thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 16]

 

Đã đăng: [chương 1 & 2] - [3] - [4]

 

16.

 

Sân khấu là cái bục xi-măng. Xúm xít quanh thằng Điểm có năm đứa, trong đó có một thằng rất to con, giống như con lai, tên nó là Bôn. Những đứa khác nằm vắt vẻo khắp nơi. Bù Khú thì ngồi hút thuốc rê một mình trong xó.

Đó là một buổi chiều rất im lặng. Ngọn đèn vàng mờ đục giữa trần nhà, chỉ đủ ửng lên một chút sáng ẩm mốc giữa cái bóng đen bất tận của rừng đêm, chỉ đủ đào một cái lỗ âm u trong khoảng tối dày đặc không đáy. Bọn tù được cung cấp ánh sáng và tiếng động đến 9 giờ. Rồi tắt phụt. Ngủ. Im lặng.

Thằng Điểm giơ ba lá bài ra trước mặt mọi người. Nó nói:

— Nhìn kỹ nha. Con Ách cơ ở mé bên trái. Bây giờ tao rút nó ra, đặt xuống. Có phải trên tay tao còn con Tám chuồn và con Năm bích không?

— OK. Thằng Bôn nói.

Điểm bảo thằng Bôn:

— Con ách cơ đang nằm dưới đất. Mày lấy ngón tay đè lên nó đi.

Thằng Bôn đè ngón tay lên lá bài. Điểm vẫy tay một cái, lập tức con Năm bích trên tay nó biến thành con Ách cơ. Bôn ngạc nhiên, lật lá bài dưới đất lên thì là con Năm bích.

Điểm búng tay, chộp gói thuốc Jet đang nằm trước mặt thằng Bôn nhưng cổ tay nó đã bị Bôn nắm chặt. Thằng Điểm sừng sộ:

— Đù má. Mày không chung cho tao hả?

— Có bản lãnh thì lấy đi.

Bôn nói và siết chặt mấy ngón tay làm thằng Điểm la oai oái, buông rơi gói thuốc lá. Nó trừng mắt nhìn thằng Bôn.

— A, mày ngon hả? Coi chừng tao.

Nó chỉ nói vậy rồi cất ba lá bài vào túi, lẳng lặng đi ngủ. Thằng Bôn cũng đút gói thuốc lá vô túi, đứng lên. Nó nói:

— Tráo bài. Ăn gian!

Chín giờ. Điện tắt. Bọn tù làm việc mệt nhọc cả ngày cũng chẳng thằng nào muốn thức khuya. Chúng bắt đầu ngáy.

Sáng sớm, khi tiếng kẻng chưa kịp vang lên thì đã có người lục đục đi đánh răng ngoài chái nhà. Bên ngoài sương mù dày đặc, cây cỏ chìm khuất. Những ngọn cây rừng nổi trôi bồng bềnh, ẩn hiện nhiều tầng.

Sương mù lãng đãng, bị níu kéo bởi những cành cây nhỏ, kẻ thành những vệt dài, mỏng manh. Lá bắp ở gần trại nên nhìn rất rõ, giống như những nét bút lông thẳng, nhọn và mềm mại. Tất cả đều lơ lửng. Sương tràn ngập như một đại dương, chỉ có cây cỏ thì la đà, chập chờn. Cả những ngọn núi cũng trôi nổi, nhẹ tênh.

Khi tiếng kẻng vang lên thì trời sáng hẳn, sương cũng tan dần, những thân cây rừng hiện ra rõ hơn phía xa tạo cho buổi sáng một chiều sâu quyến rũ. Rồi bỗng nhiên tiếng một con chim lạ đổ dài làm mọi thứ bừng tỉnh.

Thằng Bôn kéo cái túi xách của nó từ trong xó ra. Nó tìm cái khăn mặt nhưng những ngón tay của nó lại chạm phải một vật gì tròn tròn như quả quít được gói trong cái khăn lông của nó thành một cuộn chặt như đòn bánh tét. Nó rờ rẫm, bóp nắn cái vật lạ ấy, Không phải trái cây vì nó rất cứng. Cứng như sắt, rờ dần lên thấy có một cái cổ ngắn và một cái cần cũng bằng kim loại. Tại sao cái vật này lại nằm trong xách tay của mình? Tại sao nó lại được gói rất chặt trong chiếc khăn mặt? Ai đã gói cái vật ấy và bỏ vào túi xách của nó?

Nhưng rốt cuộc đó là vật gì?

