuân cất một cái am bên nhánh sông vắng vẻ, ở chung với một con chó. Tiên sinh không giao du với ai, trong nhà cũng chẳng có ti-vi, điện thoại. Không nghe tiếng nhạc, cũng vắng tiếng người. Lâu lâu mới có tiếng chó kêu ăng ẳng vì mừng rỡ. Tuyệt nhiên không có tiếng sủa... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021