thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 18 & 19]

 

Đã đăng: [chương 1 & 2] - [3] - [4]

 

18.

 

Bù Khú chở Ka Anh trên xe máy đi về phía ngôi mộ của Đào. Họ đắp thêm đất lên đó và trồng rất nhiều hoa Mười Giờ phủ kín nấm mộ. Cỏ trên đồi xanh rờn như một thảm nhung phẳng. Ka Anh đi ra xa tìm mấy củ cỏ gấu, cất vào trong cái túi thổ cẩm nhỏ đeo bên hông, còn Bù Khú thì nằm bên nấm mộ và hút thuốc rê. Ông nghe tiếng những con chim chào mào hót đâu đó trong tàn cây và thấy tâm hồn mình như muốn tan theo cơn gió. Những cơn gió rất mỏng, chảy qua tâm thức ông làm cho nó mụ mị, mơ hồ, bất định.

Ka Anh trở lại với rất nhiều cỏ gấu. Cô níu Bù Khú ngồi dậy. Họ lại vượt qua một con dốc cao mới tới được ngôi làng nhỏ của người Mạ.

Trên đỉnh dốc là một vùng đất bằng phẳng vàng cháy và trơ trụi. Bù Khú không thể tưởng tượng được rằng giữa vùng rừng núi bạt ngàn này lại có một ngôi làng cằn khô như thế. Như ốc đảo trong sa mạc. Như một thị trấn hoang sơ của miền viễn tây Hoa Kỳ cách đây 200 năm.

Hai bên con đường đất bụi mù là những ngôi nhà gỗ lụp xụp ủ rũ dưới nắng cháy. Những ngõ cụt màu nâu đỏ mất hút sau các vách ván so le, vỡ nát, thủng lỗ. Không một bóng người. Không tiếng chim. Không tiếng heo gà. Ngôi làng lạnh lẽo dưới nắng chói.

Rồi đột nhiên hàng chục đứa trẻ từ trong các ngõ ngách hiện ra. Đứng như trời trồng, Không nói. Không cười. Không cử động. Chỉ thấy những cái bụng ỏng và những cặp mắt đầy ghèn.

Mình đang lạc vào thế giới nào vậy?

Những đứa trẻ như vừa mọc ra từ đất. Chúng như những bụi xương rồng lùn tịt, khẳng khiu trên cát nóng. Chúng đang thủ thế với mình hay đang chào đón?

Dường như sắp xảy ra một cuộc đấu súng.

Những chàng cao bồi nhỏ thì áo quần rách rưới, ruồi đậu quanh mép, còn Bù Khú thì toát mồ hôi. Không ai có súng cả. Dường như đó là một sự căng thẳng giả tạo. Cũng có thể đó chỉ là một sự ngạc nhiên kéo dài.

Ka Anh nói một câu gì đó bằng tiếng dân tộc.

Ngay tức khắc đám trẻ con chạy ùa đến vây lấy Bù Khú. Tiên sinh ngồi thụp xuống, mở cái bao vải ra. Ông nghèo quá, nên quà không có gì ngoài những bao xì-nách.

Mấy con gà mái không biết từ đâu cũng chạy đến. Năm ba con chó vàng và heo mọi ốm nhách.

Dưới gầm ngôi nhà sàn thường là để nhốt trâu bò nhưng dường như đã lâu lắm người ta không dùng đến cái khoảng trống đó. Mặt đất trong chuồng nham nhở. Không có cỏ, cũng không có rơm khô. Cả phân bò cũng không có. Sự sống đang tàn lụi, đang co rúm lại, quắt queo như một trái cây chưa kịp chín đã khô héo.

Ngôi nhà sàn này khá dài và có một cầu thang đi lên. Toả ra hai bên là những khoảng trống u ám của những vách lá mục nát đen nhẻm bị hun khói hàng chục năm bởi những bếp lửa phân chia từng gia đình một.

Bếp lửa cũng đã tắt ngấm. Đặt bàn tay lên tro than thấy lạnh tanh. Những que củi cháy dở nằm ngổn ngang như xác chết nám đen trên chiến địa.

Nhìn lên mái thấy hàng trăm cái lỗ thủng. Thấy có đám mây dửng dưng bay ngang qua. Thấy gió phe phẩy những lá mục. Vách ngăn giữa các gia đình làm bằng bao bố kết lại cũng đã tả tơi.