Thằng Bôn cầm cái “đòn bánh tét” ấy lên, kéo một đầu chiếc khăn mặt để tháo lần ra. Ban đầu nó tưởng đó là một cái trái banh billard hay một cái ly tròn bằng thuỷ tinh nhưng cái vật ấy nặng quá. Nó kéo nhích một chút nữa thì lòi ra một cái mỏ vịt màu cứt ngựa. Chỉ cần nhích cái khăn lông chút xíu nữa là cái mỏ vịt bung ra. Nó khiếp đảm hét lên:

— Lựu đạn! Cứu tôi! Cứu!

Những ngón tay nó siết chặt lấy trái lưu đạn M26 đã được rút chốt sẵn. Đám tù hoảng hồn chui xuống gầm bục xi-măng. Phía ngoài cổng có tiếng cán bộ quản giáo:

— Chuyện gì đó?

— Lựu đạn. Rút chốt rồi. Mau cứu!

Cán bộ cũng không dám vào. Thằng Bôn run lập cập. Cả hai chân nó cũng run. Có một giọng khàn đục vang lên:

— Nắm chặt! Buông ra là chết cả đám.

Bù Khú bước tới. Bằng kinh nghiệm chiến trường của mình, lão tóm gọn cái mỏ vịt trong tay thằng Bôn như siết cổ một con rắn. Chiếc khăn lông rơi xuống đất. Mặt thằng Bôn xanh lè. Nó khóc mếu máo. Cán bộ quản giáo vừa tới. Bù Khú hỏi:

— Các ông có cái chốt an toàn nào không?

— Chốt ở đâu mà có! Ném nó xuống ao đi.

Bù Khú tung quả lựu đạn. Một vệt khói vẽ theo đường rơi. Rất may nó nổ dưới mặt nước.

@

Trong khi cán bộ an ninh hỏi cung Bôn thì Bù Khú gặp thằng Điểm.

— Tao biết ai làm chuyện đó rồi.

Thằng Điểm làm thinh, rồi nó ghé vô tai Bù Khú:

— Ông mà tố cáo, tui giết ông liền.

— Không cần tao tố cáo. Người ta đang hỏi cung thằng Bôn. Lát nữa họ sẽ vô còng đầu mày cho mà coi.

Thằng Điểm nhìn Bù Khú với cái nhìn u ám. Nó hỏi:

— Bây giờ làm sao, hả bố?

— Mày làm thì mày phải chịu chứ. Sao mày ác quá vậy? Chỉ vì một gói thuốc lá.

— Chẳng lẽ ngồi im chờ chết sao?

— Trốn đi.

Nhưng nó chưa kịp đứng dậy thì bốn người an ninh đã xách AK bước vô trại. Thằng Điểm bị còng tay dẫn đi.

— Mày lấy lựu đạn ở đâu?

— Không phải em. Em không biết gì cả.

— Tối qua mày và thằng Bôn tranh nhau gói thuốc lá, đúng không?

— Dạ đúng. Nhưng em không có hại nó.

— Mày có hăm doạ nó không?

— Em chỉ nói: “mày coi chừng tao.”

— Câu đó có nghĩa như thế nào?

— Em bị nó bóp tay đau quá nên phản ứng như vậy thôi. Chỉ vì tự ái.

— Trong trại chỉ có hai đứa mày xích mích với nhau. Chẳng lẽ có đứa nào khác làm chuyện đó sao?

— Em không biết. Và em cũng không có lựu đạn. Ở trong trại giam này em lấy đâu ra lựu đạn?

— Đó là câu mà tao muốn hỏi mày. Thực ra tao đã biết lựu đạn ở đâu mày có. Mày suy nghĩ kỹ đi. Mày phải thành thật khai báo, nếu không tao sẽ giao mày cho công an. Mày biết tội gì không?

— Em không biết.

— Mày có hai tội: tàng trữ vũ khí bất hợp pháp và mưu sát.

Người nhân viên an ninh mở còng cho nó, anh ta nói:

— Tao khoan hồng cho mày về trại. Đêm nay suy nghĩ kỹ, ngày mai thành thật khai báo sẽ được giảm tội.

Khi thằng Điểm về trại, mọi người đều xa lánh nó. Nó biết thân nên cũng không lại gần ai. Không khí trong trại thật ảm đạm. Không ai nói tiếng nào. Lúc gần tắt đèn, Bù Khú đến bên nó, mồi cho nó điếu thuốc. Nó thầm thì, lén lút:

— Bố ơi, cứu con với.

Bù Khú nói lớn cho mọi người nghe:

— Mày hãy tự cứu mày. Cứ khai đúng sự thực. Đó là cách tốt nhất.

Rồi ông bỏ đi. Nhưng rồi ông dừng lại, vì thấy cần phải nói thêm một câu nữa:

— Nếu quả thật trái lựu đạn ấy là của mày thì mày cứ khai ở đâu mà có, may ra sẽ được giảm tội.

