thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 4]

 

Đã đăng: [chương 1 & 2] - [3]

 

4.

 

Vũ trường! Nơi đó Ngọc đã đến, đã thấy và đã... thất bại. Đó là sự khác nhau giữa Ngọc và Julius Césare. Ngọc thất bại và đã rút lui, đã tháo chạy. Bây giờ đến lượt gã việt kiều tên Bảo.

Ở Mỹ về Việt Nam nhiều lần, đi vũ trường, nhà hàng, du lịch nhiều nơi, muốn kiếm một cô gái đẹp đẹp, lấy làm vợ nhưng không gặp ai là hồng nhan tri kỷ. Trong điện thoại di động của hắn có gần hai chục số của các em. Mỗi ngày nhận được tám chục cú điện thoại và tin nhắn nhưng nội dung giống nhau: “Anh cho em mượn năm triệu. Anh ơi hồi sáng em bị giựt điện thoại rồi. Trưa nay em phải đưa ba em vô bệnh viện. Má em nợ người ta mười lăm triệu, anh có thể cho em mượn đỡ vài ngày...” Hắn hoảng hồn, đổi SIM khác.

Lần này Bảo ra bưu điện gởi tiền về quê thì có cô gái đứng bên, hỏi mượn cây viết. Hai mắt vừa chạm nhau đã giựt mình.

— Chết rồi! Tôi đã gặp chị nhiều lần ở đâu đó.

Ngọc chựng lại mười giây.

— Coi chừng anh lộn người.

— Không lộn. Chị tên là Ngọc, hồi trước làm ở vũ trường Á Đông đường Trần Hưng Đạo. Đúng không?

— Tôi cũng nhớ anh rồi. Tên thì quên nhưng là Việt kiều Mỹ.

— Không sai. Tôi tên Bảo.

— Tại sao anh nhớ tôi?

— Vì hồi đó có anh chàng mê chị như điên. Bây giờ hai người sao rồi?

— Chỉ là khách qua đường. Cũng giống như anh vậy.

— Nhưng bây giờ tôi đã trở về.

— Về chơi hay làm ăn?

— Về kiếm vợ.

— Kiếm được mấy bà rồi?

— Chắc phải nhờ Ngọc giúp cho một tay.

— Có tiền cò không?

— Đương nhiên.

— Bao nhiêu?

— Ít thì vài ngàn đô, nhiều thì quỳ xuống, cõng về Mỹ làm thê tử.

— Được đấy. Vậy để tôi giúp.

@

Lần hẹn đầu tiên Ngọc dẫn theo hai đứa con. Họ ăn trưa trong một nhà hàng đường Ngô Đức Kế.

— Xin lỗi anh. Tôi chỉ muốn biểu dương lực lượng cho anh sợ chơi. Chào chú đi các con.

Nhưng chỉ có đứa con gái chào, còn thằng con trai thì tỉnh bơ cầm cái muỗng gõ gõ trên thành ly.

— Nó kênh anh đấy!

Bảo hỏi thằng bé:

— Sao cháu không chào chú?

— Chú muốn tán mẹ cháu phải không?

— Phải.

— Thấy đẹp không?

— Quá đẹp.

— OK. Quà đâu?

— Chuyện nhỏ. Cháu muốn quà gì?

— Nói đùa thôi. Người quân tử ai lại đi đòi quà.

Ngọc cười khúc khích:

— Con em vậy đó. Anh sợ chưa?

— Không sợ. Anh sẽ lấy em.

— Bộ hết người lấy sao về Việt Nam lấy gái già hai con?

— Xe Lexus mới chạy có 20.000 miles, con tốt lắm.

— Máy thì con tốt nhưng thắng thì hư rồi. Đứng một chỗ thì thôi, hễ chạy là không thắng được. Dễ chết người.

— Không sao. Nếu em đồng ý, anh sẽ lái cái xe đó. Ngày mai anh phải đi thăm một đứa em gái. Nó bị giam ở trại Xuyên Sơn.

— Tại sao?

— Buôn bán ma tuý.

— Sao anh để cô ta đi vào con đường ấy?

