thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 11]

 

Đã đăng: [chương 1 & 2] - [3]

 

11.

 

Một nhà sư trẻ, cao lớn, đầu cạo trọc lởm chởm, chạy xe từ ngoài cổng thẳng tới chỗ Bù Khú đang ngồi.

— Mẹ mất rồi.

Bù Khú chỉ kịp xỏ chân vô đôi xăng-đan, rồi hai cha con chạy xe ra cổng.

Đó là một đám tang im lặng, không kèn không trống, không tụng kinh gõ mõ, chỉ lan toả một dòng nhạc êm dịu của dân ca Nga, giai điệu buồn, trầm ấm mà lúc sinh thời người chết rất ưa thích. Bà nói: em đã bỏ đạo để về với trần tục thì sẽ chết như một người trần tục. Ảnh trên bàn thờ chụp khi Bắc sinh con được 8 tháng, mặc đồng phục tiếp viên hàng không. Khi Bù Khú thắp nhang trước linh cữu, ông thấy đôi mắt Bắc ngước lên nhìn ông, mày rậm, mắt một mí.

Toà cao ốc đứng sừng sững trong một khu đất khuất tịch, cảnh trí chung quanh như một tiểu thiên địa, có cây, có đá, có dòng suối nhân tạo róc rách. Một đám tang thanh bình, một khoảng sân rộng và mát. Không ai khóc.

Hôm cuối cùng, Bù Khú đến viếng Bắc ở bệnh viện Chợ Rẫy. Một cơn hấp hối kéo dài trong đau đớn, nhọc nhằn. Mê và tỉnh xen kẽ nhau. Cứ mỗi lần tỉnh lại, Bắc hỏi:

“Anh còn nhớ hôm đó trời mưa không?” Rồi không nói được nữa. Lại rơi vào mê sảng. Khi tỉnh dậy lại hỏi: “Anh còn nhớ hôm đó trời mưa không?”

@

Chỉ là một cơn mưa nhỏ, nhưng vì Bắc không mang áo mưa nên ướt tóc. Cô giấu cái túi xách trong áo gió.

— Em chạy thẳng từ phi trường về đây.

Bù Khú ngồi vào máy tính, cô nhân viên bán hàng nhận số mỹ phẩm Bắc đem về, bóc tờ hướng dẫn ra đưa cho Bù Khú. Anh dịch. Trời tối hẳn, mưa càng lúc càng dữ dội, từ trong cửa kính nhìn ra thấy mặt đường trắng xoá. Lá phượng rụng, trôi theo những dòng nước nhỏ.

Bù Khú hoàn tất công việc dịch thuật rất nhanh và Bắc cũng đã sấy khô tóc. Bù Khú nói:

— Mưa không trói buộc, nhưng cũng giữ được khách ở lại rồi.

Bắc hỏi:

— Hình như đó là ý của một câu thơ, đúng không?

— Đúng. Cổ thi hay nhắc đến mưa. Nổi tiếng nhất là bài “Dạ vũ ký Bắc” của Lý Thương Ẩn.

— Tên bài thơ đó có nghĩa là gì?

— Tạm dịch là: Mưa đêm nhớ đến cô Bắc.

Bắc cười khúc khích:

— Em và Lý Thương Ẩn sống cách nhau cả ngàn năm sao ông ta nhớ em được?

— Anh không biết. Có khi ổng yêu em từ kiếp trước thì sao? “Quân vấn quy kỳ, vị hữu kỳ. Ba Sơn dạ vũ trướng thu trì. Hà đương cộng tiễn tây song chúc. Bất thuyết Ba Sơn dạ vũ thì”.

— Anh dịch đi.

—Tạm dịch: Anh hỏi em, máy bay từ Paris về lúc nào? Em đáp chưa biết. Mưa đêm trên núi Ba Sơn đầy tràn mặt ao. Biết bao giờ chúng ta mới được cùng nhau ngồi chong đèn bên cửa sổ. Cùng trò chuyện về những đêm mưa?

Cô tiếp viên hàng không lại cười:

— Dịch xạo quá ông ơi. Nhưng đó là một bản dịch hay. Em sẽ nhớ cái tên Lý Thương Ẩn này. Ông ta là ai vậy?

— Một thi sĩ đời Đường, ông ta là người Hà Nội.

— Hà Nội? Anh lại lái sang em nữa rồi! Em là người Hà Nội nè.

— Ở bên Tàu cũng có “Hà Nội”, thuộc tỉnh Hà Nam.

— Sao anh quan tâm đến Lý Thương Ẩn quá vậy?

— Anh quan tâm đến những gì có liên quan tới Bắc.

— Tại sao?

— Trong bốn hướng Đông Tây Nam Bắc thì hướng Bắc là quan trọng nhất

— Gì nữa?

— Và kim la bàn lúc nào cũng chỉ hướng Bắc.

Đại khái đó là những câu mà Bù Khú dùng để tán tỉnh cô tiếp viên hàng không.

Một tháng sau ông chủ shop mỹ phẩm gọi Bù Khú đến:

— Tôi cho anh đi Pháp, anh đi không?

— Đi liền, nhưng để làm gì?

— Mua mỹ phẩm.

— Có biết đường sá đâu mà đi.

— Anh quên cô Bắc rồi sao?

— Nhưng cổ có rảnh đâu.

— Cổ có thể mua mỹ phẩm cho mình thì cũng có thể dẫn anh đi được.

Rồi ông đưa cho Bù Khú một danh sách toàn kem dưỡng da, kem tẩy trắng, trị nám, kem trẻ hoá da... Những sản phẩm ấy Bù Khú đã dịch hàng trăm lần, thuộc lòng.

Anh gọi điện cho Bắc. Bắc nói sẵn lòng giúp. Nhưng...

— Có vẻ như anh sẽ cạnh tranh với em.

— Đừng quan tâm. Lâu nay em chỉ mua giúp cho shop mấy hộp thôi mà, còn bây giờ anh mua nhiều.

Chuyến ấy cửa hàng giao cho Bù Khú mười lăm ngàn đô.

— Mua nhiều quá làm sao đem qua cửa khẩu?

— Chuyện đó để tiếp viên hàng không lo.

Thật chu đáo. Good! Anh bắt tay Bắc và hôn nhẹ lên má.

Đó là những ngày rất hạnh phúc ở Paris. Tuyết rơi đầy trời. Quảng trường Trocadéro, Champs Élysées, thánh đường Sacré-Coeur trắng xoá trên đồi, những khu rừng rụng hết lá và những vòi nước phun đông cứng ở điện Versailles, vòng xoay Périphérique ngập trong hơi nước và gió lạnh... Hai người ủ tay nhau nơi ghế đá khuôn viên nhà trờ Notre Dame, những con chim bồ câu bay lên như đám mây, chim sẻ đậu trên những ngón tay của Bắc đòi ăn...

Buổi chiều họ đem mỹ phẩm về một khách sạn bình dân gần phi trường Charles De Gaulle.

Tối đó lạnh quá, lò sưởi không đủ ấm. Bù Khú uống Cognacliên tục và ép Bắc uống bằng những chai échantillons lấy trên máy bay nhưng hai người vẫn lạnh run. Tuyết cứ rơi hững hờ, trôi dạt lấp lánh bên ngoài khung cửa trắng xoá, bất tận.

