thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương VIII]

 

Đã đăng: [chương I-II] - [III-IV]

 

tám.

TRÚT XÁC

 

Tựa một cuộc trút xác, cả tôi lẫn nàng gần như mất hết những khái niệm về thời gian không gian cố hữu. Đêm, nàng thức trò chuyện cùng hoá nhi. Nhưng đâu còn phân biệt ngày đêm mà nói thức với ngủ. Có người hỏi kẻ này, hỏi hạt bụi này, hoá nhi là ai? Kẻ này bảo đấy là một đứa bé thích những trò chơi làm nát lòng con ve sầu trên cây thong dong. Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong. Nhưng cây trên rừng thì khác với mặt trời mặt trăng? Sao lại khác. Kẻ này lại viện đến hoá nhi. Lúc bấy giờ thì kẻ này bảo hoá nhi là một đứa bé thích thứ trò chơi làm cho cây trên rừng trổ bông, nghe mùi hương, lũ ong kéo đến, hút mật xong thì bay đi, nói hút mật nhưng là để làm cuộc truyền sinh, mùa xuân thì trổ hoa, sang hạ thì lũ ong kéo đến, bước qua thu là có quả... như thế chẳng phải là thong dong sao? Lại hỏi hoá nhi là ai mà con người có thể vừa ngợi ca vừa nguyền rủa? Kẻ này, hạt bụi này, lại phải nói đến sự lặng lẽ. Có góp lại hết thảy những gì dưới gầm trời này, từ tiếng rỉ rả của lũ côn trùng cho đến tiếng rền của núi, thì cũng chửa bằng một tiếng tơ lòng. Thì chẳng phải đất trời này cũng bắt đầu từ một tiếng tơ lòng? Lặng lẽ mà sắp bày. Một thuở có không làm cuộc giao hoan. Từ đấy chảy về dòng càn khôn lặng lẽ. Có ca ngợi hay nguyền rủa thì trời đất có nói gì đâu. Lại hỏi như thế thì ca ngợi hay nguyền rủa là ca ngợi nguyền rủa chính mình? Kẻ này bảo, thói hư danh với con người cũng tựa như con sâu với chiếc lá... Giờ thì em phải đi gặm cỏ đây. Khi thôi trò chuyện với hoá nhi, nàng quay sang tôi, bảo là thấy đói, phải đi tìm cỏ. Tôi hỏi đi tìm ở đâu. Nàng bảo đấy là giống vật cũng từ dưới nước trườn lên bờ cùng lượt với lũ cóc ếch nhái. Tôi bảo, giờ thì gọi là những cánh đồng cỏ. Mới hôm nào đây, có người đã ca ngợi lá cỏ. Nàng bảo. Tôi bảo, mới hôm nào đây thôi, thì cái giống vật to lớn ấy đã phá nát những cánh đồng cỏ tươi tốt trên mặt đất. Đừng nhắc đến chuyện ấy nữa. Nàng bảo, và cứ ôm lấy người tôi. Tôi cũng ôm lấy người nàng, vuốt ve nàng từ đầu đến chân. Khi tay tôi chạm lên lớp áo lông mịn màng của nàng, tôi hỏi nàng có cảm thấy hạnh phúc không. Nàng bảo có. Như ngày hôm nay em không phải là giống vật gặm cỏ, mà là một con người, thì sẽ đau khổ biết bao. Giọng nói dịu dàng của nàng như đang hoá thành thứ hương thơm mùa thu. Và tôi thì cảm thấy mình nhẹ tênh như chiếc lá mùa thu đang rơi trong thứ hương thu kỳ bí. Về sau, khi mọi thứ đã trở lại bình thường, chúng tôi mới biết là mình vẫn quẩn quanh trong khu rừng có đoạn suối chúng tôi đã gặp thần ánh sáng hoá thạch. Quẩn quanh ở trong rừng bao nhiêu ngày ai mà biết. Nhưng khi gặp những người đi đãi vàng hỏi thì chúng tôi bảo là gần nửa nghìn ngày. Sau này, bọn họ kể lại. Bọn họ đi đãi vàng ở thượng nguồn con suối, gần cái thác trời ấy, vàng chẳng có, quay về đến đoạn suối ấy thì gặp chúng tôi. Bọn họ có cả thảy là năm mươi người. Chẳng biết tôi và nà g bị bệnh gì, nhưng bọn họ cứ chia nhau đi hái lá thuốc. Năm mươi người là năm mươi bài thuốc. Chẳng biết là bệnh gì, nhưng ngày ngày bọn họ cứ bắt chúng tôi uống lá thuốc. Những cảm thức trần gian từ từ trở lại với chúng tôi. Cho đến lúc chúng tôi nhận ra mình là ai, và nhận ra những người đi đãi vàng, thì bọn họ mới chia tay chúng tôi. Cứ coi như chuyến đi không thành. Bởi cái thác trời không còn là niềm cảm hứng trong cuộc truy tìm chân lý.

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021