Bù Khú leo lên cái bục xi-măng, nằm quay mặt vô vách.

@

Sáng hôm sau trong trại xôn xao vì là ngày thăm nuôi. Bù Khú ngủ muộn. Thực ra ông đã thức dậy lúc hai giờ sáng và không ngủ lại được. Đến bốn giờ rưỡi chợp mắt được một chút thì mọi người đã nhốn nháo.

Ngày chủ nhật đầu tháng. Đó là ngày lão ghét nhất. Vì là ngày thăm nuôi. Bọn tù làm ồn. Chờ đợi gọi tên cũng ồn, gặp người thân cũng ồn, gặp xong vô kiểm quà cũng ồn. Xin xỏ, năn nỉ, chửi bới, văng tục, khóc lóc, đánh lộn. Đó là ngày bát nháo nhất trong tháng. Và nó chẳng dính dáng gì tới Bù Khú. Lão đếch có ai thăm nuôi. Đã bốn tháng rồi. Trại tù cho gì ăn nấy. Có dịp ra ngoài lao động, ăn thêm lá rừng, lục lọi mấy trái bứa, trái sim, trái me... nhưng cũng bị tụi tù vặt sạch từ lâu, chỉ còn mấy thứ còi cọc, sống sít, chua chua chát chát...

Lão ngáp. Lão cố ngủ. Thằng Điểm cũng vậy, chẳng ai thăm nuôi nó. Nó ngồi im trong xó. Hôm nay chủ nhật có lẽ không ai rảnh mà hỏi cung nó. Nó ngủ ngồi. Nó bất động như một đống thịt đang bị ôi, đang bốc mùi. Nó gọi:

— Bố ơi!

Nhưng Bù Khú không trả lời. Lão nhắm mắt nhưng vẫn nghe rõ tiếng cánh cửa phòng giam đóng mở, tiếng chân người, tiếng gọi nhau ngoài hàng rào. Chúng cứ dồn tới, ập tới rầm rì như cái chợ xổm. Đến một lúc thì lão rơi vào trạng thái lơ mơ, được chút xíu thì có ai đập vào mông.

— Bác Mười Bù. Có người thăm nuôi.

Lão mở mắt.

— Cái gì?

— Thăm nuôi kìa.

— Ai?

— Ông chớ ai. Lẹ lên! Người ta gọi tên hai lần rồi đó.

Lão ngồi dậy, kéo vạt áo chùi cái mặt. Lão bước ra khỏi cánh cửa sắt, chói mắt vì ánh nắng. Lão thấy có bàn tay ngoắc ngoắc bên song cửa sổ phòng đợi. Dường như đó là một cô gái. Lão nhìn thấy một cánh tay ốm yếu. Lão mừng quá. Như người cha gặp lại con mình sau nhiều năm thất lạc trong chiến tranh.

Lão ngồi xuống cái băng dài bằng tre, đối diện Đào.

— Con ơi, chú tàn tạ quá phải không?

— Chú rất là phong trần.

— Sao con biết chú ở đây?

— Con đi tìm suốt ba tháng nay, người ta chỉ lung tung, lúc thì Bố Lá, lúc thì Xuyên Mộc, lúc thì Tân Hiệp, lúc thì Xuyên Sơn. Cuối cùng là đây.

Đào bày các thứ quà lên cái bàn tre. Bù Khú hồi hộp. Không dám cầm bàn tay cô gái.

— Chú thật không ngờ được gặp lại con. Có phải con đem cá hố chiên mặn không?

— Chính xác! Còn có cà pháo muối nữa. Chú ăn đi.

Bù Khú ngồi gặm miếng cá hố chiên như ngày còn ở cái am nhỏ trên bến sông. Đào đi vòng ra sau lưng ông, người cô ép sát vào lưng ông, cô dùng những ngón tay của mình chải tóc cho ông, rồi vạch từng cái chân tóc, chậm chạp, cẩn trọng, âu yếm. Cô thấy có nhiều sợi tóc đã bạc, nhiều chòm đã ngã màu muối tiêu. Và cô cứ vuốt ve từng nhúm tóc như thế, mê mải, thật chậm, thật nhẹ như muốn gởi tấm lòng của mình vào mái đầu của một con người mà cô biết rõ còn hơn biết chính bản thân mình.

Bù Khú ngồi ăn và lắng nghe những ngón tay của cô gái hoà nhập vào tâm hồn mình qua ngả những sợi tóc, qua ngả những cảm xúc mềm mại trên da đầu.