Bắc nói:

— Lý Thương Ẩn thường mơ ước được cùng người yêu chong đèn bên cửa sổ để nhắc lại kỷ niệm về những đêm mưa trên núi Ba Sơn. Còn ở Paris là mưa tuyết đầy trời chẳng lẽ Bù Khú Tiên Sinh không có hứng thú chong một ngọn đèn bên cửa sổ hay sao?

— Chong đèn thì được nhưng nhắc lại những kỷ niệm xưa thì không, vì lạnh quá, run lập cập, hai hàm răng va vào nhau, sao có thể tâm sự được.

Bù Khú xé những thùng mỹ phẩm thừa ném vô lò sưởi mà vẫn lạnh run. Chỉ còn cách ôm nhau. Ôm lỏng tay cũng lạnh. Phải ôm chặt, phải siết lại. Hai môi gắn chặt. Và một mầm sống đã xuất hiện trong căn phòng lạnh lẽo đó.

Khi biết tin ấy, ba của Bắc nổi giận:

— Không chấp nhận. Nó là một thằng Việt cộng.

— Ảnh là một trí thức. Không phải Việt cộng.

— Ba không cần biết. Ba không thích Việt cộng. Ngày trước chúng nó đấu tố ông nội con đến chết chỉ vì ông là địa chủ. Địa chủ cái nỗi gì! So với một thằng chủ tịch xã bây giờ tài sản đất đai của nó gấp trăm lần!

— Thưa ba, ảnh rất nghèo. Đi xe đạp, ở trong một chung cư tồi tàn.

— Con là tiếp viên hàng không trẻ đẹp như thế, sao phải lấy một thằng Việt cộng nghèo? Hãy bỏ cái thai ấy đi!

Nhưng hai người vẫn sống chung với nhau trong bảy năm, và cái thai đã trở thành một thằng bé lanh lợi, khoẻ mạnh. Không ai biết sau này nó là nhà sư.

Hai người đã chia tay vì cái gì? Vì nghèo khó hay vì tính cách ngông cuồng của Bù Khú? Đứa con trai ở với mẹ một thời gian thì Bắc gởi nó lên chùa. Rồi đến lượt Bắc. Nghe nói đường tình duyên lại trắc trở nên cô xuất gia vào sống trong chùa với con.

Mấy năm sau có người bạn đến báo tin: Bắc đang nằm ở Chợ Rẫy. Bù Khú đến một mình. Phòng đông nghẹt bệnh nhân. Hai người phải gặp nhau ngoài hành lang. Hành lang cũng đông người. Bắc mặc đồng phục trắng của bệnh viên, xanh xao, hiu hắt. Bù Khú hỏi:

“Chồng em đâu?”

Bắc chỉ lắc đầu. Anh cầm bàn tay nhỏ nhắn của Bắc, áp mặt mình lên đó. Nước mắt rớt trong lòng bàn tay gầy yếu trắng xanh của cô gái Hà Nội.

“Em có còn nhớ bài Dạ Vũ Ký Bắc không?”

“Em chỉ nhớ bản dịch của anh. Anh hỏi em, máy bay từ Paris về lúc nào? Em đáp chưa biết. Mưa đêm trên núi Ba Sơn đầy tràn mặt ao. Biết bao giờ chúng ta mới được cùng nhau ngồi chong đèn bên cửa sổ. Cùng trò chuyện về những đêm mưa?

Bù Khú xoa đầu ngón tay lên vết đỏ có hình cánh bướm trên má của Bắc, hỏi:

“Bệnh lupus là bệnh gì vậy?”

“Bệnh đó không chữa được anh ạ. Người ta tính đưa em sang Mỹ để thử nghiệm một loại thuốc mới.”

Và cuộc thí nghiệm đó đã không thành công.

@

Hai cha con ngồi đối diện nhau. Bù Khú hỏi:

— Ở trong chùa con có ổn định không?

— Con vẫn bình thường. Còn cha, cha có còn uống nhiều rượu không?

— Vẫn uống. Đời chẳng có gì vui con ạ. Hôm nay “bố dượng” có đến không?

— Ông ta đang ngồi ở ngay trước quan tài đó.

Bù Khú nhìn về hướng ấy, bắt gặp đôi mắt đỏ hoe cũng đang nhìn về phía mình. Rồi người đó đứng lên, đi lại phía hai cha con Bù Khú. Đứa con gái của ông cũng đến chào. Bù Khú hỏi:

— Con đã thắp hương cho mẹ chưa?

— Dạ.

Con bé cũng cận thị như ba nó. Việc chào hỏi xảy ra trong vài phút. Nhẹ nhàng và cũng không có gì khách sáo. Người đàn ông đó, cho đến giờ Bù Khú cũng không biết tên là gì, làm nghề gì, mười mấy năm trước chỉ nghe một người bạn nói: tao gặp một thằng cha đeo kính cận chở con vợ mày đi chơi ở vùng quê tận Nhà Bè. Tối đó Bù Khú hỏi: có đúng vậy không? Bắc đáp “có”. Và từ đó Tiên sinh không nói gì nữa. Ngôn ngữ bị loại bỏ khỏi căn phòng tồi tàn mà người ta đã cấp cho Bù Khú khi mới giải phóng. Một năm sau hai người ly hôn. Một năm sau nữa cậu con trai đi tu. Rồi đến lượt Bắc cũng vô chùa. Game over! Chấm dứt kết nối.

Nhưng Bù Khú không trách cứ, cũng không buồn. Vì đó là lỗi của ông. Ông đã tự thổi tắt ánh hào quang của mình: người trí thức đi kháng chiến, một chàng hiệp sĩ.

Tắt hào quang rồi ông trở thành một anh đồ gàn khó tính. Và thất nghiệp.

Nhiều năm sau, Bù Khú lên chùa thăm, Bắc nói:

“Phải chi Lý Thương Ẩn không có bài Dạ Vũ Ký Bắc. Phải chi chúng ta không đi Paris với nhau.”

Rồi bà lấy cây bút lông và một tờ giấy. Bà ngồi lại bàn, sửa thế ngồi cho ngay ngắn. Bà nói:

“Em có học một ít chữ Hán. Hôm nay em sẽ chép tặng anh hai câu của Giả Đảo để làm kỷ niệm”.

Rồi Bắc cầm cây bút lông, nét chữ thảo rất khoáng hoạt.

Quái cầm đề khoáng dã

Lạc nhật khủng hành nhân

(Chim lạ kêu giữa đồng trống. Nắng tắt làm kinh sợ người đi )

Bà đưa hai câu thơ cho Bú Khú. Từ đó họ không gặp lại nhau nữa. Lúc ấy Bù Khú nghĩ: chắc có lời nhắn nào trong hai câu cổ thi đó, nhưng bây giờ thì nó đã mất rồi, lời nhắn, dẫu có, cũng chỉ là mây khói.

@

Người đàn bà thứ hai bước vào cuộc đời Bù Khú rất tình cờ. Bù Khú vẫn còn sống trong cái ổ chuột trên tầng bảy của cái chung cư rách nát ấy nhưng hắn đã xin được một chân cộng tác viên cho báo phụ nữ. Hắn giữ mục Hướng Dẫn Làm Đẹp. Ngày nọ hắn nhận được một thư độc giả hỏi về cách trị mụn. Hắn trả lời rất chi tiết về nguyên nhân mụn, cách chữa trị, cách ăn uống phù hợp và còn giới thiệu những mỹ phẩm hiệu quả.

Một tháng sau Bù Khú nhận được thư của cô độc giả nọ mời đi uống cà-phê. Hôm đó hắn gặp hai cô gái. Hai cô ở chung nhà, cô độc giả là thợ may tên Kim còn cô bạn tên Thuý, không rõ làm nghề gì.