Nhưng đây không phải là cái nhà sàn bỏ hoang. Vẫn có mấy bộ quần áo treo trên vách. Mấy cái bầu khô. Xà-gạt và gùi. Những cư dân này đang ở trong rừng. Họ không có chè để hái, không có cà phê để hái, không có bắp để hái. Họ hái củi. Bó từng bó lớn, mang trên vai, gùi trên lưng. Đi bộ mấy chục cây số. Hai bàn chân bè ra. Nứt nẻ. Chai cứng. Băng rừng ra đến chợ. Kiếm được hạt gạo sao mà khốn cùng vậy!

@

Bù Khú lại chở Ka Anh xuống cái dốc sâu để trở về thung lũng cỏ may của mình. Chiếc xe máy cũ kỹ giấu trong bụi rậm được lôi ra, và Bù Khú lại bắt đầu cuộc vật lộn với cỗ máy han rỉ, ồn ào đó.

Con đường đất đỏ tung bụi mù giữa trưa nắng, gầm gừ chống trả con ngựa già rổn rảng bằng những cú xóc ương ngạnh, phũ phàng. Cuối cùng Bù Khú tìm thấy một lối mòn lẩn khuất giữa đám bắp và rẽ vào đó. Họ đi một lúc đã nghe thấy tiếng suối chảy. Bù Khú cho xe ra khỏi đám bắp, vòng qua một vườn chè và dừng lại trước ngôi nhà tôn lụp xụp của người thợ rừng.

Họ trả chiếc xe máy. Lúc trở ra, họ nghe phía dưới thung lũng có tiếng con nít la lối. Hình như đoàn văn công ở tỉnh về.

Hai người đến gần, mới biết là có bốn người Fulro bị bắt, đem từ trong rừng về. Một đàn ông bị xích chân vào gốc mít, một đàn bà và hai đứa con nít. Bọn họ và mấy người dân quân xã ngồi nghỉ mệt dưới bóng cây.

Người đàn ông rất cao lớn, ngồi cúi mặt, bà vợ ông ta thì ốm yếu và thất thần. Chỉ có hai đứa con nít thì lanh chanh như hai con khỉ nhỏ. Chúng đứng nhăn răng cười, chỉ tay vô bụng. Có người đưa cho chúng mấy viên kẹo, chúng đưa lên mũi ngửi, xé viên kẹo ra nếm rồi nhăn mặt vứt đi. Người nọ lại đưa một ổ bánh mì. Một đứa chụp lấy, nhảy tót lên cành cây, đu mấy cái đã ở tít trên ngọn mít. Đứa còn lại phóng theo, chuyền cành nhanh như vượn, tiếng kêu “khẹt khẹt” phát ra từ cổ họng chúng. Hai đứa đuổi nhau trên ngọn cây, giành ổ bánh mì. Cuối cùng đứa nhỏ thua. Nó ngồi trên cành cây, nhìn đứa lớn gặm ổ bánh, rồi chợt nó bẻ một cành mít nhỏ đưa lên miệng, gặm lớp vỏ cây, ăn ngấu nghiến.

Ka Anh rẽ đám đông, thò đầu vô xem. Tức thì chạm phải một khuôn mặt râu tóc dài như người rừng. Và một đôi mắt buồn, khắc khoải. Đó là đôi mắt đã từng theo dõi cô trong rừng, phía sau, phía trước, trên ngọn cây... bất kể ngày đêm, bất kể mưa nắng. Đôi mắt ấy đang nhìn cô trân trối. Một đôi mắt đẹp. Một cái nhìn tuyệt vọng.

Cô thảng thốt bỏ đi. Bù Khú hỏi:

— Sao mặt em tái mét vậy?

Ka Anh đứng tựa vào gốc mít. Im lặng một lúc, rồi hỏi:

— Fulro là gì?

— Đó là “Mặt Trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức” do người Pháp thành lập trước đây. Đã lâu lắm.

— Nhưng nó là tiếng gì vậy? Không phải tiếng của người Mạ.

— Nó viết tắt từ tiếng Pháp: Front Uni de Lutte des Races Opprimées. Nhưng em hỏi để làm gì? Sao em có vẻ xúc động quá vậy?

— Vì em quen với người đàn ông đó. Ông ta là kẻ đã từng âm thầm theo bảo vệ em trong rừng.

— Anh nhớ ra rồi.

