thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 5 & 6]

 

Đã đăng: [chương 1 & 2] - [3] - [4]

 

5.

 

Họ giống như hai vợ chồng nhưng cũng giống như hai con khỉ. Khỉ già nằm trên chiếc võng gai lim dim mắt, khỉ trẻ ngồi kế bên vạch lông bắt chí. Nhưng Bù Khú không có chí, quần áo tuy cũ nhưng cũng không có rận, tiên sinh chỉ lốm đốm tóc bạc. Ngài lim dim, lắng nghe những ngón tay lướt trên da đầu mình tìm nhổ những sợi tóc sâu. Ngài đang tan chảy như một hạt muối thả xuống dòng sông. Ngài cảm nhận sự hoà nhập chậm rãi, dịu dàng và âu yếm. Ngài bồng bềnh như đám mây mỏng, như sương khói, lãng đãng quấn quít quanh những ngón tay mềm mại, những ngón tay vuốt ve từng sợi tóc, đùa nghịch với chúng bằng sự đằm thắm của người mẹ. Bù Khú bay la đà xuống thung lũng, chạm lên những ngọn cỏ ướt và tan trong những giọt sương. Có một lúc bàn tay của Ngọc lướt nhẹ trên má. Rồi chợt ngài thấy có đôi môi chạm vào môi mình. Hơi thở ấm nóng của Ngọc thổi tắt ý thức mơ hồ của tiên sinh đang chực phiêu hốt vào cõi bất định, chạm đến biên giới của vô thức. Và ngài cảm nhận mình đang ôm một tấm thân mảnh mai ấm áp. Ngài hỏi: Em là ai vậy? Là kẻ trôi dạt. Em đến từ cõi nào? Từ vô định, vượt qua những gò đống tàn héo khô cháy của nhân gian. Đến được cái thế giới tĩnh lặng, vô thanh và đầy ảo giác này. Người đàn bà trẻ cũng mất dần ý thức, áp má trên cái bụng phẳng lặng của tiên sinh và trôi đi trên dòng sông chảy ngược về trời.

Họ tỉnh dậy lúc trưa nắng và nhìn thấy một bà lão ăn mày đội cái nón cời rách tả tơi, quần áo đen nhẻm, u ám. Họ mở mắt nhìn ngắm bà lão nhưng không ai nói gì. Và bà lão cứ trôi dần tới như đang bị sóng biển xô dạt lúc xa lúc gần. Cho tới khi bà lão ăn mày chạm vào đầu võng thì Ngọc hỏi:

— Bác cần gì?

Bà lão bỏ chiếc nón lá ra, nhìn chăm chăm vào Ngọc, lúc ấy Ngọc mới thảng thốt. Cái gì đã biến đổi thân xác em đến như vậy hả Nhung? Không phải là ảo giác hay trong một giấc mơ, nhưng cô em gái của Bảo đã biến thành một lão già nhăn nheo, đen đúa, khô kiệt.

— Sao vậy?

— Con trai em chết. Em vượt ngục về đây.

Thằng bé ba tuổi đi tìm mẹ, ngang qua một căn nhà đang xây cất và một bức tường đã đổ ập xuống. Xác vùi trong đống gạch vụn và hồ vữa.

— Em trốn về nhưng không dám về nhà, chưa gặp con. Trong túi em không có một đồng nào. Không có gì cả ngoài tờ giấy ghi địa chỉ mà hồi đó chị đã cho em khi cùng anh Bảo đến thăm.

Ngọc tỉnh ngủ. Bù Khú Tiên Sinh cũng ngồi dậy.

@

Mất ba tiếng đồng hồ chở nhau trên chiếc xe máy cũ kỹ. Cuối cùng họ cũng nhìn thấy lá cờ phướn.

— Cháu xuống đây, ngồi quán nước. Bác xem tình hình thế nào sẽ ra hiệu cho cháu vô. Nhưng cứ đóng vai một người ăn mày.

Nhung chọn gốc cây có bóng mát, uống nước trong cái chai nhựa.

Bù Khú đã vào trong nhà có đám tang và xưng là cậu của bé Nhung. Ông ngồi uống trà để quan sát xem trong số khách đến viếng có công an giả trang không rồi bước ra ngoài rào, giả cách đi tiểu để ra hiệu cho Nhung. Nhung kéo sụp cái nón cời, đi thẳng ra nhà sau gặp mẹ chồng đang ngồi thút thít trên bộ ván.