Hắn đến nhà Kim chơi vài lần, có ý muốn gặp lại Thuý nhưng cứ vắng mặt hoài. Ngày nọ Kim mời hắn đến ăn trưa và hắn đã gặp Thuý.

Thuý nói:

— Chắc bữa đó em đi duỗi tóc nên anh không gặp. Hôm nào ba anh em mình đi bowling.

Nhưng tốc độ thân mật giữa Bù Khú và Thuý còn nhanh hơn trái banh bô-linh nhiều. Thức ăn đang nấu thì phát hiện còn thiếu vài món gia vị. Kim nói:

— Thuý ở nhà bắc dùm nồi nước, mình đi chợ.

Kim ra khỏi nhà chừng ba mươi giây thì Thuý đi tắm. Bù Khú ngồi trong bếp gọt dưa chuột. Tự nhiên nghe tiếng gọi:

— Kim ơi! Đưa giùm mình cái khăn tắm.

Bù Khú nói:

— Kim đi chợ rồi. Chỉ còn mình anh thôi.

— Vậy sao? Xin lỗi nha!

Nhưng Bù Khú đã đem khăn lại cửa phòng tắm.

— Em có nhờ anh đâu.

— Nhưng em đang cần khăn mà.

Bù Khú đẩy nhẹ cánh cửa. Nó không cài chốt bên trong. Hắn nhìn thấy một vầng hào quang sáng rực. Hắn bước vô. Thuý hỏi:

— Vô đây làm gì?

— Lau mình cho em.

Rồi hắn quỳ xuống, thấm nước giữa hai đùi của Thuý. Thuý cười khúc khích.

— Không được đâu. Anh ra đi. Kim nó về bây giờ.

— Chưa về đâu. Kim đi bộ ra chợ mà.

— Nhưng em không thích chụp giựt. Hẹn ngày mai ở một nơi khác. Hôm nay em chỉ muốn khoe với anh một chút thôi.

@

Vậy đó. Nhưng hắn yêu Thuý. Thuý ơi, dù em có làm gái điếm một ngàn năm anh vẫn tôn thờ em. Em luôn rực rỡ, cao quý và thần thánh. Tại sao không? Thế ai mới là thần thánh? Người vợ trước của anh là một tiếp viên hàng không, một trí thức, một nữ tu sĩ, những người vợ sau này của anh có người là bác sĩ, có người là nhà văn, họ có thể cư xử lịch thiệp hơn em nhưng để làm gì?

Trong một xã hội mà guồng máy toàn là bọn ăn chặn, bọn móc ngoặc, bọn đầu trộm đuôi cướp thì gái điếm vẫn là một nghề trong sạch và cao quý hơn nhiều.

Nếu đem em ra so sánh với bọn họ thì em là một thiên thần. Em đáng được dựng tượng trên quảng trường thành phố.

Thuý làm việc ở vũ trường đến một hai giờ sáng, có đêm đi khách xong trở về mệt rã rời nhưng không dám ngủ. Cứ nằm lơ mơ một lúc thì trong đầu lại vang lên: Đi tắm! Phải dậy tắm rồi mới được ngủ! Và Thuý vùng dậy. Tắm xong, ngủ đắm đuối tới trưa hôm sau. Lúc đó Bú Khú đến và hai người đi ăn, xong vô khách sạn nằm với nhau đến chiều thì chở nhau ra phố.

Quán đông khách nhưng hai người vẫn tìm được chỗ trống. Đây là giờ tan sở. Những ông chồng tấp vào. Những gã áp-phe tấp vào. Dân chơi tấp vào. Ăn tục nói phét, chửi thề, la hét. Chuông điện thoại di động. Tiếng nổ của bao ny-lông đựng khăn ướt. Một, hai, ba, dô! Thỉnh thoảng chúng dừng lại vài phút, chỉ còn một thứ giọng rầm rì tạp nham, rối rắm như tiếng ong, tiếng ruồi vo ve, như tiếng hỗn tạp của chợ búa.

— Đông quá, — Thuý nói, — em muốn đi chỗ khác.

Nhưng hai thằng đàn ông ở bàn kế bên đã bước tới, mỗi thằng cầm một ly bia. Một thằng nói:

— Chào em. Em có nhớ anh không?

— Xin lỗi, — Thuý né người qua một bên, — ông lầm người rồi.

— Sao lầm được hả, Thuý? Mới tối hôm qua đã quên sao?

Thuý kéo tay Bù Khú đứng dậy, tiến lại quầy tính tiền nhưng hai gã đàn ông cũng bước theo.

Bù Khú chụp tay lên vai gã:

— Mày là cái đồ rác rưởi!

Gã nọ quay lại, trừng mắt.

Bù Khú chụp lấy chai bia trên bàn xáng vô mặt gã. Gã ôm mặt. Máu rịn ra kẽ ngón tay. Lập tức tên thứ hai đấm đá túi bụi. Thêm hai tên nữa chạy đến. Bù Khú bị đè xẹp lép dưới nền gạch cho đến khi bảo vệ nhà hàng đến can thiệp, đưa Bù Khú đi bệnh viện.

@

— Đó là lỗi của anh. — Bù Khú nói. — Lẽ ra anh không nên đưa em vào chỗ đông người. Lẽ ra anh phải lường trước được tình huống đó.

Thuý khóc thút thít:

— Em không muốn đi làm nữa. Em thấy nhục nhã. Lúc đó em chỉ muốn chết.

— Hãy nằm xuống bên cạnh anh đi. Anh sẽ kể em nghe một câu chuyện.

Thuý nằm xuống, nghiêng người hôn lên những vết bầm trên mặt Bù Khú. Chảy nước mắt. Bù Khú nói:

— Em là người có Đạo. Em biết người đàn bà nào tên là Mađalêna không?

— Đó là người đàn bà ngoại tình bị công chúng ném đá.

— Đúng vậy. Đám người nọ nói với Giêsu: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?”

Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Gioan (8:3-11)

Thuý nói:

— Câu chuyện này em đã từng nghe giảng ở nhà thờ.

— Nhưng anh lại muốn kể em nghe một câu chuyện khác về bà Mađalêna. Chuyện này không có trong Kinh Thánh, nó là câu chuyện do nhà văn Nikos Kazantzaki kể và đạo diễn Martin Scorcese dựng thành phim năm 1988. Anh đã xem cuốn phim đó. Phim mô tả Mađalêna là một cô gái điếm và Giêsu rất yêu cô. Ngày nọ, trước khi đi vào sa mạc để được mặc khải tin lành từ đức Chúa Cha, Giêsu đã đi tìm Mađalêna. Ngài đến khu nhà chứa nơi Mađalêna hành nghề. Đó là một căn phòng khá chật hẹp có kê mấy cái ghế dài và thấp. Năm sáu khách làng chơi đang ngồi chờ đến phiên mình. Bên trong là một cái giường có che tấm màn mỏng. Mađalêna đang “đi khách” với một gã người Ả Rập, những động tác hành lạc của hai người ẩn hiện sau tấm màn voan mỏng ấy. Chúa Giêsu kiên nhẫn ngồi chờ bên cạnh một gã da đen. Ngài trầm lặng, nhẫn nhục và thương cảm. Ngài ngồi im như một tượng đá. Rồi cuộc hành lạc cũng xong, một người khách khác lại đến, vén bức màn voan bước lên giường. Đến lượt gã da đen ngồi cạnh Giêsu. Gã bước lên giường và làm tình một cách thô bạo. Da hắn đen như than, người mướt mồ hôi, hơi thở hổn hển. Giêsu ôm mặt, nhưng ngài không khóc.