— Bù Khú à! Em không biết cái Mặt Trận ấy tốt hay xấu nhưng em tội nghiệp cho anh ta quá, anh có cách gì cứu họ không?

— Không. Đó là chuyện chính trị, rất phức tạp.

Ka Anh thở dài. Bù Khú đưa cô ra khỏi đám đông. Đi được một đoạn thì Bù Khú dừng lại.

— Ka Anh này, hay là em hỏi xem anh ta có cần thuốc Tây không?

— Em cũng có ý định đó.

Hai người quay lại chỗ cũ, đến sát gốc mít. Người Fulro nọ tuy bị xích chân nhưng hai tay vẫn tự do. Anh ta có vẻ ngạc nhiên khi thấy Ka Anh quay lại. Ka Anh hỏi bằng tiếng dân tộc:

— Chào anh, anh có cần gì không?

— Cô có thể giúp tôi được gì?

— Thuốc Tây chẳng hạn. Hay là thức ăn?

Anh ta nhìn sang Bù Khú. Ông đón nhận cái nhìn ấy một cách chân tình. Bù Khú nhờ Ka Anh thông dịch, ông nói:

— Cái xích sắt làm chân anh chảy máu. Anh cần băng bó và cần thuốc kháng sinh.

Ka Anh không biết dịch từ “thuốc kháng sinh” vì cô không hiểu nghĩa tiếng Việt của nó. Bù Khú cũng chẳng biết làm sao để diễn tả, ông buộc miệng nói:

— Antibiotique?

— Oui, j’en ai besoin.

— Excellent! Vous parlez Français?

— Bien sûr.

— Avez-vous besoin de nourriture? Je peux vous chercher de quoi manger.

— S’il vous plaît.

— J’ai entendu dire que vous êtes un partisan de Fulro. N’est-ce pas?

— Pas moi, mais mon père.

— Alors, pourquoi on vous a arrêté?

— On a trouvé quelques vieux fusils dans la forêt au près de ma caverne. Je crois que ce sont des fusils de mon père.

(— Thuốc kháng sinh? — Vâng, tôi đang cần nó. — Tuyệt quá! Anh biết nói tiếng Pháp? — Tất nhiên. — Anh cần thực phẩm không? Tôi có thể tìm một cái gì đó cho anh ăn. — Làm ơn. — Tôi nghe nói anh là thành viên của Fulro phải không? — Không phải tôi, mà là cha tôi. — Vậy tại sao người ta bắt anh? — Người ta đã tìm thấy mấy cây súng cũ trong rừng, cạnh cái hang tôi đang ở. Tôi nghĩ rằng đó là súng của cha tôi.)

Người lính gác vừa phát hiện cuộc nói chuyện bất thường giữa hai người đàn ông, anh ta xách súng bước lại, hỏi:

— Nói gì đó?

Bù Khú:

— Anh ta kêu đau chân. Anh có thể băng bó vết thương cho anh ta được không? Và đừng xích chân nữa. Tôi nghĩ nên thay bằng một cái còng tay. Còng số 8.

— Đó không phải chuyện của các người. Đi đi! Đi chỗ khác!

Anh ta dùng báng súng đẩy lưng Bù Khú và Ka Anh ra khỏi đám đông. Ka Anh lấy tờ bạc năm chục ngàn vò thành một cục rồi ném dưới chân người Fulro trước khi bỏ đi.

Khi ra khỏi đám đông Ka Anh hỏi:

— Anh nói chuyện gì với anh ta vậy?

Bù Khú thuật lại nội dung câu chuyện.

Ka Anh nói:

— Em tiếc là đã không giúp được gì cho anh ấy.

— Đành vậy. Mình không làm được gì trước họng súng đâu.

Hai người băng qua đám mì để đến dòng suối, chỗ có cây cầu gỗ.

 

19.

 

Bù Khú không có đồng hồ nên không biết mấy giờ, nhưng trời có vẻ đã khuya lắm. Ka Anh đang ngủ say. Than hồng trong bếp tuy được phủ một lớp tro mỏng nhưng vẫn ửng lên những đóm sáng. Ông ngồi tựa lưng vô khung cửa, nhìn xuống bãi cỏ trước nhà. Ánh trăng non rải một vùng sáng bạc mơ hồ tận những lùm cây đen. Trong vùng sáng hư ảo ấy ông nhìn thấy đốm mắt của những con thú nhỏ đi ăn đêm.