— Năm đó anh và má anh đi vượt biên, nó bị lạc. Lúc đó nó mới mười tuổi.

— Sao má anh không bảo lãnh?

— Năm mười sáu tuổi nó cặp với một thằng “ghi đề” rồi có con với thằng đó mà không cưới hỏi gì cả nên không bảo lãnh được. Chỉ còn cách gởi tiền nuôi nó. Lần thứ nhất: đòi mua xe. Rồi mất xe. Mua cái khác. Lại cầm xe vì đói. Phải gởi tiền về chuộc. Rồi chồng nó đụng xe chết người. Phải gởi tiền về bồi thường. Thực tế đó chỉ là chuyện bịa đặt. Thực tế là nghiện ma tuý. Rồi buôn bán ma tuý. Đi tù.

— Sao không nghe anh nói về ba anh?

— Sorry, đừng nhắc đến ba anh nữa.

@

Trại giam ở sâu trong rừng. Đi quanh co, đèo dốc. Đến nơi đã hai giờ chiều. Ngọc dặn Bảo:

— Anh đừng xưng là Việt kiều, sẽ bị quản giáo vòi tiền.

— Không thể được. Vì anh phải xuất trình passport.

Nhưng cuối cùng cũng vào được bên trong.

Cô gái ngồi quay lưng lại phía Ngọc. Chắc là cô biết có người đến thăm nhưng không nhúc nhích. Cô ngồi bệt trên nền nhà gạch bông cũ kỹ, đang dùng một cây tăm xỉa răng chọc vào các khe nứt trên tường. Từ trong khe nứt ấy ba con rệp chạy ra một lúc. Chúng bò rất nhanh nhưng cô gái còn nhanh hơn, đưa cái móng tay vàng khè khói thuốc ra giết chúng, trây máu lên vách, đỏ lòm.

Bảo gọi:

— Nhung!

Khuôn mặt hướng ra ánh sáng. Ốm nhom, tái mét. Nhưng đẹp. Ngọc chào cô gái nhưng cô ta không nhìn ai cả. Cô ta chỉ nhìn vào khoảng không trước mặt.

— Họ kêu án bao nhiêu năm?

— Mười hai năm.

— Ngày mốt anh về Mỹ. Hôm nay anh có đem cho em chà bông, đường, sữa, cá cơm kho keo và một hộp underwear.

Cô gái có vẻ không hiểu, Ngọc nói:

— Đó là đồ lót nữ. Chị mua tặng cho em đó.

Một cái nhìn mệt mỏi, phòng vệ, không có cảm xúc.

— Hôm qua anh đi thăm con em. Anh có đưa cho bà nội nó một ngàn đô.

— Cám ơn.

Cố gái nói và quay lại khều mấy con rệp trong kẽ nứt.

Bảo cầm tay cô em, rồi quàng tay qua vai cô, hôn lên trán.

— Anh về. Ở đây phải ráng ngoan ngoãn, hy vọng dịp lễ Tết sẽ được ân xá. Đừng quậy nữa. Vài tháng có bạn anh về anh sẽ gởi quà cho em.

@

Lần hẹn thứ hai, Ngọc đi một mình. Gặp nhau trong một quán cà-phê sân vườn. Bảo cứ ngồi im nhìn dòng nước chảy trên hòn non bộ.

— Sao không nói gì?

— Về chuyến này anh buồn quá. Tình cảnh của bé Nhung quá tuyệt vọng. Mười hai năm tù. Nó mới ở có một năm rưỡi mà người đã không còn ra người. Làm sao nó có thể chịu nổi một thời gian dài như thế. Phải chi năm đó nó không bị lạc.

— Một bé gái mười tuổi bị bỏ lại một mình, làm sao sống nổi?

— Em biết không, khi anh đến nước Mỹ, anh cũng chỉ là một đứa bé. Mẹ anh cũng phải đi giúp việc nhà cho người ta. Anh đi bán báo, đi hái trái cây... nhưng bây giờ anh là một kỹ sư, lương 70.000 đô-la một năm. Anh cũng tự kiếm sống, tự lớn lên. Sao bé Nhung không tự lớn lên được?

— Theo anh thì sao?