Đến lượt Giêsu. Ngài cũng vén bức màn và ngồi xuống mép giường. Mađalêna kinh ngạc nhìn ngài. Bà hỏi: “Sao anh lại đến đây?” “Anh đến để từ biệt em,” “Anh sẽ đi đâu?” “Đức Chúa Cha đã gọi anh vào sa mạc.”

— Tại sao ông nhà văn ấy lại viết về Chúa Giêsu như vậy?

— Vì ông ta xem Chúa như một con người chứ không phải là một thần thánh. Đức Giêsu của Nikos Kazantzakis không phải là Đức Giêsu của người Kitô hữu. Đó là Giêsu của riêng nhà văn. Anh muốn kết hợp Kinh Thánh và Kazantzakis để nói với em rằng trên thế gian này cũng có những cô gái hành nghề như Mađalêna mà vẫn được coi như một vị thánh, vẫn được Giáo Hội tôn vinh hàng năm để nhắc nhở cho nhân loại rằng: đời con người được đánh giá bằng sự thành thật, được ghi dấu bằng tình yêu chung thuỷ.

Thuý lau nước mắt, nghiêng người ôm lấy Bù Khú. Cám ơn anh đã an ủi em. Nàng nhắm mắt lại, cảm thấy được nương tựa, được ân sủng. Hai người cứ nằm im như thế rất lâu. Rồi một cô bé mười sáu tuổi hiện ra trong giấc chiêm bao. Một buổi sáng. Chiếc xe đạp xiêu vẹo chở một giỏ trái cây to. Mẹ cầm lái, cô bé đẩy xe. Tấm ny-lông trải trên nền đất. Chợ chồm hổm tràn ra con đường đất. Xe đạp, chó, heo và những con bò đi lạc. Có những lúc cố bé mười sáu tuổi phải chở trái cây một mình. Chiếc giỏ cồng kềnh cột chặt sau yên xe, vành giỏ nghiến vào lưng. Cố đạp xe đến chợ, khi dỡ cái giỏ ra thì lưng rớm máu, tím bầm. Ngày này qua ngày khác, chỗ ấy thành một cái sẹo, tồn tại cho đến bây giờ.

Nước mắt vẫn chảy trong giấc chiêm bao chập chờn ấy. Bến phà Mỹ Thuận đông nghẹt người và xe. Tiếng động cuồn cuộn bất tận. Cô gái mười tuổi ốm yếu, đội cái nón cời, đi chân đất. Gió phần phật, chiếc nón cời bay vụt lên cao như cánh diều, lượn lờ trên khoảng trời nám khói rồi rơi xuống nước. Chiếc nón lá không có giá trị gì vậy mà đứng khóc. Có người đàn ông ăn mặc sang trọng đến, mua cho mười tấm vé số và nói: cháu xinh lắm, lớn lên cháu sẽ thành cô hoa hậu.

Nhưng cô bé đã không thành hoa hậu mà thành vũ nữ. Mười tám tuổi, có người giới thiệu vô làm bồi bàn một nhà hàng nổi ở bến Bạch Đằng. Đó là con đường dẫn tới vũ trường. Bây giờ thì đẹp đẽ, sang trọng như một người mẫu, nhưng vết sẹo trên lưng thì vẫn còn. Và vết thương trong tâm hồn càng ngày càng đau.

Thuý nói mê trong giấc ngủ. Bù Khú ôm lấy cô, vuốt mái tóc, vỗ về cô như đứa con khờ dại. Anh yêu em. Anh yêu em mà! Đừng buồn nữa. Thuý tỉnh lại. Mở mắt. Cô dụi mặt mình vào vồng ngực rướm máu của người đàn ông trung niên. Cô hỏi như một hơi thở: Bù Khú ơi, anh có phải là Chúa Giêsu không? Nếu em muốn thì anh sẽ cố gắng làm Chúa Giêsu của em, chỉ của riêng em thôi. Cũng giống như Giêsu của Kazantzakis vậy. Thuý cười, liếm những vết thương trên ngực Bù Khú như con chó nhỏ.

@

Một tuần sau, những vết thương của Bù Khú đã lành, họ trở lại nhịp sống cũ. Buổi trưa trong khách sạn Bù Khú nằm ngắm Thuý. Anh nói:

— Thật giống như cái pháo bông.

— Cái gì giống?

Bù Khú xoè hai bàn tay ra, vẽ trong khoảng không giữa hai người:

— Từ phía dưới mọc lên thật rậm, rồi xoè ra hai bên, ép sát vào da thịt, toả ra nhiều nhánh đen nháy như huyền ngọc, lấp lánh. Giống hệt cái pháo bông em ạ. Anh chưa từng thấy có người đàn bà nào lại toả ra như pháo bông vậy. Chùm pháo bông ấy là một kỳ quan của nhân loại.

Thuý cười ngặt nghẽo:

— Khùng quá ông ơi!

— Không khùng đâu. Phải là một thiên tài mới nhìn thấy cái pháo bông của em.

Thuý hôn để cám ơn “thiên tài” của mình. Khi mọi thứ đã lắng xuống, Bù Khú cứ cầm bàn tay của Thuý mà hôn hoài. Anh nói:

— Có lẽ em phải bỏ nghề này thôi Thuý ạ. Anh không coi thường nó nhưng nó làm em mất sức. Em sẽ ngã bệnh.

Nhưng Thuý không thể bỏ nghề. Vì cô đã quyết tâm đưa gia đình ra khỏi kiếp lầm than. Bù Khú cũng quyết tâm làm một cái gì đó cho Thuý. Ngày Tết anh đưa Thuý về Hậu Giang. Thuý nói:

— Nhà nghèo lắm. Anh không thể tưởng tượng được đâu. Thân lắm em mới đưa anh về, không thì mắc cỡ chết được.

Về làng. Không phải làng mà là một cái xó. Và ở miền Tây có hàng ngàn cái xó như vậy. Chúng nằm trong kẹt của đất nước. Chỉ là thứ bãi bồi, những rẻo đất bùn lầy, lởm chởm, hầm hố... rải rác giữa vùng sông rạch chằng chịt. Những mái lá thấp bé lẩn khuất trong cây lá trong ruộng đồng, trong cỏ lát. Những con người sạm đen tối ngày ngây ngất trong men rượu gạo đục ngầu, không gian lạch bạch tiếng ghe máy, tiếng vịt kêu. Mái lá trống, rách nát. Nền đất đen, mấp mô, bếp lửa đen kịt khói và bồ hóng. Những chiếc võng rách vá víu, những chiếc giường tre và manh chiếu cũ mòn.

Thuý hỏi:

— Thấy nhà đẹp không?

Bù Khú ngậm ngùi, ông chỉ nói:

— Anh thương em lắm.

Có chiếc ghe máy đậu lại bến sông. Ba người đàn ông dìu nhau lên bờ. Hình như họ đang nhậu dở dang ở đâu đó. Ông già của Thuý vỗ vai Bù Khú:

— Này chú em. Vô đây.