Ông thấy rõ ràng những ngón tay của cô đang thủ thỉ với những sợi tóc, đang nũng nịu, đang trách móc. Và những ngón tay ấy đang hôn hít tâm trí ông, đang ủ giấc mơ thầm lặng, ngậm ngùi của ông bằng hơi ấm của da thịt con gái.

Rồi bỗng nhiên một giọt nước ấm rơi trên đỉnh đầu ông, rồi một giọt nữa, vỡ ra dưới chân tóc, thấm vào da đầu, lan toả một thứ hơi ấm nồng nàn của tuổi trẻ.

Nhưng tiếng kẻng đã giằng họ ra, bứt họ ra khỏi cuộc hoan lạc thần thánh đó.

Đào khóc thút thít. Cô níu chặt cánh tay ông khi ông bước ra khỏi phòng đợi để trở về trại.

— Con về đi.

— Con đứng đây nhìn chú vô trại rồi con mới về. Chú đi đi. Con không sao đâu mà.

Rồi Đào ôm cổ ông, nhón gót để hôn lên trán ông. Ngay lúc đó có tiếng của một oan hồn, hay của một con sói, một con ma trơi từ trong rừng sâu bay ra. Tiếng nó lạnh và tanh tưởi như một ngọn gió vừa bay qua bãi tha ma đầy xác người.

— Đào ơi! Đào ơi! Anh là Điểm đây!

Đào lạnh xương sống. Cô lắng nghe. Nó lại gọi:

— Đào ơi! Anh là Điểm đây!

Cô gái run rẩy ôm chặt lấy Bù Khú:

— Chết rồi chú ơi. Đúng là nó rồi. Sao nó lại ở đây? Nó sẽ giết con mất.

— Nó không làm gì con được đâu. Con đi đi. Chú sẽ tìm cách liên lạc với con sau.

— Nhưng chừng nào mới gặp lại chú?

— Chú sắp về rồi. Vì chú không có tội gì cả.

Đào quay lưng đi. Gần như bỏ chạy. Nhưng trong trại giam có sự hỗn loạn. Một tiếng súng nổ rồi một bóng người vụt ra. Đó là thằng Điểm. Lúc ấy Đào vừa ra khỏi cổng trạm gác. Thằng Điểm chạy trước, hai bảo vệ cầm ma-trắc rượt theo. Nó xông vô trạm gác, dùng khẩu colt 45 khống chế lính gác, đoạt lấy cây AK, chạy đuổi theo những người đi thăm nuôi.

Nó đi chân đất, quần áo tơi tả, một bên bả vai rách toạc ra, để lộ hình xâm con gà đá. Nó vừa chạy vừa kêu lên:

— Đào ơi! Đợi anh với!

Nó bắn mấy phát chỉ thiên khiến những người đi thăm nuôi phải nằm rạp xuống đất. Đào cũng lăn lóc trong đám người hỗn loạn ấy. Cô biết khi nó nổi cơn điên thì nó sẽ làm gì. Cô đã từng bị nó bóp cổ đến lè lưỡi ra, tím mặt, từng bị nó trói, treo lên nhánh cây, từng bị nó dìm xuống nước ngạt thở.

Hai người bảo vệ đã đuổi kịp nhưng không dám tiếp cận nó. Họ núp sau những gốc cây lớn.

— Buông súng đi! Không tụi tao bắn.

Thằng Điểm xoay người lại, bứt tung ngực áo:

— Bắn đi! Dám chơi không?

Và nó cứ ngang nhiên đi lại, sục sạo đám người đang nằm chết khiếp dưới đất.

— Đào ơi! Anh sẽ dẫn em về quê.

Một bảo vệ quyết định bắn vào khẩu AK nó đang cầm. Khẩu tiểu liên văng xuống đất và thằng Điểm cũng nhào xuống bờ mương. Nhưng nó vẫn còn một khẩu colt 45 trong túi quần. Nó bò lên con đường đất đỏ và bắn một phát súng thị uy. Cả một góc rừng náo loạn.

Đào thấy nó lại gần, liền bỏ chạy về phía Bù Khú lúc ấy cũng đang đi tìm cô. Nhưng Điểm đã sấn tới, thộp cổ. Taytrái nó chẹn họng, tay phải có chĩa nòng súng vô lỗ tai cô gái.

— Trốn hả? Chúng ta cùng trốn.

— Nhưng tui không ở với anh nữa. Anh tha cho tui.

— Mày là vợ tao, tại sao mày không ở với tao?

— Vì anh đã bán tôi cho ổ điếm. Vì anh đã trấn nước tôi, đã trói tôi ngoài nắng. Anh hành hạ tôi như con chó ghẻ. Tôi không sống với anh nữa đâu.