— Anh và nó là hai cây mầm giống hệt nhau: cùng cha cùng mẹ, cùng nghèo khổ và thất học. Nhưng anh may mắn được trồng trong một vùng đất mầu mỡ, khí hậu trong lành, được chăm sóc bởi bàn tay của người làm vườn tốt. Còn bé Nhung bị rơi rớt trên một vùng đất khô cằn, phải tự giành giựt mà sống, giết nhau mà sống, kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, kẻ có quyền chèn ép, xô đẩy kẻ thất thế vào đường cùng, vào tệ nạn, vào chỗ chết... rồi chính xã hội đó quay lại dùng luật pháp để huỷ diệt nạn nhân của nó. Tất cả chỉ vì lỡ một chuyến tàu.

Bàn tay Ngọc đặt lên vai Bào, bóp nhẹ.

— Em cũng đã lỡ một chuyến tàu như vậy. Cách đây ba năm em có quen một chàng sinh viên nghèo. Anh ta tên Toàn. Hồi đó em làm nghề mát-xa trong khách sạn. Phòng trọ của em ở đối diện phòng trọ của Toàn. Đêm nào anh ta cũng thức rất khuya để chờ em về. Em mua mấy cái bánh bao và tụi em ăn chung với nhau. Đó là bữa khuya nhưng là bữa chính. Sáng, Toàn chỉ gặm một cái bánh mì khô, buổi trưa bếp ăn tập thể phát cho một tô canh có vài con tép và mấy lát bầu, chiều anh ta luộc một cái hột vịt ăn với cơm trắng. Quần áo thì em thảy ra tiệm giặt. Toàn nói: tiệm giặt phức tạp lắm. Đó là cái ổ lây bệnh. Rồi Toàn giành giặt đồ cho em. Quần áo hai đứa phơi chung trên sợi dây giăng trước cửa nhà. Toàn khen em đẹp nhưng chỉ dám hôn bàn tay, còn em thì thương ảnh, tội nghiệp cho ảnh. Em nói: anh Toàn ơi, đừng nhút nhát quá như thế. Em còn gì để mất nữa đâu. Kiếp người phù du lắm. Rồi em ôm hôn ảnh. Rồi làm tình với nhau. Rất đơn giản, nhưng em thấy hạnh phúc. Em đóng tiền học cho ảnh, mua cho ảnh một chiếc xe máy mười chín triệu. Thỉnh thoảng em được nghỉ một ngày, tụi em chở nhau đi mua sắm. “Diện” vào, ảnh rất bảnh. Đúng là một chàng thư sinh. Em ngắm anh ta. Rất yêu. Toàn cũng ngắm em, nói: rất hân hạnh được làm quen, cô học trường nào vậy? Em học đại học y khoa năm thứ tư. Khoa gì? Khoa tim mạch. Ra đường em cũng rất đẹp, không thua kém ai. Không ai biết em làm nghề mát-xa. Đôi khi tụi em vô những nhà hàng sang trọng. Toàn dặn em: nói nhỏ, và nói ít thôi. Nhưng em không thích nói. Chỉ thích ngắm chàng thư sinh của em. Ngắm qua ngắm lại, chỉ muốn ôm hôn. Toàn nói: “Mai mốt anh tốt nghiệp thì em không phải đi làm nữa”.

Đó là chuyến tàu hạnh phúc. Nhưng em đã để lỡ nó.

Có một đêm Sếp Lớn của em đến kiểm tra tay nghề của nhân viên mát-xa. Ông có cái phòng riêng. Gọi từng cô lên. Mỗi cô mười lăm phút. Ai làm không đạt phải đi học lại một tuần do những người giỏi huấn luyện tại chỗ.