Các thứ được bày ra trên bộ ván. Cuộc sống đơn giản hoá, thành một tập tính của động vật. Mỗi ngày họ tìm đến nhau, ngồi trên bộ ván, mấy con khô, một dĩa xoài, bình rượu. Không quan tâm đến quần áo, giày dép. Họ đi chân đất, ở trần. Họ nói những câu chuyện giống nhau, họ lập lại những điều đã nói, họ la hét, cười khóc và hỉ mũi. Họ không biết gì đến những cuộc sống khác, những thế giới khác, những loài người khác. Họ không quan tâm đến nhà cửa, những tiện nghi vật chất. Những mái lá cứ xơ xác, xiêu đổ. Gió xô sập rồi lại mọc lên, đơn giản như cái ổ gà.

Sáng sớm Thuý thức dậy trên chiếc giường tre ọp ẹp, mùng màn treo toòng teng, quần jean, áo sơ-mi mắc lộn xộn. Bù Khú biết cô đã thức dậy nhưng còn đang nằm trong cái đống bùi nhùi đó. Anh lòn qua mấy cái quần, vén mùng lên. Thuý uốn mình như con báo cái uyển chuyển. Thuý vẫn đẹp rực rỡ trong đống giẻ rách ấy nhưng anh không dám ôm hôn. Và Thuý cũng không vít đầu anh xuống như những lần ở khách sạn. Bù Khú chần chừ, ngại ngùng. Thuý hỏi:

— Có gì vậy?

— Toa-lét đâu?

Thuý cười khúc khích. Gọi:

— Út ơi! Út! Dẫn anh Hai mày đi ra thăm mấy con cá tra kìa!

Bú Khú giật mình. Đó là lần đầu tiên anh tiếp xúc với “nền văn minh cá tra”, một thứ chu kỳ sinh học khép kín đơn giản hiệu quả và vệ sinh nhất.

Khi trở vào Thuý hỏi:

— Sao? Chúng nó có lịch sự không?

— Hơi mất trật tự. Nếu như ở thành phố thì chúng nó phải xếp hàng.

Thuý cầm cái bàn chải răng, mở nắp lu nước. Một con rít to bằng ngón tay bò lên miệng, cô dùng cán bàn chải đè đầu nó, nó rớt xuống đất, giãy giụa. Thuý vứt nó cho lũ gà đứng bên cạnh.

— Rít ở đâu mà to thế?

— Nhiều lắm. Nó ở trên mái nhà. Nó theo nước mưa xuống nằm trong lu.

Cô máng khăn mặt lên nhánh cây chùm ruột. Bọt kem đánh răng dính quanh miệng. Bù Khú nói:

— Đánh răng kỹ quá, mòn hết. Bắt đền!

Thuý xua tay đuổi Bù Khú đi. Cậu em trai của Thuý bưng cái rổ đi ra bờ sông, Bù Khú ngoắc lại:

— Sơn ơi! Đi mua cho ba thùng bia.

— Ba không uống bia. Ở đây không ai uống bia đâu anh ơi.

—Thôi, mua con vịt quay.

Sơn nhận tiền, bỏ đi.

Nhưng tối đó không có cuộc nhậu. Ba của Thuý lên cơn đau bụng. Ông cong người, rên rỉ, rồi ói ra máu. Cả nhà thức dậy. Bù Khú xuống võng, mặc quần áo. Anh bảo Thuý:

— Xuất huyết bao tử. Phải đem bệnh viện gấp.

Chiếc ghe máy chạy giữa đêm. Ra tới huyện Vị Thanh. Xa mút chỉ. Cũng may còn giường trống. Chuyền nước biển. Bù Khú và Thuý ngồi hai đầu giường, bé Sơn ra hành lang ngủ. Đêm đó hai người không nói chuyện gì. Thuý chỉ khóc, còn Bù Khú thì chỉ nói đi nói lại một câu: Anh thương em. Anh thương em. Nói lai rai cho tới sáng. Nói mỏi miệng rồi thiếp đi.

@

Trở lại Sài Gòn, Thuý trở về với thế giới của đêm. Với cõi âm. Trở về với địa ngục sang trọng, hào nhoáng, rực rỡ.

Còn với Bù Khú, nó là những đêm trắng. Hắn nhận làm thêm nhiều tờ báo khác. Báo của quận cũng làm, của phường cũng không từ chối. Hắn thiết kế đủ loại mẫu mã, giải đáp làm đẹp. Và... làm thơ. Thơ kiểu gì hắn cũng làm được: thơ Đường, thơ Mới, thơ Tự do, thơ Ấn tượng... hắn sản xuất hàng loạt. Lúc rảnh rỗi hắn chạy xe ôm nữa.

Nhiều buổi trưa gặp Thuý ở khách sạn hắn ngủ đắm đuối. Thuý cũng ngủ. Thức dậy phờ phạc. Hai người đều quên làm tình. Thực ra, cả hai cùng mệt lả. Bù Khú đề nghị:

— Ngày mai em dọn về ở với anh. Đỡ bớt chi phí.

@

Nhưng khuya đó Thuý không về. Cúp máy. Mấy ngày sau, có lần Bù Khú nghe chuông reo nhưng không ai bắt máy, gởi tin nhắn cũng không trả lời.

Bóng tối và sự hoảng loạn trùm xuống. Như một cơn địa chấn. Bỗng nhiên thấy trái núi trước mặt biến mất, dòng sông cũng cạn khô, thấy mình đứng giữa ngổn ngang gò đống. Con chim lạ kêu giữa đồng trống. Nắng tắt làm kinh sợ người ở lại. Thuý biệt mù, không tăm tích. Như con thuyền thất lạc trong cơn bão, không về bến. Hắn đứng ngóng trên biển. Chân trời thẳng tắp, không một bóng dáng, không một cánh chim, chỉ có sương khói và tiếng sóng.

Chiếc điện thoại di động đã chết, lạnh ngắt như một tử thi. Con thuyền không về. Mất liên lạc. Mất tích. Không rõ nguyên cớ. Hắn kêu gào trong căn phòng đóng kín. Hắn đi suốt đêm quanh căn phòng trọ của Thuý. Hắn ngồi rình trong bóng tối của con hẻm chật hẹp. Cửa đóng, khoá bên ngoài. Những người hàng xóm nói: cả tuần nay không thấy cổ về. Không có bờ biển nào để mà ra ngồi ngóng. Không có con thuyền, chỉ có tiếng xe máy, nhưng trong một đêm có rất nhiều xe máy đi qua con hẻm đó. Hắn đói khát, tàn tạ, gầy đét như con cá khô bị bỏ quên trên hè phố.

Ngày thứ mười hắn leo lên một chiếc xe khách về Cần Thơ. Người cha nói:

— Không thấy nó liên lạc. Ở nhà gọi điện thoại cũng không được.

Chỗ bám cuối cùng cũng sụp đổ. Bù Khú nằm khóc trên chiếc giường tre của Thuý. Và không dậy nữa. Ngày thứ ba lúc nửa đêm, điện thoại reo. Một số điện thoại lạ hiện lên màn hình.

— Cho tôi gặp anh Mười Bù.

— Mười Bù đây.

— Thuý nhờ tôi nhắn với anh là cô ấy bị bắt cóc hiện bị giam trong một căn phòng ở Chợ Lớn. Điện thoại bị lấy mất rồi.

— A lô! A lô!. Tôi gặp chị ở đâu?

@

Một quán cà-phê tồi tàn. Một người đàn bà tàn héo như món trang sức đã rỉ sét.

— Thuý đâu?

Người đàn bà chỉ lên cái gác gỗ phía bên kia con hẻm. Bù Khú hỏi:

— Làm sao lên đó?