— Không có thì giờ. Chạy!

Và nó kéo Đào như kéo một con mèo.

Bù Khú nhân lúc hỗn loạn cũng lẻn ra khỏi trạm gác, đuổi theo. Ông chỉ có hai tay không. Ông gọi:

— Điểm ơi! Cháu lo chạy một mình cháu đi. Trốn hai người không được đâu. Người ta đuổi theo cả đám kìa.

Nhưng nó như thằng điên, nó kéo cô gái băng qua gai gốc, bụi bờ. Nó không thèm nói một tiếng.

— Điểm ơi. Người ta sẽ bắn chết cháu đấy. Bỏ con Đào ra đi. Nó là cháu của chú mà. Chú sẽ lo cho nó.

Thằng Điểm trả lời bằng một phát súng làm tung bụi lên mặt Bù Khú khiến ông phải núp vào một gốc cây. Bốn người lính trong trại cũng vừa tới, đạn cày nát mặt đất. Thằng Điểm chạy ra bờ suối, hướng về phía bụi gai, nơi có hang đá.

Những người lính bao vây xung quanh. Bù Khú nói:

— Đừng bắn!

Nhưng bọn lính đã xả nguyên một băng vô cửa hang.

— Đầu hàng đi! Mày không thoát được đâu.

Điểm trả lời bằng một khối lửa và một tiếng nổ rung chuyển. Thịt xương tung toé cửa hang. Đó là một đòn xoá sổ, điên dại, man rợ và dứt điểm bằng sự im lặng chết chóc. Bù Khú ẩn mình trong bụi gai. Thằng Điểm thoát ra khỏi hang, mặt đầm đìa những máu. Nó cõng Đào trên lưng, mềm rũ như một con hoẵng đã chết.

Nó chạy khập khiễng vào trong rừng sâu như một con đười ươi què. Nó băng nhầu vào gai góc và bụi rậm, tay cầm khẩu colt.

Bù Khú bám theo nó từng bước, rón rén, dè chừng. Nó đang tìm một chỗ hẹp nhất để lội qua suối nhưng dường như nó đã kiệt sức vì thương tích đầy mình. Cuối cùng nó quyết định lội xuống nước. Trên lưng nó, Đào rũ rượi và bất động. Nó cúi khom người, lấy thăng bằng. Nước không sâu nhưng chảy xiết. Nó lội ra chưa đến giữa dòng thì trượt chân. Đào bị văng xuống suối, nổi rập rềnh, xoay mấy vòng rồi trôi đi. Thằng Điểm thì chìm nghỉm, nó quẫy đạp yếu ớt, cố ngoi lên nhưng không được.

Bù Khú lao xuống suối, bơi theo Đào. Ông kẹp cô gái vào nách, thoát ra khỏi chỗ nước xoáy. Phía trên đầu nguồn, một cánh tay của thằng Điểm giơ lên. Nó chĩa mũi súng về phía Bù Khú, bắn một phát nhưng viên đạn vọt lên ngọn cây. Lại một phát nữa nhá lửa trên tảng đá lớn. Sau đó nó chìm lỉm. Mất tăm.

Bù Khú đưa được Đào qua bên kia suối. Ông đặt cô nằm trên một tảng đá bằng phẳng và làm những động tác hô hấp nhân tạo.

Ông hối hả, bối rối và tuyệt vọng. Ông thổi hơi vào miệng cô, ấn hai bàn tay lên ngực cô. Ông vừa làm vừa khóc. Có vẻ như cái tấm thân mềm mại ấy đã không còn sự sống.

— Đào ơi! Đừng chết! Chú yêu con!

Ông lại thổi hơi vào miệng, lại đè tay lên ngực, khóc hu hu như đứa trẻ con mất mẹ.

— Đào ơi! Sao lại như thế này?

Ông ôm cô gái vào ngực mình. Nó rũ rượi. Ông siết thật chặt tấm thân mảnh dẻ của Đào, ông muốn truyền hơi ấm cho cô, muốn truyền cả sự sống của ông cho cô, muốn nhập chút linh hồn thoi thóp của mình vào cho cô được sống lại.

— Đào ơi! Đừng bỏ chú.

Bù Khú cõng cô gái trên lưng, băng rừng mà đi, càng lúc càng sâu trong cây lá dày đặc vì ông biết rằng nếu chậm trễ ông sẽ bị bắt trở lại.

Lát sau ông nhìn thấy một khoảng sáng và nghe tiếng gà gáy. Trước mặt ông là một trảng cỏ tranh dày đặc, không có lối đi. Cuối cùng ông quyết định băng về hướng có tiếng gà gáy.