— Chị là ai? Mẹ chồng hỏi.

Nhung ghé sát tai bà:

— Con Nhung đây. Con trốn về thăm cháu nên phải giữ bí mật. Thế nào trên trại giam họ cũng theo dõi.

Bà nội thôi khóc, chỉ nói: tội nghiệp con. Rồi đứng dậy đốt cây nhang đưa cho con dâu. Nhung đến bên quan tài con, đưa tay che mặt lại, nước mắt trào ra kẽ ngón tay, tiếng khóc bị chặn lại trong cổ họng làm rung chuyển tấm thân cằn cỗi. Người mẹ khô quắc ấy sụp lạy trước quan tài con không biết bao nhiêu lần, rồi nằm bẹp xuống chiếu, không muốn dậy nữa.

Bù Khú đến đỡ cô gái dậy, lau nước mắt và dìu cô ra nhà sau. Ông dặn bà nội:

— Đưa cổ vào trong buồng.

Nhưng trước cửa đã nghe chộn rộn. Có mấy người lạ vừa bước vô nhìn ngang liếc dọc.

— Người đàn bà khóc lóc trước quan tài lúc nãy đâu rối?

Bà nội móc miếng trầu trong miệng ra cầm trên tay.

— Các ông là ai? Không biết nhà đang có tang sao?

Ngưới lạ nói xin lỗi rồi đi thẳng ra nhà sau. Lúc ấy Bù Khú Tiên Sinh đã dẫn Nhung chạy vào rừng cao su sau nhà. Một trong những kẻ lạ la lên:

— Nó chạy vô rừng rồi.

Lập tức ba kẻ lạ mặt băng vào rừng nhưng chỉ nghe tiếng xe máy mà không thấy người. Bọn họ liền chạy ra cổng lấy xe đuổi theo. Đường đất đỏ lởm chởm vụn đá ong, xe gầm rú. Bù Khú luồn lách trong rừng, bay qua những bãi lầy. Nhung ôm eo ếch chặt cứng, ông già nhìn thấy một lối mòn nhỏ trong đám mì liền băng đại vô, theo lối mòn của rừng khộp, thẳng ra đường nhựa.

Những kẻ săn đuổi dừng lại giữa ngả tư, không biết nên rẽ hướng nào.

Lúc ấy Bù Khú nhắm hướng Sài Gòn, hoà trong dòng xe cộ mà chạy. Lát sau có tiếng còi xe lửa, tiên sinh bèn tìm lối tắt phóng tới. Một cái ga nhỏ lộ diện trong nắng quái, cô quạnh như chốn không người.

 

6.

 

Buổi sáng Nhung dậy sớm quét sân và nấu trà. Hai chú cháu ngồi ăn sáng dưới gốc cây bồ đề.

Bù Khú hỏi:

— Ba cháu đâu?

— Ổng ở Sài Gòn này nhưng con không dám gặp.

— Tại sao?

— Vì mỗi lần gặp là ổng la lối. Sai lính đuổi đi. Ổng nói: tao không có đứa con như mày.

— Bộ ổng làm quan lớn sao?

— Làm Giám Đốc Sở.

— Thế anh Bảo của cháu ở Mỹ về, ổng có tiếp không?

— Anh Bảo thì khác. Ảnh không thèm gặp mặt ổng. Ảnh nói: ổng không phải ba tao. Ổng đã bỏ mẹ, đi theo vợ bé. Có một bầy con khác. Gặp ổng làm gì. Gặp ổng thì phải giết ổng.

Bù Khú đưa ly cà-phê cho Nhung nhưng cô gái lắc đầu, mặt tái xanh.

— Chú cho con một ly nước đường.

Bù Khú đi lấy đường cho nó, khi trở ra đã thấy nó run rẩy. Nó níu lấy cánh tay Bù Khú, nhoài người tới chụp ly nước đường uống ừng ực. Nó nằm xuống cái băng dài, co lại như con khỉ già. Bù Khú đến ngồi cạnh, giữ cánh tay nó, nhưng nó vẫn không hết run rẩy nên tiên sinh phải bế nó vào trong am, đặt lên giường và đắp mền lại. Ông ngồi với nó một lúc và vuốt tóc nó cho đến khi cơn co giật dịu xuống.