— Không lên được đâu. Phải bước qua xác của thằng ghiền đó. Nó cầm con dao phay, chờ ở cầu thang. Nó chờ cậu đấy.

— Nhưng nó có quan hệ gì với Thuý?

— Nó là chồng của cổ. Trước nay cổ đi làm về đưa tiền cho nó xài. Đưa không đủ, nó đánh, chửi. Cổ phải trốn đi cả năm nay. Nó không có tiền xài phải đi ăn cướp, bị bắt đưa đi cải tạo. Nay nó trốn về, đến vũ trường tìm con nhỏ.

— Nhưng hai người có cưới nhau không?

— Cưới gì. Nó chỉ là một thằng bảo kê.

— Thế thì nó chẳng có quyền gì cả. Tôi sẽ giành lại. Tôi sẽ cưới. Bây giờ tôi đi báo công an.

— Công an cũng không dám đụng đến nó đâu. Nó có nguyên một băng.

— Thế chị không sợ tụi nó sao?

— Tụi nó là hàng xóm của tui. Hôm qua tui tình cờ đi ngang dưới cửa sổ. Thuý thả cho tui mảnh giấy, có ghi số điện thoại của cậu.

Bù Khú nói cảm ơn rồi bước ra khỏi quán. Anh băng qua bên kia hẻm, đến sát dưới cửa sổ phòng giam của Thuý. Anh gọi:

— Thuý ơi! Thuý!

Không ai trả lời. Lại gọi:

— Thuý ơi!

Liền có một mặt người hiện ra, nhợt nhạt, tóc sổ tung. Thuý đưa tay vẫy. Nhưng gã đàn ông đã xuất hiện, hét lên:

— Đ.m. Đứng im đó đi. Tao sẽ xuống giết mày!

Tình huống ấy không bất ngờ với Bù Khú. Anh có một khẩu K59 đem từ trên rừng về. Anh quyết định xông vào nhà, leo lên gác. Hai người gặp nhau ở cầu thang.

— Mày muốn gì?

— Muốn đưa Thuý đi. Tao sẽ đóng tiền chuộc cho mày.

— Không được. Thuý là vợ tao.

— Mày nói láo! Thuý chưa có chồng.

— Được rồi. Mày có bao nhiêu?

— Năm chục triệu.

Gã xì ke cười hô hố.

— Một hoa hậu mà rẻ như vậy sao? Một trăm triệu!

— Tao là công chức nghèo. Tao không có tiền.

— Vậy thì cút!

Hắn đạp vô bụng Bù Khú khiến anh lộn mấy vòng xuống thang gác, trán đập xuống nền nhà toé máu. Thuý nghe động, chạy ra đầu cầu thang.

— Đừng đánh!

Nhưng gã ghiền đã cầm con dao phay, hùng hổ chạy xuống cầu thang. Hắn không biết đối phương có súng nên khi nghe thấy tiếng nổ thì đã quá muộn. Hắn trượt chân, đà chạy làm hắn ngã chúi, đập mặt vào những bậc cấp nham nhở.

Bù Khú cất khẩu súng vô túi, ôm Thuý vào lòng. Anh nói:

— Chúng ta không thể cất được nhà cho ba rồi em ơi!

Thuý bật khóc.

@

Nhưng nghe đến đó Ngọc lại cười. Bù Khú ném mẩu thuốc lá xuống đất.

— Em thật tàn nhẫn. Tại sao em lại có thể cười được. Em có biết rằng anh đã phải ngồi tù suốt năm năm trời không? Và tụi anh đã không bao giờ lấy nhau được.

— Tại sao?

— Thuý đã nuôi anh suốt năm năm đó. Tiền hết, nhà không cất được. Nhưng đau đớn nhất là khi anh ra tù thì Thuý lâm bệnh. Đó là một thứ bệnh không chữa được. Thuý sụp đổ. Tan nát. Anh nói: chúng ta sẽ cưới nhau, bất chấp căn bệnh khốn kiếp ấy. Nhưng Thuý đã bỏ đi.

@

Bù Khú tìm Thuý khắp nơi. Ông về Vị Thuỷ, ông đến những Trung Tâm chữa trị người nhiễm HIV, ông tìm gặp bạn bè cô ấy. Không ai biết Thuý đi đâu cả.

Một năm sau, ngày nọ, ông thức giấc lúc ba giờ sáng sau một giấc mơ dài. Ông gặp Thuý trong một công viên đầy lửa. Lửa đẹp như những luống hoa, bừng sáng khắp nơi. Thuý đi xuyên qua những luống hoa ấy, mặc áo lụa trắng, khăn voan màu khói, tóc đen mượt, bay như chim trong một nền trời hoàng hôn tím nhạt.

Ông chạy đuổi theo Thuý, bước trên những khóm lửa lạnh giá. Thuý đưa cánh tay cho ông nắm, bàn tay trắng xanh, mảnh khảnh như một cành lau nhỏ. Thuý vẫn rất đẹp. Thuý tràn ngập cả buổi sáng, cô đã hiện ra và làm băng giá những ngọn lửa, làm rực sáng cả một vùng sương sớm đang la đà trên mặt cỏ ướt. Thuý bước chậm, nhẹ nhàng như một chiếc lá mỏng, nhạt nhoà trong hoa cỏ, thấm đẫm vào trong những ngọn gió se thắt. Bù Khú cảm nhận được sự mong manh thảng thốt trong vẻ đẹp ấy, nó như đang ở trong ranh giới của sự hoà nhập vào cây cỏ, vào mây núi, vào tĩnh mịch. Cho nên Thuý như sương khói, dễ vỡ tan. Ông không dám hỏi, không dám chào, không dám kinh động. Cuối cùng ông lên tiếng:

— Em theo anh được không?

— Được. Anh cõng em đi.

Bù Khú ngồi xuống và ra hiệu cho Thuý ôm cổ. Ông cõng Thuý, bước từng bước lên những đám lửa nhỏ, đến một cánh đồng đầy tuyết trắng xoá. Ông đặt Thuý xuống giữa cái màu trắng mênh mông ấy và một cơn gió chợt đến thổi người con gái ấy bay đi xa dần, xa dần... rồi mất hút trong cái màu trắng vô vọng của tuyết.

Bù Khú thức dậy bàng hoàng vì giấc mơ kỳ lạ. Rồi ông khoác áo ra đi. Đó là lúc ba giờ rưỡi sáng. Một người một xe, phóng như bay giữa bóng tối của phố xá, giữa xa lộ vắng tanh, giữa cơn mưa phùn lất phất. Như một kỵ sĩ đơn độc giật mình khi biết rằng người tình đã bị bỏ rơi lại đàng sau chiến địa và đã mất tăm giữa trùng trùng binh giáp, xe pháo, vó ngựa và khói súng. Ông chạy nhanh như thể chính mình đã biết đích xác vị trí mà người yêu đang nằm ôm vết thương đẫm máu. Ông nghe cả tiếng rên rỉ và những giọt máu nhểu xuống sa mạc lạnh tanh tối tăm đàng trước. Ông cúi người xuống tránh cơn gió thổi tạt vào ngực. Và chạy. Ông đã trễ. Quá trễ. Đã trễ suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, đã để Thuý nằm nơi trận địa suốt những mùa mưa nắng, bão cát và gió chướng. Ông tưởng như sẽ đến tức khắc. Sẽ bay xuống xe. Sẽ ôm lấy Thuý. Và sẽ trùng phùng.

