thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT [chương IX]

 

Đã đăng: [chương I-II] - [III-IV]

 

chín.

SÁCH MÁU, SÁCH GƯƠM

 

Mùa thu năm ấy chúng tôi ngược về thượng nguồn một nhánh sông của con sông quê nàng. Và bị cầm chân ở ngôi làng ấy. Khoa học hiện đại dù đã phát hiện được bao nhiêu là luật lệ của trời đất, nhưng những con người ở ngôi làng ấy vẫn khăng khăng vị thần làng của mình là thần của tất cả các thần, là tổ thần, không có vị này thì không có người làng và cũng không có cả loài người. Đây không chỉ là niềm tin, mà còn là một nhận thức được căn cứ trên thần tích còn lưu giữ ở đình làng, và lời truyền về thần như một văn bản văn học có rất nhiều phiên bản, tức thứ văn học đa thanh đa nghĩa.

Mùa thu ở đây có gió núi ở thượng nguồn thổi lại. Làng trải dọc hai bên bờ con sông cạn và hẹp như đang lặng đi trong thứ sắc thu cổ kính. Mà cũng quả vậy, cuộc sống nơi đây là một quá trình lặng đi. Không phải là không muốn để cho các thứ huy hoàng lộng lẫy của nền văn minh hiện đại thâm nhập vào xóm làng mình. Mà là vì nghèo, tức vì không đủ tiền bạc để thành lập kênh dẫn văn minh. Trong nhà, không máy thu hình, không máy thu tiếng, là một quá trình lặng đi. Trên đồng ruộng, đôi bò cày vẫn không chịu nhường chỗ cho chiếc máy cày, cũng là một quá trình lặng đi. Và tôi với nàng cũng lặng đi trước những lời truyền về con người đã làm ra đất đai và con người của làng.

 

Ông giậm chân một cái là có trời đất. Ông ngoắc tay một cái là có nắng mưa. Ông cục cựa một cái là có núi, có sông, có ruộng đồng. Là con người, thì ông sinh ra người làng này, còn nói chi nữa. Mà ông là thần, nên ông còn sinh ra các thứ như trâu bò, lúa thóc, cỏ cây, còn nói chi nữa. Làm ra mọi thứ xong thì thứ chi cũng là của người khác. Rốt cuộc ông là kẻ nghèo nhất. Ông nghèo vậy, thì sinh ra dân làng cũng nghèo, còn nói chi nữa.
(Lời kể của một bà lão)

 

Sách của ông chỉ có mỗi một trang, mà mỗi người đọc thấy mỗi khác, mỗi thời đọc thấy mỗi khác.
(Lời trong thần tích đang lưu giữ ở đình làng)

 

Vào thời con người chưa có lời nói thì con người sống với nhau hoà thuận như đám gà con vừa mới ra khỏi trứng. Ở trong làng ai cũng biết mình là do ông tổ loài người tạo ra. Biết, mà chẳng thể nói với nhau về điều ấy. Cũng như ai cũng muốn mà chẳng thể nhìn thấy mặt người đã tạo ra mình. Ngày ngày chỉ trông thấy cuốn sách của ông đã để lại cho làng. Mỗi khi có người nghĩ được điều chi về ông thì chỉ lấy đôi mắt của mình để ra hiệu với người khác. Rồi một hôm, bỗng có người nói ra được ý nghĩ của mình. Sách thần. Người ấy nghĩ cuốn sách ông tổ loài người để lại cho làng là sách thần. Và nói ra cho mọi người nghe. Kể từ hôm đó, người trong làng đã bắt chước người đó để nói ra những gì mình nghĩ được.
 
Vào thời con người đã có lời nói thì con người sống với nhau như đám gà mẹ nuôi con. Chỉ mỗi khoảnh sân nhỏ quanh giếng nước ấy mà sáng nào đám gà mẹ cũng giành nhau bươi để tìm mồi cho lũ con, vừa bươi, vừa đá nhau chí chết, vừa đá nhau, vừa há mỏ la chí choát. Trước đó, người ta ăn chung, ở chung, và cày ruộng chung trên đồng làng. Nhưng khi đã nói được, thì người ta lại nói với nhau rằng phải chia đất ruộng ra, để ai làm nấy ăn. Rồi đến một ngày, chẳng ai bảo ai, người nào cũng đi tìm sắt về để rèn đao kiếm. Không nói ra những ý nghĩ của mình, nhưng ai cũng nghĩ là ai chém giết giỏi hơn, thì người ấy sẽ có nhiều ruộng đất hơn. Nhưng trước khi chém giết nhau, ai nấy đều đến đình làng xem sách thần để coi thử ông tổ loài người có nói gì với mình không. Rồi người ta lại giấu nhau về điều này. Là khi nhìn vô sách thần, ai cũng thấy hiện lên một đám vật, hổ không ra hổ, người không ra người, đang cấu xé nhau, và máu thì đương chảy thành dòng. Người ta đã giấu nhau những gì đã nhìn thấy trong sách. Và bắt đầu chém giết nhau. Cuối cùng thì trong làng chỉ còn sót mỗi người đàn ông và mỗi người đàn bà. Hai người lại đi xem thử sách thần có nói gì không. Thì thấy hiện lên nơi trang sách lúc nhúc những người là người.
(Lời kể của một vị sư ở ngôi chùa trong làng)