Sếp Lớn thích mạnh bạo nhưng đến lượt Ngọc thì Sếp nói: nhẹ nhàng, chậm rãi, cháu có bàn tay phù thuỷ. Là sao, thưa chú? Sếp im lặng. Mười lăm phút trôi qua nhưng sếp không để ý đến giờ giấc. Như thế buộc lòng em phải làm đủ mọi bài bản của một xuất mát-xa thông thường. Đối với những nhân viên khác thì đây là dịp để lấy lòng, hoặc chinh phục Sếp, nhưng em thì run sợ. Bộ đồng phục của em chỉ là một cái váy cũn cỡn không đáy và “gia tài” của em chỉ được giấu sau lớp vải mỏng của chiếc quần xịp nhỏ bằng bàn tay. Lúc đó em nghĩ đến Toàn và hấp tấp kéo cái quần đùi của Sếp lên chỗ thắt lưng. Nhưng ông ta nắm cổ tay em, giữ chặt.

“Em làm rất giỏi, cứ tiếp tục đi”.

Rồi ông xoay người nằm ngửa ra. Em nói:

“Đã quá mười lăm phút rồi thưa chú”.

Nhưng Sếp Lớn đã ghì em xuống.

@

Tất nhiên đây không phải là lần đầu tiên, nhưng em cảm thấy tan nát, sụp đổ như vừa bị phá trinh.

Em chạy vô phòng tắm, ôm mặt khóc. Ngay lúc ấy bên ngoài có tiếng điện thoại reo. Sếp đang nằm “phê” trên giường nên nhấn nút speaker.

“Đứa nào vô lễ vậy?”

“Dạ thưa, tay này mới đổi về phường chưa biết oai Sếp.”

“Nó đã làm gì?”

“Nó khám định kỳ thôi nhưng phát hiện một tiếp viên dẫn khách vô toa lét để ‘quan hệ’... dạ, bắt quả tang.”

“Má tụi bay! Khách sạn của tao có tới một trăm phòng mà. Tụi bay không biết dẫn khách lên phòng sao?”

“Dạ, tụi cháu rất bất ngờ.”

“Nhưng thằng đó tên gì?”

“Dạ... không biết!”

“Chó chết! Sao không coi bảng tên của nó?”

“Dạ.. cháu sẽ coi lại biên bản.”

“Coi đi. Và báo cho tao gấp.”

Chừng vài phút sau, điện thoại của Sếp Lớn lại reo.

“Karaoke Địa Đàng đó hả?”

“Dạ không. Đây là resort ‘Ốc Đảo’ gọi từ Phan Thiết. Có chuyện rất nghiêm trong, thưa sếp.”

“Chuyện gì?”

“Một cô gái treo cổ trong bungalow.”

“Nó là con nào?”

“Gái gọi do khách đưa từ ngoài vào, chưa rõ lý lịch.”

“Sao tụi bay cho nó vào?”

“Thưa sếp, khách nói đó là bạn gái của khách.”

Sếp hét lên:

“Quản lý đâu?”

“Đang làm việc với công an.”

“Dẹp đi! Bảo nó đến gặp tao gấp!”

@

Đó là những rắc rối của lão Sếp Lớn nhưng lúc ấy em đếch cần biết. Trong lòng chỉ có thù hận. Em tắm rất nhanh, thay đồ, lấy giỏ xách rồi xuống lầu. Quản lý phòng mát-xa hỏi:

“Sao giờ này đã về?”

“Tôi bỏ việc.”

Rồi đi thẳng ra cửa. Em nghĩ là mình sẽ về, nhào vào lòng người yêu khóc nức nở và kể cho anh nghe hết mọi chuyện, nhưng liền sau đó đã thấy mình ngu xuẩn. Em tạt vào một quán nước vỉa hè. Xe cộ xoay vòng quanh em, trình diễn vũ điệu man rợ của nó. Em thì đông cứng như một tản nham thạch vừa chảy ra khỏi miệng núi lửa và đã nguội ngắt dưới thung lũng. Đi đâu? Làm gì? Nói gì? Ly cà-phê bị hất xuống đất, vỡ nát. Chủ quán quay lại, ngạc nhiên. Em nói:

“Xin lỗi, tôi lỡ tay”.