Rồi ông đến căn nhà cũ. Vẫn là nhà tranh vách lá, nền đất đen, vẫn bộ ván đặt kế bàn thờ, vẫn bụi mía sau nhà cạnh lu nước. Nhưng căn nhà chỉ còn một cái xác, ốm yếu, tàn tạ. Căn nhà nín thinh. Con chó nhỏ cũng nín thinh, lủi thủi đi. Bù Khú bước vô cửa. Người đàn bà ngồi im trên chiếc ghế nhựa xù xì. Ông chào. Không chào lại. Ông hỏi. Không trả lời. Đó không còn là mẹ của Thuý. Đó là một con cá khô hong trên gác bếp. Bù Khú ra phía sau nhà. Con chó đi theo, ngửi ngửi ống quần. Bù Khú ngồi xuống vuốt ve nó nhưng nó bỏ chạy. Ngoài bếp, ông thấy thằng Sơn đang ngồi nướng một con rắn mối.

— Em có nhớ anh không?

— Dạ.

— Nhà có chuyện gì vậy?

— Dạ.

— Chị Thuý đâu?

— Dạ.

— Sao mày “dạ” hoài vậy? Dẫn anh đi gặp chị Thuý đi.

— Ở nhà không còn một hột gạo.

Bù Khú kéo thằng Sơn dậy. Nó nắm chắc con rắn mối trong tay. Bù Khú đứng trước mặt người đàn bà.

— Bác ơi, Thuý về nhà khi nào?

Im lặng. Bù Khú đưa cho bà một xấp bạc. Ông dúi trong tay bà. Rồi hỏi:

— Thuý đâu? Tôi muốn gặp cô ấy.

— Nó sắp chết rồi.

— Hãy cho tôi gặp.

Người đàn bà đưa mắt nhìn thằng nhỏ. Nó nắm tay Bù Khú dẫn ra trước nhà. Bù Khú theo nó, băng qua hàng cây tràm ven sông. Đi hoài không thấy dừng lại.

— Xa lắm sao?

— Dạ.

— Ở bệnh xá hả?

— Không.

Và nó dừng lại, leo xuống mé nước. Chiếc ghe đậu trong lùm tre. Thằng nhỏ chèo ra tới cửa sông. Tách biệt khỏi làng xóm.

Nó chèo chừng mười lăm phút nữa thì tới một cái bè cá neo đậu trên một khúc sông vắng vẻ mênh mông nước và cỏ lát. Cò trắng đậu rải rác trên những cây đước thấp nhưng đàn quạ thì quần đảo trên không như một đám mây nhỏ.

Xuồng tấp vô chiếc bè cá. Bù Khú níu sợi dây thừng nhảy lên bè. Nó trống trơn và đầy gió. Ông đi bước nhẹ. Ông nín thở.

— Thuý ơi! Thuý!

Chỉ nghe tiếng sóng vỗ ì oạp vào cái bè gỗ.

— Thuý ơi! Anh Mười Bù đến thăm em nè.

Có tiếng bước chân. Một ông già đen đủi, ốm nhom hiện ra. Đó là ba của Thuý, ông già từng bị xuất huyết bao tử vì rượu.

— Bác nhớ cháu không?

— Mười Bù.

— Phải. Mười Bù đây. Thuý đâu rồi bác?

— Nó nằm phía sau.

— Sao phải đưa cổ ra tận đây?

— Vì hàng xóm người ta sợ.

— Sợ gì chứ? Bệnh này có lây qua tiếp xúc thông thường đâu.

— Nhưng người ta sợ.

Rồi ông quay đi. Bù Khú theo sát ông ra phía sau. Đó không phải là căn nhà. Cũng không phải là căn phòng. Đó là một cái chuồng mỗi bề chừng ba mét làm bằng cây cừ tràm, ở giữa có một cái giường tre nhỏ trải chiếu, một cái gối và một cái mền len của bộ đội đã cũ kỹ, đã sờn rách. Nó trống trơn.

— Thuý đâu?

Ông già im lặng, nhìn xuống những con cá tra đang quẫy nước dưới hai bàn chân chai bè của ông.

— Thuý đâu, hả bác?

Ông già chưa kịp trả lời thì phía sau cái vách ngăn nhỏ bằng phên tre có tiếng khóc:

— Đừng vô. Em lạy anh. Anh Mười ơi! Anh về đi. Em không gặp anh đâu.

— Tại sao? Anh đã đi từ khuya, vượt qua hai trăm cây số để đến đây thăm em. Sao em đuổi anh?

Thuý khóc nức nở:

— Em lạy anh. Nếu thương em thì hãy về đi.

— Anh không về. Dù em có tàn tạ như thế nào anh cũng phải gặp em. Tại sao em trốn anh mấy năm nay?

— Đi đi! Đi đi mà!

Bù Khú xông đại vô. Thuý giữ chặt cánh cửa phên tre. Ông già chạy đến kéo tay Bù Khú.

— Cậu ra đi. Nó biết cậu đến nên nó trốn.

— Vậy chẳng lẽ không gặp mặt sao?

— Tôi có cách này.

Ông già đi lấy một tấm màn cũ, bào thằng Sơn phụ ông treo nó che phía trước cái giường tre.

— Bây giờ cậu có thể vô được rồi.

Thuý nói:

— Nhưng không được vén màn lên.

— Anh hiểu.

Bù Khú ngồi xuống cái ghế gỗ, sát bên tấm màn. Ông hỏi:

— Thời gian qua em đã sống như thế nào?

— Em đã nằm sáu tháng ở Trung Tâm nhưng sau đó ba em đưa về nhà. Em nằm nhà được ba tháng nhưng không chịu được thái độ của hàng xóm nên bỏ ra đây.

— Nhưng sao lại phải ở trong cái lồng?

— Ba sợ em té xuống nước. Đã có lần em rớt xuống nước.

— Bây giờ em thấy trong người thế nào?

— Em rất là đau đớn. Em chỉ muốn chết.

— Anh muốn ôm em. Em sẽ thấy đỡ đau hơn.

— Không được. Anh mà vén màn lên thì em sẽ đâm cổ tự vận mà chết hiền.

Rồi cô thò cánh tay ra. Có cầm con dao.

— Cho anh cầm bàn tay em nha? Nó vẫn rất trắng và tròn. Em có nhớ câu ca dao mà hồi ấy anh đọc cho em nghe không?

— Anh đọc lại đi.

— Cánh tay em trắng lại tròn. Em cho ai gối nó mòn một bên.

— Thôi, đừng nhắc lại, em tủi.

Bù Khú gỡ con dao Thái Lan ra khỏi những ngón tay Thuý. Ông nắm lấy bàn tay ấy, lật qua lật lại, ông vuốt ve nó rồi áp mặt lên lòng bàn tay. Ông hôn thật lâu. Ông nhỏ những giọt nước mắt nóng ấm lên những ngón gầy, trắng xanh.

Thuý hỏi:

— Bây giờ anh làm gì?

— Anh không muốn làm gì nữa cả. Anh sẽ ở đây với em.

— Không được đâu. Bệnh em đã nặng lắm rồi. Mọi người đã sợ em. Không ai muốn gặp nữa.

— Anh muốn. Anh sẽ ở lại đây.

Thuý ho một tràng dài, tưởng như không dứt. Sau đó là những tiếng thở hổn hển. Cô rụt cánh tay vô. Rồi lại ho. Dứt cơn ho, cánh tay ấy rớt xuống chiếu, buông thõng xuống sàn ván. Bù Khú nhìn thấy những giọt máu nhểu xuống theo các ngón tay. Bù Khú cầm lấy nó đặt lên chiếu. Tiếng của Thuý nhẹ như một làn gió hấp hối đến từ cõi xa lạ:

— Em sẽ lây bệnh cho anh.