 

Bấy giờ đang thuộc về một triều đại mà vua của nước muốn tỏ ra là vị vua quí trọng tri thức. Nhà vua đã sai người đi sưu tập sách vở do các bậc thức giả trong nước soạn. Rồi cho xây nhà chứa sách ở kinh đô để cất giữ số sách vở ấy. Người sưu tập nghe làng này có cuốn sách thần, liền tìm đến, và đòi mang sách đi, nhưng người làng đã không cho. Bất luận là sách của ai, của thần hay của người, đều phải mang về cho ta. Vua phán. Người sưu tập sách lại ra đi, rồi quay về triều tấu trình với vua rằng, người làng ấy bảo sách là do thần của làng làm ra cho làng, chứ không phải cho vua. Ta sẽ tống cổ đám dân ấy ra khỏi nước. Vua tức giận quát ầm lên giữa đám quan triều. Rồi đích thân đến làng này, lệnh cho hết thảy dân làng đến nghe huấn dụ. Ta vì yêu quí tri thức của con người, nên mới có việc sưu tập sách vở, chỉ những kẻ ngu dốt man rợ mới cản trở việc làm của ta. Vua huấn dụ dân chúng xong thì bảo dẫn đi xem sách thần. Vị trưởng tế của làng liền đưa vua vào hậu tẩm đình làng, nơi đặt sách thần. Đèn đã được thắp sáng, có thể nhìn rõ từng cây kim sợi chỉ. Và đúng vào lúc vua nhìn vào sách, thì hình ảnh vua đang cầm gậy xua đuổi đám dân của mình hiện lên ở trong sách. Không phải chỉ có hình ảnh giận dữ của vua thôi, mà cả lời vua nói trước bá quan cũng hiện lên đầy đủ ở nơi trang sách. Sách này là chép về ta ư? Vua hỏi, giọng lơ lửng như đang trong mơ. Thưa đức vua, chắc là thế. Vị trưởng tế cũng đâu hiểu hết sự việc, vì đây là sách của thần, nên cũng chỉ trả lời cho có lệ.
 
Vua muốn tức thời mang sách về kinh, nhưng vừa nghĩ thế thì sách đã biến khỏi mắt vua.
 
Rồi người ta cũng chẳng để ý chi việc vua tỏ ra là vị vua quí trọng tri thức. Có nghĩa, ở trong nước chẳng có người dân nào mở miệng ca ngợi vua về việc làm này. Còn các vị vua lân bang thì cũng chẳng có ai đá động đến chuyện đó.
Vua cho rằng việc làm vua thì có nhiều người làm. Nhưng làm vua thế nào cho thiên hạ dưới gầm trời này đều nể, thì chẳng có mấy người. Rồi vua nhớ đến cuốn sách thần mà mình đã đọc. Và lại đích thân đến làng này. Cũng như lần trước, lần này vua muốn nhìn thấy những gì vua vừa nghĩ là được chép trong sách thần. Nhưng dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu nơi hậu tẩm đình làng, vua chỉ nhìn thấy một bầu trời u ám hiện ra nơi trang sách, bên dưới bầu trời u ám là một con bọ đang ngọ nguậy bò trên nền đất đầy máu. Hãy đốt nó đi. Vua tức giận, hét, vì cho rằng vị thần làng có ý đùa cợt với mình.
 
Cái cách làm vua cho thiên hạ nể, là đi xâm lấn các nước láng giềng. Tức là vua đi đến đâu thì máu của người dân nước ấy phải chảy thành sông thành suối. Cho đến hôm vị quan hầu cận vua không còn chịu đựng nổi cảnh ngày nào cũng nhìn thấy máu chảy, đã nói với vua rằng bao giờ thì ông cũng quí trọng vị vua của một nước, còn bây giờ, để không còn phải nhìn thấy cảnh máu chảy nữa, thì ông phải giết kẻ cầm đầu đám quân gây việc máu chảy. Vua bảo là sách thần đã nói về việc ấy rồi, nhưng hồi ấy vua đã hiểu lầm, còn bây giờ thì đã hiểu. Nhà ngươi cứ làm công việc của nhà ngươi đi. Vua nói. Và quan hầu cận vua đã dùng kiếm để cắt đầu vua, dễ dàng như cắt đầu một con bọ.
(Lời kể của một ông giáo làng)

 

Giờ thì ta nói về năm tháng, thứ vật thể chẳng thể nói nó là gì, nhưng chẳng một thứ gì là có thể thoát được nó.
 