Cỏ tranh cứa nát da thịt ông. Máu từ trên trán và hai bên thái dương chảy vô mắt, chảy vào miệng ông mặn mặn. Ông cố nuốt lấy máu mình để lấy sức. Một con rắn hổ đất đen thui ngóc đầu lên từ trong lá cỏ rậm. Bù Khú đứng im. Hai bên nhìn nhau một lúc thì con rắn bỏ đi, lúc ấy ông nghe có tiếng dế kêu ran và một cái đồi trọc hiện ra trước mặt. Nó chỉ thoải thoải như cái dốc nhưng ông leo lên không nổi. Ông cố hết sức rướn người lên thì ngã ngửa ra, bất tỉnh. Đào văng xuống đất, nằm sấp, đè lên ngực Bù Khú.

@

Xế chiều có một cô gái người dân tộc từ trong rừng đi ra. Cô ta ngoài ba mươi tuổi, cao lớn, mặc xà-rông, lưng mang gùi. Cô đứng nhìn hai người đang nằm bất động, rồi cô ngồi xuống, lay gọi. Bù Khú mở mắt ra, giật mình, ôm Đào đặt xuống bãi cỏ.

— Xin hãy cứu cô gái này.

— Cô ấy đã chết rồi.

— Không. Cô ấy hãy còn sống.

Người nọ đặt gùi xuống đất rồi quỳ gối, áp tai lên ngực Đào.

— Trái tim không còn đập nữa.

Bù Khú nhắm mắt lại.

Người nọ bứt một sợi chỉ trên chiếc xà-rông, đưa lên ngang mũi của Đào.

— Không còn thở nữa.

Bù Khú hỏi:

— Quanh đây có buôn làng không?

— Không.

— Vậy nhà cô ở đâu?

— Em sống trong rừng.

— Gia đình cô ở đâu?

— Ba mẹ em ở ngoài buôn. Nhưng em thích sống một mình trong rừng.

— Tên cô là gì?

— Ka Anh.

Bù Khú mượn cái xà-gạt của Ka Anh vẽ một hình chữ nhật dưới gốc cây rồi cào xới mặt đất. Ông vừa làm vừa khóc, nước mắt trộn lẫn với mồ hôi, thấm ướt ngực áo. Hai bàn tay ông rách toác, đầm đìa máu. Những ngón tay đỏ lòm cào xuống thớ đất mùn đen tơi tả, vốc lên từng nắm, từng nắm, giữ trong tay, ôm trong ngực. Ka Anh sử dụng cây xà-gạt mạnh mẽ, thành thạo. Cô dùng nó như một cái xẻng.

Họ đào huyệt mà như làm tổ cho một con chim lớn vừa rũ cánh.

Bù Khú bế Đào lên, ấp cô trong ngực, bước tới gần cái huyệt. Nhưng ông không nỡ đặt cô gái xuống cái hố sâu thăm thẳm ấy. Nơi đó chỉ có đất đen. Côn trùng và rễ cây. Không có cả một manh chiếu rách. Sao chú lại có thể vùi con dưới cái huyệt mộ tối tăm này?

Tại sao con lại chết? Chú không thấy có vết thương nào trên thân thể con. Vẫn mềm mại, vẫn thanh thoát, bình yên như một giấc ngủ. Vậy mà không còn sự giao cảm, không một dấu hiệu của ý thức. Đào ơi, con đi đâu vậy? Con đã lìa bỏ cái thân xác này sao? Con không biết rằng từng ngón tay, từng cái lúm đồng tiền, từng nét môi, từng sợi lông mi của con đều rất quen thuộc với chú, vậy mà nó đã khép lại, không hề nhìn thấy tâm hồn chú đang tan vỡ, thân xác chú đang sụp đổ... Đào ơi! Con đã bỏ đi đâu vậy? Con đang ở nơi nào? Trong cái hình hài thân quen này đang còn lại những gì vậy? Chẳng lẽ là rỗng không? Chẳng lẽ là vô tri vô giác?

@

Ngôi mộ chỉ là một nấm đất nhỏ, đơn độc ẩn mình dưới tàn cây. Họ ngồi nhìn vào khoảng rừng thưa nơi nắng sắp tắt.

Ka Anh nói:

— Mình ông đầy máu.

— Đó là do cỏ tranh.

— Ông có muốn em rửa vết thương cho ông không?

— Nhà cô ở gần đây sao?

— Đi chừng nửa giờ.

Hai người từ giã ngôi mộ.

Bù Khú hỏi:

— Cô đi đâu về vậy?

— Đi chợ. Em đem măng tre và củ mài ra chợ để đổi gạo và thức ăn. Em đi từ lúc bốn giờ sáng.