— Anh không sợ.

Thuý đưa cánh tay ra ngoài lần nữa và ông lại cầm lấy. Ông hôn hít, ngây dại. Những ngón tay còn rất đẹp, lòng bàn tay còn mềm mại. Đó là bộ phận duy nhất mà Thuý còn đủ can đảm đưa ra trước mặt Bù Khú. Ông van xin:

— Thuý ơi, anh không ngại thấy em xấu xí đâu. Anh muốn ôm em. Anh muốn ôm em.

Rồi ông khóc thút thít, sụt sùi, nức nở. Thuý hỏi:

— Bàn tay của em có còn đẹp không?

— Đẹp lắm. Em là cô tiên đi lạc xuống trần gian, sao em có thể chết được.

— Em muốn anh giúp em điều này, có được không?

— Em nói đi. Điều gì anh cũng làm được.

— Vậy anh hãy lấy khăn tay bịt mắt lại đi, rồi vô đây ôm em.

Bù Khú tự bịt mắt mình thật chặt.

— Em sờ đi. Như thế này được chưa?

Ông ghé sát mặt vô bức màn, Thuý sờ lên mặt ông, lên mắt ông.

— Anh vô đi.

Bù Khú bước vô. Thuý kéo ông ngồi xuống giường và ôm lấy ông. Bù Khú vuốt ve tấm thân mảnh dẻ quen thuộc ấy và ngạc nhiên thấy nó vẫn còn hơi ấm của ngày xưa.

Thuý nói:

— Đừng hôn miệng em nhé. Sẽ lây bệnh đấy, Không phải lây AIDS đâu mà là lao phổi.

Bù Khú hôn lên cổ cô. Thuý cảm thấy cổ mình đẫm nước mắt nóng hổi. Cô nói:

— Sao khóc nhè vậy? Hôm nay em vui lắm. Hãy cười với em một chút đi! Anh không nhớ cái “pháo bông” của em sao? Có lẽ đó là bộ phận duy nhất trong cơ thể em vẫn còn nguyên vẹn. Và em nghĩ khi em chết đi rồi, ở dưới đất sâu tối tăm kia thì nó vẫn nguyên vẹn.

Bù Khú không còn lòng dạ nào để nói một câu khôi hài với Thuý nữa nhưng câu nói vui ấy làm ông oà khóc. Không kìm chế được. Và cũng không cần kìm chế. Như một cơn lũ tràn đến, nức nở, mênh mông, vỡ bờ.

Đêm hôm đó Thuý qua đời. Hình như là lúc gần sáng. Cả Bù Khú lẫn người cha đều không ai hay biết. Họ đã thức rất khuya và ngủ thiếp đi trong cơn gió sông lạnh buốt. Họ ngủ co quắp như hai kẻ ngư phủ già uống say quên đời.

@

Lễ hoả táng không có nhiều người. Chỉ trong gia đình và vài người hàng xóm. Thuý được đặt trên một cái bè nhỏ chất đầy củi khô và một ít hoa Bù Khú gom được trong những cánh đồng. Mọi người ngồi trên sàn nhà, nhìn xuống chiếc bè nhỏ. Bù Khú đưa cho người cha một bó đuốc rồi hai người châm lửa hai đầu chiếc bè.

Người ta cắt sợi dây neo và chiếc bè trôi đi. Thật chậm. Mọi người đều khóc. Bù Khú không khóc. Ông lặng lẽ tách ra khỏi họ, đi về phía bờ cỏ, chỗ có những gốc tràm đâm rễ tua tủa ra tận mé nước.

Ông lội xuống, đón đầu chiếc bè và thả mình trôi theo dòng chảy của khúc sông đang rực lên vì ngọn lửa huy hoàng đang bốc cao khỏi những ngọn cây. Lửa làm ông thấy ấm áp giữa dòng sông đầy gió. Thuý đang hoá thân thành ánh sáng. Thuý đang nhìn người tình của mình đang tiễn đưa cô trong cuộc chia tay không bao giờ trở lại.

 

[còn tiếp 8 chương]

 

 

------------

Đã đăng:

BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 1 & 2]  (tiểu thuyết) 
Có người nọ không rõ quê quán ở đâu, học vấn thế nào, về đất Phú Xuân cất một cái am bên nhánh sông vắng vẻ, ở chung với một con chó. Tiên sinh không giao du với ai, trong nhà cũng chẳng có ti-vi, điện thoại. Không nghe tiếng nhạc, cũng vắng tiếng người. Lâu lâu mới có tiếng chó kêu ăng ẳng vì mừng rỡ. Tuyệt nhiên không có tiếng sủa... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 3]  (tiểu thuyết) 
... “Các ông đừng quan trọng hoá mình. Bởi vì cuộc chiến này không phải của các ông đâu. Cuộc chiến này là của những người lính, những người đã chết và đang chết. Các ông chỉ là bọn ăn theo.” Bù Khú cầm ngang khẩu súng trước bụng. Thủ Trưởng hoảng hốt lùi lại. Bắn không? Ngón tay trỏ của Bù Khú nóng rực trên cò súng, tròng mắt muốn lòi ra, răng cắn vào môi bật máu... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 4]  (tiểu thuyết) 
... Đó là lần “nhỡ tàu” cay đắng và bẽ bàng nhất. Bây giờ, mỗi khi có chuyến tàu dừng lại là em sợ. Bảo im lặng. Anh ngắm những con cá chép đang nổi trôi quanh hòn giả sơn. Ngọc ơi, những con cá này không suy nghĩ gì cả, chúng rỗng không và vô định. Em hãy nhìn chúng và quên hết những chuyện ấy đi. Đừng sợ... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 5 & 6]  (tiểu thuyết) 
... Ngài đang tan chảy như một hạt muối thả xuống dòng sông. Ngài cảm nhận sự hoà nhập chậm rãi, dịu dàng và âu yếm. Ngài bồng bềnh như đám mây mỏng, như sương khói, lãng đãng quấn quít quanh những ngón tay mềm mại, những ngón tay vuốt ve từng sợi tóc, đùa nghịch với chúng bằng sự đằm thắm của người mẹ... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 7 & 8]  (tiểu thuyết) 
... Và tiên sinh đặt một ngón tay lên môi cô gái. Đào cười, hàm răng huyền thoại của cô ánh ngời trong bóng tối. Rồi cô ngậm ngón tay của ông. Đó là ngày thứ nhất Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ. Ngài phán: “Nụ hôn hãy sáng lên!” Que le baiser soit! Và nụ hôn đã hiển hiện. Et le baiser fut. Đó là lời Chúa. Tạ ơn Chúa. Hallelujah!... (...)
 
... Thưa các đồng chí, chúng ta đang làm một cuộc cách mạng lớn, một cuộc lột xác vĩ đại. Chúng ta đang xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, (uống bia). Hiện nay chúng ta đang gặp những khó khăn do chiến tranh để lại, nhưng khi đánh thắng đế quốc Mỹ chúng ta đã đi được ba phần tư đoạn đường (uống bia). Chúng ta sẽ xây dựng một xã hội văn minh hiện đại theo kiểu mới. Lúc đó mọi người sẽ làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu. Sẽ không còn chợ búa, không có người bán và người mua. Và tất nhiên là không cần tiền tệ nữa... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021