Ta, kẻ đi tìm một nơi chốn không thuộc bất cứ năm tháng nào, ta thấy thế.
 
Con người là nỗi ám ảnh của những mùa thu vàng, nỗi ám ảnh là niềm lặng im hèn mọn của những đêm mùa hè hèn mọn, là cơn tham muốn của những đêm mùa đông bão tố, con người là tinh khiết nhất giữa những tinh khiết, và hèn hạ nhất giữa những hèn hạ.
 
Ta, kẻ đi tìm một nơi chốn không thuộc bất cứ tháng năm nào, ta thấy thế.
 
Và bây giờ ta nói về ta.
 
Dĩ nhiên ta sẽ rời khỏi ngôi làng này để tiếp tục cuộc tìm kiếm của mình, sau khi đã nhìn thấy sách thần, gương soi của năm tháng.
 
Ta tin là ta sẽ được đi trên con đường không còn phân biệt đi với đường đi.
(Bài hát của một lữ khách lúc đi ngang qua làng)

 

[còn tiếp]

 

_________
MỘT CÁCH NÓI KHÁC CỦA NIỀM KHAO KHÁT là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của Nguyễn Thanh Hiện [1. Những Tháng Năm Nghiệt Ngã - 2. Trở Lại Xương Quơn (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2007) - 3. Vật Gia Bảo Của Một Dòng Họ - 4. Bên Này Trần Gian - 5. Người Đánh Cắp Sự Thật (NXB Văn Học, Việt Nam, in năm 2008) - 6. Một Cách Nói Khác Của Niềm Khao Khát - 7. Rốt Cuộc Thì Bọn Họ Là Ai?], sách gồm 38 chương, chưa nhà xuất bản nào in.

 

 

Đã đăng:

... Mặt đất này thì rộng lớn, và con sông nào cũng có chỗ bắt đầu của nó, mà các người đi tìm nguồn con sông nào? Ông hỏi. Tôi nói là con sông chảy qua quê nàng. Con sông quê của người mình yêu. Ông quảng diễn thêm câu nói của tôi. Rồi bảo hai chúng tôi có vẻ khăng khít nhau thế còn đi tìm nguồn con sông đó chi nữa. Tôi nói đó là bí mật của tình yêu. Hoá ra không phải chỉ tôi với nàng mới có bí mật của tình yêu. Đêm đó, nơi căn nhà lá ở giữa rừng, người coi rừng đã nói cho chúng tôi biết ông cũng có một bí mật của tình yêu... (...)
 
... Rằng từ khi loài người biết truyền những ý nghĩ cho nhau bằng máy móc thì thần không còn trực tiếp cai quản núi rừng, nhưng không phải là không để mắt đến chuyện con người, rằng trong cuộc chuyển lưu lớn lao của vạn hữu thì không phải hễ là thần thì nhìn thấy được sự thật của mọi sự, rằng ngày xưa, ngay chính bản thân vũ trụ cũng chưa biết mình do đâu mà có, thì lớp cha ông của thần quả đã cho rằng hễ là thần thì biết hết mọi sự, từ đó mới có chuyện toàn trị của các vị thần... (...)
 
... Xin chào bác homo sapiens! Đám đồng bào của ta nơi mặt đất đã bớt lạnh lẽo gọi ta là bác homo sapiens. Là homo sapiens, hay không là homo sapiens, thì có hệ trọng gì đâu. Bởi điều đáng nói là ta đã vượt qua cuộc thử thách lớn nhất trong trời đất, cuộc thử thách diễn ra hằng triệu triệu năm, để được thiên hạ trong trời đất gọi ta là con người... (...)
 
... Có cái gì là chẳng ngoi lên từ cõi hỗn mang? Một vùng trời đất âm thầm, từ đấy ngân vang những giai điệu nguyên sơ. Sáng tỏ và u uẩn. Ôm ấp và cô đơn. Mở và khép. Gặp lại và chia xa... Buổi ban đầu ấy là một cuộc lưu luyến kỳ cục giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Ai đã ngang qua đất trời lãm thuý?... (...)
 
... Lại hỏi về cây thong dong. Thưa, có bao giờ thấy mặt trời mặt trăng vội vã đâu, nếu là biển, thì sáng tinh mơ, mặt trời trườn đi trên nước, nếu là bầu trời đêm có nhiều mây, thì mặt trăng ẩn hiện ở trong mây, cái cách như thế của mặt trời mặt trăng thì gọi là thong dong... (...)

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021