Ông uống hết chai rượu và lấy chai khác. Trong cơn say, ông thấy mình nhẹ tênh, thân xác như hư vô, như gió bụi. Tâm hồn ông rỗng không, đang tan biến, đang hoà nhập vào bóng tối.

Trong cái im lặng của đêm, ông nghe như có tiếng gọi mơ hồ của một người con gái, tiếng gọi ấy phát ra từ hướng ngọn đồi cỏ, nơi Đào đang yên nghỉ. Trước đây thỉnh thoảng trong những mùa trăng ông vẫn nghe tiếng gọi ấy, nhưng chưa bao giờ nó được truyền dẫn một cách bí nhiệm như lúc này.

Bù Khú cầm chai rượu bước ra ngoài, xuống cầu thang, đi lẩn vào đám cỏ may như một kẻ mộng du.

Ông đi mải miết trong bóng đêm, qua những đồi chè, những nương rẫy...

Chợt ông nghe tiếng súng nổ và tiếng những bước chân. Bù Khú ngồi thụp xuống, chui vào một hốc đá. Bất ngờ một đàn dơi từ đó túa ra như cơn lốc xoáy, kèm theo một rừng tiếng động hỗn loạn. Bù Khú ngã chúi xuống đất, chạm phải cái lưng của một người đang nằm sấp.

Bên ngoài hốc đá là một đám người nhốn nháo, hỗn loạn, đang xô đẩy nhau vì bị đàn dơi tấn công bất ngờ. Bọn họ cũng nằm rạp xuống, cong người lại, hai tay ôm đầu.

Bên trong, Bù Khú lăn ra khỏi cái xác. Ông dùng ngón tay đè lên động mạch cổ, thấy nó còn đập yếu ớt. Ông lật ngửa người ấy ra, sờ lên khuôn mặt đầy râu của gã, thấy còn chút hơi ấm.

Chòm râu quai nón của gã làm ông nhớ đến một người ông đã từng gặp. Ông hỏi:

— Fulro?

— Oui, c’est moi. Je viens de s’évader de prison mais ils m’ont poursuivi jusqu’ici. Je suis blessé par un coup de fusil.

— Òu est votre blessure?

— À l’ épaule gauche. J’ai besoin de bandage hémostatrique.

(— Fulro phải không? — Vâng, tôi đây. Tôi vừa vượt ngục nhưng bị bọn họ đuổi theo đến đây. Họ bắn tôi bị thương — Anh bị thương ở đâu? — Ở vai trái, tôi cần cầm máu.)

Bù Khú cởi áo ra cột vết thương cho anh ta nhưng máu vẫn chảy. Giọng anh ta rất yếu ớt:

— J’ai peur.

— Il faut sortir d’ici pour les premiers soins.

(— Tôi sợ. — Phải rời khỏi đây để sơ cứu.)

Bù Khú ngồi dậy, vạch lá nhìn ra bên ngoài. Dưới ánh trăng mờ đục chỉ còn những đám sương mù. Đàn dơi đã biến mất. Những người lính cũng biến mất.

Ông cõng người đàn ông bước ra khỏi hốc đá và ngạc nhiên thấy mình đang ở rất gần ngọn đồi nơi có nấm mồ của Đào.

Người đàn ông nặng quá, Bù Khú bước loạng choạng lên cái dốc thấp.

Cạnh nấm mồ của Đào có một cái cây lớn, Bù Khú sẽ đến đó và đặt anh ta nằm xuống rồi ông sẽ đi mượn chiếc xe máy chở anh ta về nhà. Nhưng ông chỉ bước được mấy bước thì súng nổ.

Chỉ một phát. Đơn độc, khô và lạnh.

Bù Khú quỵ xuống. Người đàn ông trên lưng văng xuống đất, nắm ngửa trên cỏ, bất động. Bù Khú không biết mình bị thương ở đâu. Cơn đau cũng rất mơ hồ. Nhưng ông cảm thấy mình đang rơi vào một cơn mê sảng. Ông nghĩ rằng sẽ có nhiều tiếng chân người chạy đến nhưng chung quanh rất im lặng. Bù Khú cố hết sức trườn tới chỗ Đào đang nằm.