Ka Anh dẫn Bù Khú đi qua chiếc cầu gỗ để đến một cái sân rộng mọc đầy cỏ may. Nắng xế đã thắp trên từng bông cỏ ngọn lửa của nó, tạo ra một đám cháy ảo giữa thung lũng. Ngôi nhà sàn của Ka Anh nổi vật vờ giữa đám cháy ấy. Nó nhỏ như cái tổ chim và đã cũ kỹ, xám xịt.

Ka Anh nói:

— Chúng ta sẽ nhóm một bếp lửa. Sẽ không có muỗi và sẽ đỡ lạnh.

Ka Anh bước lên cầu thang. Nó được đẽo từ một thân cây, thành những bực cấp.

Cô lấy cái que cời lửa, thả lửa ra từ lớp tro mỏng trong cái bếp tưởng chừng đã nguội lạnh. Ngọn lửa mọc lên như cái chồi cây đỏ tía rồi chợt bùng lên thành một quầng sáng mới mẻ, tươi tắn. Lửa như con chim vừa được thả ra khỏi cái lồng vô hình và đang xoè đôi cánh rực rỡ của nó. Hai người ngồi nhìn ngọn lửa. Họ vùi một ít củ khoai trong tro nóng và uống chè xanh. Bù Khú nói:

— Ở đây thật im lặng và tách biệt. Em đã sống như thế này trong bao lâu rồi?

— Từ khi em mới sinh con cho đến khi gởi nó về ngoại. Đã ba năm.

— Sao em không về ở với con?

— Cái nhà rất nhỏ và đông người. Không có gì để ăn.

— Em ở đây một mình như thế này không sợ sao?

— Sợ gì chứ?

— Thú dữ.

— Thú dữ cũng rất cần em. Không có em chúng cũng buồn đấy. Những đêm trăng em đứng hát ngoài hành lang, nhìn xuống sân thấy cọp và gấu đứng nghe. Chúng đứng im lặng, lẩn trong cỏ may.

Ka Anh ngồi xuống bên bếp lửa. Cô khều mấy củ khoai ra, đưa cho Bù Khú. Cô trở nên lặng lẽ, như khoảng trời chợt ngừng gió.

— Hỏi thật anh nhé. Anh làm gì mà lâm vào tình cảnh thương tâm như vậy? Cô gái ấy là ai? Và anh là ai?

— Anh và cô gái là những người tù. Trốn từ trại cải tạo ra. Bị rượt đuổi.

— Anh làm gì mà bị tù?

— Người ta tìm thấy thuốc phiện trong nhà anh. Nhưng anh không buôn bán thuốc phiện. Em có tin anh không?

— Em không biết. Nhưng trông anh có vẻ như một thầy giáo. Tại sao trong nhà anh có chứa thuốc phiện?

— Lúc đầu anh sống một mình trong căn nhà lá bên bến sông. Rồi sau đó những người trôi dạt ngoài xã hội, những trẻ bụi đời, những cô gái bị chồng hành hạ như cô gái mà chúng ta vừa chôn khi chiều... đã đến tá túc. Và anh đã bảo bọc cho họ. Có lẽ thuốc phiện là do một trong những người đó đem về.

— Em hiểu rồi. Thôi, anh nằm xuống và ngủ đi.

Ka Anh cũng nằm xuống sàn gỗ. Bếp lửa cũng đã sắp tàn. Nó ánh lên gương mặt lồi lõm của người đàn ông mệt mỏi.

Nhưng Bù Khú không ngủ được.

Ngọn lửa đã tắt, bếp lửa chỉ còn những hòn than đỏ ửng sau lớp tro mỏng. Bù Khú ngồi dậy rất nhẹ. Ông tựa lưng vào bức vách làm bằng những thân cây xù xì, ông nhìn những trái bầu khô lủng lẳng cạnh những trái bắp giống. Tất cả như những vật đã hoá thạch trong cổ tích. Cô con gái của rừng đang ngủ mà không chờ đợi một ai đến đánh thức dậy. Cô ngủ đơn độc, lẻ loi như vậy đã nhiều năm. Ngủ cô quạnh trong xó núi như một sinh vật vô danh, như một số phận nhỏ nhoi giữa trời đất, giữa rừng già mênh mông bất tận.

Khi ông chưa đến đây, cái thế giới nhỏ bé này đã vậy. Rồi ông đến, như kẻ đi lạc, như để góp thêm vào cõi hiu quạnh một thân phận khác, cũng hiu hắt như cô gái Châu Mạ này, như những trái bầu khô, những trái bắp này, như bếp lửa này.