Và cúi xuống nhặt những mảnh vỡ. Nhưng chủ quán đã lấy cái chổi ra. “Để chị dọn cho. Có chuyện buồn hả?” Gật gật đầu. Rồi mếu máo như cô bé mẫu giáo bị mẹ bỏ rơi. “Để em đền tiền cái ly.” Em đặt tờ giấy bạc xuống bàn và bỏ chạy. Một cây cầu nhỏ bắc qua sông. Em chỉ muốn trấn tĩnh bằng dòng nước phẳng lặng bên dưới và bằng những ngọn gió. Nhưng mình cũng không thể để mặc Toàn chờ mình suốt đêm. Nhưng sẽ nói gì khi gặp? Không nói gì cả. Coi như không có gì cả. Mình đã cho Toàn một đời con gái rồi, có gì mà phải sầu thảm như vậy? Có lẽ nên xử sự bình thường như mọi ngày.

Và em quyết định quay về nhà. Nhưng căn phòng của Toàn đóng cửa, chắc anh đợi mình lâu quá nên đã ngủ. Càng hay. Mình sẽ có một đêm để suy nghĩ. Em mở cửa phòng mình và cứ để nguyên quần áo như thế mà ngủ. Nhưng không ngủ được. Em nằm đợi sáng.

@

Sáu giờ căn phòng của Toàn vẫn đóng cửa. Em đợi thêm mười lăm phút vẫn im lìm. Em mất kiên nhẫn.

“Anh Toàn ơi!”

Gọi ba bốn lần vẫn không nhúc nhích. Gõ cửa. Đập cửa. Có tiếng bước chân và cánh cửa hé ra. Một mái tóc dài, nhuộm vàng, uốn thành từng lọn.

“Xin lỗi. Tôi muốn tìm anh Toàn”.

“Toàn nào?”

“Đây là phòng của anh Toàn, bạn trai của tôi.”

“À... anh chàng sinh viên cao cao. Đi rồi. Dọn nhà đi hồi trưa hôm qua.”

“Đi đâu vậy?”

“Không biết. Xin lỗi tối qua tôi xỉn, rất mệt.”

Và cô gái đóng cửa lại.

Những người hàng xóm nói rằng Toàn đi nhận nhiệm sở ở đâu đó ngoài Đà Nẵng. Ngọc bấm điện thoại. “Số điện thoại này tạm thời không sử dụng được, xin quý khách gọi vào lúc khác.” Lúc nào? Sáng, trưa, chiều, tối, nửa đêm, gà gáy... lúc nào cũng vang lên cái câu nói đáng nguyền rủa ấy. Một ngày sau, ba ngày sau, nửa tháng sau. Vẫn câu nói ấy.

Chàng sinh viên nghèo ngày nọ đã biến mất, đã tự xoá sổ, đã tự “ken-xồ”. Nó đã thay sim điện thoại khác.

Đó là lần “nhỡ tàu” cay đắng và bẽ bàng nhất. Bây giờ, mỗi khi có chuyến tàu dừng lại là em sợ.

Bảo im lặng. Anh ngắm những con cá chép đang nổi trôi quanh hòn giả sơn. Ngọc ơi, những con cá này không suy nghĩ gì cả, chúng rỗng không và vô định. Em hãy nhìn chúng và quên hết những chuyện ấy đi. Đừng sợ.

 

[còn tiếp 15 chương]

 

 

------------

Đã đăng:

BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 1 & 2]  (tiểu thuyết) 
Có người nọ không rõ quê quán ở đâu, học vấn thế nào, về đất Phú Xuân cất một cái am bên nhánh sông vắng vẻ, ở chung với một con chó. Tiên sinh không giao du với ai, trong nhà cũng chẳng có ti-vi, điện thoại. Không nghe tiếng nhạc, cũng vắng tiếng người. Lâu lâu mới có tiếng chó kêu ăng ẳng vì mừng rỡ. Tuyệt nhiên không có tiếng sủa... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 3]  (tiểu thuyết) 
... “Các ông đừng quan trọng hoá mình. Bởi vì cuộc chiến này không phải của các ông đâu. Cuộc chiến này là của những người lính, những người đã chết và đang chết. Các ông chỉ là bọn ăn theo.” Bù Khú cầm ngang khẩu súng trước bụng. Thủ Trưởng hoảng hốt lùi lại. Bắn không? Ngón tay trỏ của Bù Khú nóng rực trên cò súng, tròng mắt muốn lòi ra, răng cắn vào môi bật máu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021