Nhung ngủ cho tới tối và Bù Khú không đánh thức nó. Ông lại võng nằm, lắng nghe nước triều bắt đầu lên. Khoảng nửa đêm tiên sinh tỉnh dậy vì tiếng chân rượt đuổi nhau ngoài bờ sông. Rồi súng nổ. Con chó nhỏ sủa mấy tiếng rồi im. Tiếng chân cũng xa dần. Im lặng trở lại. Con nước mon men đến, trườn lên những bụi dừa nước.

Bù Khú nhìn ra bờ sông và thấy một cái bóng. Nó lom khom, dáo dác. Rồi nó đến sát võng của ông.

Bù Khú cứ nằm im hút thuốc. Ông hỏi:

— Nãy giờ trốn dưới sông phải không?

— Dạ.

— Mày làm gì mà bị lính nó rượt?

— Dạ... giựt đồ.

— Túi xách hả?

— Dạ, phải.

— Túi xách đâu?

— Con ném trả lại, tụi nó mới không đuổi nữa.

Tiên sinh xuống võng. Ra hiệu cho thằng bé ra sau nhà.

— Mày tên gì?

— Cháu tên Tùng.

Tiên sinh chỉ cho Tùng cái vòi nước, bảo nó tắm rồi trở vô bếp dọn cơm lên bàn. Tùng từ ngoài đêm bước vô bếp, lấy tay che mặt.

— Bỏ tay ra đi!

Hai bàn tay rời ra, để lộ một khuôn mặt biến dạng, tím bầm và đầy máu. Máu từ trong miệng ứa ra, không cầm lại được. Mắt bên trái quầng đen, trên trán có một vết thương dài như ngón tay, hai má rướm máu.

— Sao máu miệng trào ra hoài vậy?

— Con bị gãy răng. Họ đánh dùi cui vô mặt con. Còn những vết thương khác là do bị tát và đấm bằng nắm đấm.

— Sao chạy thoát được?

— Khi họ dẫn con đi ngang qua xóm lao động thì con chạy vô hẻm, thẳng ra bờ sông.

Bù Khú bới cơm cho thằng bé. Nó nhai nuốt rất khó khăn vì những đòn thù đều tập trung trên mặt. Bỗng nhiên nó hỏi:

— Bác có rượu không?

— Mày nghiện rượu hả?

— Con lạnh.

Bù Khú lấy xị đế đưa cho nó. Nó tu một hơi hết nửa xị.

 

[còn tiếp 13 chương]

 

 

------------

Đã đăng:

BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 1 & 2]  (tiểu thuyết) 
Có người nọ không rõ quê quán ở đâu, học vấn thế nào, về đất Phú Xuân cất một cái am bên nhánh sông vắng vẻ, ở chung với một con chó. Tiên sinh không giao du với ai, trong nhà cũng chẳng có ti-vi, điện thoại. Không nghe tiếng nhạc, cũng vắng tiếng người. Lâu lâu mới có tiếng chó kêu ăng ẳng vì mừng rỡ. Tuyệt nhiên không có tiếng sủa... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 3]  (tiểu thuyết) 
... “Các ông đừng quan trọng hoá mình. Bởi vì cuộc chiến này không phải của các ông đâu. Cuộc chiến này là của những người lính, những người đã chết và đang chết. Các ông chỉ là bọn ăn theo.” Bù Khú cầm ngang khẩu súng trước bụng. Thủ Trưởng hoảng hốt lùi lại. Bắn không? Ngón tay trỏ của Bù Khú nóng rực trên cò súng, tròng mắt muốn lòi ra, răng cắn vào môi bật máu... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 4]  (tiểu thuyết) 
... Đó là lần “nhỡ tàu” cay đắng và bẽ bàng nhất. Bây giờ, mỗi khi có chuyến tàu dừng lại là em sợ. Bảo im lặng. Anh ngắm những con cá chép đang nổi trôi quanh hòn giả sơn. Ngọc ơi, những con cá này không suy nghĩ gì cả, chúng rỗng không và vô định. Em hãy nhìn chúng và quên hết những chuyện ấy đi. Đừng sợ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021