Cô gái, bếp lửa, cái nhà sàn và đám cỏ may trước sân kia là một thế giới, một câu chuyện cổ tích, có lẽ sẽ rất xót xa, rất ngậm ngùi...

 

[còn tiếp 3 chương]

 

 

------------

Đã đăng:

BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 1 & 2]  (tiểu thuyết) 
Có người nọ không rõ quê quán ở đâu, học vấn thế nào, về đất Phú Xuân cất một cái am bên nhánh sông vắng vẻ, ở chung với một con chó. Tiên sinh không giao du với ai, trong nhà cũng chẳng có ti-vi, điện thoại. Không nghe tiếng nhạc, cũng vắng tiếng người. Lâu lâu mới có tiếng chó kêu ăng ẳng vì mừng rỡ. Tuyệt nhiên không có tiếng sủa... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 3]  (tiểu thuyết) 
... “Các ông đừng quan trọng hoá mình. Bởi vì cuộc chiến này không phải của các ông đâu. Cuộc chiến này là của những người lính, những người đã chết và đang chết. Các ông chỉ là bọn ăn theo.” Bù Khú cầm ngang khẩu súng trước bụng. Thủ Trưởng hoảng hốt lùi lại. Bắn không? Ngón tay trỏ của Bù Khú nóng rực trên cò súng, tròng mắt muốn lòi ra, răng cắn vào môi bật máu... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 4]  (tiểu thuyết) 
... Đó là lần “nhỡ tàu” cay đắng và bẽ bàng nhất. Bây giờ, mỗi khi có chuyến tàu dừng lại là em sợ. Bảo im lặng. Anh ngắm những con cá chép đang nổi trôi quanh hòn giả sơn. Ngọc ơi, những con cá này không suy nghĩ gì cả, chúng rỗng không và vô định. Em hãy nhìn chúng và quên hết những chuyện ấy đi. Đừng sợ... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 5 & 6]  (tiểu thuyết) 
... Ngài đang tan chảy như một hạt muối thả xuống dòng sông. Ngài cảm nhận sự hoà nhập chậm rãi, dịu dàng và âu yếm. Ngài bồng bềnh như đám mây mỏng, như sương khói, lãng đãng quấn quít quanh những ngón tay mềm mại, những ngón tay vuốt ve từng sợi tóc, đùa nghịch với chúng bằng sự đằm thắm của người mẹ... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 7 & 8]  (tiểu thuyết) 
... Và tiên sinh đặt một ngón tay lên môi cô gái. Đào cười, hàm răng huyền thoại của cô ánh ngời trong bóng tối. Rồi cô ngậm ngón tay của ông. Đó là ngày thứ nhất Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ. Ngài phán: “Nụ hôn hãy sáng lên!” Que le baiser soit! Và nụ hôn đã hiển hiện. Et le baiser fut. Đó là lời Chúa. Tạ ơn Chúa. Hallelujah!... (...)
 
... Thưa các đồng chí, chúng ta đang làm một cuộc cách mạng lớn, một cuộc lột xác vĩ đại. Chúng ta đang xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, (uống bia). Hiện nay chúng ta đang gặp những khó khăn do chiến tranh để lại, nhưng khi đánh thắng đế quốc Mỹ chúng ta đã đi được ba phần tư đoạn đường (uống bia). Chúng ta sẽ xây dựng một xã hội văn minh hiện đại theo kiểu mới. Lúc đó mọi người sẽ làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu. Sẽ không còn chợ búa, không có người bán và người mua. Và tất nhiên là không cần tiền tệ nữa... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 11]  (tiểu thuyết) 
... Ông lội xuống, đón đầu chiếc bè và thả mình trôi theo dòng chảy của khúc sông đang rực lên vì ngọn lửa huy hoàng đang bốc cao khỏi những ngọn cây. Lửa làm ông thấy ấm áp giữa dòng sông đầy gió. Thuý đang hoá thân thành ánh sáng. Thuý đang nhìn người tình của mình đang tiễn đưa cô trong cuộc chia tay không bao giờ trở lại... (...)
 
... Kết luận thật đơn giản! Có lẽ tôi là người có nhiều danh hiệu nhất thế giới: cán bộ kháng chiến, trí thức yêu nước, nhà báo, kẻ sát nhân, kẻ buôn bán ma tuý, chứa chấp trộm cướp và gái điếm... vậy rốt cuộc tôi là ai?... (...)
 
... Thế thì ai cứu mình? Có thể cứu được một xã hội quỷ quyệt không? Có thể thoát khỏi quyền lực của bọn Mafia không? — Vậy phải làm gì? — Chạy trốn. — Trốn ở đâu?... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021