Dường như bình minh đang đến mặc dù sương mù vẫn còn. Ông cảm thấy mình đang trôi vào một cõi nào đó, mơ hồ và đầy những ảo ảnh. Ông đang lạc vào một vùng đất xa lạ, một chốn nào đó rất tinh khiết, rất tĩnh lặng, không có âm thanh, không có mặt trời, không có cả loài người và muông thú. Đó là vùng đất của hoài niệm, của mong manh, lung linh...

Nấm đất bên cạnh ông cũng lung linh, được kết bằng một thứ cỏ dại, như mây, như khói. Mây giăng như áo lụa vẫy cánh trên khoảng trời rộng. Rừng như tạc vào sương mù, bồng bềnh những bóng lá sẫm màu. Ông đặt tay lên nấm mộ và cảm thấy sự mềm mại của vùng bụng phẳng của cô gái trẻ. Lỗ rún sâu, như cái lúm đồng tiền hồn nhiên, thanh bình trong đêm trăng nơi chiếc võng treo trong khu vườn nhỏ. Đó là Đào. Vùng bụng phẳng như một bình nguyên hạnh phúc. Ngày ấy, ông vẫn thường áp mặt mình lên vùng bụng đó và đặt môi mình lên cái rún đó. Ông đã thấy mình trẻ lại. Và qua lỗ rún, người con gái đã truyền sức trẻ của mình vào trái tim đã mệt mỏi của ông. Ông đã sống mạnh mẽ qua những thử thách đau khổ, cay đắng của trần gian.

Ông đã từng đến đây, ngày và đêm, nhưng chưa lần nào ông lạc vào một cảnh giới mộng mị như hôm nay.

Đào ơi, chúng ta từ cõi nào đã hiện ra trên thế gian này, đã gặp nhau và yêu nhau như những đứa trẻ. Khi yêu con, chú đã vứt cái tuổi già của chú vào bãi rác, vứt xuống sông cho thuỷ triều đem ra biển. Chú đã thoát ra khỏi dây trói của thời gian và con đã đứng trong vầng sáng trẻ trung, níu lấy cánh tay của chú, lôi chú ra khỏi sự ngu ngốc của tuổi tác, sự bần tiện của lão hoá, đạp trên quy luật của trời chỉ để đến được khu vườn nghèo nàn nơi cái am nhỏ bên bến sông, chỉ để đến được buổi sáng lạnh lẽo hôm nay.

Ước gì chú có thể được gặp con lần nữa.

Đào ơi!

@

Khi mặt trời đã lên cao thì Ka Anh đến. Hoa Mười Giờ đang nở đỏ rực trên nấm mồ của Đào. Cô nhìn thấy giọt nước mắt của gã si tình già. Bù Khú nằm nhắm mắt, hai bàn tay gầy đặt trên những ngọn cỏ.

Ka Anh gọi:

— Bố già! Bố già dễ thương của em.

Nhưng Bù Khú đã bất động. Cô ngồi xuống nhìn sát mặt ông, thấy nó như tượng gỗ. Nó lạnh ngắt. Cô áp tai lên ngực ông. Nó đông cứng. Và máu đã khô đặc lại.

Rồi cô phát hiện đàng xa có một người đang nằm co quắp. Đó là một hình bóng quen thuộc nhưng giờ đã biến thành một gốc cây, một hòn đá.

Ka Anh ôm Bù Khú vào lòng như một người mẹ. Cô áp mặt mình vào mái tóc lốm đốm bạc của ông và ru ông bằng những giọt nước mắt im lặng.

 

ĐÀO HIẾU
(Tháng 12 năm 2011)

 

 

------------

Đã đăng:

BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 1 & 2]  (tiểu thuyết) 
Có người nọ không rõ quê quán ở đâu, học vấn thế nào, về đất Phú Xuân cất một cái am bên nhánh sông vắng vẻ, ở chung với một con chó. Tiên sinh không giao du với ai, trong nhà cũng chẳng có ti-vi, điện thoại. Không nghe tiếng nhạc, cũng vắng tiếng người. Lâu lâu mới có tiếng chó kêu ăng ẳng vì mừng rỡ. Tuyệt nhiên không có tiếng sủa... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 3]  (tiểu thuyết) 
... “Các ông đừng quan trọng hoá mình. Bởi vì cuộc chiến này không phải của các ông đâu. Cuộc chiến này là của những người lính, những người đã chết và đang chết. Các ông chỉ là bọn ăn theo.” Bù Khú cầm ngang khẩu súng trước bụng. Thủ Trưởng hoảng hốt lùi lại. Bắn không? Ngón tay trỏ của Bù Khú nóng rực trên cò súng, tròng mắt muốn lòi ra, răng cắn vào môi bật máu... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 4]  (tiểu thuyết) 
... Đó là lần “nhỡ tàu” cay đắng và bẽ bàng nhất. Bây giờ, mỗi khi có chuyến tàu dừng lại là em sợ. Bảo im lặng. Anh ngắm những con cá chép đang nổi trôi quanh hòn giả sơn. Ngọc ơi, những con cá này không suy nghĩ gì cả, chúng rỗng không và vô định. Em hãy nhìn chúng và quên hết những chuyện ấy đi. Đừng sợ... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 5 & 6]  (tiểu thuyết) 
... Ngài đang tan chảy như một hạt muối thả xuống dòng sông. Ngài cảm nhận sự hoà nhập chậm rãi, dịu dàng và âu yếm. Ngài bồng bềnh như đám mây mỏng, như sương khói, lãng đãng quấn quít quanh những ngón tay mềm mại, những ngón tay vuốt ve từng sợi tóc, đùa nghịch với chúng bằng sự đằm thắm của người mẹ... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 7 & 8]  (tiểu thuyết) 
... Và tiên sinh đặt một ngón tay lên môi cô gái. Đào cười, hàm răng huyền thoại của cô ánh ngời trong bóng tối. Rồi cô ngậm ngón tay của ông. Đó là ngày thứ nhất Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ. Ngài phán: “Nụ hôn hãy sáng lên!” Que le baiser soit! Và nụ hôn đã hiển hiện. Et le baiser fut. Đó là lời Chúa. Tạ ơn Chúa. Hallelujah!... (...)
 
... Thưa các đồng chí, chúng ta đang làm một cuộc cách mạng lớn, một cuộc lột xác vĩ đại. Chúng ta đang xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, (uống bia). Hiện nay chúng ta đang gặp những khó khăn do chiến tranh để lại, nhưng khi đánh thắng đế quốc Mỹ chúng ta đã đi được ba phần tư đoạn đường (uống bia). Chúng ta sẽ xây dựng một xã hội văn minh hiện đại theo kiểu mới. Lúc đó mọi người sẽ làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu. Sẽ không còn chợ búa, không có người bán và người mua. Và tất nhiên là không cần tiền tệ nữa... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 11]  (tiểu thuyết) 
... Ông lội xuống, đón đầu chiếc bè và thả mình trôi theo dòng chảy của khúc sông đang rực lên vì ngọn lửa huy hoàng đang bốc cao khỏi những ngọn cây. Lửa làm ông thấy ấm áp giữa dòng sông đầy gió. Thuý đang hoá thân thành ánh sáng. Thuý đang nhìn người tình của mình đang tiễn đưa cô trong cuộc chia tay không bao giờ trở lại... (...)
 
... Kết luận thật đơn giản! Có lẽ tôi là người có nhiều danh hiệu nhất thế giới: cán bộ kháng chiến, trí thức yêu nước, nhà báo, kẻ sát nhân, kẻ buôn bán ma tuý, chứa chấp trộm cướp và gái điếm... vậy rốt cuộc tôi là ai?... (...)
 
... Thế thì ai cứu mình? Có thể cứu được một xã hội quỷ quyệt không? Có thể thoát khỏi quyền lực của bọn Mafia không? — Vậy phải làm gì? — Chạy trốn. — Trốn ở đâu?... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 16]  (tiểu thuyết) 
... Bù Khú cõng cô gái trên lưng, băng rừng mà đi, càng lúc càng sâu trong cây lá dày đặc vì ông biết rằng nếu chậm trễ ông sẽ bị bắt trở lại. Lát sau ông nhìn thấy một khoảng sáng và nghe tiếng gà gáy. Trước mặt ông là một trảng cỏ tranh dày đặc, không có lối đi. Cuối cùng ông quyết định băng về hướng có tiếng gà gáy... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 17]  (tiểu thuyết) 
... Ban sáng bông cỏ may có màu tím đỏ, xế chiều nó cháy rực lên như lửa. Còn bây giờ dưới ánh trăng mờ đục, bông cỏ may toả ra một vùng sáng bạc hư ảo, chập chờn, lãng đãng như sương khói. Đó là thế giới của cô. Lặng thinh, tĩnh mịch, thầm kín... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021